Feel free to go with the truth

Trang chủ / BÀI VIẾT & ẤN PHẨM CỦA FDVN / Vụ “thông tin bẩn” trường đại học: Thực hư ĐH Duy Tân liên quan?

Vụ “thông tin bẩn” trường đại học: Thực hư ĐH Duy Tân liên quan?

Ngày 31/8, lãnh đạo ĐH Đà Nẵng cho biết, đang chờ kết quả điều tra, làm rõ đối tượng tung “thông tin bẩn” về công tác tuyển sinh thời gian qua.

Rộ thông tin về một ĐH ở Đà Nẵng là tác nhân gây ra vụ việc

Theo GS.TS Lê Thành Bắc, Phó Giám đốc ĐH Đà Nẵng, nhiều trường đại học thành viên của ĐH Đà Nẵng có đơn đề nghị Công an TP. Đà Nẵng vào cuộc điều tra, xác minh, làm rõ, xử lý hành vì “thông tin bẩn” hạ thấp các trường trong công tác tuyển sinh, đào tạo. Đến sáng cùng ngày (31/8), ĐH Đà Nẵng nhận được thông tin từ Công an Đà Nẵng đang tiếp nhận, xử lý thông tin đề nghị của ĐH Đà Nẵng về nội dung thư nặc danh.

Tin từ Cơ quan điều tra Công an Đà Nẵng cho biết, vụ việc đang bước điều tra, chưa có kết quả để cung cấp cho các cơ quan truyền thông, trường đại học…

Tuy nhiên, trong ngày qua, rộ thông tin về một trường Đại học ở Đà Nẵng chính là tác nhân gây ra vụ việc trên. Cụ thể thông tin trên tờ báo chính thống thuộc báo đảng ở phía Nam trong bài viết “Cạnh tranh không lành mạnh trong tuyển sinh”, dẫn “đại diện Trường ĐH Duy Tân (Đà Nẵng) đã yêu cầu cán bộ, đội ngũ cộng tác viên tuyển sinh của Trường dừng lại hành vi trên (thông tin sai lệch về các trường học), sẽ kiểm tra, xử lý nghiêm. Đồng thời, cho rằng đây là việc làm tự phát và không được sự cho phép của Trường ĐH Duy Tân.

Trao đổi với Nhà giáo ưu tú Lê Công Cơ, Chủ tịch HĐQT Trường ĐH Duy Tân về vấn đề này, ông Cơ tỏ ra bất ngờ “tôi vừa đọc thông tin trên báo, đây là tin nặc danh, không ai trong trường phát ngôn như vậy hết. Họ dùng từ “đại diện trường ĐH Duy Tân”, nhưng đại diện là ai?

Theo ông Cơ, ngay khi có thông tin liên quan, trường đã liên lạc từng cán bộ, giáo viên, giao thanh tra trường làm rõ có hay không việc phát ngôn này. Đồng thời, trường ĐH Duy Tân đã gửi công văn phản hồi đến cơ quan báo chí về thông tin trên, làm rõ nguồn tin này, tránh gây hoang mang…

TIEUDE_BAIVIET_KHONGDAU
Nội dung đề nghị Công an Đà Nẵng vào cuộc điều tra, xử lý vụ “thông tin bẩn” của Trường ĐH Kiến trúc Đà Nẵng

Hành vi “thông tin bẩn” sẽ bị xử lý thế nào?

Theo Luật sư Trần Hậu – Đoàn luật sư thành phố Đà Nẵng, vụ việc trên xét dưới hành vi cố tính bôi xấu, vu cáo làm ảnh hưởng đến uy tín tổ chức cá nhân, và cạnh tranh không lành mạnh. Với hành vi viết, phát tán, lưu hành tài liệu có nội dung xuyên tạc bịa đặt, vu cáo làm ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức, cá nhân sẽ bị xử phạt hành chính với mức phạt tiền từ 2 – 3 triệu đồng, bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm theo quy định Nghị định 167/2013/NĐ của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Hành vi này vi phạm quy định Luật An ninh mạng, sử dụng không gian mạng, các trang mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ các thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức… bị xử phạt hành chính với mức phạt từ 10 – 20 triệu đồng, bị buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật theo Nghị định 15/2020/NĐ của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử.

Trường hợp, cơ quan chức năng điều tra, xác định được hành vi vi phạm của những người này được thực hiện theo sự chỉ đạo của một doanh nghiệp nào đó, với mục đích cạnh tranh không lành mạnh, cố ý đưa thông tin không đúng sự thật nhằm hạ bệ đối thủ, gây thiệt hại đến uy tín của doanh nghiệp khác thì còn có dấu hiệu vi phạm pháp luật cạnh tranh, thì theo Luật Cạnh tranh 2018, tùy tính chất, mức độ vi phạm, hành vi thực hiện sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại Nghị định 75/2019/NĐ-CP, ngày 26/9/2019, với mức xử 100 – 300 triệu đồng.

Đáng kể, mức xử phạt nêu trên sẽ gấp 2 lần nếu hành vi vi phạm thực hiện từ hai tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên. Đồng thời doanh nghiệp vi phạm sẽ bị tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính về cạnh tranh; buộc cải chính công khai. Ngoài ra đối với hành vi lôi kéo khách hàng bất chính, doanh nghiệp vi phạm còn có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn.

Luật sư Trần Hậu – Đoàn luật sư TP. Đà Nẵng, cho rằng đối với các hành vi được đề cập nêu trên, cơ quan chức năng cần kiên quyết xử lý nghiêm, nhằm chấm dứt, ngăn ngừa những hành vi vi phạm pháp luật tương tự, qua đó bảo vệ được những giá trị giáo dục, đạo đức lành mạnh và trong sáng vốn là nền tảng của nền giáo dục. Ngoài ra, nếu các trường bị các thông tin tiêu cực gây thiệt hại thì có thể chứng minh có các thiệt hại để có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại, có thể khởi kiện để yêu cầu những cá nhân, tổ chức vi phạm bồi thường các thiệt hại do các hành vi vi phạm pháp luật gây ra.

(Nguồn: baogiaothong.vn)

Bài viết liên quan