Feel free to go with the truth

Trang chủ / BÀI VIẾT & ẤN PHẨM CỦA FDVN / RỦI RO PHÁP LÝ VỀ TIỀN ẢO, TỪ BITCOIN ĐẾN PI NETWORK

RỦI RO PHÁP LÝ VỀ TIỀN ẢO, TỪ BITCOIN ĐẾN PI NETWORK

Cập nhật giá Bitcoin hôm nay ngày 05/3, mức giá là hơn 48.000 USD (07 giờ sáng), tương đương với gần 1,2 tỷ đồng/01 bitcoin. Trước đó, ngày 22/02/2021, mức giá thậm chí còn cao hơn và có lúc vượt qua 58.000 USD, tăng hơn 20% trong tuần và đã tăng 100% so với hồi đầu năm 2021. Trước sự tăng giá “điên cuồng” chưa từng có trong lịch sử của Bitcoin, nhiều người trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng tham gia sôi nổi các hoạt động phát hành, lưu trữ, đào, giao dịch, đầu tư… tiền ảo.

Tại Việt Nam, dù Chính phủ không chấp nhận hay cho phép giao dịch các tiền kỹ thuật số nhưng làn sóng đầu tư này vẫn diễn ra. Theo Khảo sát Người tiêu dùng Toàn cầu của Statista năm 2020, Việt Nam đứng thứ hai thế giới về mức độ quan tâm tới Bitcoin. Cuộc khảo sát này được tiến hành ở 74 quốc gia trên thế giới với số lượng từ 1.000 – 4.000 lượt người tham gia tại mỗi nước. Việt Nam hiện có rất nhiều diễn đàn, nhóm kín về tiền ảo với cả hàng chục nghìn, thậm chí cả trăm nghìn người tham gia. Theo thông tin không chính thức tổng hợp từ số liệu thống kê của các trang kỹ thuật số nước ngoài, ước tính Việt Nam cũng có hơn 10 triệu tài khoản đầu tư tiền ảo, cao hơn ít nhất 5 lần số tài khoản chứng khoán hiện nay[1].

Đáng lo nhất là với sự tăng giá trở lại của Bitcoin trở thành một cái cớ tuyệt vời cho coin khác nở rộ, trong đó Pi Network (Pi) là một ví dụ. Nhắc tới Bitcoin và Pi Network không nhằm mục đích so sánh chúng, mà Bitcoin và Pi là đại diện cho hàng ngàn loại tiền ảo đang tồn tại hiện nay. Nếu Bitcoin đại diện cho sự tiên phong, ngôi vương của tiền ảo thì Pi đại diện cho lứa tiền ảo “sinh sau đẻ muộn” với kỳ vọng được quảng cáo sẽ thế chỗ Bitcoin trong tương lai. Nếu Bitcoin đại diện cho loại tiền ảo được xây dựng trên công nghệ Blockchain, không ai có thể điều chỉnh được cách Bitcoin hoạt động, số lượng Bitcoin giới hạn 21 triệu đơn vị thì Pi được sinh ra từ một nhóm người, họ thao túng giá trị, số lượng Pi, không thể quy đổi ra bằng tiền như Bitcoin và hiện đang bị các cơ quan chức năng cảnh báo là lừa đảo đa cấp[2]. Điều này đồng nghĩa với việc rủi ro trong việc đầu tư tiền ảo cũng đa dạng như chính sự đa dạng của các loại tiền ảo, các rủi ro đó không chỉ đến từ các thuộc tính của tiền ảo mà còn đến từ hành vi vi phạm pháp luật của các tổ chức, cá nhân sinh ra chúng. 

Tất nhiên,“bạn có quyền hằng ngày đi nhặt sỏi đá về nhà và mơ ước đến ngày nào đó biết đâu thế giới sẽ công nhận sỏi đá đó có giá trị như vàng, nhưng hãy cân nhắc những được mất trước khi tham gia”[3], bởi vì không ai khác, chính những người đầu tư là người chịu ảnh hưởng từ các rủi ro mà tiền ảo mang lại.

Vậy những rủi ro đó là gì?

Rủi ro đến từ việc chưa có “danh phận” chính thức cho tiền ảo

Hiện nay có rất nhiều quan điểm khác nhau của các chuyên gia về việc xác định tiền ảo có phải là tài sản hay hàng hoá theo quy định của pháp luật hay không. Ở đây, tác giả đồng quan điểm với việc xác định tiền ảo không phải là tài sản theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015 và cũng không phải là hàng hoá theo quy định của Luật Thương mại 2005.

Tại Điều 105 Bộ luật dân sự 2015 quy định: “Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản.”

Theo định nghĩa nêu trên, tài sản chỉ được tồn tại dưới các dạng:

– Vật: Trong quan hệ pháp luật dân sự, không phải mọi vật đều được xem là tài sản. Vật được coi là tài sản trong quan hệ pháp luật dân sự là vật tồn tại dưới dạng vật chất, con người có thể chi phối, kiểm soát và khai thác công dụng phục vụ cho nhu cầu vật chất hoặc tinh thần của mình.

– Tiền: Tiền không những có chức năng trao đổi, thanh toán, dự trữ và còn thể hiện chủ quyền của một quốc gia. Theo quy định tại Điều 16 Luật của các tổ chức tín dụng 2010 thì: “Đơn vị tiền của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là “Đồng”, ký hiệu quốc gia là “đ”, ký hiệu quốc tế là “VND”, một đồng bằng mười hào, một hào bằng mười xu.”Ở Việt Nam, chỉ duy nhất Nhân hàng Nhà nước Việt Nam có quyền phát hành tiền, bất kì ai cũng có quyền sử dụng đồng tiền, phạm vi sử dụng rộng rãi trên phạm vi lãnh thổ.

– Giấy tờ có giá: Là những giấy tờ có giá trị như trái phiếu Chính phủ, cổ phiếu, kỳ phiếu, sổ tiết kiệm,…

– Quyền tài sản: Là các quyền trị giá được bằng tiền, có thể chuyển giao được trong quan hệ pháp luật dân sự như: Quyền sử dụng đất, quyền sở hữu trí tuệ, quyền yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại,….

Theo như quy định pháp luật được trích dẫn và phân tích nêu trên, có thể thấy các đặc tính của tiền ảo đều không thỏa mãn một trong bốn dạng tồn tại của tài sản trong quan hệ pháp luật dân sự. Vì vậy, tiền ảo không được xem là tài sản theo trong quan hệ pháp luật dân sự Việt Nam.

Việc chưa có quy định nào của pháp luật dân sự khẳng định tiền ảo là một loại tài sản dẫn đến những hệ quả tiếp theo là các quan hệ dân sự như sở hữu, thừa kế, hợp đồng hay bồi thường thiệt hại liên quan đến tiền ảo cũng gần như rơi vào “khoảng trống”, không có cơ chế để giải quyết một cách phù hợp.

Thực tế khi giao dịch tiền ảo, các bên giao dịch gặp nhiều trường hợp rủi ro có thể dẫn tới mất một phần hoặc toàn bộ tài sản của mình, như là: (1) Ví điện tử bị xâm nhập (hack) và bị ăn trộm một số lượng hoặc toàn bộ tiền ảo; (2) Bên bán tiền ảo không thực hiện nghĩa vụ chuyển tiền ảo cho người mua sau khi bên mua đã thực hiện nghĩa vụ thanh toán; (3) Chuyển nhầm địa chỉ ví điện tử hoặc chuyển nhầm loại tiền; (4) Tham gia sàn giao dịch không uy tín, “tháo chạy” và mang theo ví tiền của nhà đầu tư hoặc sản không đủ tính bảo mật, bị tấn công, đánh sập…

Hoặc trên thực tế còn phát sinh một số trường hợp yêu cầu phân chia di sản thừa kế là tiền ảo; yêu cầu một người trả lại mật khẩu hay từ khoá (key) để đăng nhập vào tài khoản; hoặc yêu cầu bồi thường thiệt hại khi một người có hành vi phá hỏng ví điện tử của người khác làm cho việc đăng nhập không thể thực hiện được…

Khi gặp phải các trường hợp này, người bị hại không biết không biết kiện ai và “kêu cứu” đến cơ quan chức năng nào. Hoặc nếu chăng có thì cơ quan có thẩm quyền cũng không có cơ sở pháp luật để giải quyết. Lúc này, người nắm giữ tiền ảo sẽ phải tự chịu toàn bộ rủi ro.

Rủi ro mất thông tin cá nhân

Trước khi được cấp quyền tham gia vào ứng dụng, các sàn giao dịch tiền ảo, người dùng phải cung cấp thông tin cá nhân, gửi các bản chụp các giấy tờ tuỳ thân như CMND, hộ chiếu, bằng lái xe… của bản thân để xác minh danh tính, thậm chí là ảnh nhận diện khuôn mặt. Ứng dụng “đào” Pi Network là một ví dụ. Ứng dụng này được tải về và sử dụng miễn phí, nhưng muốn cài đặt và sử dụng phần mềm này, người dùng phải cung cấp các thông tin cá nhân của họ.

Do đó, thứ dễ dàng nhìn thấy nhất mà người tham gia các ứng dụng, sàn tiền ảo chắc chắn mất đó chính là thông tin cá nhân (họ tên, số điện thoại hoặc facebook ID…, thông tin xác thực eKYC) và có thể mất thêm thông tin khác trong máy (vì app yêu cầu nhiều quyền can thiệp vào máy). Những thông tin này gắn với việc xác định rõ ràng danh tính, nhân thân của một con người cụ thể, nhằm phân biệt người này với người khác. Nếu những thông tin này không được bảo vệ một cách thích hợp, kẻ xấu có thể thu thập, khai thác trái phép.

Hiện nay, pháp luật Việt Nam đã có những quy định về bảo vệ quyền riêng tư, trong đó có các thông tin dữ liệu cá nhân khá đầy đủ và phù hợp. Khoản 1 Điều 21 Hiến pháp Việt Nam năm 2013 nêu rõ: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; có quyền bảo vệ danh dự, uy tín của mình. Thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình được pháp luật bảo đảm an toàn”. Điều 38 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định quyền bí mật đời tư của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ. Các hành vi xâm phạm đến thông tin cá nhân của người khác, tùy theo tính chất, mức độ có thể bị xử lý vi phạm hành chính hoặc xử lý trách nhiệm hình sự theo các quy định pháp luật hiện hành.

Về trách nhiệm hành chính, tại khoản 2 Điều 84 Nghị định 15/2020/NĐ-CP ngày 03/02/2020 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện tử, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử quy định phạt tiền từ 20-30 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau: a) Sử dụng không đúng mục đích thông tin cá nhân đã thỏa thuận khi thu thập hoặc khi chưa có sự đồng ý của chủ thể thông tin cá nhân; b) Cung cấp hoặc chia sẻ hoặc phát tán thông tin cá nhân đã thu thập, tiếp cận, kiểm soát cho bên thứ ba khi chưa có sự đồng ý của chủ thông tin cá nhân; c) Thu thập, sử dụng, phát tán, kinh doanh trái pháp luật thông tin cá nhân của người khác. Đồng thời áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc hủy bỏ thông tin cá nhân do thực hiện hành vi vi phạm.

Về truy cứu trách nhiệm hình sự, các hành vi mua bán, trao đổi, tặng cho hoặc công khai thông tin cá nhân của người khác lên mạng mà không được phép của chủ sở hữu thông tin đó nhằm thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng hoặc gây dư luận xấu làm giảm uy tín của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 288 Bộ luật hình sự 2015 quy định về Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông với mức phạt phạt tiền có thể lên đến 1.000.000.000 đồng hoặc phạt tù cao nhất đến 07 năm.

Trong trường hợp việc sử dụng hình ảnh, thông tin cá nhân để thu lợi bất chính với mục đích làm nhục, xúc phạm nghiêm trọng đến nhân phẩm, danh dự, gây dư luận xấu làm giảm uy tín của cá nhân thì thì còn có thể bị truy tố Tội làm nhục người khác theo khoản 1 Điều 155 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Như vậy, pháp luật đã có những quy định đủ tính răn đe đối với các hành vi xâm phạm thông tin cá nhân. Tuy nhiên, vì đặc tính ẩn danh cao của các giao dịch tiền ảo mà người đầu tư cũng như các cơ quan chức năng khó xác định được bên vi phạm để xử lý. Do đó, trách nhiệm bảo vệ thông tin cá nhân trước tiên không ai khác phải thuộc về chính người dùng.

Rủi ro đến từ việc pháp luật Việt Nam chưa có khung pháp lý về tiền ảo

Hiện nay, pháp luật không thừa nhận tiền ảo là tiền tệ và là phương tiện thanh toán hợp pháp. Theo thông cáo báo chí của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về tiền ảo ngày 27/2/2014, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẳng định Bitcoin là một dạng tiền kỹ thuật số (tiền ảo), không được phát hành bởi Chính phủ hay một tổ chức tài chính, mà được tạo ra và vận hành dựa trên hệ thống các máy tính kết nối mạng internet ngang hang, việc sử dụng Bitcoin (và các loại tiền ảo tương tự khác) làm phương tiện thanh toán không được pháp luật thừa nhận và bảo vệ. Các tổ chức tín dụng không được phép sử dụng Bitcoin (và các loại tiền ảo tương tự khác) như một loại tiền tệ hoặc phương tiện thanh toán khi cung ứng dịch vụ cho khách hàng. Tiếp theo Thông cáo báo chí ngày 27/2/2014, sáng ngày 28/10/2017, trong văn bản gửi cơ quan báo chí, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã khẳng định Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Theo đó, việc phát hành, cung ứng, sử dụng Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác làm phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm tại Việt Nam.

Pháp luật không công nhận nhưng cũng không cấm kinh doanh đối với mặt hàng này. Theo quy định tại Điều 33 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm”. Bên cạnh đó, theo quy định tại khoản 1 Điều 7 Luật Doanh nghiệp năm 2020, doanh nghiệp có quyền tự do kinh doanh trong những ngành, nghề mà luật không cấm.

Hiện nay, pháp luật Việt Nam cấm các hoạt động đầu tư, kinh doanh sau:[4]

a) Kinh doanh các chất ma túy theo quy định tại Phụ lục 1 của Luật này;

b) Kinh doanh các loại hóa chất, khoáng vật quy định tại Phụ lục 2 của Luật này;

c) Kinh doanh mẫu vật các loài thực vật, động vật hoang dã có nguồn gốc khai thác từ tự nhiên quy định tại Phụ lục I của Công ước về buôn bán quốc tế các loài thực vật, động vật hoang dã nguy cấp; mẫu vật các loài thực vật rừng, động vật rừng, thủy sản nguy cấp, quý, hiếm Nhóm I có nguồn gốc khai thác từ tự nhiên quy định tại Phụ lục III của Luật này;

d) Kinh doanh mại dâm;

đ) Mua, bán người, mô, xác, bộ phận cơ thể người, bào thai người;

e) Hoạt động kinh doanh liên quan đến sinh sản vô tính trên người;

g) Kinh doanh pháo nổ;

h) Kinh doanh dịch vụ đòi nợ.

Như vậy, kinh doanh tiền ảo không nằm trong danh mục các hoạt động đầu tư kinh doanh bị cấm. Do đó, thực tế các cơ quan chức năng vẫn chưa thể can thiệp pháp luật đối với các hành vi kinh doanh, đầu tư vào tiền ảo. Chính vì vậy, các hoạt động huy vốn bằng tiền ảo (ICO) hoặc các sàn giao dịch tiền ảo vẫn diễn ra, các chủ thể vẫn tiến hành các hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng, góp vốn, huy động vốn đầu tư… bằng các đồng tiền ảo. Tuy nhiên, quy trình thành lập, đăng ký thành lập, cấp mã số thuế, trách nhiệm hoặc các hoạt động hay chế tài liên quan đến tiền ảo hiện nay pháp luật vẫn còn đang bỏ ngỏ, cùng với đó là việc giải quyết các tranh chấp liên quan đến các hoạt động này cũng chưa có cơ chế để giải quyết một cách phù hợp. Đây là mảnh đất màu mỡ cho các hoạt động ICO mang tính chất lừa đảo, kinh doanh đa cấp và thực tế đã xảy ra ở nước ta, điển hình là các vụ việc tiền ảo iFan[5], AOC[6] hay VNCOINS[7]

Lừa đảo tiền ảo tại Việt Nam thường gắn với mô hình đa cấp biến tướng, dùng tiền của người tham gia sau trả lãi cho người tham gia trước. Thủ đoạn phạm tội của các đối tượng thường rất tinh vi. Đầu tiên, các đối tượng lừa đảo thành lập các Công ty để tạo uy tín, sau đó chúng  kêu gọi các nhà đầu tư để huy động vốn mua máy đào tiền ảo với khoản lợi nhuận hấp dẫn, cao gấp nhiều lần lãi suất Ngân hàng. Hoặc các đối tượng này tự phát hành đồng tiền ảo và tự định giá, sau đó, để che giấu hành vi huy động tài chính trái phép, các đối tượng này yêu cầu người chơi dùng tiền mặt mua một loại đồng tiền kỹ thuật số có giá trị như đồng Bitcoin, rồi cam kết sẽ trả lợi nhuận rất cao, cam kết hoàn lại vốn trong thời gian ngắn khoảng 4 – 5 tháng. Đồng thời, để mở rộng mạng lưới kinh doanh, các “chủ đầu tư” huy động thêm vốn gián tiếp bằng cách tạo phần thưởng trong trường hợp người chơi trước giới thiệu thêm người khác tham gia và với mỗi lần lôi kéo thêm được người tham gia, người chơi sẽ được trả lợi nhuận hấp dẫn lên đến 8% – 20% trên số tiền người chơi sau nộp vào để mua tiền ảo. Thủ đoạn của các đối tượng này là đánh vào lòng tham của người chơi.

Trong vài tháng đầu, nhà đầu tư sẽ nhận các khoản tiền lãi đều đặn với mức lãi suất hấp dẫn. Tuy nhiên, với bản chất lừa đảo bằng cách thức lấy tiền của người chơi sau trả lãi cho người chơi trước, đến một mức nào đó khi tiền vốn đã lên đến con số khổng lồ, đồng nghĩa với việc trả lãi cho người chơi nhiều hơn, các đối tượng huy động vốn sẽ “đột nhiên biến mất” hoặc dùng các thủ đoạn để khoá, huỷ tài khoản của người chơi, hủy các web giao dịch, rồi sau đó chiếm đoạt tiền của những người tham gia.

Chuyên gia M. Ali từ trang TheCoinsPost đánh giá Pi Network giống như mô hình lừa đảo đa cấp trên. Theo Ali, người dùng không thể tự vào mạng lưới khai thác Pi, mà phải thông qua mã giới thiệu. Đây là biểu hiện của một mô hình kinh doanh theo kiểu kim tự tháp, thu hút mọi người bằng lời hứa về lợi nhuận nếu tuyển được thêm thành viên[8].

Mạng lưới tiền ảo với đặc tính số lượng người tham gia lớn, hành vi phạm tội được thực hiện trên môi trường mạng điện tử với tỷ lệ ẩn danh cao cộng với sự thiếu kiến thức, lòng tham của người đầu tư đã tạo ra rất nhiều thách thức với các cơ quan chức năng trong quá trình điều tra vụ án, đặc biệt là khi kẻ chủ mưu thường là người nước ngoài và đặt máy chủ ở nước ngoài, tính chất giao dịch xuyên biên giới. Và đối tượng phải gánh chịu rủi ro này không ai khác là các nhà đầu tư tiền ảo. Do đó, bản thân người đầu tư trước khi tham gia đầu tư bất cứ loại tiền ảo nào, cần phải trang bị cho mình đủ kiến thức để hiểu về nó, đồng thời tìm hiểu kỹ về loại tiền mình đầu tư để hạn chế rủi ro cho bản thân.

Rủi ro nhà đầu tư có thể bị xử lý trách nhiệm hành chính, thậm chí là trách nhiệm hình sự khi giao dịch tiền ảo

Theo quy định tại Điều 16 Luật Ngân hàng Nhà nước 2010, đơn vị tiền của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là “Đồng”, ký hiệu quốc gia là “đ”, ký hiệu quốc tế là “VND”, một đồng bằng mười hào, một hào bằng mười xu.

Như vậy, tiền ảo không phải là tiền.

Theo điều 1, Nghị định 80/2016/NĐ-CP của Chính phủ, Phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt sử dụng trong giao dịch thanh toán (sau đây gọi là phương tiện thanh toán), bao gồm: Séc, lệnh chi, ủy nhiệm chi, nhờ thu, ủy nhiệm thu, thẻ ngân hàng và các phương tiện thanh toán khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Phương tiện thanh toán không hợp pháp là các phương tiện thanh toán không thuộc các đối tượng kể trên.

Việc phát hành, cung ứng và sử dụng tiền ảo nói chung và Bitcoin, Pi nói riêng làm tiền tệ hoặc phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm. Chế tài xử lý hành vi này đã được quy định tại Nghị định 88/2019/NĐ-CP ngày 14/11/2019 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng và Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Cụ thể, về xử phạt hành chính:

Về xử phạt hành chính: hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp có thể bị xử phạt theo Điểm d Khoản 6 Điều 26 Nghị định 88/2019/NĐ-CP ngày 14/11/2019, mức phạt đối với cá nhân vi phạm là 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, mức phạt đối với tổ chức là gấp 02 lần mức phạt của cá nhân vi phạm. Ngoài ra, cá nhân, tổ chức phạm tội còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm và buộc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là không cho mở rộng phạm vi, quy mô và địa bàn hoạt động trong thời gian chưa khắc phục xong vi phạm đối với hành vi vi phạm; buộc nộp vào ngân sách nhà nước số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.

Về trách nhiệm hình sự: Hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng phương tiện thanh toán không hợp pháp mà gây thiệt hại cho người khác về tài sản từ 100.000.000 đồng trở lên thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự Tội vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng theo quy định tại Điều 206 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), mức phạt cao nhất có thể lên đến 20 năm tù. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Như vậy, Việt Nam hiện chưa công nhận các loại tiền ảo là một phương tiện thanh toán. Hành vi phát hành, tàng trữ, cung ứng sử dụng chúng như một phương tiện thanh toán có thể bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Rủi ro bị lợi dụng vào các tội phạm rửa tiền, trốn thuế

Rửa tiền là hành vi của tổ chức, cá nhân nhằm hợp pháp hóa nguồn gốc của tài sản do phạm tội mà có. Khác với kiểu giao dịch truyền thống là chuyển tiền qua trung gian là ngân hàng rất dễ bị phát hiện do cơ chế báo cáo, kiểm soát giao dịch đáng ngờ theo Luật phòng, chống rửa tiền 2012, việc chuyển tiền bẩn thành đồng tiền điện tử, tiền ảo được thực hiện rất dễ dàng và rất khó bị phát hiện trên môi trường công nghệ số bởi đặc tính ẩn danh của mạng lưới tiền ảo, không thể biết ai là người gửi tiền và ai là người nhận tiền.

Cũng chính vì tính chất ẩn danh mà đồng tiền này tạo điều kiện để trốn thuế, chuyển tiền bất hợp pháp, thanh toán, tài trợ cho các giao dịch bất hợp pháp. Các đối tượng có thể đổi tiền đồng sang tiền ảo, rồi thông qua các sàn giao dịch chuyển tiền ra nước ngoài trong thời gian ngắn và hầu như là không để lại dấu vết. Thực tế khi giao dịch tiền ảo, không một cơ quan chức năng nào có thể kiểm soát được đồng tiền đi đâu, giá trị hàng hoá như thế nào, nguồn gốc của số tiền từ đâu, do đó nó sẽ làm tăng nguy cơ rửa tiền bằng hình thức tiền ảo.

Với các phân tích nêu trên có thể thấy, hiện nay tại Việt Nam vẫn chưa có các quy định pháp luật cụ thể điều chỉnh về tiền ảo, tiền ảo vẫn chưa được xem là một dạng tài sản hay phương tiện thanh toán, chưa có cơ chế kiểm soát, xử lý của các cơ quan nhà nước với các sàn giao dịch, hoạt động tiền ảo. Khi hoạt động ngoài vòng pháp luật như vậy việc đầu tư vào tiền ảo là vô cùng rủi ro và mạo hiểm. Vì vậy hãy là các nhà đầu tư thông minh, sáng suốt, nhận diện được bẫy cám dỗ lợi nhuận này để không trở thành nạn nhân như nhiều người hiện nay.

Hiện tại, hệ thống pháp luật pháp luật chưa quy định cụ thể về tiền ảo, các hành vi cụ thể và các chế tài đối với các hành vi này. Sự thận trọng của các cơ quan quản lý đối với đồng tiền này cũng là điều dễ hiểu. Và để giải quyết vấn đề này, không ai khác, chính các nhà đầu tư là người phải phân biệt được được và mất khi tham gia.

Luật sư Duyên Trần – Công ty Luật FDVN

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Thảo Nguyên, Cơn sốt tiền ảo – canh bạc đầy rủi ro, nguồn: http://kinhtedothi.vn/con-sot-tien-ao-canh-bac-day-rui-ro-410976.html

[2]Bộ Tài chính cảnh báo về cơn sốt Pi, nguồn: https://thanhnien.vn/tai-chinh-kinh-doanh/bo-tai-chinh-canh-bao-ve-con-sot-pi-1348462.html;

[3] Phát biểu của TS Đặng Minh Tuấn – Viện Trưởng Viện nghiên cứu ứng dụng CMC tại bài viết Cơn sốt đào tiền ảo Pi, nguồn: https://congnghe.tuoitre.vn/con-sot-dao-tien-ao-pi-20210228224324994.htm

[4] Khoản 1 Điều 6 Luật đầu tư 2020.

[5] Gia Hưng, Cú lừa tiền ảo iFan: Đường đi của hàng ngàn tỷ đồng, https://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/tai-chinh/cu-lua-tien-ao-ifan-duong-di-cua-ha ng-ngan-ty-dong-440815.html;

[6] Thúy Minh, “Ông trùm” đường dây kinh doanh tiền ảo AOC là “dân đa cấp” chuyên nghiệp, https://anninhthudo.vn/phap-luat/ong-trum-duong-da y-kinh-doanh-tien-ao-aoc-la-dan-da-cap-chuyen-nghi ep/750848.antd;

[7] Việt Cường, Trùm lừa đầu tư tiền ảo VNCOINS Nguyễn Hữu Tiến chiếm đoạt bao nhiêu tiền?, https://vov.vn/tin-nong/trum-lua-dau-tu-tien-ao-vnco ins-nguyen-huu-chiem-doat-bao-nhieu-tien-1012794

[8] http://vietq.vn/canh-bao-nguy-co-mat-tai-khoan-facebook-thong-tin-ca-nhan-vi-giao-dich-tien-ao-pi-d184295.html

[9] Bộ luật dân sự 2015

Bài viết liên quan