Feel free to go with the truth

Trang chủ / Kinh doanh & Thương mại / XÁC ĐỊNH THIỆT HẠI ĐỂ YÊU CẦU BỒI THƯỜNG TRONG GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG KINH DOANH THƯƠNG MẠI

XÁC ĐỊNH THIỆT HẠI ĐỂ YÊU CẦU BỒI THƯỜNG TRONG GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG KINH DOANH THƯƠNG MẠI

XÁC ĐỊNH THIỆT HẠI ĐỂ YÊU CẦU BỒI THƯỜNG TRONG GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG KINH DOANH THƯƠNG MẠI 

DETERMINING DAMAGES TO CLAIM COMPENSATION WHEN RESOLVING DISPUTES OVER COMMERCIAL, BUSINESS CONTRACT

CÔNG TY LUẬT FDVN

TÓM TẮT:

Bồi thường thiệt hại là nhằm bù đắp những tổn thất do hành vi vi phạm hợp đồng của một bên mà gây ra thiệt hại cho bên bị vi phạm. Bồi thường thiệt hại trong tranh chấp hợp đồng là một vấn đề xảy ra phổ biến, phức tạp trong hoạt động kinh doanh thương mại. Pháp luật Việt Nam đã quy định về chế tài bồi thường thiệt hại trong Bộ luật dân sự và luật Thương mại tuy nhiên thực tiễn áp dụng vẫn còn gặp nhiều bất cập. Trong phạm vi bài viết, tác giả trình bày một số quy định của pháp luật và bất cập trong việc xác định thiệt hại để yêu cầu bồi thường khi giải quyết tranh chấp hợp đồng kinh doanh thương mại từ đó có những kiến nghị, giải pháp nhằm góp phần hoàn thiện pháp luật Việt Nam.

Từ khóa: Bồi thường thiệt hại, hợp đồng, kinh doanh thương mại

ABSTRACT:

The compensation for damages aims to offset the losses caused by the breaches of contracts of a party causing damages to the aggrieved party. Compensation for damages in contractual disputes is a prevalent, complicated issue in commercial business. Vietnamese law provides regulations on the remedy of damages in the civil Code and the Commercial Law, but there are many difficulties when applying them in practice. In the scope of this article, the authors present several legal provisions and their inconsistencies in the determination of damages to claim compensation when dealing with disputes over commercial, business contracts, then suggest proposals and solutions that contribute to the improvements of Vietnamese law.

Key words: Compensation for damages, contracts, commercial, business

1. Đặt vấn đề

Bồi thường thiệt hại trong hợp đồng kinh doanh thương mại là loại trách nhiệm dân sự đặt ra khi một bên trong hợp đồng có hành vi vi phạm nghĩa vụ đã thỏa thuận, giao kết và gây ra thiệt hại. Theo đó, bên có hành vi vi phạm phải bù đắp những thiệt hại nhằm mục đích khắc phục hậu quả do mình gây ra cho bên bị thiệt hại. Thông thường trong hợp đồng kinh doanh thương mại các bên có thể thỏa thuận về mức đền bù thiệt hại tuy nhiên vẫn có các trường hợp các bên không thỏa thuận trước về mức bồi thường thiệt hại, những trường hợp các bên không thỏa thuận này sẽ được áp dụng theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên quy định pháp luật về xác định đối tượng thiệt hại được bồi thường, căn cứ áp dụng biện pháp bồi thường thiệt hại, xác định mức bồi thường thiệt hại … và thực tiễn tại Việt Nam việc áp dụng pháp luật liên quan vấn đề này vẫn còn bộc lộ những hạn chế nhất định, người tham gia tố tụng và cơ quan tiến hành tố tụng còn có nhiều cách hiểu, hướng giải quyết khác nhau.

2. Khái quát quy định của pháp luật về xác định thiệt hại để yêu cầu bồi thường trong giải quyết tranh chấp hợp đồng kinh doanh thương mại.

2.1. Căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại

Điều 303 Luật Thương mại 2005 xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại phát sinh khi có đủ các yếu tố sau:

Có hành vi vi phạm hợp đồng: Hành vi vi phạm này có thể là hành vi không thực hiện, thực hiện không đúng, không đầy đủ nghĩa vụ đã cam kết trong hợp đồng như giao vật, hàng hoá không đúng mẫu mã, số lượng…. hoặc bất kỳ hành vi nào khiến cho mục đích của việc giao kết hợp đồng thương mại không thể đạt được.

Có thiệt hại thực tế: Là tổn thất trực tiếp mà bên bị vi phạm phải chịu do bên vi phạm gây ra và khoản lợi trực tiếp mà bên bị vi phạm đáng lẽ được hưởng nếu không có hành vi vi phạm.

Hành vi vi phạm hợp đồng là nguyên nhân trực tiếp gây ra thiệt hại: Thiệt hại xảy ra phải đúng là kết quả tất yếu của hành vi trái pháp luật; hay ngược lại, hành vi trái pháp luật thực sự là nguyên nhân trực tiếp, hoặc là nguyên nhân có ý nghĩa quyết định đối với thiệt hại đã xảy ra.

Trách nhiệm bồi thường thiệt hại sẽ không được đặt ra nếu bên vi phạm hợp đồng chứng minh được mình thuộc một trong những trường hợp được miễn trách nhiệm quy định tại Khoản 1 Điều  294 Luật Thương mại 2005, gồm: (1) Xảy ra trường hợp miễn trách nhiệm mà các bên đã thoả thuận; (2) Xảy ra sự kiện bất khả kháng; (3) Hành vi vi phạm của một bên hoàn toàn do lỗi của bên kia; (4) Hành vi vi phạm của một bên do thực hiện quyết định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền mà các bên không thể biết được vào thời điểm giao kết hợp đồng.

2.2. Xác định mức bồi thường thiệt hại

Để xác định mức thiệt hại yêu cầu bồi thường, theo quy định tại Điều Điều 304 Luật Thương mại 2005, bên yêu cầu bồi thường thiệt hại phải chứng minh được tổn thất, mức độ tổn thất do hành vi vi phạm gây ra và khoản lợi trực tiếp mà bên bị vi phạm đáng lẽ được hưởng nếu không có hành vi vi phạm.

Ngoài nghĩa vụ chứng minh tổn thất, bên bị vi phạm còn có nghĩa vụ hạn chế tổn thất, nghĩa vụ này được quy định cụ thể tại Điều 305 Luật Thương mại 2005, khi xảy ra vi phạm hợp đồng bên yêu cầu bồi thường thiệt hại phải áp dụng các biện pháp hợp lý để hạn chế tổn thất, ngăn chặn thiệt hại; nếu bên yêu cầu bồi thường thiệt hại không áp dụng các biện pháp đó, bên vi phạm hợp đồng có quyền yêu cầu giảm bớt giá trị bồi thường thiệt hại bằng mức tổn thất đáng lẽ có thể hạn chế được. Quy định này góp phần hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất, đồng thời tránh bên có quyền lợi dụng việc vi phạm hợp đồng làm cho thiệt hại lớn hơn, thiệt hại thái quá so với mức độ hành vi vi phạm; nếu bên có quyền không áp dụng các biện pháp cần thiết để ngăn chặn thiệt hại thì bên có quyền cũng phải gánh chịu một phần thiệt hại xảy ra.

Pháp luật hiện hành chưa có bất kỳ một quy định nào về định mức hoặc ước tính mức bồi thường thiệt hại tương ứng, mà mức bồi thường thiệt hại sẽ phụ thuộc vào sự chứng minh của bên yêu cầu về tổn thất, mức độ tổn thất do hành vi vi phạm gây ra và khoản lợi trực tiếp mà bên bị vi phạm đáng lẽ được hưởng nếu không có hành vi vi phạm

3. Những bất cập trong việc xác định thiệt hại để yêu cầu bồi thường khi giải quyết tranh chấp hợp đồng kinh doanh thương mại

3.1.  Pháp luật chưa công nhận mức bồi thường thiệt hại ước tính được ấn định theo thỏa thuận tại hợp đồng kinh doanh thương mại

Thực tiễn hiện nay khi thỏa thuận giao kết hợp đồng thương mại, các bên trong hợp đồng thường ấn định cụ thể mức phạt vi phạm và mức bồi thường thiệt hại, tuy nhiên khi phát sinh tranh chấp thì mức bồi thường thiệt hại đã ấn định này không được Tòa án có thẩm quyền công nhận vì không phù hợp với thiệt hại phát sinh trên thực tế và pháp luật chưa cho phép. Minh chứng tại Bản án số 08/2017/KDTM-PT ngày 08/12/2017 của Tòa án nhân dân tỉnh Tây Ninh về nội dung Công ty T yêu cầu Công ty N phải trả, dựa trên điều khoản mà hai công ty đã thỏa thuận rằng “nếu một bên đơn phương tự làm sai hợp đồng gây thiệt hại cho bên kia thì phải chịu bồi thường 8% tổng giá trị hợp đồng[2], tuy nhiên Tòa án lập luận rằng thỏa thuận trên không đúng với quy định của pháp luật và không rõ ràng, thực tế hai bên thỏa thuận mức phạt hợp đồng nhưng lại ghi bồi thường là gây nhầm lẫn nên điều khoản này vô hiệu. Tuy nhiên, phía Công ty T chỉ yêu cầu bồi thường thiệt hại với mức 8% tổng giá trị hợp đồng mà không yêu cầu bồi thường thiệt hại.

Tại Thông báo rút kinh nghiệm số 20/TB–VC3–V4 của Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh đối với vụ án “Tranh chấp Hợp đồng phân phối độc quyền, Yêu cầu thanh toán tiền mua hàng” giữa nguyên đơn là công ty TNHH Yến Sào Sài Gòn và công ty cổ phần Yến Việt, hai bên đã ký kết hợp đồng nguyên tắc có điều khoản về ấn định giá trị bồi thường thiệt hại khi vi phạm Hợp đồng là 10 tỷ đồng cụ thể: “bên nào vi phạm các cam kết trong hợp đồng thì bên vi phạm phải chịu trách nhiệm bồi thường cho bên kia số tiền là 10.000.000.000 đồng”. Quá trình xét xử tòa án sơ thẩm và phúc thẩm đều đã xác định rằng bên vi phạm chỉ phải bồi thường cho bên bị vi phạm 4 tỷ đồng nhưng viện cấp cao đã kháng nghị và được tòa cấp cao tại Hồ Chí Minh xét xử chấp nhận tuyên hủy bản án sơ thẩm và phúc thẩm xét xử lại theo quy định của pháp luật theo hướng công nhận sự thỏa thuận của hai bên trong Hợp đồng buộc bên vi phạm bồi thường thiệt hại cho bên bị vi phạm 10 tỷ đồng như hai bên đã thỏa thuận trong Hợp đồng. Sau đó, Tòa án nhân dân tối cao đã ra quyết định kháng nghị giám đốc thẩm liên quan đến tranh chấp này, theo đó thỏa thuận buộc bồi thường 10 tỷ đồng trong hợp đồng phân phối độc quyền là không có căn cứ, thiệt hại được bồi thường phải dựa trên thực tế và trực tiếp theo quy định Luật Thương mại 2005[3]. Như vậy tòa án nhân dân tối cao đang nhận định theo hướng không chấp nhận thỏa thuận mà các bên ấn định trước giá trị bồi thường thiệt hại.

Như vậy, xét trên thực tế của Tòa án lẫn pháp luật hiện hành đều hầu như không công nhận hay có đề cập, quy định cụ thể nào liên quan đến bồi thường thiệt hại theo mức do các bên ấn định tại hợp đồng. Bên bị vi phạm hoàn toàn có thể mất quyền được hưởng khoản bồi thường đã ấn định nếu cơ quan có thẩm quyền xét xử không chấp nhận sự tự nguyện thỏa thuận này của các bên tại hợp đồng.

3.2. Quy định yêu cầu bên bị vi phạm chứng minh thiệt hại mang tính ràng buộc, chưa có sự linh hoạt

Pháp luật buộc bên yêu cầu bồi thường thiệt hại phải chứng minh tổn thất, mức độ tổn thất do hành vi vi phạm gây ra và khoản lợi trực tiếp mà họ đáng lẽ được hưởng nếu không có hành vi vi phạm của bên còn lại. Theo quy định của Luật Thương mại và Bộ luật tố tụng dân sự, Tòa án chỉ chấp nhận yêu cầu bồi thường thiệt hại khi bên yêu cầu giao nộp các chứng cứ hợp pháp để chứng minh cho yêu cầu của mình, đây là một rào cản lớn cho bên bị vi phạm khi yêu cầu bồi thường thiệt hại, bởi trong một số trường hợp bên bị vi phạm không thể xác định chính xác được mức độ tổn thất cụ thể như doanh thu, lợi nhuận bị giảm sút, lợi nhuận kỳ vọng trong tương lai mà bên bị vi phạm có thể có được nếu không có sự vi phạm hợp đồng.

Trường hợp bên yêu cầu bồi thường thiệt hại có khó khăn, cản trở trong việc thu thập chứng cứ, chứng minh thiệt hại trên thực tế thì bên được hưởng lợi có thể là bên vi phạm, khi đó, quyền lợi của bên bị thiệt hại chưa được đảm bảo.

3.3.  Thiệt hại “gián tiếp” chưa được pháp luật công nhận

Theo quy định của luật thương mại, giá trị bồi thường thiệt hại là giá trị tổn thất thực tế, trực tiếp mà bên bị vi phạm phải chịu và và khoản lợi trực tiếp mà bên bị vi phạm đáng lẽ được hưởng, như vậy pháp luật đã không thừa nhận thiệt hại gián tiếp mà bên bị vi phạm phải gánh chịu như chi phí theo đuổi vụ kiện, thuê luật sư, thiệt hại đối với các tài sản vô hình như quyền sở hữu trí tuệ, uy tín, danh tiếng, bí mật kinh doanh. Một số Tòa án có nhận định rằng, xét yêu cầu bồi thường chi phí luật sư của nguyên đơn thì thấy pháp luật không có quy định bắt buộc nguyên đơn phải thuê luật sư, việc thuê luật sư là tự nguyện xuất phát từ chính yêu cầu của nguyên đơn, nguyên đơn tự nhận thấy không am hiểu kiến thức pháp luật để bảo vệ quyền lợi cho mình nên đã thuê luật sư và hành vi vi phạm hợp đồng không là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến thiệt hại phải thuê luật sư nên yêu cầu bồi thường chi phí thuê luật sư của nguyên đơn không có căn cứ và không được chấp nhận.

Nhóm tác giả cho rằng nhận định nêu trên là chưa thực sự khách quan vì nếu không có hành vi vi phạm của bên vi phạm thì bên bị vi phạm sẽ không phải tốn kém chi phí đi lại, thuê luật sư để theo đuổi vụ kiện. Đây cũng là tổn thất trên thực tế mà bên bị vi phạm phải gánh chịu.

4. Một số kiến nghị nhằm hoàn thiện quy định của pháp luật Việt Nam về xác định thiệt hại để yêu cầu bồi thường trong giải quyết tranh chấp hợp đồng kinh doanh thương mại

Như những bất cập đã phân tích ở trên, nhóm tác giả nhận thấy pháp luật cần có những thay đổi, điều chỉnh và hướng dẫn phù hợp với thực tiễn của hoạt động thương mại nhằm đảm bảo được quyền của bên bị vi phạm. Chính vì vậy, nhóm tác giả đưa ra một số kiến nghị như sau:

Thứ nhất, cần công nhận mức bồi thường thiệt hại ước tính được ấn định theo thỏa thuận tại hợp đồng kinh doanh thương mại

Tự do, tự nguyện thoả thuận là một trong những nguyên tắc cơ và quan trọng trong hoạt động thương mại, theo đó, các bên có quyền tự do thoả thuận không trái với các quy định của pháp luật, thuần phong mỹ tục và đạo đức xã hội để xác lập các quyền và nghĩa vụ của các bên trong hoạt động thương mại. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ các quyền đó.

Theo Điều 2-718(1) của Bộ luật Thương mại Thống nhất Hoa Kỳ (UCC) thì thỏa thuận bồi thường thiệt hại ước tính sẽ được chấp nhận nếu (i) mức bồi thường do các bên thỏa thuận là hợp lý gần với thiệt hại thực tế, (ii) khó chứng minh được tổn thất hoặc việc áp dụng các biện pháp khắc phục khác là bất tiện hoặc khó khả thi trên thực tế, (iii) một thỏa thuận bồi thường thiệt hại ước tính lớn và không hợp lý sẽ bị xem là thỏa thuận phạt vi phạm và vô hiệu. Hoặc tại Điều 340 và Điều 341, Bộ luật Dân sự Đức thừa nhận cả thiệt hại ước tính và phạt vi phạm hợp đồng, điều khoản phạt vi phạm hợp đồng có thể bị hạn chế bởi quyết định của tòa án nếu như mức phạt đó là quá cao và không tương xứng.

Do đó, thiết nghĩ nếu tại hợp đồng thương mại, giữa các bên có thỏa thuận mức thiệt hại ước tính phải bồi thường thì cần phải xem xét áp dụng thỏa thuận đó của các bên để giải quyết vụ án. Nhằm dự phòng trường hợp bên “có quyền” lợi dụng các điều khoản về bồi thường thiệt hại ước tính để trục lợi một khoản tiền quá cao, vượt quá xa thiệt hại thực tế thì có thể đặt ra giới hạn đối với khoản bồi thường thiệt hại ước tính như mức bồi thường do các bên thỏa thuận là hợp lý gần với thiệt hại thực tế và được áp dụng khi bên bị vi phạm khó chứng minh được tổn thất hoặc việc áp dụng các biện pháp khắc phục khác là bất tiện hoặc khó khả thi trên thực tế.

Thứ hai, bổ sung quy định đảm bảo quyền lợi của bên yêu cầu khi khó chứng minh được tổn thất trên thực tế

Theo Nguyên tắc UNIDROIT về hợp đồng thương mại quốc tế 2016 thì “những thiệt hại chỉ được bồi thường khi chúng được thiết lập với một mức độ hợp lý về tính xác thực[4]“khi không thể thiết lập với một mức độ đầy đủ tính xác thực về khoản tiền bồi thường thì thiệt hại được xác định tùy theo Tòa án. [5]”.

Pháp luật tế đã có những quy định dự liệu đối với trường hợp không thể thiết lập đầy đủ tính xác thực về khoản tiền bồi thường thiệt hại. Vì vậy, để đảm bảo quyền lợi của bên bị vi phạm thì pháp luật Việt Nam cũng cần trao quyền cho Tòa án có thẩm quyền quyết định mức thiệt hại trong trường hợp có cơ sở xác định bên yêu cầu không thể thu thập chứng cứ chứng minh tổn thất hoặc việc chứng minh khó thực hiện được trên thực tế.

Mức thiệt hại do Tòa án ấn định có thể căn cứ vào giá trị của hợp đồng hoặc khoản lợi tương tự mà bên bị vi phạm đã từng thu được từ hợp đồng thương mại tương tự với chủ thể khác.

Thứ ba, mở rộng phạm vi thiệt hại được quyền yêu cầu bồi thường

Hành vi vi phạm của bên vi phạm là nguyên nhân khiến bên bị vi phạm có nguy cơ phải đối mặt với việc đánh mất cơ hội kinh doanh, uy tín, thương hiệu… và phải tiêu tốn thời gian, công sức, tiền bạc, uy tín, danh tiếng để theo đuổi vụ kiện yêu cầu bồi thường. Đây cũng được xem là thiệt hại trên thực tế mà bên bị vi phạm phải gánh chịu, do đó, bên vi phạm cũng phải chịu trách nhiệm bồi thường cho bên bị vi phạm các khoản thiệt hại gián tiếp trên một cách phù hợp và hợp lý để bù đắp những tổn thất đó.

Pháp luật về sở hữu trí tuệ đã thừa nhận chi phí hợp lý để thuê luật sư là khoản thiệt hại mà bên bị thiệt hại có quyền yêu cầu bên vi phạm bồi thường. Chính vì vậy, pháp luật thương mại nên có những quy định mở rộng phạm vi thiệt hại mà bên bị vi phạm có quyền yêu cầu bồi thường.

5. KẾT LUẬN

Trong thực tiễn tranh chấp về hợp đồng kinh doanh thương mại thì bồi thường thiệt hại là vấn đề khiến các cơ quan tiến hành tố tụng khó khăn, túng túng khi giải quyết, chưa có sự thống nhất về trách nhiệm bồi thường, phạm vi và mức bồi thường thiệt hại. Do đó, việc nghiên cứu hoàn thiện các quy định của pháp luật về xác định thiệt hại để yêu cầu bồi thường trong tranh chấp hợp đồng kinh doanh thương mại là yêu cầu cấp thiết.

Nhóm tác giả: Nguyễn Thị Sương, Trần Thị Hạ, Nguyễn Thị Thảo Nguyên, Phạm Công Thái – Công ty Luật FDVN

 

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Bộ luật Dân sự năm 2015.
  2. Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
  3. Luật Thương mại năm 2005.
  4. Bộ nguyên tắc UNIDROIT về hợp đồng thương mại quốc tế 2016.
  5. Bộ luật Thương mại Thống nhất Hoa Kỳ (UCC).
  6. Bộ luật Dân sự Đức.
  7. Thông báo rút kinh nghiệm số 20/TB–VC3–V4 của Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh.
  8. Bản án số 08/2017/KDTM-PT ngày 08/12/2017 của Tòa án nhân dân tỉnh Tây Ninh.
  9. Trương Nhật Quang, “Hiệu lực của thỏa thuận bồi thường thiệt hại ước tính”, Tạp chí nhà nước Nghiên cứu lập pháp số 05(429) T3/2021.

DANH MỤC TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

[1] Cử nhân luật công tác tại Công ty Luật Hợp danh FDVN, email: suongnguyen2606@gmail.com;

[2] Bản án số 08/2017/KDTM-PT ngày 08/12/2017 của Tòa án nhân dân tỉnh Tây Ninh;

[3] Trương Nhật Quang, “Hiệu lực của thỏa thuận bồi thường thiệt hại ước tính” Tạp chí nhà nước Nghiên cứu lập pháp số 05(429) T3/2021;

https://sti.vista.gov.vn/tw/Lists/TaiLieuKHCN/Attachments/315253/CVv213S052021018.pdf;

[4] Khoản 1 Điều 7.4.3 của Bộ nguyên tắc Unidroit;

[5] Khoản 3 Điều 7.4.3 của Bộ nguyên tắc Unidroit.

……………

Luật sư tại Đà Nẵng

99 Nguyễn Hữu Thọ, Quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng

Luật sư tại Huế: 

56A Điện Biên Phủ, phường Phường Đúc, thành phố Huế, Thừa Thiên Huế

Luật sư tại TP. Hồ Chí Minh:

122 Đinh Bộ Lĩnh, quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh

Luật sư tại Hà Nội:

Tầng 5, số 11 Ngõ 183, phố Đặng Tiến Đông, phường Trung Liệt, quận Đống Đa, Hà Nội

Luật sư tại Nghệ An:

Số 19 đường V.I Lê Nin, Nghi Phú, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An

Quốc lộ 1A, Khối 11, phường Quỳnh Xuân, Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An

Luật sư tại Gia Lai:

Số 61 Phạm Văn Đồng, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai

Website: www.fdvn.vn    www.fdvnlawfirm.vn  www.diendanngheluat.vn  www.tuvanphapluatdanang.com

Email: fdvnlawfirm@gmail.com    luatsulecao@gmail.com

Điện thoại: 0906 499 446 – 0905 045 915

Fanpage LUẬT SƯ FDVN: https://www.facebook.com/fdvnlawfirm/

Legal Service For Expat:  https://www.facebook.com/fdvnlawfirmvietnam/

TỦ SÁCH NGHỀ LUẬT: https://www.facebook.com/SayMeNgheLuat/

DIỄN ĐÀN NGHỀ LUẬT: https://www.facebook.com/groups/saymengheluat/

KÊNH YOUTUBE: https://www.youtube.com/c/luatsufdvn

KÊNH TIKTOK: https://www.tiktok.com/@luatsufdvn

KÊNH TELEGRAM FDVN: https://t.me/luatsufdvn

Bài viết liên quan