Sau khi Bộ luật dân sự năm 2015 (BLDS năm 2015) được ban hành, nhất là sau thời điểm Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 của Ngân hàng Nhà nước quy định về hoạt động cho vay của các tổ chức tín dụng (Thông tư số 39) đã có những ý kiến khác nhau về địa vị pháp lý của chủ thể trong giao dịch nói chung, trong hoạt động cho vay của các tổ chức tín dụng nói riêng. Từ thực tế đó, tôi xin trao đổi thêm một vài ý kiến cá nhân về vấn đề này trên cơ sở quy định của BLDS năm 2015 và Thông tư số 39.
So với với BLDS năm 2005, BLDS năm 2015 đã có sự sửa đổi khá cơ bản về phạm vi điều chỉnh và chủ thể quan hệ pháp luật dân sự, theo đó, thay vì xác định phạm vi điều chỉnh theo nhóm các quan hệ như BLDS năm 2005 (dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại và lao động) thì Bộ luật mới lại xác định phạm vi điều chỉnh theo bản chất pháp lý của quan hệ dân sự là các quan hệ xác lập trên cơ sở bình đẳng, tự do ý chí, độc lập về tài sản và tự chịu trách nhiệm (Điều 1).[1] Trên cơ sở đó, BLDS quy định chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự dựa trên các tiêu chí: (i) Xác định cụ thể; (ii) Độc lập về tài sản; (iii) Có năng lực tố tụng và (iv) Tự chịu trách nhiệm dân sự bằng tài sản của mình. Theo đó, chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự bao gồm có cá nhân (con người tự nhiên) và pháp nhân (con người pháp luật, thành lập, hoạt động và chấm dứt theo quy định). Đối với hộ gia đình, hộ kinh doanh, tổ hợp tác, doanh nghiệp tư nhân và tổ chức không có tư cách pháp nhân khác, BLDS không phủ nhận mà vẫn tôn trọng sự tồn tại và việc tham gia vào các quan hệ dân sự, giao dịch dân sự của các thực thể thực tế này. Tuy nhiên, trường hợp chúng tham gia vào quan hệ dân sự nói chung, giao dịch nói riêng thì các thành viên của chúng (cá nhân hoặc pháp nhân) mới là chủ thể giao dịch dân sự.[2] Thông tư số 39 của NHNN cũng xác định chủ thể vay vốn theo tinh thần này. Việc xác định chủ thể trong quan hệ dân sự nói chung và quan hệ vay vốn tại tổ chức tín dụng nói riêng theo cá nhân và pháp nhân cũng là phù hợp với thông lệ quốc tế. [3]
Vậy giữa quy định của BLDS năm 2015, Thông tư số 39 và pháp luật về kinh doanh có mâu thuẫn với nhau về xác định địa vị pháp lý của chủ thể giao dịch hay không? Tôi cho rằng là không có mâu thuẫn.
1. Luật doanh nghiệp năm 2005 và năm 2014 đều quy định, doanh nghiệp là các công ty (cổ phần, trách nhiệm hữu hạn một thành viên, trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên và công ty hợp danh) có tư cách pháp nhân, do đó khi tham giao dịch, các công ty này chính là chủ thể của giao dịch.
Đối với doanh nghiệp tư nhân, Luật doanh nghiệp xác định doanh nghiệp này là doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp;[4] chủ doanh nghiệp tư nhân là đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp; chủ doanh nghiệp tư nhân là nguyên đơn, bị đơn hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài hoặc Tòa án trong các tranh chấp liên quan đến doanh nghiệp; mỗi cá nhân chỉ được quyền thành lập một doanh nghiệp tư nhân, không được đồng thời là chủ hộ kinh doanh, thành viên công ty hợp danh. Như vậy, trong trường hợp doanh nghiệp tư nhân tham gia giao dịch thì cá nhân là chủ doanh doanh nghiệp tư nhân mới là chủ thể của giao dịch.
Đối với hộ kinh doanh, khoản 2 Điều 212 Luật doanh nghiệp năm 2015 quy định “Hộ kinh doanh sử dụng thường xuyên từ 10 lao động trở lên phải đăng ký thành lập doanh nghiệp hoạt động theo quy định của Luật này. Hộ kinh doanh có quy mô nhỏ thực hiện đăng ký kinh doanh và hoạt động theo quy định của Chính phủ”. Theo quy định tại Nghị định số 78/2015/NĐ-CP thì hộ kinh doanh có những đặc điểm sau: Hộ kinh doanh không phải là doanh nghiệp mà là một thực thể thực tế tham gia hoạt động kinh doanh, do một cá nhân hoặc một nhóm người gồm các cá nhân là công dân Việt Nam đủ 18 tuổi, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, hoặc một hộ gia đình làm chủ nhân danh chính mình tham gia vào hoạt động kinh doanh; đối với hộ kinh doanh do một cá nhân làm chủ, cá nhân đó có toàn quyền quyết định về mọi hoạt động kinh doanh của hộ; đối với hộ kinh doanh do một nhóm người hoặc một hộ gia đình làm chủ, mọi hoạt động kinh doanh của hộ do các thành viên trong nhóm hoặc hộ gia đình quyết định. Nhóm người hoặc hộ gia đình cử một người làm đại diện cho nhóm hoặc hộ để tham gia giao dịch với bên ngoài; cá nhân, nhóm người hoặc các thanh viên như trong hộ chịu trách nhiệm đến cùng bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi khoản nợ phát sinh từ hoạt động kinh doanh của hộ kinh doanh (trách nhiệm vô hạn). BLDS năm 2015 khi quy định về hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân cũng theo tinh thần như vậy. Do đó, trong trường hợp hộ kinh doanh tham gia giao dịch thì chủ hộ kinh doanh, cá nhân là thành viên của hộ kinh doanh sẽ là chủ thể của giao dịch dân sự được xác lập, thực hiện.
Vấn đề đặt ra là, trong hoạt động cho vay sản xuất, kinh doanh thì các tổ chức tín dụng sẽ xác định chủ thể vay là ai, chủ thể kinh doanh hay chủ doanh nghiệp tư nhân, chủ hộ kinh doanh?.
Tôi cho rằng, không phải mọi quan hệ kinh doanh đều là các quan hệ dân sự, vì thế không cứ là chủ thể quan hệ kinh doanh thì sẽ là chủ thể của giao dịch dân sự. Trong kinh doanh, thì doanh nghiệp tư nhân, hộ kinh doanh (đối với hộ có đăng ký) được xác định là các chủ thể có mục đích kinh doanh, họ được công nhận là chủ thể kinh doanh nếu bảo đảm được các điều kiện về kinh doanh. Trên cơ sở là chủ thể kinh doanh thì doanh nghiệp tư nhân, hộ kinh doanh sẽ là các chủ thể của các quan hệ về thuế hoặc nghĩa vụ tài chính khác với nhà nước, chủ thể quan hệ về kế toán, chủ thể của quan hệ về chính sách hỗ trợ của nhà nước đối với sản xuất, kinh doanh.[5] Đây không phải là các quan hệ dân sự.
Do đó, khi cho doanh nghiệp tư nhân hoặc hộ kinh doanh vay vốn với mục đích sản xuất, kinh doanh, các tổ chức tín dụng cần xác định rõ mối quan hệ giữa chủ thể vay vốn và mục đích vay vốn để sản xuất, kinh doanh.[6] Trong đó, chủ thể vay vốn là chủ thể có quyền, nghĩa vụ trong giao dịch, chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình trong thực hiện nghĩa vụ và sẽ là chủ thể tham gia các quan hệ công chứng, đăng ký giao dịch, tài sản và là chủ thể tham gia tố tụng tố tụng. Như phân tích ở trên thì chủ thể vay vốn phải là chủ doanh nghiệp tư nhân, chủ hộ kinh doanh; còn đối với mục đích vay vốn là điều kiện để tổ chức tín dụng chấp nhận cho vay, xác định giá trị khoản vay, cơ chế trả lãi, lãi suất… trong cho vay sản xuất, kinh doanh hay cho vay cá nhân, tiêu dùng. Chủ doanh nghiệp tư nhân, chủ hộ kinh doanh phải chứng minh về mục đích vay vốn, nếu vay vốn cho sản xuất, kinh doanh thì họ phải gắn liền việc sử dụng vốn vay với chủ thể kinh doanh là doanh nghiệp tư nhân, hộ kinh doanh mà họ là chủ sở hữu. Trong trường hợp này, để giải quyết vướng mắc về thông tin định danh khách hàng thì tổ chức tín dụng có thể giải quyết theo hướng chủ doanh nghiệp tư nhân, chủ hộ kinh doanh là chủ thể vay vốn nhưng có mã khách hàng là doanh nghiệp tư nhân hoặc hộ kinh doanh.
2. Về việc chi nhánh của doanh nghiệp tham gia hoạt động vay vốn tại tổ chức tín dụng
Về vấn đề này, tôi cho rằng, cả BLDS năm 2105 (Điều 84) và Luật doanh nghiệp năm 2014 (Điều 45) đã có sự đồng bộ, thống nhất khi quy định về địa vị pháp lý của chi nhánh là: đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, có nhiệm vụ thực hiện toàn bộ hoặc một phần chức năng của doanh nghiệp kể cả chức năng đại diện theo ủy quyền. Ngành, nghề kinh doanh của chi nhánh phải đúng với ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên BLDS quy định cụ thể hơn về việc người thực hiện nhiệm vụ theo ủy quyền của pháp nhân là giám đốc chi nhánh.
Do đó, về nguyên tắc, trong trường hợp chi nhánh đứng ra vay vốn tại TCTD thì cũng chỉ mang địa vị pháp lý là một thực thể nhân danh pháp nhân tham gia giao dịch, chi nhánh cũng không thể là là nguyên đơn, bị đơn hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài hoặc Tòa án trong các tranh chấp liên quan giữa doanh nghiệp với TCTD.
Tuy nhiên, trong hoạt động kinh doanh, chi nhánh có thể thực hiện toàn bộ hoặc một phần chức năng của pháp nhân (tìm kiếm thị trường, khách hàng, xác lập, thực hiện giao dịch…), người đứng đầu chi nhánh thực hiện nhiệm vụ theo uỷ quyền của pháp nhân trong phạm vi và thời hạn được uỷ quyền. Điều này có thể hiểu là pháp nhân có thể trao quyền cho chi nhánh đứng tên trong hợp đồng, ủy quyền cho giám đốc chi nhánh trực tiếp ký và sử dụng con dấu riêng của chi nhánh trong xác lập, thực hiện hợp đồng vay vốn với TCTD, thực hiện nội dung hợp đồng vay và tham gia tố tụng để giải quyết tranh chấp liên quan đến hợp đồng vay vốn với TCTD.
Việc xác định các trường hợp, phạm vi mà chi nhánh có thể nhân danh pháp nhân đứng tên trên hợp đồng và giám đốc chi nhánh có thể trực tiếp ký và sử dụng con dấu riêng của chi nhánh trong xác lập hợp đồng vay vốn với TCTD cần phải căn cứ vào điều lệ của pháp nhân, quy định của pháp luật có liên quan (nếu có), quyết định của Tòa án (nếu có). Ví dụ, trường hợp Điều lệ của pháp nhân đã quy định rõ về việc chi nhánh, giám đốc chi nhánh có các quyền này thì khi chi nhánh có đề nghị về việc xác lập, thực hiện hợp đồng vay vốn hoặc mở tài khoản thì TCTD căn cứ vào điều lệ của pháp nhân xác lập, thực hiện hợp đồng vay hoặc mở tài khoản với chi nhánh mà không cần thiết phải có giấy trao quyền cho chi nhánh đối với từng giao dịch. Về vấn đề này, BLDS năm 2015 quy định “pháp nhân ủy quyền” thay cho “người đại diện theo pháp luật của pháp nhân ủy quyền”, theo quy định tại Điều 135 và khoản 1 Điều 138 của BLDS thì việc xác định địa vị pháp lý của chi nhánh, giám đốc chi nhánh trong xác lập, thực hiện hợp đồng vay hoàn toàn có thể căn cứ vào điều lệ của pháp nhân mà không nhất thiết phải có giấy ủy quyền của người đại diện theo pháp luật của pháp nhân, trừ khi điều lệ quy định rõ điều kiện này.
Trường hợp điều lệ của pháp nhân không quy định rõ vấn đề này thì việc có giấy trao quyền của pháp nhân cho chi nhánh là cần thiết để gắn trách nhiệm của pháp nhân với quyền, nghĩa vụ phát sinh trong quá trình chi nhánh nhân danh pháp nhân xác lập, thực hiện hợp đồng vay vốn tại TCTD. Ai là người có thẩm quyền thay mặt pháp nhân cấp giấy trao quyền cho chi nhánh thì cần căn cứ vào điều lệ, pháp luật có liên quan (nếu có), quyết định của Tòa án (nếu có). Trường hợp không có các căn cứ này thì căn cứ vào khoản 2 Điều 141 BLDS năm 2015, người đại diện theo pháp luật của pháp nhân sẽ là người có thẩm quyền cấp giấy trao quyền cho chi nhánh để xác lập, thực hiện hợp đồng vay vốn với TCTD.
Cần lưu ý rằng, cho dù chi nhánh đứng tên trên hợp đồng, sử dụng con dấu của chi nhánh, giám đốc chi nhánh trực tiếp ký hợp đồng theo đúng điều lệ hoặc ủy quyền của pháp nhân thì cũng không làm thay đổi vị trí của pháp nhân là chủ thể có quyền, nghĩa vụ dân sự phát sinh từ giao dịch dân sự do chi nhánh xác lập, thực hiện; pháp nhân vẫn là nguyên đơn, bị đơn, người có quyền, lợi ích liên quan trong tố tụng giải quyết tranh chấp hợp đồng vay vốn với TCTD. Để giải quyết vướng mắc về thông tin định danh khách hàng, tổ chức tín dụng có thể giải quyết theo hướng chi nhánh là chủ thể đứng tên vay vốn nhưng có mã khách hàng là pháp nhân thành lập ra chi nhánh đó.
[1] Tại Báo cáo số 1002/BC-UBTVQH13 ngày 22/11/2015 về giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo BLDS (sửa đổi) tại Phiên họp thông qua BLDS 2015, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nêu rõ quan điểm về Phạm vi điều chỉnh và chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự:
“Nhiều ý kiến tán thành với Điều 1 về phạm vi điều chỉnh của dự thảo BLDS bao gồm cá nhân và pháp nhân. Hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân được quy định tại Điều 101 của Dự thảo theo hướng: đây không phải là chủ thể của quan hệ dân sự, mà tùy thuộc vào từng quan hệ dân sự, việc tham gia của các chủ thể này được thực hiện thông qua các thành viên của hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân hoặc thông qua người đại diện.
Có ý kiến đề nghị tiếp tục quy định hộ gia đình, tổ hợp tác là chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự vì cho rằng, quan hệ dân sự của hộ gia đình đã có quá trình lịch sử được pháp luật thừa nhận và đã trở thành tập quán của người Việt Nam, nhất là giao dịch dân sự bằng tài sản chung và vì lợi ích chung của hộ gia đình cần được tiếp tục ghi nhận. Vì vậy, đề nghị giữ quy định hai loại chủ thể này trong BLDS, đồng thời bổ sung cụm từ “chủ thể khác” sau cụm từ “cá nhân, pháp nhân” quy định tại Điều 1 về phạm vi điều chỉnh và khoản 1 Điều 2 của Dự thảo.
Ủy ban thường vụ Quốc hội xin báo cáo về vấn đề này như sau:
Dự thảo BLDS do Chính phủ trình sau khi lấy ý kiến Nhân dân đã xác định rõ chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự bao gồm cá nhân và pháp nhân. Quá trình tiếp thu chỉnh lý, lấy ý kiến các vị đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý… cũng cho thấy, đa số ý kiến cho rằng chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự theo quy định của luật phải có đầy đủ quyền, nghĩa vụ chủ thể, phải chịu trách nhiệm về việc tham gia quan hệ dân sự của mình, vì vậy, chỉ có cá nhân và pháp nhân là chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự. Theo tổng kết thi hành Bộ luật dân sự năm 2005 thì sự tham gia của hộ gia đình, tổ hợp tác trong quan hệ dân sự thường được thực hiện thông qua các thành viên cụ thể. Kết quả lấy phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội cho thấy, có 303/366 phiếu tán thành về chủ thể của quan hệ pháp luật dân sự gồm cá nhân, pháp nhân như Dự thảo. Trường hợp hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân tham gia quan hệ dân sự thì các thành viên của hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân là chủ thể tham gia xác lập, thực hiện giao dịch dân sự hoặc ủy quyền cho người đại diện tham gia xác lập, thực hiện giao dịch dân sự. Việc xác định chủ thể của quan hệ dân sự có sự tham gia của hộ gia đình sử dụng đất được thực hiện theo quy định của Luật đất đai. Trên cơ sở phương án dự thảo do Chính phủ trình và kết quả lấy phiếu xin ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho giữ quy định về phạm vi điều chỉnh và chủ thể của BLDS như trong Dự thảo”.
[2] BLDS năm 2015 tại các điều 101 – 104 đã thể hiện rõ tinh thần như vậy. Ở đây cần lưu ý, riêng hộ gia đình sử dụng đất do tính chất đặc thù trong đan xen giữa quan hệ hành chính đất đai, chính sách của Nhà nước về đất đai và quan hệ dân sự nên BLDS năm 2015 đã tách vấn đề xác định chủ thể của quan hệ dân sự có sự tham gia của hộ gia đình sử dụng đất được thực hiện theo quy định của Luật đất đai. Tuy nhiên, bản thân sự tồn tại của Hộ gia đình sử dụng đất thời gian qua cũng đã phát sinh rất nhiều bất cập, vướng mắc và sự lúng túng của Nhà nước trong xác định địa vị pháp lý của Hộ gia đình sử dụng đất.
[3] Tuy nhiên, pháp luật chuyên ngành điều chỉnh trong một số lĩnh vực cụ thể hoặc không có quy định hoặc quy định chưa rõ ràng về địa vị pháp lý của một số tổ chức có liên quan, ví dụ: Quỹ đầu tư chứng khoán, tổ chức cấp cơ sở của một số tổ chức chính trị – xã hội, một số tổ chức do cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp thành lập… dẫn tới có nhiều khó khăn trong xác định tư cách chủ thể trong cấp tín dụng tại các tổ chức tín dụng.
[4] Luật doanh nghiệp năm 2015 quy định: “Tài sản được sử dụng vào hoạt động kinh doanh của chủ doanh nghiệp tư nhân không phải làm thủ tục chuyển quyền sở hữu cho doanh nghiệp” (Điều 36.2); “Sau khi bán doanh nghiệp, chủ doanh nghiệp tư nhân vẫn phải chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp phát sinh trong thời gian trước ngày chuyển giao doanh nghiệp, trừ trường hợp người mua, người bán và chủ nợ của doanh nghiệp có thỏa thuận khác.” (Điều 187.2); “Chủ doanh nghiệp tư nhân cam kết bằng văn bản chịu trách nhiệm cá nhân bằng toàn bộ tài sản của mình đối với tất cả các khoản nợ chưa thanh toán của doanh nghiệp tư nhân và cam kết thanh toán đủ số nợ khi đến hạn”(Điều 199.1.c)…
[5] Quy định tại các điều 7, 8, 11, 12, 17, 29, 30… của Luật doanh nghiệp năm 2014 đã thể hiện rõ vấn đề này.
[6] Pháp luật về cho vay của tổ chức tín dụng quy định: hợp đồng cho vay phải có điều khoản về mục đich sử dụng vốn vay.
NGUYỄN HỒNG HẢI
NGUỒN: ĐẶC SAN TOÀN CẢNH NGÂN HÀNG VIỆT NAM NĂM 2017, BÁO ĐẦU TƯ, THÁNG 5/2017