Feel free to go with the truth

Trang chủ / Hình sự / Tuyên án rồi ‘quên’ thi hành suốt 8 năm

Tuyên án rồi ‘quên’ thi hành suốt 8 năm

TTO – Một đối tượng bị tòa tuyên án 2 năm tù từ năm 2010 vì tội vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới. Nhưng các cơ quan liên quan lại ‘quên’ thi hành bản án này suốt tám năm qua.

Đến khi phát hiện vụ việc thì bản án cũ đã hết thời hiệu thi hành.

Vụ việc vô cùng hi hữu nói trên xảy ra tại huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. Sau khi vụ việc vỡ lở, Cục điều tra của Viện KSND tối cao hiện đã vào cuộc điều tra dấu hiệu phạm tội xâm phạm hoạt động tư pháp.

“Quyết định thi hành án có gửi cho Viện KSND huyện. Về việc giám sát đôn đốc việc thi hành án này thì trách nhiệm của viện kiểm sát lớn hơn, vì viện thực hiện việc kiểm sát sự tuân thủ theo pháp luật.”

—-Ông Trần Văn Phương—–

Bị bắt mới phát hiện chưa thi hành án cũ

Theo nguồn tin riêng của Tuổi Trẻ từ Công an tỉnh Quảng Trị, vụ việc nói trên sẽ không “vỡ” ra nếu như không xảy ra một vụ án vận chuyển hàng cấm do Phòng cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Quảng Trị phát hiện và điều tra vào tháng 10-2018. Đối tượng liên quan đến vụ án này bị bắt giữ để điều tra là Trần Đình Anh, 40 tuổi, trú P.5, TP Đông Hà.

Quá trình lấy lời khai, đối tượng Anh khai nhận bản thân từng có ba tiền án: năm 2003 về tội “vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”, năm 2007 về tội “trộm cắp tài sản” và năm 2010 về tội “vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới” do TAND huyện Hướng Hóa tuyên mức 2 năm tù giam.

Điều gây bất ngờ cho Công an tỉnh Quảng Trị là việc đối tượng Anh thừa nhận bản án thứ ba từ năm 2010 đến nay, tức sau tám năm, vẫn chưa thi hành án.

Theo hồ sơ vụ án bị “quên” mà Tuổi Trẻ tìm hiểu, vụ án được TAND huyện Hướng Hóa đưa ra xét xử vào tháng 9-2010. Cáo trạng của Viện KSND huyện Hướng Hóa cho thấy hành vi của đối tượng Anh là vận chuyển số lượng lớn các loại bia, rượu, thuốc lá không có hóa đơn chứng từ từ Khu kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo vào nội địa. Trị giá số hàng này lên đến hàng trăm triệu đồng.

Bản án có hiệu lực từ ngày 18-10-2010. Thời điểm bản án có hiệu lực, đối tượng Anh đang được tại ngoại.

Cũng theo xác minh của Tuổi Trẻ, đến thời điểm hiện tại thì bản án nói trên đã hết thời hiệu thi hành nên vụ việc được chuyển lên Cục điều tra của Viện KSND tối cao để điều tra về tội xâm phạm hoạt động tư pháp theo thẩm quyền.

Trách nhiệm thuộc về ai?

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trần Văn Phương, chánh án TAND huyện Hướng Hóa, xác nhận đúng là có việc “quên” thi hành bản án nói trên.

Theo ông Phương, ngoài việc nói mình đảm nhận chức vụ chánh án sau thời điểm xảy ra vụ án thì cũng cung cấp một số văn bản cho thấy TAND huyện Hướng Hóa đã thực hiện đúng quy trình sau khi bản án được tuyên. Trong số những văn bản này có bản gốc của bản án được tuyên do chủ tọa phiên tòa Cao Ngọc Thọ ký.

Ngoài ra, còn có bản gốc của quyết định thi hành án phạt tù của TAND huyện gửi Công an huyện, Viện KSND huyện và gửi cho người bị kết án.

Kèm với quyết định này còn có một bản gốc biên bản giao nhận quyết định thi hành án được lập chiều 18-10-2010 giữa bên giao là người của TAND huyện Hướng Hóa, bên nhận là một cán bộ tên Trần Văn Tính thuộc đội hỗ trợ tư pháp Công an huyện Hướng Hóa thời điểm năm 2010 (thời điểm chưa có Chi cục Thi hành án).

Ông Phương khẳng định TAND huyện đã thực hiện đúng quy trình khi ghi rõ trong quyết định thi hành án hai điều.

Một là, trong thời hạn bảy ngày kể từ ngày nhận được quyết định này, người bị kết án phải có mặt ở cơ quan Công an huyện Hướng Hóa để chấp hành án. Nếu quá thời hạn trên mà không có mặt tại cơ quan công an để chấp hành án, người bị kết án sẽ bị áp giải đến trại giam để chấp hành án.

Hai là, Công an huyện Hướng Hóa thi hành quyết định này và thông báo bằng văn bản cho TAND huyện Hướng Hóa biết kết quả.

Ông Phương nói TAND huyện đã giao trách nhiệm thi hành án cho phía công an huyện thì công an phải thực hiện nhiệm vụ này. Ông Phương cũng thừa nhận TAND huyện có trách nhiệm trong việc giám sát việc thi hành án, nhưng trách nhiệm này không quy định cụ thể.

Trong khi đó, ông Dương Đang Lan, viện trưởng Viện KSND huyện Hướng Hóa, nói trách nhiệm chính trong việc thi hành bản án này vẫn thuộc phía công an, vì trong quyết định thi hành án đã nói rõ: nếu trong bảy ngày người bị kết án không tự tới chấp hành án thì công an phải đến áp giải cưỡng chế thi hành án. Nếu trong thời hạn đó phía công an không làm được thì bên đó phải báo cho viện kiểm sát.

Ông Lan cũng xác nhận khi nhận quyết định thi hành án từ tòa án rồi thì người của viện cứ vô sổ như đã được thi hành án theo thói quen.

Về trách nhiệm giám sát đôn đốc việc thi hành án, ông Lan nói hằng tuần viện kiểm sát chủ yếu chỉ kiểm tra, giám sát các đối tượng thực tế ở trong diện tạm giam, tạm giữ. Còn các đối tượng đang tại ngoại thì không thể.

Ông Lan cũng thông tin trong cuộc họp kiểm điểm về vụ việc, có thông tin cho rằng do đối tượng bị kết án có đơn xin tạm hoãn thi hành án nên mới kéo theo những diễn biến quên thi hành án sau này.

Ông Hồ Thanh Nam, phó trưởng Công an huyện Hướng Hóa, từ chối trả lời các câu hỏi của phóng viên liên quan đến vụ việc này. Ông Nam chỉ cho biết hiện cơ quan này đang điều tra vụ việc để xem xét cụ thể việc này sai sót ở đâu. Ông Nam cũng nói sau khi điều tra xác minh xong sẽ xử lý nghiêm túc. “Ai sai sẽ bị xử lý” – ông Nam khẳng định.

Cần quy trách nhiệm của các bên liên quan

Theo luật sư Lê Cao – Đoàn luật sư Đà Nẵng, sau khi tòa án đã ban hành quyết định thi hành án thì cơ quan công an là bên thực thi quyết định để đưa phạm nhân đi giam giữ theo luật định nhưng đã bỏ quên, trong khi đó viện kiểm sát với vai trò giám sát việc này lại không biết, tòa án là cơ quan quyết định thi hành án cũng không xem xét kiểm tra xem việc thi hành án có được thực hiện hay không nên mới dẫn đến sự việc hi hữu như thế này. Lỗi trong trường hợp này có thể thấy không chỉ riêng một người, một cơ quan, mà có sự cộng đồng trách nhiệm cần được xem xét rõ.

Đây rõ ràng là một vụ việc nghiêm trọng. Bản án chỉ có thời hiệu thi hành trong năm năm. Như vậy bản án đã tuyên trở nên vô nghĩa. Nhất là khi người bị kết án lại có nhiều tiền án. Với những trường hợp rất hi hữu thế này, cần xem xét tổng thể để quy trách nhiệm cho các bên liên quan. Dựa vào các quy định của pháp luật thì những người có thẩm quyền liên quan có thể phạm vào tội “không thi hành án”.

QUỐC NAM

Nguồn: https://tuoitre.vn/tuyen-an-roi-quen-thi-hanh-suot-8-nam-20190117225643109.htm

Bài viết liên quan