Feel free to go with the truth

Trang chủ / Dân sự / Bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với Người lao động là công dân nước ngoài

Bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với Người lao động là công dân nước ngoài

      Bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với Người lao động là công dân nước ngoài

Công ty tôi có một số lao động là người nước ngoài. Tôi muốn Quý Công ty tư vấn giúp tôi là Người lao động là công dân nước ngoài thì có phải đóng Bảo hiểm xã hội hay không? Nếu có thì mức đóng như thế nào?

Cảm ơn Qúy Khách đã gửi câu hỏi đến Công ty Luật FDVN (FDVN). Đối với các yêu cầu tư vấn của Qúy Khách, sau khi nghiên cứu các quy định pháp luật liên quan, FDVN có một số trao đổi như sau:

     [1] Từ ngày 01/12/2018, người lao động là công dân nước ngoài lao động tại Việt Nam phải đóng Bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Khác với những quy định trước đây, hiện nay theo Nghị định số 143/2018/NĐ-CP, ngày 15/10/2018 thì từ 01/12/2018, lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam sẽ phải đóng các chế độ bảo hiểm xã hội (BHXH) ngắn hạn gồm: ốm đau, thai sản, tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp và từ ngày 01/01/2022 sẽ đóng các chế độ BHXH dài hạn gồm: hưu trí và tử tuất.

Điều kiện để người lao động là công dân nước ngoài thuộc đối tượng tham gia Bảo hiểm xã hội bắt buộc là: (Khoản 1 Điều 2 Nghị định 143/2018/NĐ-CP)

– Có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp; và

– Có hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ 01 năm trở lên với người sử dụng lao động tại Việt Nam.

– Và không thuộc các đối tượng nêu tại Khoản 2 Điều 2 Nghị định này:

+ Người lao động nước ngoài di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp là nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia và lao động kỹ thuật của một doanh nghiệp nước ngoài đã thành lập hiện diện thương mại trên lãnh thổ Việt Nam, di chuyển tạm thời trong nội bộ doanh nghiệp sang hiện diện thương mại trên lãnh thổ Việt Nam và đã được doanh nghiệp nước ngoài tuyển dụng trước đó ít nhất 12 tháng.

+Người lao động đã đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định.

[2]. Mức đóng và phương thức đóng BHXH (Điều 12, Điều 13 Nghị định 143/2018/NĐ-CP)

  1. Đối với Người lao động:

– Từ ngày 01 tháng 01 năm 2022, Người lao động hàng tháng đóng bằng 8% mức tiền lương tháng vào quỹ hưu trí và tử tuất.

– Người lao động không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì không đóng bảo hiểm xã hội tháng đó. Thời gian này không được tính để hưởng bảo hiểm xã hội, trừ trường hợp nghỉ việc hưởng chế độ thai sản.

  1. Đối với Người sử dụng lao động:

– Người sử dụng lao động quy định tại khoản 3 Điều 2 của Nghị định này, hàng tháng đóng trên quỹ tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của người lao động như sau:

  1. a) 3% vào quỹ ốm đau và thai sản;
  2. b) 0,5% vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;
  3. c) 14% vào quỹ hưu trí và tử tuất từ ngày 01 tháng 01 năm 2022.

– Người lao động không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì không đóng bảo hiểm xã hội tháng đó. Thời gian này không được tính để hưởng bảo hiểm xã hội, trừ trường hợp nghỉ việc hưởng chế độ thai sản.

–  Người lao động mà giao kết hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động và thuộc diện áp dụng bảo hiểm xã hội bắt buộc thì người lao động và người sử dụng lao động chỉ đóng bảo hiểm xã hội đối với hợp đồng lao động giao kết đầu tiên. Riêng tham gia vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp thì người sử dụng lao động phải đóng theo từng hợp đồng lao động đã giao kết.

Trên đây là ý kiến tư vấn của FDVN liên quan đến yêu cầu tư vấn của Qúy Khách trên cơ sở nghiên cứu các quy định pháp luật. Hy vọng ý kiến tư vấn của FDVN sẽ hữu ích cho Qúy Khách.

                                                                                                          Nguyễn Thị Sương – FDVN

Bài viết liên quan