Feel free to go with the truth

Trang chủ / BÀI VIẾT & ẤN PHẨM CỦA FDVN / Muốn giữ lại sân Chi Lăng, Đà Nẵng lâm thế khó

Muốn giữ lại sân Chi Lăng, Đà Nẵng lâm thế khó

   Theo luật sư, Đà Nẵng có thể hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư vào SVĐ, hoặc phải bỏ tiền ra mua lại để sử dụng theo mục đích của thành phố.

Thế khó của Đà Nẵng

   Liên quan đến số phận của sân vận động (SVĐ) Chi Lăng, thông tin từ Cục Thi hành án dân sự TP Đà Nẵng cho biết, buổi thỏa thuận thi hành án giữa đại diện UBND TP Đà Nẵng với Ngân hàng Xây dựng và Tập đoàn Thiên Thanh đã kết thúc mà các bên không tìm được tiếng nói chung.

Sân Chi Lăng

Trao đổi với Đất Việt, Luật sư (LS) Lê Cao, Chủ tịch HĐTV kiêm Giám đốc Công ty Luật FDVN (Đoàn Luật sư Đà Nẵng) không hề bất ngờ trước kết quả này bởi theo nội dung mà Ngân hàng Xây dựng trình bày và được báo chí đăng tải lại, ngân hàng sẽ không hi sinh quyền lợi chính đáng của ngân hàng, các cổ đông vì những sai phạm của một số cán bộ, cơ quan nhà nước hoặc các sai phạm của cá nhân khác.

“Các khoản tiền cho vay của ngân hàng là nguồn vốn được huy động từ dân chúng, nguồn tiền từ mồ hôi nước mắt của các cổ đông. Do đó, khi bên đi vay mắc nợ không trả được thì ngân hàng yêu cầu xử lý tài sản thế chấp để thu hồi vốn là chính đáng.

Nếu có một giải pháp nào đó để ngân hàng vẫn thu hồi tiền nợ vay thì tôi nghĩ câu chuyện thỏa thuận để thành phố Đà Nẵng giữ lại được sân Chi Lăng mới khả quan, nếu không sẽ rất khó”, LS Lê Cao nhận xét.

Phân tích cụ thể hơn, LS Cao cho hay, phía UBND TP Đà Nẵng đang đưa ra nguyện vọng là giữ lại SVĐ Chi Lăng và thực hiện trả lại số tiền sử dụng đất và các khoản tài chính khác có liên quan mà Tập đoàn Thiên Thanh đã thực nộp vào ngân sách.

Điều đó cho thấy UBND TP Đà Nẵng đang xử lý sự việc theo hướng đề nghị chấm dứt việc giao dịch, chuyển nhượng với Tập đoàn Thiên Thanh, các bên nhận của nhau những gì thì hoàn trả cho nhau những thứ đó giao.

Tuy nhiên, tài sản là SVĐ Chi Lăng đã được Tập đoàn Thiên Thanh thế chấp để thực hiện việc vay vốn tại ngân hàng. Vậy nên, quan điểm của Ngân hàng, Tập Đoàn Thiên Thanh cho rằng cần phải xét tới hoàn cảnh, thời điểm mà các bên đã thực hiện giao dịch để có phương án xử lý, theo vị luật sư, là hoàn toàn phù hợp.

“Quan hệ giữa UBND TP Đà Nẵng và Tập đoàn Thiên Thanh là một quan hệ mua bán, chuyển nhượng tài sản, khác so với quan hệ giữa Tập đoàn Thiên Thanh với ngân hàng là một quan hệ về tín dụng.

Nếu trên thực tế có việc cấp đất, giao đất, chuyển nhượng đất trái pháp luật thì phải có các quyết định, bản án của cơ quan có thẩm quyền có hiệu lực thì mới tước đi quyền sử dụng, sở hữu các tài sản thế chấp của chủ thể đem tài sản này đi thế chấp.

Trong khi chưa có một quyết định hợp pháp nào tước đi quyền sử dụng, sở hữu tài sản này thì việc thế chấp đã được tòa án xác nhận là hợp pháp và đang được thi hành án buộc các bên phải thi hành theo quy định của pháp luật”, LS Lê Cao phân tích.

Đà Nẵng có thể làm gì?

Từ thế khó trên của Đà Nẵng, cộng với thực tế SVĐ Chi Lăng đang bỏ không và chưa đưa vào hoạt động, khai thác rất lãng phí, vị luật sư cho rằng, để giải quyết dứt điểm sự việc này, UBND TP Đà Nẵng có thể thỏa thuận với Tập đoàn Thiên Thanh và Ngân hàng Xây dựng theo hướng, UBND TP sẽ thanh toán nợ gốc cho ngân hàng, số tiền lãi thì các bên có thể thỏa thuận cho phù hợp lợi ích các bên.

Luật sư Lê Cao

Bên cạnh đó, TP có thể kêu gọi các doanh nghiệp có nhu cầu xem ai có chính sách, kế hoạch đầu tư phù hợp với định hướng của thành phố để tạo điều kiện cho họ đầu tư và họ góp sức trong việc chi trả tiền thi hành án cho ngân hàng.

“Nói chung, nếu muốn đạt được lợi ích thì cần là cái lợi chung của các bên, nếu buộc phía ngân hàng là bên chịu hi sinh cho các sai phạm của người khác thì rất khó để xử lý dứt điểm.

Còn nếu có các cơ sở cho rằng các tài sản thế chấp thuộc Tập đoàn Thiên Thanh được sở hữu, sử dụng trái luật thì lại phải có phán quyết của cơ quan có thẩm quyền xác định điều này mới có thể thu hồi lại theo con đường pháp lý mà không qua thỏa thuận. Còn giờ thỏa thuận thì cần tìm được tiếng nói đồng thuận giữa các bên”, LS Lê Cao nhấn mạnh.

Trong trường hợp các bên không đạt được thỏa thuận về việc xử lý tài sản là SVĐ Chi Lăng, LS Lê Cao cho biết, ngân hàng với tư cách là chủ nợ, bên được thi hành án có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án, tiến hành kê biên, xử lý tài sản theo quy định.

Khi đó, tài sản có thể được đưa ra bán đấu giá hoặc thông qua các hình thức xử lý hợp pháp khác, ai có tiền bỏ ra theo các phương thức xử lý tài sản thì có thể mua lại tài sản này và pháp luật sẽ ghi nhận quyền sử dụng, định đoạt tài sản theo luật pháp.

“Nếu UBND TP Đà Nẵng quyết tâm giữ lại SVĐ, như đã nói ở trên, có thể cam kết các chính sách thiết thực để hỗ trợ cho các doanh nghiệp đầu tư vào đây với mục đích của thành phố, hoặc phải bỏ tiền ra mua lại để sử dụng theo mục đích của thành phố muốn”, vị luật sư kết luận.

 Theo Đất Việt

……………………………………………………………………………………………………………………

Luật sư tại Đà Nẵng: 

99 Nguyễn Hữu Thọ, Quân Hải Châu, thành phố Đà Nẵng

Luật sư tại Huế: 

336 Phan Chu Trinh, thành phố Huế, Thừa Thiên Huế

Luật sư tại Phú Quốc:

65 Hùng Vương, thị trấn Dương Đông, huyện đảo Phú Quốc.

Website: www.fdvn.vn    www.tuvanphapluatdanang.com

Email: fdvnlawfirm@gmail.com    luatsulecao@gmail.com

Điện thoại: 0935 643 666    –  0906 499 446

Fanpage: https://www.facebook.com/fdvnlawfirm/

Bài viết liên quan