Abstract:
Việt Nam là một quốc gia với bề dày lịch sử và sự đa dạng văn hóa, với hơn 4000 năm văn hiến, mỗi giai đoạn lịch sử lại mang đậm dấu ấn riêng về các luật lệ gắn liền với từng triều đại phong kiến. Trong quá trình phát triển cùng lịch sử, hình phạt tử hình là một phần không thể thiếu và đã tồn tại từ rất sớm trong lịch sử pháp luật Việt Nam. Tuy rằng việc xác định chính xác thời điểm hình phạt tử hình xuất hiện đầu tiên trong lịch sử là không dễ dàng, nhưng qua các tư liệu lịch sử còn lại, có thể nhìn thấy rằng việc áp dụng hình phạt này đã bắt đầu từ thời kỳ của triều đại Đinh và Tiền Lê (968-979). Trong giai đoạn này, hình phạt tử hình không chỉ đơn thuần là biện pháp trừng phạt, mà còn là một phần không thể tách rời khỏi bản sắc văn hóa và quan điểm tôn giáo của tầng lớp thống trị. Việc thi hành hình phạt tử hình không chỉ phản ánh chính sách pháp lý của chính quyền, mà còn phản ánh sâu sắc sự tương tác giữa chính trị, tôn giáo và văn hóa. Cách thức và lí do áp dụng hình phạt tử hình thường được quyết định bởi những yếu tố này, tạo nên một hình ảnh toàn diện về xã hội và quyền lực thời bấy giờ.
Từ khóa: Tử hình, Thi hành án, chế độ phong kiến, Việt Nam.
Thứ nhất, hình phạt tử hình thời Ngô, Đinh, Tiền Lê
Một là, hình phạt tử hình thời nhà Ngô. Năm 938, Ngô Quyền sau khi đánh bại quân Nam Hán với chiến thắng lẫy lừng trên sông Bạch Đằng, chính thức chấm dứt nghìn năm đô hộ của bọn phong kiến phương Bắc, mở ra một thời kỳ độc lập lâu dài của Việt Nam. Ông trị vì được 5 năm (939-944) thì mất, thọ 48 tuổi. Ngô Quyền mất, em vợ là Dương Tam Kha cướp ngôi lấy danh xưng là Dương Bình Vương (944-950). Có một điều đặc biệt ở khác với các vị vua khác là sau khi giành được tự do từ tay một nước lớn như Trung Quốc, Ngô Quyền không lập tức xưng đế mà chỉ xưng Vương.
Cũng bởi mới bước đầu xác lập, xây dựng chế độ phong kiến, nên pháp luật thời này còn nhiều điểm mang tính sơ khai, chưa được hoàn chỉnh. Chế định triều nghi từ thời nhà Ngô với hai ban văn võ, nhưng trong lĩnh vực hình pháp thì luật pháp thành văn chưa xuất hiện, triều đình xét xử vẫn dùng luật tục trong dân gian là chủ yếu[1]. Người dân sống trong thời kỳ này không ghi nhận hình phạt tử hình.[2]
Hai là, hình phạt tử hình thời Nhà Đinh. Năm 968, sau khi dẹp yên loạn 12 sứ quân, Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi, xưng là Đại Thắng Minh Hoàng Đế, quen gọi là Đinh Tiên Hoàng. Sau khi xưng đế, đặt quốc hiệu Đại Cồ Việt, dựng Kinh đô ở Hoa Lư, đặt niên hiệu Thái Bình, sáng lập Vương triều Đinh (968 – 980).
Về hình phạt tử hình của thời kỳ này theo sử cũ truyền lại: “Vua (Đinh Tiên Hoàng) muốn dùng uy chế ngự thiên hạ, bèn đặt chảo dầu lớn ở sân triều, nuôi hổ dữ trong cũi, hạ lệnh rằng: “Kẻ nào trái phép phải chịu tội bỏ vào chảo dầu, cho hổ ăn”[3]. Trong Nam Việt lược sử cũng cho biết điều tương tự: “Vua này bày luật lệ rất nghiêm; trước sân chầu có để chảo dầu sôi, có nhốt thú dữ, mà răn dân sự, cho chúng nó bỏ thói hung hăng theo đời 12 sứ quân”[4]
Có thể thấy đây là những hình phạt chưa từng có trong các triều đại trước đó, hình phạt bỏ vào vạc dầu sôi, nhốt vào chuồng hổ này có phần tàn bạo, vô nhân tính. Tuy nhiên chưa từng ghi nhận một trường hợp nào phạm trọng tội mà bị Đinh Tiên Hoàng bỏ cho hổ xé xác, phanh thây, hay phải chịu hình phạt luộc chín trong vạc dầu sôi đỏ lửa. Ngay lời trích dẫn của Việt sử lược có viết: “Bọn tù tội đều sợ phục, không dám trái mệnh”[5], Đại Việt sử ký toàn thư cũng đồng ý kiến, đủ cho chúng ta thấy các biện pháp của vua Đinh Tiên Hoàng chủ yếu là ngăn ngừa tội phạm hơn là thực thi pháp luật.
Ba là, hình phạt tử hình thời Tiền Lê. Năm 980, Lê Hoàn lên ngôi vua, lập ra triều Tiền Lê, Triều Tiền Lê có những cống hiến to lớn vào sự nghiệp dựng nước và giữ nước với thắng lợi vang dội của cuộc kháng chiến chống Tống (năm 981) và bình định Chăm-pa (năm 982). Năm 1005, vua Lê Hoàn mất, các con của Lê Hoàn tranh chấp ngôi vua, đem quân đánh lẫn nhau; các hoàng tử hoặc bị giết, hoặc đầu hàng Lê Long Đĩnh. Dưới thời Lê Long Đĩnh (1005 – 1009), Nhà nước Đại Cồ Việt cũng có những bước phát triển nhất định, nhưng do Lê Long Đĩnh sớm đi vào con đường ăn chơi sa đọa nên lòng người chán nản, oán giận.
Dưới thời Tiền Lê, việc củng cố và tăng cường thiết chế bộ máy nhà nước quân chủ không chỉ giới hạn ở việc quân sự mà còn bao gồm sự quan tâm đến việc xây dựng và phát triển luật pháp. Điều này được thể hiện rõ qua việc vua Lê Đại Hành, theo Đại Việt sử ký toàn thư, đã “định luật lệ” vào năm 1002. Tuy nhiên, trong thời kỳ này, việc xét xử vẫn còn khá tùy tiện và tàn ác. Ví dụ, dưới thời vua Lê Long Đĩnh, một số biện pháp trừng phạt tàn nhẫn đã được áp dụng. Các tù phạm có thể bị lấy rơm tẩm dầu và đốt sống, hoặc bị chặt từng mảng thịt bằng dao ngắn hoặc dao cùn xẻo. Họ có thể bị nhốt vào cũi rồi thả xuống sông hoặc bắt buộc phải trèo lên ngọn cây cao rồi chặt cây để rơi xuống mà chết. Những biện pháp khác bao gồm việc róc mía ở trên đầu người. Tất cả những hình phạt này thể hiện sự tàn ác việc xử lý tội phạm vào thời kỳ đó.[6]
Thứ hai, hình phạt tử hình trong triều đại nhà Lý
Lý Thái Tông (1000 – 1054) là vị hoàng đế thứ hai của triều đại Nhà Lý, cai trị trong 26 năm (1028–1054). Ông được đánh giá là một vị hoàng đế tài giỏi, thời đại của ông được xem là khởi đầu sự thịnh vượng của Nhà Lý. Cũng chính ông là người ban hành bộ luật đầu tiên tại Việt Nam vào năm 1042. Việc ra đời của Hình thư cũng như các cơ quan Bộ Hình và Thẩm hình được xem là bước tiến trong việc tổ chức quản lý của nhà nước thời bấy giờ dù vẫn còn nhiều nội dung chưa thực sự hiệu quả.
Dù sử sách ghi về sự ra đời Hình thư của triều Lý, nhưng sau này các sách chép bộ luật này không còn, nên chúng ta không biết chi tiết về các hình phạt, điều của giai đoạn này. Chỉ xem qua chính sử, có thể thấy triều đình nhà Lý đã áp dụng những hình phạt khắc nghiệt, ít thấy trong các thời đại khác, như hình phạt “thượng mộc mã” thời vua trẻ Lý Anh Tông, năm 1150[7]. Cưỡi ngựa gỗ (thượng mộc mã) là hình phạt đem tội nhân đóng đinh lên tấm ván, đem đi bêu chợ rồi đem ra pháp trường tùng xẻo. Ngoài ra, hình phạt tử hình áp dụng đối với kẻ phản loạn là chôn kẻ tử tội còn sống chỉ để lộ đầu, ở bên cạnh trồng cây tre khoẻ, vít cần tre xuống buộc đầu vào, dùng dao sắc cắt đầu cho bật lên[8].
Thứ ba, hình phạt tử hình trong triều đại nhà nhà Trần
Nhà Trần (1226-1400) là một trong những triều đại phong kiến rực rỡ và nổi tiếng nhất trong lịch sử Việt Nam. Triều đại nhà Trần từng cùng nhân dân ba lần đánh thắng quân Nguyên – Mông. Không những vậy, công lao nổi bật của nhà Trần là xây dựng đất nước đưa Nho giáo và Đạo giáo vào nước ta, cùng hàng loạt cải cách phát triển kinh tế, văn hóa, quân sự, giáo dục. Dưới triều Trần, có hai bộ luật được ban hành dưới đời vua Trần Thái Tông và Trần Dụ Tông. Thời vua Trần Thái Tông đã soạn được bộ Quốc Triều thống chế và vào năm 1341, vua Trần Dụ Tông đã sai người biên soạn bộ Hoàng Triều đại điển và khảo soạn Bộ Hình thư để ban hành. Cả hai bộ luật này đều quy định hình phạt tử hình[9]. Năm 1230, Trần Thái Tông đã xem xét các luật lệ của các triều đại trước và cho ban hành Quốc triều thông chế gồm 20 quyển, quy định về tổ chức chính quyền. Sau đó qua vài lần sửa đổi bổ sung, nhà Trần ban hành bộ Quốc triều hình luật.
Pháp luật nhà Trần khá nghiêm khắc. Các tội trộm cắp lần đầu bị đánh 80 trượng, thích chữ lên mặt và phải đền cho chủ theo tỉ lệ mất 1 đền 9; nếu không đền đủ phải gán vợ con làm nô tì. Người tái phạm tội sẽ bị chặt chân tay; ai tái phạm tới lần thứ 3 sẽ bị giết[10].
Với tội gian dâm, pháp luật cho phép ai có bắt được kẻ gian dâm thì có quyền giết chết[11].
Thứ tư, hình phạt tử hình trong triều đại nhà Hậu Lê
Vào thời Hậu Lê (1948-1656 sau Công Nguyên) đã tồn tại một bộ luật nổi tiếng trong nước và toàn cầu đó là “Quốc Triều Hình Luật” hay “Bộ luật Hồng Đức”. Bộ luật ra đời dưới thời vua Lê Thánh Tông có niên hiệu là Hồng Đức (1470-1497), đây là Bộ luật chính thức của nhà nước Đại Việt thời Hậu Lê và hiện còn được lưu giữ đầy đủ. Bộ luật Hồng Đức là tôn gọi thông dụng của Bộ Quốc triều hình luật. Bộ luật Hồng Đức có thể coi là một bộ luật tổng hợp bao gồm nhiều các quy phạm pháp luật thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau như: Lĩnh vực hình sự; lĩnh vực dân sự; luật tố tụng; luật hôn nhân và gia đình; luật hành chính;…
Bộ luật Hồng Đức không chỉ là một tài liệu pháp lý quan trọng và chính thống của triều đại nhà Lê, mà còn đóng vai trò quan trọng như một nền tảng để phát triển các bộ luật sau này. Theo các nhà sử học, việc soạn thảo Quốc triều hình luật đã bắt đầu từ rất sớm, từ thời của Lê Thái Tổ và hoàn thiện dưới thời của Lê Thánh Tông. Bộ luật này bao gồm 722 điều, chia thành 13 chương trong sáu quyển, liên quan đến lĩnh vực hình sự. Trong Quốc triều hình luật có nhiều quy định nhằm ngăn chặn các hành vi phạm tội nặng như giết người, phản loạn, tham nhũng… Hệ thống hình phạt chính gồm 5 cấp độ (ngũ hình), trong đó hình phạt nghiêm trọng nhất là án tử hình.
Án tử hình theo bộ luật này có ba mức độ: thứ nhất Giảo (thắt cổ), trảm (chém đầu), thứ hai là Khiêu(chém bêu đầu), thứ ba là Lăng trì (tùng xẻo) tức xẻo từng miếng thịt rồi mổ bụng, moi ruột cho đến chết, sau đó còn bị cắt rời chân tay và bẻ gãy hết xương.
Án tử hình trong triều đại phong kiến này được áp dụng cho nhiều tội danh (tội liên quan đến tham nhũng (điều 138), Tội phản nghịch (Điều 412)….
Ngoài ra tại bộ luật này đã ghi nhân trường hợp miễn áp dụng hình phạt tử hình đối với người già và trẻ em ví dụ tại Điều 16: “Người phạm tội từ 80 tuổi trở lên hoặc từ 10 tuổi trở xuống và người tàn tật phạm tội chết cũng được hưởng. Người từ 90 tuổi trở lên hoặc người từ 7 tuổi trở xuống phạm tội chết người thì không bị xử tử”.
Mặc dù có những quy định nghiêm ngặt về án tử, Bộ luật này đã đạt được những thành tựu đáng chú ý, với những ưu điểm vượt trội hơn so với các quy định trước đó, bao gồm việc bảo vệ quyền lợi của người dân, đặc biệt là nhóm dân tộc thiểu số, người lao động, người làm công, và người khuyết tật. Tiến bộ lớn nhất được được thể hiện là sự quan tâm đặc biệt đến vai trò và quyền lợi của phụ nữ, tạo điều kiện cho họ có sự bình đẳng tương đối với nam giới trong xã hội và với chồng trong gia đình, giảm trách nhiệm hình sự đối với những trường hợp có yếu tố bảo vệ sơ cấp. Đây là yếu tố quan trọng góp phần làm nên sự tiến bộ và đặc biệt của luật này.
Thứ năm, hình phạt tử hình trong triều đại nhà Nguyễn
Vào năm 1815, trong thời kỳ nhà Nguyễn, vua Gia Long đã ra lệnh ban hành “Hoàng Việt luật lệ” (còn gọi là “Bộ luật Gia Long”). Bộ luật này có tổng cộng 398 điều, chia thành 22 quyển. Nó được coi là tài liệu pháp lý cuối cùng của triều đại phong kiến Việt Nam.
Trong bộ luật này, hình phạt vẫn tuân theo chế độ ngũ hình. Tức là có 5 cấp độ hình phạt, án tử hình được dành cho những tội phạm nghiêm trọng nhất. Đặc biệt là những ai phạm tội xâm phạm đến nhà vua, hoàng tộc và thể chế phong kiến sẽ bị xử chém ba đời thân thích và một số họ hàng khác là nam giới từ 16 tuổi trở lên.
Cách thi hành án tử hình có thể thay đổi tùy theo loại tội phạm và mức độ tội ác. Có thể áp dụng treo cổ, xử chém, lăng trì (cắt, xé thịt, móc mắt cho đến chết), trảm khiêu (đánh chém người đến chết), hoặc lục thi (chém, băm xác).
Ví dụ, Điều 62 (Điều 13 Chương vệ cấm) nói rõ “Những quan phụng sắc ban đêm khoá cửa hoàng thành, cung điện và trong nội cấm… Nếu không phụng sắc mà tự tiện mở cửa thì bị xử lưu đi châu xa, tội nặng phải xử tử”... Điều 111 (Điều 15 Chương vi chê) cũng nêu rõ về hình phạt Những người làm ngự thiện (thức ăn của Vua) mà phạm lầm phải đồ ăn cấm kỵ thì người chủ thực xử tội lưu… Cố ý dùng những đồ uế tạp độc hại thì xử tội tử hình. Còn Điều 680 (Điều 23 Chương Đoán ngục) quy định về hình phạt đối với phụ nữ: “Đàn bà phải tội tử hình trở xuống nếu đang cố thai thì phải để sinh đẻ sau 100 ngày mới đem hành hình”,..[12] Như vậy việc hoãn thi hành án được thể hiện tại bộ luật này cũng thể hiện tính nhân đạo sâu sắc.
Có thể thấy qua mỗi triều đại phong kiến, hình phạt tử hình có những sắc thái khác nhau đặc trưng phản ánh bản chất xã hội riêng của từng giai đoạn. Từ những thời kỳ xa xưa đến những biến đổi trong hình phạt và quan điểm xã hội, chúng ta đã thấy rõ sự tiến bộ và thay đổi trong cách thức áp đặt hình phạt tử hình. Qua đây nhận thấy rằng trong quá trình phát triển lịch sử, Việt Nam đã trải qua sự thay đổi không chỉ trong việc áp đặt hình phạt tử hình mà còn trong cách nhìn nhận về công bằng, nhân quyền và giá trị con người. Các quy định và tiêu chuẩn đối với hình phạt này đã dần thay đổi, phản ánh sự tiến bộ của xã hội và sự phát triển của pháp luật. Tuy nhiên, việc tìm hiểu về hình phạt tử hình không chỉ là để đánh giá lịch sử pháp luật của một quốc gia mà còn là để suy ngẫm về tư duy và giá trị của chính xã hội. Việc đề cao nhân quyền, công bằng và phát triển bền vững trong hệ thống pháp luật là mục tiêu quan trọng, và sự thay đổi trong việc áp đặt hình phạt tử hình là một phần của quá trình đó.
Luật sư Nguyễn Thị Thảo Nguyên – Công ty Luật FDVN
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- TS. Võ Khánh Vinh, Những vấn đề lý luận về hình phạt tử hình
- Trần Đình Ba, Hành pháp thời Đinh Tiên Hoàng – Một góc nhìn, Tạp chí điện tử Luật sư Việt Nam, https://lsvn.vn/hanh-phap-thoi-dinh-tien-hoang-mot-goc-nhin.html truy cập ngày 11/3/2024
- Ngô Sĩ Liên và các sử quan nhà Lê (1998), Đại Việt sử ký toàn thư, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, tr.211.
- Nguyễn Văn Mai (1919), Nam Việt lược sử, Imprimerie et Librairie J. Việt, Sài Gòn, tr.13.
- Khuyết danh (Trần Quốc Vượng dịch) (2005), Việt sử lược, Nxb. Thuận Hóa, Huế, tr.54.
- Những hình phạt ngoài “ngũ hình” thời xưa- Công an Nhân dân online https://cand.com.vn/Kinh-te-Van-hoa-The-Thao/nhung-hinh-phat-ngoai-ngu-hinh-thoi-xua-i705295/ ngày 3/11/2024
- Nguyễn, NH; Tạ, VT; Trần, VL Bộ luật Lê: Pháp luật truyền thống Việt Nam; Nhà xuất bản Đại học Ohio: Athens, OH, USA, 1987; Tập 1.
- Trương Hữu Quýnh, Đinh Xuân Lâm, Lê Mậu Hãn chủ biên (2008), Đại cương lịch sử Việt Nam, Nhà xuất bản Giáo dục, tr 186
TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:
[1] Trần Đình Ba, Hành pháp thời Đinh Tiên Hoàng – Một góc nhìn, Tạp chí điện tử Luật sư Việt Nam, https://lsvn.vn/hanh-phap-thoi-dinh-tien-hoang-mot-goc-nhin.html truy cập ngày 11/3/2024
[2] Hoang Dinh Duyen, death penalty in vietnam’s feudal criminal law
[3] Ngô Sĩ Liên và các sử quan nhà Lê (1998), Đại Việt sử ký toàn thư, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, tr.211.
[4] Nguyễn Văn Mai (1919), Nam Việt lược sử, Imprimerie et Librairie J. Việt, Sài Gòn, tr.13.
[5] Khuyết danh (Trần Quốc Vượng dịch) (2005), Việt sử lược, Nxb. Thuận Hóa, Huế, tr.54.
[6] PGS. TS. Võ Khánh Vinh, Những vấn đề lý luận về hình phạt tử hỉnh
[7] Những hình phạt ngoài “ngũ hình” thời xưa- Công an Nhân dân online https://cand.com.vn/Kinh-te-Van-hoa-The-Thao/nhung-hinh-phat-ngoai-ngu-hinh-thoi-xua-i705295/ ngày 3/11/2024
[8] PGS. TS. Võ Khánh Vinh, Những vấn đề lý luận về hình phạt tử hình
[9] Nguyễn, NH; Tạ, VT; Trần, VL Bộ luật Lê: Pháp luật truyền thống Việt Nam; Nhà xuất bản Đại học Ohio: Athens, OH, USA, 1987; Tập 1.
[10] Trương Hữu Quýnh, Đinh Xuân Lâm, Lê Mậu Hãn chủ biên (2008), Đại cương lịch sử Việt Nam, Nhà xuất bản Giáo dục, tr 186
[11] Trương Hữu Quýnh, Đinh Xuân Lâm, Lê Mậu Hãn chủ biên (2008), Đại cương lịch sử Việt Nam, Nhà xuất bản Giáo dục, tr 186
[12] PGS. TS. Võ Khánh Vinh, Những vấn đề lý luận về hình phạt tử hình
………………….
Tầng 2 Tòa nhà Thư Dung Plaza, 87 Nguyễn Văn Linh, phường Nam Dương, Quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng
Luật sư tại Huế:
366 Phan Chu Trinh, phường An Cựu, Thành phố Huế, Thừa Thiên Huế
Luật sư tại TP. Hồ Chí Minh:
Tầng 8, Toà nhà Bluesea, số 205B Hoàng Hoa Thám, phường 6, quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh
Luật sư tại Hà Nội:
Tầng 2, Star Tower, số 68 Dương Đình Nghệ, phường Yên Hoà, quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội
Luật sư tại Nghệ An:
Quốc lộ 1A, Khối 11, phường Quỳnh Xuân, Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An
Tầng 2, tòa nhà Cửa Tiền Phố, đường Hồ Hữu Nhân, phường Vinh Tân, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An
Luật sư tại Gia Lai:
Số 61 Phạm Văn Đồng, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai
Website: www.fdvn.vn www.fdvnlawfirm.vn www.diendanngheluat.vn www.tuvanphapluatdanang.com
Email: fdvnlawfirm@gmail.com luatsulecao@gmail.com
Điện thoại: 0772 096 999
Fanpage LUẬT SƯ FDVN: https://www.facebook.com/fdvnlawfirm/
Legal Service For Expat: https://www.facebook.com/fdvnlawfirmvietnam/
TỦ SÁCH NGHỀ LUẬT: https://www.facebook.com/SayMeNgheLuat/
DIỄN ĐÀN NGHỀ LUẬT: https://www.facebook.com/groups/saymengheluat/
KÊNH YOUTUBE: https://www.youtube.com/c/luatsufdvn
KÊNH TIKTOK: https://www.tiktok.com/@luatsufdvn
KÊNH TELEGRAM FDVN: https://t.me/luatsufdvn