Feel free to go with the truth

Trang chủ / BÀI VIẾT & ẤN PHẨM CỦA FDVN / Xử lý sai phạm đất đai: Khó nhưng phải kiên quyết làm

Xử lý sai phạm đất đai: Khó nhưng phải kiên quyết làm

     Xử lý cán bộ sai phạm đã khó, khắc phục những sai phạm lại càng khó hơn, nhất là lại liên quan đến đất đai.

LS Lê Cao, Chủ tịch HĐTV kiêm Giám đốc Công ty Luật FDVN (Đoàn Luật sư Đà Nẵng) chỉ ra nguyên nhân khiến việc khắc phục sai phạm trong quản lý, sử dụng đất đai trở nên khó khăn, cũng như những yếu tố tiên quyết để xử lý dứt điểm những sai phạm này.

PV: – Cơ quan CSĐT, Bộ Công an vừa hoàn tất Kết luận điều tra chuyển VKS đề nghị truy tố đối với ông Nguyễn Hữu Tín (nguyên Phó Chủ tịch UBND TP.HCM) và 4 cán bộ, lãnh đạo các đơn vị về hành vi “Vi phạm quy định về quản lý đất đai” trong vụ giao đất ở số 15 đường Thi Sách, quận 1, TPHCM cho Công ty CP Xây dựng Bắc Nam 79 của Vũ “nhôm”.

Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP.HCM cũng thông báo về việc thi hành kỷ luật 30 trường hợp tổ chức Đảng, đảng viên vi phạm về đất đai ở Bình Chánh với các mức cảnh cáo, khiển trách, phê bình rút kinh nghiệm.

Trong khi đó, ở Đà Nẵng, liên quan đến sân vận động Chi Lăng, Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa cho biết, ai cấp 14 sổ đỏ tại sân Chi Lăng thì phải chịu trách nhiệm và cũng sẽ có người phải ra tòa.

Ông bình luận thế nào về thái độ kiên quyết xử lý sai phạm đất đai, thu hồi tài sản về cho Nhà nước, cũng như xử lý những cá nhân sai phạm trong công tác quản lý, sử dụng đất đai, kể cả cán bộ về hưu, của Đà Nẵng và TP.HCM? Đó có phải là chỉ dấu cho thấy những sai phạm đất đai từ nay sẽ được xử lý nghiêm minh?

LS Lê Cao: – Như chúng ta thấy, thời gian qua các cơ quan có thẩm quyền đã rất quyết liệt trong việc xử lý các hành vi trái pháp luật liên quan đến hoạt động công vụ. Hàng loạt quan chức đã bị xem xét trách nhiệm, khởi tố để điều tra các hành vi phạm tội. Đó là điều mà nhiều năm trước đây chúng ta chưa thấy. Những chỉ dấu đó cho chúng ta thấy được quyết tâm phòng chống tiêu cực, tham nhũng hiện nay là một nỗ lực rất lớn.

Thực tế cho thấy, trước đây Bộ luật Hình sự 1999 cũng đã có các quy định tội danh liên quan đến quản lý đất đai, nhưng gần 20 năm duy trì hiệu lực của đạo luật này, tội “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai” rất ít khi khởi tố, và rất hiếm khi khởi tố đến những quan chức cấp tỉnh. Mà rõ ràng, nhiều vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động quản lý đất đai phát sinh từ trước ngày 01/01/2018 (ngày có hiệu lực của Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), những hành vi vi phạm đó sau khi được công khai thì chúng ta thấy đó là những sai phạm có hệ thống, kéo dài và nghiêm trọng, nhưng lại không được phát hiện, không bị xử lý.

LS Lê Cao, Chủ tịch HĐTV kiêm Giám đốc Công ty Luật FDVN (Đoàn Luật sư Đà Nẵng)

Hiện nay, qua hàng loạt vụ án, kết luận của các cơ quan có thẩm quyền về vấn đề xử lý các sai phạm trong công tác quản lý đất đai, chúng ta có quyền hy vọng pháp luật sẽ được thực thi trọn vẹn, pháp luật sẽ được sử dụng để đảm bảo quản lý nguồn tài nguyên rất giá trị là đất đai, nhằm  đảm bảo đất đai được sử dụng hữu ích cho sự phát triển kinh tế xã hội, được sử dụng hữu ích cho việc làm cho dân giàu, nước mạnh.

PV: – Trở lại với những sai phạm đất đai ở các địa phương, trong đó có Đà Nẵng và TP.HCM, theo ông, nguyên nhân lớn nhất dẫn đến những sai phạm đó là gì? Do sự buông lỏng quản lý của chính quyền địa phương, do công tác thẩm định, kiểm tra, giám sát của các sở, ngành chức năng yếu kém, do một số cán bộ đã tiếp tay, bao che cho sai phạm… hay còn lý do nào khác? Nếu như vậy, khi xử lý cán bộ sai phạm, phải lưu ý điểm này như thế nào?

LS Lê Cao: – Đất đai ở nước ta hay bất kỳ đâu cũng là nguồn tài nguyên, tài sản quan trọng, ý nghĩa cho sự phát triển kinh tế xã hội. Nhưng dường như công tác quy hoạch kinh tế chung của ta chưa đảm bảo việc phát huy nguồn lực tài nguyên đất.

Nhiều địa phương, nhiều khu vực giá đất rất thấp vì không có nhà máy, không có khu công nghiệp, không có trường học, không có bệnh viện, không có khu vui chơi, vậy là không có người ở. Ngược lại, nhiều nơi giá đất bị đẩy lên rất khủng khiếp, nhiều đô thị hiện nay quá ngột ngạt vì dân cư tập trung rất đông, các đô thị lớn như TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng… ngày một đông đúc, quá tải, giá trị các khu đất cũng bị đẩy lên rất cao.

Đất đai bị kéo theo vòng xoáy của nhu cầu con người, từ đó nảy sinh các loại quyền lợi, các vấn đề về lợi ích. Từ đây, những người có quyền lực trong tay mà không chính trực sẽ nảy sinh lòng tham, tính vụ lợi. Trong khi sự kiểm soát quyền lực, quản trị hành chính non kém, không quyết liệt dẫn đến xuất hiện sự thao túng, cấu kết của các nhóm lợi ích.

Chúng ta chứng kiến hầu như các sai phạm về quản lý đất đai gây thiệt hại cho Nhà nước thì phía sau đó bên được lợi là một số doanh nghiệp nào đó, lợi ích cục bộ này rơi vào thiểu số người, chứ người dân nói chung không được hưởng lợi.

Nguyên nhân nữa, như chúng tôi đã đề cập là trong một thời gian dài, các sai phạm của vấn đề quản lý đất đai diễn ra nhưng không bị phát hiện, không bị xử lý gì cả, đấy là lý do sai phạm chồng lên sai phạm, những người làm sai họ không sợ và vì vậy các sai phạm cứ xảy ra.

Do đó, để đảm bảo răn đe thực sự, thì xử lý phải kiên quyết và đúng luật, có luật rồi cứ nghiêm minh trừng trị các hành vi sai trái thì mới làm gương, mới có tính răn đe, mới đảm bảo duy trì sự tuân thủ trong thừa hành nhiệm vụ.

Chúng ta cũng cần mở ra kênh thực sự và thiết thực cho người dân có thể giám sát, phát huy được tính dân chủ thực sự, để người dân giám sát quyền lực của những người được trao quyền.

PV: Có ý kiến cho rằng, xử lý cán bộ sai phạm đã khó, khắc phục những sai phạm lại càng khó hơn, nhất là lại liên quan đến đất đai. Ông có đồng tình với quan điểm này không, tại sao?

LS Lê Cao: – Hậu quả của nhiều vụ án liên quan đến đất đai, thất thoát vốn nhà nước rõ ràng rất khó xử lý sai phạm vì vướng nhiều mối ràng buộc, vướng nhiều hệ lụy với sự chồng chéo lợi ích. Đúng như câu hỏi được đặt ra, rõ ràng việc khắc phục những hậu quả của các hành vi sai phạm mới thực sự khó hơn nhiều.

Hiện nay các quyết định mang tính hành chính của cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền của cơ quan nhà nước giao đất, cho thuê đất hoặc bán đấu giá đất cho các tổ chức, cá nhân trải qua nhiều thời kỳ khác nhau. Nếu trái luật, mà thông thường khi người sử dụng đất làm trái luật, thì mới bị thu hồi theo Điều 64 Luật Đất đai 2013. Chỉ một vài trường hợp như giao đất, cho thuê đất không đúng thẩm quyền… tức là sai từ phía cơ quan nhà nước thì cũng bị thu hồi.

Nhiều sai phạm từ phía cơ quan có thẩm quyền, tuy nhiên các tổ chức, cá nhân, người sử dụng đất không sai phạm, họ cũng bị mất tiền bạc để được sử dụng đất, họ là những người thứ ba, thứ tư trong các giao dịch ngay tình, được nhận quyền sử dụng đất. Trong trường hợp ấy, pháp luật phải bảo vệ quyền lợi cho họ.

Do đó, thu hồi tài sản trong các trường hợp này cũng như các hoạt động công vụ khác vô cùng khó. Giờ thì oan sai của công chức, Nhà nước phải lấy tiền thuế dân nộp ra trả, các sai phạm về quản lý xảy ra, thất thoát ngàn tỉ thì Nhà nước cũng phải mang tiền thuế của dân đóng ra khắc phục, chứ tiền thu được từ các cán bộ, công chức, người thừa hành công vụ làm sai thì không được bao nhiêu.

Hiện nay, chúng ta vẫn đang loay hoay câu chuyện thu hồi tài sản từ sai phạm, tham nhũng, nhưng chưa có cách nào hữu hiệu, triệt để.

PV: – Như trong trường hợp sân Chi Lăng, dù Đà Nẵng đã khẳng định quyết tâm, nhưng quả thực lấy lại sân vận động này rất khó. Hiện sân Chi Lăng không thể đưa ra đấu giá được vì 14 sổ đỏ được cấp không hợp pháp và khu vực chưa thông qua quy hoạch.

Ông chia sẻ với khó khăn của Đà Nẵng trong việc lấy lại sân Chi Lăng như thế nào và theo ông, liệu TP có cửa nào để lấy lại? Liệu có thể áp dụng biện pháp như ông nói với các sai phạm đất đai ở các địa phương khác được không? Xin ông phân tích cụ thể.

LS Lê Cao: – Việc TP Đà Nẵng muốn giữ lại sân Chi Lăng cho mục đích công cộng, cho lợi ích của người dân thành phố là rất chính đáng, rất đáng hoan nghênh tinh thần vì cộng đồng. Tuy nhiên, về mặt pháp lý thì việc giữ lại sân Chi Lăng hiện nay không thể dùng quyết định hành chính hay ý chí một bên để có thể thực hiện nguyện vọng này.

Thứ nhất, như chúng tôi đã nói, việc xử lý tài sản là các quyền sử dụng đất ở sân Chi Lăng đang được thực thi theo bản án đã có hiệu lực của Tòa án. Nên nhớ, bản án có hiệu lực của Tòa án là văn bản có tính pháp lý buộc phải thi hành. Cho đến nay, vẫn chưa có quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm hay bất kỳ phán quyết nào chấm dứt hiệu lực, hay có thể ngừng hiệu lực của phán quyết của Tòa án một cách hợp pháp.

Hiện nay, có ý kiến cho rằng các sai phạm trước đó khi giao đất cho Công ty Thiên Thanh là có thật, các sai phạm này nếu phù hợp với quy định của pháp luật sẽ là cơ sở pháp lý để có thể tước đi quyền sử dụng đất của Công ty Thiên Thanh, từ đó Công ty Thiên Thanh không có quyền thế chấp tài sản, và việc thế chấp tài sản bị tuyên vô hiệu. Thế nhưng, việc tuyên một giao dịch hợp đồng vô hiệu hay không chỉ có Tòa án mới có thẩm quyền làm được.

Nghĩa là, khi có các chứng cứ đó thì các bên có quyền và nghĩa vụ liên quan cần yêu cầu Tòa án khi xử vụ Phạm Công Danh để tuyên giao dịch thế chấp vô hiệu. Thế nhưng, đến nay vẫn chưa có yêu cầu độc lập, yêu cầu của các bên liên quan hoặc một vụ kiện độc lập nào xác định giao dịch thế chấp tài sản vô hiệu, do đó sẽ phát sinh nghĩa vụ về việc phải xử lý tài sản thế chấp để trả nợ vay cho các ngân hàng. Hiện bản án quyết định về vấn đề này đang có hiệu lực, nên vẫn phải thi hành.

Thứ hai, liên quan đến việc cho rằng do khu đất này vẫn chưa được phê duyệt quy hoạch tổng mặt bằng, quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 nên hiện nay không thể bán đấu giá. Theo chúng tôi, nếu không thể bán đấu giá để xử lý tài sản thế chấp theo quy định với các lý do trên là không có cơ sở.

Hiện nay, việc quy hoạch, lập kế hoạch sử dụng đất là trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền, nhiều trường hợp đất chưa có quy hoạch làm gì, đất bị quy hoạch treo nhưng Luật Đất đai không quy định đó là các trường hợp đất không được giao dịch thế chấp, chuyển nhượng. Cho nên, việc quy hoạch hay không, quy hoạch hay chưa, không thể tước đi quyền sử dụng hợp pháp của người sử dụng đất.

Như vậy, chuyện giữ lại sân Chi Lăng sẽ là câu chuyện dài, nay mai có thể có vụ án hình sự liên quan đến việc xử lý các sai phạm của sân Chi Lăng, rồi có thể có các phán quyết của tòa án có thẩm quyền để thu hồi lại được sân Chi Lăng cho Nhà nước, nhưng bên thứ ba là các ngân hàng, họ bị thiệt hại từ phía Công ty Thiên Thanh nên họ cũng sẽ phải bảo vệ quyền lợi của họ trên cơ sở các giao dịch được pháp luật công nhận.

Vấn đề thượng tôn pháp luật và điều hòa quyền lợi, lợi ích giữa các bên là vấn đề không đơn giản, và chúng ta rất mong muốn, nếu có các sai phạm của các cấp có thẩm quyền, vụ việc sớm được xử lý nhằm sớm có thể có cách thức ngăn chặn các tài sản bị thất thoát, không thu hồi được.

Thế nên, TP Đà Nẵng muốn giữ lại đất sân Chi Lăng bằng pháp luật thì cần có các quyết định, phán quyết của Tòa án, cơ quan có thẩm quyền theo luật định phù hợp để có thể giữ lại sân Chi Lăng cho người dân sử dụng cho mục đích công cộng. Nếu không, thì như chúng tôi nêu là cần có sự thỏa thuận với các ngân hàng, doanh nghiệp để làm sao có phương thức giữ được tài sản này cho mục đích công cộng bằng phương thức thỏa thuận giữa các bên.

PV: – Để xử lý dứt điểm các sai phạm đất đai tương tự ở các địa phương, theo ông, cần phải làm gì? Và nếu xử lý được thì tác dụng của nó ra sao? Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm của các nước tiên tiến như thế nào trong vấn đề này?

LS Lê Cao: – Hiện nay nhiều khi luật ở Trung ương ban hành một kiểu, nhưng dưới địa phương chỉ mệnh lệnh miệng, hoặc một văn bản mang tính công văn đã có thể đi ngược lại luật pháp.

Ví dụ ngay tại TP Đà Nẵng, theo Luật Đất đai thì đất thuộc quy hoạch để làm các dự án này kia không phải là trường hợp bị cấm đăng ký quyền sử dụng đất (người dân gọi nôm na là làm sổ đỏ). Thế nhưng bằng một công văn hành chính số 9916/UBND – STNMT ngày 05/12/2016 của UBND TP Đà Nẵng, mấy năm qua nhiều người dân sử dụng đất ổn định, hợp pháp lâu dài thuộc diện được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, lại bị công văn này dừng việc cấp sổ đỏ cho người dân.

Trớ trêu là nhiều người dân ở các dự án treo cả chục năm không thấy làm gì, nhưng khi đi làm sổ đỏ, dù đủ điều kiện theo quy định của pháp luật thì đều bị từ chối với lý do công văn số 9916 nêu trên ra lệnh phải dừng. Quyền được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của người dân không thể bị một công văn hành chính ngừng lại được.

Đó là ví dụ nhỏ cho thấy, muốn xử lý dứt điểm các sai phạm đất đai trước hết phải đảm bảo các địa phương thực hiện nghiêm túc Luật Đất đai. Việc Đà Nẵng trước đây cho miễn tiền sử dụng đất sai, giao đất sai là cách làm trái luật, không đúng luật, giờ mới gây ra nhiều hệ lụy như hiện nay.

Do đó, muốn tránh các sai phạm về quản lý đất đai thì phải có cơ chế để buộc các chính quyền địa phương tuân thủ trước hết Luật Đất đai. Nếu tuân thủ luật pháp, không lạm quyền, không lợi ích nhóm, không làm trái luật thì chắc chắc sẽ không có các hậu quả của câu chuyện sai trái về luật đất đai.

Hiện nay, tình trạng pháp lý đất đai đang trao cho chính quyền địa phương các cấp quá nhiều quyền, họ quản lý, thu hồi, điều chỉnh, quyết định giá đất và can thiệp hết các quyền của người dân đối với vấn đề sử dụng đất. Vì các cấp lãnh đạo địa phương được trao quá nhiều quyền đối với việc quản lý đất đai, nên họ lợi dụng quyền, lạm dụng quyền là điều rất dễ xảy ra.

        Theo Thành Luân – Báo Đất Việt

…………………………………………………………………………………………………………

Luật sư tại Đà Nẵng: 

99 Nguyễn Hữu Thọ, Quân Hải Châu, thành phố Đà Nẵng

Luật sư tại Huế:         

336 Phan Chu Trinh, thành phố Huế, Thừa Thiên Huế

Luật sư tại Phú Quốc:

65 Hùng Vương, thị trấn Dương Đông, huyện đảo Phú Quốc.

Website: www.fdvn.vn    www.tuvanphapluatdanang.com

Email: fdvnlawfirm@gmail.com    luatsulecao@gmail.com

Điện thoại: 0935 643 666    –  0906 499 446

Fanpage: https://www.facebook.com/fdvnlawfirm/

Bài viết liên quan