Feel free to go with the truth

Trang chủ / BÀI VIẾT & ẤN PHẨM CỦA FDVN / Bàn về Án lệ số 47/2021/AL về việc xác định tội danh trong trường hợp bị cáo dùng hung khí nguy hiểm đâm vào vùng trọng yếu của cơ thể bị hại

Bàn về Án lệ số 47/2021/AL về việc xác định tội danh trong trường hợp bị cáo dùng hung khí nguy hiểm đâm vào vùng trọng yếu của cơ thể bị hại

Án lệ là những lập luận, phán quyết trong bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án về một vụ việc cụ thể được Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao lựa chọn và được Chánh án TAND tối cao công bố là án lệ để các Tòa án nghiên cứu, áp dụng trong xét xử. Khi xét xử, Thẩm phán, Hội thẩm phải nghiên cứu, áp dụng án lệ, bảo đảm những vụ việc có tình huống pháp lý tương tự thì phải được giải quyết như nhau. Trường hợp vụ việc có tình huống pháp lý tương tự nhưng Tòa án không áp dụng án lệ thì phải nêu rõ lý do trong bản án, quyết định của Tòa án. Trường hợp Tòa án áp dụng án lệ để giải quyết vụ việc thì số, tên án lệ, tình huống pháp lý, giải pháp pháp lý trong án lệ và tình huống pháp lý của vụ việc đang được giải quyết phải được viện dẫn, phân tích trong phần “Nhận định của Tòa án”; tùy từng trường hợp cụ thể có thể trích dẫn toàn bộ hoặc một phần nội dung của án lệ để làm rõ quan điểm của Tòa án trong việc xét xử, giải quyết vụ việc tương tự.

Đến thời điểm này, Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao đã công bố 72 án lệ về các loại án, vụ việc về hình sự, dân sự, hôn nhân và gia đình, hành chính…Qua đó, giúp cho việc giải quyết các vụ án, vụ việc kịp thời, chính xác, bảo đảm cho pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất, góp phần quan trọng trong việc đấu tranh phòng, chống vi phạm, tội phạm, ổn định an ninh, trật tự và an toàn xã hội.

Trong số các án lệ đã công bố, có Án lệ số 47/2021/AL về việc xác định tội danh trong trường hợp bị cáo dùng hung khí nguy hiểm đâm vào vùng trọng yếu của cơ thể bị hại, được Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao thông qua ngày 25/11/2021 và được công bố theo Quyết định số 594/QĐ-CA ngày 31/12 /2021 của Chánh án TAND tối cao. Tình huống án lệ này là “Bị cáo dùng dao là hung khí nguy hiểm đâm vào vùng bụng của bị hại là vùng trọng yếu của cơ thể con người. Bị hại không chết là ngoài ý muốn chủ quan của bị cáo” và giải pháp pháp lý là “Trường hợp này, Tòa án phải xác định bị cáo chịu trách nhiệm hình sự về tội Giết người”.

Việc áp dụng Án lệ số 47/2021/AL trên thực tế đã đảm bảo xử lý nghiêm đối với người có hành vi dùng hung khí nguy hiểm tấn công vào vùng trọng yếu trên cơ thể con người theo hướng phạm tội giết người, là tội phạm đặc biệt nghiệm trọng, có khung hình phạt đến chung thân, tử hình đã góp phần ngăn chặn, răn đe giáo dục, phòng ngừa cao đối với loại tội phạm này, nhất là hiện nay việc rủ rê, tụ tập băng nhóm lôi kéo nhiều người, nhất là thanh thiếu niên sử dụng hung khí đánh, chém trả thù lẫn nhau đã và đang có chiều hướng tăng. Đồng thời, Án lệ 47/2021/AL mang tính thực tiễn cao, thường gặp nhiều trong thực tế, do đó khi đã có tình huống pháp lý tương tự thì việc áp dụng để giải quyết các vụ, việc được thuận lợi, nhanh chóng, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc khi giải quyết loại án này.

Tuy nhiên, quá trình áp dụng Án lệ số 47/2021/AL trên thực tế đã và đang nảy sinh những khó khăn, vướng mắc. Tình huống án lệ đưa ra đó là: “Bị cáo dùng dao là hung khí nguy hiểm đâm vào vùng bụng của bị hại là vùng trọng yếu của cơ thể con người. Bị hại không chết là ngoài ý muốn chủ quan của bị cáo”. Hướng dẫn của án lệ như vậy còn chung chung, chưa hướng dẫn cụ thể về loại hung khí nguy hiểm, vùng trọng yếu trên cơ thể người, mức độ tổn hại sức khỏe của bị hại… Do đó, việc áp dụng Án lệ số 47/2021/AL của các Cơ quan tiến hành tố tụng thời gian qua có vụ việc còn lúng túng, quan điểm khác nhau. Nhiều vụ việc đánh giá chưa đúng tính chất, mức độ nên xác định cấu thành tội cố ý gây thương tích, không phải phạm tội giết người và ngược lại; nhiều tòa cấp sơ thẩm áp dụng Án lệ 47 một cách máy móc dẫn đến người bị kết án tội “Giết người” tăng đột biến; có vụ đình chỉ vụ án sau đó phải phục hồi; nhiều vụ việc cơ quan tố tụng cấp dưới đánh giá có dấu hiệu tội giết người nên báo cáo xin ý kiến  liên ngành cấp trên hoặc chuyển vụ án lên cấp trên, nhưng sau đó được xác định không cấu thành tội giết người.

Để thống nhất nhận thức trong việc áp dụng, vận dụng Án lệ số 47, TAND tối cao và VKSND tối cao có các hướng dẫn, cụ thể, như: Công văn số 49/TANDTC-PC ngày 22/3/2023 về việc giải đáp 15 vướng mắc về hình sự, tố tụng hình sự, thi hành án hình sự; Công văn số 100/TANDTC-PC ngày 13/6/2023 của TAND tối cao về việc áp dụng Án lệ số 47/2021/AL và Công văn số 721/V14 ngày 25/11/2022 của Vụ 14 VKSND tối cao về tham gia ý kiến đối với việc xử lý các vụ án xâm phạm sức khỏe liên quan đến Án lệ 47.

Công văn số 100/TANDTC-PC ngày 13/6/2023 của TAND tối cao về việc áp dụng Án lệ số 47/2021/AL có nêu: “Để áp dụng án lệ này, trước tiên cần xác định vùng trọng yếu trên cơ thể của con người là những vùng có các cơ quan quan trọng quyết định đến sự sống của con người (ví dụ: tim, gan, thận, não, động mạch chủ…), nếu bị xâm hại mà người bị xâm hại không được cấp cứu kịp thời sẽ chết. Do đó, ngoài việc chứng minh bị cáo đã có hành vi dùng hung khí nguy hiểm tấn công vào vùng trọng yếu trên cơ thể của bị hại thì cần phải xem xét, đánh giá toàn diện các tài liệu, chứng cứ của vụ án, các tình tiết thể hiện tính chất, mức độ của hành vi, cơ chế hình thành vết thương, sự quyết liệt trong thực hiện hành vi, vị trí cơ thể bị hại mà bị cáo có ý định tấn công để chứng minh ý thức chủ quan của bị cáo là cố ý thực hiện hành vi gây nguy hiểm cho tính mạng của bị hại; hành vi của bị cáo thể hiện sự côn đồ, hung hãn, quyết liệt, coi thường tính mạng người khác; bị hại không chết là ngoài ý thức, mong muốn chủ quan của bị cáo”. Do đó, không phải trường hợp nào bị cáo có hành vi dùng hung khí nguy hiểm tấn công vào vùng trọng yếu trên cơ thể của bị hại cũng áp dụng án lệ 47/2021/AL, mà chỉ xem xét áp dụng án lệ trong trường hợp hành vi của bị cáo có đầy đủ yếu tố cấu thành tội phạm “Giết người” để xác định bị cáo pham tội “Giết người” thuộc phạm tội chưa đạt.

Phía Viện kiểm sát nhân dân tối cao lưu ý để áp dụng, vận dụng Án lệ 47, ngoài việc chứng minh bị cáo sử dụng hung khí nguy hiểm tấn công vào vùng trọng yếu trên cơ thể nạn nhân, phải xem xét, đánh giá toàn diện các tình tiết, diễn biến của vụ án như cường độ tấn công, thể hiện tính chất, mức độ hành vi, cơ chế hình thành vết thương, sự quyết liệt trong thực hiện hành vi, vị trí cơ thể nạn nhân mà bị cáo có ý định tấn công. Đồng thời, chứng minh được đến đâu thì xử lý đến đó, tránh việc gây oan, sai; việc áp dụng, vận dụng Án lệ 47 chỉ đối với những vụ án có tình huống, tình tiết diễn ra tương tự, không “cắt khúc” thời điểm, khoảnh khắc hành vi xảy ra để áp dụng xử lý.

Từ các nội dung nêu trên, tác giả có các đề xuất để áp dụng Án lệ số 47 đúng tinh thần pháp luật mà Hội đồng Thẩm phánTòa án nhân dân tối cao đang hướng đến, cụ thể:

Một là, cần tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo trong quá trình giải quyết nguồn tin về tội phạm và vụ án hình sự, nhất là đối với các vụ án Cố ý gây thương tích, Giết người. Lãnh đạo cơ quan tố tụng cần tiếp tục quán triệt đến công chức, nhân viên của đơn vị mình nắm vững nội dung Án lệ 47 và các văn bản hướng dẫn áp dụng, vận dụng án lệ. Theo đó, để áp dụng, vận dụng Án lệ 47, ngoài việc chứng minh bị cáo sử dụng hung khí nguy hiểm tấn công vào vùng trọng yếu trên cơ thể nạn nhân, cần chứng minh được ý thức muốn tước đoạt tính mạng của nạn nhân hoặc có thái độ bỏ mặc, bất chấp hậu quả, xem thường tính mạng của bị hại, thể hiện qua các tình tiết khác như: tính chất, mức độ, cường độ tấn công, tương quan lực lượng giữa hai bên; sự quyết liệt khi thực hiện hành vi phạm tội; sự tiếp nhận ý chí khi thực hiện hành vi; nhận định xác định về lỗi cố ý khi thực hiện hành vi…khi đó, hậu quả bị hại không chết là nằm ngoài ý muốn chủ quan của bị cáo. Đồng thời phải hết sức thận trọng khi áp dụng Án lệ số 47, đặc biệt đối với các vụ việc mà bị hại có tỷ lệ thương tích dưới 11%, có đơn không yêu cầu khởi tố vụ án phải hết sức chặt chẽ, đảm bảo đánh giá đúng 04 yếu tố cấu thành tội phạm để xử lý đúng tội danh; vì trong trường hợp này nếu định tội Cố ý gây thương tích, trong khi hành vi cấu thành tội Giết người thì có thể không bị xử lý hình sự do bị hại rút yêu cầu khởi tố sẽ bỏ lọt tội phạm, hoặc nếu định tội Giết người, trong khi hành vi chỉ cấu thành tội Cố ý gây thương tích mà không có yêu cầu khởi tố thì dẫn đến xử lý hình sự oan, sai. Do đó trong từng vụ việc cụ thể, các cơ quan tố tụng cần phải đánh giá đầy đủ các tài liệu, chứng cứ thu thập được, nhất là không được quá phụ thuộc vào dấu hiệu“sử dụng hung khí nguy hiểm tấn công vào vùng trọng yếu” hoặc căn cứ vào “kết quả giám định, giải thích của Cơ quan giám định thương tích” mà không xem xét toàn diện các tình tiết có liên quan thì sẽ dẫn đến việc xác định tội danh không chính xác.

Hai là, Cơ quan tố tụng trong quá thực hiện việc giải quyết nguồn tin về tội phạm và các vụ án hình sự về tội Cố ý gây thương tích, Giết người cần tăng cường hơn nữa trách nhiệm trong quá trình giải quyết vụ việc, nhất là trong giai đoạn tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm; nâng cao tinh thần trách nhiệm, phát huy tính chủ động trong hoạt động xác minh, điều tra thu thập tài liệu chứng cứ đảm bảo đầy đủ, kịp thời cho việc giải quyết vụ việc; nghiêm túc và cẩn trọng trong việc nghiên cứu hồ sơ vụ, việc để đề ra yêu cầu xác minh có chất lượng, bám sát nội dung vụ việc.

Ba là, tăng cường công tác phối hợp liên ngành, kịp thời phân tích, đánh giá những vướng mắc phát sinh, qua đó thống nhất giải pháp thực hiện. Đối với những vụ việc mà Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán nhận thấy có khó khăn về đánh giá chứng cứ, xác định tội danh thì kịp thời báo cáo lãnh đạo đơn vị mình để tổ chức họp liên ngành cùng cấp để có cùng quan điểm giải quyết; trường hợp không thống nhất được cần báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Liên ngành cấp trên hướng dẫn nhằm có sự thống nhất về nhận thức trong đánh giá chứng cứ, áp dụng, vận dụng Án lệ 47 để xác định tội danh Giết người thuộc trường hợp phạm tội chưa đạt đối với hành vi dùng hung khí nguy hiểm tấn công vào vùng trọng yếu của cơ thể bị hại tránh trường hợp đơn từ tố tụng kéo dài hoặc có thể gây oan sai trong quá trình giải quyết vụ việc.

Bốn là, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, nhân viên của các cơ quan tiến hành tố tụng. Chú trọng công tác cập nhật, phổ biến đến công chức trong đơn vị các thông báo rút kinh nghiệm của cấp trên trong quá trình xử lý các vụ việc cụ thể để nghiên cứu, vận dụng trong thực tiễn, nâng cao kỹ năng, kinh nghiệm trong quá trình thực hiện nghiệp vụ.

Luật sư Nguyễn Loan – Công ty Luật FDVN

…………….

Luật sư tại Đà Nẵng

Tầng 2, Tòa nhà Thư Dung Plaza, 87 Nguyễn Văn Linh, phường Nam Dương, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng

Luật sư tại Huế: 

366 Phan Chu Trinh, phường An Cựu, Thành phố Huế, Thừa Thiên Huế

Luật sư tại TP. Hồ Chí Minh:

Tầng 8, Toà nhà Bluesea, số 205B Hoàng Hoa Thám, phường 6, quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh

Luật sư tại Hà Nội:

Tầng 5, số 11 Ngõ 183, phố Đặng Tiến Đông, phường Trung Liệt, quận Đống Đa, Hà Nội

Luật sư tại Nghệ An:

Quốc lộ 1A, Khối 11, phường Quỳnh Xuân, Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An

Luật sư tại Gia Lai:

Số 61 Phạm Văn Đồng, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai

Website: www.fdvn.vn    www.fdvnlawfirm.vn  www.diendanngheluat.vn  www.tuvanphapluatdanang.com

Email: fdvnlawfirm@gmail.com    luatsulecao@gmail.com

Điện thoại: 0772 096 999

Fanpage LUẬT SƯ FDVN: https://www.facebook.com/fdvnlawfirm/

Legal Service For Expat:  https://www.facebook.com/fdvnlawfirmvietnam/

TỦ SÁCH NGHỀ LUẬT: https://www.facebook.com/SayMeNgheLuat/

DIỄN ĐÀN NGHỀ LUẬT: https://www.facebook.com/groups/saymengheluat/

KÊNH YOUTUBE: https://www.youtube.com/c/luatsufdvn

KÊNH TIKTOK: https://www.tiktok.com/@luatsufdvn

KÊNH TELEGRAM FDVN: https://t.me/luatsufdvn

 

Bài viết liên quan