Cùng một vấn đề pháp lý, các thẩm phán, tòa án có thể có những quan điểm pháp lý khác nhau.
Từ một tình huống thực tiễn…
Công ty A làm giấy ủy quyền cho ông X để ông X đại diện cho công ty A khởi kiện, tham gia tố tụng trong một vụ án kinh doanh thương mại tại tòa án nhân dân thành phố B, tỉnh Đ. Giấy ủy quyền ghi rõ các thông tin của công ty A theo thứ tự người ủy quyền là công ty A, mã số doanh nghiệp, địa chỉ của của công ty A và thông tin về người đại diện theo pháp luật của công ty A; ngoài ra còn có các nội dung về người được ủy quyền, nội dung ủy quyền, thời hạn ủy quyền. Giấy ủy quyền này do chính người đại diện theo pháp luật của công ty A ký tên và được đóng dấu công ty A.
Tuy vậy, khi nhận giấy ủy quyền này kèm theo đơn khởi kiện, tòa án nhân dân thành phố B đã ban hành thông báo sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện, yêu cầu công ty A “bổ sung làm lại giấy ủy quyền cá nhân đại diện theo pháp luật của công ty ủy quyền”. Theo tòa án, giấy ủy quyền phải là giấy ủy quyền của cá nhân người đại diện theo pháp luật của công ty A, nghĩa là trong phần người ủy quyền phải ghi là ông Nguyễn Văn Y – đại diện theo pháp luật của công ty A ủy quyền cho ông X.
Yêu cầu này của tòa án đặt ra một vấn đề pháp lý là việc ủy quyền của công ty ghi thế nào cho đúng? Chính công ty là người ủy quyền hay cá nhân người đại diện theo pháp luật của công ty là người ủy quyền?
Đến quy định của pháp luật
Theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2014, các công ty đều có tư cách pháp nhân. Theo quy định của Bộ luật Dân sự, các pháp nhân nhân danh mình tham gia các quan hệ pháp luật một cách độc lập (khoản 4, điều 84 Bộ luật Dân sự 2005). Khoản 3, điều 189 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 quy định: Cơ quan, tổ chức là người khởi kiện thì người đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức đó có thể tự mình hoặc nhờ người khác làm hộ đơn khởi kiện vụ án. Tại mục tên, địa chỉ của người khởi kiện phải ghi tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức và họ, tên, chức vụ của người đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức đó; ở phần cuối đơn, người đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức phải ký tên và đóng dấu của cơ quan, tổ chức đó; trường hợp tổ chức khởi kiện là doanh nghiệp thì việc sử dụng con dấu theo quy định của Luật Doanh nghiệp.
Như vậy, khi tham gia các quan hệ pháp luật nói chung và quan hệ pháp luật tố tụng dân sự nói riêng, các công ty là chủ thể của quan hệ pháp luật đó, các công ty nhân danh chính mình tham gia các quan hệ pháp luật. Tuy nhiên, các công ty phải thông qua người đại diện hợp pháp của mình để tham gia vào các quan hệ này. Người đại diện hợp pháp của công ty bao gồm người đại diện theo pháp luật hoặc người đại diện theo ủy quyền.
Khi tham gia tố tụng, chính công ty là đương sự của vụ án đó (nguyên đơn, bị đơn hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan) chứ không phải là người đại diện theo pháp luật của công ty. Vì vậy, khi công ty ủy quyền cho người đại diện theo ủy quyền tiến hành khởi kiện và tham gia tố tụng thì chính công ty phải là người ủy quyền, chứ không phải đại diện theo pháp luật của công ty ủy quyền với tư cách cá nhân.
Do vậy, với tình huống nêu trên, việc ủy quyền ban đầu của công ty A cho ông X là phù hợp; việc tòa án nhân dân thành phố B yêu cầu công ty A phải “bổ sung làm lại giấy ủy quyền cá nhân đại diện theo pháp luật của công ty ủy quyền” là không đúng về mặt lý luận và luật thực định.
Từ thực tiễn tham gia tố tụng trong các vụ án kinh doanh thương mại tại nhiều cấp tòa án và kể cả tại trung tâm trọng tài, người viết thấy rằng trong việc ủy quyền của các công ty, người ủy quyền đều được xác định và được ghi là chính công ty đó chứ không phải là cá nhân người đại diện theo pháp luật của công ty ủy quyền như yêu cầu của tòa án nhân dân thành phố B nêu trên.
Không chỉ trong quan hệ pháp luật tố tụng dân sự mà trong bất kỳ quan hệ pháp luật nào, nếu chính công ty tham gia vào quan hệ pháp luật đó mà công ty muốn ủy quyền cho người đại diện theo ủy quyền thì công ty là người ủy quyền chứ không phải cá nhân đại diện theo pháp luật của công ty ủy quyền, người đại diện theo pháp luật của công ty cũng chỉ là người đại diện cho công ty để ký vào văn bản ủy quyền chứ không phải ủy quyền cho chính cá nhân họ. Người đại diện theo pháp luật của công ty chỉ ủy quyền với tư cá nhân khi chính họ là chủ thể của quan hệ pháp luật, của giao dịch và nội dung ủy quyền liên quan đến quyền hạn của họ.
Tình huống nêu cho thấy việc kiện tụng sẽ trở nên khó khăn hơn (phải mất thêm thời gian để làm lại và bổ sung giấy ủy quyền theo yêu cầu của tòa án) và nếu thẩm phán, tòa án có quan điểm pháp lý sai lầm thì chính các đương sự là người phải gánh chịu hậu quả từ những sai lầm đó.
KIỀU ANH VŨ
NGUỒN: THỜI BÁO KINH TẾ SÀI GÒN ĐIỆN TỬ
Trích dẫn từ: http://www.thesaigontimes.vn/152539/Uy-quyen-cua-cong-ty-ghi-the-nao-la-dung.html