Feel free to go with the truth

Trang chủ / Kinh doanh & Thương mại / Muốn thành lập trung tâm ngoại ngữ thì phải làm như thế nào?

Muốn thành lập trung tâm ngoại ngữ thì phải làm như thế nào?

Tôi là giảng viên môn Tiếng Anh của một Trường Đại học. Sắp tới tôi sẽ về nghỉ hưu. Tôi cùng với một số người bạn có dự định thành lập trung tâm ngoại ngữ.

Vậy cho tôi hỏi trình tự, thủ tục thành lập trung tâm ngoại ngữ được thực hiện như thế nào? Để trung tâm ngoại ngữ có thể hoạt động giáo dục (tuyển sinh, dạy học…) thì cần có các điều kiện gì?

Trả lời:

Cảm ơn Qúy Khách đã gửi câu hỏi đến Công ty Luật FDVN (FDVN). Đối với các yêu cầu tư vấn của Qúy Khách, sau khi nghiên cứu các quy định pháp luật liên quan, FDVN có một số trao đổi như sau:

Cơ sở pháp lý:

  • Luật Giáo dục năm 2005, sửa đổi, bổ sung năm 2009.
  • Nghị định 46/2017/NĐ-CP ngày 21/4/2017 quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục (Sau đây gọi là Nghị định 46/2017/NĐ-CP).
  • Nghị định 135/2018/NĐ-CP ngày 04/10/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 46/2017/NĐ-CP ngày 21/4/2017 quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục (Sau đây gọi là Nghị định 135/2018/NĐ-CP)
  • Thông tư 21/2018/TT-BGDĐT ngày 24/8/2018 ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của trung tâm ngoại ngữ, tin học.
  1. Về điều kiện và trình tự thủ tục thành lập trung tâm ngoại ngữ đối với cá nhân đề nghị thành lập

[a]. Trước đây, theo quy định tại Nghị định 46/2017/NĐ-CP tại Điều 46 đã quy định  các điều kiện để thành lập, cho phép thành lập trung tâm ngoại ngữ, tin học, bao gồm:

  • Phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội và quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục của địa phương đã được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
  • Đề án thành lập trung tâm ngoại ngữ, tin học xác định rõ: Mục tiêu, nhiệm vụ, chương trình và nội dung đào tạo, bồi dưỡng; đất đai, cơ sở vật chất, thiết bị, địa điểm dự kiến, tổ chức bộ máy, nguồn lực và tài chính; phương hướng chiến lược xây dựng và phát triển trung tâm.

Tuy nhiên bắt đầu từ ngày 20/11/2018 (ngày Nghị định 135/2018/NĐ-CP có hiệu lực), tại Nghị định này đã đã bãi bỏ các điều kiện về thành lập trung tâm ngoại ngữ nêu trên.

[b]. Khi đó, để thành lập trung tâm ngoại ngữ, các cá nhân, cơ quan, tổ chức cần thực hiện theo trình tự, thủ tục sau:

* Người có thẩm quyền: Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo.

* Thành phần hồ sơ:

– Tờ trình đề nghị thành lập trung tâm ngoại ngữ;

– Đề án thành lập trung tâm ngoại ngữ gồm các nội dung: Tên trung tâm, loại hình trung tâm, địa điểm đặt trung tâm, sự cần thiết và cơ sở pháp lý của việc thành lập trung tâm; mục tiêu, chức năng, nhiệm vụ của trung tâm; chương trình giảng dạy, quy mô đào tạo; cơ sở vật chất của trung tâm; cơ cấu tổ chức của trung tâm, Giám đốc, các Phó Giám đốc (nếu có), các tổ (hoặc phòng chuyên môn); sơ yếu lý lịch của người dự kiến làm Giám đốc trung tâm;

– Dự thảo nội quy tổ chức hoạt động của trung tâm ngoại ngữ.

* Thời hạn và trình tự thực hiện:

– Nộp trực tiếp hoặc qua bưu điện 01 bộ hồ sơ đề nghị thành lập trung tâm ngoại ngữ đến người có thẩm quyền thành lập trung tâm ngoại ngữ;

– Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan có thẩm quyền thành lập trung tâm ngoại ngữ có trách nhiệm thẩm định theo quy định;

– Trong thời hạn 05 ngày làm việc, người có thẩm quyền quyết định thành lập, cho phép thành lập trung tâm ngoại ngữ quyết định thành lập, cho phép thành lập nếu đủ điều kiện; nếu chưa quyết định thành lập thì có văn bản thông báo cho tổ chức, cá nhân nêu rõ lý do.

  1. Điều kiện và trình tự, thủ tục cấp phép hoạt động giáo dục cho trung tâm ngoại ngữ

Sau khi được cấp phép thành lập, trung tâm ngoại ngữ được thành lập phải thực hiện các trình tự, thủ tục nêu dưới đây để được cấp phép hoạt động, từ đó mới đủ các điều kiện để bắt đầu đi vào hoạt động. Cụ thể:

[1]. Điều kiện để trung tâm ngoại ngữ hoạt động giáo dục: quy định tại Điều 48 Nghị định 46/2017/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 21 Điều 1 Nghị định 135/2018/NĐ-CP:

– Có đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên đạt chuẩn theo quy định, đáp ứng yêu cầu hoạt động của trung tâm;

– Có cơ sở vật chất, trang thiết bị, chương trình, tài liệu dạy học, nguồn kinh phí phù hợp, bảo đảm chất lượng giáo dục theo kế hoạch xây dựng, phát triển và quy mô hoạt động của trung tâm.

[2]. Trình tự, thủ tục thực hiện: Điều 49 Nghị định 46/2017/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 22 Điều 1 Nghị định 135/2018/NĐ-CP:

Người có thẩm quyền: Giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo.

* Thành phần hồ sơ:

– Tờ trình đề nghị cấp phép hoạt động giáo dục;

– Quyết định thành lập trung tâm do người có thẩm quyền cấp;

– Nội quy hoạt động giáo dục của trung tâm;

– Báo cáo về trang thiết bị làm việc của văn phòng; lớp học, phòng thực hành, cơ sở phục vụ đào tạo trong đó phải có văn bản chứng minh về quyền sử dụng hợp pháp đất, nhà; nguồn kinh phí bảo đảm hoạt động của trung tâm;

– Chương trình, giáo trình, tài liệu dạy học;

– Danh sách trích ngang đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên tham gia giảng dạy;

– Các quy định về học phí, lệ phí;

– Chứng chỉ sẽ cấp cho học viên khi kết thúc khóa học.

* Trình tự và thời hạn thực hiện:

–  Nộp trực tiếp hoặc qua bưu điện 01 bộ hồ sơ nói trên đến người có thẩm quyền;

– Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ, người có thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ. Nếu hồ sơ chưa đúng quy định thì thông báo bằng văn bản những nội dung cần chỉnh sửa, bổ sung cho trung tâm;

–  Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ đúng quy định, người có thẩm quyền phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức thẩm định trên thực tế khả năng đáp ứng các điều kiện theo quy định và ghi kết quả vào biên bản thẩm định;

– Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày có kết quả thẩm định, người có thẩm quyết định cho phép trung tâm hoạt động giáo dục. Nếu chưa quyết định cho phép hoạt động giáo dục thì có văn bản thông báo cho trung tâm nêu rõ lý do.

Trên đây là ý kiến tư vấn của FDVN liên quan đến yêu cầu tư vấn của Qúy Khách trên cơ sở nghiên cứu các quy định pháp luật.

Hy vọng ý kiến tư vấn của FDVN sẽ hữu ích cho Qúy Khách.

Theo CVPL: Nguyễn Công Tín

Công ty Luật FDVN

Xem thêm:

Tránh mắc sai lầm vì thiếu hiểu biết về kinh doanh dịch vụ đòi nợ

Các hình thức đầu tư và thủ tục đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài

Chấm dứt hoạt động thương nhân nước ngoài tại Việt Nam


Luật sư tại Đà Nẵng

99 Nguyễn Hữu Thọ, Quân Hải Châu, thành phố Đà Nẵng

Luật sư tại Huế: 

336 Phan Chu Trinh, thành phố Huế, Thừa Thiên Huế

Luật sư tại Phú Quốc:

65 Hùng Vương, thị trấn Dương Đông, huyện đảo Phú Quốc.

Website: www.fdvn.vn    www.tuvanphapluatdanang.com

Email: fdvnlawfirm@gmail.com    luatsulecao@gmail.com

Điện thoại: 0935 643 666    –  0906 499 446

Fanpage: https://www.facebook.com/fdvnlawfirm/

Bài viết liên quan