FDVN trân trọng giới thiệu tài liệu “TỔNG HỢP 21 BẢN ÁN VỀ TỘI PHẠM CÔNG NGHỆ” do các Luật sư – Chuyên viên pháp lý của FDVN sưu tầm, tổng hợp.
Tài liệu này phục vụ cho mục đích học tập, nghiên cứu, công tác và được chia sẻ hoàn toàn miễn phí. Chúng tôi phản đối việc sử dụng tài liệu này vào mục đích thương mại và mục đích khác trái pháp luật.
MỤC LỤC
TỔNG HỢP 21 BẢN ÁN VỀ TỘI PHẠM CÔNG NGHỆ
STT |
TÊN VÀ NỘI DUNG BẢN ÁN |
TRANG |
|
Bản án số 361/2017/HS-PT ngày 20/7/2017 của Toà án nhân dân cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh về “Tội truy cập bất hợp pháp vào mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet hoặc thiết bị số của người khác”.
Tóm tắt nội dung vụ án: Lương Thanh T, Lê Kim Đ, Lê Đức A, Nguyễn Văn C và Nguyễn Văn N đã tìm hiểu cách thức mua, bán, cài đặt phần mềm theo dõi, nghe lén điện thoại trên Internet, rồi tự mình lập hoặc thuê người khác lập ra các wesite, đăng quảng cáo trên các website để tìm kiếm khác hàng muốn cài đặt phần mềm theo dõi, nghe lén điện thoại của người khác, để từ đó thu lợi bất chính. Các bị cáo đã hướng dẫn hoặc trực tiếp cài đặt phần mềm theo dõi, nghe lén điện thoại cho các khách hàng, tạo email nhằm truy cập, lấy dữ liệu trên điện thoại của người khác; các dữ liệu bị lấy cắp có thể là nội dung các cuộc điện thoại, nội dung tin nhắn, danh bạ điện thoại, định vị thiết bị, tự bật chức năng 3G của điện thoại, ra lệnh chụp hình từ xa…..Đồng thời, các bị cáo còn lập nhiều tài khoản tại ngân hàng để đặt mua mã kích hoạt phần mềm theo dõi, nghe lén điện thoại, rồi bán lại cho những khách hàng có yêu cầu mua, để thu lợi bất chính. Đối với Lê Kim Đ: Từ tháng 01/2013 đến tháng 11/2015, thông qua việc kiểm tra giao dịch trên tài khoản cá nhân của Lê Kim Đ, cơ quan chức năng đã xác định có 147 giao dịch chuyển tiền để mua phần mềm theo dõi, nghe lén điện thoại với số tiền là 749.778.000 đồng, cộng với việc Lê Kim Đ được hưởng lợi20.000.000 đồng từ việc mua mã kích hoạt của Lương Thanh T, tổng cộng Lê Kim Đ đã nhận là 769.778.000 đồng. Sau đó, Lê Kim Đ đã thực hiện 284 giao dịch với tổng số tiền là 436.913.790 đồng để mua mã kích hoạt phần mềm theo dõi, nghe lén điện thoại. Như vậy, Lê Kim Đ đã thu lợi bất chính là 312.864.210 đồng. Đối với Nguyễn Văn N: Từ tháng 06/2013 cho đến tháng 11/2015, thông qua việc kiểm tra sao kê giao dịch tài khoản cá nhân của Nguyễn Văn N, cơ quan chức năng đã xác định có 55 lượt chuyển tiền vào các tài khoản của Nguyễn Văn N để đặt mua phần mềm theo dõi điện thoại, số tiền là 237.300.000 đồng; kiểm tra 03 quyển phiếu thu thì xác định có 17 lượt khách hàng đã mua và cài đặt phần mềm theo dõi điện thoại với số tiền là 138.890.000 đồng; xác định có 13 khách hàng là những người trả tiền trực tiếp cho Nguyễn Văn N không có phiếu thu với tổng số tiền là 95.500.000 đồng. Ngoài ra, Lê Kim Đ còn nhờ Nguyễn Văn N hướng dẫn khách hàng cài đặt và được Lê Kim Đ trả công là 6.000.000 đồng. Tổng cộng, Nguyễn Văn N đã nhận 471.690.000 đồng từ việc bán và cài đặt phần mềm theo dõi điện thoại, trong đó, Nguyễn Văn N đã thực hiện 76 giao dịch mua mã kích hoạt phần mềm với số tiền 144.799.713 đồng. Như vậy, Nguyễn Văn N đã thu lợi bất chính là 332.890.287 đồng. Toà án sơ thẩm tuyên: Tuyên bố bị cáo Lương Thanh T, Lê Kim Đ, Lê Đức A, Nguyễn Văn C, Nguyễn Văn N phạm tội “Truy cập bất hợp pháp vào mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet hoặc thiết bị số của người khác”. Xử phạt: Bị cáo Lương Thanh T 03 (ba) năm tù; Bị cáo Lê Kim Đ 04 (bốn) năm tù; Bị cáo Nguyễn Văn N 04 (bốn) năm tù; Bị cáo Nguyễn Văn C 02 (hai) năm tù, nhưng cho hưởng án treo,thời gian thử thách là 04 (bốn) năm tính từ ngày tuyên án; trả tự do ngay cho bị cáo Nguyễn Văn C tại phiên tòa, nếu bị cáo không bị tạm giam về một tội phạm khác, giao bị cáo Nguyễn Văn C cho Ủy ban nhân dân nhân xã T1, huyện T2, tỉnh T để theo dõi, giáo dục; Bị cáo Lê Đức A 01 (một) năm 06 (sáu) tháng tù, nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 03 (ba) năm tính từ ngày tuyên án. Giao bị cáo cho Ủy ban nhân dân nhân phường M1, quận M2, Thành phố Hà Nội để theo dõi, giáo dục. Bị cáo Lê Kim Đ, bị cáo Nguyễn Văn N kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Toà án phúc thẩm nhận định: Hành vi phạm tôi của các bị cáo Lê Kim Đ, Nguyễn Văn N là hành vi cố ý xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông, vào phương tiện điện tử của người khác nhằm theo dõi, lấy cắp dữ liệu, để thu lợi bất chính. Do đó đã có đủ căn cứ để kết luận các bị cáo phạm tội “Truy cập bất hợp pháp vào mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số của người khác” theo Điều 226a của Bộ luật Hình sự năm 2009. Đối chiếu với Khoản 3 Điều 9 Thông tư liên tịch số 10/2012/TTLT-BCA-BQP-BTT&TT-VKSNDTC-TANDTC hướng dẫn áp dụng quy định của Bộ luật Hình sự về một số tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin và viễn thông, thì xác định hành vi phạm tội của bị cáo Lê Kim Đ và Nguyễn Văn N thuộc vào Điểm c Khoản 3 Điều 226a của Bộ luật Hình sự năm 2009. Theo quy định tại Điểm c Khoản 3 Điều 226a của Bộ luật Hình sự năm 2009 và Khoản 3 Điều 9 Thông tư liên tịch số 10/2012 hướng dẫn áp dụng quy định của Bộ luật Hình sự về một số tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin và viễn thông, thì hành vi phạm tội của các bị cáo Lê Kim Đ, Nguyễn Văn N có thể phải chịu hình phạt chính từ 05 năm đến 12 năm tù. So sánh với Điểm c Khoản 2 Điều 289 của Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về tội “Xâm nhập trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông hoặc phương tiện điện tử của người khác” trong trường hợp thu lợi bất chính từ200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì hành vi phạm tội nói trên của các bị cáo Lê Kim Đ, Nguyễn Văn N chỉ có thể chịu hình phạt từ 03 năm đến 07năm tù. Mặc dù Bộ luật Hình sự năm 2015 chưa có hiệu lực thi hành, nhưng theo Nghị quyết số 144/2016/QH13 ngày 29/06/2016 của Quốc hội và theo Khoản 3Điều 7 của Bộ luật Hình sự năm 2015, thì khi có một điều luật xóa bỏ một tội phạm, một hình phạt, một tình tiết tăng nặng; một điều luật quy định một hình phạt nhẹ hơn, một tình tiết giảm nhẹ mới hoặc mở rộng phạm vi áp dụng án treo, miễn trách nhiệm hình sự, loại trừ trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt, giảmhình phạt, tha tù trước thời hạn có điều kiện, xóa án tích và quy định khác có lợi cho người phạm tội, Bộ luật Hình sự năm 2015 sẽ được áp dụng đối với hành vi phạm tội đã thực hiện trước khi điều luật đó có hiệu lực thi hành. Tòa án cấp sơ thẩm đã áp dụng các quy định nói trên để xét xử bị cáo Lê Kim Đ, Nguyễn Văn N, là có lợi cho các bị cáo, chiếu theo Nghị quyết số 144/2016/QH13. Về tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự: – Bị cáo thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; gia đình các bị cáo có nhiều người có công với đất nước; sau khi thực hiện hành vi phạm tội, gia đình các bị cáo đã khắc phục một phần hậu quả, cụ thể như sau: – Bị cáo Lê Kim Đ: trong quá trình giải quyết vụ án tại cấp sơ thẩm, gia đình của bị cáo đã nộp 90.000.000đ thu lợi bất chính; trong giai đoạn xét xử phúc thẩm, đã nộp thêm 222.864.210. Như vậy, bị cáo đã nộp đủ số tiền thu lợi bất chính phải nộp là 312.864.210 đồng; – Bị cáo Nguyễn Văn N: trong giai đoạn xét xử phúc thẩm, đã nộp 166.445.144đ; Về tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự: – Các bị cáo phạm tội không thuộc trường hợp tăng nặng trách nhiệm hình sự. Ngoài ra, trong quá trình giải quyết vụ án tại cấp phúc thẩm, các bị cáo Lê Kim Đ và Nguyễn Văn N đã nộp thêm khoản tiền thu lợi bất chính như sau: – Bị cáo Lê Kim Đ: trong quá trình giải quyết vụ án tại cấp sơ thẩm, gia đình của bị cáo đã nộp 90.000.000 đồng thu lợi bất chính; trong giai đoạn xét xử phúc thẩm, đã nộp thêm tổng cộng là 222.864.210đ. – Bị cáo Nguyễn Văn N: trong giai đoạn xét xử phúc thẩm, đã nộp 166.445.144 đồng. Xét thấy những tình tiết nói trên là tình tiết mới, hành vi phạm tội của bị cáo không nhằm để chiếm đoạt tài sản của người khác, chỉ nhằm thu lợi bất hợp pháp cho bản thân. Vài vậy, Tòa án cấp phúc thẩm sẽ xem xét giảm hình phạt cho các bị cáo. Toà án phúc thẩm tuyên: Chấp nhận kháng cáo của bị cáo Lê Kim Đ và bị cáo Nguyễn Văn N; sửa Bản án hình sự sơ thẩm về phần hình phạt đối với bị cáo Lê Kim Đ và bị cáo Nguyễn Văn N, như sau: Tuyên bố bị cáo Lê Kim Đ, Nguyễn Văn N phạm tội “Truy cập bất hợp pháp vào mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số của người khác”. Xử phạt bị cáo Lê Kim Đ 03 năm tù; Xử phạt bị cáo Nguyễn Văn N 03 năm tù. |
01-17 |
|
Bản án số 255/2017/HS-PT ngày 28/9/2017 của Toà án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng về “Tội sử dụng mạng Internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”.
Tóm tắt nội dung vụ án: Ngô Mạnh C, Trương Đức A tạo ra một tài khoản Facebook có tên, ảnh đại diện giống với tên Facebook của người cần mạo danh rồi gửi lời mời kết bạn với những người trong danh sách “bạn bè” của họ. Những người này khi nhận được lời mời kết bạn do Cường gửi đến đã nhầm tưởng đó chính là bạn bè hoặc người quen của mình nên đồng ý kết bạn. Khi đã trở thành bạn bè, Cường tiến hành trò chuyện với những người này với danh nghĩa là bạn bè thật sự và làm cho những người này tin là thật. Sau khi đã tạo được lòng tin của người trò chuyện (qua cửa sổ chat của Facebook), C, Đức A lợi dụng để mượn tiền hoặc nhờ họ mua thẻ cào điện thoại di động rồi chuyển thông tin số seri và mã thẻ cào cho các bị cáo thông qua cửa sổ chat Facebook. Ngoài ra, Ngô Mạnh C, Trương Đức A còn thực hiện việc đăng nhập bất hợp pháp vào tài khoản Facebook của người khác bằng cách dò tìm mật khẩu truy cập. Khi truy cập được vào tài khoản Facebook của người khác, các bị cáo tiến hành đăng nhập và thay đổi ngay mật khẩu truy cập của các tài khoản Facebook để chiếm đoạt các tài khoản này. Các bị cáo tiến hành trò chuyện với bạn bè trong danh sách “bạn bè” của Facebook bị chiếm đoạt. Sau khi đã tạo được lòng tin của người trò chuyện (qua cửa sổ chat của Facebook), thì đề nghị họ chuyển tiền bằng cách mua thẻ cào điện thoại di động rồi chuyển thông tin số seri và mã thẻ cào cho C, Đức A thông qua cửa số Chat Facebook sau đó nạp vào thẻ trò chơi trên mạng hoặc nhờ bị hại chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng do các bị cáo cung cấp. Với cách thức và thủ đoạn như trên các bị cáo đã nhiều lần thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản của nhiều người. Tổng cộng Ngô Mạnh C chiếm đoạt của 06 bị hại 22.000.000 đồng, trong đó C đã chiếm đoạt được 15.000.000 đồng, còn 7.000.000 đồng mặc dù bị hại là anh Nguyễn Cửu Nhật Minh chuyển vào tài khoản của Trần Công Bình theo yêu cầu của C, nhưng sau đó biết mình bị lừa nên kịp thời yêu cầu Ngân hàng hoàn lại tiền, số tiền chiếm đoạt được C cho Nguyễn Công Nhật 220.000 đồng, số tiền còn lại tiêu xài cá nhân và đánh bài trên mạng Internet. Số tiền Đức A chiếm đoạt của các bị hại là 10.500.000 đồng, đưa cho C 3.800.000 đồng. C là người đã giúp sức cho Đức A 03 lần chiếm đoạt tài sản với số tiền chiếm đoạt 10.500.000 đồng. Toà án sơ thẩm tuyên: Bị cáo Ngô Mạnh C phạm tội “Sử dụng mạng internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”, xử phạt: Ngô Mạnh C 24 tháng tù, thời hạn tù tính từ ngày bắt tạm giam 07/02/2017. Tòa án cấp sơ thẩm tuyên: Bị cáo Ngô Mạnh C phạm tội “Sử dụng mạng internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”. Áp dụng điểm b khoản 2 Điều 226b; điểm b, p khoản 1, khoản 2 Điều 46; Điều 69; Điều 74 Bộ luật hình sự năm 1999; Nghị quyết số 144/2016/QH13 ngày 29/6/2016 của Quốc hội; khoản 3 Điều 7 BLHS năm 2015, xử phạt Ngô Mạnh C 24 (Hai mươi bốn) tháng tù, thời hạn tù tính từ ngày bắt tạm giam 07/02/2017. Bị cáo kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Toà án cấp phúc thẩm nhận định: Xét trong khoảng thời gian từ tháng 9 đến tháng 12/2016 Ngô Mạnh C nhiều lần sử dụng mạng Internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tiền của nhiều người, với tổng số tiền là 32.500.000 đồng; Trong đó bản thân C trực tiếp chiếm đoạt 22.000.000 đồng và đồng phạm giúp sức cho Trương Đức A chiếm đoạt 10.500.000 đồng. Với hành vi trên, Tòa án cấp sơ thẩm căn cứ điểm b, khoản 2 Điều 226b của Bộ luật Hình sự để xét xử các bị cáo là đúng đắn. Khi quyết định hình phạt Tòa án cấp sơ thẩm đánh giá đúng tính chất nghiêm trọng hành vi phạm tội của bị cáo, áp dụng đầy đủ các tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo về khắc phục tài sản chiếm đoạt, thái độ khai báo thành khẩn, đặc điểm nhân thân lúc phạm tội có tuổi dưới 18; Điều khoản có lợi cho bị cáo theo Bộ luật Hình sự năm 2015 nên tuyên xử mức án 24 tháng tù là thỏa đáng. Toà án phúc thẩm tuyên: Không chấp nhận kháng cáo của bị cáo Ngô Mạnh C. Giữ nguyên bản án sơ thẩm. |
18-25 |
|
Bản án số 49/2017/HS-ST ngày 02/11/2017 của Toà án nhân dân thành phố Châu Đốc, tỉnh A về “Tội sử dụng mạng Internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”.
Tóm tắt nội dung vụ án: Khoảng tháng 5/2015 H lập 2 trang web trên mạng Internet có tên miền quochungvietnam.mov.mn và taysonvietnam.mov.mn đăng tải các hình ảnh, rao bán các loại công cụ hổ trợ như súng bắn đạn hơi cay, súng bắn đạn cao su, đèn pin siêu sáng, dùi cui điện… đồng thời sử dụng chứng minh nhân dân số 352195030 của Trịnh Tiến Trọng, sinh năm 1994, H mở 02 tài khoản Ngân hàng số 070053863548 tại Ngân hàng Sài Gòn thương tín và số 200419489 tại Ngân hàng Á Châu đăng tải trên 02 trang web trên; ai có nhu cầu mua thì liên hệ các số điện thoại: 0919490114; 0981442144; 0942885602; 0975010800 của H để tư vấn sử dụng công cụ hỗ trợ, nếu ai mua thì chuyển tiền vào 1 trong 2 tài khoản đã đăng tải. Sau khi nhận được tiền H sử dụng thẻ ATM rút tiền tiêu xài rồi nhắn tin cho người chuyển tiền là đã bị lừa đảo và tắt máy điện thoại. Với thủ đoạn trên từ ngày 10/7/2015 đến ngày 12/9/2016 H đã chiếm đoạt của 52 người với số tiền 380.722.000 đồng. Toà án cấp sơ thẩm nhận định: Bị cáo là người có đầy đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự, nhận thức rõ việc lợi dụng lòng tin của những người dân có nhu cầu bảo vệ bản thân bằng các dụng cụ hổ trợ nhằm chiếm đoạt tài sản của 52 người bị hại từ ngày 10/7/2015 đến ngày 12/9/2016 với số tiền 380.722.000 đồng như bị cáo thừa nhận tại phiên tòa. Vì vậy, hành vi của bị cáo đã đủ yếu tố cấu thành tội “Sử dụng mạng Internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 226b Bộ luật Hình sự năm 1999, đã được sửa đổi, bổ sung năm 2009. Khi thực hiện hành vi phạm tội, bị cáo nhận thức được việc làm của mình là vi phạm pháp luật. Đáng lẽ, bị cáo phải ra sức phấn đấu để phát huy nghề mua bán các loại xe ôtô và mô tô đã qua sử dụng, tạo thêm uy tín, lòng tin của nhân dân. Nhưng vì hám lợi, lợi dụng sự thiếu hiểu biết pháp luật, lòng tin của những người bị hại, bị cáo đã thực hiện hành vi phạm tội. Cho nên, cần tuyên hình phạt tương xứng với hành vi phạm tội của bị cáo để đảm bảo mục đích răn đe, giáo dục và phòng ngừa chung. Tuy nhiên, theo quy định có lợi cho bị cáo tại Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017 của Quốc Hội về việc thi hành Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 12/2017/QH14, trong đó quy định về hình phạt về tội “Sử dụng mạng Internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản” theo Điều 290 BLHS năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 nhẹ hơn quy định tại Điều 226b BLHS năm 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009, vì vậy cần vận dụng Điều 290 BLHS năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 để quyết định hình phạt cho phù hợp. Trong quá trình điều tra cũng như tại phiên toà hôm nay, bị cáo đã tỏ thái độ thành khẩn khai báo, ăn năng hối cải; bị cáo đã tự nguyện động viên gia đình nộp để khắc phục một phần hậu quả. Ngoài ra gia đình bị cáo có công với cách mạng và được tặng huân chương kháng chiến hạn nhất và ba; đồng thời bị cáo là lao động duy nhất trực tiếp nuôi mẹ già có được xác nhận của chính quyền địa phương. Đây là các tình tiết giảm nhẹ được quy định tại các điểm b, p, q khoản 1 và khoản 2 Điều 46 Bộ luật Hình sự. Vì vậy, xét áp dụng Điều 47 Bộ luật hình sự xử chuyển khung liền kề giảm nhẹ cho bị cáo khi lượng hình. Về hình phạt bổ sung, bị cáo thực hiện hành vi phạm tội xuất phát từ ham lợi, muốn có tiền tiêu xài cho cá nhân mà không phải tốn công sức của bản thân, nên dấng thân vào con đường phạm tội. Nhưng do bị cáo có hoàn cảnh kinh tế khó khăn nên không áp dụng hình phạt tiền đối với bị cáo. Về trách nhiệm của những người bị hại là không tra cứu kỷ việc rao bán trên mạng internet nên mới bị bị cáo chiếm đoạt tài sản. Toà án cấp sơ thẩm tuyên: Tuyên bố bị cáo Tiết Thái H phạm tội “Sử dụng mạng Internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”. Xử phạt: Tiết Thái H: 05 (năm) năm tù. Ngoài ra, buộc bị cáo hoàn trả tiền cho các bị hại và tịch thu, xử lý các công cụ, phương tiện phạm tội. |
26-38 |
|
Bản án số 169/2018/HS-PT ngày 28/3/2018 của Toà án nhân dân cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh về “Tội sử dụng mạng máy tính, mạng Internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”.
Tóm tắt nội dung: Bị cáo Trương Văn H cùng các anh Nguyễn Minh T1 Trang web đăng thông tin không có thật để mọi người tin tưởng tham gia đầu tư: Trang web có trụ sở hoạt động ở Campuchia, chuyên kinh doanh lĩnh lực sòng bài, vũ trường, du lịch, quảng cáo online nên cần nguồn vốn với lãi suất cao. Trang web đưa ra các lợi ích cho người đầu tư, quy định: Đầu tư 100 Đô-la Mỹ vào sẽ có 100 điểm (1 Đô-la Mỹ là 1 điểm, 1 điểm đổi được 24.000 đồng); mỗi ngày người đầu tư được thanh toán lãi, vốn dao động từ 1 đến 3 Đô-la Mỹ (1 Đô-la Mỹ đổi được 22.000 đồng); không giao dịch ngày thứ bảy, chủ nhật; mức thanh toán tối đa cho 01 gói đầu tư cả vốn lãi là 160% thì dừng giao dịch; gói đầu tư thấp nhất là 50 Đô-la Mỹ và cao nhất là 100 Đô-la Mỹ; người giới thiệu được hưởng hoa hồng trực tiếp 15%, gián tiếp 10% trên tổng số tiền người được giới thiệu đầu tư. Người nào tham gia đầu tư với bị cáo thông qua Trang web phải có người giới thiệu, phải dùng điện thoại di động, máy tính bảng, máy vi tính kết nối Internet. Để thiết lập tài khoản trên Trang web (bao gồm tên đăng nhập (user name) và mật khẩu (password)), người được giới thiệu gửi tên, địa chỉ, số điện thoại liên lạc, mật khẩu cho người giới thiệu hoặc đăng nhập Trang web bằng tài khoản của người giới thiệu, nhận tên đăng nhập và mật khẩu mới, chọn gói đầu tư để tạo tài khoản mới. Người đầu tư phải chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng của người giới thiệu (người ở tuyến trên, đầu nhánh) hoặc chuyển tiền trực tiếp cho bị cáo để được điểm gốc. Hàng ngày, người đầu tư phải xem tài khoản của mình trên Trang web để biết được số tiền thanh toán lãi, vốn là bao nhiêu. Khi giao dịch với người đầu tư thông qua Trang web, bị cáo lấy tiền của người đầu tư sau trả để trả lãi, vốn và hoa hồng cho người đầu tư trước. Đến tháng 5 năm 2016, bị cáo gọi điện thoại cho Công ty yêu cầu dừng hoạt động Trang web (sập mạng) với lý do bị lỗi hệ thống, lãi suất huy động vốn tăng bất thường, vượt mức quy định ban đầu, không đủ tiền thanh toán cho người đầu tư. Sau khi Trang web dừng hoạt động, tất cả dữ liệu của người đầu tư trên Trang web bị mất, không hồi phục được. Tổng số tiền người đầu tư đã đầu tư thông qua Trang web là 7.149.202.000 đồng. Bị cáo thanh toán vốn, lãi và hoa hồng cho người đầu tư là 5.939.188.000 đồng, còn lại 1.210.014.000 đồng. Sau khi Trang web dừng hoạt động, những người đầu tư gom điểm trên Trang web để chuyển cho bị cáo, bị cáo dùng 948.000.000 đồng trong số 1.210.014.000 đồng trả cho người đầu tư, sử dụng 262.014.000 đồng còn lại làm chi phí hội nghị khách hàng, thuê xe, sinh hoạt cá nhân. Tòa án cấp sơ thẩm tuyên: Bị cáo Trương Văn H (H1) phạm tội “Sử dụng mạng máy tính, mạng Internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”. Phạt bị cáo Trương Văn H (H1) 10 (mười) năm tù, thời gian chấp hành hình phạt tù từ ngày 12/01/2017. Toà án phúc thẩm nhận định: Bị cáo thừa nhận đã cùng 02 người khác lập trang web có tên P, đưa ra những thông tin sai sự thật về Trang web nhằm tạo niềm tin cho mọi người tham gia đầu tư vốn để bị cáo chiếm đoạt tiền của các bị hại như: Trang web có trụ sở hoạt động ở Campuchia, chuyên kinh doanh lĩnh vực sòng bài, vũ trường, du lịch, quảng cáo trực tuyến nên cần huy động vốn với lãi suất cao. Từ việc tạo được lòng tin của các bị hại, bị cáo đã nhận tổng cộng 7.149.202.000 đồng của các bị hại. Do vậy có cơ sở xác định bị cáo đã phạm tội “Sử dụng mạng máy tính, mạng Internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản” như HĐXX sơ thẩm nhận định. Ý thức chiếm đoạt tài sản của những người bị hại đã có từ khi bị cáo thành lập Trang web và đưa ra những thông tin gian dối để huy động người đầu tư gửi tiền cho bị cáo. Trong tổng số tiền nhận được là 7.149.202.000 đồng, bị cáo sử dụng tiền của người đầu tư tham gia sau trả cho người tham gia trước và tiêu xài cá nhân. Việc bị cáo trả vốn, lãi và hoa hồng với mức cao (Tổng cộng 5.939.188.000 đồng) cho những người đầu tư là thủ đoạn để bị cáo thực hiện tội phạm, giúp thu hút và duy trì số lượng người gửi tiền vào tài khoản của bị cáo. Do đó, cần xác định tổng số tiền người đầu tư chuyển cho bị cáo (7.149.202.000 đồng) là số tiền bị cáo đã chiếm đoạt của các bị hại. Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Sóc Trăng trừ số tiền bị cáo đã trả vốn, lãi và hoa hồng để truy tố bị cáo về hành vi chiếm đoạt 1.210.014.000 đồng của các bị hại là có lợi cho bị cáo. Tòa án cấp sơ thẩm nhận định khoản 948.000.000 đồng không phải là tiền bị cáo chiếm đoạt của các bị hại (vì bị cáo không có ý thức gian dối khi đã thanh toán khoản này cho các bị hại sau khi ngừng hoạt động Trang web và trước khi cơ quan điều tra khởi tố vụ án), từ đó khẳng định bị cáo chỉ chiếm đoạt 262.014.000 đồng và thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 3 Điều 226b của Bộ luật Hình sự năm 1999 (Sửa đổi, bổ sung năm 2009). Nhận định của Tòa án cấp sơ thẩm như trên là có lợi thêm cho bị cáo. Tòa án cấp sơ thẩm nhận định khoản 948.000.000 đồng không phải là tiền bị cáo chiếm đoạt của các bị hại (vì bị cáo không có ý thức gian dối khi đã thanh toán khoản này cho các bị hại sau khi ngừng hoạt động Trang web và trước khi cơ quan điều tra khởi tố vụ án), từ đó khẳng định bị cáo chỉ chiếm đoạt 262.014.000 đồng và thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 3 Điều 226b của Bộ luật Hình sự năm 1999 (Sửa đổi, bổ sung năm 2009). Nhận định của Tòa án cấp sơ thẩm như trên là có lợi thêm cho bị cáo. năm 1999 (Sửa đổi, bổ sung năm 2009) cho bị cáo là đúng. Với tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội của bị cáo như phân tích trên, HĐXX sơ thẩm phạt 10 bị cáo năm tù là rất chiếu cố bị cáo. Ngoài các tình tiết giảm nhẹ hình phạt đã được HĐXX sơ thẩm áp dụng cho bị cáo, nếu áp dụng thêm các tình tiết như bị cáo trình bày tại đơn kháng cáo, tại phiên tòa phúc thẩm và lời bào chữa cho bị cáo của Luật sư cũng không thể giảm hình phạt cho bị cáo. Do đó, HĐXX phúc thẩm không có căn cứ chấp nhận kháng cáo của bị cáo. Toà án cấp phúc thẩm tuyên: Không chấp nhận kháng cáo của bị cáo Trương Văn H (H1) giữ nguyên Bản án hình sự sơ thẩm. |
39-45 |
|
Bản án số 44/2018/HS-PT ngày 30/03/2018 của Tòa án nhân dân tỉnh Hà Tĩnh về “Tội sử dụng mạng internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”.
Tóm tắt nội dung vụ án: Trong quá trình buôn bán hàng hóa qua mạng xã hội Facebook, Nguyễn Thị Phương T vào tài khoản Facebook của mình rao bán túi xách và dày dép. Sau khi thấy chủ Facebook “Trần T” có nhu cầu mua dày dép và túi xách về để bán kiếm lời, nên Nguyễn Thị Phương T vào Facebook “Minh A” đóng vai trò người bán hàng và vào Facebook “Thảo B” đóng vai trò người mua hàng nhắn tin vào Facebook “Trần T” của chị T để lừa chị T mua hàng và chuyển tiền cho mình. Sau khi nhắn tin qua lại qua Facebook, chị Trần Thị Minh T đặt mua dày dép, túi xách của Nguyễn Thị Phương T. Đến ngày 27/3/2017, chị Trần Thị Minh T đã chuyển 70.500.000 đồng (Bảy mươi triệu năm trăm nghìn đồng) tiền mua hàng cho Nguyễn Thị Phương T qua tài khoản tại ngân hàng. Sau khi nhận tiền mua hàng của chị Trần Thị Minh T, Nguyễn Thị Phương T không giao hàng cho chị T như đã thỏa thuận mà chặn Facebook cắt đứt liên lạc và chiếm đoạt số tiền 70.500.000 đồng của chị Trần Thị Minh T để sử dụng vào việc chi tiêu cá nhân. Toà án cấp sơ thẩm tuyên: Tuyên bố bị cáo Nguyễn Thị Phương T phạm tội “Sử dụng mạng Internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”, xử phạt bị cáo Nguyễn Thị Phương T 24 (Hai mươi tư) tháng tù giam, thời hạn tù tính từ ngày bắt bị cáo thi hành án. Toà án cấp phúc thẩm nhận định: Theo lời khai nhận tội của bị cáo Nguyễn Thị Phương T tại phiên tòa sơ thẩm phù hợp với các chứng cứ, tài liệu có trong hồ sơ vụ án, Hội đồng xét xử phúc thẩm thấy hành vi phạm tội của bị cáo có đủ yếu tố cấu thành của tội “Sử dụng mạng Internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”, theo điểm đ khoản 2Điều 290 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 (có khởi điểm nhẹ hơn Bộ luật hình sự 1999). Theo đó bản án hình sự sơ thẩm số 36/2017/HS-ST ngày28/11/2017 của Tòa án nhân dân huyện X, tỉnh Hà Tĩnh quyết định tuyên bố bị cáo Nguyễn Thị Phương T phạm tội “Sử dụng mạng Internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản” theo điểm đ khoản 2 Điều 290 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 là đúng người, đúng tội, có căn cứ, đúng pháp luật. Hành vi phạm tội của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, bị cáo sử dụng mạng Internet dưới hình thức kinh doanh để buôn bán hành hóa qua mạng xã hội. Lợi dụng lòng tin của người bị hại đã sử dụng mạng Facebook ảo để lừa đảo bán hàng qua mạng chiếm đoạt tài sản của chị Trần Thị Minh T với tổng số tiền 70.500.000 đồng. Hành vi của bị cáo không những xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của người khác mà còn ảnh hưởng đến tình hình trật tự xã hội, gây hoang mang lo lắng trong quần chúng nhân dân nên cần phải xử lý nghiêm theo luật định. Cấp sơ thẩm đã cho bị cáo hưởng các tình tiết giảm nhẹ quy định tại điểm b, p khoản 1 Điều 46 Bộ luật Hình sự 1999 để xử phạt đối với bị cáo là có cơ sở. Mức án 24 tháng tù về tội “Sử dụng mạng Internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản” đối với bị cáo Nguyễn Thị Phương T là hoàn toàn phù hợp. Quá trình kháng cáo bị cáo có xuất trình căn cứ là đang có thai, Hội đồng cấp phúc thẩm xét thấy việc bị cáo có thai sau khi đã phạm tội không phải là tình tiết mới mà chỉ là căn cứ để xem xét trong quá trình thi hành bản án đối với bị cáo. Theo đó, lý do trình bày xin giảm nhẹ hình phạt của bị cáo Nguyễn Thị Phương T không được Hội đồng xét xử phúc thẩm chấp nhận mà cần bác nội dung đơn kháng cáo của bị cáo và giữ nguyên hình phạt của bản án sơ thẩm như đề nghị của Viện kiểm sát là phù hợp và có căn cứ. Căn cứ theo điểm c khoản 1 Điều 351 Bộ luật tố tụng hình sự thì sự vắng mặt của bị cáo không gây trở ngại cho việc xét xử và Hội đồng giữ nguyên hình phạt của bản án sơ thẩm là không ra bản án không có lợi cho bị cáo. Vì vậy, Hội đồng vẫn tiến hành xét xử vắng mặt bị cáo là đúng theo quy định của pháp luật. Toà án cấp phúc thẩm tuyên: Không chấp nhận đơn kháng cáo của bị cáo Nguyễn Thị Phương T giữ nguyên bản án sơ thẩm. |
46-49 |
… CÒN TIẾP (XEM THÊM TẠI LINK DƯỚI ĐÂY) |
XEM TOÀN BỘ BẢN ÁN VÀ TẢI FILE PDF: TỔNG HỢP 21 BẢN ÁN VỀ TỘI PHẠM CÔNG NGHỆ
————
99 Nguyễn Hữu Thọ, Quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng
Luật sư tại Huế:
56A Điện Biên Phủ, phường Phường Đúc, thành phố Huế, Thừa Thiên Huế
Luật sư tại TP. Hồ Chí Minh:
122 Đinh Bộ Lĩnh, quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh
Luật sư tại Hà Nội:
Tầng 5, số 11 Ngõ 183, phố Đặng Tiến Đông, phường Trung Liệt, quận Đống Đa, Hà Nội
Luật sư tại Nghệ An:
Số 19 đường V.I Lê Nin, Nghi Phú, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An
Website: www.fdvn.vn www.fdvnlawfirm.vn www.diendanngheluat.vn www.tuvanphapluatdanang.com
Email: fdvnlawfirm@gmail.com luatsulecao@gmail.com
Điện thoại: 0935 643 666 – 0906 499 446
Fanpage LUẬT SƯ FDVN: https://www.facebook.com/fdvnlawfirm/
Legal Service For Expat: https://www.facebook.com/fdvnlawfirmvietnam/
TỦ SÁCH NGHỀ LUẬT: https://www.facebook.com/SayMeNgheLuat/
DIỄN ĐÀN NGHỀ LUẬT: https://www.facebook.com/groups/saymengheluat/
KÊNH YOUTUBE: https://www.youtube.com/c/luatsufdvn
KÊNH TIKTOK: https://www.tiktok.com/@luatsufdvn
KÊNH TELEGRAM FDVN: https://t.me/luatsufdvn