Feel free to go with the truth

Trang chủ / Tư vấn pháp luật / Quy định về tạm giữ tài sản để đảm bảo Thi hành án

Quy định về tạm giữ tài sản để đảm bảo Thi hành án

Trong quá trình thi hành án dan sự, việc tạm giữ tài sản và giấy tờ của người phải thi hành án đóng vai trò quan trọng, giúp đảm bảo việc thi hành án được thực hiện hiệu quả. Tuy nhiên, hiện nay, quy định pháp luật về việc tạm giữ, giấy tờ của đương sự lại chưa rõ ràng, làm phát sinh nhiều khó khăn trong quá trình thi hành án.

1. Quy định pháp luật về tạm giữ tài sản, giấy tờ để đảm bảo thi hành án

Tạm giữ tài sản, giấy tờ của đương sự là biện pháp bảo đảm thi hành án được quy định tại Điều 68 Luật Thi hành án dân sự 2008 được sửa đổi, bổ sung năm 2014. Theo đó:

“Điều 68. Tạm giữ tài sản, giấy tờ của đương sự

  1. Chấp hành viên đang thực hiện nhiệm vụ thi hành án có quyền tạm giữ tài sản, giấy tờ liên quan đến việc thi hành án mà đương sự, tổ chức, cá nhân khác đang quản lý, sử dụng. Cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan có trách nhiệm phối hợp, hỗ trợ, thực hiện yêu cầu của Chấp hành viên trong việc tạm giữ tài sản, giấy tờ.
  2. Quyết định tạm giữ tài sản, giấy tờ phải xác định rõ loại tài sản, giấy tờ bị tạm giữ. Chấp hành viên phải giao quyết định tạm giữ tài sản, giấy tờ cho đương sự hoặc tổ chức, cá nhân đang quản lý, sử dụng.

Trường hợp cần tạm giữ ngay tài sản, giấy tờ mà chưa ban hành quyết định tạm giữ tài sản, giấy tờ thì Chấp hành viên yêu cầu giao tài sản, giấy tờ và lập biên bản về việc tạm giữ.

Trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi lập biên bản, Chấp hành viên phải ban hành quyết định tạm giữ tài sản, giấy tờ. Biên bản, quyết định tạm giữ tài sản, giấy tờ phải được gửi ngay cho Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp.’

  1. Khi tạm giữ tài sản, giấy tờ phải lập biên bản có chữ ký của Chấp hành viên và người đang quản lý, sử dụng tài sản, giấy tờ; trường hợp người đang quản lý, sử dụng tài sản, giấy tờ không ký thì phải có chữ ký của người làm chứng. Biên bản tạm giữ tài sản, giấy tờ phải được giao cho người quản lý, sử dụng tài sản, giấy tờ.
  2. Chấp hành viên yêu cầu đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp các giấy tờ, tài liệu cần thiết để chứng minh quyền sở hữu, sử dụng; thông báo cho đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan về quyền khởi kiện yêu cầu xác định quyền sở hữu, sử dụng đối với tài sản, giấy tờ tạm giữ.

Trường hợp cần thiết, Chấp hành viên phải xác minh, làm rõ hoặc yêu cầu Tòa án, cơ quan có thẩm quyền xác định người có quyền sở hữu, sử dụng đối với tài sản, giấy tờ tạm giữ.

  1. Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày có căn cứ xác định tài sản, giấy tờ tạm giữ thuộc quyền sở hữu, sử dụng của người phải thi hành án, Chấp hành viên phải ra quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế theo quy định tại Chương IV của Luật này; trường hợp có căn cứ xác định tài sản, giấy tờ tạm giữ không thuộc quyền sở hữu, sử dụng của người phải thi hành án hoặc thuộc quyền sở hữu, sử dụng của người phải thi hành án nhưng đã thực hiện xong nghĩa vụ của mình thì Chấp hành viên phải ra quyết định trả lại tài sản, giấy tờ cho người có quyền sở hữu, sử dụng.”

Theo Điều 18 Nghị định 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ, quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự có hướng dẫn cụ thể về thủ tục tạm giữ tài sản, giấy tờ để thi hành án dân sự. Nội dung này bao gồm việc lập biên bản tạm giữ, niêm phong tài sản, bảo quản và trả lại tài sản, giấy tờ tạm giữ chi tiết như sau:

“1. Trong trường hợp cần thiết, Chấp hành viên yêu cầu lực lượng công an hoặc tổ chức, cá nhân khác hỗ trợ việc tạm giữ tài sản, giấy tờ để thi hành án.

2. Biên bản tạm giữ tài sản, giấy tờ phải ghi rõ tên người bị tạm giữ tài sản, giấy tờ; loại tài sản, giấy tờ bị tạm giữ; số lượng, khối lượng, kích thước và các đặc điểm khác của tài sản, giấy tờ bị tạm giữ.

Tài sản tạm giữ là tiền mặt thì phải ghi rõ số lượng tờ, mệnh giá các loại tiền, nếu là ngoại tệ thì phải ghi là tiền nước nào và trong trường hợp cần thiết còn phải ghi cả số sê ri trên tiền.

Tài sản tạm giữ là kim khí quý, đá quý phải niêm phong trước mặt người bị tạm giữ tài sản hoặc thân nhân của họ. Trường hợp người bị tạm giữ tài sản, giấy tờ hoặc thân nhân của họ không đồng ý chứng kiến việc niêm phong thì phải có mặt của người làm chứng. Trên niêm phong phải ghi rõ loại tài sản, số lượng, khối lượng và các đặc điểm khác của tài sản đã niêm phong, có chữ ký của Chấp hành viên, người bị tạm giữ hoặc thân nhân của họ hoặc người làm chứng. Việc niêm phong phải ghi vào biên bản tạm giữ tài sản.

Tài sản, giấy tờ tạm giữ được bảo quản theo quy định tại Điều 58 Luật Thi hành án dân sự.

3. Khi trả lại tài sản, giấy tờ tạm giữ, Chấp hành viên yêu cầu người đến nhận xuất trình các giấy tờ chứng minh là người bị tạm giữ tài sản, giấy tờ hoặc là người được người đó ủy quyền.

Chấp hành viên yêu cầu người đến nhận kiểm tra về số lượng, khối lượng, kích thước và các đặc điểm khác của tài sản, giấy tờ bị tạm giữ dưới sự chứng kiến của thủ kho cơ quan thi hành án dân sự hoặc người được giao bảo quản.

Việc trả lại tài sản, giấy tờ phải lập thành biên bản.

4. Trường hợp trả lại tài sản, giấy tờ tạm giữ mà đương sự không nhận thì cơ quan thi hành án dân sự xử lý theo quy địnhtại Khoản 2, 3 và 4 Điều 126 Luật Thi hành án dân sự.”

2. Bất cập trong quy định về tạm giữ tài sản, giấy tờ để đảm bảo thi hành án

Thứ nhất, theo quy định tại Khoản 5 Điều 68 Luật Thi hành án dân sự, trong thời hạn 10 ngày kể từ khi có căn cứ xác định tài sản, giấy tờ tạm giữ thuộc quyền sở hữu, sử dụng của người phải thi hành án, Chấp hành viên phải ra quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế theo quy định của pháp luật. Nếu xác định tài sản không thuộc quyền sở hữu, sử dụng của người phải thi hành án hoặc người phải thi hành án đã hoàn thành nghĩa vụ, Chấp hành viên phải ra quyết định trả lại tài sản.

Điểm bất cập phát sinh từ cách hiểu không thống nhất về thời điểm bắt đầu tính thời hạn 10 ngày. Một số quan điểm cho rằng, thời hạn này được tính từ khi Chấp hành viên xác định tài sản thuộc quyền sở hữu của người phải thi hành án. Nếu quá thời hạn 10 ngày mà Chấp hành viên không ra quyết định cưỡng chế hoặc trả lại tài sản thì bị coi là vi phạm pháp luật. Trong khi đó, quan điểm khác lại cho rằng thời hạn này chỉ được tính từ khi Chấp hành viên hoặc Tòa án chính thức xác định tài sản đó thuộc quyền sở hữu của ai. Điều này dẫn đến sự không thống nhất trong thực tiễn áp dụng, gây khó khăn cho Chấp hành viên và ảnh hưởng đến quyền lợi của đương sự.

Thứ hai, chưa quy định cụ thể số lượng, giá trị giấy tờ, tài sản được tạm giữ để đảm bảo thi hành án

Chấp hành viên có quyền tạm giữ tài sản của người phải thi hành án để bảo đảm nghĩa vụ thi hành án, nhưng chưa có quy định cụ thể về giới hạn số lượng và giá trị tài sản được tạm giữ. Điều này tạo ra sự thiếu rõ ràng và có thể dẫn đến hai hệ quả bất lợi: Một là, Chấp hành viên có thể tạm giữ tài sản vượt quá mức cần thiết so với nghĩa vụ thi hành án, gây ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của đương sự. Hai là, trong một số trường hợp, tài sản tạm giữ có thể không đủ để đảm bảo thi hành án, làm giảm hiệu quả của biện pháp này.

Thực tế, Chấp hành viên tạm giữ nhiều tài sản có giá trị lớn hơn nghĩa vụ thi hành án, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người phải thi hành án. Ví dụ, nếu người phải thi hành án chỉ có nghĩa vụ thanh toán một khoản nợ nhỏ nhưng bị tạm giữ cả xe ô tô, giấy tờ nhà đất, sổ tiết kiệm hoặc nhiều tài sản giá trị cao khác, điều này có thể gây thiệt hại không đáng có cho họ. Trong khi đó, cũng có những trường hợp tài sản bị tạm giữ có giá trị quá nhỏ, không đủ để bảo đảm thi hành án, dẫn đến việc kéo dài thời gian giải quyết vụ việc.

Việc không có các quy định chi tiết về tạm giữ tài sản, giấy tờ để đảm bảo thi hành án có thể dẫn đến tình trạng tạm giữ tài sản vượt quá hoặc không đủ so với nghĩa vụ thi hành án, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của các bên liên quan. Một số Chấp hành viên có thể linh hoạt trong quá trình áp dụng, nhưng cũng có trường hợp lạm quyền hoặc áp dụng không hợp lý, gây ra tranh chấp và khiếu nại, làm việc thi hành án càng trở nên phức tạp.

3. Kiến nghị, đề xuất hoàn thiện quy định về tạm giữ tài sản, giấy tờ để đảm bảo thi hành án

Thứ nhất, đối với quy định tại khoản 5 Điều 68 Luật Thi hành án dân sự:

Cần bổ sung, làm rõ thời điểm tính thời gian sau 10 ngày kể từ thời điểm nào. Chẳng hạn như: Nếu sau 10 ngày kể từ khi có quyết định tạm giữ/Biên bản tạm giữ mà không có biện pháp cưỡng chế tiếp theo, Chấp hành viên phải trả lại tài sản hoặc có quyết định xử lý tiếp theo. Trường hợp nếu thấy tài sản bị tạm giữ quá lâu so với thời gian quy định, Người phải thi hành án có quyền khiếu nại theo quy định.

Thứ hai, đối với quy định về số lượng, giá trị giấy tờ, tài sản được tạm giữ để đảm bảo thi hành án

– Về điều kiện tạm giữ tài sản, giấy tờ: Cần thiết quy định cụ thể Chấp hành viên chỉ được tạm giữ tài sản có giá trị tương ứng với nghĩa vụ thi hành án, trừ trường hợp tài sản không thể tách rời hoặc không có tài sản nào khác phù hợp. Và nếu tạm giữ tài sản có giá trị lớn hơn nghĩa vụ thi hành án, Chấp hành viên phải nêu rõ lý do trong quyết định tạm giữ.

– Về giới hạn số lượng và giá trị tài sản bị tạm giữ: Tài sản bị tạm giữ phải có giá trị tương đương với nghĩa vụ thi hành án hoặc có thể nhiều hơn một mức cụ thể để dự kiến để tính thêm chi phí cưỡng chế, xử lý tài sản (nếu có). Trường hợp không có tài sản có giá trị chính xác với nghĩa vụ thi hành án, Chấp hành viên chỉ được tạm giữ tài sản có giá trị gần nhất và không vượt quá 150% giá trị nghĩa vụ thi hành án (trừ trường hợp tài sản duy nhất có giá trị lớn hơn). Ngoài ra, đối với giấy tờ có giá trị như giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, cổ phiếu, sổ tiết kiệm,… Chấp hành viên chỉ được tạm giữ nếu các loại giấy tờ này liên quan trực tiếp đến nghĩa vụ thi hành án.

– Về quy trình xác định giá trị tài sản tạm giữ: Khi tạm giữ tài sản, Chấp hành viên phải tiến hành định giá sơ bộ để đảm bảo phù hợp với nghĩa vụ thi hành án. Nếu có tranh chấp về giá trị tài sản tạm giữ, Chấp hành viên phải mời cơ quan thẩm định giá để xác định giá trị trước khi ra quyết định, tránh trường hợp tạm giữ giá trị tài sản không đúng với giá trị thực tế.

Thực tế thủ tục thi hành án liên quan đến tạm giữ tài sản, giấy tờ để đảm bảo thi hành án còn nhiều bất cập, đặc biệt là về việc xác định thời điểm bắt đầu tính thời hạn xử lý tài sản, giấy tờ tạm giữ và quy định về số lượng, giá trị tài sản được tạm giữ. Do đó, những quy định chi tiết, rõ ràng hơn về các vấn đề này, nhằm giúp Chấp hành viên thực hiện nhiệm vụ đúng pháp luật, đồng thời bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các bên trong quá trình thi hành án.

Luật sư Thanh Trà – Luật sư FDVN

………………….

Luật sư tại Đà Nẵng

Tầng 2 Tòa nhà Thư Dung Plaza, 87 Nguyễn Văn Linh, phường Phước Ninh, Quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng

Luật sư tại Huế: 

366 Phan Chu Trinh, phường An Cựu, quận Thuận Hoá, Thành phố Huế

Luật sư tại TP. Hồ Chí Minh:

Tầng 8, Toà nhà Bluesea, số 205B Hoàng Hoa Thám, phường 6, quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh

Luật sư tại Hà Nội:

Tầng 2, Star Tower, số 68 Dương Đình Nghệ, phường Yên Hoà, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội

Luật sư tại Nghệ An:

Quốc lộ 1A, Khối 11, phường Quỳnh Xuân, Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An

Tầng 2, tòa nhà Cửa Tiền Phố, đường Hồ Hữu Nhân, phường Vinh Tân, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An

Luật sư tại Gia Lai:

Số 61 Phạm Văn Đồng, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai

Website: www.fdvn.vn    www.fdvnlawfirm.vn  www.diendanngheluat.vn  www.tuvanphapluatdanang.com

Email: fdvnlawfirm@gmail.com    luatsulecao@gmail.com

Điện thoại: 0772 096 999

Fanpage LUẬT SƯ FDVN: https://www.facebook.com/fdvnlawfirm/

Legal Service For Expat:  https://www.facebook.com/fdvnlawfirmvietnam/

TỦ SÁCH NGHỀ LUẬT: https://www.facebook.com/SayMeNgheLuat/

DIỄN ĐÀN NGHỀ LUẬT: https://www.facebook.com/groups/saymengheluat/

KÊNH YOUTUBE: https://www.youtube.com/c/luatsufdvn

KÊNH TIKTOK: https://www.tiktok.com/@luatsufdvn

KÊNH TELEGRAM FDVN: https://t.me/luatsufdvn

 

Bài viết liên quan