Feel free to go with the truth

Trang chủ / Tư vấn pháp luật / Mức lãi vay như thế nào bị coi là cho vay nặng lãi?

Mức lãi vay như thế nào bị coi là cho vay nặng lãi?

Tôi là Nguyễn Văn T hiện đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội. Cách đây ít tháng có một nhóm người đến nhà em trai của tôi đòi nợ trong khi đó em trai tôi cũng không hề đứng ra vay bất cứ một khoản tiền nào. Theo thông tin tôi được biết thì số tiền đó là do vợ của em trai tôi (ly hôn) đã vay và dùng vào việc kinh doanh của cô ấy và cũng không được bàn bạc trước với em trai tôi.

Được biết vợ cũ của em trai tôi đã mượn số tiền là 20.000.000 đồng với lãi suất hàng tháng là 3.000.000 đồng/tháng. Đối với chúng tôi thì đây là một khoản tiền rất lớn chúng tôi không có khả năng chi trả cả gốc lẫn lãi. Cả gia đình tôi đã tìm kiếm cô ấy để đứng ra giải quyết nhưng không thể tìm được. Trước những lần nhóm người này tới đòi tiền bằng hung khí và đe dọa nếu không trả tiền thì sẽ làm hại các cháu của tôi. Mặc dù em trai đã đưa các cháu đến ở tại gia đình tôi để tránh bị đe dọa. Tuy nhiên nhóm người tìm đến nhà tôi và dùng nhiều hành động như dọa nạt hoặc dùng mắm tôm, sơn, dầu nhớt bẩn,… ném vào nhà nhằm ép chúng tôi trả đầy đủ các khoản nợ.

Vậy mong Quý Công ty Luật FDVN (FDVN) cho tôi được biết thì mức lãi suất của họ đưa ra như vậy có được quy định cụ thể trong luật hay không? Em trai tôi có phải chịu trách nhiệm về số tiền gốc và lãi mà em dâu đã vay trong khi họ đã ly hôn hay không? Đối với hành vi ném nắm tôm, sơn, dầu nhớt bẩn vào nhà tôi thì tôi có thể kiện hoặc báo công an để xử lý hành vi này hay không? Tôi xin chân thành cảm ơn Quý Công ty!

Cảm ơn Qúy Khách đã gửi câu hỏi đến Công ty Luật FDVN (FDVN). Đối với các yêu cầu tư vấn của Qúy Khách, sau khi nghiên cứu các quy định pháp luật liên quan, FDVN có một số trao đổi như sau:

[1]. Quy định của pháp luật hiện hành về mức lãi suất cho vay

Căn cứ vào Khoản 1 Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về mức lãi suất theo sự thoản thuận của các bên như sau:

“1. Lãi suất vay do các bên thỏa thuận.

Trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định tại khoản này thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.”

Như vậy, căn cứ vào quy định của pháp luật hiện hành thì mức lãi suất mà các bên thỏa thuận không được vượt quá 20% /năm. Cụ thể, mức lãi suất vay tối đa pháp luật cho phép là 1.666%/tháng, với khoản vay nêu trên, mức lãi suất tối đa theo quy định pháp luật mà em dâu Qúy Khách phải trả là 333.200 đồng/tháng (20.000.000 đồng x 1,666%/tháng).

Căn cứ vào các dữ liệu Quý Khách cung cấp thì đây em dâu của Quý Khách đã vay 20 triệu/tháng với mức lãi suất phải trả là 3 triệu/tháng, Tức là mức lãi suất (%) hàng tháng em dâu của Quý Khách phải trả là: 15%/tháng (gấp 09 lần) so với mức lãi suất tối đa mà pháp luật đã quy định, là trái quy định pháp luật.

Tại Khoản 1 Điều 468 nêu trên cũng có quy định đối với lãi suất vượt quá lãi suất mà pháp luật đã quy định thì mức lãi suất vượt quá sẽ không có hiệu lực. Tức là em dâu của Quý Khách chỉ phải trả khoản lãi là 333.200 đồng/tháng.

[2]. Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự

Căn cứ vào Điều 201 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi nă 2017 quy định về Tội cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự như sau:

1. Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với “lãi suất gấp 05 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất” quy định trong Bộ luật dân sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

  1. “Phạm tội mà thu lợi bất chính 100.000.000 đồng trở lên” thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
  2. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”

Như vậy, nhóm người cho em dâu của Quý Khách vay với mức lãi suất 15%/tháng gấp 09 lần mức lãi suất tối đa pháp luật có pháo có dấu hiệu cấu thành Tội cho vay nặng lãi như nêu trên.

Theo đó, tùy vào tính chất và mức độ vi phạm mà nhóm người có thể bị xử phạt vi phạm hành chính, hoặc phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm

[3]. Nghĩa vụ và trách nhiệm trả khoản nợ.

Dựa vào tình huống của Quý Khách có thể chia thành các trường hợp sau:

Thứ nhất, Khoản nợ nêu trên được xác lập sau khi em trai và em dâu của Quý Khách đã ly hôn và đương nhiên trong trường hợp này thì em dâu của Quý Khách sẽ phải chịu trách nhiệm về nghĩa vụ trả nợ của mình do mình tự xác lập.

Thứ hai, Khoản nợ này được vay trong thời kỳ hôn nhân thì tùy thuộc vào mục đích vay để xác định em trai của Quý Khách có phải chịu trách nhiệm về khoản nợ này hay không.

Căn cứ vào Điều 37 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định như sau:

“Điều 37. Nghĩa vụ chung về tài sản của vợ chồng

Vợ chồng có các nghĩa vụ chung về tài sản sau đây:

  1. Nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch do vợ chồng cùng thỏa thuận xác lập, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại mà theo quy định của pháp luật vợ chồng cùng phải chịu trách nhiệm;
  2. Nghĩa vụ do vợ hoặc chồng thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình;
  3. Nghĩa vụ phát sinh từ việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung;
  4. Nghĩa vụ phát sinh từ việc sử dụng tài sản riêng để duy trì, phát triển khối tài sản chung hoặc để tạo ra nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình;
  5. Nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do con gây ra mà theo quy định của Bộ luật dân sự thì cha mẹ phải bồi thường;
  6. Nghĩa vụ khác theo quy định của các luật có liên quan.”

Mặt khác, theo Điều 27 Luật Hôn nhân và Gia đình cũng quy định về trách nhiệm liên đới của vợ, chồng cụ thể:

“Điều 27. Trách nhiệm liên đới của vợ, chồng

  1. Vợ, chồng chịu trách nhiệm liên đới đối với giao dịch do một bên thực hiện quy định tại khoản 1 Điều 30 hoặc giao dịch khác phù hợpvới quy định về đại diện tại các điều 24, 25 và 26 của Luật này.
  2. Vợ, chồng chịu trách nhiệm liên đới về các nghĩa vụ quy định tại Điều 37 của Luật này.”

Theo đó trong tình huống này thì em trai của Quý Khách không hề biết việc vợ mình đi vay tiền dùng vào việc kinh doanh riêng và hai bên cũng không hề có sự thỏa thuận mà do một bên tự xác lập, đồng thời cũng không nhằm phục vụ cho các trường hợp sau thì có thể xác định là nợ riêng của người vợ gồm:

 “1. Nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch do vợ chồng cùng thỏa thuận xác lập, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại mà theo quy định của pháp luật vợ chồng cùng phải chịu trách nhiệm;

  1. Nghĩa vụ do vợ hoặc chồng thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình;
  2. Nghĩa vụ phát sinh từ việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung;
  3. Nghĩa vụ phát sinh từ việc sử dụng tài sản riêng để duy trì, phát triển khối tài sản chung hoặc để tạo ra nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình;
  4. Nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do con gây ra mà theo quy định của Bộ luật dân sự thì cha mẹ phải bồi thường;
  5. Nghĩa vụ khác theo quy định của các luật có liên quan.” (5)

em trai của Quý Khách cũng không phải chịu trách nhiệm liên đới đối với giao dịch do một bên thực hiện nếu giao dịch đó không thuộc quy định tại khoản 1 Điều 30 “ Vợ, chồng có quyền, nghĩa vụ thực hiện giao dịch nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình”; hoặc giao dịch khác phù hợp về đại diện tại Điều 24, 25, và 26 dưới đây:

“Điều 24. Căn cứ xác lập đại diện giữa vợ và chồng

  1. Việc đại diện giữa vợ và chồng trong xác lập, thực hiện, chấm dứt giao dịch được xác định theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.
  2. Vợ, chồng có thể ủy quyền cho nhau xác lập, thực hiện và chấm dứt giao dịch mà theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan phải có sự đồng ý của cả hai vợ chồng.
  3. Vợ, chồng đại diện cho nhau khi một bên mất năng lực hành vi dân sự mà bên kia có đủ điều kiện làm người giám hộ hoặc khi một bên bị hạn chế năng lực hành vi dân sự mà bên kia được Tòa án chỉ định làm người đại diện theo pháp luật cho người đó, trừ trường hợp theo quy định của pháp luật thì người đó phải tự mình thực hiện quyền, nghĩa vụ có liên quan.

Điều 25. Đại diện giữa vợ và chồng trong quan hệ kinh doanh

  1. Trong trường hợp vợ, chồng kinhdoanh chung thì vợ, chồng trực tiếp tham gia quan hệ kinh doanh là người đại diện hợp pháp của nhau trong quan hệ kinh doanh đó, trừ trường hợp trước khi tham gia quan hệ kinh doanh, vợ chồng có thỏa thuận khác hoặc Luật này và các luật liên quan có quy định khác.
  2. Trong trường hợp vợ, chồng đưa tài sản chung vào kinh doanh thì áp dụng quy định tại Điều 36 của Luật này.

Điều 26. Đại diện giữa vợ và chồng trong trường hợp giấy chứng nhận quyền sở hữu, giấy chứng nhận quyền sử dụng đối với tài sản chung nhưng chỉ ghi tên vợ hoặc chồng

  1. Việc đại diện giữa vợ và chồng trong việc xác lập, thực hiện và chấm dứt giao dịch liên quan đến tài sản chung có giấy chứng nhận quyền sở hữu, giấy chứng nhận quyền sử dụng tài sản chỉ ghi tên vợ hoặc chồng được thực hiện theo quy định tại Điều 24 và Điều 25 của Luật này.
  2. Trong trường hợp vợ hoặc chồng có tên trên giấy chứng nhận quyền sở hữu, giấy chứng nhận quyền sử dụng tài sản tự mình xác lập, thực hiện và chấm dứt giao dịch với người thứ ba trái với quy định về đại diện giữa vợ và chồng của Luật này thì giao dịch đó vô hiệu, trừ trường hợp theo quy định của pháp luật mà người thứ ba ngay tình được bảo vệ quyền lợi.

Trong trường hợp một bên vợ, chồng mất năng lực hành vi dân sự mà bên kia có yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn thì căn cứ vào quy định về giám hộ trong Bộ luật dân sự, Tòa án chỉ định người khác đại diện cho người bị mất năng lực hành vi dân sự để giải quyết việc ly hôn.”

Như vậy, em dâu của Quý Khách có nghĩa vụ trả nợ đối với khoản vay mà mình đã xác lập. Và em trai của Quý Khách sẽ không phải đứng ra chịu một phần về số tiền gốc và lãi trên nếu thông tin Qúy Khách cung cấp là chính xác đầy đủ.

[4]. Hành vi ném mắm tôm, dầu, nhớt,…vào nhà người khác có bị coi là vi phạm pháp luật hay không? Và bị xử lý như thế nào?

Căn cứ vào điểm a Khoản 2 và điểm b Khoản 3 Điều 7 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình quy định như sau:

Điều 7. Vi phạm quy định về giữ gìn vệ sinh chung

[…]

  1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
  2. a) Đổ, ném chất thải, chất bẩn hoặc các chất khác làm hoen bẩn nhà ở, cơ quan, trụ sở làm việc, nơi sản xuất, kinh doanh của người khác;

  1. Biện pháp khắc phục hậu quả:
  2. a) Buộc thực hiện biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường đối với hành vi quy định tại Điểm b, c, d, đ, e Khoản 1 và Điểm b, d Khoản 2 Điều này;
  3. b) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu đối với hành vi quy định tại Điểm a, c Khoản 2 Điều này.

Như vậy, hành vi đổ, ném chất thải, chất bẩn vào gia đình của Quý Khách của nhóm người có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng, đồng thời phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là khôi phục lại tình trạng ban đầu đối với hành vi nêu trên.

Trên đây là ý kiến tư vấn của FDVN liên quan đến yêu cầu tư vấn của Qúy Khách trên cơ sở nghiên cứu các quy định pháp luật. Hy vọng ý kiến tư vấn của FDVN sẽ hữu ích cho Qúy Khách.

Đinh Thị Thông – Công ty Luật FDVN

Bài viết liên quan