Liên quan đến vụ giết chủ nợ, đốt xác phi tang trong thùng phuy ở Hải Phòng, các luật sư cho rằng hành vi của nghi phạm hết sức tàn nhẫn, man rợ, khiến nhiều người không khỏi rùng mình.
Công an TP. Hải Phòng vừa khởi tố bị can đối với Phạm Ngọc Tuấn (SN 1996, trú xã Lê Lợi, huyện An Dương) để điều tra về tội Giết người, cướp tài sản.
Phạm Ngọc Tuấn là nghi phạm sát hại anh N.V.L. (SN 1995, ở xã Quốc Tuấn, cùng huyện An Dương), rồi đốt xác phi tang trong thùng phuy gây xôn xao dư luận thời gian qua.
Trả lời PV báo Đời sống & Pháp luật, Ths, Luật sư Đặng Văn Cường (Văn phòng luật sư Chính Pháp) cho hay, thời gian gần đây xuất phát từ mâu thuẫn trong việc vay nợ mà không ít những vụ việc gây thương tích, thậm chí án mạng cũng đã xảy ra ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội.
“Vụ án này tiếp tục là một câu chuyện đau lòng khi người vay không có ý thức trả nợ theo cam kết và ra tay với chính chủ nợ của mình. Qua thông tin vụ việc có thể thấy hành vi của đối tượng này là hết sức tàn nhẫn, man rợ, mất tính người, khiến nhiều người không khỏi rùng mình. Không những ra tay sát hại nạn nhân mà đối tượng này còn đốt xác phi tang nạn nhân nhằm xóa hoàn toàn dấu vết, thể hiện sự tàn độc cũng như thủ đoạn tinh vi của đối tượng”, luật sư Cường cho hay.
Theo đó, sau khi gây án, đối tượng thừa nhận hành vi và cướp tài sản của nạn nhân, do đó việc Cơ quan điều tra khởi tố đối tượng về tội “Giết người” theo Điều 123 và tội “Cướp tài sản” theo Điều 168 Bộ luật hình sự 2015 là đúng pháp luật. Trong đó, với hành vi giết người, đối tượng sẽ bị áp dụng tình tiết tăng nặng định khung là có tính chất côn đồ, liền sau đó lại thực hiện một tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng… theo quy định tại Khoản 1, Điều 123 Bộ luật Hình sự với khung hình phạt từ từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.
Ngoài ra, đối tượng này còn có hành vi đốt xác phi tang nạn nhân, do đó trong trường hợp này, cơ quan điều tra sẽ tiến hành khám nghiệm tử thi để làm rõ nguyên nhân chết, nếu có căn cứ xác định nạn nhân chết trước khi bị đối tượng này đốt xác thì đối tượng còn có thể bị xử lý thêm về tội Xâm phạm thi thể theo quy định tại Điều 319 Bộ luật hình sự năm 2015.
Như vậy, trong vụ việc này, nếu có đầy đủ căn cứ chứng minh về hành vi của đối tượng thì đối tượng này sẽ có thể đối diện mức án cao nhất là tử hình. Bên cạnh việc phải chịu trách nhiệm hình sự, đối tượng cũng phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho gia đình nạn nhân theo quy định tại Điều 591 Bộ luật dân sự, bao gồm chi phí mai tang phí, tiền cấp dưỡng cho những người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng, chi phí bồi thường tổn thất tinh thần,….
”Hành vi giết người, cướp tài sản là hành vi đặc biệt nghiêm trọng, để lại hậu quả vô cùng đau xót với gia đình nạn nhân, gây mất an ninh trật tự trên địa bàn nên cần phải xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật. Đây cũng là bài học cảnh báo trong các quan hệ cho vay nợ, đòi nợ cần tuân thủ quy định pháp luật, tránh các trường hợp đáng tiếc xảy ra”, luật sư Cường chia sẻ.
Liên quan đến vụ việc, luật sư Mai Quốc Việt (Công ty Luật FDVN) cho biết, hành vi của bị can Tuấn bị xử lý về tội danh như thế nào thì cơ quan điều tra sẽ tiến hành thêm các biện pháp nghiệp vụ, thu thập, xác minh các chứng cứ có liên quan để từ đó xem xét hành vi, mục đích khi thực hiện hành vi phạm tội. Bởi hành vi giết anh L là do xảy ra mâu thuẫn rồi sau đó mới thực hiện hành vi lấy tài sản của anh L. hay mục đích ngay từ ban đầu của Tuấn là cướp tài sản dẫn đến việc giết anh L. rồi sau đó lấy tài sản của anh L. đi tiêu thụ.
Nếu có cơ sở chứng minh được, bị can Tuấn đã thực hiện hành vi giết anh L, rồi sau đó đốt xác để phi tang thì hành vi này đã cấu thành tội Giết người theo quy định tại Điều 123 BLHS 2015 và với những hành vi thực hiện mang tính chất “có tính chất côn đồ”; “thực hiện tội phạm một cách man rợ” thì bị can có thể bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.
Nếu có căn cứ xác định bị can sau khi sát hại anh L, rồi lấy tài sản thì còn phải chịu trách nhiệm về tội Cướp tài sản theo quy định tại Điều 168 BLHS 2015 và tùy theo giá trị tài sản chiếm đoạt, hành vi thực hiện mà Bị can có thể chịu hình phạt thấp nhất là 03 năm tù hoặc hình phạt cao nhất là 20 năm hoặc tù chung thân.
Việc tổng hợp mức phạt đối với hai hình phạt sẽ được thực hiện theo quy định tại Điều 55 Bộ luật Hình sự năm 2015. Cụ thể:
“-Nếu các hình phạt đã tuyên cùng là cải tạo không giam giữ hoặc cùng là tù có thời hạn, thì các hình phạt đó được cộng lại thành hình phạt chung; hình phạt chung không được vượt quá 03 năm đối với hình phạt cải tạo không giam giữ, 30 năm đối với hình phạt tù có thời hạn;
– Nếu các hình phạt đã tuyên là cải tạo không giam giữ, tù có thời hạn, thì hình phạt cải tạo không giam giữ được chuyển đổi thành hình phạt tù theo tỷ lệ cứ 03 ngày cải tạo không giam giữ được chuyển đổi thành 01 ngày tù để tổng hợp thành hình phạt chung và không được vượt quá 03 năm đối với hình phạt cải tạo không giam giữ, 30 năm đối với hình phạt tù có thời hạn;
– Nếu hình phạt nặng nhất trong số các hình phạt đã tuyên là tù chung thân thì hình phạt chung là tù chung thân;
– Nếu hình phạt nặng nhất trong số các hình phạt đã tuyên là tử hình thì hình phạt chung là tử hình.”
Hoàng Yên – Báo Đời Sống Pháp Luật