Tôi là Minh, đầu tháng 7 vừa rồi tôi có ký hợp đồng mua bán xe ô tô với một người bạn với giá 800 triệu đồng. Hai bên có thỏa thuận bạn tôi trả trước 200 triệu và 1 tháng sau sẽ trả toàn bộ số tiền còn lại cho tôi. Bạn tôi nói đem hợp đồng đi lập vi bằng để làm bằng chứng nếu sau này có tranh chấp và không cần công chứng cũng được. Tôi xin hỏi là vi bằng là gì? Nếu sau này có tranh chấp tôi đem vi bằng đó ra có được hay không?
Trả Lời:
Dựa trên yêu cầu của Quý khách hàng cùng với các văn bản pháp luật liên quan được tra cứu, FDVN đưa ra ý kiến như sau:
Thứ nhất, Vi bằng là gì?
Căn cứ quy định tại Khoản 3 Điều 2 Nghị định 135/2013/NĐ-CP, ngày 18/10/2013 sửa đổi tên gọi và 1 số điều của Nghị định 61/2009/NĐ-CP, ngày 24/7/2009 Về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại thực hiện thí điểm tại TP. Hồ Chí Minh thì Vi bằng được hiểu là văn bản do Thừa phát lại lập, ghi nhận sự kiện, hành vi được dùng làm chứng cứ trong xét xử và trong các quan hệ pháp lý khác.
Như vậy, vi bằng chỉ ghi nhận những sự kiện, hành vi mà Thừa phát lại trực tiếp chứng kiến một cách khách quan, trung thực; không có giá trị pháp lý thay thế thủ tục công chứng, chứng thực.
Thứ hai, Giá trị pháp lý của việc lập Vi bằng Hợp đồng mua bán xe ôtô
Theo quy định tại điểm g khoản 1 Điều 10 Thông tư số 15/2014/TT-BCA ngày 04/4/ 2014 Quy định về đăng ký xe: “Giấy bán, cho, tặng xe của cá nhân phải có công chứng theo quy định của pháp luật về công chứng hoặc chứng thực của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn đối với chữ ký của người bán, cho, tặng xe theo quy định của pháp luật về chứng thực”.
Như vậy, đối với giao dịch mua bán xe ôtô bắt buộc phải thực hiện thủ tục công chứng, chứng thực mới phát sinh hiệu lực. Khi đó, dù có lập vi bằng ghi nhận lại sự kiện các bên có tiến hành giao kết việc mua bán xe cũng không thay thế được thủ tục công chứng, chứng thực theo luật định. Trường hợp vi phạm thủ tục này, hợp đồng mua bán xe của các bên sẽ vi vô hiệu do vi phạm do không tuân thủ về mặt hình thức.
Đồng thời, nếu hợp đồng mua bán xe không tiến hành công chứng, chứng thực; các bên sẽ không tiến hành được thủ tục tiếp theo là đăng ký sang tên chủ sở hữu xe tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Khi đó, quyền lợi của Anh là bên mua xe sẽ không được đảm bảo.
Chính vì vậy, để đảm bảo được quyền lợi của mình, các bên bắt buộc phải công chứng hoặc chứng thực hợp đồng mua bán xe ô tô này.
Trên đây là ý kiến tư vấn của FDVN liên quan đến yêu cầu tư vấn của Anh/chị trên cơ sở nghiên cứu các quy định pháp luật. Hy vọng các ý kiến tư vấn của FDVN sẽ hữu ích cho Anh/Chị.
Theo CVPL: Nguyễn Thị Sương
Công ty Luật FDVN