TTO – Liên tiếp nhiều vụ việc người Trung Quốc phạm pháp tại Việt Nam, mức độ và tác hại hành vi của họ ngày càng nghiêm trọng. Pháp luật về quản lý người nước ngoài chưa chặt chẽ hay chúng ta thực thi chưa nghiêm?
Cơ quan công an thực hiện lệnh bắt khẩn cấp 5 người Trung Quốc và 1 người Việt Nam để điều tra hành vi “giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi” – Ảnh: H.HOÀNG
Tuổi Trẻ trích đăng ý kiến bạn đọc về vấn đề này.
* Vũ Trung Kiên – Học viện Chính trị hành chính khu vực II:
Truy trách nhiệm quản lý địa bàn
Bắt nhóm người Trung Quốc thuê trẻ em đóng “phim người lớn” tại Đà Nẵng, bắt nhóm người Trung Quốc cho vay nặng lãi tại TP.HCM, bắt nhóm người Trung Quốc đánh cắp thông tin thẻ ATM, điều hành cơ sở sản xuất ma túy lớn nhất từ trước đến nay… Đó là các thông tin tràn ngập trên mặt báo những ngày qua, đã làm người dân cảm thấy bất an vì quy mô và tác hại quá lớn của những vụ việc này.
Chuyện này không phải ngày một ngày hai. Câu hỏi đặt ra là những ai, cơ quan nào phải chịu trách nhiệm trong những trường hợp này? Và cần nghiêm túc nhìn lại trách nhiệm quản lý địa bàn, bảo vệ an ninh trật tự, bởi những vụ việc phát hiện mới chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”.
Chỉ đơn cử ví dụ là vụ việc bắt nhóm người Trung Quốc cho vay trực tuyến qua app với lãi suất “cắt cổ” ở TP.HCM, nếu không vì mâu thuẫn trong nội bộ, liệu đã phát hiện vụ việc này chưa?
Phải chăng vì mất cảnh giác hoặc vì lợi ích cá nhân và những lý do khác, nhiều người Việt đã tiếp tay cho tội phạm, thậm chí tham gia đường dây của họ? Nếu không phải thì tại sao tên những người thuê khách sạn, đăng ký kinh doanh, đăng ký tạm trú, đứng tên thuê phòng trọ… cho các nhóm người Trung Quốc này hầu hết đều là người Việt?
Đã đến lúc phải quy trách nhiệm rõ ràng về việc quản lý cư trú của người nước ngoài. Theo tôi, công an từng địa bàn phải có trách nhiệm chủ trì, phối hợp trong việc quản lý địa bàn, ngăn chặn hành vi phi pháp của người nước ngoài, thực hiện nghiêm quy định về quản lý người nước ngoài. Cũng cần lắm tinh thần cảnh giác và trách nhiệm của mỗi người dân.
* Luật sư Trần Hậu – Đoàn Luật sư TP Đà Nẵng:
Bất an với hoạt động tội phạm của người Trung Quốc
Người dân bất an trước nhiều hoạt động tội phạm của người Trung Quốc diễn ra có hệ thống, có tổ chức và với số lượng người rất đông ở một số địa phương tại Việt Nam vừa qua.
Tội phạm nước ngoài xuất hiện nhiều cho thấy nhiều vấn đề về quản lý cư trú, dân cư, quản lý hoạt động xuất nhập cảnh. Theo quy định pháp luật thì chỉ các nhà đầu tư, thương nhân, chuyên gia trong các lĩnh vực, khách du lịch… là các đối tượng được lưu trú ở Việt Nam với các điều kiện không dễ dàng.
Thế nhưng sau nhiều vụ án được phá, chúng ta thấy người Trung Quốc thuộc các thành phần tội phạm, lao động phổ thông, không nghề nghiệp rất dễ dàng cư trú ở Việt Nam. Đây là lỗ hổng về quản lý người nước ngoài.
Chúng ta có nhiều quy định về lưu trú, khai báo tạm trú, xuất nhập cảnh, quản lý lao động nước ngoài nhưng không kiểm soát được. Nhiều trường hợp người Trung Quốc đến Việt Nam bằng đường du lịch và ở lại luôn, đến khi phát sinh các hậu quả mới trục xuất họ thì đã muộn.
Việc cho phép người Trung Quốc đầu tư, kinh doanh cũng có dễ dãi nên họ đã lợi dụng điều này. Ban đầu là những đầu tư nhỏ lẻ như mở nhà hàng, quán ăn… sau đó họ nhờ người mua đất, lưu trú để thực hiện các hoạt động phi pháp.
Người Trung Quốc phạm pháp hình sự vẫn bị xử lý, xét xử tại Việt Nam theo quy định của pháp luật. Cần những bản án nghiêm minh để trừng trị và răn đe đối với hoạt động phạm tội của người Trung Quốc nói riêng và người nước ngoài nói chung.
Theo tôi, muốn ngăn chặn các hoạt động phạm pháp của người Trung Quốc, các cơ quan quản lý lưu trú phải nắm được họ đang ở đâu, làm gì, sinh sống ra sao ở Việt Nam. Nếu không kiểm soát, quản lý được bằng pháp luật, sẽ còn nhiều hệ lụy cho sự bất ổn xã hội.
* Luật sư Diệp Năng Bình – Hà Nội:
Tăng cường quản lý từ khâu nhập cảnh
Cơ chế thu hút đầu tư nước ngoài được đánh giá rất mở đã thu hút nhiều người nước ngoài đến Việt Nam. Họ được phép thuê người Việt làm việc, điều này tiềm ẩn nhiều nguy cơ bị tội phạm lợi dụng.
Dư luận rúng động khi liên tiếp những tháng đầu năm 2019, Bộ Công an và công an các tỉnh thành triệt phá hàng loạt đường dây vận chuyển ma túy với tang vật lên tới hàng tấn ma túy tổng hợp. Nghi phạm cầm đầu đều là người nước ngoài, trong đó không ít vào Việt Nam với danh nghĩa “nhà đầu tư”.
Theo tôi, cần phải tăng cường quản lý từ khâu nhập cảnh, việc ra vào cần phải được kiểm soát chặt chẽ hơn. Chúng ta vẫn mở cửa, song phải thắt chặt các thủ tục, quy trình để làm sao quản lý tội phạm nước ngoài tốt nhất.
* Ông Nguyễn Văn Chung – viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Q.8, TP.HCM:
Không phải là cá biệt
Người Trung Quốc chiếm dân số lớn nhất trên thế giới. Các nước Đông Nam Á có vị trí địa lý tiếp giáp, gần gũi văn hóa, lịch sử giao thương với Trung Quốc. Tội phạm cũng theo đó mà vào. Người Trung Quốc phạm tội liên quan đến cờ bạc, lừa đảo… ở nhiều nước khu vực Đông Nam Á (như Philippines, Campuchia, Thái Lan…), chứ không chỉ riêng ở Việt Nam.
Để phòng ngừa, ngăn chặn hành vi phạm tội của họ, theo tôi, người dân cần tăng cường cảnh giác, giám sát và trình báo khi phát hiện hành vi có dấu hiệu bất thường của các đối tượng người Trung Quốc. Tôi thấy người dân Đà Nẵng thực hiện việc cảnh giác, giám sát khá tốt.
Chính quyền địa phương phải quản lý tốt di biến động của người nước ngoài tại địa bàn. Tôi thấy chúng ta quản lý khá tốt người Hàn, người Nhật sinh sống, làm việc, còn người Trung Quốc thì không tốt. Việc này có phần do chính người Hàn, Nhật mong muốn được chính quyền sở tại quản lý, bảo đảm an toàn.
Các đối tượng tội phạm thì ngược lại. Cơ quan chuyên môn quản lý an ninh phải quản lý chặt đầu ra, đầu vào đối với khách Trung Quốc bằng visa nhập cảnh, siết quản trú cho đến việc xuất cảnh để hạn chế hành vi phạm tội.THÁI AN ghi
Một ngày, 3 vụ việc nghiêm trọng
Ngày 17-9, Công an TP Đà Nẵng công bố thông tin bắt khẩn cấp nhóm người Trung Quốc cùng một người Việt để điều tra về hành vi dụ dỗ và quan hệ tình dục với một bé gái 15 tuổi. Cùng ngày, Công an TP Vinh, Nghệ An cũng tạm giữ ba người Trung Quốc về hành vi sử dụng mạng máy tính và mạng viễn thông để chiếm đoạt tài sản.
Cũng trong ngày 17-9, Công an Q.2, TP.HCM đã bàn giao 9 nghi phạm (trong đó có 6 người Trung Quốc) cho Công an TP để điều tra hành vi cho vay nặng lãi qua app.
Hải Phòng siết quản lý người nước ngoài
Cuối tháng 7-2019, tại TP Hải Phòng, Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ của Công an TP Hải Phòng triệt phá thành công đường dây đánh bạc do người Trung Quốc điều hành tại khu đô thị Our City, phường Hải Thành, quận Dương Kinh.
395 người Trung Quốc cùng hàng trăm máy tính các loại phục vụ việc vận hành đường dây đánh bạc trực tuyến, với giá trị giao dịch lên đến hơn 12.000 tỉ đồng đã được phát hiện.
Trao đổi với Tuổi Trẻ liên quan vấn đề này, một lãnh đạo UBND TP Hải Phòng cho rằng việc quản lý người nước ngoài để đảm bảo tình hình an ninh trật tự thì nòng cốt phải là lực lượng công an, thông qua quản lý hoạt động xuất nhập cảnh của người nước ngoài.
Sau sự việc tại khu đô thị Our City, TP đã siết chặt công tác quản lý người nước ngoài trên địa bàn để có thể ngăn chặn sớm tội phạm, tăng cường quản lý lao động là người nước ngoài trên địa bàn.
* Theo một lãnh đạo Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an TP.HCM, tình trạng người Trung Quốc phạm tội tại Việt Nam là không cá biệt. Các quốc gia lân cận cũng đều xảy ra việc người Trung Quốc đi du lịch, cư trú rồi vi phạm pháp luật… Vấn đề là ở chỗ chính sách, biện pháp để kiểm soát, ngăn chặn của từng quốc gia.
Theo T.THẮNG – T.AN – tuoitre.vn
…………………………………………………………………………………………………………
Luật sư tại Đà Nẵng:
99 Nguyễn Hữu Thọ, Quân Hải Châu, thành phố Đà Nẵng
Luật sư tại Huế:
336 Phan Chu Trinh, thành phố Huế, Thừa Thiên Huế
Luật sư tại Phú Quốc:
65 Hùng Vương, thị trấn Dương Đông, huyện đảo Phú Quốc.
Website: www.fdvn.vn www.tuvanphapluatdanang.com
Email: fdvnlawfirm@gmail.com luatsulecao@gmail.com
Điện thoại: 0935 643 666 – 0906 499 446