Feel free to go with the truth

Trang chủ / Hình sự / Tổng hợp 18 bản án về tội vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh

Tổng hợp 18 bản án về tội vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh

FDVN giới thiệu tài liệu “Tổng hợp 18 bản án về tội vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh” do các Luật sư – Chuyên viên pháp lý của FDVN sưu tầm, tổng hợp. 

Tài liệu này phục vụ cho mục đích học tập, nghiên cứu, công tác và được chia sẻ hoàn toàn miễn phí. Chúng tôi phản đối việc sử dụng tài liệu này vào mục đích thương mại và mục đích khác trái pháp luật.

MỤC LỤC

STT

NỘI DUNG

TRANG

Bản án số: 14/2024/HS-PT ngày 11/06/20244 của Tòa án nhân dân tỉnh Tuyên Quang

Vụ án: “Vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh”

Nội dung vụ án:

Khoảng 13 giờ 30 phút ngày 28/6/2023, tại nhà ở của bà Nguyễn Thị T1 thuộc tổ dân phố D, phường Ỷ, thành phố T, tỉnh Tuyên Quang, Dương Đình B (không có chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh) đã thực hiện việc truyền thuốc Promelain 1g (trong thuốc Promelain có thành phần P1) và thuốc Supvizyn 2ml (trong thuốc Supvizyn có thành phần Niacinamid) vào cơ thể bà Nguyễn Thị T1. Sau khi truyền thuốc, bà Nguyễn Thị T1 bị sốc phản vệ và chết.

Tòa án cấp Sơ thẩm tuyên:

Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 315; điểm b, s, v, x khoản 1 Điều 51; Điều 38 Bộ luật Hình sự. Tuyên bố bị cáo Dương Đình B phạm tội “Vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh”; xử phạt bị cáo Dương Đình B 01 (một) năm 06 (sáu) tháng tù. Thời hạn tù tính từ ngày bị cáo đi chấp hành án

Tòa án cấp Phúc thẩm nhận định:

1. Về thủ tục tố tụng: Đảm bảo đúng pháp luật; đơn kháng cáo của những người đại diện hợp pháp của bị hại là hợp lệ, trong hạn luật định.

2. Bị cáo là người có năng lực trách nhiệm hình sự, đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự; bị cáo không có chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh nhưng vẫn thực hiện việc truyền thuốc vào cơ thể bà Nguyễn Thị T1 khi không có chỉ định của bác sĩ, hậu quả bà Nguyễn Thị T1 bị sốc phản vệ và chết. Do vậy Tòa án cấp sơ thẩm đã xét xử bị cáo về tội “Vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh” theo điểm a khoản 1 Điều 315 Bộ luật Hình sự là có căn cứ, đúng người, đúng tội.

3.  Xét kháng cáo của người đại diện của bị hại, Hội đồng xét xử thấy rằng:

+ Người đại diện của bị hại cho rằng sau khi bà T1 chết, bị cáo đã có hành vi che giấu tội phạm (mang vỏ hộp thuốc tiêm truyền vứt đi nơi khác) nhưng đây chỉ là những suy đoán của đại diện bị hại, không có căn cứ chứng minh, do vậy không có cơ sở để xem xét

+ Đối với đề nghị xem xét trách nhiệm hình sự (với vai trò đồng phạm) đối với bà Nguyễn Thị Thu P (vợ bị cáo). Hội đồng xét xử xét thấy, bị cáo bị truy tố, xét xử về tội “Vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh”, tội phạm này được thực hiện do lỗi vô ý và chỉ cấu thành tội phạm khi có hậu quả xảy ra, do vậy không có căn cứ để xem xét trách nhiệm hình sự đối với vợ bị cáo về những hành vi như đại diện bị hại đã nêu.

+ Về hình phạt đối với bị cáo Tòa án cấp sơ thẩm xử phạt bị cáo 01 năm 06 tháng tù là tương xứng với hành vi phạm tội của bị cáo, Do vậy, không có căn cứ chấp nhận kháng cáo của đại diện bị hại, cần giữ nguyên phần hình phạt của bản án sơ thẩm đối với bị cáo như đề nghị của đại diện Viện kiểm sát.

Tòa án cấp Phúc thẩm tuyên:

Không chấp nhận nội dung kháng cáo của người đại diện bị hại là anh Nguyễn Văn M và anh Nguyễn Duy T2; giữ nguyên bản án hình sự sơ thẩm số 25/2024/HS-ST ngày 11 tháng 3 năm 2024 của Toà án nhân dân thành phố Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang

1 – 7

Bản án số: 46/2024/HS-ST ngày 22/05/2024 của Tòa án nhân dân huyện Giao Thủy tỉnh Nam Định

Vụ án: “Vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh”

Nội dung vụ án:

Ngày 03/11/2023, ông Nguyễn Văn H1 đến Cửa hàng thuốc của anh Phạm Văn R (là chồng của Trần Thị L) ở xóm D, xã B, huyện G để tiêm thuốc điều trị bệnh thoái hoá đốt sống lưng. Khi đến nơi, anh R không ở nhà, mặc dù không được cấp phép hành nghề khám chữa bệnh, không có chứng chỉ nghề y dược nhưng Trần Thị L đã tự ý tiêm thuốc Cefotaxime và S cho ông H1. Khi thấy ông H1 kêu tức ngực, khó thở, L liền lấy 01 ống thuốc Solumedrol là loại thuốc chống sốc và thuốc Salbutamol tiêm cho ông H1. Hậu quả, ông H1 bị suy hô hấp, suy tuần hoàn, ngừng tim dẫn đến chết khi vào viện cấp cứu.

Tòa án cấp Sơ thẩm nhận định:

1. Về hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã thực hiện đều hợp pháp.

2. Lời khai của bị cáo tại phiên tòa phù hợp với lời khai tại giai đoạn điều tra, phù hợp với lời khai người làm chứng, kết hợp với các kết luận giám định cùng các tài liệu, chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án.

3. Hành vi của Trần Thị L đã vi phạm các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động khám chữa bệnh và điều kiện để cá nhân được phép khám bệnh, chữa bệnh. Hành vi của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội đã xâm phạm tới trật tự quản lý của Nhà nước về khám bệnh, chữa bệnh;

4. Bị cáo Trần Thị L có nhân thân tốt, phạm tội lần đầu, không phải chịu tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự nào. Bị cáo thành khẩn khai báo, ăn năn hối lỗi nên được áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.

5. Về hình phạt chính: Căn cứ vào tính chất, mức độ của hành vi phạm tội, nhân thân, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị cáo Trần Thị L, Hội đồng xét xử thấy đủ điều kiện cho bị cáo hưởng án treo.

6. Về hình phạt bổ sung: Xét bị cáo Trần Thị L có hoàn cảnh kinh tế khó khăn nên không áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền đối với bị cáo.

7. Về trách nhiệm dân sự: Trần Thị L đã thống nhất thoả thuận với những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của ông Nguyễn Văn H1 bồi thường số tiền 120.000.000 đồng cho gia đình ông H1.

Tòa án cấp Sơ thẩm tuyên:

Căn cứ vào điểm a khoản 1 Điều 315, điểm s khoản 1 Điều 51, điểm b khoản 1 Điều 51, khoản 2 Điều 51 và Điều 65 của Bộ luật Hình sự; tuyên bố bị cáo Trần Thị L phạm tội “Vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh”; xử phạt bị cáo Trần Thị L 01 (một) năm 06 (sáu) tháng tù; cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 03 năm kể từ ngày tuyên án.

8 – 14

Bản án số: 38/2024/HS-ST ngày 17/04/2024 của Tòa án nhân dân thị xã Hòa Nhơn, tỉnh Bình Định

Vụ án: “Vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh”

Nội dung vụ án:

Ngày 29/5/2020, bà Đào Thị N1 và Trần Thị Mộng L có ký Hợp đồng lao động, Trần Thị Mộng L có nhiệm vụ đứng bán thuốc tại quầy thuốc Thuận P1. Ngày 14/01/2023, bà Nguyễn Thị P mua thuốc cho cháu Phan Hoàng A nhưng không có đơn thuốc, lúc này bà Đào Thị N1 chủ quầy thuốc Thuận Phát đi chợ không có mặt tại quầy thuốc, L không thông báo cho bà N1 biết trường hợp người mua thuốc nhưng không có đơn thuốc để bà N1 giải quyết mà bị cáo tự ý bán các loại thuốc Bifumax 500mg (hoạt chất Cefuroxim, hàm lượng 500mg); Prednisone Apo 5mg (hoạt chất Prednisone); Alpha chymotrypsin 4,2mg (hoạt chất Alpha chymotrypsin), đây là những loại thuốc không được bán nếu không có đơn thuốc. Sau khi cháu A sử dụng thuốc theo chỉ dẫn của bị cáo L, cháu A bị phản ứng quá mức với thuốc điều trị gây suy tuần hoàn, suy hô hấp dẫn tới sốc phản vệ và cháu A tử vong

Tòa án cấp Sơ thẩm nhận định:

1. Về tội danh và điều luật áp dụng: Hành vi đó của bị cáo L đã vi phạm “Những hành vi bị nghiêm cấm” là “Bán lẻ thuốc kê đơn mà không có đơn thuốc” được quy định tại điểm h khoản 5 Điều 6 Luật Dược số 105/2016/QH13 do Quốc Hội ban hành ngày 06/4/2016. Do đó, hành vi của bị cáo Trần Thị Mộng L đã phạm vào tội “Vi phạm quy định về bán thuốc” phạm vào điểm a khoản 1 Điều 315 Bộ luật Hình sự như bản cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân thị xã Hoài Nhơn truy tố là có căn cứ, đúng quy định của pháp luật.

2. Về tính chất, mức độ hành vi phạm tội của bị cáo: là nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến an toàn khám chữa bệnh bằng việc bán thuốc không có đơn, bị cáo phạm tội với lỗi vô ý.

3. Về nhân thân, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của các bị cáo: Có nhân thân tốt; không có tình tiết tăng nặng; bị cáo có thái độ thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải về hành vi phạm tội của mình; Bị cáo đã khắc phục hậu quả được 150.000.000 đồng cho gia đình bị hại; khi thực hiện hành vi phạm tội bị cáo đang mang thai; hiện tại bị cáo đang nuôi con nhỏ nên bị cáo được hưởng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.

4. Về quyết định hình phạt: Xét thấy bị cáo L có đủ điều kiện được hưởng án treo được quy định tại Điều 2 Nghị quyết số 02/VBHN-TANDTC ngày 07/9/2022 của Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 65 của Bộ luật Hình sự về án treo và không thuộc các trường hợp không cho hưởng án treo quy định tại Điều 3 của Nghị quyết này nên không cần buộc bị cáo phải cách ly ra khỏi đời sống xã hội; xử cho bị cáo hưởng hình phạt tù có điều kiện.

5. Về trách nhiệm dân sự: Buộc bị cáo Trần Thị Mộng L phải bồi thường cho gia đình bị hại cháu Phan Hoàng A số tiền 250.700.000 đồng

6. Đào Thị N1 là chủ cơ sở kinh doanh quầy thuốc Thuận P1. Vào ngày 14/01/2023, L bán các loại thuốc thuộc danh mục kê đơn thì N1 không có mặt nhưng không ủy quyền cho người có chứng chỉ hành nghề dược phù hợp. Tuy nhiên, khi bán các loại thuốc này thì L không thông báo cho N1 biết. Việc N1 vắng mặt tại cơ sở bán lẻ thuốc T vào ngày 14/01/2023 không phải là nguyên nhân trực tiếp gây hậu quả làm Phan Hoàng A chết. Do đó, hành vi của Đào Thị N1 không có dấu hiệu của tội phạm hình sự mà vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh nghề dược.

Tòa án cấp Sơ thẩm tuyên:

– Về tội danh: Tuyên bố bị cáo Trần Thị Mộng L phạm tội “Vi phạm quy định về bán thuốc”.

– Về hình phạt: Xử phạt bị cáo Trần Thị Mộng L 15 (mười lăm) tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách 30 (ba mươi) tháng tính từ ngày tuyên án sơ thẩm ngày 17/4/2024

– Về bồi thường thiệt hại: Buộc bị cáo Trần Thị Mông L1 phải bồi thường cho gia đình bị hại cháu Phan Hoàng A số tiền 200.700.000 đồng.

15 – 23

Bản án số: 13/2023/HS-ST ngày 08/9/2023 của Tòa án nhân dân huyện Pác Nặm, tỉnh Bắc Kạn

Vụ án: “Vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh”

Nội dung vụ án:

Giàng A S không có chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh, không có bài thuốc hoặc phương pháp chữa bệnh gia truyền được Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền công nhận, nhưng do quá tự tin vào kinh nghiệm của mình trong việc lấy các vỏ cây, thân, lá cây hái từ rừng về để bán cho người khác sắc lấy nước uống để chữa bệnh. Ngày 19/3/2021 tại thôn K, xã N, huyện P, tỉnh Bắc Kạn, S đã khám, bán thuốc cho Hoàng Văn X, Hoàng Văn T1 và Nông Văn T uống để chữa bệnh, sau khi ông T sắc thuốc của S uống thì bị chết do bị ngộ độc của thành phần cây lá ngón

Tòa án cấp Sơ nhận định:

1. Về hành vi, quyết định tố tụng: các hành vi, quyết định tố tụng của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã thực hiện đều hợp pháp.

2. Trong quá trình điều tra, truy tố và tại phiên tòa, bị cáo đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình, lời khai của bị cáo phù hợp với lời khai của người tham gia tố tụng khác và các chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án

3. Hành vi nêu trên của bị cáo đã vi phạm quy định tại khoản 2 Điều Luật khám bệnh, chữa bệnh và đủ yếu tố cấu thành tội “Vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh” theo điểm a khoản 1 Điều 315 Bộ luật hình sự

4. Xét tính chất hành vi phạm tội của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, đã vi phạm các quy định của Nhà nước về khám bệnh, chữa bệnh. Vì vậy, phải được xử lý bằng pháp luật hình sự nhằm giáo dục bị cáo và phòng ngừa chung.

5. Về nhân thân, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.

Bị cáo được hưởng tình tiết giảm nhẹ vì bồi thường thiệt hại; Người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải

Về hình phạt bổ sung: Xét thấy bị cáo là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, gia đình là hộ nghèo nên không áp dụng hình phạt bổ sung bằng tiền đối với bị cáo. Tuy nhiên cần áp dụng hình phạt bổ sung cấm bị cáo hành nghề khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế, cấp phát, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác trong một thời gian nhất định.

Tòa án cấp Sơ thẩm tuyên:

– Tuyên bố: Bị cáo Giàng A S phạm tội “Vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh”. Áp dụng: điểm a khoản 1, khoản 4 Điều 315; Điều 41; điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 65 Bộ luật hình sự.

– Xử phạt: Bị cáo Giàng A S 15 (Mười lăm) tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách 30 (Ba mươi) tháng tính từ ngày tuyên án sơ thẩm.

– Hình phạt bổ sung: Cấm bị cáo Giàng A S hành nghề khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế, cấp phát, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác trong thời hạn 30 tháng kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật.

24 – 31

Bản án số: 45/2023/HS-ST ngày 31/7/2023 của Tòa án nhân dân quận 6 thành phố Hồ Chí Minh

Vụ án: “Vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh”

Nội dung vụ án:

Khoảng 12 giờ ngày 29/9/2021, tại nhà số E đường số D, Phường A, Quận F, Võ Trọng H đã có hành vi tiêm filler vào hai bên mông của bà Lại Thị Thắng H1, dẫn đến bà H1 bị tử vong nguyên nhân do «Tiêm độn mông gây thuyên tắc mạch phổi do mỡ».

Tòa án cấp Sơ thẩm nhận định:

1. Về hành vi và quyết định tố tụng của Cơ quan tiến hành tố tụng, của người tiến hành tố tụng đã thực hiện đều hợp pháp.

2. Đối chiếu lời khai của bị cáo Võ Trọng H tại phiên tòa cùng những tài liệu, chứng cứ, lời khai khác có trong hồ sơ, Hội đồng xét xử có đủ cơ sở kết luận bị cáo Võ Trọng H đã phạm tội: «Vi phạm quy định về dịch vụ y tế khác». Tội phạm và hình phạt được quy định tại Điều 315 của Bộ luật hình sự.

3. Xét tính chất, mức độ hành vi phạm tội của bị cáo Võ Trọng H là nghiêm trọng Hội đồng xét xử thấy cần phạt bị cáo một mức án nghiêm khắc tương xứng. Tuy nhiên, xét bị cáo đã bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội của bị cáo gây ra và được người đại diện hợp pháp của bị hại bãi nại, đồng thời đề nghị giảm nhẹ hình phạt; Và xét bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ, không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự. Hội đồng xét xử nhận thấy bản thân bị cáo có khả năng tự cải tạo mình để trở thành người công dân tốt, nên thấy không cần bắt bị cáo chấp hành hình phạt tù mà cho bị cáo được hưởng án treo

4. Về hình phạt bổ sung: Ngoài hình phạt tù, Hội đồng xét xử thấy cần áp dụng hình phạt tiền đối với bị cáo Võ Trọng H theo quy định tại khoản 4 Điều 315 của Bộ luật hình sự năm 2015

Tòa án cấp Sơ thẩm tuyên:

– Tuyên bố bị cáo Võ Trọng H (Nga) phạm tội: «Vi phạm quy định về dịch vụ y tế khác».

– Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 315; điểm b, điểm r, điểm s khoản 1, khoản 2Điều 51; Điều 65 và Điều 50 của Bộ luật hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017.

– Xử phạt bị cáo Võ Trọng H (Nga) 01 (một) năm 06 (sáu) tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 03 (ba) năm, kể từ ngày tuyên án.

32 – 43

Bản án số: 95/2023/HS-ST ngày 15/05/2023 của Tòa án nhân dân quận Bình Tân thành phố Hồ Chí Minh

Vụ án: “Vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh”

Nội dung vụ án:

Phan Đức H sử dụng nhà ở tại nhà số XYZ, đường Mã Lò, phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân làm cơ sở hành nghề phẫu thuật thẩm mỹ trong điều kiện không có giấy phép hoạt động mà chỉ có các điều kiện về văn bằng, chứng nhận chủ yếu như Thạc sĩ Y học, Chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh số: 0000916, do Sở Y tế tỉnh Đắk Nông cấp ngày 08/01/2014 với nội dung “Bằng cấp chuyên môn: “Bác sỹ chuyên khoa định hướng Phẫu thuật thẩm mỹ” và “Phạm vi hoạt động CM: Khám và phẫu thuật thẩm mỹ” cùng nhiều Giấy chứng nhận dự lớp tập huấn về thẩm mỹ khác; đồng thời, còn có chuẩn bị sẵn trang thiết bị, vật tư y tế cơ bản dùng để hành nghề. Trong đó có chị Nguyễn Thị Lệ T đến yêu cầu H phẫu thuật thẩm mỹ ngực và âm đạo với giá 47.000.000 đồng thì được H đồng ý. Thời gian bắt đầu thực hiện hành vi phẫu thuật cho chị T là từ khoảng 08 giờ đến 15 giờ ngày 03/7/2021; trong quá trình đó, H tự một mình lần lượt cho chị T uống 02 viên thuốc Seduxen, 01 viên Clopheramine, truyền dịch, đo huyết áp và nhịp tim; tiêm 02 ống thuốc gây tê cục bộ hiệu Lidocain 2% ống 2ml rồi dùng dao phẫu thuật tách da dưới vùng vú cho đến khi: chị T kêu đau, H tiếp tục tiêm thêm thuốc Lidocain có pha 01 giọt Adrenaline tương đương 0,01ml (gây mê tăng cường) và tính cho đến khi mở được khoang vú bên phải thì bị cáo đã tiêm hết khoảng 10 ống thuốc gây mê tăng cường cho chị T; sau đó tiếp tục dùng dao phẫu thuật mở khoang vú bên trái thì chị T có biểu hiện suy hô hấp, tím tái trên khuôn mặt; mạch và huyết áp thể hiện trên máy đo điện tử 70/40, H nghĩ chị T bị sốc thuốc nên đã dừng phẫu thuật, tiến hành hồi sức hỗ trợ tích cực bằng cách cho chị T thở bình oxy, nhưng chị T chuyển biến thêm co giật, tăng tiết đờm; bị cáo dùng máy hút đờm, đặt ống nội khí quản, bóp bóng thở và truyền 02 chai nước biển cho chị T; đồng thời, pha 01 ống Adrenaline vào đường truyền nước biển và tiêm trực tiếp 02 ống Adrenaline cho chị T thì đến 15 giờ cùng ngày, chị T đã chết rồi trong lúc bị cáo trực tiếp điều khiển xe ôtô đưa thi thể chị T về quê ở huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh đã bị Công an kiểm tra phát hiện bắt giữ.

Tòa án cấp Sơ thẩm nhận định:

1. Về tố tụng: Các hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng là hợp pháp

2. Theo các tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ và lời khai của bị cáo Phan Đức H tại phiên tòa cho thấy bị cáo thực hiện hành vi phẫu thuật thẩm mỹ cho chị T là trái với các quy định. Còn việc chị T chết là nằm ngoài tiên lượng và ý muốn của bị cáo.

3. Xét lời khai nhận tội của bị cáo tại phiên tòa hôm nay cơ bản phù hợp với lời khai trước đây tại Cơ quan điều tra lời khai của người biết việc, các người đại diện hợp pháp của bị hại, người tham gia tố tụng khác nên đã có đủ chứng cứ buộc tội bị cáo và 01 phần lời đề nghị của Kiểm sát viên vừa nêu trên là có cơ sở chấp nhận; riêng mức án đề nghị đối với bị cáo là chưa tương xứng với tính chất, mức độ hành vi phạm tội của bị cáo đã gây. việc áp dụng điểm b khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự năm 2015 cho bị cáo là không đúng bởi do, gia đình bị cáo chỉ mới nộp phần tiền để bồi thường thiệt hại rất nhỏ (50.000.000 đồng) so với yêu cầu chính đáng của gia đình bị hại đã đưa ra và không có người nào đồng ý nhận số tiền này trước khi mở phiên tòa nên không chấp nhận.

4. Xét hành vi phạm tội của bị cáo là nghiêm trọng, không những gây thiệt hại cho tính mạng của người khác mà còn làm giảm đi hiệu lực quản lý của Nhà nước về lĩnh vực khám chữa bệnh. Do đó, bị cáo phải chịu trách nhiệm hình sự trong vụ án với mức án thật nghiêm và tương xứng với với tính chất, mức độ hành vi phạm tội cũng nhân thân của bị cáo thì mới có đủ sức giáo dục, răn đe và phòng ngừa chung cho xã hội.

Tòa án cấp Sơ thẩm tuyên:

– Về tội danh: Tuyên bố bị cáo Phan Đức H phạm “Tội vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh”.

– Về điều luật áp dụng và xử phạt: Áp dụng điểm a khoản 1 Điều 315; điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 38 Bộ luật Hình sự năm 2015. Xử phạt bị cáo Phan Đức H 03 (ba) năm 06 (sáu) tháng tù, thời hạn tù tính từ ngày 07-7-2021.

44 – 60

LINK PDF: Tổng hợp 18 bản án về tội vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh

………………….

Luật sư tại Đà Nẵng

Tầng 2 Tòa nhà Thư Dung Plaza, 87 Nguyễn Văn Linh, phường Nam Dương, Quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng

Luật sư tại Huế: 

366 Phan Chu Trinh, phường An Cựu, Thành phố Huế, Thừa Thiên Huế

Luật sư tại TP. Hồ Chí Minh:

Tầng 8, Toà nhà Bluesea, số 205B Hoàng Hoa Thám, phường 6, quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh

Luật sư tại Hà Nội:

Tầng 2, số 68 Dương Đình Nghệ, phường Yên Hoà, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội

Luật sư tại Nghệ An:

Quốc lộ 1A, Khối 11, phường Quỳnh Xuân, Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An

Luật sư tại Gia Lai:

Số 61 Phạm Văn Đồng, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai

Website: www.fdvn.vn    www.fdvnlawfirm.vn  www.diendanngheluat.vn  www.tuvanphapluatdanang.com

Email: fdvnlawfirm@gmail.com    luatsulecao@gmail.com

Điện thoại: 0772 096 999

Fanpage LUẬT SƯ FDVN: https://www.facebook.com/fdvnlawfirm/

Legal Service For Expat:  https://www.facebook.com/fdvnlawfirmvietnam/

TỦ SÁCH NGHỀ LUẬT: https://www.facebook.com/SayMeNgheLuat/

DIỄN ĐÀN NGHỀ LUẬT: https://www.facebook.com/groups/saymengheluat/

KÊNH YOUTUBE: https://www.youtube.com/c/luatsufdvn

KÊNH TIKTOK: https://www.tiktok.com/@luatsufdvn

KÊNH TELEGRAM FDVN: https://t.me/luatsufdvn

Bài viết liên quan