Feel free to go with the truth

Trang chủ / BÀI VIẾT & ẤN PHẨM CỦA FDVN / TRANH CHẤP VỀ NHÃN HIỆU TỪ MỘT VỤ ÁN HÀNH CHÍNH

TRANH CHẤP VỀ NHÃN HIỆU TỪ MỘT VỤ ÁN HÀNH CHÍNH

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế và cạnh tranh toàn cầu, các đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong việc mang lại lợi thế cạnh tranh, làm gia tăng lợi ích cho các chủ sở hữu cũng như hỗ trợ việc xây dựng uy tín, danh tiếng cho các chủ thể kinh doanh.[1]. Các doanh nghiệp sử dụng tài sản trí tuệ như là công cụ chính để hoạt động kinh doanh đang gặp phải những khó khăn khi đối mặt với hành vi xâm phạm quyền SHTT. Một trong những thiệt hại mà hành vi xâm phạm quyền SHTT gây ra cho chủ thể quyền là tổn thất về cơ hội kinh doanh. Khác với tài sản hữu hình, thiệt hại gây ra do hành vi xâm phạm quyền SHTT không chỉ nằm ở những thiệt hại hiện hữu mà nó còn là “mối đe đọa” gây các thiệt hại trong tương lai. Pháp luật SHTT hiện hành đã có các quy định chung giải quyết vấn đề này, tuy nhiên khi áp dụng trên thực tế gặp phải một số vướng mắc. Trong phạm vi bài viết này đề cập đến những vấn đề pháp lý cơ bản, quan trọng trong quá trình giải quyết tranh chấp về nhãn hiệu được nghiên cứu từ một vụ án hành chính.

  1. TÓM LƯỢC CÁC TRANH CHẤP NHÃN HIỆU

Các văn bản pháp luật ở Việt Nam hiện nay chưa đưa ra khái niệm tranh chấp nhãn hiệu. Việc xác định khái niệm tranh chấp nhãn hiệu phụ thuộc vào hai yếu tố cơ bản: (1) bản chất pháp lý của nhãn hiệu; và (2) tính chất của luật điều chỉnh nhãn hiệu.

Về bản chất pháp lý, nhãn hiệu là tài sản vô hình tuyệt đối. Tuy nhiên, nhãn hiệu vẫn có tính quan trọng nhất của vật quyền – đó là quyền loại trừ. Hành vi xâm phạm nhãn hiệu có bản chất giống với vi phạm quyền sở hữu mà thực chất là vi phạm quyền loại trừ. Điều này đồng nghĩa với việc không ai có thể tiếp cận đối tượng của quyền sở hữu nếu không được sự cho phép của chủ sở hữu. Và để bảo về quyền loại trừ này, pháp luật cho phép chủ sở hữu nhãn hiệu sử dụng các chế tài đối với các hành vi xâm phạm.

Tranh chấp về quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu mang tính chất của tranh chấp thương mại. Tranh chấp nhãn hiệu hoàn toàn có tính chất của tranh chấp luật tư (một lĩnh vực pháp luật điều tiết quan hệ giữa các tư nhân với nhau). Vì vậy, các tranh chấp nhãn hiệu có thể giải quyết bằng các phương thức giải quyết tranh chấp của luật tư.

Xuất phát từ bản chất pháp lý của nhãn hiệu và tính chất của luật điều chỉnh nhãn hiệu, cho rằng: Tranh chấp nhãn hiệu là tranh chấp tài sản nghiêng về tính chất thương mại (1) giữa chủ sở hữu nhãn hiệu với người vi phạm quyền loại trừ của chủ sở hữu nhãn hiệu, (2) giữu chủ sở hữu nhãn hiệu với người được chủ sở hữu nhãn hiệu cho phép sử dụng nhãn hiệu, và (3) giữa người sáng tạo ra nhãn hiệu với chủ sở hữu nhãn hiệu.[2]

Với mục tiêu xây dựng phương thức giải quyết tranh chấp phù hợp, tìm hiểu, phân loại tranh chấp nhãn hiệu dựa theo căn cứ: (1) đối tượng của quyền SHTT bị tranh chấp; (2) giai đoạn xảy ra tranh chấp.

– Căn cứ vào đối tượng của quyền SHTT bị tranh chấp, có thể phân loại thành tranh chấp giữa nhãn hiệu với nhãn hiệu, nhãn hiệu – quyền tác giả, nhãn hiệu – kiểu dáng công nghiệp nhãn hiệu – tên thương mại, nhãn hiệu – tên miền.

– Căn cứ vào giai đoạn xảy ra tranh chấp, tranh chấp nhãn hiệu được phân loại thành: tranh chấp trong quá trình xác lập quyền đối với nhãn hiệu và tranh chấp trong quá trình sử dụng nhãn hiệu.

  1. VƯỚNG MẮC KHI ÁP DỤNG QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT TRÊN THỰC TẾ

Ví dụ như đối với vụ việc tranh chấp nhãn hiệu giữa Công ty TNHH Dược Phẩm Ích Nhân và cơ sở Ngân Anh có nội dung như sau:
Trên thực tế, việc áp dụng các quy định pháp luật sở hữu trí tuệ để giải quyết tranh chấp về nhãn hiệu còn nhiều vướng mắc, đặc biệt liên quan đến các kết luận giám định Sở hữu trí tuệ của các cơ quan có thẩm quyền hay sự can thiệp của các cơ quan Nhà nước bị doanh nghiệp “mượn tay xử lý” các đối thủ cạnh trạnh còn tồn tại thực tế. Điều này dẫn đến việc giải quyết các tranh chấp về sở hữu trí tuệ nói chung và giải quyết tranh chấp về nhãn hiệu nói riêng còn kéo dài, mỗi Tòa xử một kiểu.

Từ năm 2010, Công ty TNHH Dược Phẩm Ích Nhân (Lô A18/D7 Khu đô thị mới Cầu Giấy – Dịch Vọng- Cầu Giấy – Hà Nội) phân phối sản phẩm Bảo Xuân dưới dạng thực phẩm chức năng phục vụ cho sức khỏe và sắc đẹp phụ nữ. Công ty cũng đã đăng ký quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) của sản phẩm này và đã được Cục SHTT thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ chấp thuận cấp giấy chứng nhận số 172843 theo QĐ số 37785/QĐ-SHTT ngày 3/10/2011. Trong khi đó cơ sở kinh doanh Ngân Anh (Ấp Đông Thuận – Đông Thạnh – Châu Thành – Hậu Giang) lại tung ra thị trường nhiều loại sản phẩm cũng làm đẹp cho phụ nữ như Ích Nhân, nhưng lại rất “lười” suy nghĩ cho việc đặt tên cho sản phẩm của mình bèn lấy luôn nhãn hiệu “Bảo Xuân” của công ty Ích Nhân dập lên bao bì sản phẩm. Với việc này, Công ty Ích Nhân thấy mình bị xâm phạm nhãn hiệu liền khiếu nại lên các cấp có thẩm quyền.

Ngày 8/10/2012, Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tiến hành giám định và có kết luận số HN 294-12 YC/KLGĐ khẳng định cơ sở Ngân Anh đã vi phạm quyền sở hữu công nghiệp. Theo cơ sở dữ liệu về nhãn hiệu do Cục SHTT quản lý, đối tượng bị xem xét là dấu hiệu “Bảo Xuân” và dấu hiệu “Bảo Xuân và hình” được trình bày trên vỏ hộp và lọ đựng sản phẩm: Kem dưỡng da, tái tạo, phục hồi; kem trị nám tàn nhang, đồi mồi; kem trị mụn nám trắng da; kem trị mụn xóa thâm, liền sẹo như thể hiện lần lượt tại mẫu giám định được sản xuất tại cơ sở Ngân Anh không phải là đối tượng được bảo hộ và cũng không phải là đối tượng được chuyển giao…”.

Ngày 22/1/2016, Viện Khoa học SHTT đã có kết luận giám định số NH018-16YC/KLGĐ, với nội dung: “Dấu hiệu “Bảo Xinh và hình” trình bày trên bao gói sản phẩm kem dưỡng trắng da ngăn ngừa mụn của Cơ sở Ngân Anh, là yếu tố xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu “Bảo Xuân và hình” được bảo hộ theo GCNĐKNH số 172843 của Công ty Ích Nhân”.

Ngày 10/6/2016, Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ đã ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính về hành vi sản xuất sản phẩm mỹ phẩm mang nhãn hiệu “Bảo Xuân” và “Bảo Xinh, hình”, trình bày cách điệu tương tự gây nhầm lẫn với nhãn hiệu “Bảo Xuân” và “Bảo Xuân, hình” đang được bảo hộ tại Việt Nam cho Công ty Ích Nhân. Theo kết luận xử lý vi phạm “đây là hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu theo quy định tại Điều 129 Luật Sở hữu trí tuệ và bị xử phạt vi phạm hành chính về sở hữu công nghiệp”.

Ngày 27/7/2011, cơ sở Ngân Anh đăng ký nhãn hiệu Bảo Xuân tại Cục SHTT. Sau nhiều lần kiểm tra, xác minh, ngày 26/5/2015, Cục SHTT đã ra quyết định số 11692/QĐ-SHTT từ chối cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số đơn 4-2011-15391 của cơ sở Ngân Anh. Trong quyết định từ chối cục SHTT nêu rõ căn cứ và lý do từ chối:

Điều 74.2 e) Luật sở hữu trí tuệ: Dấu hiệu không phải là nhãn hiệu liên kết trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu đã được đăng ký cho hàng hoá, dịch vụ trùng hoặc tương tự trên cơ sở đơn đăng ký có ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên sớm hơn trong trường hợp đơn đăng ký được hưởng quyền ưu tiên, kể cả đơn đăng ký nhãn hiệu được nộp theo điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Điều 74.2 g) Luật sở hữu trí tuệ: Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của người khác đã được sử dụng và thừa nhận rộng rãi cho hàng hoá, dịch vụ trùng hoặc tương tự từ trước ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên trong trường hợp đơn được hưởng quyền ưu tiên.

Do không đăng ký được nhãn hiệu Bảo Xuân cho sản phẩm của mình, cơ sở Ngân Anh khởi kiện Cục SHTT. Tại phiên tòa sơ thẩm ngày 22/9/2015, đại diện Cục SHTT vẫn giữ nguyên quan điểm tại Quyết định số 11692/QĐ-SHTT, song Tòa sơ thẩm Hậu Giang lại cho rằng Sản phẩm Bảo Xuân của công ty Ích Nhân thuộc danh mục thực phẩm chức năng do Cục An toàn Thực phẩm – Bộ Y tế quản lý; còn sản phẩm Bảo Xuân của cơ sở Ngân Anh do Phòng quản lý mỹ phẩm Sở Y tế quản lý… nên hai sản phẩm nằm ở hai danh mục khác nhau không thể xâm phạm nhãn hiệu của nhau. Cuối cùng Tòa Hậu Giang xử cho cơ sở Ngân Anh thắng kiện. Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Hậu Giang kháng nghị toàn bộ bản án, đề nghị tòa phúc thẩm bác yêu cầu khởi kiện của cơ sở Ngân Anh.[3]

Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính căn cứ theo Kết luận giám định do Công ty AJIOMOTO Việt Nam cung cấp. Tuy nhiên sau đó, để minh oan cho mình, Công ty HTH đã cung cấp hàng loạt các Kết luận giám định chứng minh các dấu hiệu trên sản phẩm mỳ chính (bột ngọt) của mình không có dấu hiệu xâm phạm nhãn hiệu của Công ty AJINOMOTO Việt Nam. Và sau khi bị giam hàng, Công ty HTH cũng đã yêu cầu Viện khoa học sở hữu trí tuệ giám định tổng thể dấu hiệu mình đang sử dụng[4]. Ngày 06/10/2015, Viện Khoa học sở hữu trí tuệ đã có Kết luận giám định sở hữu công nghiệp số NH453-15YC/KLGĐ. Theo đó xác định KHÔNG ĐỦ CĂN CỨ KẾT LUẬN để xác định dấu hiệu hình một chiếc tô 02 quai màu đỏ đang bốc khói đặt trên một chiếc đĩa cũng màu đỏ, ngay phần dưới là 03 chữ tượng hình của Công ty HTH là yếu tố xâm phạm quyền đối với Nhãn hiệu được bảo hộ của Công ty AJINOMOTO Việt Nam.
Hay như vụ án hành chính Công ty TNHH Sản xuất – Thương mại Hà Trung Hậu khởi kiện tại TAND thành phố Đà Nẵng yêu cầu hủy Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 7737/QĐ-XPVPHC, ngày 19/10/2015 của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố Đà Nẵng. Tại Quyết định xử phạt hành chính này, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng đã cho rằng Công ty HTH đã có hành vi đóng gói các sản phẩm hàng hóa vi phạm nhãn hiệu của doanh nghiệp khác, cụ thể là Công ty AJINOMOTO Việt Nam. Trước đó, Chi cục Quản lý thị trường thành phố Đà Nẵng đã có hành vi hành chính kiểm tra, tạm giữ hàng hóa của Công ty HTH sau này đã bị Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng tuyên xác định một số hành vi của Chi cục Quản lý thị trường thành phố Đà Nẵng là không đúng pháp luật.

Kết luận giám định số NH453-15YC/KLGĐ

Dấu hiệu của Công ty Hà Trung Hậu

Nhãn hiệu của Công ty AJINOMOTO Việt Nam

Mô tả: hình một chiếc tô 02 quai màu đỏ đang bốc khói đặt trên một chiếc đĩa cũng màu đỏ, ngay phần dưới là 03 chữ tượng hình. Mô tả: Hình một chiếc tô màu đỏ đậy một chiếc vung cũng màu đỏ, hình ảnh làm nền cho 03 chữ tượng hình.
Kết luận: KHÔNG ĐỦ CĂN CỨ KẾT LUẬN để xác định dấu hiệu của Công ty Hà Trung Hậu là yếu tố xâm phạm quyền đối với Nhãn hiệu được bảo hộ của Công ty AJINOMOTO Việt Nam.

Đồng thời, riêng đối với 03 chữ tượng hình  của Công ty HTH sử dụng nhãn hiệu của Công ty TNHH K.T.MSG (Thái Lan)  và 03 chữ tượng hình của Công ty AJINOMOTO Việt Nam, Hội đồng giám định đã kết luận: Mặc dù đều có thành phần chữ là 03 chữ tượng hình – là loại chữ mà người tiêu dùng (thường là người nội trợ hoặc bán đồ ăn) không đọc và không hiểu được nghĩa cho nên được coi là tương tự nhau – nhưng khi kết hợp với phần hình khác nhau như trên cũng như với cách bố trí khác nhau (trên Dấu hiệu phần chữ nằm dưới phần hình, còn trên Nhãn hiệu phần hình làm nền cho phần chữ) khiến cho tổng thể Dấu hiệu là phân biệt với Nhãn hiệu. Điều này hoàn toàn phù hợp với thực tế Công ty AJINOMOTO Việt Nam đã không còn sử dụng 03 chữ tượng hình này trên bao bì một cách riêng biệt từ nhiều năm nay (trên 05 năm) mà Công ty chỉ sử dụng nhãn hiệu tổng thể để gắn trên bao bì sản phẩm của họ.

Tuy nhiên, vào ngày 19/10/2015, Công ty HTH vẫn bị xử phạt hành chính. Trước quyết định này, Công ty HTH đã khởi kiện ra Tòa án yêu cầu hủy quyết định hành chính. Và trong quá trình giải quyết tại Tòa, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng đã ban hành quyết định hủy bỏ quyết định xử phạt hành chính này mà lại không nêu rõ lý do hủy bỏ. Hiện nay vụ kiện kéo dài từ năm 2015 đến nay vẫn chưa có kết luận chính thức.

Qua các vụ việc này có thể thấy các vụ án tranh chấp quyền nhãn hiệu hay tranh chấp liên quan đến quyền nhãn hiệu thường rất phức tạp và phụ thuộc rất nhiều vào các kết luận giám định của các cơ quan chức năng. Các kết luận giám định sẽ được tiến hành theo yêu cầu của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Do vậy tùy thuộc vào đối tượng yêu cầu giám định mà kết luận giám định sẽ có các kết quả khác nhau. Một số cá nhân, tổ chức lợi dụng việc này, tách các thành tố của một nhãn hiệu hoàn chỉnh để mang đi đối sánh với dấu hiệu của những tổ chức, cá nhân khác, dẫn đến các kết luận giám định có khả năng có lợi cho họ, từ đó lấy cớ để chèn ép đối thủ của mình.

Một số khác, tương tự như vụ việc của Công ty HTH, có dấu hiệu cho thấy có hành vi mượn quyền lực của Nhà nước để xử lý đối thủ cạnh tranh. Theo quy định tại khoản 1 Điều 27 Nghị định 99/2013/NĐ-CP thì trường hợp có phát sinh khiếu nại, tố cáo hoặc tranh chấp về quyền đăng ký, quyền sở hữu, phạm vi bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp liên quan sau khi đơn yêu cầu xử lý vi phạm được thụ lý thì cơ quan có thẩm quyền thụ lý vụ việc phải yêu cầu các bên liên quan thực hiện thủ tục yêu cầu giải quyết khiếu nại, tố cáo, tranh chấp tại cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ. Thế nhưng trong vụ việc này, các cơ quan Nhà nước lại không hướng dẫn Công ty AJINOMOTO Việt Nam tiến hành khởi kiện, khiếu nại nếu cho rằng quyền lợi mình xâm phạm mà trực tiếp xử lý doanh nghiệp khác dù chưa có cơ sở vững chắc, có dấu hiệu “hành chính hóa quan hệ dân sự”. Sau khi biết được quyết định của mình là sai, cơ quan có thẩm quyền lại ban hành quyết định thu hồi, hủy bỏ quyết định xử phạt nhưng lại bỏ ngõ lý do thu hồi khiến cho doanh nghiệp bị xử phạt gặp thiệt hại rất lớn cả về tài chính, uy tín, mối quan hệ làm ăn trong suốt thời gian qua.

  1. KẾT LUẬN

Có thể thấy, hiện nay việc xử lý hành vi xâm phạm quyền SHTT thường bằng biện pháp hành chính. Điều này có thể giải thích bởi nhiều lý do chủ quan và khách quan. Trước hết là xuất phát từ tâm lý của chủ thể quyền SHTT không muốn tham gia tranh tụng tại Tòa án và tâm lý chưa thực sự tin tưởng vào quá trình giải quyết của Tòa án. Điều này cũng xuất phát từ những ưu điểm và hạn chế của việc xử lý hành vi xâm phạm quyền SHTT bằng biện pháp dân sự và bằng biện pháp hành chính ở Việt Nam hiện nay. Việc xử lý hành vi xâm phạm quyền SHTT bằng biện pháp hành chính trực tiếp hướng tới mục đích đảm bảo sự quản lý của nhà nước về SHTT, chấm dứt sự xâm phạm quyền SHTT, răn đe và ngăn ngừa các hành vi xâm phạm quyền SHTT trong tương lai chứ không hướng đến mục đích bồi thường thiệt hại cho chủ thể quyền SHTT. Theo quy định của pháp luật hiện hành, hầu hết các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đều có thể xử lý bằng biện pháp hành chính.

Tuy nhiên chính việc quy định các hành vi có dấu hiệu xâm phạm SHTT là quyền dân sự nhưng được xử lý bằng biện pháp hành chính cũng đã dẫn đến thực trạng nhiều doanh nghiệp lợi dụng quy định này để bức ép các doanh nghiệp khác, “hành chính hóa quan hệ dân sự”.

Do vậy, trong vấn đề này cần thiết có cách nhìn đúng đắn về các tranh chấp về nhãn hiệu giữa các chủ thể, giới hạn đến đâu sự can thiệp của cơ quan Nhà nước với vấn đề này để tạo nên một môi trường kinh doanh công khai, bình đẳng.

Nguyễn Thị Lan Anh – Công ty Luật FDVN

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn – Phòng Thanh tra – Pháp chế – Sở hữu trí tuệ “Sự cần thiết thành lập Tòa chuyên trách về sở hữu trí tuệ Việt Nam”, http://ttpc.hcmussh.edu.vn/?ArticleId=eb7762ab-3003-44cf-a5e3-86b21710022a

[2] Luận án tiến sĩ – Bùi Thị Hải Như, “Giải quyết tranh chấp nhãn hiệu theo pháp luật Việt Nam”

https://123doc.net/document/4189757-giai-quyet-tranh-chap-ve-nhan-hieu-theo-phap-luat-viet-nam-tt.htm

[3] Xem thêm tại Báo điện tử đảng cộng sản Việt Nam, ngày 16/08/2016, http://dangcongsan.vn/phap-luat/vu-viec-xam-pham-quyen-so-huu-tri-tue-nhan-hieu-bao-xuan-vien-kiem-sat-nhan-dan-tinh-hau-giang-da-khang-nghi-403063.html

[4] Xem tại Pháp luật Việt Nam về vụ “nhái” nhãn hiệu Aji-no-moto, tạm thời đình chỉ thi hành quyết định xử phạt, ngày 14/11/2015; https://baophapluat.vn/tieu-dung-thong-minh/vu-nhai-nhan-hieu-ajinomoto-tam-thoi-dinh-chi-thi-hanh-quyet-dinh-xu-phat-235966.html

………………..

Luật sư tại Đà Nẵng

99 Nguyễn Hữu Thọ, Quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng

Luật sư tại Huế: 

336 Phan Chu Trinh, thành phố Huế, Thừa Thiên Huế

56A Điện Biên Phủ, phường Phường Đúc, thành phố Huế, Thừa Thiên Huế

Luật sư tại Quảng Ngãi:

359 đường Nguyễn Du, thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi

Luật sư tại Hà Nội:

Tầng 5, số 11 Ngõ 183, phố Đặng Tiến Đông, phường Trung Liệt, quận Đống Đa, Hà Nội

Luật sư tại Nghệ An:

Số 19 đường V.I Lê Nin, Nghi Phú, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An

Website: www.fdvn.vn    www.fdvnlawfirm.vn  www.diendanngheluat.vn  www.tuvanphapluatdanang.com

Email: fdvnlawfirm@gmail.com    luatsulecao@gmail.com

Điện thoại: 0935 643 666    –  0906 499 446

Fanpage LUẬT SƯ FDVN: https://www.facebook.com/fdvnlawfirm/

Legal Service For Expat:  https://www.facebook.com/fdvnlawfirmvietnam/

TỦ SÁCH NGHỀ LUẬT: https://www.facebook.com/SayMeNgheLuat/

DIỄN ĐÀN NGHỀ LUẬT: https://www.facebook.com/groups/saymengheluat/

Bài viết liên quan