(Pháp lý) – Thời gian qua, nghiên cứu và theo dõi công tác xét xử một số vụ án ngân hàng, chúng tôi nhận thấy vấn đề xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại của bị cáo chưa thống nhất, gây tranh cãi. Đáng chú ý, có một số vụ có tính chất khá tương đồng, đều do cán bộ ngân hàng cho vay sai dẫn đến thiệt hại, tuy nhiên ở mỗi vụ án, cơ quan tiến hành tố tụng lại có quan điểm khác nhau về trách nhiệm bồi thường thiệt hại…
Xung quanh vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Luật sư Lê Cao (Luật sư điều hành Công ty Luật FDVN) làm rõ hơn quy định về xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong các vụ án ngân hàng; những vướng mắc bất cập của pháp luật hiện nay dẫn đến những cách áp dụng xác định khác nhau và đề xuất một số giải pháp để khắc phục trong thời gian tới.
Xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại của bị cáo trong nhiều vụ án ngân hàng gây nhiều tranh cãi (ảnh minh hoạ)
Mâu thuẫn trong xác định trách nhiệm bồi thường trong các vụ án ngân hàng
Phóng viên: Xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong các vụ án hình sự, đặc biệt là các vụ án trong lĩnh vực ngân hàng luôn có nhiều ý kiến trái chiều gây nhiều tranh cãi. Là một luật sư có nhiều kinh nghiệm tham gia tranh tụng các vụ án trong lĩnh vực ngân hàng, nhìn nhận của ông thế nào về vấn đề này, đặc biệt những quan điểm trái chiều trong xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại ở các vụ án ngân hàng thời gian qua?
Luật sư Lê Cao: Thời gian vừa qua, theo dõi các vụ án liên quan đến hành vi vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng cho thấy còn những mâu thuẫn trong chính nhận thức và cách áp dụng pháp luật của cơ quan tiến hành tố tụng đối với việc xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại của các bên liên quan. Cụ thể, với cùng một tình huống pháp lý tương tự nhau, đó là trường hợp có các hành vi vi phạm quy định cho vay của các tổ chức tín dụng dẫn đến việc cho vay không đúng luật, không thu hồi được vốn vay và lãi vay, thì phần thiệt hại không thu hồi được đó lại có hai quan điểm khác nhau về xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
Vụ án cho vay sai tại BIDV đối với Công ty Kenmark, Tòa án buộc 7 bị cáo và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cùng Công ty Kenmark phải bồi thường cho BIDV tổng số tiền hơn 181 tỷ đồng.
Thứ nhất, quan điểm xác định bị đơn dân sự, bị cáo bên đi vay trong vụ án là bên duy nhất phải có trách nhiệm bồi thường toàn bộ thiệt hại xảy ra. Ví dụ như trong vụ án Ngân hàng Đông Á (DAB) liên quan đến Công ty M&C, Cơ quan tiến hành tố tụng xác định bị cáo bên đi vay trong vụ án là bên duy nhất phải có trách nhiệm bồi thường toàn bộ thiệt hại xảy ra với số tiền 5.500 tỷ đồng. Cơ quan tiến hành tố tụng cho rằng bên đi vay hưởng lợi tiền vay nên phải bồi thường toàn bộ thiệt hại, các bị cáo là cán bộ ngân hàng có sai phạm nhưng không hưởng lợi nên không phải bồi thường.
Thứ hai, ngược lại cũng có quan điểm khác, bị cáo là các cán bộ ngân hàng có hành vi phạm tội có trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại xảy ra. Như trong vụ án cho vay sai tại BIDV đối với Công ty Kenmark, Tòa án đã tuyên buộc các bị cáo là cán bộ ngân hàng phải có trách nhiệm liên đới cùng Công ty Kenmark bồi thường tổng số tiền 180 tỷ đồng.
Điều đó cho thấy, việc áp dụng các quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong các vụ án liên quan đến hoạt động cho vay của các tổ chức tín dụng vẫn còn có sự không thống nhất. Một bên thì lập luận rằng bên đi vay được hưởng lợi số tiền vay nên là bên duy nhất phải có trách nhiệm bồi thường, do đó các cán bộ ngân hàng không phải bồi thường. Một bên thì cho rằng quy trách nhiệm bồi thường phải trên cơ sở các bên liên quan có lỗi gây ra thiệt hại để buộc bồi thường cho cả các bị cáo là cán bộ ngân hàng.
Bị cáo buộc có hành vi sai phạm gây thiệt hại cho Ngân hàng Đông Á (DongABank) hơn 5.500 tỷ đồng nhưng ông Trần Phương Bình không phải chịu trách nhiệm bồi thường.
Pháp luật quy định khá đầy đủ về xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại
Phóng viên: Hiện nay quy định pháp luật về xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong các vụ án ngân hàng được quy định như thế nào, thưa Luật sư?
Luật sư Lê Cao: Vấn đề bồi thường thiệt hại trong vụ án hình sự là một nội dung quan trọng, đặc biệt liên quan đến các vụ án mà tài sản bị mất mát, không thu hồi được, bị chiếm đoạt …
Hiện nay, tại Điều 584 Bộ luật dân sự 2015 có quy định căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại là khi một người có hành vi xâm phạm tới tài sản (hoặc tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, quyền, lợi ích hợp pháp khác) của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại. Trách nhiệm bồi thường hoặc không bồi thường thiệt hại cũng có thể xảy ra tùy theo các trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.
Như vậy, trong các vụ án liên quan đến vi phạm quy định cho vay, cần phải xác định trách nhiệm bồi thường về tài sản trên nguyên tắc có hành vi trái luật xâm phạm tới tài sản, có thiệt hại về tài sản trên thực tế, có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái luật và thiệt hại.
Nếu thiệt hại về tài sản là do các hành vi của nhiều chủ thể gây ra, thì cần phải xem xét trách nhiệm bồi thường theo quy định tại Điều 587 Bộ luật dân sự 2015, theo đó, trường hợp nhiều người cùng gây thiệt hại thì những người đó phải liên đới bồi thường cho người bị thiệt hại.
Trách nhiệm bồi thường của từng người cùng gây thiệt hại được xác định tương ứng với mức độ lỗi của mỗi người; nếu không xác định được mức độ lỗi thì họ phải bồi thường thiệt hại theo phần bằng nhau.
Trong Công văn số 212/TANDTC-PC ngày 13.9.2019 của Tòa án nhân dân tối cao cũng có ý kiến hướng dẫn rằng đối với trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong vụ án có đồng phạm được thực hiện theo quy định tại Điều 587 của Bộ luật Dân sự.
Do đó, theo chúng tôi, nếu có nhiều người, nhiều chủ thể cùng có các hành vi trái luật trong vụ án có đồng phạm gây ra thiệt hại, thì cần áp dụng quy định tại Điều 587 của Bộ luật Dân sự để giải quyết.
Vì sao chưa thống nhất trong áp dụng, gây tranh cãi ?
Phóng viên: Mặc dù pháp luật đã có quy định khá đầy đủ về xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong các vụ án hình sự. Tuy nhiên, vì sao trong các vụ án ngân hàng thường gây tranh cãi, đặc biệt trong 2 vụ án trên lại có sự khác nhau như vậy?
Luật sư Lê Cao: Trong các vụ án vi phạm quy định cho vay tại các ngân hàng, có một vấn đề dễ nhận thấy là khi ngân hàng bị thiệt hại, có các cán bộ của ngân hàng làm trái quy định, nhưng vì các cán bộ ngân hàng là người nhà của bị hại trong vụ án, nên tâm lý là bị hại không muốn buộc cán bộ, nhân viên của chính mình bồi thường, thường có xu hướng đẩy trách nhiệm bồi thường sang cho bên đi vay. Nhưng chúng ta phải thấy, một mình bên đi vay không thể gây ra toàn bộ thiệt hại cho ngân hàng được, do đó cần có sự phân định trách nhiệm kỹ lưỡng và khách quan, để đảm bảo việc quy trách nhiệm bồi thường phải công bằng, cũng đồng thời mở ra khả năng cao hơn trong việc thu hồi tài sản bị xâm phạm, mất mát.
Thế nhưng, đứng ở vị thế các cán bộ ngân hàng, họ nhiều người là người làm công ăn lương, đôi khi thực hiện theo chỉ đạo, cũng có thể thực hiện công việc trong một vòng quay cơ chế nội bộ ngầm mà phải làm. Nếu họ không vụ lợi, bị buộc làm mà phải gánh chịu thêm các trách nhiệm cho ngân hàng thì cũng là điều đáng suy nghĩ, bởi rủi ro có thể đáp xuống bất kỳ ai, nếu một ngân hàng không được vận hành, kiểm soát minh bạch, đúng luật.
Luật sư Lê Cao (Luật sư điều hành Công ty Luật FDVN)
Việc đánh giá trách nhiệm của các cá nhân vi phạm sao cho tương xứng với các mức độ chế tài theo từng vụ việc khi giải quyết các vụ án này cũng là điều cần quan tâm để tránh tình trạng hoang mang và lung lay của các cán bộ ngân hàng. Nhiều người làm đúng theo chỉ đạo, đúng theo quy định của ngân hàng, được các cấp phê duyệt cho phép hết, nhưng vẫn nhận án từ là câu chuyện rất đau lòng.
Như vậy, luật đã có những quy định để làm cơ sở xác định trách nhiệm bồi thường, nhưng chính những vấn đề đặc thù của các vụ án vi phạm quy định cho vay ở các Ngân hàng, khi bị hại không muốn các bị cáo là người nhà mình phải bồi thường, thì sẽ dẫn đến yêu cầu của nguyên đơn dân sự chỉ tập trung muốn đòi lại tài sản từ bên vay, khi họ không yêu cầu, nhưng nếu cơ quan tiến hành không đánh giá đầy đủ các vấn đề pháp lý, mà bỏ sót trách nhiệm của những bị cáo có liên quan thì có thể dẫn đến những nhận định, đánh giá không đúng về trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
Từ các quy định về căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trách nhiệm bồi thường thiệt hại của nhiều người, chúng tôi cho rằng cần có sự cẩn trọng trong phân loại trách nhiệm của các bị cáo khác nhau, để xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại đúng quy định và đúng bản chất của từng loại vụ việc.
Cần có hướng dẫn áp dụng pháp luật một cách thống nhất
Phóng viên: Để việc áp dụng quy định pháp luật liên quan đến xác định trách nhiệm bồi thường trong các vụ án hình sự, đặc biệt các vụ án ngân hàng một cách thống nhất, không gây tranh cãi… Luật sư có những kiến giải gì?
Luật sư Lê Cao: Hiện nay, mặc dù vấn đề xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại được xem là quan hệ dân sự và được quy định và hướng dẫn khá cụ thể tại Bộ luật dân sự 2015 và các văn bản hướng dẫn, tuy nhiên khi vận dụng trong việc giải quyết các vụ án hình sự vẫn cho thấy còn các ý kiến, quan điểm áp dụng khác nhau. Điển hình hai vụ án được nêu, thì mỗi vụ án lại có cách xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại không thống nhất, dù cho vấn đề pháp lý là tương đồng nhau.
Theo tôi, để tránh cách áp dụng còn vênh nhau trên thực tế, có thể có những giải pháp như sau:
Thứ nhất, cần bổ sung các quy định trong Luật các tổ chức tín dụng và các văn bản hướng dẫn quy định về trách nhiệm cụ thể của cán bộ, nhân viên ngân hàng nếu có những vi phạm dẫn đến mất vốn, không thu hồi được vốn, hoặc các thiệt hại khác trong hoạt động cho vay. Nếu làm rõ trách nhiệm của các nhân sự ngân hàng, thì khi thực hiện nghiệp vụ của mình, các cán bộ, nhân viên ngân hàng phải hiểu được trách nhiệm nặng nề liên quan đến chế tài nội bộ, chế tài hành chính hoặc hình sự, đồng thời các trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Khi làm rõ vấn đề trách nhiệm từ pháp luật nội dung về hoạt động tín dụng, thì sẽ có cơ sở phân loại trách nhiệm pháp lý nếu có các sai phạm, từ đó cũng có cơ sở pháp lý để quy trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
Thứ hai, về pháp luật hình sự và tố tụng hình sự, cũng cần có những hướng dẫn việc áp dụng quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong các vụ án về các hành vi vi phạm theo tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng tại Điều 179, Bộ luật hình sự năm 1999 và hiện nay là theo Quy định tại Điều 206 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) đối với các hành vi liên quan trong tội vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng.
Cần làm rõ theo tinh thần của Điều 206 Bộ luật hình sự là, dù không vụ lợi, không được hưởng lợi từ các thiệt hại mà Ngân hàng phải chịu, thì các cán bộ, nhân viên ngân hàng thực hiện các hành vi vi phạm theo Điều luật này cũng phải chịu trách nhiệm với hành vi của mình, trong đó có trách nhiệm về bồi thường thiệt hại, tuy nhiên cần có sự phân định vị trí, vai trò của mỗi cá nhân phù hợp để áp dụng chế tài phù hợp cho các bên liên quan.
Nếu có hướng dẫn một cách thống nhất, quy định các cơ sở để đánh giá mức độ trách nhiệm của các chủ thể có liên quan đối với các vụ án có đồng phạm, đồng thời có những điều kiện cụ thể để xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho từng trường hợp cụ thể, thì sẽ có cơ sở để cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng thống nhất khi giải quyết các vụ án.
Khi đã xác định trách nhiệm liên đới, theo chúng tôi cũng cần có những quy định cụ thể để xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại sát thực với hành vi của từng bị cáo trong vụ án có đồng phạm, tránh cào bằng trách nhiệm hoặc xác định trách nhiệm một cách cảm tính dễ dẫn đến sự không công bằng.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn Luật sư!
LINK BÀI BÁO: Phaply.net.vn | XÁC ĐỊNH TRÁCH NHIỆM BỒI THƯỜNG TRONG CÁC VỤ ÁN NGÂN HÀNG: CẦN HƯỚNG DẪN ĐỂ ĐẢM BẢO THỰC HIỆN THỐNG NHẤT
………………..
99 Nguyễn Hữu Thọ, Quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng
Luật sư tại Huế:
56A Điện Biên Phủ, phường Phường Đúc, thành phố Huế, Thừa Thiên Huế
Luật sư tại TP. Hồ Chí Minh:
122 Đinh Bộ Lĩnh, quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh
Luật sư tại Hà Nội:
Tầng 5, số 11 Ngõ 183, phố Đặng Tiến Đông, phường Trung Liệt, quận Đống Đa, Hà Nội
Luật sư tại Nghệ An:
Số 19 đường V.I Lê Nin, Nghi Phú, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An
Quốc lộ 1A, Khối 11, phường Quỳnh Xuân, Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An
Website: www.fdvn.vn www.fdvnlawfirm.vn www.diendanngheluat.vn www.tuvanphapluatdanang.com
Email: fdvnlawfirm@gmail.com luatsulecao@gmail.com
Điện thoại: 0906 499 446 – 0905 045 915
Fanpage LUẬT SƯ FDVN: https://www.facebook.com/fdvnlawfirm/
Legal Service For Expat: https://www.facebook.com/fdvnlawfirmvietnam/
TỦ SÁCH NGHỀ LUẬT: https://www.facebook.com/SayMeNgheLuat/
DIỄN ĐÀN NGHỀ LUẬT: https://www.facebook.com/groups/saymengheluat/
KÊNH YOUTUBE: https://www.youtube.com/c/luatsufdvn
KÊNH TIKTOK: https://www.tiktok.com/@luatsufdvn
KÊNH TELEGRAM FDVN: https://t.me/luatsufdvn