- Đặt vấn đề
Hiện nay, chưa có văn bản chính thức nào đưa ra khái niệm về bản án. Khi nghiên cứu về hình thức, nội dung và giá trị pháp lý của bản án trên cơ sở các quy định của pháp luật tố tụng, ông Lê Văn Minh, Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đưa ra khái niệm: “Bản án là văn bản tố tụng của Tòa án thể hiện các thông tin về nội dung vụ án, pháp luật áp dụng, kết luận và quyết định của Tòa án về các vấn đề cần giải quyết trong một vụ án cụ thể và phải được thi hành nghiêm chỉnh có hiệu lực theo quy định của pháp luật”.
Viết bản án là công việc thường xuyên của Thẩm phán, bản án đánh dấu sự kết thúc toàn bộ quá trình điều tra, truy tố, xét xử. Chất lượng bản án phụ thuộc vào trình độ, trách nhiệm, bản lĩnh và kỹ năng nghiệp vụ của Thẩm phán và Hội đồng xét xử. Để có được cấu trúc bản án, cách viết bản án như hiện nay, nhiều thế hệ Thẩm phán các cấp Tòa án đã học hỏi kinh nghiệm, cải tiến, rút kinh nghiệm từ thực tiễn xét xử trong hơn 70 năm liên tục kể từ khi ngành Tòa án được thành lập. Mục tiêu hướng tới là: Bản án phải khách quan, toàn diện, chính xác; sự kiện của vụ án phải được thể hiện rõ ràng; nhận định và quyết định tại bản án phải có căn cứ và tính thuyết phục. Nhìn chung, chất lượng bản án của Tòa án hiện nay ngày càng có chất lượng, đảm bảo tính khách quan, công bằng đúng pháp luật. Tuy vậy vẫn còn không ít những bản án có sai sót về văn phong, sai chính tả, nhận định không sâu sắc, lập luận thiếu chặt chẽ.
Tòa án nhân dân tối cao đã có nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng bản án như ban hành các văn bản hướng dẫn cách viết bản án, tổ chức các lớp tập huấn về viết bản án. Gần đây, Học viện Tòa án đã phối hợp với trường Thẩm phán quốc gia cộng hòa Pháp tổ chức hai hội thảo về bản án: “Hội thảo kỹ năng soạn thảo bản án dân sự” và “Hội thảo chất lượng bản án dân sự và hình sự”. Cùng với đó trong khuôn khổ dự án: “Tăng cường năng lực Trường Cán bộ Tòa” án do chính phủ Hàn Quốc (KOICA) tài trợ, Tòa án nhân dân tối cao Việt Nam phối hợp với Tòa án tối cao Hàn Quốc tổ chức hội thảo: “Cấu trúc án lệ và nâng cao hiệu quả áp dụng án lệ trong thực tiễn”. Qua các hội thảo, nhận thấy bản án ở các quốc gia Pháp cũng như Hàn Quốc đều được viết theo cấu trúc như phương pháp tam đoạn luận của Arixtốt.Vậy Tam đoạn luận là gì? Tam đoạn luận được sử dụng như một công cụ hữu hiệu trong viết bản án ở Pháp cũng như Hàn Quốc cụ thể như thế nào?
- Nhận thức chung về tam đoạn luận
Người sáng lập ra lôgíc học – “cha đẻ của lôgíc học” là triết gia lớn của Hy Lạp cổ đại, nhà học giả – bách khoa Arixtốt (384 – 322 TCN). Arixtốt viết nhiều công trình về lôgíc học mà sau này được gọi bằng tên chung là “Bộ công cụ”. Tiêu điểm trong tất cả các suy tư lôgíc của ông là suy luận và chứng minh diễn dịch, đặc biệt trong đó có tam đoạn luận. Trong hàng thế kỷ phép tam đoạn luận của Arixtốt nằm trong chương trình học của các luật sư và chính trị gia Phương Tây. Nó được dùng để phân biệt giữa lập luận đúng với lập luận sai. Nó đã được nghiên cứu với độ sâu sắc và cẩn thận đến mức xuyên qua bề dày của biết bao thế kỷ, ngày nay về cơ bản vẫn giữ nguyên ý nghĩa. Đặc biệt nó đã trở thành một công cụ hữu hiệu nghiên cứu ứng dụng trong việc viết bản án – tam đoạn luận tư pháp ở nhiều quốc gia trên thế giới.
Có thể nhận thấy, tam đoạn luận là một phát minh lớn của Arixtốt, ông từng nói về tam đoạn luận: “Cần phải nói về tam đoạn luận trước khi nói về chứng minh, bởi tam đoạn luận là một cái gì đó chung hơn và chứng minh là một loại tam đoạn luận nào đó, nhưng không phải bất kỳ tam đoạn luận nào cũng là chứng minh”[1]. Arixtốt định nghĩa như sau về tam đoạn luận: “…tam đoạn luận là ngôn ngữ mà trong đó, nếu một cái gì đó được giả định, thì tất yếu rút ra một cái gì đó khác hẳn với cái đã cho…”[2]. Theo ông, tam đoạn luận sẽ cho ta kết luận đúng một cách tất yếu và hiển nhiên.
Định nghĩa chung của Arixtốt về tam đoạn luận là như vậy, hay nói một cách cụ thể hơn, tam đoạn luận là loại suy luận đi từ hai mệnh đề để tiến đến một kết luận tất yếu đã ngầm chứa trong hai mệnh đề đó. Tam đoạn luận gồm 3 bộ phận: tiền đề lớn, tiền đề nhỏ, và kết luận.
Ví dụ: Mọi luật sư đều hiểu biết pháp luật (Tiền đề lớn)
P M
Anh X không hiểu biết pháp luật (Tiền đề nhỏ)
S M
Anh X không phải luật sư (Kết luận)
S P
Về kết cấu logic, mỗi luận ba đoạn có hai phán đoán tiền đề, khẳng định những hiểu biết về đối tượng phản ánh và phán đoán kết luận được rút ra trên cơ sở các phán đoán tiền đề.
Trong tam đoạn luận có ba thuật ngữ:
Thuật ngữ lớn (kí hiệu: P) là vị từ trong phán đoán kết luận;
Thuật ngữ nhỏ (kí hiệu: S) là chủ từ trong phán đoán kết luận;
Thuật ngữ giữa (M) là thuật ngữ lặp lại ở hai phán đoán tiền đề và đóng vai trò trung gian để rút ra phán đoán kết luận.
Phán đoán tiền đề có thuật ngữ lớn (P) gọi là tiền đề lớn.
Phán đoán tiền đề có thuật ngữ nhỏ (S) gọi là tiền đề nhỏ.
Căn cứ vào vị trí của thuật ngữ giữa (M) ở các phán đoán tiền đề chia tam đoạn luận thành bốn loại hình:
Loại hình 1: Thuật ngữ giữa làm chủ từ ở phán đoán tiền đề lớn, vị từ ở phán đoán tiền đề nhỏ.
Ví dụ: Mọi thẩm phán đều hiểu biết pháp luật
M P
Anh A là thẩm phán
S M
Kết luận: Anh A hiểu biết pháp luật
S P
Loại hình 2: Thuật ngữ giữa làm vị từ ở cả hai phán đoán tiền đề.
Ví dụ: Mọi thẩm phán đều hiểu biết pháp luật
P M
Anh A không hiểu biết pháp luật
S M
Kết luận: Anh A không phải thẩm phán
S P
Loại hình 3: Thuật ngữ giữa làm chủ từ ở cả hai phán đoán tiền đề.
Ví dụ: Anh A là luật sư
M P
Anh A là người hiểu biết pháp luật
M S
Kết luận: Có người hiểu biết pháp luật là luật sư
S P
Loại hình 4: Thuật ngữ giữa làm vị từ ở phán đoán tiền đề lớn, làm chủ từ ở phán đoán tiền đề nhỏ.
Ví dụ: Có cử nhân là cử nhân luật
P M
Tất cả cử nhân luật đều hiểu biết pháp luật
M S
Kết luận, Có người hiểu biết pháp luật là cử nhân
S P
Tam đoạn luận là hình thức suy luận gián tiếp, chịu sự chi phối của nhiều yếu tố: các thuật ngữ, các tiền đề và hình thức cấu tạo của mỗi loại hình tam đoạn luận. Do đó, nó đòi hỏi phải tuân theo những quy tắc nhất định. Nếu kết luận của lập luận là chắc chắn (nghĩa là đi tới một kết luận trong mọi trường hợp), lập luận được xem là đúng (có hiệu lực). Ngược lại nếu có một trường hợp mà kết luận không thể đạt được, lập luận sai (không hiệu lực).
- Áp dụng Tam đoạn luận của Arixtốt trong viết bản án ở Pháp và Hàn Quốc
Hàn Quốc theo Hệ thống pháp luật Châu Âu lục địa, nhìn chung bản án của Tòa án được viết theo cấu trúc tam đoạn luận (tiền đề lớn – tiền đề nhỏ – kết luận) theo từng vấn đề tranh cãi. Cụ thể:
- Tiền đề lớn: Đưa ra nguyên tắc pháp lý – giải quyết vấn đề pháp lý
1) Đưa ra điều khoản pháp luật cụ thể mà có tranh cãi về việc giải thích, áp dụng; văn bản quy phạm pháp luật cấp trên, pháp luật có liên quan; hoặc nguyên tắc pháp lý có liên quan trước đó. (Đây là phần xác định và đưa ra quy phạm pháp luật sẽ áp dụng vào vụ việc đó. Đây là tình huống, bối cảnh mang tính quy phạm để rút ra nguyên tắc pháp lý).
2) Lập luận: Xem xét các yếu tố như câu văn, mục đích, hệ thống pháp luật; tình hình xã hội; và tính thỏa đáng của kết quả dựa theo việc áp dụng hoặc không áp dụng kết luận dưới đây. (Đây là phần giải thích lý do Tòa án tối cao rút ra nguyên tắc pháp lý từ số 1).
3) Kết luận về vấn đề pháp lý: quan điểm về việc giải thích, áp dụng pháp luật của Tòa án trong vụ việc nào đó, được tạo ra để áp dụng vào tình tiết, sự kiện cụ thể của vụ việc đó.
- Tiền đề nhỏ: Tình tiết của vụ án
- Kết luận của vụ án: Kết luận sau khi đưa tình tiết của vụ án vào nguyên tắc pháp lý.[3]
Tương tự, ở Pháp trong phần nhận định của bản án, tam đoạn luận tư pháp có thể áp dụng cho từng yêu cầu:
- Đại tiền đề: Nêu quy định pháp luật có thể áp dụng.
- Tiểu tiền đề: Xem xét các sự việc tương ứng với việc áp dụng quy định pháp luật này.
- Kết luận: Hệ quả về tính có căn cứ của yêu cầu.[4]
Nhận thấy việc vận dụng tam đoạn luận của Arixtốt trong viết bản án ở các quốc gia trên đã tạo ra những bản án có chất lượng, những nguyên tắc pháp lý được vạch ra một cách rành mạch cùng với những lập lập có tính logic rất cao mà chúng ta cần tham khảo.
Hiện nay, việc công bố bản án là một yêu cầu bắt buộc, theo quy định tại Nghị quyết số 03/2017/NQ-HĐTP ngày 16-3-2017 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về việc công bố bản án, quyết định trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án. Công chúng sẽ có điều kiện tiếp cận, bình luận đối với các bản án, quyết định được đăng tải, công bố công khai. Điều này đòi hỏi các Thẩm phán phải rèn luyện, nâng cao trình độ, kỹ năng soạn thảo bản án.
Song song với việc công bố bản án, phát triển án lệ là một trong những nhiệm vụ mới theo quy định của Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014. Tuy nhiên số lượng án lệ được công bố chưa nhiều, thực tế Tòa án nhân dân tối cao đã nghiên cứu, rà soát khoảng 6.000 quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm (gồm khoảng 300 quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, 4.900 quyết định giám đốc thẩm của các Tòa chuyên trách Tòa án nhân dân tối cao (cũ), 800 quyết định giám đốc thẩm của Ủy ban Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh). Trên cơ sở kết quả rà soát nêu trên, Tòa án nhân dân tối cao trước mắt chọn được 18 bản án, quyết định để đề xuất phát triển thành án lệ, hiện đã có 10 án lệ được công bố.[5]
Nâng cao chất lượng bản án, quyết định của Tòa án là một trong những giải pháp quan trọng nhất nhằm hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng hoạt động của Tòa án nói chung, tăng cường công tác xây dựng và phát triển án lệ nói riêng. Trong thời gian vừa qua, Tòa án nhân dân tối cao đã có nhiều văn bản hướng dẫn cách viết bản án, tổ chức nhiều lớp tập huấn chuyên sâu về viết bản án. Bên cạnh đó cần xem xét kinh nghiệm thực tế về viết bản án từ một số quốc gia như: Pháp, Hàn Quốc. Ở các quốc gia này, tam đoạn luận của Arixtốt với những giá trị của nó được coi như một công cụ hữu hiệu trong viết bản án – được nâng lên thành tam đoạn luận tư pháp. Một công cụ làm nổi bật nên vấn đề pháp lý hay đường lối xét xử trong bản án.
Ngoài ra để góp phần tạo ra những bản án ngày càng chất lượng với những luận cứ chặt chẽ, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng xét xử theo yêu cầu cải cách tư pháp. Cần tiếp tục hoàn thiện tài liệu và tổ chức tập huấn chuyên sâu, đào tạo về kỹ năng viết bản án, tổ chức các cuộc hội thảo khoa học trong nước, quốc tế nhiều hơn nữa. Đồng thời bản thân đội ngũ Thẩm phán phải không ngừng học hỏi, trau dồi kiến thức nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ.
[1] Phân tích học thứ nhất. I,4,25b 26-30 (Chú ý: các ký hiệu này có nghĩa là: I- quyển I,4- chương 4, 25b 26-30 – là khổ văn mà Arixtốt dùng khi viết để phân biệt các đoạn khác nhau)
[2] Phân tích học thứ nhất. Sđd., I, 1, 24b 16 – 20.
[3] Cấu trúc án lệ và nâng cao hiệu quả áp dụng án lệ trong thực tiễn, tài liệu hội thảo do Tòa án nhân dân tối cao Việt Nam phối hợp với Tòa án tối cao Hàn Quốc tổ chức.
[4] Kỹ năng soạn thảo bản án dân sự, tài liệu hội thảo do Học viện Tòa án phối hợp với trường Thẩm phán quốc gia cộng hòa Pháp tổ chức.
[5] Cấu trúc bản án và viện dẫn, áp dụng án lệ trong bản án, quyết định của Tòa án, Ngô Văn Nhạc – Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế và quản lý khoa học Tòa án nhân dân tối cao.