FDVN trân trọng giới thiệu tài liệu “TỔNG HỢP 25 BẢN ÁN KHIẾU KIỆN QUYẾT ĐỊNH THU HỒI ĐẤT; QUYẾT ĐỊNH BỒI THƯỜNG, HỖ TRỢ VÀ TÁI ĐỊNH CƯ KHI THU HỒI ĐẤT” do các Luật sư – Chuyên viên pháp lý của FDVN sưu tầm, tổng hợp.
Tài liệu này phục vụ cho mục đích học tập, nghiên cứu, công tác và được chia sẻ hoàn toàn miễn phí. Chúng tôi phản đối việc sử dụng tài liệu này vào mục đích thương mại và mục đích khác trái pháp luật.
MỤC LỤC
TỔNG HỢP 25 BẢN ÁN KHIẾU KIỆN QUYẾT ĐỊNH THU HỒI ĐẤT; QUYẾT ĐỊNH BỒI THƯỜNG, HỖ TRỢ VÀ TÁI ĐỊNH CƯ KHI THU HỒI ĐẤT
STT |
NỘI DUNG CHÍNH |
TRANG |
1 |
Bản án số: 14/2022/HC-ST ngày: 08/9/2022 của Tòa án nhân dân tỉnh Cao Bằng.
Về việc: Khởi kiện quyết định hành chính. Tóm tắt nội dung vụ việc: Ông Vũ Huy H khởi kiện yêu cầu hủy Quyết định thu hồi đất số 958/QĐ- UBND ngày 15/3/2021 của Uỷ ban nhân dân (viết tắt là UBND) huyện T, diện tích 27.368m2 đất bị thu hồi là một phần thửa đất số 2, tờ bản đồ số 1, địa chỉ: xóm B, xã S, huyện T, tỉnh Cao Bằng. Ông H không đồng ý với Quyết định thu hồi đất trên vì các lý do: Thứ nhất, ông H không vi phạm nghiêm trọng quy định của pháp luật về lâm nghiệp. Hành vi đổ đất vào những vị trí sâu, trũng nhằm mục đích phục vụ cho hoạt động canh tác, trồng rừng phủ xanh đất trống đồi núi trọc hiệu quả. Ông H cải tạo, phục hóa đất, phát triển kết cấu hạ tầng để làm tăng giá trị đất. Đây là việc làm được khuyến khích tại Điều 9 Luật Đất đai 2013. Đến ngày 08/5/2020, Phó Chủ tịch UBND xã L ban hành Quyết định xử phạt hành chính đối với hành vi đổ đất. Vì vậy, không thể kết luận hành vi của ông H vi phạm nghiêm trọng. Thứ hai, căn cứ điểm b Khoản 1 Điều 22 Luật Lâm nghiệp năm 2017 để kết luận ông H vi phạm là không đúng. Điều khoản này quy định căn cứ thu hồi đất là 12 tháng liên tục không bảo vệ, phát triển (trồng) rừng kể từ ngày giao đất. Ông H được giao đất từ năm 1999. Ngày giao đất là ngày 05/12/1999, ngay sau khi được giao, gia đình ông H đã trồng rừng, bảo vệ rừng xanh. Thứ ba, cho rằng ông H không khắc phục hậu quả sau khi bị xử phạt là căn cứ để thu hồi đất theo Kết luận thanh tra số 191/KL-UBND ngày 24/02/2021 của UBND huyện T là không đúng pháp luật. Bởi ông H chỉ có nghĩa vụ khắc phục hậu quả nếu Quyết định xử phạt vi phạm hành chính quy định nội dung này. Trong khi, Quyết định xử phạt số 50/QĐ-UBND ngày 08/5/2020 của UBND xã L chỉ quy định hình phạt chính (phạt tiền), không quy định biện pháp khắc phục hậu quả nào quy định. Ông H đã chấp hành nghiêm túc quyết định xử phạt (dù quyết định này trái về thẩm quyền: Phó Chủ tịch UBND xã không có thẩm quyền xử phạt – Chủ tịch UBND xã mới có thẩm quyền), thể hiện tại Biên lai thu tiền phạt số 0009626 ngày 18/3/2020. Thứ tư, cho rằng việc đổ đất làm ảnh hưởng đến nguồn nước của các hộ sử dụng liền kề là chưa có cơ sở. Bởi đã có 03 cống thoát nước lớn xuyên qua đường tỉnh lộ 208 (liền kề thửa đất của ông H) xuống đất của các hộ. Nguồn gốc diện tích đất bị thu hồi được UBND huyện T giao cho hộ ông Vũ Huy H theo Quyết định số 401/QĐ-UB ngày 05/12/1999 về việc giao rừng và đất lâm nghiệp để quản lý bảo vệ và phát triển sản xuất kinh doanh về lâm nghiệp, tổng diện tích được giao 68.000m2, mục đích sử dụng: giao đất trống để trồng rừng. Thửa đất này đã được UBND huyện T cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (viết tắt là GCNQSDĐ) số CQ 195992 diện tích được cấp là 40.389,3m2, loại đất rừng phòng hộ, thời hạn sử dụng đến ngày 30/7/2069. Nhận định của Tòa án sơ thẩm: Quyết định thu hồi đất số 958/QĐ-UBND về việc thu hồi đất của hộ ông Vũ Huy H, bà Đinh Thị K được thực hiện dựa trên Kết luận Thanh tra số 191/KL-UBND ngày 24/02/2021 của UBND huyện T, về việc thực hiện trách nhiệm quản lý, sử dụng đất đai tại thôn B, xã L, huyện T, do ông H đã vi phạm quy hoạch tự ý san gạt đất rừng phòng hộ trái phép chưa được cấp có thẩm quyền cho phép. Theo Kết luận Thanh tra số 191/KL-UBND ngày 24/02/2021 của UBND huyện T, về việc thực hiện trách nhiệm quản lý, sử dụng đất đai tại thôn B, xã L, huyện T đã kết luận: “Từ khi được giao đất gia đình ông H chưa thực hiện dự án phát triển rừng hoặc chăm sóc rừng tái sinh”. Tại Báo cáo số 57/BC-HKL ngày 28/5/2021 của Hạt kiểm lâm huyện T có nêu: “Theo kết quả Kiểm kê rừng năm 2015 và kết quả theo dõi diễn biến rừng hàng năm đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt diện tích đất đã được giao cho ông Vũ Huy H nay có trạng thái là Rừng gỗ tự nhiên núi đá lá rộng thường xanh phục hồi (ký hiệu TXP) thuộc rừng phòng hộ đầu nguồn không phải trạng thái rừng trồng. Như vậy chủ rừng đã không thực hiện theo đúng quy định của pháp luật và có thể bị thu hồi đất rừng theo quy định tại Điều 14 Luật Bảo vệ và phát triển rừng năm 1991”. Theo Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ rừng và phát triển rừng; Nghị định số 71/NQ-CP ngày 08/8/2017 của Chính phủ ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng quy định hiện nay đang tạm dừng việc khai thác rừng tự nhiên, cải tạo rừng tự nhiên nên chủ rừng chỉ được áp dụng các biện pháp khoanh nuôi bảo vệ rừng. Như vậy, ông H không được phép cải tạo, phục hóa hay phát triển kết cấu hạ tầng đối với rừng phòng hộ tự nhiên. Ngày 09/4/2019, khi phát hiện việc đổ đất tại thửa đất của gia đình ông H, UBND xã L đã lập biên bản nhắc nhở và đề nghị không được tiếp tục đổ đất. Tuy nhiên gia đình ông H vẫn tiếp tục cho đổ đất, làm thay đổi hiện trạng thửa đất. Cộng đồng dân cư xóm B, xã L có ý kiến phản ảnh việc ông H đổ đất làm ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt của nhân dân. UBND xã L đã nhiều lần lập biên bản, tiến hành xử phạt vi phạm hành chính và yêu cầu thực hiện các biện pháp khắc phục dứt điểm nhưng gia đình ông H vẫn tái phạm, không thực hiện nghiêm túc các biện pháp khắc phục. Đến năm 2020, gia đình ông H vẫn tiếp tục cho đổ đất, tự ý san gạt thêm một dông đồi xuống bằng với mặt đường tỉnh lộ 208 với khối lượng san gạt trên 1000m. Hành vi vi phạm của gia đình ông H không những làm ảnh hưởng đến môi trường mà còn tạo dư luận xấu, gây bức xúc trong quần chúng nhân dân. Tại biên bản xem xét, thẩm định tại chỗ ngày 28/7/2022 đã xác định: Toàn bộ diện tích đất 27.368m2 bị thu hồi có đổ đất, hiện nay trên tổng diện tích đất 27.368m2 bị đất vùi lấp có 08 cây keo cao khoảng 40cm đến 80cm. Có hiện tượng đất tràn xuống chân đồi, che lấp một phần khe nước, ảnh hưởng một phần dòng chảy. Do ông H có hành vi đổ đất làm thay đổi hiện trạng sử dụng đất đối với diện tích 27.368m2 trên tổng diện tích 40.383,3m2 được cấp theo GCNQSDĐ số CQ 195992 ngày 06/8/2019 là vi phạm pháp luật. UBND xã L đã tiến hành xử phạt hành chính đối với ông Vũ Huy H theo Nghị định số 91/2019/NĐ-CP ngày 19/11/2019 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai với mức phạt là 5.000.000 đồng. Hành vi vi phạm của ông H bị xử phạt vi phạm hành chính là đúng pháp luật. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo khoản 1 Điều 38 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã L. Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 50/QĐ-UBND ngày 08/5/2020 do Phó Chủ tịch ký TM.ỦY BAN NHÂN DÂN là không đúng thẩm quyền. Tuy nhiên, ông H không khiếu nại quyết định này, đồng thời ông H đã chấp hành xong quyết định xử phạt, thể hiện tại Biên lai thu tiền phạt số 0009626 ngày 18/3/2020. UBND huyện T căn cứ Điều 43 Nghị định số 156/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp về trình tự, thủ tục thu hồi rừng, chuyển đổi rừng thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai và phải căn cứ kết quả kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Quá trình thực hiện việc thu hồi đất chưa được chặt chẽ nhưng với hành vi vi phạm của ông H Hội đồng xét xử thấy rằng việc thu hồi đất là cần thiết. Do ông H sử dụng đất được giao không đúng mục đích, tự ý san gạt đất rừng phòng hộ trái phép, không thực hiện đúng nghĩa vụ của chủ rừng theo quy định của pháp luật, UBND huyện T đã thu hồi một phần đất ông H được giao theo điểm a, điểm b khoản 1 Điều 22 của Luật Lâm nghiệp năm 2017 và khoản 3 điều 12 của Luật Đất đai năm 2013 là có căn cứ. Với những phân tích nêu trên, Hội đồng xét xử xét thấy không có căn cứ để chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông H. Toà án nhân dân sơ thẩm quyết định: Bác yêu cầu khởi kiện của ông Vũ Huy H về việc hủy Quyết định số 958/QĐ-UBND ngày 15/3/2021 của UBND huyện T về việc thu hồi đất của hộ ông Vũ Huy H, bà Đinh Thị K, trú tại: Tổ dân phố Y, thị trấn A, huyện T, tỉnh Cao Bằng. |
1 |
2 |
Bản án số: 618/2022/HC-PT ngày: 15/8/2022 của Tòa án nhân dân cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh.
Về việc: Khiếu kiện quyết định giải quyết khiếu nại về đất đai; quyết định thu hồi đất; quyết định bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi thu hồi đất. Tóm tắt nội dung vụ việc: Theo đơn khởi kiện và các tài liệu gửi Tòa án, người khởi kiện Phạm Thị Thanh H yêu cầu Tòa án giải quyết: 1/ Hủy Quyết định số 1404/QĐ-UBND ngày 18/7/2017 của Chủ tịch UBND tỉnh N về việc giải quyết khiếu nại của bà Phạm Thị Thanh H, cư ngụ tại nhà số 560 đường T, phường Đạo Long, thành phố P. 2/ Hủy Quyết định số 6994/QĐ-UBND ngày 22/8/2016 của Chủ tịch UBND thành phố P, tỉnh Ninh Thuận về việc giải quyết đơn khiếu nại của bà Phạm Thị Thanh H. 3/ Hủy Quyết định số 308/QĐ-UBND ngày 05/02/2016 của UBND thành phố P, tỉnh Ninh Thuận về việc thu hồi đất do hộ ông (bà) Phạm Thị Thanh H sử dụng tại phường Đài Sơn để bồi thường, giải phóng mặt bằng thực hiện dự án xây dựng đường nối đường Ngô Gia Tự với đường Lê Duẩn. 4/ Hủy Quyết định 341/QĐ-UBND ngày 05/02/2016 của UBND thành phố P, tỉnh Ninh Thuận về việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho hộ ông (bà) Phạm Thị Thanh H khi nhà nước thu hồi đất để thực hiện dự án đường nối Ngô Gia Tự với đường Lê Duẩn. 5/ Hủy Quyết định số 2012/QĐ-UBND ngày 26/9/2016 của UBND thành phố P, tỉnh Ninh Thuận về việc thu hồi đất do hộ ông (bà) Phạm Thị Thanh H sử dụng tại phường Đài Sơn để bồi thường, giải phóng mặt bằng thực hiện dự án xây dựng đường nối đường Ngô Gia Tự với đường Lê Duẩn. 6/ Hủy Quyết định 2014/QĐ-UBND ngày 26/9/2016 của UBND thành phố P, tỉnh Ninh Thuận về việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho hộ ông (bà) Phạm Thị Thanh H khi nhà nước thu hồi đất để thực hiện dự án đường nối Ngô Gia Tự với đường Lê Duẩn. – Lý do và căn cứ khởi kiện: Việc thu hồi đất nông nghiệp để thực hiện dự án đầu tư phát triển kinh tế, xã hội vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng đã được quy định tại Điều 61, khoản 3 Điều 62 Luật đất đai không có quy định nhà nước thu hồi đất để tạo quỹ đất phân lô, bán nền là trái pháp luật. Theo quy định tại khoản 2 Điều 62 luật Đất đai 2013 thì việc UBND thành phố Phan Rang – Tháp Chàm thu hồi đất của hộ gia đình bà nói riêng, các hộ gia đình có đất tại dự án nói chung để phục vụ phát triển kinh tế xã hội phải dựa trên căn cứ: “Kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt”. UBND thành phố P có lập kế hoạch sử dụng đất năm 2015 để thu hồi đất thực hiện dự án nhưng chưa được Hội đồng nhân dân tỉnh Ninh Thuận phê duyệt đã ra thông báo thu hồi đất và ra quyết định thu hồi đất là trái pháp luật. UBND tỉnh Ninh Thuận ban hành phương án tổng thể 02 dự án đường nối Ngô Gia Tự – Lê Duẩn và dự án đường N9, căn cứ pháp lý áp dụng Luật đất đai 2013, Nghị định 47/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ. Tuy nhiên, nội dung và phương án bồi thường tại Quyết định 221/QĐ-UBND ngày 25/5/2015 của UBND tỉnh Ninh Thuận phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư. Quyết định số 308/QĐ-UBND ngày 05/02/2016 của Chủ tịch UBND thành phố Phan Rang – Tháp Chàm về việc thu hồi đất; Quyết định 341/QĐ-UBND ngày 05/02/2016 của UBND thành phố Phan Rang – Tháp Chàm về việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư… lại áp dụng Luật đất đai 2003, Nghị định số 69/2009/NĐ-CP và Quyết định số 2380/2010/QĐ-UBND ngày 21/12/2010 và Quyết định số 38/2012/QĐ-UBND ngày 09/8/2012 của UBND tỉnh Ninh Thuận là chưa phù hợp với quy định của pháp luật, gây thiệt hại cho người đất bị thu hồi. Quyết định giải quyết khiếu nại lần 02 của Chủ tịch UBND tỉnh N không ban hành theo quy định tại Điều 40 Luật khiếu nại và mẫu số 16-KN ban hành kèm theo Thông tư số 07/2013/TT-TTCP ngày 31/10/2013 của Thanh tra Chính phủ, thiếu các phần, mục quan trọng như: không có mục “kết quả đối thoại” theo quy định tại điểm e khoản 2 Điều 4 Luật Khiếu nại, không có mục kết luận nội dung khiếu nại theo quy định tại điểm h khoản 2 Điều 40 Luật khiếu nại. Theo quy định tại Điều 39 Luật khiếu nại thì trong quá trình giải quyết khiếu nại lần 02, người giải quyết khiếu nại phải tiến hành đối thoại với người khiếu nại, người bị khiếu nại, người có quyền và nghĩa vụ liên quan. Trong quá trình giải quyết khiếu nại của bà H, Chủ tịch UBND tỉnh N có tổ chức đối thoại với người khiếu nại nhưng không có thành phần tham gia bắt buộc là Chủ tịch UBND thành phố Phan Rang – Tháp Chàm, không có người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan là ông Phạm Châu T. Theo quy định tại Điều 21 Thông tư số 07/2013/TT-TTCP ngày 31/10/2013 của Thanh tra Chính phủ hướng dẫn Luật khiếu nại thì đối thoại phải lập thành biên bản theo mẫu số 14-KN. Tuy nhiên, biên bản đối thoại lập ngày 13/3/2017 không lập theo mẫu số 14-KN, cụ thể biên bản đối thoại không có mục “kết quả đối thoại” mà lại có mục “kết luận của người giải quyết khiếu nại” là không đúng với tinh thần đối thoại, có dấu hiệu áp đặt từ người giải quyết khiếu nại đối với người khiếu nại bằng việc tự đưa ra kết luận, không phù hợp với tinh thần dân chủ trong giải quyết khiếu nại. Về yêu cầu đề nghị hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất của 05 nhân khẩu khi nhà nước thu hồi đất nông nghiệp. Hai thửa đất của hộ gia đình bà H là đất nông nghiệp, đất trồng cây hằng năm có nguồn gốc nhận chuyển nhượng từ năm 1999 và năm 2004. Sau khi nhận chuyển nhượng gia đình bà H không chuyển mục đích sử dụng đất, vẫn tiến hành trồng cây trên đất và nộp tiền thuế sử dụng đất nông nghiệp hằng năm cho nhà nước. Vì vậy, UBND thành phố Phan Rang – Tháp Chàm và UBND tỉnh Ninh Thuận cho rằng gia đình tôi không trực tiếp sản xuất đất nông nghiệp trên đất đó là không có căn cứ. Quyết định giải quyết khiếu nại của Chủ tịch UBND tỉnh N cho rằng tại tiêu đề của Quyết định 221/QĐ/UBND ngày 25/5/2015 của UBND tỉnh và các quyết định thu hồi, bồi thường, hỗ trợ chi tiết không ghi đầy đủ cụm từ “và tạo quỹ đất phân lô, chỉnh trang đô thị 02 bến tuyến đường dự án” nên gây hiểu nhầm. Đây là cách diễn giải ngụy biện vì trong tất cả các văn bản, tờ trình, quyết định của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận, Sở tài nguyên và môi trường, Thanh tra tỉnh đều thể hiện: Thu hồi đất để thực hiện xây dựng tuyến đường nối Ngô Gia Tự với đường Lê Duẩn và tạo quỹ đất phân lô, chỉnh trang đô thị 02 bên tuyến đường của dự án. Bản án sơ thẩm quyết định: 1. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của bà Phạm Thị Thanh H, tuyên: – Hủy một phần Quyết định số 1404/QĐ-UBND ngày 18/7/2017 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận về việc giải quyết khiếu nại của bà Phạm Thị Thanh H, cư ngụ tại nhà số 560 đường T, phường Đạo Long, thành phố P; hủy phần không hỗ trợ ổn định đời sống, sản xuất và chuyển đổi nghề đối với hộ bà Phạm Thị Thanh H; – Hủy một phần Quyết định số 6994/QĐ-UBND ngày 22/8/2016 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố P, tỉnh Ninh Thuận về việc giải quyết đơn khiếu nại của bà Phạm Thị Thanh H; hủy phần không hỗ trợ ổn định đời sống, sản xuất và chuyển đổi nghề đối với hộ bà Phạm Thị Thanh H; – Hủy một phần Quyết định 341/QĐ-UBND ngày 05/02/2016 của Ủy ban nhân dân thành phố P, tỉnh Ninh Thuận về việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho hộ ông (bà) Phạm Thị Thanh H khi nhà nước thu hồi đất để thực hiện dự án đường nối Ngô Gia Tự với đường Lê Duẩn; hủy phần không hỗ trợ ổn định đời sống, sản xuất và chuyển đổi nghề đối với hộ bà Phạm Thị Thanh H; – Hủy một phần Quyết định 2014/QĐ-UBND ngày 26/9/2016 của Ủy ban nhân dân thành phố P, tỉnh Ninh Thuận về việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho hộ ông (bà) Phạm Thị Thanh H khi nhà nước thu hồi đất để thực hiện dự án đường nối Ngô Gia Tự với đường Lê Duẩn; hủy phần không hỗ trợ ổn định đời sống, sản xuất và chuyển đổi nghề đối với hộ bà Phạm Thị Thanh H. 2. Bác yêu cầu của người khởi kiện Phạm Thị Thanh H về việc: – Hủy Quyết định số 308/QĐ-UBND ngày 05/02/2016 của Ủy ban nhân dân thành phố P, tỉnh Ninh Thuận về việc thu hồi đất do hộ ông (bà) Phạm Thị Thanh H sử dụng tại phường Đài Sơn để bồi thường, giải phóng mặt bằng thực hiện dự án xây dựng đường nối đường Ngô Gia Tự với đường Lê Duẩn; hủy phần không hỗ trợ ổn định đời sống, sản xuất và chuyển đổi nghề đối với hộ bà Phạm Thị Thanh H; – Hủy Quyết định số 2012/QĐ-UBND ngày 26/9/2016 của Ủy ban nhân dân thành phố P, tỉnh Ninh Thuận về việc thu hồi đất do hộ ông (bà) Phạm Thị Thanh H sử dụng tại phường Đài Sơn để bồi thường, giải phóng mặt bằng thực hiện dự án xây dựng đường nối đường Ngô Gia Tự với đường Lê Duẩn. Nhận định của Tòa án phúc thẩm: – Căn cứ Điều 62, Điều 66, Điều 69, Điều 75, Điều 83 và Điều 84 Luật Đất đai năm 2013, khoản 1 Điều 18 và khoản 2 Điều 21 Luật khiếu nại năm 2011, thì các quyết định hành chính bị kiện được ban hành đúng hình thức về thẩm quyền, trình tự thủ tục luật định. – Đối với việc hỗ trợ ổn định đời sống, sản xuất, chuyển đổi nghề: Các Quyết định số 1404/QĐ-UBND ngày 18/7/2017 của Chủ tịch UBND tỉnh N; Quyết định số 6994/QĐ-UBND ngày 22/8/2016 của Chủ tịch UBND thành phố P; Quyết định số 308/QĐ-UBND ngày 05/02/2016, Quyết định 341/QĐ-UBND ngày 05/02/2016, Quyết định 2014/QĐ-UBND ngày 26/9/2016 của UBND thành phố P, cho rằng hộ bà H không trực tiếp sản xuất đất nông nghiệp trên diện tích bị thu hồi kể từ khi được UBND thị xã Phan Rang – Tháp Chàm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vào các năm 1999 và 2004 cho đến thời điểm kiểm kê, đo đạc để thực hiện dự án xây dựng đường nối Ngô Gia Tự với Lê Duẩn nên không được hỗ trợ ổn định đời sống sản xuất, giao đất chuyển đổi nghề. Quá trình giải quyết vụ án, Tòa án nhân dân tỉnh Ninh Thuận căn cứ đơn xác nhận ngày 10/11/2016 của Hội nông dân phường Đ và UBND phường Đ, thành phố Phan Rang – Tháp Chàm xác nhận “bà Phạm Thị Thanh H, sinh năm 1965. Cư ngụ khu phố 5, phường Đ, thành phố Phan Rang – Tháp Chàm hiện nay bà đang sản xuất nông nghiệp tại địa phương”. Báo cáo số 111/BC-UBND ngày 13/12/2016 của UBND phường Đ và báo cáo số 57/BC-UBND ngày 16/7/2018 của UBND phường Đ nơi bà H cư trú đều xác nhận “gia đình bà H hiện nay đang thuê đất của ông Đặng Văn Ngọc để sản xuất nông nghiệp trên diện tích 3000m2 địa chỉ thửa đất tại khu phố 06 phường Đ (có hợp đồng thuê bằng giấy tay ngày 08/3/1998 giữa ông Đặng Văn Ngọc và bà Phạm Thị Thanh H)”. Cũng như bà H là thành viên Hội nông dân Việt Nam, có trực tiếp canh tác và sản xuất đất nông nghiệp. Theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 19 Nghị định 47/2014/ NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2014 của Chính Phủ hướng dẫn điểm a khoản 2 Điều 83 của Luật Đất đai quy định hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất khi Nhà nước thu hồi đất; Đối tượng được hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất gồm các trường hợp sau: “c) Hộ gia đình, cá nhân thuộc đối tượng đủ điều kiện được giao đất nông nghiệp theo quy định tại điểm a khoản này nhưng chưa được giao đất nông nghiệp và đang sử dụng đất nông nghiệp do nhận chuyển nhượng, nhận thừa kế, được tặng cho, khai hoang theo quy định của pháp luật, được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất thu hồi xác nhận là đang trực tiếp sản xuất trên đất nông nghiệp đó”. Điều 20 Nghị định 47/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2014 của Chính Phủ quy định về hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm đối với trường hợp Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp: “ 1. Hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp quy định tại các Điểm a, b, c và d Khoản 1 Điều 19 của Nghị định này (trừ trường hợp hộ gia đình, cá nhân là cán bộ, công nhân viên của nông trường quốc doanh, lâm trường quốc doanh đã nghỉ hưu, nghỉ mất sức lao động, thôi việc được hưởng trợ cấp) khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp mà được bồi thường bằng tiền thì ngoài việc được bồi thường bằng tiền đối với diện tích đất nông nghiệp thu hồi còn được hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm theo quy định sau đây: a) Hỗ trợ bằng tiền không quá 05 lần giá đất nông nghiệp cùng loại trong bảng giá đất của địa phương đối với toàn bộ diện tích đất nông nghiệp thu hồi; diện tích được hỗ trợ không vượt quá hạn mức giao đất nông nghiệp tại địa phương; b) Mức hỗ trợ cụ thể do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định căn cứ điều kiện thực tế của địa phương…”. Khoản 2 Điều 6 Thông tư số 37/2014/TT-BTNMT ngày 30/6/2014 của Bộ tài nguyên và môi trường quy định chi tiết về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi thu hồi đất quy định: 2. Hộ gia đình vừa có nhân khẩu là cán bộ, công chức, viên chức (đang làm việc hoặc đã nghỉ hưu, nghỉ mất sức lao động, thôi việc được hưởng trợ cấp) vừa có nhân khẩu không phải là cán bộ, công chức, viên chức nhưng đang sử dụng đất nông nghiệp vào mục đích sản xuất nông nghiệp, khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp của hộ gia đình đó thì nhân khẩu không phải là cán bộ, công chức, viên chức được hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất; được hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm. UBND cấp tỉnh căn cứ điều kiện cụ thể tại địa phương quy định mức hỗ trợ cho phù hợp. Đối chiếu các quy định trên, Tòa án nhân dân tỉnh Ninh Thuận xác định hộ bà Phạm Thị Thanh H đủ điều kiện thuộc trường hợp được hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất, được hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm. Từ đó hủy một phần các quyết định hành chính liên quan là có căn cứ. – Đối với Quyết định thu hồi đất thu hồi đất: Xét thấy, dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Ngô Gia Tự nối đường Lê Duẩn thuộc Khu quy hoạch dân cư Bắc Trần Phú (thực hiện theo hình thức xây dựng – chuyên giao) được Tỉnh ủy Ninh Thuận đồng ý chủ trương triển khai thực hiện tại Văn bản số 2165-CV/TƯ ngày 08/10/2014 và được Hội đồng nhân dân tỉnh chấp thuận phương thức thanh toán hợp đồng xây dựng chuyển giao (BT) tại Văn bản số 124/HĐND-VP ngày 27/12/2014, trong đó có nội dung: Khi triển khai thực hiện dự án đồng thời tiến hành thu hồi đất hai bên đường mỗi bên 20m để tạo quỹ đất ở, kết hợp chỉnh trang đô thị đúng theo quy hoạch được duyệt. Theo mục 11, Điều 1 của Quyết định số 86/QĐ-UBND ngày 15/01/2015 của ủy ban nhân dân tỉnh về việc phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án đầu tư công trình đường Ngô Gia Tự nối đường Lê Duẩn thuộc khu quy hoạch dân cư Bắc Trần Phú (thực hiện theo hình thức xây dựng – chuyển giao), đã xác định phần diện tích đất dự kiến thu hồi là 29.560m2. Như vậy, diện tích 1.485m2 đất của hộ bà Phạm Thị Thanh H bị thu hồi thuộc trường hợp thu hồi đất để xây dựng tuyến đường Ngô Gia Tự nối đường Lê Duẩn và trường hợp thu hồi mỗi bên (20m x 2) = 40m để tạo quỹ đất chỉnh trang đô thị 02 bên tuyến đường dự án. – Đối với Quyết định bồi thường số 341/QĐ-UBND ngày 03 tháng 12 năm 2016. Căn cứ điểm b, điểm d, khoản 3, Điều 62 Luật Đất đai năm 2013, quy định: “Nhà nước thu hồi đất để phất triển kinh tế – xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng trong các trường hợp sau đây: … 3. Thực hiện các dự án do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh chấp thuận mà phải thu hồi đất bao gồm:… b) Dự án xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật của địa phương gồm giao thông, thủy lợi, cấp nước, thoát nước, điện lực, thông tin ỉiên lạc, chiếu sảng đô thị; công trình thu gom, xử lý chất thải;… d) Dự án xây dựng khu đô thị mới, khu dân cư nông thôn mới; chỉnh trang đô thị, khu dân cư nông thôn; cụm công nghiệp; khu sản xuất, chế biến nông sản, lâm sản, thủy sản, hải sản tập trung; dự án phất triển rùng phòng hộ, rừng đặc dụng”. Khoản 2 Điều 74 Luật Đất đai năm 2013 quy định: “Việc bồi thường được thực hiện bằng việc giao đất có cùng mục đích sử dụng với loại đất thu hồi, nếu không có đất để bồi thường thì được bồi thường bằng tiền theo giá đất cụ thể của loại đất thu hồi do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định tại thời điểm quyết định thu hồi đất”. Xét thấy, tại thời điểm triển khai dự án thì chính sách hỗ trợ của UBND tỉnh Ninh Thuận được thay đổi, cụ thể: UBND tỉnh ban hành Quyết định số 64/2016/QĐ-UBND ngày 26/9/2016 ban hành Quy định về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận (có hiệu lực kể từ ngày 06/10/2016) thay thế Quyết định số 2380/QĐ-UBND ngày 21/12/2010. Theo đó nếu hỗ trợ chính sách bồi thường, hỗ trợ cho bà Phạm Thị Thanh H theo quy định tại Quyết định 64/2016/QĐ-UBND ngày 26/9/2016 thì số tiền hỗ trợ bồi thường cho 01m2 đất nông nghiệp sẽ giảm so với Quyết định 2380/QĐ-UBND ngày 21/12/2010. Do đó UBND thành phố Phan Rang – Tháp Chàm giữ nguyên Quyết định việc bồi thường, hỗ trợ cho bà Phạm Thị Thanh H theo Quyết định số 2380/2010/QĐ-UBND là phù hợp. Vì thế Tòa án nhân dân tỉnh Ninh Thuận không chấp nhận yêu cầu của người khởi kiện về việc hủy các quyết định thu hồi đất là có căn cứ vì UBND tỉnh Ninh Thuận thực hiện bồi thường, hỗ trợ về đất theo đơn giá cụ thể cho hộ bà Phạm Thị Thanh H là đúng quy định pháp luật. – Đối với kháng cáo yêu cầu được cấp 03 lô đất tái định cư của bà Phạm Thị Thanh H: Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 75 Luật Đất đai 2013 thì hộ gia đình đang sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất, có đủ điều kiện để được bồi thường theo quy định mà không còn đất ở, nhà nào khác trong địa bàn xã, phường, thị trấn nơi có đất bị thu hồi thì được bồi thường bằng đất ở hoặc nhà ở. Như vậy điều kiện để được cấp tái định cư đã được quy định cụ thể. Tuy nhiên diện tích đất mà gia đình bà Phạm Thị Thanh H bị thu hồi không có nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất. Do đó UBND thành phố Phan Rang – Tháp Chàm chỉ bồi thường theo giá đất cụ thể cho gia đình bà H là có căn cứ. Tại phiên tòa phúc thẩm, người khởi kiện không cung cấp được chứng cứ gì mới nên không có cơ sở chấp nhận yêu cầu kháng cáo của bà Phạm Thị Thanh H. Toà án nhân dân phúc thẩm quyết định: Bác kháng cáo của người khởi kiện bà Phạm Thị Thanh H. Giữ nguyên bản án hành chính sơ thẩm số 17/2021/HC-ST ngày 6 tháng 10 năm 2021 của Tòa án nhân dân tỉnh Ninh Thuận. |
11 |
3 |
Bản án số: 70/2022/HC-PT ngày: 18/01/2022 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Hồ Chí Minh.
Về việc: Khiếu kiện hành vi không ban hành quyết định thu hồi đất, bồi thường khi nhà nước thu hồi đất. Tóm tắt nội dung vụ việc: Để thực hiện dự án xây dựng Siêu thị Metro Cash, Ủy ban nhân dân quận N đã thu hồi phần đất của ông Lê Văn T. Ngày 14/8/2004, gia đình ông T đã giao toàn bộ phần đất bị thu hồi (trong đó có 260m2 đất nói trên) cho Ban giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án nhưng đến nay không có quyết định thu hồi cũng như bồi thường phần đất này. Sau đó, gia đình ông có khiếu nại liên tục nhưng vẫn không được giải quyết. Do đó, ông T khởi kiện yêu cầu buộc Ủy ban nhân dân quận N ra quyết định thu hồi đất và thực hiện thủ tục bồi thường phần đất 260m2 tại phường H, quận N, thành phố Cần Thơ. Bản án sơ thẩm quyết định: Bác yêu cầu khởi kiện của người khởi kiện về việc yêu cầu Ủy ban nhân dân quận N ra quyết định thu hồi đất và thực hiện thủ tục bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất đối với phần diện tích đất mương 260 m2 tại phường H, quận N, thành phố Cần Thơ. Nhận định của Tòa án phúc thẩm: Nhận định của bản án sơ thẩm về căn cứ không bồi thường cho hộ ông Lê Văn T không có một trong các loại giấy tờ được quy định tại điều 50 Luật đất đai năm 2003. Nhưng UBND quận N cho rằng trước khi thu hồi đất, hộ ông Lê Văn T đã chuyển nhượng một phần diện tích đất cho một số hộ gia đình khác trong đó có toàn bộ diện tích mương nước. Do đó cần làm rõ để làm căn cứ có chấp nhận yêu cầu UBND quận N phải bồi thường cho hộ gia đình ông Lê Văn T hay không. Vì nếu như quan điểm của UBND quận N thì cần phải được làm rõ, diện tích mương nước 260m2 (4m x 65m) như yêu cầu khởi kiện của ông Lê Văn T có nằm trong diện tích đất đã được hộ ông Lê Văn Kiểu chuyển nhượng cho các hộ khác hay không. Còn nếu như diện tích mương đất 260m2 khi nhà nước thu hồi không chuyển nhượng cho các hộ dân khác thì cần xác định, diện tích mương nước và diện tích đất có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là hai thửa đất độc lập hay liền kề, diện tích thực tế hộ ông Lê Văn T sử dụng là bao nhiêu, tăng so với giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thuộc trường hợp nào, có lấn chiếm hay không. Hiện trạng ranh giới thửa đất có thay đổi so với thời điểm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hay không. Diện tích tăng so với giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có tranh chấp với các hộ liền kề hay không và có đủ điều kiện để được cấp giấy chứng nhận QSDĐ không. Nguyên nhân diện tích đất ghi nhận trong GCNQSDĐ không đúng thực tế sử dụng. Quá trình sử dụng đất hộ ông Lê Văn T có biết GCNQSDĐ thiếu so với thực tế sử dụng không, lý do không đề nghị điều chỉnh diện tích đất. Để từ đó áp dụng các chính sách theo quy định của pháp luật về đất đai, làm căn cứ giải quyết vụ án. Đồng thời, căn cứ quyết định số 3147/ QĐ-UB ngày 24 tháng 3 năm 2005 thì UBND quận N, thành phố Cần Thơ thu hồi phần diện tích đất 3.325,30m2 loại đất ruộng + vườn của hộ ông Lê Văn T thuộc thửa 03,11,17 tờ bản đồ số 01, phường H, quận N, thành phố Cần Thơ thì cần phải xem xét phần diện tích 260m2 đất mương nằm ở vị trí thửa đất số bao nhiêu để xác định đối tượng khởi kiện vụ án hành chính. Bởi vì việc diện tích đất thuộc khu vực phường H, quận N, thành phố Cần Thơ trong đó có đất của hộ ông Lê Văn T được UBND quận N giao để xây dựng siêu thị Metro Cash là theo các quyết định thu hồi của UBND quận N. Với những thiếu sót nêu trên cần phải thu thập thêm chứng cứ mà cấp phúc thẩm không bổ sung ngay được, do đó cần hủy bản án sơ thẩm và chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp sơ thẩm xét xử lại. Do đó chấp nhận một phần đơn kháng cáo của người khởi kiện. Toà án nhân dân phúc thẩm quyết định: Hủy Bản án hành chính sơ thẩm số 40/2020/HC-ST ngày 16 tháng 11 năm 2020 của Tòa án nhân dân thành phố Cần Thơ và chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp sơ thẩm xét xử lại. |
26 |
4 |
Bản án số: 78/2022/HC-PT ngày: 30/3/2022 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội.
Về việc: Yêu cầu hủy quyết định thu hồi đất và quyết định phê duyệt phương án bồi thường. Tóm tắt nội dung vụ việc: Bố mẹ anh T là ông Lê Văn H và bà Lê Thị M có diện tích đất 1.500 m2 tại thôn HT, xã M, huyện TG. Năm 2012, bố mẹ phân chia cho các con mỗi người một phần đất, gia đình anh T được cho 210,6 m2, đã sử dụng ổn định, không có tranh chấp với các hộ liền kề. Năm 1996 – 1997, gia đình anh T chưa nhận được quyết định nào về việc thu hồi đất và chưa được nhận tiền bồi thường đất. Năm 2018, thực hiện Dự án xây dựng đường từ Quốc lộ 1A đến điểm đầu tuyến đường Đông Tây 4 đi cảng N, Ủy ban nhân dân (UBND) huyện TG ban hành Quyết định số 8317/QĐ-UBND ngày 17-12-2018 thu hồi diện tích đất gia đình anh T đang sử dụng 210,2 m2 tại thửa 8B, tờ trích đo số 3, Trích đo bản đồ khu đất số 01/TĐBĐ. Quyết định thu hồi đất xác định: “Đất đã bồi thường giải phóng mặt bằng năm 1996 nay thu hồi không bồi thường hỗ trợ về đất 62,0 m2;đất trồng cây hằng năm trong cùng thửa đất có nhà ở thuộc khu dân cư nhưng không được công nhận là đất ở 93,9 m2”; theo đó, tại Quyết định phê duyệt bồi thường số 8302/QĐ-UBND ngày 17-12-2014, UBND huyện TG không bồi thường, hỗ trợ cho gia đình anh diện tích đất 62,0 m2, bồi thường đất trồng cây 93,9 m2 = 5.164.500 đồng, bồi thường công trình xây dựng = 288.920.500 đồng. Anh T khẳng định Ủy ban nhân dân huyện TG không bồi thường diện tích đất 62,0 m2, chỉ bồi thường 93,9 m2 và không được lập phương án tái định cư là vi phạm quyền và lợi ích hợp pháp của gia đình anh T. Do đó, anh Lê Văn T có đơn khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết: – Hủy toàn bộ Quyết định thu hồi đất số 8317/QĐ-UBND ngày 17-12-2018 của UBND huyện TG; – Hủy toàn bộ Quyết định phê duyệt bồi thường số 8302/QĐ-UBND ngày 17-12-2014 của UBND huyện TG; – Buộc ủy ban nhân dân thị xã N bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho gia đình ông T đối với toàn bộ diện tích 155,9 m2 gia đình anh bị thu hồi. Bản án sơ thẩm quyết định: Bác yêu cầu của anh Lê Văn T về hủy các Quyết định số 8317/QĐ-UBND ngày 17-12-2018, Quyết định số 8320/QĐ- UBND ngày 17-12-2018 của UBND huyện TG (nay là thị xã N), tỉnh Thanh Hóa về việc thu hồi và bồi thường thu hồi đất, yêu cầu về bồi thường diện tích đất bị thu hồi 155,9 m2, về yêu cầu phê duyệt phương án tái định cư. Nhận định của Tòa án phúc thẩm: Theo anh T trình bày thì năm 1996, 1997 gia đình anh chỉ được nhận tiền đền bù tài sản, cây cối mà chưa được nhận đền bù về đất. Theo trình bày của các bên thì nguồn gốc đất hộ anh T đang sử dụng tại thửa số 8B, Trích đo số 01/TĐBĐ ngày 24-01-2017 là của bố mẹ anh T là ông Lê Văn H (đã chết) và bà Lê Thị M. Theo hồ sơ thì đất của ông Lê Văn H và bà Lê Thị M có sau năm 1980, không có tài liệu chứng minh diện tích là bao nhiêu, tự phân chia đất cho các con không hợp lệ. Theo quy định, thời điểm ông H và bà M chia đất cho các con hạn mức đất ở chỉ có 200 m2. Mặc dù, người bị kiện không cung cấp được quyết định về việc thu hồi đất để thực hiện dự án giai đoạn 1996-1997. Tuy nhiên, căn cứ tài liệu, chứng cứ do UBND thị xã N xuất trình thì dự án này đã được triển khai thực hiện, hộ ông Lê Văn H đã được nhận tiền đền bù đất. Cụ thể, ông Lê Văn H nhận tiền đền bù đất như sau: ngày 18-9-1996 nhận tiền đền bù diện tích đất vườn 196 m2 với số tiền 776.000 đồng, đất lâm nghiệp 480 m2 với số tiền 172.800 đồng, ngày 30- 3- 1997 nhận tiền đền bù diện tích đất hai lúa 60 m2 với số tiền 183.600 đồng. Đối với diện tích đất trồng cây hàng năm 93,9 m2 do hình T sau ngày 18-12-1980 đến trước 15-10-1993 nên theo quy định không được công nhận và bồi thường theo đất ở; do đó, Quyết định thu hồi đất số 8317/QĐ-UBND và Quyết định phê duyệt bồi thường số 8302/QĐ-UBND ngày 17-12-2018 của UBND huyện TG đối với gia đình anh T là có căn cứ, đúng pháp luật. Về yêu cầu hủy quyết định thu hồi đất: anh T không thắc mắc về các tài liệu, chứng cứ chi trả tiền đền bù mà UBND thị xã N xuất trình, như vậy việc anh T cho rằng năm 1996, 1997 gia đình anh chưa được nhận đền bù về đất là không đúng. Theo tài liệu có trong hồ sơ vụ án, ngày 16-8-1996 giữa Viện quy hoạch, Sở xây dựng và Công ty cấp thoát nước Thanh Hóa với UBND huyện TG đã tiến hành bàn giao cột mốc từ tim đường ống nước đến tim đường xây dựng đợt 1 là 17,5 m. Theo báo cáo của UBND xã M và UBND huyện TG thì do dự án sử dụng không hết đất nên sau khi thu hồi, đền bù, gia đình ông Hòa vẫn tiếp tục sử dụng đất, đến năm 2012 bà Mỉnh chia đất cho các con. Vì thế, tại Biên bản Hội nghị xác định nguồn gốc đất của UBND xã M ngày 11-5-2018 xác định diện tích của hộ anh T bị thu hồi 155,9 m2, trong đó diện tích không đủ điều kiện bồi thường 62,0 m2 do đã nằm trong hành lang đường 4 và đường ống nước, diện tích đất 93,9 m2 có đủ điều kiện được bồ thường nhưng là đất trồng cây hàng năm. Căn cứ Biên bản xác định nguồn gốc đất và các tài liệu, chứng cứ nêu trên, Quyết định thu hồi đất đối với hộ anh T xác định “đất đã bồi thường giải phóng mặt bằng năm 1996 nay thu hồi không được bồi thường hỗ trợ về đất 62,0 m2; đất trồng cây hành năm trong cùng thửa đất có nhà ở thuộc khu dân cư nhưng không được công nhận là đất ở 93,9 m2” là có căn cứ, đúng quy định; do đó, yêu cầu của anh Lê Văn T về việc hủy Quyết định số 8317/QĐ-UBND ngày 17-12-2018 của UBND huyện TG đối với gia đình anh là không có căn cứ. Về yêu cầu hủy quyết định bồi thường để lập phương án bồi thường lại: Quyết định thu hồi đất của hộ anh T đã xác định diện tích 62,0 m2 đã được bồi thường, diện tích 93,9 m2 là đất trồng cây hàng năm không được tính là đất ở. Do đó, phương án bồi thường và quyết định phê duyệt phương án bồi thường của UBND huyện TG không bồi thường cho hộ anh Lê Văn T 62,0 m2 đất do đã được bồi thường khi thực hiện dự án đường 4 và đường ống nước nhà máy xi măng N năm 1996- 1997, chỉ bồi thường đất 93,9 m2 đất trồng cây là đúng quy định. Vì vậy, yêu cầu của anh Lê Văn T về hủy một phần Quyết định số 8302/QĐ-UBND ngày 17-12-2018 của UBND huyện TG, buộc UBND thị xã N bồi thường toàn bộ diện tích đất ở 155,9m2 là không có cơ sở được chấp nhận. Về yêu cầu bố trí tái định cư: diện tích đất của gia đình anh T bị thu hồi 155,9 m2 không phải là đất ở. Do đó, theo quy định gia đình anh T không thuộc đối tượng được bố trí tái định cư, nếu anh T có nhu cầu về đất ở thì phải đề nghị với cơ quan có thẩm quyền xem xét theo quy định. Đối với nội dung người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho anh T cho rằng, diện tích đất gia đình ông Lê Văn H được giao là 1.500 m2, sau khi thu hồi trên Bản đồ địa chính còn 960 m2 và ngày 14-10-2015 bà Mỉnh đã lập biên bản tặng cho quyền sử dụng đất cho các con được UBND xã M xác nhận, do đó khi thu hồi, đền bù phải căn cứ Bản đồ địa chính và Biên bản chia đất của bà M cho các con. Xét thấy, về nguồn gốc đất của ông Hòa, bà Mỉnh được UBND xã giao đất trước năm 1993 là đúng, nhưng không có tài liệu, chứng cứ nào xác định diện tích được giao ban đầu là 1.500 m2 và hình thể, ranh giới thửa đất trước đây như thế nào. Bản đồ địa chính năm 1999 được lập sau khi đã thực hiện xong dự án đường 4 và đường ống nước, tuy nhiên chỉ phản ánh hiện trạng sử dụng đất của gia đình và không phải là giấy tờ theo quy định tại Điều 100 Luật đất đai 2013, trên bản đồ này cũng không thể hiện hành lang của đường 4 và hành lang của đường ống nước. Đối với Biên bản chia đất của bà M cho các con mặc dù được UBND xã M xác nhận, kèm theo sơ đồ hiện trạng, tuy nhiên, UBND xã chưa kiểm tra để trừ chỉ giới hành lang đường 4 và đường ống nước nên chưa chính xác. Mặt khác, việc bà M tặng cho đất các con chưa được cơ quan có thẩm quyền thẩm định, anh T cũng chưa thực hiện đăng ký quyền sử dụng đất theo quy định. Do đó, các tài liệu, chứng cứ nêu trên không phải là căn cứ duy nhất để xác định diện tích hợp pháp được đền bù khi nhà nước thu hồi về đất. Kết quả thẩm định lại diện tích thu hồi năm 1996, 1997 đối chiếu với Bản đồ 1999, Bản đồ 2011 và Trích đo của dự án cùng với sơ đồ thửa đất hộ bà Lê Thị M, trong đó phần đất 62,0 m2 anh T đang yêu cầu bồi thường nằm trong chỉ giới hành lang đường 4, nên không có căn cứ chấp nhận. Toà án nhân dân phúc thẩm quyết định: Bác kháng cáo của anh Lê Văn T và giữ nguyên quyết định của Bản án số 79/2020/HC-ST ngày 28-9-2020 của Tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa. |
34 |
LINK TẢI PDF: TỔNG HỢP 25 BẢN ÁN KHIẾU KIỆN QUYẾT ĐỊNH THU HỒI ĐẤT; QUYẾT ĐỊNH BỒI THƯỜNG, HỖ TRỢ VÀ TÁI ĐỊNH CƯ KHI THU HỒI ĐẤT
………………..
99 Nguyễn Hữu Thọ, Quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng
Luật sư tại Huế:
56A Điện Biên Phủ, phường Phường Đúc, thành phố Huế, Thừa Thiên Huế
Luật sư tại TP. Hồ Chí Minh:
122 Đinh Bộ Lĩnh, quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh
Luật sư tại Hà Nội:
Tầng 5, số 11 Ngõ 183, phố Đặng Tiến Đông, phường Trung Liệt, quận Đống Đa, Hà Nội
Luật sư tại Nghệ An:
Số 19 đường V.I Lê Nin, Nghi Phú, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An
Quốc lộ 1A, Khối 11, phường Quỳnh Xuân, Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An
Website: www.fdvn.vn www.fdvnlawfirm.vn www.diendanngheluat.vn www.tuvanphapluatdanang.com
Email: fdvnlawfirm@gmail.com luatsulecao@gmail.com
Điện thoại: 0906 499 446 – 0905 045 915
Fanpage LUẬT SƯ FDVN: https://www.facebook.com/fdvnlawfirm/
Legal Service For Expat: https://www.facebook.com/fdvnlawfirmvietnam/
TỦ SÁCH NGHỀ LUẬT: https://www.facebook.com/SayMeNgheLuat/
DIỄN ĐÀN NGHỀ LUẬT: https://www.facebook.com/groups/saymengheluat/
KÊNH YOUTUBE: https://www.youtube.com/c/luatsufdvn
KÊNH TIKTOK: https://www.tiktok.com/@luatsufdvn
KÊNH TELEGRAM FDVN: https://t.me/luatsufdvn