Trong thực tiễn điều tra, truy tố và xét xử thì việc áp dụng lấy trị giá tài sản bị chiếm đoạt làm căn cứ để xử lý trách nhiệm hình sự trong trường hợp thực hiện nhiều lần cùng loại hành vi xâm phạm sở hữu liên tục kế tiếp nhau về mặt thời gian thì theo tinh thần công văn số 64/TANDTC – PC ngày 03/4/2019 của Tòa án nhân dân tối cao thông báo kết quả giải đáp trực tuyến một số vướng mắc về hình sự, dân sự và tố tụng hành chính thì trong trường hợp này vẫn vận dụng hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP ngày 25-12-2001của liên ngành tư pháp trung ương hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XIV của BLHS năm 1999 để vận dụng thực hiện (gọi tắt là Thông tư số 02).
Như vậy, Thông tư số 02 của liên ngành tư pháp trung ương chỉ mới hướng dẫn quy định cụ thể về trường hợp hành vi nhiều lần chiếm đoạt tài sản mà liên tục, kế tiếp nhau về mặt thời gian trong đó mỗi lần chiếm đoạt tài sản đều dưới mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì cộng tổng giá trị chiếm đoạt tài sản tại các lần để làm căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những người này.Cụ thể: Tại tiểu mục 5 Mục II Thông tư số 02 quy định: “Trong trường hợp một người thực hiện nhiều lần cùng loại hành vi xâm phạm sở hữu, nhưng mỗi lần giá trị tài sản bị xâm phạm dưới mức tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của BLHS và không thuộc một trong các trường hợp khác để truy cứu trách nhiệm hình sự (gây hậu quả nghiêm trọng; đã bị xử phạt hành chính; đã bị kết án nhưng chưa được xoá án tích…), đồng thời trong các hành vi xâm phạm đó chưa có lần nào bị xử phạt hành chính và chưa hết thời hiệu xử phạt hành chính, nếu tổng giá trị tài sản của các lần bị xâm phạm bằng hoặc trên mức tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của BLHS, thì người thực hiện nhiều lần cùng loại hành vi xâm phạm sở hữu phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm tương ứng theo tổng giá trị tài sản của các lần bị xâm phạm, nếu:
a) Các hành vi xâm phạm sở hữu được thực hiện một cách liên tục, kế tiếp nhau về mặt thời gian…”.
Còn đối với trường hợp các đối tượng thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản như: “trộm cắp tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản và lạm dụng tính nhiệm chiếm đoạt tài sản”, thực tế tài sản chiếm đoạt được (là tiền) để xác định tình tiết định tội, tình tiết định khung hình phạt để truy cứu trách nhiệm hình sự thì hiện nay chưa có văn bản nào quy định, hướng dẫn chi tiết để thi hành đối với việc xác định định lượng đối với những tài sản trộm cắp, tài sản lừa đảo và tài sản lạm dụng tín nhiệm để chiếm đoạt để làm tình tiết định tội, tình tiết định khung hình phạt dẫn tới vẫn còn cách hiểu và nhận thức khác nhau trong quá trình giải quyết vụ án. Cụ thể như sau:Tháng 7/2019, Nguyễn Văn A nhiều lần đến Casino đánh bạc và thua hết tiền, sau đó A gặp chị Nguyễn Thị P là người thường xuyên cho các con bạc vay tiền tại Casino để đánh bạc. A vay của chị P số tiền 150.000.000đ và đánh bạc thua hết. Do không có tiền trả nợ cho chị P nên A nảy sinh ý định thuê xe ô tô tự lái của anh Nguyễn Thanh H rồi sau đó chiếm đoạt xe và giao xe cho chị P để cần trừ nợ. Ngày 01/08/2019, Nguyễn Văn A, đến thuê xe của anh H với giá thuê xe là 2.000.000 đồng/ngày, thời hạn thuê là 10 ngày có làm hợp đồng, A trả trước cho anh H 6.000.000 đồng, Do có quen biết với A từ trước nên anh H đồng ý cho A thuê và A đã sử dụng xe được 2 ngày. Sau đó, A chạy xe ô tô đến cầm cho chị P, khi cầm xe A nói xe của A để lấy tiếp 100.000.000đồng và thỏa thuận với chị P là cầm xe với giá 250.000.000 đồng. Trong đó, trả cho chị P 150.000.000 đồng tiền nợ trước đó. Nên tổng số tiền A cầm xe cho chị P là 250.000.000 đồng. Sau khi lấy được số tiền 100.000.000đồng A tiếp tục đánh bạc thua hết số tiền nêu trên rồi bỏ trốn khỏi địa phương. Đến hẹn trả xe thấy A không trả nên anh H đã làm đơn trình báo cơ quan Công an, cơ quan điều tra đã thu hồi chiếc xe nêu trên và trả lại cho anh H. Kết quả định giá chiếc xe ô tô của anh H cho A thuê trị giá 800.000.000 đồng.
Qua vụ án nêu trên, hiện nay đang có nhiều ý kiến trái chiều, không thống nhất về việc xác định số tiền để định tội, số tiền để xác định tình tiết định khung hình phạt đó là,
Ý kiến thứ nhất cho rằng, do Nguyễn Văn A có vay của chị P số tiền 150.000.000đ để đánh bạc và đã thua hết số tiền trên, đến hạn trả nợ do không có tiền trả nên A đã nảy sinh ý định gian dối đó là giả vờ thuê chiếc xe ô tô của anh H nhằm mục đích chiếm đoạt chiếc xe ô tô của anh H để cầm cố cho chị P đó là trả nợ số tiền 150.000.000đồng và tiếp tục vay thêm số tiền 100.000.000đồng của chị P là hành vi lừa đảo nhiệm chiếm đoạt tài sản. Tài sản chiếm đoạt ở đây phải là chiếc xe ô tô của anh H trị giá là 800.000.000 đồng nên phải khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử Nguyễn Văn A theo khoản 4 Điều 174 BLHS năm 2015 (chiếm đoạt tài sản là xe ô tô trị giá 800.000.000đ). Bởi vì, nếu Cơ quan điều tra không thu hồi được xe ô tô thì đương nhiên A đã chiếm đoạt chiếc xe ô tô của anh H để cầm cho chị P lấy số tiền 250.000.000 đồng nên phải xác tư cách tham gia tố tụng anh H người cho thuê xe là bị hại, còn chị P người cầm xe là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ án.
Ý kiến thứ hai cho rằng, phải xác định hành vi của Nguyễn Văn A là lừa đảo chiếm đoạt tài sản (là tiền) trị giá là 250.000.000 đồng của chị P, tuy A có ý thức gian dối thuê xe của anh H nhằm mục đích cầm cố cho chị P để vay số tiền 250.000.000 đồng để đánh bạc, A không có ý thức chiếm đoạt xe ô tô của anh H, nên chỉ khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử Nguyễn Văn A theo khoản 3 Điều 174 BLHS năm 2015 với số tiền chiếm đoạt của chị P là 250.000.000đồng, và xác tư cách tham gia tố tụng trong vụ án chị P người cầm xe là bị hại, anh H người cho thuê xe là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ án.
Tác giả đồng ý với ý kiến thứ hai, bởi lẽ, hành vi của Nguyễn Văn A là lừa đảo chiếm đoạt tài sản (tiền) trị giá là 250.000.000 đồng của chị P, mà A không có ý thức chiếm đoạt xe ô tô của anh H, nên chỉ khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử Nguyễn Văn A theo khoản 3 Điều 174 BLHS năm 2015 với số tiền chiếm đoạt là 250.000.000đồng. Bởi vì, động cơ, mục đích của Nguyễn Văn A không phải nhằm chiếm đoạt xe ô tô đã thuê của anh H mà mục đích là chiếm đoạt số tiền 250.000.000đồng của chị P, thực tế chiếc xe ô tô nêu trên vẫn còn nguyên trạng, chỉ dịch chuyển người quản lý, mà thông qua việc thuê xe ô tô của Nguyễn Văn A nhằm mục đích cuối cùng là lừa đảo chiếm đoạt tiền của chị P cầm xe ô tô, không có ý thức chiếm đoạt xe ô tô của anh H như ý kiến thứ nhất lập luận.
Đây là những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn hiện nay khi vận dụng pháp luật trong vấn đề xác định giá trị tài sản bị chiếm đoạt để làm căn cứ định tội, định khung hình phạt. Rất mong nhận được các ý kiến trao đổi của bạn đọc để hoàn thiện các quy định của pháp luật trong việc xử lý các tội phạm về hành vi chiếm đoạt tài sản.
Nguồn tin: tạp chí Kiểm sát số 05/2020