Feel free to go with the truth

Trang chủ / Tư vấn pháp luật / Trợ cấp thôi việc khi đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp?

Trợ cấp thôi việc khi đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp?

 Tôi làm việc tại Công ty TNHH MP Việt Nam từ đầu năm 2007 đến tháng 11/2019 sau đó các bên thỏa thuận về việc chấm dứt hợp đồng lao động. Nay tôi yêu cầu Công ty thanh toán trợ cấp thôi việc cho tôi, nhưng công ty cho rằng tôi đã được đóng Bảo hiểm thất nghiệp từ 2009 và từ năm 2007 đến năm 2009 là thời gian tôi được cử đi học nên công ty không chi trả trợ cấp thôi việc cho tôi. Vậy nếu tôi đã được đóng Bảo hiểm thất nghiệp thì Công ty TNHH MP Việt Nam trả lời như vậy có phù hợp hay không? Mong Quý công ty FDVN tư vấn.

Cảm ơn Qúy Khách đã gửi câu hỏi đến Công ty Luật FDVN (FDVN). Đối với các yêu cầu tư vấn của Qúy Khách, sau khi nghiên cứu các quy định pháp luật liên quan, FDVN có một số trao đổi như sau:

Theo thông tin mà Anh/Chị cung cấp thì giữa Anh/Chị và Công ty thỏa thuận chấm dứt Hợp đồng lao động thuộc trường hợp quy định tại Khoản 3 Điều 36 Bộ luật lao động 2012.

Mà tại Khoản 1 Điều 48 Bộ luật Lao động 2012 thì: “Khi hợp đồng lao động chấm dứt theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 5, 6, 7, 9 và 10 Điều 36 của Bộ luật này thì người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động đã làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên, mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương.”

Đồng thời, theo quy định tại Khoản 4 Điều 14 Nghị định 05/2015/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Khoản 5 Điều 1 Nghị định 148/2018/NĐ-CP thì thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc đối với người lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động được xác định như sau:

“3. Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm là tổng thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm trước đó (nếu có). Trong đó:

  1. a) Thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động bao gồm: thời gian người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động theo hợp đồng lao động; thời gian được người sử dụng lao động cử đi học; thời gian nghỉ hưởng chế độ ốm đau, thai sản theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội; thời gian nghỉ việc để điều trị, phục hồi chức năng lao động khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp mà được người sử dụng lao động trả lương theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động; thời gian nghỉ hàng tuần theo Điều 110, nghỉ việc hưởng nguyên lương theo Điều 111, Điều 112, Điều 115 và Khoản 1 Điều 116 của Bộ luật lao động; thời gian nghỉ việc để hoạt động công đoàn theo quy định của pháp luật về công đoàn; thời gian nghỉ việc để thực hiện nghĩa vụ công dân theo quy định của pháp luật mà được người sử dụng lao động trả lương; thời gian phải ngừng việc, nghỉ việc không do lỗi của người lao động; thời gian bị tạm đình chỉ công việc theo Điều 129 của Bộ luật lao động.
  2. b) Thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp bao gồm: Thời gian người sử dụng lao động đã đóng bảo hiểm thất nghiệp, thời gian được tính là thời gian đã đóng bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về bảo hiểm thất nghiệp, thời gian người sử dụng lao động đã chi trả cùng lúc với kỳ trả lương của người lao động một khoản tiền tương đương với mức đóng bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về lao động, bảo hiểm thất nghiệp;
  3. c) Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm của người lao động được tính theo năm (đủ 12 tháng); trường hợp có tháng lẻ thì từ đủ 01 tháng đến dưới 06 tháng được tính bằng 1/2 năm; từ đủ 06 tháng trở lên được tính bằng 01 năm làm việc.”

Như vậy, trường hợp Anh/Chị đã tham gia Bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật từ năm 2009 cho đến tháng 11/2019 thì khoảng này Anh/Chị sẽ không được Công ty chi trả trợ cấp thôi việc.

Mặt khác, dẫn chiếu theo quy định trên thì  thời gian được người sử dụng lao động cử đi học sẽ được tính vào thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc cho người lao động, theo đó, Công ty có trách nhiệm chi trả trợ cấp thôi việc cho Anh/Chị trong khoảng thời gian từ năm 2007 đến hết năm 2008 và mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương.

Trên đây là ý kiến tư vấn của FDVN liên quan đến yêu cầu tư vấn của Qúy Khách trên cơ sở nghiên cứu các quy định pháp luật. Hy vọng ý kiến tư vấn của FDVN sẽ hữu ích cho Qúy Khách.

                                                                    Theo CVPL: Nguyễn Thị Sương – Công ty Luật FDVN

……………………………………………………………………………………………………
Luật sư tại Đà Nẵng: 

99 Nguyễn Hữu Thọ, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng

Luật sư tại Huế: 

336 Phan Chu Trinh, thành phố Huế, Thừa Thiên Huế

Luật sư tại Phú Quốc:

65 Hùng Vương, thị trấn Dương Đông, huyện đảo Phú Quốc

Luật sư tại Quảng Ngãi

359 Nguyễn Du, thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi.

Website: www.fdvn.vn    www.tuvanphapluatdanang.com

Email: fdvnlawfirm@gmail.com

Điện thoại: 0935 643 666    –  0906 499 446

Fanpage: https://www.facebook.com/fdvnlawfirm/

Bài viết liên quan