Feel free to go with the truth

Trang chủ / Dân sự / TỔNG HỢP 30 BẢN ÁN, QUYẾT ĐỊNH GIÁM ĐỐC THẨM CÓ NHẬN ĐỊNH LIÊN QUAN ĐẾN DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC

TỔNG HỢP 30 BẢN ÁN, QUYẾT ĐỊNH GIÁM ĐỐC THẨM CÓ NHẬN ĐỊNH LIÊN QUAN ĐẾN DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC

FDVN trân trọng giới thiệu tài liệu “TỔNG HỢP 30 BẢN ÁN, QUYẾT ĐỊNH GIÁM ĐỐC THẨM CÓ NHẬN ĐỊNH LIÊN QUAN ĐẾN DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC” do các Luật sư – Chuyên viên pháp lý của FDVN sưu tầm, tổng hợp.

Tài liệu này phục vụ cho mục đích học tập, nghiên cứu, công tác và được chia sẻ hoàn toàn miễn phí. Chúng tôi phản đối việc sử dụng tài liệu này vào mục đích thương mại và mục đích khác trái pháp luật.

MỤC LỤC

30 BẢN ÁN, QUYẾT ĐỊNH GIÁM ĐỐC THẨM CÓ NHẬN ĐỊNH LIÊN QUAN ĐẾN DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC

STT

TÓM TẮT NỘI DUNG

TRANG

Quyết định Giám đốc thẩm số 01/2021/LĐ-GĐT ngày 22/09/2021 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng về việc “Tranh chấp bồi thường thiệt hại khi thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội”

Nội dung: Trước thời điểm tháng 12 năm 2005, Công ty Đ là Doanh nghiệp Nhà nước trực thuộc Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn. Ngày 30/09/2005, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành quyết định số 2610/QĐ/NNN-ĐMDN về việc chuyển doanh nghiệp nhà nước Công ty Đ thành Công ty cổ phần Đ. Ngày 07/11/2005 Công ty Đ ban hành phương án sắp xếp lại lao động và được phê duyệt, theo đó có 286 lao động dôi dư phải nghỉ.

Sau đó Công ty Đ có Văn bản đề nghị Bảo hiểm X rà soát số lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại để thực hiện các chế độ bảo hiểm. Từ ngày 18/10/2005 đến ngày 09/02/2006 tiến hành rà soát, đến tháng 8/2006 có kết quả rà soát cho thấy có 57 người có trên 15 năm làm các công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm nhưng không được công ty Đ trả lương và đóng bảo hiểm theo mức của nghề nặng nhọc, độc hại và nguy hiểm. Được sự chỉ đạo, công ty Cổ phần Đ đã thực hiện nộp phần chênh lệch bảo hiểm xã hội cho 57 lao động trên và Bảo hiểm X và Công ty cổ phần Đ đã chốt sổ vào tháng 10/2006.

Sau khi có sổ BHXH, 26 người lao động đủ điều kiện đi giám định khả năng lao động để hưởng chế độ hưu trí thì kết quả bị suy giảm khả năng lao động 61%. Sau khi có quyết định hưởng hưu trí hàng tháng của người lao động, số lao động trên đã gửi đơn khiếu nại với nội dung chủ yếu như sau: (i) Yêu cầu trả 11 tháng lương do chậm trễ trong việc thực hiện cho người lao động hưởng hưu trí, tính từ ngày có quyết định nghỉ việc; (ii) Yêu cầu trả phần chệnh lệch tiền lương độc hại, nguy hiểm từ năm 1993 trở về trước; (iii) Về hưu phải được hưởng ½ tháng lương cơ bản từ quỹ phúc lợi, quỹ tiền lương dự phòng và các quy định khác của công ty Đ.

Công ty cho rằng: đã thực hiện việc trả tiền chênh lệch, do Công ty thua lỗ nên không đủ quỹ để trả ½ tháng lương cơ bản từ quỹ phúc lợi, và với việc chậm giao Quyết định cho người lao động khám sức khỏe để hưởng hưu trí thì chỉ trả 5 tháng tiền lương. Không đồng ý với Công ty Đ đối với 11 tháng tiền lương, người lao động tiếp tục khiếu nại.

Ngày 25/09/2017 ông Nguyễn Ngọc T khởi kiện ra TAND thành phố Q: yêu cầu Công ty Đ bồi thường thiệt hại 11 tháng lương hưu vì hành vi chậm trả Sổ bảo hiểm, cụ thể là 39.149.000 đồng.

Tòa án sơ thẩm quyết định: Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án lao động vì cho rằng thời hiện khởi đã hết theo khoản 2 Điều 184, điểm e khoản 1 Điều 217.

Tòa án phúc thẩm quyết định: Không chấp nhận kháng cáo của ông T, giữ nguyên quyết định đình chỉ giải quyết vụ án lao động.

Toà án cấp giám đốc thẩm nhận định:

Tháng 11/2006, ông T nhận được Quyết định nghỉ việc hưởng chế độ hưu trí {trước đó ngày 30/11/2005 ông T đã được giao Quyết định nghỉ việc, nhưng có khiếu nại nên phải trải qua quá trình rà soát, tính toán chênh lệch và Công ty Cổ phần Đ phải nộp phần chênh lệch theo mức lương của nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm so với mức lương bình thường đối với 57 lao động cho Bảo hiểm X nên đến ngày 22/9/2006 Bảo hiểm X mới lập Biên bản làm việc với Công ty cổ phần Đ chốt Sổ bảo hiểm xã hội để giao cho 57 người lao động}; tuy nhiên, 2/2008 ông Thanh (đại diện cho 57 người lao động, trong đó có ông T) gửi Đơn đến TAND tỉnh Quảng Ngãi khiếu nại việc Công ty cổ phần Đ giải quyết chế độ nghỉ việc không đúng Nghị định số 41/2002/NĐ-CP và ngày 10/12/2008 ông T có Đơn khởi kiện tại Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ngãi là đã quá thời hiệu khởi kiện theo quy định tại Điều 167 Bộ luật lao động năm 1994. Năm 2017 ông T tiếp tục có đơn khởi kiện tại TAND thành phố Q, tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu bồi 11 tháng tiền lương hưu vì chậm trả Sổ Bảo hiểm xã hội (thay vì lý do chậm giao Quyết định nghỉ việc như đơn khởi kiện năm 2008). Xét dù với lý do chậm giao Quyết định nghỉ việc hay chậm trả Sổ bảo hiểm xã hội thì thời hiệu khởi kiện cũng đều là 01 năm, tính từ ngày nhận được Quyết định nghỉ việc hay ngày nhận Sổ bảo hiểm xã hội đến ngày khởi kiện; Tại Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số 63/2019/QĐKN-VKS-LĐ, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng cho rằng “việc khởi kiện của ông T thuộc trường hợp khiếu kiện, khởi kiện liên tục những yêu cầu của người khởi kiện chưa được giải quyết, lỗi này không thuộc về ông T”. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 131 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2006 và Điều 119 Luật Bảo hiểm xã hội thì người lao động có quyền lựa chọn hoặc là khiếu nại đến cơ quan có thẩm quyền hoặc khởi kiện vụ án tại Tòa án. Nếu cơ quan có thẩm quyền có quyết định giải quyết khiếu nại mà người lao động không đồng ý hoặc quá thời hạn mà không được giải quyết thì người lao động có quyền khởi kiện ra Tòa án. Trong vụ việc này, người lao động đã khởi kiện tại Tòa án từ năm 2008 nhưng đã hết thời hiệu khởi kiện (như nêu ở trên); sau đó ông T đã khiếu nại đến cơ quan lao động cấp tỉnh và đã được cơ quan này giải quyết. Vì khiếu nại của ông T được chấp nhận nên ông T không khởi kiện hoặc khiếu nại tiếp (Nếu khiếu nại không được chấp nhận, thì ông T cũng không thể khởi kiện vì đã hết thời hiệu) Do đó, việc khởi kiện của ông T thuộc trường hợp Tòa án phải trả lại đơn khởi kiện hoặc đình chỉ giải quyết vụ án theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 192; điểm g khoản 1 Điều 217 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 (sự việc đã được giải quyết bằng quyết định có hiệu lực pháp luật của cơ quan nhà nước có thẩm quyền).

Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng còn cho rằng “Tại Tòa án, Công ty có lời khai thừa nhận có vi phạm và đã thực hiện một phần nghĩa vụ; do đó trường hợp này phải bắt đầu lại thời hiệu theo quy định tại Điều 157 Bộ luật dân sự năm 2015”. Tuy nhiên, lời khai của đương sự tại Tòa án là chứng cứ mới xuất hiện tại Biên bản lấy lời khai của đương sự ngày 25/8/2018 (sau khi Tòa án đã thụ lý vụ án, ngày 25/9/2017). Tại thời điểm Tòa án nhận đơn khởi kiện, chưa có chứng cứ làm căn cứ bắt đầu lại thời hiệu nên không thể áp dụng quy định tại Điều 157 Bộ luật dân sự năm 2015 như nhận định tại Quyết định kháng nghị;

Toà án cấp giám đốc thẩm quyết định: Không chấp nhận Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân
cấp cao tại Đà Nẵng. Giữ nguyen quyết định của Toà án phúc thẩm.

01 – 10

Bản án số 110/2021/HS-PT ngày 03/02/2021 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh

Nội dung: Công ty Công ty Xổ số Đồng Nai là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước do UBND tỉnh Đồng Nai làm chủ sở hữu, người đại diện theo pháp luật là ông M, Tổng giám đốc. 2008 – 2012, trong quá trình quản lý, điều hành Công ty Xổ số Đồng Nai, M và các đối tượng có liên quan đã thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật như sau:

– Hành vi của M – nguyên tổng giám đốc: Tăng quỹ lương Công ty để hưởng lợi trái phép khi Công ty không đủ điều kiện để tăng quỹ lương từ năm 2008 – 2012. Nâng hệ số điều chỉnh tăng thêm mức lương tối thiểu mặc dù Công ty không đủ điều kiện; không áp dụng mức lương tối thiểu chung, nâng số lao động định mức kế hoạch cao hơn 115% cao hơn số lao động thực tế, sau đó ăn chênh lệch. Số tiền thiệt hại xác định là 78.599.148.658 đồng.

– Hành vi phạm tội của các bị cáo Đào Ngọc H – nguyên trưởng Phòng, Khương Thái H – nguyên Phó trưởng Phòng chính sách lao động thuộc Sở LĐTBXH, Cao Thị C – nguyên Phó phòng nghiệp vụ 2, Chi cục tài chính doanh nghiệp tỉnh Đồng Nai: Mặc dù biết Công ty Xổ số Đồng Nai không đủ điều kiện để tăng quỹ lương theo quy định của Chính phủ và Bộ LĐTBXH do lợi nhuận kế hoạch thấp hơn lợi nhuận thực hiện năm trước, nhưng với mục đích tạo điều kiện cho Công ty tăng quỹ lương trái phép, từ 2008 – 2012, hàng năm Nguyễn Văn M mời Lâm Duy Tín, Đào Ngọc H, Khương Thái H và Cao Thị C họp Hội đồng xét duyệt dự toán đơn giá tiền lương và quyết toán quỹ lương của Công ty. Đào Ngọc H, Khương Thái H và Cao Thị C biết Công ty không đủ điều kiện áp dụng hệ số tăng thêm mức lương tối thiểu nhưng vẫn ký biên bản chấp thuận cho Công ty được áp dụng hệ số điều chỉnh tăng thêm mức lương tối thiểu thêm lên 1,34 lần. Khương Thái H đã tham mưu, soạn thảo trình Lâm Duy Tín ký ban hành 05 văn bản thông báo đơn giá tiền lương để Công ty XSKT thực hiện (từ 2008 – 2012 mỗi năm 01 thông báo).

Tòa án cấp sơ thẩm tuyên: Bị cáo M phạm tội “Tham ô tài sản” với 16 (mười sáu) năm tù; bị cáo C 02 năm tù nhưng cho hưởng án treo thời gian thử thách là 04 năm kể từ ngày tuyên án; Đào Ngọc H 03 năm tù nhưng cho hưởng án treo thời gian thử thách là 05 năm; Khương Thái H: 02 năm tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 04 năm phạm tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”….và các trách nhiệm dân sự khác.

Tòa án cấp phúc thẩm nhận định: Năm 2008, mức lương tối thiểu vùng khu vực thành phố Biên Hòa là 580.000đ. M, S và O lập báo cáo dự toán đơn giá tiền lương với hệ số điều chỉnh là 1,34, mức lương tối thiểu là 1.357.200đ, số lao động trên dự toán là 142 người (trong khi số lao động thực tế là 73 người), dẫn đến quỹ lương chi sai theo quy định là 14.788.967.606đ. Dự toán này đã được Hội đồng thẩm định xét duyệt. Kết quả điều tra cho thấy, từ năm 2008 đến năm 2012, Nguyễn Văn M và Nguyễn Thị Thùy O thực hiện trái công vụ trong việc xây dựng đơn giá tiền lương, không báo cáo chủ sở hữu là UBND tỉnh theo quy định tại Nghị định 86/2007/NĐ-CP, gây thiệt hại 78.599.148.658 đồng của ngân sách Nhà nước.

Xét kháng cáo của bị cáo M về phần tội danh và xin giảm nhẹ hình phạt thì thấy: Bị cáo M và O dù biết việc mình làm là trái pháp luật, đã đề nghị tăng lương tối thiểu trái pháp luật cho toàn bộ người lao động, như vậy toàn bộ người lao động được hưởng lợi từ việc tăng lương. Tại hội nghị tổng kết công tác Tòa án nhân dân tối cao năm 1993, Chánh án TANDTC đã kết luận: Việc lấy tài sản của Nhà nước chia cho mọi người trong đơn vị, cơ quan, xí nghiệp là tội “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế”; còn việc lấy tài sản của Nhà nước chia cho một nhóm người thì bị coi là “Tham ô tài sản”. Hành vi phạm tội của M và O là lấy tài sản Nhà nước đem chia cho tất cả mọi người trong công ty nên không phạm tội “Tham ô tài sản” mà có dấu hiệu của tội “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại Điều 165 BLHS năm 1999.

Viện kiểm sát truy tố M và O về tội “Tham ô tài sản” và cấp sơ thẩm kết luận, xử phạt M và O về tội “Tham ô tài sản” là không đúng với bản chất vụ án.

Đối với kháng cáo của 25 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan về phần trách nhiệm dân sự, yêu cầu giám định lại thiệt hại trong vụ án: Xét thấy việc giám định của Bộ Lao động TBXH chỉ kết luận về nguyên tắc để xác định sai phạm, chưa kết luận cụ thể số tiền lương chênh lệch (do việc tăng lương tối thiểu trái pháp luật) của từng cán bộ nhân viên công ty, tính toán cụ thể tiền thuế thu nhập phải nộp của từng người, xem xét cụ thể trong số tiền này có tiền làm thêm giờ, làm thêm ngày nghỉ, ngày lễ hay không để đưa ra số liệu chính xác, bảo đảm quyền lợi cho người lao động. Thiếu sót này cấp phúc thẩm không thể khắc phục được tại phiên tòa hôm nay.

Tòa án cấp phúc thẩm tuyên: Chấp nhận một phần kháng cáo của M, một phần kháng cáo của 25 người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là cán bộ, nhân viên Công ty xổ số kiến thiết và dịch vụ tổng hợp Đồng Nai; hủy một phần bản án sơ thẩm; chuyển hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát nhân dân tối cao điều tra lại. Đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với toàn bộ nội dung kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí M. Phần quyết định của bản án sơ thẩm đối với các bị cáo Đào Ngọc H, Khương Thái H, Cao Thị C có hiệu lực pháp luật.

11 – 26

Bản án số: 1127/2020/KDTM-PT ngày 23/12/2020 của Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh về việc “Tranh chấp về hợp đồng hợp tác góp vốn đầu tư và về hợp đồng chuyển nhượng vốn góp”

Nội dung: Ngày 14/9/2006, Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam (“Ngân hàng”) ký Hợp đồng góp vốn đầu tư số với Công ty TNHH TS – Bộ quốc phòng với giá trị vốn góp là 35 tỷ. Ngày 06/10/2006 và ngày 19/10/2006, nguyên đơn đã chuyển cho bị đơn 35 tỷ. Ngày 02/04/2007 và ngày 16/10/2008, hai bên ký phụ lục số 230 và phụ lục số 2, thỏa thuận về việc góp vốn, về chuyển nhượng 50% vốn góp và về nguyên tắc phân chia lợi nhuận. Ngày 17/10/2007, bị đơn đã chuyển 2.497.446.123 để tạm ứng thu nhập hợp đồng góp vốn đầu tư. Ngày 05/07/2007 và ngày 30/09/2009 bị đơn đã chuyển 22.187.000 đồng và 856.416.667 đồng để thực hiện nghĩa vụ trả lãi. Tiếp theo, bị đơn chuyển 5.484.000.000 đồng, 6.105.500.000 đồng và 10.140.000.000 đồng để thực hiện thanh toán mua lại 50% phần vốn góp theo thỏa thuận các Hợp đồng và Phụ lục nêu trên. Ngày 16/05/2011, nguyên đơn chuyển nhượng toàn bộ 50% số vốn góp còn lại 17.500.000.000 đồng cho bị đơn với giá 26.000.000.000 đồng.

Quá thời hạn đã cam kết là 6 tháng 10 ngày nhưng bị đơn chuyển chỉ mới chuyển 15.100.000.000 đồng. Nguyên đơn yêu cầu bị đơn thanh toán số tiền còn nợ là 10.900.000.000 đồng. và yêu cầu tiền lãi 22,5% là 29.335.041.667 đồng.

Tòa án cấp sơ thẩm tuyên: Chấp nhận một phần yêu cầu của nguyên đơn.

Buộc Công ty TNHH TS có nghĩa vụ thanh toán cho Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam số tiền 23.187.297.061 đồng, trong đó nợ gốc là 10.900.000.000 đồng và tiền lãi do chậm thực hiện nghĩa vụ thanh toán tính đến ngày 04/8/2020 là 12.287.297.061 đồng. Không chấp nhận yêu cầu phản tố của bị đơn về việc yêu cầu nguyên đơn hoàn trả số tiền 4.637.883.123 đồng.

Tòa án cấp phúc thẩm nhận định:

Đối với yêu cầu kháng cáo cho rằng Hợp đồng số 373, vô hiệu do vi phạm quy định về góp vốn quy định tại Khoản 4, Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2005: Xét Hợp đồng số 373 thì giao dịch giữa các bên không phải là góp vốn vào doanh nghiệp mà là góp vốn để đầu tư dự án, do đó phải áp dụng Khoản 1 và Khoản 3 Luật đầu tư năm 2005 và Khoản 2 Điều 24 Nghị định 79/2002/NĐ-CP ngày 04/10/2002 của Chính Phủ. Công ty TS cần vốn để khai thác dự án xây dựng Trung tâm triển lãm và xúc tiến thương mại Quân đội. Ngân hàng có nguồn vốn với tư cách là nhà đầu tư trung gian theo hợp đồng 373. Căn cứ theo quy định thì nguyên đơn bỏ vốn vào đầu tư mà không tham gia quản lý được xem là đầu tư gián tiếp, phù hợp với quy định Khoản 1 và Khoản 3 Điều 3 Luật đầu tư 2005. Do đó Công ty TS cho rằng việc góp vốn vi phạm quy định tại Luật Doanh Nghiệp là không có cơ sở.

Đối với yêu cầu kháng cáo cho rằng Hợp đồng số 373, vô hiệu do vi phạm quy định về sử dụng vốn Nhà nước quy định tại Khoản 3, Điều 67 Luật Đầu tư 2005: Công ty TS cho rằng cả hai đều là doanh nghiệp Nhà nước, được Nhà nước giao vốn để quản lý đầu tư và hoạt động kinh doanh, thì việc sử dụng vốn Nhà nước để đầu tư phải được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định đầu tư thẩm định và chấp thuận. Theo quy định tại Điều 2, Nghị định 79/2002/NĐ-CP thì nguyên đơn được phép huy động vốn khác để thực hiện hoạt động đầu tư theo quy định và nguồn vốn đầu tư vào bị đơn và nguồn vốn khác không phải là nguồn vốn ngân sách Nhà nước theo quy định tại Khoản 10 Điều 3 Luật đầu tư 2005 mà không phải cần sự chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền theo Khoản 3 Điều 67 của Luật đầu tư năm 2005. Do đó bị đơn kháng cáo cho rằng nguyên đơn và bị đơn vi phạm quy định về sử dụng vốn Nhà nước theo quy định tại Khoản 3, Điều 67 Luật Đầu tư năm 2005 là không có cơ sở.

Đối với yêu cầu kháng cáo cho rằng Hợp đồng số 373, vô hiệu do giả tạo, che dấu giao dịch cho vay tài sản theo quy định tại Điều 128; Điều 129 Bộ luật Dân sự năm 2005: Giao dịch giữa các bên là hình thức đầu tư gián tiếp trên cơ sở tự nguyện thỏa thuận góp vốn và chia lợi nhuận. Thực tế các đương sự có thỏa thuận góp vốn, nguyên đơn có chuyển tiền góp vốn và bị đơn có sử dụng vốn góp của nguyên đơn để xây dựng là có thật. Nên Hợp đồng số 373 không phải là giao dịch giả tạo, không có việc che giấu mức lãi suất.

Đối với yêu cầu phản tố của bị đơn: Phụ lục và Hợp đồng không có cơ sở tuyên vô hiệu do đó không chấp nhận yêu cầu phản tố của bị đơn yêu cầu hoàn trả số tiền chênh lệch. Đối với Hợp đồng số 05, sau khi thực hiện Hợp đồng số 373 thì tiền góp vốn của nguyên đơn đã trở thành sở hữu chung hỗn hợp tại dự án theo Điều 218 Bộ luật dân sự 2005.Và khi nguyên đơn không còn ý định hợp tác cùng thì các đương sự đã thỏa thuận về việc chuyển nhượng lại phần tài sản đó cho bị đơn phù hợp với quy định Điều 11 Luật thương mại năm 2005. Căn cứ vào sự thừa nhận của các đương sự tại phiên tòa và các tài liệu chứng cứ thể hiện tại hồ sơ, Đồng thời căn cứ Điều 2 của Hợp đồng số 05 có cơ sở chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn về số tiền gốc và nợ lãi như bản án sơ thẩm.

Tòa án cấp phúc thẩm tuyên: Không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của bị đơn, giữ nguyên Bản án dân sự sơ thẩm.

27 – 36

Bản án số 75/2020/KDTM-ST ngày 20/11/2020 của Tòa án nhân dân quận Đống Đa, thành phố Hà Nội về việc “Tranh chấp hợp đồng mua bán cổ phẩn”

Nội dung: Thực hiện chủ trương cổ phần hóa của Bộ tài chính và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, Công ty B được phép chuyển đổi mô hình hoạt động từ doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước thành Công ty cổ phần. Năm 2008 Công ty B thực hiện cổ phần hóa và chào bán đấu giá cổ phần, Công ty T đã mua 40.000 cổ phần tương đương 412.000.000 đồng. Năm 2010 Công ty B đã cấp cho Công ty T 01 Giấy chứng nhận nộp tiền mua cổ phần nói trên.

Sau đó Công ty T đã nhiều lần liên hệ với Công ty B để yêu cầu ghi nhận tư cách cổ đông thì được biết việc cổ phần hóa của Công ty B không thành công. Công ty T yêu cầu Tòa án xác định Hợp đồng mua bán cổ phần giữa Công ty T và Công ty B là hợp đồng hợp pháp và đề nghị Tòa án chấm dứt hiệu lực hợp đồng này do bên Công ty B chậm thực hiện nghĩa vụ. Công ty T đề nghị Tòa án buộc Công ty B phải hoàn trả số tiền 412.000.000 đồng do Công ty T đã bỏ ra để mua 40.000 cổ phần của Công ty B. Ngoài ra, Công ty T không yêu cầu Công ty B thanh toán khoản tiền lãi của số tiền trên, không yêu cầu bồi thường thiệt hại và phạt vi phạm hợp đồng.

Tòa án cấp sơ thẩm nhận định: Giao dịch dân sự giữa các bên được thực hiện từ năm 2008 đến nay, theo quy định tại Điểm b và d Khoản 1 Điều 688 BLDS 2015 về việc áp dụng pháp luật đối với giao dịch dân sự được xác lập trước ngày Bộ luật Dân sự 2015 có hiệu lực đang được thực hiện mà có nội dung và hình thức phù hợp với quy định của Bộ luật này thì áp dụng quy định của BLDS 2015. Đây là tranh chấp Hợp đồng mua bán cổ phần do việc thành lập Công ty cổ phần không thực hiện được theo quy định của pháp luật, bên mua cổ phần yêu cầu bên bán cổ phần hoàn trả số tiền đã nhận nên theo quy định tại Điều 184 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 vụ án này không thuộc trường hợp phải áp dụng thời hiệu khởi kiện.

Đối với doanh nghiệp 100% vốn nhà nước chuyển đổi thành Công ty cổ phần kết hợp chào bán cổ phiếu ra công chúng thì thực hiện theo quy định của pháp luật về chuyển doanh nghiệp nhà nước thành Công ty cổ phần, cụ thể: Nghị định 109/2007/NĐ-CP ngày 26/6/2007 của Chính phủ (có hiệu lực từ ngày 01/8/2007 – hết hiệu lực ngày 05/9/2011); Nghị định 59/2011/NĐ-CP ngày 18/7/2011 của Chính phủ (có hiệu lực từ ngày 05/9/2011); Nghị định 126/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 của Chính phủ (có hiệu lực từ ngày 01/01/2018). Đối chiếu với quy định tại các Nghị định hướng dẫn nêu trên thì kể từ ngày quyết định phê duyệt phương án cổ phần hóa, doanh nghiệp phải hoàn thành việc bán cổ phần trong thời hạn 3 tháng (Điều 41 Nghị định 109/2007/NĐ-CP và Điều 44 Nghị định 59/2011/NĐ-CP) và thời hạn 4 tháng (Điều 38 Nghị định 126/2017/NĐ-CP). Thực tế, tổng số cổ phần của Công ty bán ra chỉ đạt 12% vốn điều lệ và tỷ lệ bán ra chưa đạt mức tối thiểu 25%, đến thời điểm hiện tại đã hơn 10 năm Công ty B vẫn chưa hoàn thành cổ phần hóa.

Theo quy định trường hợp chào bán công khai mà không bán hết thì Công ty B phải báo cơ quan có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa để điều chỉnh cơ cấu vốn điều lệ để chuyển 100% vốn Nhà nước thành Công ty cổ phần sau đó tiến hành họp Đại hội cổ đông lần đầu ghi nhận tư cách cổ đông của những nhà đầu tư đã mua cổ phần của Công ty. Quá trình giải quyết vụ án cũng như tại phiên tòa, Công ty B không cung cấp được tài liệu chứng cứ chứng minh đã thực hiện các biện pháp cần thiết để hoàn thành việc cổ phần hóa và ghi nhận tư cách cổ đông cho Công ty T trong thời gian từ năm 2009 cho đến nay. Nay Công ty B xác nhận việc cổ phần hoá không thành công nhưng luôn lấy lý do chờ ý kiến chỉ đạo của các Cơ quan chủ quản có thẩm quyền để trì hoãn yêu cầu giải quyết quyền lợi của các nhà đầu tư. Đối chiếu với các quy định pháp luật thấy rằng trách nhiệm thực hiện việc cổ phần hóa là của Công ty B mà cụ thể là của Ban chỉ đạo cổ phần hóa Công ty chứ không phụ thuộc vào bất cứ chỉ đạo của Cơ quan chủ quản có thẩm quyền nào khác.

Từ những phân tích nêu trên xác định đối với hợp đồng mua bán cổ phần giữa Công ty T và Công ty B thì Công ty T đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của bên mua là thanh toán tiền mua cổ phần. Trong khi đó bên bán là Công ty B đã không thực hiện nghĩa vụ của mình khi không hoàn thành cổ phần hóa, dẫn đến việc nhà đầu tư như Công ty T trong nhiều năm qua không được sở hữu cổ phần của Công ty B, không đạt được mục đích của việc giao kết hợp đồng.

Tòa án cấp sơ thẩm tuyên: Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty T. Tuyên bố chấm dứt hiệu lực của Hợp đồng mua bán cổ phần giữa Công ty T và Công ty B. Buộc Công ty B phải hoàn trả cho Công ty T số tiền mua bán cổ phần là 412.000.000 đồng. Ghi nhận sự tự nguyện của Công ty T không yêu cầu tính lãi của số tiền 412.000.000 đồng và bồi thường thiệt hại đối với Công ty B.

37 – 42

 …Xem tiếp tại file PDF

XEM TOÀN BỘ BẢN ÁN VÀ TẢI FILE PDFTỔNG HỢP 30 BẢN ÁN, QUYẾT ĐỊNH GIÁM ĐỐC THẨM CÓ NHẬN ĐỊNH LIÊN QUAN ĐẾN DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC

………………..

Luật sư tại Đà Nẵng

99 Nguyễn Hữu Thọ, Quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng

Luật sư tại Huế: 

56A Điện Biên Phủ, phường Phường Đúc, thành phố Huế, Thừa Thiên Huế

Luật sư tại TP. Hồ Chí Minh:

122 Đinh Bộ Lĩnh, quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh

Luật sư tại Hà Nội:

Tầng 5, số 11 Ngõ 183, phố Đặng Tiến Đông, phường Trung Liệt, quận Đống Đa, Hà Nội

Luật sư tại Nghệ An:

Số 19 đường V.I Lê Nin, Nghi Phú, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An

Quốc lộ 1A, Khối 11, phường Quỳnh Xuân, Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An

Website: www.fdvn.vn    www.fdvnlawfirm.vn  www.diendanngheluat.vn  www.tuvanphapluatdanang.com

Email: fdvnlawfirm@gmail.com    luatsulecao@gmail.com

Điện thoại: 0906 499 446 – 0905 045 915

Fanpage LUẬT SƯ FDVN: https://www.facebook.com/fdvnlawfirm/

Legal Service For Expat:  https://www.facebook.com/fdvnlawfirmvietnam/

TỦ SÁCH NGHỀ LUẬT: https://www.facebook.com/SayMeNgheLuat/

DIỄN ĐÀN NGHỀ LUẬT: https://www.facebook.com/groups/saymengheluat/

KÊNH YOUTUBE: https://www.youtube.com/c/luatsufdvn

KÊNH TIKTOK: https://www.tiktok.com/@luatsufdvn

KÊNH TELEGRAM FDVN: https://t.me/luatsufdvn

Bài viết liên quan