Ngày 18-5, ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở TN&MT TP Đà Nẵng, thông tin với báo Pháp Luật TP.HCM là sở này đang rà soát, làm việc với các cơ quan chức năng liên quan thông tin 134 lô và một thửa đất ven biển Đà Nẵng có yếu tố Trung Quốc (TQ).
Những lô đất triệu đô
Trước đó, tại Văn bản 179/BQP-BĐBP trả lời cử tri TP Hải Phòng, Bộ Quốc phòng cho hay từ năm 2011 đến 2015, trên địa bàn khu vực biên giới biển Đà Nẵng có 134 lô, một thửa đất liên quan đến cá nhân, doanh nghiệp người TQ. Các cá nhân, doanh nghiệp này đang sở hữu, núp bóng sở hữu hoặc thuê đất của TP.
Theo ghi nhận của chúng tôi hôm 18-5, cung đường Võ Nguyên Giáp – Trường Sa (quận Ngũ Hành Sơn) ven biển Đà Nẵng khá vắng vẻ. Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, khu vực này đang khác hẳn vẻ nhộn nhịp thường có của nơi được mệnh danh là “phố TQ” ở Đà Nẵng. Dãy cửa hàng kinh doanh massage, nhà hàng, khách sạn… áp sát tường rào sân bay Nước Mặn phần lớn đóng cửa vì không có khách. Bên cạnh dãy hàng quán này còn nhiều lô đất đã có chủ nhưng bỏ trống.
Thông tin từ Văn phòng Đăng ký đất đai, Sở TN&MT TP Đà Nẵng cho biết vệt đất ven tường rào sân bay Nước Mặn được quy hoạch thành 246 lô đất. Trước đây, TP Đà Nẵng thực hiện bán đấu giá và giao đất hoàn toàn cho cá nhân, tổ chức trong nước. Giá đất ở vị trí “kim cương” này từng lên đến 200 triệu đồng/m². Tuy nhiên, giá hiện nay đã giảm.
Chạy dọc khu vực này có rất nhiều bảng quảng cáo “đất bán hoặc cho thuê”. Liên hệ với một số điện thoại trên tấm bảng dựng gần cổng ga trực thăng, PV trao đổi với một người tự xưng là chủ đất.
“Đất ở lâu dài có sổ đỏ chính chủ. Anh muốn mua thì hai lô hay bốn lô đều có. Giá bán là 110 triệu đồng/m2 lô 150 m2, giá thuê là 50 triệu đồng/tháng, hợp đồng ít nhất năm năm” – người này nói.
Anh LQS, giám đốc kinh doanh một công ty bất động sản (BĐS) tại Đà Nẵng, cho hay những lô đất ven biển như trên vốn là của hiếm có, khó tìm nhưng rất kén khách vì có giá hàng triệu USD. “Ven biển quận Ngũ Hành Sơn trước đây từng có vài dự án đất nền, mở bán vài ngày là hết. Còn các lô riêng lẻ như vậy không dễ gì động vào” – anh S. nói.
Chị DTT, một nhà đầu tư BĐS tại Đà Nẵng, thì nói những người hỏi mua đất ven biển Đà Nẵng thường là người nước ngoài đi với người Việt.
“Có trường hợp chồng TQ mua đất rồi nhờ vợ người Việt đứng tên. Thậm chí có tình trạng một số người Việt chạy xe ôm, buôn bán lặt vặt mà đứng ra mua 3-5 lô đất một lần. Hỏi dò thì người ta tiết lộ có người TQ nhờ mua đất, đứng tên giúp và trả công hậu hĩnh” – chị T. nói.
Những lô đất vàng ven biển Đà Nẵng được rao bán, cho thuê rầm rộ. Ảnh: TẤN VIỆT
Cần lấp ngay lỗ hổng pháp luật
Theo văn bản trả lời cử tri của Bộ Quốc phòng, để sở hữu các lô đất ở Đà Nẵng, người TQ chủ yếu dựa theo hai hình thức: Thành lập doanh nghiệp liên doanh với Việt Nam (VN). Ban đầu người TQ góp vốn thấp hơn (người VN góp vốn chủ yếu bằng đất), doanh nghiệp sẽ do người VN điều hành. Sau một thời gian, bằng nhiều cách, người TQ tăng vốn, giành quyền điều hành doanh nghiệp. Do tài sản góp vốn là đất nên quyền sở hữu các lô đất rơi vào tay người TQ.
Hình thức thứ hai là người TQ đầu tư tiền cho cá nhân người VN để mua đất. “Đã phát hiện một số trường hợp kinh tế khó khăn nhưng đứng tên sở hữu đến 10, 12 lô đất. Hầu hết các lô đất này đều ở vị trí đường lớn, ven biển, đắc địa cho hoạt động kinh doanh và có ý nghĩa quan trọng trong khu vực phòng thủ” – Bộ Quốc phòng cho hay.
Giám đốc Sở TN&MT TP Đà Nẵng nhận định thông tin Bộ Quốc phòng đưa ra là “một nội dung lớn”.
“Chúng tôi đã tiếp nhận thông tin này và giao cho những đơn vị trực tiếp quản lý đất đai, kể cả Chi cục Quản lý đất đai và Văn phòng Đăng ký đất đai rà soát lại những thông tin mà Bộ Quốc phòng liệt kê. Về nguyên tắc, nếu sai thì phải xử lý theo quy định của pháp luật.
Sở đang khẩn trương làm việc với những cơ quan chức năng có liên quan để làm rõ một số nội dung. Trên cơ sở đó sẽ có thông tin trả lời báo chí đầy đủ” – ông Tô Văn Hùng nói.
Nhiều năm nghiên cứu pháp lý đất đai tại TP Đà Nẵng, luật sư (LS) Lê Cao, Đoàn LS TP Đà Nẵng, cho hay quy định của Luật Đất đai 2013, Luật Nhà ở 2014 thì cá nhân người nước ngoài không được phép nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất tại VN. Một số trường hợp tổ chức, cá nhân nước ngoài được mua nhà ở VN nhưng cũng bị giới hạn.
Về các hình thức lách luật mà Bộ Quốc phòng nêu ra, LS Lê Cao cho rằng quyền sử dụng đất trong trường hợp này thực chất thuộc quyền của doanh nghiệp. Nguy cơ ở chỗ doanh nghiệp đó do người TQ đứng tên trên lãnh thổ VN.
Do đó, trong trường hợp quản lý không tốt hoạt động cư trú, kinh doanh của các doanh nghiệp này thì sẽ tạo điều kiện cho họ lấy quyền của doanh nghiệp đối với các diện tích đất được sử dụng để có những hoạt động phi pháp.
“Cần có quy phạm đủ an toàn để ngăn chặn sớm các chiêu thức này. Cần sớm điều chỉnh các luật liên quan nhằm bịt lỗ hổng” – LS Lê Cao kiến nghị.
Theo Bộ Quốc phòng, giai đoạn 2011-2015, có hai cá nhân quốc tịch TQ và Đài Loan đã đổ tiền cho tám người VN (trong đó có sáu người VN gốc Hoa) đứng tên mua 84 lô đất, tổng diện tích khoảng 20.000 m2, giá trị giao dịch trên 100 tỉ đồng.
Ngoài ra còn có bảy doanh nghiệp có yếu tố TQ sở hữu một số lô đất ven biển Đà Nẵng và thuê đất 50 năm. Trong đó, Công ty TNHH Silver Shores Hoàng Đạt được UBND TP Đà Nẵng cho thuê 200.000 m2 đất, thời gian thuê 50 năm (đến ngày 21-6-2056), đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ngày 21-3-2017. Khu đất rộng lớn này đã và đang mọc lên tổ hợp giải trí, nghỉ dưỡng cao tầng án ngữ mặt tiền sân bay Nước Mặn. |
99 Nguyễn Hữu Thọ, Quân Hải Châu, thành phố Đà Nẵng
Luật sư tại Huế:
336 Phan Chu Trinh, thành phố Huế, Thừa Thiên Huế
Luật sư tại Quảng Ngãi:
359 đường Nguyễn Du, thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi
Website: www.fdvn.vn www.fdvnlawfirm.vn www.diendanngheluat.vn www.tuvanphapluatdanang.com
Email: fdvnlawfirm@gmail.com luatsulecao@gmail.com
Điện thoại: 0935 643 666 – 0906 499 446
Fanpage LUẬT SƯ FDVN: https://www.facebook.com/fdvnlawfirm/
Legal Service For Expat: https://www.facebook.com/fdvnlawfirmvietnam/
TỦ SÁCH NGHỀ LUẬT: https://www.facebook.com/SayMeNgheLuat/
DIỄN ĐÀN NGHỀ LUẬT: https://www.facebook.com/groups/saymengheluat/