Feel free to go with the truth

Trang chủ / Dân sự / THỰC TIỄN XÉT XỬ: TRANH CHẤP ĐÒI TIỀN GÓP VỐN VÀ CHIA LỢI NHUẬN ĐƯỢC TÒA ÁN GIẢI QUYẾT NHƯ THẾ NÀO?

THỰC TIỄN XÉT XỬ: TRANH CHẤP ĐÒI TIỀN GÓP VỐN VÀ CHIA LỢI NHUẬN ĐƯỢC TÒA ÁN GIẢI QUYẾT NHƯ THẾ NÀO?

BẢN ÁN 110/2019/DSPT NGÀY 09/07/2019 VỀ KIỆN ĐÒI TIỀN GÓP VỐN VÀ CHIA LỢI NHUẬN CỦA TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH ĐẮK LẮK

    Ngày 09 tháng 7 năm 2019, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk xét xử phúc thẩm công khai vụ án dân sự phúc thẩm thụ lý số: 90/2019/TLPT-DS ngày 08 tháng 5 năm 2019 về “Kiện đòi tiền góp vốn và chia lợi nhuận”.

Do bản án dân sự sơ thẩm số: 01/2019/DS-ST ngày 28/02/2019 của Tòa án nhân dân huyện Ea Kar bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 133/2019/QĐ-PT ngày 03/6/2019 giữa các đương sự:

– Nguyên đơn: Ông Lê Cảnh D – Sinh năm 1977.

Trú tại: Tổ 1x, khối I, phường T, thành phố B, tỉnh Đắk Lắk. Có mặt.

– Bị đơn: Công ty Cổ phần K

Địa chỉ: Thôn x, xã S, huyện E, tỉnh Đắk Lắk.

Người đại diện theo pháp luật: Ông Trương Văn H – Chức vụ: Chủ tịch hội đồng quản trị. Vắng mặt

Người đại diện theo ủy quyền: Ông Lê Minh T – Chức vụ: Kế toán trưởng công ty (Theo giấy UQ ngày 20/3/2019). Có mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

* Tại đơn khởi kiện đề ngày 01/12/2017, đơn xin rút một phần yêu cầu khởi kiện đề ngày 29/10/2018 và các lời khai trong quá trình giải quyết vụ án cũng như tại phiên tòa phía nguyên đơn trình bày:

Về tiền vốn góp: Căn cứ phương án huy động vốn đầu tư thiết bị sản xuất đá khô CO2 ngày 19/10/2004 và thông báo về việc huy động vốn đầu tư thiết bị sản xuất đá khô CO2 số 125/TB-KS ngày 19/10/2004, thông báo 56/TB-KS ngày 29/3/2005 về việc huy động vốn đầu tư bổ sung thiết bị sản xuất đá khô CO2 của CTCP K: Mục đích của vốn góp là để mua thiết bị sản xuất đá khô CO2; Huy động mức thấp nhất là 5.000.000 đồng/cán bộ công nhân viên chức, thời gian trả gốc vốn huy động là 04 năm; sau khi đã trừ tất cả các chi phí cho hoạt động sản xuất kinh doanh của việc sản xuất đá khô CO2 và nghĩa vụ thuế cho nhà nước và chi phí quản lý công ty, phần còn lại tức là lợi nhuận sau thuế chia theo tỷ lệ góp vốn.

Sau khi hoàn vốn góp, người góp vốn vẫn được tiếp tục chia lợi nhuận trên cả phần vốn góp đã hoàn lại và CTCP K là tổ chức trực tiếp chi trả lợi nhuận cho những người góp vốn. Nội dung này không được ghi rõ trong phương án huy động vốn nhưng lại thể hiện ở việc chia lợi nhuận các năm từ thời điểm góp vốn đến năm 2013. Trong khi đó năm 2009, đã hoàn vốn góp lần 1 nhưng 2010 vẫn được chia lợi nhuận trên phần góp vốn đã hoàn.

Lợi nhuận hàng năm của sản xuất đá khô CO2 được chia căn cứ vào sản xuất kinh doanh đá khô CO2, sau đó công ty ban hành Nghị quyết chia lợi nhuận cho những người góp vốn.

Tôi đã góp vốn 2 lần: Đợt 1 tháng 10/2004 là 15.000.000 đồng và đợt 2 tháng 3/2005 với số tiền 15.000.000 đồng. Đến năm 2009 không nhớ rõ tháng, công ty đã hoàn vốn góp lần 1 là 15.000.000 đồng. Còn tiền góp vốn đợt 2 thì đến nay công ty vẫn chưa trả như theo thỏa thuận.

– Về phần chia lợi nhuận: Năm 2012, hai bên thỏa thuận về việc chia lại lợi nhuận và công ty đã ban hành Nghị quyết số 61 ngày 10/12/2012, có nội dung: Lợi nhuận sau thuế sau khi đã trừ 5% quỹ phúc lợi sẽ được chia đều theo tỷ lệ 50/50 (mỗi bên được hưởng 50%), thời hạn thực hiện từ ngày 01/01/2012 đến ngày 31/12/2015 thanh lý 02 dự án. Và bên phía những người góp vốn (trong đó có ông D) chấp nhận nội dung này.

Căn cứ thỏa thuận trên và căn cứ báo cáo kết quả sản xuất kinh doanh năm 2014, năm 2015 của chi nhánh tại Tp HCM thì phần lợi nhuận được xác định như sau:

+ Năm 2014 là 24,59% (Tức là lợi nhuận sau thuế của việc sản xuất kinh doanh đá khô CO2 năm 2014 là 520.604.000 đồng – 5% phúc lợi và 50% để lại cho công ty theo Nghị quyết 61 thì còn lại 247.287.000 đồng. Tổng số tiền vốn góp của những người góp vốn là 1.005.000.000 đồng =>247.287.000 đồng : 1.005.540.000 đồng = 24,59%). Số lợi nhuận tôi được chia là: 30.000.000 đồng x 24,59% = 7.377.000 đồng.

+ Năm 2015 là 18,16% (Tức là lợi nhuận sau thuế của việc sản xuất kinh doanh đá khô CO2 năm 2015 là 399.860.154 đồng – 5% phúc lợi và 50% để lại cho công ty theo Nghị quyết 61 thì còn lại là 189.933.573. Tổng số tiền vốn góp của những người góp vốn là 1.005.000.000 đồng =>189.933.573 đồng : 1.005.540.000 đồng= 18,16%). Số lợi nhuận tôi được chia là: 30.000.000 đồng x 18,16% = 5.448.000 đồng.

Tổng số tiền lợi nhuận của năm 2014, năm 2015 là: 12.825.000 đồng (mười hai triệu tám trăm hai mươi năm ngàn đồng).

Thực hiện theo đúng nội dung cam kết trong Nghị quyết 61 nêu trên thì ngày 31/12/2015 là ngày thanh lý 02(hai) dự án đá khô CO2 nên yêu cầu Công ty cổ phần K chỉ phải trả cho tôi tiền vốn góp lần 02 là 15.000.000đ và lợi nhuận của hai năm (năm 2014 và năm 2015) là 12.825.000 đồng, tổng cộng là 27.825.000 đồng. Đồng thời, hiện tại hai dự án trên vẫn còn hoạt động nhưng không xác định rõ tiền lợi nhận nên tôi yêu cầu phía Công ty phải trả tiền lãi đối với toàn bộ số tiền trên theo lãi suất chậm trả mà pháp luật quy định từ ngày 01/01/2016 đến ngày xét xử sơ thẩm.

Đối với yêu cầu buộc Công ty cổ phần K trả lại toàn bộ tài sản của nhóm người góp vốn đầu tư hoặc định giá tài sản là hệ thống máy sản xuất đá khô CO2 theo định giá thực tế để trả bằng tiền và yêu cầu Công ty cổ phần K phải trả lợi nhuận của năm 2016 và năm 2017. Trong quá trình giải quyết vụ án, phía nguyên đơn đã tự nguyện rút các yêu cầu này và không yêu cầu Tòa án giải quyết nữa.

* Người đại diện theo ủy quyền của bị đơn trình bày:

– Về phần vốn góp: Công ty xác định ông Lê Cảnh D đã góp vốn theo phương án với số tiền góp vốn 02 lần: lần 1 là 15.000.000 đồng và lần 2 là 15.000.000 đồng. Đến tháng 8/2009 thì công ty đã hoàn vốn đợt 1 cho ông D là 15.000.000 đồng. Đối với vốn góp đợt 2 là 15.000.000 đồng, công ty chưa trả cho ông D.

– Về phần chia lợi nhuận: Công ty cũng xác định năm 2012 có ban hành Nghị quyết 61, tại Điều 11 quy định lợi nhuận sau thuế sau khi đã trừ 5% quỹ phúc lợi sẽ được chia đều theo tỷ lệ 50/50 (mỗi bên được hưởng 50%). Giá bán CO2 theo thị trường tại chi nhánh Đắk Nông cộng với giá vận chuyển từ Đắk Nông đi Tp HCM, thời hạn thực hiện từ ngày 01/01/2012 đến ngày 31/12/2015 thanh lý 02 dự án nhưng theo tôi Nghị quyết này của HĐQT vào tháng 11, tháng 12 năm 2012 của HĐQT nhiệm kỳ 2011 – 2015 nhưng Nghị quyết này chỉ thực hiện trong tháng 11 và tháng 12/2012 chứ không kéo dài hàng năm còn đối với Điều 11 của Nghị quyết 61 có hiệu lực đến ngày 31/12/2015 hay không thì tôi không biết. Tuy nhiên đến nay, HĐQT không ban hành Nghị quyết nào để phủ nhận Điều 11 của Nghị quyết 61.

Hàng năm, CTCP K có báo cáo tài chính về hoạt động và có phần lợi nhuận của các hạng mục mà không tách rời phần sản xuất kinh doanh đá khô CO2. Đối với phần sản xuất đá khô CO2 là do chi nhánh TP HCM tính giá thành và lợi nhuận, có xác định lợi nhuận sau thuế của đá khô CO2 năm 2014 là 520.604.000 đồng và năm 2015 là 399.860.154 đồng như nguyên đơn trình bày và có cung cấp tài liệu trong hồ sơ là có cơ sở. Tuy nhiên, sau khi các người góp vốn yêu cầu trả lợi nhuận năm 2014, năm 2015 theo Nghị quyết 61 thì công ty có tính lại theo Điều 11 của Nghi quyết 61 dẫn đến năm 2014 lỗ số tiền 105.706.208 đồng và năm 2015 lỗ số tiền 30.787.649 đồng theo công văn số 39/CV-KS ngày 20/4/2016 của Tổng giám đốc công ty, thông báo số 44/TB-HĐQT/2016 ngày 12/4/2016 của HĐQT công ty và bảng tính giá thành đá khô năm 2014, năm 2015 mà phía công ty cung cấp có trong hồ sơ vụ án không có dấu do giá nguyên liệu CO2 lỏng vào sản xuất không đúng theo Nghị quyết 61 (Giá bán lẻ tại chi nhánh Đắk Nông – CTCP K là 3.800đồng/ký mà giá bán cho chi nhánh Tp HCM để sản xuất đá khô CO2 là 3.100 đồng/ký) có hóa đơn, chứng từ kèm theo.

Do đó, đối với yêu cầu của phía nguyên đơn yêu cầu công ty chỉ đồng ý trả số tiền vốn góp lần 02 cho ông D là 15.000.000 đồng, còn đối với yêu cầu trả lợi nhuận năm 2014, năm 2015 và lãi chậm trả của phía nguyên đơn tôi không đồng ý trả do 02 năm này việc sản xuất kinh doanh đá khô CO2 bị thua lỗ.

Tại bản án dân sự sơ thẩm số 01/2019/DS – ST ngày 28/02/2019 của Toà án nhân dân huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk đã quyết định:

Căn cứ khoản 3 Điều 26, khoản 1 Điều 35, Điều 39, khoản 3 Điều 144, khoản 1 Điều 147 và Điều 266 Bộ luật tố tụng dân sự;

Căn cứ Điều 256, khoản 2 Điều 305 Bộ luật Dân sự năm 2005;

Căn cứ khoản 2 Điều 357 Bộ luật Dân sự năm 2015;

Căn cứ khoản 2 Điều 26, điểm b tiểu mục 1.3 mục 1 phần II (Danh mục án phí) Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội;

Tuyên xử: Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

– Buộc bị đơn Công ty cổ phần K phải trả cho nguyên đơn ông Lê Cảnh D tổng số tiền 36.414.000đ (Ba mươi sáu triệu bốn trăm mười bốn ngàn đồng). Trong đó: tiền góp vốn đợt 2 là 15.000.000đ; tiền lợi nhuận của năm 2014 và năm 2015 là 12.825.000 đồng và số tiền lãi suất chậm trả từ ngày 01/01/2016 đến ngày xét xử sơ thẩm là 8.589.000đ (Tám triệu năm trăm tám mươi chín ngàn đồng).

– Đình chỉ giải quyết đối với yêu cầu của nguyên đơn ông Lê Cảnh D về yêu cầu buộc Công ty cổ phần K phải trả lại toàn bộ tài sản của nhóm người góp vốn đầu tư hoặc định giá tài sản là hệ thống máy sản xuất đá khô CO2 theo giá thực tế để trả bằng tiền và yêu cầu Công ty cổ phần K phải trả lợi nhuận của năm 2016 và năm 2017.

Về án phí: Căn cứ khoản 2 Điều 26, điểm b tiểu mục 1.3 mục 1 phần II (Danh mục án phí) Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

Bị đơn Công ty cổ phần K phải chịu 1.820.700đ (Một triệu tám trăm hai mươi ngàn bảy trăm đồng) án phí dân sự sơ thẩm (theo mức 36.414.000đ x 5%) Hoàn trả cho nguyên đơn ông Lê Cảnh D số tiền 1.128.000đ (một triệu một trăm hai mươi tám ngàn đồng) tạm ứng án phí đã nộp theo biên lai thu tạm ứng án phí số AA/2016/0004863 ngày 21/12/2017 tại Chi cục thi hành án dân sự thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.

Áp dụng Điều 357 Bộ luật Dân sự năm 2015 để tính lãi suất đối với số tiền chậm trả, kể từ khi có đơn yêu cầu của người được thi hành án.

Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn tuyên về nghĩa vụ thi hành án, thời hạn và thỏa thuận thi hành án, quyền kháng cáo cho các đương sự theo quy định của pháp luật.

Ngày 07/3/2019, bị đơn Công ty Cổ phần K có đơn kháng cáo với nội dung: Đề nghị HĐXX xem xét lại phần chi trả lợi nhuận năm 2014; 2015 và tiền lãi chậm trả từ năm 2016 đến ngày Tòa án xét xử sơ thẩm.

Tại phiên tòa phúc thẩm, nguyên đơn vẫn giữ nguyên nội dung đơn khởi kiện, đại diện theo ủy quyền của bị đơn vẫn giữ nguyên nội dung đơn kháng cáo.

Đại diện VKSND tỉnh Đắk Lắk phát biểu quan điểm:

Về tố tụng: Các đương sự trong vụ án và Hội đồng xét xử phúc thẩm đã thực hiện đúng các quy định của Bộ luật tố tụng dân sự.

Về nội dung: Qua phân tích, đánh giá các tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, lời trình bày của các đương sự, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Lắk đề nghị HĐXX áp dụng khoản 1 Điều 308 BLTTDS, không chấp nhận kháng cáo của bị đơn Công ty Cổ phần K. Giữ nguyên bản án dân sự sơ thẩm số 01/2019/DS – ST ngày 28/02/2019 của Tòa án nhân dân huyện Ea Kar.

Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị tiếp tục có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Căn cứ vào các chứng cứ, tài liệu được thu thập có trong hồ sơ vụ án, kết quả tranh luận tại phiên tòa, lời trình bày của các đương sự, ý kiến của Kiểm sát viên, Hội đồng xét xử phúc thẩm nhận định:

[1]. Đối với số tiền góp vốn đợt 2 là 15.000.000 đồng: Theo phương án huy động vốn và thông báo huy động vốn thì thời gian trả gốc vốn huy động là 04 năm; thời gian thực hiện dự án từ ngày 01/11/2004, thời gian thực hiện dự án tối thiểu là 05 năm. Nhưng đên nay Công ty Cô phân K vẫn không tra gốc vốn cho ông D là thực hiện không đúng nghĩa vụ. Tòa án cấp sơ thẩm buộc Công ty cổ phần K phải có nghĩa vụ trả cho ông Lê Cảnh D số tiền gốc vốn góp dự án đá khô đợt 2 là 15.000.000 đồng là có căn cứ.

[2]. Đối với số tiền lợi nhuận năm 2014 – 2015 của số tiền góp vốn đá khô đợt 1, HĐXX thấy rằng: Tháng 10/2004, ông D góp vốn đợt 1 với số tiền là 15.000.000 đồng. Số tiền này Công ty đã thanh toán cho ông D vào tháng 8/2009.

Theo phương án huy động vốn và thông báo huy động vốn thì số tiền Công ty huy động vốn là để mua thiết bị sản xuất đá khô CO2, lãi suất được chia theo kết quả sản xuất kinh doanh. Giữa Công ty và người góp vốn không có thỏa thuận nào về việc xử lý tài sản (thiết bị sản xuất đá khô) hình thành từ nguồn tiền này sau khi kết thúc dự án. Do đó, sau khi Công ty đã trả lại tiền đã góp vốn thì không có nghĩa vụ trả lợi nhuận đối với số tiền này. Việc Tòa án cấp sơ thẩm buộc Công ty Cổ phần K trả lợi nhuận từ việc kinh doanh sản xuất đá khô năm 2014 và 2015 đối với số tiền góp vốn đợt I là 15.000.000 đồng sau khi ông D đã rút vốn là không có căn cứ. Do đó, cần chấp nhận đơn kháng cáo của bị đơn, không chấp nhận một phần đơn khởi kiện của nguyên đơn đối với yêu cầu này.

[3]. Đối với số tiền lợi nhuận năm 2014 – 2015 của số tiền góp vốn đá khô đợt 2: Tháng 3/2005, ông D góp vốn đợt 2 với số tiền là 15.000.000 đồng. Số tiền này đến nay Công ty vẫn chưa thanh toán lại cho ông D do vậy Công ty phải có nghĩa vụ thanh toán lợi nhuận năm 2014 – 2015 cho ông D đối với số tiền góp vốn này. Việc Công ty kháng cáo cho rằng năm 2014 – 2015 do kế toán tính sai, Công ty đã tính toán lại giá thành đá khô năm 2014 và năm 2015 thì Công ty thua lỗ nên không chấp nhận trả lợi nhuận đối với số tiền chưa hoàn vốn là không có căn cứ. Bởi lẽ, quá trình giải quyết vụ án, Công ty thừa nhận: “lợi nhuận sau thuế năm 2014 là 520.604.000đ và năm 2015 là 399.860.154đ như nguyên đơn trình bày là đúng”. Theo kết quả báo cáo tài chính của Công ty đã được kiểm toán thì năm 2014, 2015 Công ty vẫn có lợi nhuận sau thuế. Việc Công ty việc tính lại giá thành vào tháng 4/2016 và ban hành các Công văn 39/CV-KS ngày 20/4/2016 và thông báo số 44/TB-HĐQT/2016 ngày 12/4/2016, xác định: Năm 2014 việc sản xuất kinh doanh đá khô CO2 không có lợi nhuận mà lỗ số tiền 105.706.208đ và năm 2015 việc sản xuất kinh doanh đá khô CO2 không có lợi nhuận mà lỗ số tiền 30.787.646đ là không phù hợp bởi Công ty đã xác định khi kết thúc năm kinh doanh thì quý liền kề phải báo cáo kết quả sản xuất kinh doanh của năm trước đó. Do vậy, không có căn cứ để chấp nhận kháng cáo của Công ty đối với nội dung này mà cần chấp nhận một phần đơn khởi kiện của ông Lê Cảnh D, buộc Công ty phải thanh toán cho ông D tiền lợi nhuận năm 2014 – 2015 đối với số tiền góp vốn đá khô đợt 2, cụ thể như sau:

+ Năm 2014: Lợi nhuận sau thuế của việc sản xuất kinh doanh đá khô CO2 là 520.604.000đ – 5% quỹ phúc lợi và 50% để lại cho Công ty theo Nghị quyết 61 thì phần lợi nhuận của những người góp vốn là 247.287.000đ. Tổng số tiền vốn góp của những người góp vốn là 1.005.540.000đ, do đó tỷ lệ % lợi nhuận của vốn góp được chia là 247.287.000đ : 1.005.540.000đ= 24,59%. Phần lợi nhuận mà ông D được chia là: 15.000.000đ x 24,59% = 3.688.500 đồng (Ba triệu sáu trăm tám mươi tám nghìn năm trăm đồng).

+ Năm 2015: Lợi nhuận sau thuế của việc sản xuất kinh doanh đá khô CO2 là 399.860.154đ – 5% quỹ phúc lợi và 50% để lại cho công ty theo Nghị quyết 61 thì phần lợi nhuận của những người góp vốn là 189.933.577đ. Tổng số tiền vốn góp của những người góp vốn là 1.005.540.000đ, do đó tỷ lệ % lợi nhuận của vốn góp được chia là 189.933.577đ : 1.005.540.000đ = 18,88%. Phần lợi nhuận mà ông D được chia là: 15.000.000đ x 18,88% = 2.832.000 đồng (Hai triệu tám trăm ba mươi hai nghìn đồng).

Tổng số tiền lợi nhuận ông D được chia của dự án đá khô CO2 đợt 2 năm 2014, 2015 là: 6.520.500 đồng (Sáu triệu năm trăm hai mươi nghìn năm trăm đồng).

Như vậy, Công ty cổ phần K phải trả cho ông Lê Cảnh D tổng số tiền vốn góp và lợi nhuận là: 15.000.000 đồng + 6.520.500 đồng = 21.520.500 đồng. (1).

Như vậy, cần sửa bản án sơ thẩm, không chấp nhận một phần đơn khởi kiện của ông Lê Cảnh D đối với số tiền là: 27. 825.000 đồng – 21.520.500 đồng = 6.304.500 đồng [4]. Xét kháng cáo của bị đơn về việc không chấp nhận tính lãi chậm trả đối với số tiền góp vốn đợt 2 và lợi nhuận của năm 2014 và năm 2015:

Theo Điều 11 Nghị quyết 61 thì thời điểm thanh lý của 02 dự án đá khô CO2 là ngày 31/12/2015. Như vậy, từ ngày 01/01/2016, Công ty đã phải thanh toán cho ông D tổng số tiền gốc và lợi nhuận là 21.520.500 đồng. Tuy nhiên đến nay Công ty vẫn chưa thanh toán số tiền nói trên nên theo quy định tại Điều 305 BLDS năm 2005 và Điều 357 BLDS năm 2015, phía Công ty phải chịu lãi suất đối với số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả. Do vậy, nội dung kháng cáo này của công ty là không có căn cứ để chấp nhận. Tuy nhiên, do sửa án sơ thẩm về số lợi nhuận mà bị đơn phải trả cho nguyên đơn nên cần tính lại số tiền lãi suất mà bị đơn phải trả cho nguyên đơn. Cụ thể:

– Thời điểm từ ngày 01/01/2016 đến ngày 31/12/2016 là 01 năm, áp dụng khoản 2 Điều 305 BLDS năm 2005, buộc bị đơn phải thanh toán cho nguyên đơn số tiền lãi suất là: 21.520.500 đồng x 9%/năm = 1.937.000 đồng (làm tròn số) .

– Thời điểm từ ngày 01/01/2017 đến ngày 28/02/2019 (ngày xét xử sơ thẩm) là 26 tháng, áp dụng khoản 2 Điều 357 BLDS năm 2015, buộc bị đơn phải thanh toán cho nguyên đơn số tiền lãi là: 21.520.500 đồng x 10%/năm: 12 tháng x 26 tháng = 4.663.000 đồng (làm tròn số).

Như vậy, số tiền lãi suất chậm trả mà Công ty cổ phần K phải trả cho nguyên đơn là: 1.937.000 đồng + 4.663.000 đồng = 6.600.000 đồng (2) Tổng cộng Công ty cổ phần K phải trả cho nguyên đơn ông Lê Cảnh D số tiền là: (1) + (2) = 21.520.500 đồng + 6.600.000 đồng = 28.120.500 đồng.

[5]. Về án phí:

[5.1]. Về án phí dân sự sơ thẩm:

Do sửa bản án sơ thẩm về số tiền mà bị đơn phải thanh toán cho nguyên đơn nên số tiền án phí dân sự sơ thẩm được sửa lại như sau:

– Ông Lê Cảnh D yêu cầu Công ty Cổ phần K phải thanh toán cho ông tổng số tiền vốn góp và lợi nhuận năm 2014 – 2015 là: 27.825.000 đồng nhưng cấp phúc thẩm chỉ buộc Công ty phải thanh toán cho ông D số tiền góp vốn và lợi nhuận năm 2014 – 2015 là 21.520.500 đồng nên ông D phải chịu án phí đối với số tiền không được chấp nhận = 6.304.500 đồng x 5%= 315.000 đồng (làm tròn số).

– Bị đơn Công ty Cổ phần K phải chịu án phí dân sự sơ thẩm đối với tổng số tiền phải thanh toán cho nguyên đơn ông Lê Cảnh D = 28.120.500 x 5% = 1.406.000 đồng.

[5.2]. Về án phí dân sự phúc thẩm: Do được chấp nhận một phần đơn kháng cáo nên Công ty Cổ phần K không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm, số tiền tạm ứng án phí phúc thẩm Công ty đã nộp được khấu trừ vào số tiền án phí dân sự phúc thẩm mà Công ty phải chịu.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

[1]. Căn cứ vào khoản 2 Điều 148, khoản 2 Điều 308, khoản 1 Điều 309 Bộ luật Tố tụng dân sự;

Chấp nhận một phần đơn kháng cáo của bị đơn Công ty Cổ phần K.

Sửa bản án dân sự sơ thẩm số 01/2019/DS – ST ngày 28/02/2019 của Tòa án nhân dân huyện Ea Kar.

[2]. Tuyên xử:

[2.1]. Chấp nhận một phần đơn khởi kiện của nguyên đơn ông Lê Cảnh D.

Buộc Công ty Cổ phần K phải trả cho nguyên đơn ông Lê Cảnh D tổng số tiền là 28.120.500 đồng (Trong đó: Số tiền vốn góp đợt 2 là 15.000.000 đồng; số tiền lợi nhuận năm 2014 – 2015 trên số tiền vốn góp đợt 2 là: 6.520.500 đồng; tiền lãi suất chậm trả đối với số tiền vốn góp và lợi nhuận là: 6.600.000 đồng).

Áp dụng Điều 357 Bộ luật Dân sự năm 2015 để tính lãi suất đối với số tiền chậm trả, kể từ khi có đơn yêu cầu của người được thi hành án.

[2.2]. Không chấp nhận một phần đơn khởi kiện của ông Lê Cảnh D về việc phân chia lợi nhuận năm 2014 – 2015 đối với số tiền góp vốn đợt 1 mà công ty đã hoàn vốn cho ông D với số tiền là 6.304.500 đồng.

[3]. Về án phí:

– Ông Lê Cảnh D phải chịu 315.000 đồng án phí dân sự sơ thẩm, được khấu trừ vào số tiền 1.128.000đ tạm ứng án phí đã nộp theo biên lai thu tạm ứng án phí số AA/2016/0004863 ngày 21/12/2017 tại Chi cục thi hành án dân sự thành phố B, tỉnh Đắk Lắk, ông Lê Cảnh D được nhận lại số tiền 813.000.000 đồng.

– Công ty Cổ phần K phải chịu 1.406.000 đồng án phí dân sự sơ thẩm và không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm. Khấu trừ số tiền 300.000 đồng tạm ứng án phí dân sự phúc thẩm Công ty cổ phần K đã nộp theo Biên lai số 0012867 ngày 07/3/2019 tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện E, Công ty Cổ phần K còn phải nộp 1.106.000 đồng án phí dân sự sơ thẩm.

[4]. Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị tiếp tục có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực kể từ ngày tuyên án.

Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 của Luật Thi hành án dân sự.

…………………………………………………………………………………………………………

Luật sư tại Đà Nẵng: 

99 Nguyễn Hữu Thọ, Quân Hải Châu, thành phố Đà Nẵng

Luật sư tại Huế: 

336 Phan Chu Trinh, thành phố Huế, Thừa Thiên Huế

Luật sư tại Phú Quốc:

65 Hùng Vương, thị trấn Dương Đông, huyện đảo Phú Quốc.

Website: www.fdvn.vn    www.tuvanphapluatdanang.com

Email: fdvnlawfirm@gmail.com    luatsulecao@gmail.com

Điện thoại: 0935 643 666    –  0906 499 446

Fanpage: https://www.facebook.com/fdvnlawfirm/

Bài viết liên quan