Feel free to go with the truth

Trang chủ / BÀI VIẾT & ẤN PHẨM CỦA FDVN / QUY ĐỊNH VỀ BIỆN PHÁP THAY THẾ XỬ LÝ VI PHẠM HÀNH CHÍNH

QUY ĐỊNH VỀ BIỆN PHÁP THAY THẾ XỬ LÝ VI PHẠM HÀNH CHÍNH

Xử phạt vi phạm hành chính là việc người có thẩm quyền xử phạt áp dụng hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính.[1] Theo đó, các hình thức xử phạt vi phạm hành chính bao gồm: cảnh cáo; phạt tiền; tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; tịch thu tang vật vi phạm hành chính, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính. [2]Trong những trường hợp cụ thể, cơ quan có thẩm quyền sẽ áp dụng các biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính nêu trên.

1. Khái niệm về biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính

Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2020 đã quy định nhiều điểm mới nhằm tăng cường tính hệ thống của các quy phạm pháp luật, và tính khả thi trong việc áp dụng các quy định này vào việc xử lý vi phạm hành chính. Trong đó, các biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính được sửa đổi, bổ sung theo hướng mở rộng phạm vi và đối tượng áp dụng, tăng cường trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc áp dụng các biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính.

Biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính là biện pháp mang tính giáo dục được áp dụng để thay thế cho hình thức xử phạt vi phạm hành chính hoặc biện pháp xử lý hành chính đối với người chưa thành niên vi phạm hành chính.[3]

Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 quy định về các biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính gồm: Nhắc nhở, quản lý tại gia đình. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính (Luật sửa đổi, bổ sung năm 2020) đã bổ sung thêm biện pháp giáo dục dựa vào cộng đồng. Như vậy, hiện nay có 03 biện pháp thay thể xử lý vi phạm hành chính bao gồm: biện pháp nhắc nhở; biện pháp quản lý tại gia đình; biện pháp giáo dục dựa vào cộng đồng.

2. Điều kiện áp dụng biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính

STT

Biện pháp thay thế

Điều kiện áp dụng

1 Nhắc nhở – Biện pháp nhắc nhở là biện pháp mang tính giáo dục được áp dụng thay thế cho hình thức xử phạt cảnh cáo đối với người chưa thành niên vi phạm hành chính để người chưa thành niên nhận thức được những vi phạm của mình.

Đối tượng và điều kiện áp dung biện pháp nhắc nhở:

+ Người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi bị xử phạt vi phạm hành chính khi họ tự nguyện khai báo, thừa nhận và thành thật hối lỗi về hành vi vi phạm của mình;

+ Người chưa thành niên từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi bị xử phạt vi phạm hành chính khi hành vi vi phạm hành chính quy định bị phạt cảnh cáo và người chưa thành niên tự nguyện khai báo, thừa nhận về hành vi vi phạm, thành thật hối lỗi về hành vi vi phạm của mình.

– Khi có căn cứ cho rằng người chưa thành niên thực hiện hành vi vi phạm hành chính đáp ứng các điều kiện nêu trên thì người có thẩm quyền xử phạt có thể quyết định áp dụng biện pháp nhắc nhở.

Lưu ý: Nếu áp dụng biện pháp nhắc nhở thì người có thẩm quyền thực hiện bằng lời nói, ngay tại chỗ và không phải lập biên bản đối với người vi phạm

(Căn cứ: Điều 139 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012; Điều 26 Nghị định 118/2021/NĐ-CP)

2 Quản lý tại gia đình – Quản lý tại gia đình là biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính áp dụng đối với:

+ Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi đã 02 lần bị xử phạt vi phạm hành chính và bị lập biên bản vi phạm hành chính tại lần vi phạm thứ ba trong thời hạn 06 tháng về một trong các hành vi gây rối trật tự công cộng, trộm cắp tài sản, đánh bạc, lừa đảo, đua xe trái phép.

+ Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi đã 02 lần bị xử phạt vi phạm hành chính và bị lập biên bản vi phạm hành chính tại lần vi phạm thứ ba trong thời hạn 06 tháng về một trong các hành vi xúc phạm nhân phẩm, danh dự của người khác, gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, chiếm giữ trái phép tài sản, hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản của người khác, gây rối trật tự công cộng, trộm cắp tài sản, đánh bạc, lừa đảo, đua xe trái phép nhưng không phải là tội phạm.

+ Người từ đủ 14 tuổi trở lên đã 02 lần bị xử phạt vi phạm hành chính và bị lập biên bản vi phạm hành chính tại lần vi phạm thứ ba trong thời hạn 06 tháng về hành vi sử dụng trái phép chất ma túy.

– Để được áp dụng biện pháp quản lý tại gia đình thì người vi phạm cần đáp ứng các điều kiện sau:

+ Đã tự nguyện, khai báo, thành thật hối lỗi về hành vi vi phạm của mình;

+ Có môi trường sống thuận lợi cho việc thực hiện biện pháp này;

+ Cha mẹ hoặc người giám hộ có đủ điều kiện thực hiện việc quản lý và tự nguyện nhận trách nhiệm quản lý tại gia đình.

– Biện pháp quản lý tại gia đình được áp dụng trong khoảng thời gian 03 tháng đến 06 tháng.

– Trong thời hạn 03 ngày, kể từ ngày quyết định áp dụng biện pháp quản lý tại gia đình có hiệu lực, Chủ tịch UBND cấp xã nơi đã ra quyết định phải gửi quyết định cho gia đình và phân công tổ chức, cá nhân nơi người đó cư trú để phối hợp, giám sát thực hiện.

Người chưa thành niên đang quản lý tại gia đình được đi học hoặc tham gia các chương trình học tập hoặc dạy nghề khác, tham gia các chương trình tham vấn, phát triển kỹ năng sống tại cộng đồng.

(Căn cứ: Điều 140 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012, khoản 70 Điều 1 Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020)

3 Giáo dục dựa vào cộng đồng – Giáo dục dựa vào cộng đồng là biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính áp dụng đối với người từ đủ 12 tuổi đến dưới 14 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại Bộ luật Hình sự có nơi cư trú ổn định, đang theo học tại cơ sở giáo dục và cha mẹ, người giám hộ cam kết bằng văn bản về việc quản lý, giáo dục.

– Căn cứ vào nội dung nêu trên, Tòa án nhân dân quyết định áp dụng biện pháp giáo dục dựa vào cộng đồng đối với người vi phạm trong khoảng thời gian từ 06 tháng đến 24 tháng.

– Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày quyết định áp dụng biện pháp giáo dục dựa vào cộng đồng có hiệu lực, Tòa án nhân dân nơi đã ra quyết định phải gửi quyết định cho cha mẹ hoặc người giám hộ của người chưa thành niên và UBND cấp xã nơi người đó cư trú hoặc cơ sở trợ giúp trẻ em, cơ sở bảo trợ xã hội để phối hợp, giám sát thực hiện.

Người chưa thành niên bị áp dụng biện pháp giáo dục dựa vào cộng đồng được đi học hoặc tham gia các chương trình học tập hoặc dạy nghề khác; tham gia các chương trình tham vấn, phát triển kỹ năng sống tại cộng đồng.

(Căn cứ: khoản 71 Điều 1 Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020)

Như vậy, pháp luật quy định về việc áp dụng biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính tạo điều kiện cho đối tượng chưa thành niên khi bị xử lý vi phạm hành chính nhận thức được những hành vi sai trái mà bản thân đã gây ra, từ đó rút ra được những bài học, thay đổi bản thân để trở thành người có ích cho xã hội.

Lê Quỳnh – Luật sư FDVN


[1] Khoản 2 Điều 2 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 

[2] Khoản 1 Điều 21 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012

[3] Khoản 3 Điều 2 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 

…………….

Luật sư tại Đà Nẵng

Tầng 2, Tòa nhà Thư Dung Plaza, 87 Nguyễn Văn Linh, phường Nam Dương, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng

Luật sư tại Huế: 

366 Phan Chu Trinh, phường An Cựu, Thành phố Huế, Thừa Thiên Huế

Luật sư tại TP. Hồ Chí Minh:

Tầng 8, Toà nhà Bluesea, số 205B Hoàng Hoa Thám, phường 6, quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh

Luật sư tại Hà Nội:

Tầng 5, số 11 Ngõ 183, phố Đặng Tiến Đông, phường Trung Liệt, quận Đống Đa, Hà Nội

Luật sư tại Nghệ An:

Quốc lộ 1A, Khối 11, phường Quỳnh Xuân, Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An

Luật sư tại Gia Lai:

Số 61 Phạm Văn Đồng, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai

Website: www.fdvn.vn    www.fdvnlawfirm.vn  www.diendanngheluat.vn  www.tuvanphapluatdanang.com

Email: fdvnlawfirm@gmail.com    luatsulecao@gmail.com

Điện thoại: 0772 096 999

Fanpage LUẬT SƯ FDVN: https://www.facebook.com/fdvnlawfirm/

Legal Service For Expat:  https://www.facebook.com/fdvnlawfirmvietnam/

TỦ SÁCH NGHỀ LUẬT: https://www.facebook.com/SayMeNgheLuat/

DIỄN ĐÀN NGHỀ LUẬT: https://www.facebook.com/groups/saymengheluat/

KÊNH YOUTUBE: https://www.youtube.com/c/luatsufdvn

KÊNH TIKTOK: https://www.tiktok.com/@luatsufdvn

KÊNH TELEGRAM FDVN: https://t.me/luatsufdvn

Bài viết liên quan