Tình huống pháp lý: Chào Luật sư, Tôi có một câu hỏi là trong vụ án hình sự, bị cáo phạm tội “Giết người”, bị hại đã chết, đại diện bị hại có đơn xin giảm hình phạt cho bị cáo. Vậy, việc đại diện bị hại xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo có được coi là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự hay không?. Tôi mong nhận được câu trả lời từ phía Luật sư. Tôi xin chân thành cảm ơn!
Trả lời:
Cảm ơn Bạn đã gửi câu hỏi đến Công ty Luật FDVN (FDVN). Đối với câu hỏi của Bạn, sau khi nghiên cứu các quy định pháp luật liên quan, FDVN có một số trao đổi như sau:
Căn cứ tại khoản 1 Điều 51 của Bộ luật hình sự 2015, Luật Hình sự sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự:
1. Các tình tiết sau đây là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự:
a) Người phạm tội đã ngăn chặn hoặc làm giảm bớt tác hại của tội phạm;
b) Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả;
c) Phạm tội trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng;
d) Phạm tội trong trường hợp vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết;
đ) Phạm tội trong trường hợp vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội;
e) Phạm tội trong trường hợp bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của nạn nhân gây ra;
g) Phạm tội vì hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mà không phải do mình tự gây ra;
h) Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn;
i) Phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng;
k) Phạm tội vì bị người khác đe dọa hoặc cưỡng bức;
l) Phạm tội trong trường hợp bị hạn chế khả năng nhận thức mà không phải do lỗi của mình gây ra;
m) Phạm tội do lạc hậu;
n) Người phạm tội là phụ nữ có thai;
o) Người phạm tội là người đủ 70 tuổi trở lên;
p) Người phạm tội là người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng;
q) Người phạm tội là người có bệnh bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình;
r) Người phạm tội tự thú;
s) Người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải;
t) Người phạm tội tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện tội phạm hoặc trong quá trình giải quyết vụ án;
u) Người phạm tội đã lập công chuộc tội;
v) Người phạm tội là người có thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu, học tập hoặc công tác;
x) Người phạm tội là người có công với cách mạng hoặc là cha, mẹ, vợ, chồng, con của liệt sĩ.
Khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự có quy định:
“2. Khi quyết định hình phạt, Tòa án có thể coi đầu thú hoặc tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ, nhưng phải ghi rõ lý do giảm nhẹ trong bản án.”
Đồng thời theo hướng dẫn tại điểm 5, Mục I Công văn số 212/TANDTC-PC ngày 13/9/2019 của TANDTC quy định những trường hợp cụ thể được áp dụng khoản 2 Điều 51 BLHS như sau:
“Hiện nay, quy định tại khoản 2 Điều 51 của Bộ luật Hình sự năm 2015 chưa được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn cụ thể. Tuy nhiên trong quá trình xét xử, Tòa án có thể tham khảo quy định tại điểm c mục 5 Nghị quyết số 01/2000/NQ-HĐTP ngày 04/08/2000 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định trong phần chung của Bộ luật Hình sự năm 1999 để xác định tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 2 Điều 51 của Bộ luật Hình sự năm 2015, cụ thể:
– Vợ, chồng, cha, mẹ, con, anh, chị, em ruột bị cáo là người có công với nước hoặc có thành tích xuất sắc được Nhà nước tặng một trong các danh hiệu vinh dự như: anh hùng lao động, anh hùng lực lượng vũ trang, người mẹ Việt Nam anh hùng, nghệ sỹ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú, nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú, thầy thuốc nhân dân, thầy thuốc ưu tú hoặc các danh hiệu cao quý khác theo quy định của Nhà nước:
– Bị cáo là thương binh hoặc có người thân thích như vợ, chồng, cha, mẹ, con (con đẻ hoặc con nuôi), anh, chị, em ruột là liệt sỹ;
– Bị cáo là người tàn tật do bị tai nạn trong lao động hoặc trong công tác, có tỷ lệ thương tật từ 31% trở lên;
– Người bị hại cũng có lỗi;
– Thiệt hại do lỗi của người thứ ba;
– Gia đình bị cáo sửa chữa, bồi thường thiệt hại thay cho bị cáo;
– Người bị hại hoặc đại diện hợp pháp của người bị hại xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo trong trường hợp chỉ gây tổn hại về sức khoẻ của người bị hại, gây thiệt hại về tài sản;
– Phạm tội trong trường hợp vì phục vụ yêu cầu công tác đột xuất như đi chống bão, lụt, cấp cứu.
Ngoài ra, khi xét xử, tuỳ từng trường hợp cụ thể và hoàn cảnh cụ thể của người phạm tội mà còn có thể coi các tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ, nhưng phải ghi rõ trong bản án”.
Đối chiếu với các quy định của pháp luật nêu trên, ứng với câu hỏi của bạn thì trong một vụ án hình sự, bị cáo phạm tội “Giết người”, bị hại đã chết, đại diện bị hại có đơn xin giảm hình phạt cho bị cáo sẽ không được coi là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Bởi lẽ tại điểm c mục 5 Nghị quyết số 01/2000/NQ-HĐTP ngày 04/8/2000 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao có nêu Người bị hại hoặc đại diện hợp pháp của người bị hại xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo được coi là tình tiết giảm nhẹ trong trường hợp chỉ gây tổn hại về sức khoẻ của người bị hại, gây thiệt hại về tài sản.
Gần đây nhất, theo Thông báo số 201/TB-VKSTC ngày 07/10/2024 của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao về việc rút kinh nghiệm vụ án hình sự, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao giám đốc thẩm hủy bản án hình sự phúc thẩm để xét xử phúc thẩm lại. Tại điểm 3, mục II của thông báo có nhấn mạnh nội dung rút kinh nghiệm về việc xác định tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự như sau:
Theo hướng dẫn tại mục 5 Nghị quyết số 01/2000/NQ-HĐTP ngày 04/8/2000 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, đại diện người bị hại xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo trong trường hợp chỉ gây tổn hại về sức khỏe, gây thiệt hại về tài sản thì được xác định là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.
Như vậy, Trong vụ án hình sự bị cáo phạm tội “Giết người”, người bị hại đã chết, nên khi đại diện người bị hại xin giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo không được xem xét, không được xác định là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự.
Trên đây là ý kiến tư vấn của FDVN liên quan đến yêu cầu tư vấn của Quý khách trên cơ sở nghiên cứu các quy định pháp luật. Hy vọng ý kiến tư vấn của FDVN sẽ hữu ích cho Quý khách.
Nguyễn Loan – Công ty Luật FDVN
………………….
Tầng 2 Tòa nhà Thư Dung Plaza, 87 Nguyễn Văn Linh, phường Phước Ninh, Quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng
Luật sư tại Huế:
366 Phan Chu Trinh, phường An Cựu, quận Thuận Hoá, Thành phố Huế
Luật sư tại TP. Hồ Chí Minh:
Tầng 8, Toà nhà Bluesea, số 205B Hoàng Hoa Thám, phường 6, quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh
Luật sư tại Hà Nội:
Tầng 2, Star Tower, số 68 Dương Đình Nghệ, phường Yên Hoà, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội
Luật sư tại Nghệ An:
Quốc lộ 1A, Khối 11, phường Quỳnh Xuân, Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An
Tầng 2, tòa nhà Cửa Tiền Phố, đường Hồ Hữu Nhân, phường Vinh Tân, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An
Luật sư tại Gia Lai:
Số 61 Phạm Văn Đồng, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai
Website: www.fdvn.vn www.fdvnlawfirm.vn www.diendanngheluat.vn www.tuvanphapluatdanang.com
Email: fdvnlawfirm@gmail.com luatsulecao@gmail.com
Điện thoại: 0772 096 999
Fanpage LUẬT SƯ FDVN: https://www.facebook.com/fdvnlawfirm/
Legal Service For Expat: https://www.facebook.com/fdvnlawfirmvietnam/
TỦ SÁCH NGHỀ LUẬT: https://www.facebook.com/SayMeNgheLuat/
DIỄN ĐÀN NGHỀ LUẬT: https://www.facebook.com/groups/saymengheluat/
KÊNH YOUTUBE: https://www.youtube.com/c/luatsufdvn
KÊNH TIKTOK: https://www.tiktok.com/@luatsufdvn
KÊNH TELEGRAM FDVN: https://t.me/luatsufdvn