Giải quyết tài sản, con cái như thế nào khi sống chung không đăng ký kết hôn?
Tôi và anh A chung sống với nhau từ 2015 đến nay. Chúng tôi sống chung như vợ chồng nhưng không đăng ký kết hôn. Ngày 20/3/2018 chúng tôi có một người con chung là cháu K. Do mâu thuẫn nên ngày 21/2/2019 chúng tôi chia tay. Tài sản của chúng tôi gồm có một căn nhà trị giá 1,5 tỷ đồng, các tài sản khác có giá trị là 600 triệu đồng. Căn nhà trên là do bố mẹ tặng cho tôi vào năm 2017. Vậy tôi muốn hỏi quý công ty là trường hợp của tôi thì tài sản sau khi chia tay được chia như thế nào? Anh A có phải cấp dưỡng cho cháu K không?
Cảm ơn Quý Khách đã gửi câu hỏi đến Công ty Luật FDVN (FDVN) thuộc Đoàn Luật sư Đà Nẵng. Đối với các yêu cầu tư vấn của Quý Khách, sau khi nghiên cứu các quy định pháp luật liên quan, FDVN có một số trao đổi như sau:
Thứ nhất, hậu quả của việc nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn
Khoản 1 Điều 14 Luật hôn nhân gia đình 2014 quy định trường hợp mà nam, nữ có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật này chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn thì không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ giữa vợ và chồng.
Trường hợp của chị và anh A vì không đăng ký kết hôn mà chỉ là chung sống với nhau như vợ chồng thì giữa chị và anh A không làm phát sinh quyền và nghĩa vụ của vợ chồng mà pháp luật đã quy định.
Thứ hai, giải quyết quan hệ tài sản, nghĩa vụ của nam nữ, chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn
Điều 16 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về việc giải quyết quan hệ tài sản như sau:
- Quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng của nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn được giải quyết theo thỏa thuận giữa các bên; trong trường hợp không có thỏa thuận thì giải quyết theo quy định của Bộ luật dân sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
- Việc giải quyết quan hệ tài sản phải bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ và con; công việc nội trợ và công việc khác có liên quan để duy trì đời sống chung được coi như lao động có thu nhập.
Khoản 1 Điều 219 Bộ luật Dân sự 2015 quy định: “Trường hợp sở hữu chung có thể phân chia thì mỗi chủ sở hữu chung đều có quyền yêu cầu chia tài sản chung; nếu tình trạng sở hữu chung phải được duy trì trong một thời hạn theo thỏa thuận của các chủ sở hữu chung hoặc theo quy định của luật thì mỗi chủ sở hữu chung chỉ có quyền yêu cầu chia tài sản chung khi hết thời hạn đó; khi tài sản chung không thể chia được bằng hiện vật thì chủ sở hữu chung có yêu cầu chia có quyền bán phần quyền sở hữu của mình, trừ trường hợp các chủ sở hữu chung có thỏa thuận khác”.
Trường hợp trên của chị và anh A, tài sản của anh chị sẽ do anh chị tự thỏa thuận chia tài sản. Trường hợp không thỏa thuận được thì sẽ áp dụng quy định của bộ luật dân sự về việc chia tài sản chung. Theo đó, đối với căn nhà trị giá 1,5 tỷ là tài sản của bố mẹ chị tặng cho lại chi, do đó đây là tài sản riêng của chị, thuộc quyền sở hữu hoàn toàn của chị nên anh A không có quyền yêu cầu chia tài sản này. Còn các tài sản khác có giá trị là 600 triệu, nếu anh chị không thể thỏa thuận được thì sẽ được chia tương ứng với tỷ lệ phần đóng góp của mỗi người.
Thứ ba, quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con trong trường hợp nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn
Điều 15 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định: “quyền, nghĩa vụ giữa nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng và con được giải quyết theo quy định của Luật này về quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con”.
Khoản 2 Điều 68 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định: “Con sinh ra không phụ thuộc vào tình trạng hôn nhân của cha mẹ đều có quyền và nghĩa vụ như nhau đối với cha mẹ của mình được quy định tại Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan”.
Điều 71 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định: “Cha, mẹ có nghĩa vụ và quyền ngang nhau, cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình”.
Trường hợp trên của chị thì anh A đều có nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng cháu K như con sinh ra không thời kỳ hôn nhân, không phân biệt có kết hôn hay không. Vì anh chị đã chia tay nên anh A có nghĩa vụ cấp dưỡng cho cháu K theo quy định của pháp luật.
Trên đây là ý kiến tư vấn của FDVN liên quan đến yêu cầu tư vấn của Quý Khách trên cơ sở nghiên cứu các quy định pháp luật. Hy vọng ý kiến tư vấn của FDVN sẽ hữu ích cho Quý Khách.
Theo CVPL Nguyễn Thị Thảo
…………………………………………………………………………………………………………………………………………………
Luật sư tại Đà Nẵng:
99 Nguyễn Hữu Thọ, Quân Hải Châu, thành phố Đà Nẵng
Luật sư tại Huế:
336 Phan Chu Trinh, thành phố Huế, Thừa Thiên Huế
Luật sư tại Phú Quốc:
65 Hùng Vương, thị trấn Dương Đông, huyện đảo Phú Quốc.
Website: www.fdvn.vn www.tuvanphapluatdanang.com
Email: fdvnlawfirm@gmail.com luatsulecao@gmail.com
Điện thoại: 0935 643 666 – 0906 499 446
Fanpage: https://www.facebook.com/fdvnlawfirm/