Tóm tắt: “Phạt nguội” là hành động xử phạt sau khi hành vi vi phạm giao thông đã xảy ra, được phát hiện thông qua việc sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, nhưng hình thức xử phạt này không được thực hiện cùng thời điểm vi phạm. Thời gian qua, đã có hàng chục nghìn trường hợp[1] chủ xe ôtô bị cơ quan đăng kiểm từ chối đăng kiểm phương tiện vì chưa nộp phạt do vi phạm luật giao thông (phạt nguội). Nhiều ý kiến cho rằng, việc từ chối đăng kiểm phương tiện của cơ quan đăng kiểm là chưa đúng, chưa phù hợp với thực tiễn, gây khó cho người dân. Vậy, cơ quan công an tiến hành phạt nguội các phương tiện vi phạm luật giao thông, cơ quan đăng kiểm từ chối đăng kiểm phương tiện vì chưa nộp phạt (phạt nguội) có đúng với các quy định của pháp luật?
Từ khóa: vi phạm hành chính, phạt nguội, đăng kiểm phương tiện, từ chối đăng kiểm
Abstract: “Cold fine” means the penalty act after a traffic violation has occurred and is detected through the use of professional technical means and equipment but this penalty type is not carried out right after the time of violation. There have been tens of thousands of car owners whose cars have been refused to be registered by the register entities because they have not yet paid the fines for traffic violations. Several arguments admit that the refusal by the register entities to register the vehicles is not in line with the regulations, not appropriate with the realistic activities, providing inconvenience for residents. So, it is in question that whether the police decides cold fine to the traffic violation owners and then the register entities refuse to register the vehicle because of the unpaid penalty (cold fine) are complied with the legal provisions on traffic?
Keywords: administrative violations, cold fines, vehicle registration, refusal to register
- Phạt nóng và phạt nguội
Theo quy định tại Điều 2 Luật Xử lý vi phạm hành chính (VPHC) năm 2012 thì “VPHC là hành vi có lỗi do cá nhân, tổ chức thực hiện, vi phạm quy định của pháp luật về quản lý nhà nước mà không phải là tội phạm và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt VPHC; Xử phạt VPHC là việc người có thẩm quyền xử phạt áp dụng hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi VPHC theo quy định của pháp luật về xử phạt VPHC”.
Phạt do vi phạm luật giao thông là hình thức xử phạt hành vi VPHC trong lĩnh vực giao thông đường bộ, được quy định trong Luật Xử lý VPHC năm 2012. Khi phát hiện hành vi vi phạm, cơ quan chức năng, người có thẩm quyền tiến hành lập biên bản, ra quyết định xử phạt tại thời điểm có hành vi vi phạm. Người ta thường gọi hình thức phạt này là “phạt nóng”. “Phạt nguội” là hành động xử phạt sau khi hành vi vi phạm đã xảy ra, được phát hiện thông qua việc sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, nhưng hình thức xử phạt này không được thực hiện cùng thời điểm vi phạm.
Nhiều nước trên thế giới đã thực hiện việc phạt nguội khi phát hiện lỗi vi phạm qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ (như camera, máy bắn tốc độ có hình ảnh…) vì họ có đủ các phương tiện, kỹ thuật để thực hiện xử phạt kịp thời, đúng người, đúng hành vi vi phạm. Hơn nữa, pháp luật của các quốc gia này cho phép thực hiện hành vi phạt nguội khi có đủ cơ sở.
Ở Việt Nam, chúng ta đã áp dụng việc phạt nguội trong một thời gian (ở TP. Hồ Chí Minh, việc phạt nguội đã thí điểm được ba năm), nhưng thực tế việc xử phạt chưa được bảo đảm thực hiện. Nguyên nhân một mặt là do Luật Xử lý VPHC năm 2012 đang thiếu chế tài cưỡng chế để buộc người vi phạm thực hiện nghiêm việc xử phạt, mặt khác, do người vi phạm cố tình né tránh việc xử phạt (chuyển chỗ ở, bán phương tiện, cho rằng không biết, không hề nhận được thông báo về việc xử phạt…). Ngoài ra, việc phạt nguội hiện nay cũng có vướng mắc lớn khi việc phạt nguội chỉ căn cứ vào sự vi phạm của phương tiện, không biết rõ ai là người đang điều khiển phương tiện, nhất là người sử dụng phương tiện khi vi phạm lại không phải là chủ phương tiện.
Việc chúng ta áp dụng phạt nguội các phương tiện tham gia giao thông vi phạm luật giao thông qua camera, máy bắn tốc độ, bên cạnh những ưu điểm còn có những bất cập. Cụ thể là nhiều người đã bị phạt oan, do khi mua xe cũ, họ phải sang tên, đổi biển số, nhưng hành vi vi phạm luật giao thông lại xảy ra trước khi họ mua xe, sang tên, đổi biển số xe đó, đặc biệt khi đó là một doanh nghiệp vận tải có hàng trăm ô tô và thuê hàng trăm người lái. Có trường hợp, tài xế xe vi phạm luật giao thông nhưng do biết trước mức phạt sẽ rất nặng nên tài xế tự động nghỉ việc. Khi doanh nghiệp cho xe đi đăng kiểm, đơn vị đăng kiểm từ chối kiểm định khiến phương tiện không thể tiếp tục lưu thông. Tương tự như vậy là các trường hợp cho người nhà, bạn bè mượn xe. Đối với các doanh nghiệp cho thuê xe cũng vậy, nhiều cơ sở cho thuê xe nhận được giấy báo vi phạm lỗi quá tốc độ và được yêu cầu đóng phạt, nhưng người vi phạm lỗi đó là khách thuê xe và vụ việc đã xảy ra trước. Việc tìm và yêu cầu người đã mượn xe, thuê xe nộp phạt do lỗi của họ không dễ dàng đối với chủ phương tiện cho mượn, cho thuê xe.
- Cơ quan đăng kiểm có quyền từ chối đăng kiểmphương tiện vì chưa nộp phạt nguội?
Việc xử lý người vi phạm an toàn giao thông là rất cần thiết. Tuy nhiên, việc từ chối kiểm định phương tiện chậm, chưa nộp phạt nguội của Cục Đăng kiểm Việt Nam liệu đã có đủ cơ sở pháp lý?
Cách phạt nguội hiện nay là khi phát hiện phương tiện vi phạm qua thiết bị khoa học công nghệ như camera, máy đo tốc độ, lực lượng cảnh sát sẽ trích xuất biển số xe, gửi kèm thông báo về công an địa phương, nơi phương tiện được đăng ký để báo cho chủ xe đi nộp phạt. Nếu quá thời hạn mà chủ phương tiện chưa nộp phạt, cơ quan chức năng sẽ gửi giấy báo phạt đến đơn vị đăng kiểm xe. Những xe chưa nộp phạt sẽ bị cơ quan đăng kiểm từ chối đăng kiểm. Thậm chí, có trường hợp, xe vi phạm nhưng cơ quan chức năng không gửi giấy báo phạt cho chủ xe nên chủ xe không biết để nộp phạt, mà chuyển thẳng đến đơn vị đăng kiểm xe. Đến khi chủ xe đưa xe đi đăng kiểm mới phát hiện xe mình vi phạm.
Từ các thông tin của cơ quan chức năng thực hiện nhiệm vụ xử phạt hành vi VPHC trong lĩnh vực giao thông đường bộ, các thông tin xử phạt phương tiện vi phạm từ nhiều tỉnh thành sẽ được ghi nhận trên hệ thống dữ liệu của Cục Đăng kiểm Việt Nam. Khi phương tiện muốn thực hiện việc sang tên, đăng kiểm thì các Trung tâm Đăng kiểm sẽ tra cứu trên hệ thống dữ liệu này. Nếu phương tiện có quyết định xử phạt mà chủ phương tiện chưa thực hiện thì nhân viên đăng kiểm sẽ hướng dẫn cho họ hoàn tất nộp phạt. Khi chủ phương tiện mang biên lai đã nộp phạt cùng hồ sơ đến, nhân viên đăng kiểm sẽ truyền dữ liệu về hệ thống để hệ thống xóa thông tin ngăn chặn. Sau đó, việc sang tên, đăng kiểm mới được thực hiện.
Đã có nhiều ý kiến cho rằng, cơ quan đăng kiểm từ chối kiểm định các phương tiện chưa nộp phạt nguội là chưa đúng các quy định của pháp luật hiện hành. Phạt nguội và đăng kiểm là hai vấn đề khác nhau. Phạt nguội hành vi vi phạm luật giao thông là chức năng của cơ quan công an, còn chức năng của Cục Đăng kiểm Việt Nam là kiểm định chất lượng an toàn kỹ thuật các loại phương tiện để quyết định cấp phép cho phương tiện được lưu hành. Chỉ những phương tiện vi phạm tiêu chuẩn chất lượng an toàn kỹ thuật mới bị dừng đăng kiểm. Theo quy định tại Thông tư số 70/2015/TT-BGTVT ngày 09/11/2015 của Bộ Giao thông Vận tải quy định về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, có hai trường hợp không được cấp giấy chứng nhận kiểm định, đó là trường hợp xe cơ giới có “khiếm khuyết, hư hỏng quan trọng” và trường hợp xe cơ giới “khiếm khuyết, hư hỏng nguy hiểm”. Không có trường hợp nào không được cấp giấy chứng nhận kiểm định vì lý do chưa nộp phạt vi phạm giao thông đường bộ. Việc Điều 4 Thông tư số 70/2015/TT-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải ban hành ngày 09/11/2015 quy định, không được kiểm định khi đã có văn bản đề nghị không kiểm định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền hoặc xe có vi phạm đã cảnh báo trên Chương trình Quản lý kiểm định là chưa hợp lý, bởi lẽ, nếu có một văn bản nào đó quy định về sự phối hợp giữa các đơn vị cảnh sát giao thông và cơ quan kiểm định, thì đó cũng không phải là văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực bắt buộc chung. Người vi phạm giao thông phải có nghĩa vụ thực hiện biện pháp xử phạt hành chính khi họ vi phạm, nhưng phương tiện giao thông của họ vẫn phải được đơn vị đăng kiểm tiến hành kiểm định nếu họ chưa thực hiện nghĩa vụ này. Trong trường hợp người vi phạm giao thông cố tình trốn tránh, trây ỳ nghĩa vụ nộp phạt theo quyết định xử phạt VPHC, cơ quan chức năng có thể áp dụng một số biện pháp cưỡng chế buộc họ phải thực hiện. Bên cạnh đó, hành vi vi phạm dẫn tới phạt nguội là ý thức chủ quan của tài xế, không phải là lỗi của phương tiện. Khi phương tiện được mang đi đăng kiểm, lỗi của người điều khiển phương tiện lại là lý do để phương tiện không được đăng kiểm là không hợp lý. Do đó, việc từ chối đăng kiểm từ việc phạt nguội là không đúng.
Một số ý kiến khác – chủ yếu đến từ các cơ quan chức năng có thẩm quyền xử phạt hành vi VPHC trong lĩnh vực giao thông đường bộ – lại cho rằng, theo Nghị định số 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt VPHC trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt được ban hành ngày 26/5/2016 thì, trong trường hợp VPHC được phát hiện thông qua việc sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, chủ phương tiện cơ giới đường bộ có nghĩa vụ hợp tác với cơ quan chức năng để xác định đối tượng đã điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm. Và khoản 6 Điều 4 Thông tư số 70/2015/TT-BGTVT ban hành 09/11/2015 của Bộ Giao thông Vận tải quy định, không được kiểm định khi đã có văn bản đề nghị không kiểm định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền hoặc xe có vi phạm đã cảnh báo trên Chương trình Quản lý kiểm định[2]. Việc các cơ quan nhà nước phối hợp với nhau để buộc người vi phạm phải thực hiện nộp phạt là bình thường nhằm bảo vệ cho pháp luật được thực thi. Như vậy, từ các quy định này mà cơ quan đăng kiểm tạm thời chưa tiến hành đăng kiểm với các phương tiện nằm trong danh sách mà cơ quan cảnh sát giao thông thông báo về VPHC giao thông đường bộ là có cơ sở. Chủ phương tiện phải có nghĩa vụ tới cơ quan cảnh sát giao thông để phối hợp làm rõ người thực hiện hành vi vi phạm và nộp phạt.
- Một số bất cập khi phạt nguội
Thứ nhất, khoản 1a, 1b Điều 3 Luật Xử lý VPHC năm 2012 quy định các nguyên tắc: “Mọi VPHC phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời và phải bị xử lý nghiêm minh”… và “việc xử phạt VPHC được tiến hành nhanh chóng, công khai, khách quan, đúng thẩm quyền, bảo đảm công bằng, đúng quy định của pháp luật”. Như vậy, sẽ không phù hợp nếu cảnh sát giao thông để mấy tháng sau khi vi phạm xảy ra mới xúc tiến việc lập biên bản cũng như thực hiện các bước xử lý tiếp theo. Đó là chưa kể, có trường hợp người vi phạm chỉ biết mình bị xử phạt VPHC sau hàng năm trời, khi mang phương tiện đi kiểm định định kỳ.
Thứ hai, Điều 56, Điều 57, Luật Xử lý VPHC năm 2012 cũng đã quy định về xử phạt VPHC không lập biên bản và xử phạt VPHC có lập biên bản, hồ sơ xử phạt VPHC . Các “trường hợp VPHC được phát hiện nhờ sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật, nghiệp vụ thì phải lập biên bản” (khoản 1 Điều 56). Điều 58 quy định về lập biên bản VPHC tại khoản 1: “Khi phát hiện VPHC thuộc lĩnh vực quản lý của mình, người có thẩm quyền đang thi hành công vụ phải kịp thời lập biên bản, trừ trường hợp xử phạt không lập biên bản theo quy định tại khoản 1 Điều 56 của Luật này”; và “trường hợp VPHC được phát hiện nhờ sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật, nghiệp vụ thì việc lập biên bản VPHC được tiến hành ngay khi xác định được tổ chức, cá nhân vi phạm”. Điều 58 quy định về yêu cầu của biên bản VPHC là: “2. Biên bản VPHC phải ghi rõ ngày, tháng, năm, địa điểm lập biên bản; họ, tên, chức vụ người lập biên bản; họ, tên, địa chỉ, nghề nghiệp của người vi phạm hoặc tên, địa chỉ của tổ chức vi phạm; giờ, ngày, tháng, năm, địa điểm xảy ra vi phạm; hành vi vi phạm; biện pháp ngăn chặn VPHC và bảo đảm việc xử lý; tình trạng tang vật, phương tiện bị tạm giữ; lời khai của người vi phạm hoặc đại diện tổ chức vi phạm; nếu có người chứng kiến, người bị thiệt hại hoặc đại diện tổ chức bị thiệt hại thì phải ghi rõ họ, tên, địa chỉ, lời khai của họ; quyền và thời hạn giải trình về VPHC của người vi phạm hoặc đại diện của tổ chức vi phạm; cơ quan tiếp nhận giải trình.
Trường hợp người vi phạm, đại diện tổ chức vi phạm không có mặt tại nơi vi phạm hoặc cố tình trốn tránh hoặc vì lý do khách quan mà không ký vào biên bản thì biên bản phải có chữ ký của đại diện chính quyền cơ sở nơi xảy ra vi phạm hoặc của hai người chứng kiến”; và “3. Biên bản VPHC phải được lập thành ít nhất 02 bản, phải được người lập biên bản và người vi phạm hoặc đại diện tổ chức vi phạm ký”; “Biên bản VPHC lập xong phải giao cho cá nhân, tổ chức VPHC 01 bản”… Như vậy, trong trường hợp VPHC được phát hiện nhờ sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật, nghiệp vụ và tiến hành phạt nguội, các yêu cầu về lập biên bản; nội dung của biên bản; họ, tên, địa chỉ, nghề nghiệp của người vi phạm hoặc tên, địa chỉ của tổ chức vi phạm; giải trình về VPHC của người vi phạm; người ký biên bản… đều không đáp ứng được các quy định của Luật Xử lý VPHC năm 2012, vì phạt nguội hoàn toàn không có biên bản này.
Thứ ba,khoản 2 Điều 64 Luật Xử lý VPHC năm 2012 quy định về sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ trong việc phát hiện VPHC có nêu 4 nguyên tắc về quản lý, sử dụng và quy định danh mục các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, nhưng không quy định nguyên tắc chịu trách nhiệm khi các thông tin có được từphương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ không chính xác hoặc bị làm giả, bị đánh tráo. Hiện nay, pháp luật quy định hình ảnh trích xuất trong camera chỉ là một nguồn tài liệu để phục vụ cho việc xác định giữa hình ảnh với thực tế có phải là một hay không. Trong điều tra tố tụng, ảnh trích xuất trong camera cũng chỉ để làm cơ sở giúp cho việc thu thập, củng cố các chứng cứ buộc tội khách quan khác nhằm kết luận hành vi vi phạm hay phạm tội. Hình ảnh trong camera mới chỉ là của cơ quan chuyên môn (có thể là cảnh sát giao thông), còn đối với đối tượng liên quan hoàn toàn chưa có, hơn nữa với trình độ công nghệ hiện nay hình ảnh ghép, cấy như thật không phải là khó.
- Các kiến nghị hoàn thiện pháp luật
– Sửa đổi, bổ sung Luật Xử lý VPHC năm 2012 theo hướng tách các quy định về sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ trong việc phát hiện VPHC thành một phần riêng. Tại phần này, Luật Xử lý VPHC quy định về các nguyên tắc quản lý, sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ trong việc phát hiện VPHC, hình thức, quy trình xử phạt VPHC, sự phối hợp giữa các cơ quan trong xử phạt VPHC, trách nhiệm trước các thông tin thu được từ việc trích xuất hình ảnh, âm thanh từ các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ… Có thể quy định cụ thể về: thời gian, quy trình làm các thủ tục xử phạt VPHC; khi trích xuất các thông tin (hình ảnh, âm thanh) từ các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ có cần làm biên bản không, ai ký biên bản, có nên mời đại diện chính quyền địa phương nơi đặt các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ làm chứng không, giải trình về VPHC của người vi phạm vào thời điểm nào…
– Xây dựng, ban hành một Nghị định của Chính phủ quy định về sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ trong việc phát hiện VPHC nói chung, không riêng chỉ trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Vì hiện nay, các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ được sử dụng khá phổ biến, từ camera đặt chung quanh các cơ sở công quyền, vườn hoa, các tòa nhà chung cư đến phố đi bộ… đều ghi nhận được các hành vi VPHC. Dựa vào các thông tin trích xuất từ các phương tiện này để xử phạt VPHC sẽ rất văn minh, hiệu quả và tiết kiệm.
– Sửa đổi, bổ sung Nghị định số 46/2016/NĐ-CP ngày 26/5/2016 của Chính phủ quy định xử phạt VPHC trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt theo các sửa đổi, bổ sung của Luật Xử lý VPHC năm 2012, trong đó quy định rõ quy trình, sự phối hợp giữa các cơ quan trong xử phạt VPHC qua việc sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ.
– Sửa đổi, bổ sung Thông tư số 70/2015/TT-BGTVT ngày 09/11/2015 của Bộ Giao thông Vận tải quy định về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, theo hướng quy định rõ việc người VPHC trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt được phát hiện thông qua việc sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ nhưng chưa nộp phạt có được tiến hành kiểm định phương tiện giao thông cơ giới đường bộ hay không./.
[1] Theo báo Tuổi trẻ Online, hiện có hơn 15.000 ôtô các loại bị ngăn chặn đăng kiểm do vướng phạt nguội từ lỗi vi phạm giao thông mà chưa đi đóng phạt, xem: “Chặn đăng kiểm do chưa nộp phạt nguội: chủ xe dễ bị oan”; TTO ngày 07/10/2017.
[2] “Từ chối” đăng kiểm xe vi phạm: Cục Cảnh sát giao thông nói gì?” Xem: http://vietnamnet.vn/vn/chuyen-trang/oto-xemay/tu-choi-dang-kiem-xe-vi-pham-cuc-canh-sat-giao-thong-noi-gi-403261.html, truy cập ngày 11/10/2017.
Lê Trung Hiếu, Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Nguồn: http://www.nclp.org.vn/thuc_tien_phap_luat/hoan-thien-cac-quy-111inh-phap-luat-ve-201cphat-nguoi201d |