FDVN tiếp tục chia sẻ tài liệu “TỔNG HỢP 20 BẢN ÁN TOÀ ÁN NHẬN ĐỊNH VỀ SỰ KIỆN BẤT KHẢ KHÁNG VÀ HOÀN CẢNH THAY ĐỔI CƠ BẢN” do các Luật sư/ Chuyên viên pháp lý của FDVN sưu tầm, tổng hợp.
Tài liệu này phục vụ mục đích học tập, nghiên cứu. Chúng tôi phản đối việc sử dụng tài liệu này vào mục đích thương mại và các mục đích bất hợp pháp.
MỤC LỤC
TỔNG HỢP 20 BẢN ÁN TÒA ÁN NHẬN ĐỊNH VỀ SỰ KIỆN BẤT KHẢ KHÁNG
VÀ HOÀN CẢNH THAY ĐỔI CƠ BẢN
STT |
TÊN BẢN ÁN |
SỐ TRANG |
1 |
Bản án số 01/2016/LĐPT ngày 17/8/2016 về “Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Trị
Nội dung: Ngày 15/11/2006 bà G được nhận vào làm việc tại Hội liên hiệp Phụ nữ thành phố Đ. Ngày 21/4/2014, bà G nhận được Thông báo của Hội LHPN thành phố Đ về việc chấm dứt thời gian làm việc. Ngày 05/5/2014, tại cuộc họp cơ quan, Chủ tịch Hội LHPN thành phố Đ thông báo với toàn cơ quan về việc không giao việc, không trả lương, không đóng bảo hiểm xã hội và thu thẻ bảo hiểm y tế, với lý do: Bà G không ký hợp đồng lao động 06 tháng kể từ tháng 01 đến tháng 6/2014. Bà G cho rằng, Hội LHPN thành phố Đ chấm dứt hợp đồng lao động với bà là trái quy định của pháp luật, cụ thể: Hội LHPN thành phố Đ vi phạm thời gian báo trước khi chấm dứt hợp đồng, bà G yêu cầu Tòa án tuyên bố việc chấm dứt hợp đồng lao động của Hội LHPN thành phố Đ bồi thường cho bà G với tổng số tiền 64.952.866 đống, Bản án sơ thẩm: Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của bà Vũ Thị Kiều G, buộc Hội LHPN thành phố Đ, tỉnh Q phải trả tiền trợ cấp thôi việc cho bà Vũ Thị Kiều G số tiền 10.747.000 đồng. Sau đó bà G đã có đơn kháng cáo bản án sơ thẩm. Tòa án phúc thẩm nhận định: : TH bất khả kháng theo điểm c khoản 1 Bộ luật lao động 2012 và các tài liệu hướng dẫn , qui định: “Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người sử dụng lao động tại điểm c, khoản 1, Điều 38 của Bộ luật lao động quy định như sau: “ 2.Lý do bất khả kháng thuộc một trong các trường hợp sau đây: a. Do địch họa, dịch bệnh; b. Di dời hoặc thu hẹp sản xuất, kinh doanh theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền”. Theo cách giải thích trên thì HLHPN thành phố Đ đơn phương chấm dứt HĐLĐ đối với bà G là không đúng quy định. Tòa án phúc thẩm tuyên: Chấp nhận một phần kháng cáo của nguyên đơn Bà G: Sửa bản án sơ thẩm: Tuyên bố việc đơn phương chấm dứt Hợp đồng lao động của Hội liên hiệp phụ nữ Thành phố Đ là trái quy định của pháp luật . Hội liên hiệp phụ nữ Thành phố Đ có nghĩa vụ giải quyết chế độ cho bà G: Tiền trợ cấp thôi việc (Đã được cấp sơ xem xét: 10.747.000, đồng ). Tiền lương trong những ngày không được làm việc: 33.770.000, đồng ; tiền hai tháng lương tối thiểu theo Hợp đồng lao động: 6.140.000, đồng; Tiền Bảo hiểm xã hội: 6.078.600,đồng ; Bảo hiểm y tế: 2.333.100, đồng. Tổng số tiền Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Đ phải giải quyết cho bà G là: 59.068.700, đồng. |
1-9 |
2 |
Bản án số 10/2017/DS-ST ngày 22/8/2017 về “Tranh chấp về đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do tính mạng bị xâm phạm” của Tòa án nhân dân quận Bắc Từ Liêm, thành phố Hà Nội
Nội dung: Anh H khởi kiện Tổng công ty vận tải H về việc xảy ra tai nạn cho vợ anh là chị Nguyễn Thị H. Tại buổi làm việc, cơ quan công an thông báo không khởi tố vụ án hình sự và cũng khuyên các bên hòa giải, nếu không hòa giải được thì khởi kiện ra tòa án. Vì vậy, anh khởi kiện về dân sự tại Tòa án quận Bắc Từ Liêm yêu cầu Tòa án buộc Tổng Công ty vận tải H phải bồi thường cho gia đình anh 1.041.000.000 đồng. Tòa án sơ thẩm nhận định: Trong vụ án này, hành vi điều khiển xe buýt gây hậu quả chết người của ông Tr là sự kiện bất ngờ, không thuộc trường hợp được loại trừ trách nhiệm bồi thường thiệt hại do sự kiện bất khả kháng theo như trình bày của Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan Xí nghiệp xe buýt. Tòa án sơ thẩm tuyên: Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của anh Lê Văn H đối với Tổng Công ty vận tải H. Buộc Tổng Công ty vận tải H phải bồi thường thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm cho anh H với tổng số tiền là 153.900.000đồng. Ghi nhận Tổng Công ty vận tải H đã bồi thường 10.000.000 đồng. Vì vậy, Tổng Công ty vận tải H còn phải bồi thường là 143.900.000 đồng |
10-18 |
3 |
Bản án số 10/2018/DS-ST ngày 19/01/2018 về “Tranh chấp hợp đồng đặt cọc” của Tòa án nhân dân huyện Đức Hòa, tỉnh Long An
Nội dung: Bà C và bà T ký hợp đồng đặt cọc chuyển nhượng quyền sử dụng đất là 100 triệu, nhưng sổ đỏ bà T đang cho người khác mượn nên hẹn khi nào bà T và bà C ra văn phòng công chứng làm thủ tục chuyển nhượng thì bà C sẽ trả 270 triệu còn lại. Bà C khởi kiện đòi lại tiền đặt cọc vì trong thời gian đi dưỡng thai 2 tháng, bà T đã chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho người khác Bà T thì cho rằng sau 15 ngày kể từ ngày ký hợp đồng đặt cọc, bà T đã nhiều lần liên lạc với bà C để hối thúc việc nhanh chóng làm thủ tục chuyển nhượng nhưng bà T đã nói không mua nữa. Do vậy bà C chỉ đồng ý trả lại 1//2 số tiền bà C đã đặt cọc. Nhận định của Tòa án: Nội dung “Giấy nhận tiền cọc” chỉ đề cập đến số tiền mà không đề cập đến thời hạn cụ thể để hai bên thực hiện thủ tục chuyển nhượng là vi phạm về nội dung hợp đồng. Bà T cho rằng đã liên lạc với bà C để hối thúc thực hiện chuyển nhượng nhưng không có bằng chứng. Bà C đi dưỡng thai theo chỉ định của bác sĩ, không liên lạc với bà T được là trường hợp bất khả kháng nên không bị mất cọc. Tòa án tuyên: Chấp nhận một phần đơn khởi kiện của bà C, vô hiệu hợp đồng đặt cọc, buộc bà T trả toàn bộ số tiền đặt cọc cho bà C. |
19-23 |
4 |
Bản án số 01/2018/KDTM-PT ngày 22/01/2018 về “Tranh chấp hợp đồng tín dụng” của Tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng
Nội dung: Công ty S vay của Ngân hàng B 18 tỉ đồng. Tại thời điểm đó ông Đ là Giám đốc và thành viên hội đồng quản trị của Công ty S đã kí hợp đồng thế chấp là quyền sử dụng đất với Ngân hàng B để Công ty S được vay tiền. Do công ty S vi phạm nghĩa vụ trả nợ nên Ngân hàng B yêu cầu Tòa án xử lý tài sản thế chấp nêu trên. Ông Đ có yêu cầu độc lập về việc chấm dứt thực hiện hợp đồng do hoàn cảnh thay đổi cơ bản so với lúc giao kết (vì ông Đ bị bãi miễn tư cách thành viên HĐQT, cách chức giám đốc công t S). Tòa án sơ thẩm tuyên: Chấp nhận toàn bộ đơn khởi kiện của Ngân hàng B, yêu cầu Công ty S thanh toán hết nợ và lãi. Nếu Công ty S không thực hiện hoặc không thực hiện được thì quyền sử dụng đất theo hợp đồng thế chấp bị phát mãi để để thu hồi trả nợ. Không chấp nhận yêu cầu độc lập của ông Đ về chấm dứt hợp đồng thế chấp do hoàn cảnh thay đổi cơ bản. Tòa án phúc thẩm tuyên: Giữ nguyên bản án sơ thẩm, không chấp nhận yêu cầu độc lập của ông Đ. |
24-42 |
5 |
Bản án số 02/2018/KDTM-PT ngày 26/01/2018 về “Tranh chấp hợp đồng chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp; tuyên hủy thư bảo lãnh” của Tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng
Nội dung: Công ty P ký hợp đồng với công ty V về việc thuê thương hiệu và vật dụng quán bar. Trước đó công ty P đã ký hợp đồng thuê mặt bằng kinh doanh với công ty T. Sau này vì công ty P không trả tiền thuê mặt bằng liên tục trong 3 tháng nên công ty T gửi thông báo đơn phương chấm dứt hợp đồng. Vì khó khăn nên công ty P đã nhiều lần đề nghị công ty V thay đổi nội dung hợp đồng để phù hợp với khả năng thanh toán của mình nhưng không được chấp nhận. Do vậy công ty B khởi kiện yêu cầu Tòa án tuyên chấm dứt thực hiện hợp đồng thuê thương hiệu và vật dụng quán bar với công ty V vì việc Công ty T đơn phương chấm dứt hợp đồng làm hoàn cảnh thay đổi cơ bản, và Công ty P mất khả năng thực hiện hợp đồng với Công ty V. Tòa án sơ thẩm (TAND quận Sơn Trà) tuyên: Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty P Tòa án phúc thẩm tuyên: Huỷ bản án sơ thẩm do việc thụ lý giải quyết vụ án không thuộc thẩm quyền của TAND quận Sơn Trà |
43-50 |
6 |
Bản án số 130/2018/DS-PT ngày 10/7/2018 về “Tranh chấp yêu cầu bồi thường thiệt hại do tài sản bị xâm phạm” của Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương
Nội dung: Ông Đ và bà V khởi kiện ông T1 và bà T2 vì cây cao su của nhà ông T1 bà T2 gãy, ngã đè vào trạm biến áp của nhà ông Đ và V, làm đứt dây điện, gây nổ và hư hỏng thiết bị điện, yêu cầu ông T1 bà T2 bồi thường chi phí sửa chữa. Tòa án sơ thẩm quyết định: chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, buộc ông T1 và bà T2 liên đới bồi thường toàn bộ số tiền chi phí sửa chữa cho ông Đ bà V. Tòa án phúc thẩm nhận định: cây cao su của ông T1 bà T2 đảm bảo khoảng cách an toàn với trạm biến áp của ông Đ bà V, do mưa to, gió lớn nên nhánh cây bị rơi gãy rơi trúng trạm điện gây hư hỏng. Mặc dù là sự kiện bất khả kháng nhưng ông T1 bà T2 vẫn phải chịu một phần trách nhiệm. Tòa án phúc thẩm tuyên: Chấp nhận một phần kháng cáo của ông T1. Buộc ông T1 bà T2 bồi thường ½ giá trị thiệt hại xảy ra. |
51-58 |
7 |
Bản án 16/2018/DS-PT ngày 22/10/2018 về “Tranh chấp bồi thường thiệt hại tính mạng do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra” của Tòa án nhân dân tỉnh Hà Giang
Nội dung: Anh L điều khiển xe máy va chạm với anh H2 điều khiển xe ô tô gây tại nạn giao thông, anh L bị thương nặng và tử vong khi điều trị tại bệnh viện. Chị H1 là vợ anh L khởi kiện yêu cầu anh H2 bồi thường thiệt hại cho gia đình chị H1. Tòa án sơ thẩm quyết định: Chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của chị H1. Buộc anh H1 bồi thường 78.367.500đ và cấp dưỡng nuôi cháu H4 là con anh L mỗi tháng 800.000 cho đến khi cháu H4 đủ 18 tuổi. Anh H1 kháng cáo bản án sơ thẩm và cho rằng, vụ tai nạn là trường hợp bất khả kháng, anh hoàn toàn không có lỗi. Tòa án phúc thẩm nhận định: anh L và anh H2 cùng có lỗi, nhưng anh H2 sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ nên phải bồi thường một phần thiệt hại. Tòa án phúc thẩm tuyên: Chấp nhận một phần kháng cáo của anh H2, buộc anh H2 bồi thường số tiền 43.155.000 đồng và cấp dưỡng cho cháu H4 mỗi tháng 800.000 đồng cho đến khi cháu H4 đủ 18 tuổi. |
59-67 |
8 |
Bản án số 09/2018/KDTM-PT ngày 6/11/2018 về “Tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa” của Tòa án nhân dân tỉnh Sóc Trăng
Nội dung: Ông H khởi kiện ông M và bà N về việc không thanh toán đúng hạn theo hợp đồng mua bán thức ăn nuôi tôm và thuốc hải sản. Tòa án sơ thẩm: Buộc ông M và bà N trả toàn bộ số tiền thức ăn nuôi tôm và thuốc hải sản theo hợp đồng là 207.555.000 đồng. Bà N có đơn kháng cáo yêu cầu chia đợt thanh toán là ba đợt và giảm 50% tiền án phí do ông M và bà N thuộc trường hợp bất khả kháng do nuôi tôm mất mùa, hoàn cảnh khó khăn. Tòa án phúc thẩm nhận định: Về việc chia việc thanh toán thành nhiều đợt nguyên đơn không đồng ý nên HĐXX chỉ buộc bà N trả số tiền còn thiếu, còn việc chia thành nhiều đợt, mỗi đợt bao nhiêu tiền được xem xét ở giai đoạn thi hành án nếu có yêu cầu; về việc giảm tiền án phí: bà N không cung cấp được tài liệu chứng minh gặp sự kiện bất khả kháng dẫn đến không đủ khả năng trả án phí theo khoản 1 Điều 13 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14. Tòa án phúc thẩm tuyên: Không chấp nhận kháng cáo của bà N |
68-74 |
9 |
Bản án số 98/2018/HS-PT ngày 20/11/2018 của Tòa án nhân dân tỉnh Lạng Sơn
Nội dung: H chở vợ điều khiển xe mô tô đi trên đường, nhìn phía trước thấy xe ô tô tải do S điều khiển đi cùng chiều nên H đã điều khiển xe đi bên trái đường để vượt xe tải. Lúc lên đến đầu xe tải thì va chạm với một xe mô tô khác đi ngược chiều do D điều khiển, chở I ngồi sau. Hậu quả là những người trên xe ngã ra đường, I tử vong tại chỗ do ngã vào phía trước dàn lốp thứ hai của xe tải. Bản án sơ thẩm: Tòa tuyên xử H phạm tội Vi phạm quy định giao thông đường bộ, xử phạt bị cáo H 16 tháng tù cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 32 tháng tính từ ngày tuyên án sơ thẩm 03-10-2018. Ghi nhận sự tự nguyện bồi thường của H, D và S. Sau đó người đại diện hợp pháp của I là ông E, kháng cáo bản án sơ thẩm, yêu cầu xem xét trách nhiệm hình sự của D và S. Tòa án phúc thẩm nhận định: Nguyên nhân khiến I tử vong là đa chấn thương do tai nạn giao thông. Bánh xe trục trước thứ hai của xe ô tô tải do anh S điều khiển kẹp lên một phần cơ thể của I là sự kiện bất khả kháng theo khoản 2 Điều 584 Bộ luật dân sự. Anh D điều khiển xe chở I đi đúng làn đường nhưng do không tuân thủ quy định về an toàn giao thông đường bộ, vượt xe khi chưa đảm bảo an toàn với gây va chạm với xe của anh D. Tòa án phúc thẩm tuyên: Không chấp nhận kháng cáo của ông E. |
75-80 |
10 |
Bản án số 17/2018/DS-ST ngày 21/11/2018 về “Tranh chấp bồi thường thiệt hại về tài sản” của Tòa án nhân dân thị xã An Khê – tỉnh Gia Lai
Nội dung: Do trời mưa bão nên tường chuồng bò nhà bà S bị sập làm bể đường ống dẫn phân từ chuồng heo xuống hầm bioga nhà bà N. Bà N yêu cầu bà S khắc phục nhưng bà S không làm, do vậy và N khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại. Tòa án sơ thẩm nhận định: Việc tường gạch chuồng bò nhà bà S bị ngã làm vỡ đường ống dẫn phân từ chuồng heo xuống hầm biôga của bà N là do mưa bão, không phải hành vi vi phạm của bà S gây ra. Thiệt hại là do sự kiện bất khả kháng nên bà S không phải chịu trách nhiệm bồi thường. Sau khi đường ống dẫn phân bị vỡ, bà N không khắc phục, sửa chữa, không tiếp tục sử dụng để hư hỏng hầm Biôga là lỗi của bà N, không phải do lỗi của bà S. Do đó, bà S không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại số tiền đã bỏ ra làm hầm Biôga và tiền ga sử dụng trong một năm mà bà N yêu cầu. Tòa án tuyên: Không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của bà N |
81-84 |
11 |
Bản án số 07/2018/KDTM-PT ngày 23/11/2018 về “Tranh chấp hợp đồng mua bán” của Tòa án nhân dân tỉnh Tây Ninh
Nội dung: Công ty B và Công ty SN ký hợp đồng nguyên tắc số 006 ngày 2/1/2017 về việc công ty SN sẽ cung cấp sản phẩm tinh bột khoai mì khi có đơn hàng của Công ty B. Ngày 21/8/2017, Công ty B có đơn hàng số 22496, các bên thỏa thuậ về hàng và giá, việc giao hàng thành từng đợt sẽ được công ty B thông báo sau. Ngày 14/10/2017 Công ty B có thông báo về thời gian giao hàng nhưng Công ty SN xác nhận là không đáp ứng được đơn hàng do dịch bệnh “khảm lá cây khoai mì” nên việc thu mua nguyên liệu khó khăn. Công ty SN sau đó có thông báo đã có nguồn hàng mong muốn được nhưng đề nghị Công ty B hỗ trợ tăng giá nhưng Công ty B không đồng ý và đã đi mua ở công ty khác để kịp làm trước thời gian tết. Công ty B khởi kiện yêu cầu Công ty SN chịu tiền phạt vi phạm hợp đồng là 280.000.000, tiền bồi thường thiệt hại về chênh lệch giá 1.750.000.000, tổng cộng 2.030.000. Công ty SN không đồng ý bồi thường vì dịch bệnh xảy ra là trường hợp bất khả kháng theo quy định tại hợp đồng và phụ lục giữa hai bên, công ty SN cũng bị thiệt hại. Bản án sơ thẩm: Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của Công ty B, buộc Công ty SN trả cho Công ty B 280.000.000 đồng. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện đối với 1.750.000.000 đồng. Công ty B kháng cáo, yêu cầu xem xét chấp nhận yêu cầu bồi thường số tiền 1.750.000.000 đồng. Bản án phúc thẩm: Công nhận sự thỏa thuận của các bên, sửa lại bản án sơ thẩm. Công ty SN đồng ý trả cho Công ty B số tiền phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại tổng cộng là 800.000.000 đồng. |
85-90 |
12 |
Bản án số 32/2019/HS-PT ngày 21/02/2019 của Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương
Nội dung: K điều khiển xe buýt vào sát lề đường bên phải để dừng trước trạm xe buýt đón khách. Lúc này bà L2 chở bà Q đang lưu thông thì thấy xe buýt trên đang dừng đón khách nên bà L2 điều khiển xe mô tô từ phía sau vượt lên bên trái xe buýt. Bất ngờ, K điều khiển xe búy chuyển hướng sáng bên trái để tiếp tục lưu thông về phía trước trên làn đường xe mô tô nên đã va chạm vào xe của bà L2 và Q. Hậu quả là bà Q tử vong tại bệnh viện. Bản án sơ thẩm: Tòa án tuyên K phạm tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”, xử phạt K 01 năm tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 24 tháng. Sau đó người đại diện hợp pháp của bị hại Q có đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm với lý do: bà L2 là người phạm tội “Vi phạm giao thông đường bộ” do không tuân thủ điều kiện vượt xe theo quy định tại khoản 2 Điều 14 Luật Giao thông đường bộ còn bị cáo K không có tội do lúc bà L2 vượt xe tại vị trí góc khuất của gương chiếu hậu nên K không thấy là trường hợp bất khả kháng. Tòa án phúc thẩm nhận định: Bà L2 vẫn ở làn đường dành cho xe môtô nên hành vi vượt qua xe buýt của bà L2 là đúng pháp luật, không vi phạm Luật Giao thông đường bộ. Còn việc K điều khiển xe buýt chuyển hướng rẽ trái để đi trong làn đường xe mô tô thì phải đảm bảo an toàn cho các phương tiện di chuyển khác, chú ý quan sát để không để xảy ra tai nạn, do vậy xem đó thuộc trường hợp bất khả kháng là không có cơ sở. Tòa án phúc tẩm tuyên: Không chấp nhận kháng cáo của người người đại diện hợp pháp của bị hại Q. |
91-96 |
13 |
Bản án số 02/2019/KDTM-ST ngày 12/3/2019 về “Tranh chấp hợp đồng khai thác khoáng sản” của Tòa án nhân dân huyện Đồng Ph, tỉnh Bình Phước.
Nội dung: Công ty HĐP ký kết hợp đồng khai thác mỏ khoáng sản với Công ty ĐB. Công ty HĐP đã thanh toán đủ cho Công ty ĐB số tiền theo hợp đồng. Theo đó, Công ty ĐB phải giao cho Công ty HĐP diện tích khai thác mỏ đá là 06 ha và cam kết thời hạn khai thác là 5 năm, tức đến ngày 10/5/2016. Khi hết thời hạn trên, nếu chưa khai thác hết trữ lượng đá thì hai bên thương lượng để làm thủ tục gia hạn khai thác. Tuy nhiên, thực tế Công ty ĐB chỉ giao 4,45ha (thiếu là 1,55ha), đồng thời giấy phép khai thác đến ngày 02/8/2014 thì hết hạn, không đảm bảo thời hạn 5 năm như cam kết. Công ty HĐP khởi kiện yêu cầu Công ty ĐB phải tiếp tục thực hiện hợp đồng đã ký kết, cụ thể: Gia hạn thời hạn khai thác mỏ đá cho Công ty HĐP thêm 34 tháng để đủ thời hạn 5 năm như hợp đồng đã ký kết. Công ty HB thì cho rằng: Công ty ĐB làm thủ tục gia hạn và đã được UBND tỉnh Bình Phước gia hạn thời hạn khai thác thêm 2 năm, tức đến ngày 02/8/2014 thì hết hạn giấy phép khai thác. Theo quy định của luật khoáng sản và các văn bản liên quan thì không thể gia hạn thời hạn khai thác tiếp được nữa, mà phải đóng cửa mỏ và lập hồ sơ thăm dò, khai thác mới. Do đó, với trách nhiệm của mình, ngày 09/6/2014, Công ty ĐB đã có văn bản gửi cho Công ty HĐP đề nghị Công ty HĐP phối hợp để làm thủ tục xin gia hạn tiếp, đồng thời nhiều lần điện thoại trực tiếp để đôn đốc Công ty HĐP. Tuy nhiên, Công ty ĐB không nhận được sự phản hồi nào của Công ty HĐP. Tòa án sơ thẩm nhận định: Việc Công ty ĐB không gia hạn giấy phép khai thác như trên là nằm ngoài ý muốn của Công ty ĐB theo Điều 5 của hợp đồng do sự kiện bất khả kháng. Công ty ĐB cũng đã gửi văn bản yêu cầu làm việc và sẽ hoàn trả chi phí cho thời gian còn lại của hợp đồng không xin được giấy phép khai thác cho Công ty HĐP. Tuy nhiên, Công ty HĐP không phản hồi, đồng thời vẫn quản lý, khai thác cho đến ngày 04/6/2016 mới bàn giao lại mỏ đá cho Công ty ĐB. Do đó, căn cứ khoản 1 Điều 294 Luật Thương mại năm 2005 thì Công ty ĐB được miễn trách nhiệm đối với hành vi vi phạm do sự kiện bất khả kháng. Đồng thời, Công ty ĐB cũng đã bàn giao mỏ đá đủ thời hạn theo hợp đồng là 5 năm (từ ngày 10/5/2011 đến ngày 04/6/2016). Tòa án sơ thẩm tuyên: Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn Công ty TNHH MTV HĐP về việc kiện yêu cầu Công ty TNHH ĐB phải tiếp tục thực hiện hợp đồng khai thác khoáng sản đã ký kết ngày 10/5/2011, gia hạn thời gian khai thác mỏ cho Công ty TNHH MTV HĐP thêm 34 tháng. |
97-103 |
14 |
Bản án số 14/2019/DS-PT ngày 27/3/2019 về “Tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng” của Tòa án nhân dân tỉnh Phú Thọ
Nội dung: Anh N và anh S điều khiển hai xe ô tô đi ngược chiều nhau. Cùng lúc đó anh Nam chở Việt điều khiển xe máy đi tông vào đuôi xe của anh N. Cả Nam và Việt đều bị văng ra khỏi xe và va vào xe của anh N và anh S. Sau đó N và S cùng với nhân dân đưa Nam và Việt đến bệnh viện nhưng N tử vong ngay sau đó. S và N đã tự nguyện hỗ trợ cho gia đình Nam 60.000.000 đồng nhưng mẹ của N là bà X không đồng ý, khởi kiện yêu cầu N và S phải bồi thường thiệt hại tính mạng cho con bà số tiền 200.000 đồng. Tòa án sơ thẩm: Bác yêu cầu khởi kiện của bà X về việc yê cầu bồi thường thiệt hại về tính mạng. Chấp nhận sự tự nguyện bồi thường của anh N và S. Sau đó bà X có đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm Tòa án phúc thẩm nhận định: 2 xe ô tô do N và S điều khiển đi đúng đường, làn đường của mình, các anh không có lỗi trương việc gây tai nạn, việc xe anh S chèn lên người anh Nam là sự kiện bất ngờ, là trường hợp bất khả kháng, không thể xử lý được trong tình huống này, do đó anh S không có lỗi. Việc anh S không để xe giữ nguyên hiện trường là lỗi hành chính và đã bị xử phạt hành chính. Tòa án phúc thẩm tuyên: Không chấp nhận kháng cáo của chị X, giữ nguyên bản án sơ thẩm. |
104-108 |
15 |
Bản án số 01/2019/LĐ-PT về “Tranh chấp về đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động” của Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Nông
Nội dung: Ngày 14/8/2014 Chị P ký hợp đồng lao động không thời hạn với Trường THCS Đ. Đến ngày 17/1/2018, hiệu trưởng trường Đ đã ban hành quyết định số 02/QĐ-THCS về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng với chị P do định mức giáo viên môn toán đã đủ (ngày 1/12/2017 nhà trường đã thông báo về việc này) căn cứ vào văn bản số 1304/UBND-NV ngày 14/7/2017 của UBND huyện T về việc chấm dứt hợp đồng lao động tại các đơn vị sự nghiệp. Sau nhiều lần khiếu nại nhưng không có kết quả nên chị P đã khởi kiện yêu cầu hủy quyết định số 02/QĐ-THCS ; buộc trường tiếp tục nhận chị P vào làm việc và chi trả 3 cho chị P đầy đủ các khoản lương, trợ cấp kể từ ngày 17/01/2018 cho đến ngày xét xử. Bản án sơ thẩm: Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của chị P. Tòa án phúc thẩm nhận định: Việc Hiệu trưởng Trường THCS Đ ban hành quyết định số 02/QĐ-THCS là căn cứ vào văn bản số 1304/UBND-NV của UBND huyện T, trên cơ sở văn bản chỉ đạo số 989/UBND-NC của UBND tỉnh Đắk Nông. Đây là văn bản của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền của cấp tỉnh, thuộc trường hợp lý do bất khả kháng theo quy định tại Điểm c khoản 1 Điều 38 của Bộ luật lao động năm 2012 và hướng dẫn tại khoản 2 Điều 12 N định số 44/2003/NĐ-CP ngày 09/5/2003 của Chính phủ; khoản 2 Điều 12 N định số 05/2015/NĐ-CP ngày 12/1/015 của Chính phủ. Do đó, chị P kháng cáo đề N hủy quyết định số 02/QĐ-THCS của Hiệu trưởng Trường THCS Đ là không có căn cứ. Tòa án phúc thẩm tuyên: Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của chị P |
109-116 |
16 |
Bản án số 143/2019/KDTM-PT ngày 15/11/2019 về “Tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng cổ phần” của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội
Nội dung: Ngày 11/4/2016, chị H ký Hợp đồng đặt cọc 1.870.500.000 để mua 4.350.000 cổ phần phổ thông. Ngày 23/6/2016, Chị H và Công ty Q ký hợp đồng chuyển nhượng, trong đó có đề cập vào ngày hoàn tất chuyển nhượng, các bên phải ký hợp đồng cầm cố. Chị H cho rằng, hợp đồng chuyển nhượng cổ phần không thể thực hiện là do lỗi của Công ty Q cố tình không thực hiện nghĩa vụ chuyển nhượng + sự kiện bất khả kháng (Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội ban hành quyết định số 684/TB -SDGHN về việc hạn chế giao dịch đối với mã chứng khoán DK ). Do vậy chị H đề nghị Tòa án yêu cầu chấm dứt hợp đồng chuyển nhượng và buộc Công ty Q hoàn trả số tiền đặt cọc 1.870.500.000 đồng. Công ty Q thì cho rằng các bên thỏa thuận việc chuyển nhượng cổ phần và nghĩa vụ cầm cố tài sản là hai hoạt động song song, do chị N liên tục trì hoãn, các hợp đồng cầm cố chứng khoán chị H gửi cho Công ty Q lại không có chữ ký của ông B – chủ sở hữu tài sản cầm cố nên Công ty Q không chấp nhận và tiếp tục thực hiện toàn tất chuyển nhượng; Công ty Q cũng đã thiện chí, hỗ trợ và có đề nghị phương án khác nhưng chị H cũng không thực hiện được. Do vậy Công ty Q bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của chị H. Bản án sơ thẩm: Chấp nhận đơn khởi kiện của chị H. Buộc Công ty Q phải trả lại Chị Hsố tiền 1.870.500.000 đồng. Sau đó Công ty Q kháng cáo toàn bộ nội dung bản án sơ thẩm. Tòa án phúc thẩm nhận định: Cấp sơ thẩm nhận định việc Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội ban hành Quyết định 296 và Thông báo 684 về việc hạn chế giao dịch đối với mã chứng khoán DK , bị hủy niêm yết trên sàn HNX và chỉ được giao dịch trên sàn Upcom là “tình huống bất khả kháng” và được coi là “sự thay đổi của các qui định của pháp luật Việt Nam” là không có căn cứ theo điểm b, khoản 8.01, Điều 8 Hợp đồng chuyển nhượng cổ phần dẫn đến việc Hợp đồng chuyển nhượng cổ phần và các Hợp đồng cầm cố chứng khoán không có giá trị là nhận định không có căn cứ. Vì 2 văn bản trên là văn bản có tính chất cá biệt của Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội, không thể được coi là qui định của pháp luật Việt Nam. Mặt khác, từ thời điểm 2 bên kí hợp đồng chuyển nhượng đến khi có văn bản của Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội là 10 tháng nhưng cả khoảng thời gian đó, nguyên đơn đưa ra những lý do như đã phân tích trên để chậm trễ và không kí hợp đồng cầm cố là lỗi hoàn toàn thuộc về nguyên đơn. Mặt khác, ở giai đoạn xét xử sơ thẩm cũng như phúc thẩm, bị đơn luôn muốn tiếp tục thực hiện hợp đồng và sẵn sàng thống nhất với nguyên đơn thực hiện chuyển nhượng theo hình thức thỏa thuận và vẫn có thể thực hiện thông qua khớp lệnh trên sàn nhưng nguyên đơn cũng không muốn tiếp tục thực hiện hợp đồng. Tòa án phúc thẩm tuyên: Chấp nhận kháng cáo của Công ty Q, đình chỉ một phần yêu cầu của chị H, chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của chị H là chấm dứt hợp đồng chuyển nhượng. Công ty Q được hưởng số tiền 1.870.500.000 đồng bà H đã đặt cọc để ký kết và thực hiện Hợp đồng chuyển nhượng và 4.350.000 cổ phần của Công ty Cổ phần DK. |
117-133 |
17 |
Bản án số 55/2019/KDTM-PT ngày 28/11/2019 về “Tranh chấp hợp đồng bảo hiểm” của Tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng.
Nội dung: Ông T có mua bảo hiểm xe cơ giới tại Công ty Công ty bảo hiểm P đối với xe ô tô tải. Ông T đã hoàn thành nghĩa vụ đóng phí bảo hiểm đúng thời hạn. ngày 17/5/2018, khi xe ô tô trên đậu ở bãi xe số 05 QL14B, xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng thì bị cháy và thiệt hại toàn bộ xe. Ngay khi xảy ra sự cố, ông T đã thông báo với Công ty bảo hiểm P và cơ quan chức năng để xem xét, giải quyết. Ông T đã hoàn thành tất cả các thủ tục để yêu cầu Công ty bảo hiểm P bồi thường bảo hiểm vật chất. Tuy nhiên, Công ty bảo hiểm P không chấp nhận, cho rằng nguyên nhân dẫn đến thiệt hai là do xe đang chở hàng hóa, chất cháy chủ yếu là xăng dầu. Ông T không đồng ý, cho rằng: nguyên nhân cháy là do chậm điện tại bình ắc quy của xe gây cháy lan, căn cứ bản kết luận Điều tra số 236/KL – PC&CCS% ngày 23/5/2018 của Phòng Cảnh sát PC&CC số 5. Do đó, ông T yêu cầu Tòa án giải quyết buộc Công ty bảo hiểm P phải bồi thường bảo hiểm vật chất đối với xe số BKS 43C – 179.12 với số tiền là 317.000.000đ. Công ty bảo hiểm P thì cho rằng cho trên xe chứa xăng, dầu, vật liệu cháy nổ. Bản án sơ thẩm: Chấp nhận đơn khởi kiện về việc “Tranh chấp hợp đồng bảo hiểm” của ông Nguyễn Văn T đối với Công ty Bảo hiểm P. Xử: Buộc Công ty Bảo hiểm P phải bồi thường bảo hiểm vật chất đối với xe số BKS 43C – 179.12 của ông Nguyễn Văn T với số tiền 317.000.000 đồng. Sau đó Công ty bảo hiểm P có đơn kháng cáo toàn bộ bản ản sơ thẩm. Tòa án phúc thẩm nhận định: Sự kiện bảo hiểm xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được, xuất phát từ nguyên nhân bất khả kháng, do chập điện tại bình ắc quy của xe gây cháy lan, không phải do lỗi cố ý hoặc vô ý của người mua bảo hiểm hoặc người thụ hưởng; đồng thời sự kiện bảo hiểm xảy ra trong thời hạn được bảo hiểm. Mặt khác, người thụ hưởng theo hợp đồng bảo hiểm xe ô tô nêu trên là tài sản được NLQ1 nhận thế chấp, hiện ông T còn nợ NLQ1 cả gốc và lãi là 168.645.000đ. Bản án sơ thẩm chấp nhận yêu cầu của ông T, tuyên Công ty Bảo hiểm P phải trả toàn bộ tiền bồi thường cho ông T là không đúng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền, lợi ích hợp pháp của người thụ hưởng là NLQ1. Do Tòa án cấp sơ thẩm xác định không đúng tư cách tham gia tố tụng của NLQ1, không giải quyết quyền lợi của người thụ hưởng NLQ1 nên Tòa án cấp phúc thẩm không thể khắc phục được. Tòa án phúc thẩm tuyên: Hủy bản án sở thẩm, giao hồ sơ cho Tòa án giải quyết lại theo thủ tục sơ thẩm |
134-144 |
18 |
Bản án số 91/2020.HS-PT ngày 09/3/2020 của Tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa
Nội dung: Q điều khiển xe ô tô qua đường giao nhau với đường không ưu tiên nhưng Q không giảm tốc độ hoặc hoặc dừng lại một cách an toàn khi phát hiện thấy chướng ngại vật đi vào ngã tư dẫn đến gây tai nạn đâm va vào xe mô tô do ông C điều khiển chở bà V. Hậu quả bà V tử vong tại chỗ , ông C bị thương nặng được đưa vào Bệnh viện cấp cứu nhưng sau đó tử vong. Nguyên đơn cho rằng nguyên nhân vụ tai nạn là do tình thế bất khả kháng và do lỗi hỗn hợp. Bản án sơ thẩm: Tuyên bố: Bị cáo Hoàng Văn Q phạm tội : “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”. Xử phạt: Hoàng Văn Q 42 (Bốn mươi hai) tháng tù, thời gian chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt thi hành án. Tòa án phúc thẩm nhận định: hành vi của bị cáo đã vi phạm khoản 4 iều 11 Luật Giao thông đường bộ và khoản 1 Điều 5 Thông tư số 91/2015/TT-BGTVT quy định các trường hợp bắt buộc phải giảm tốc độ tại nơi có biển cảnh báo nguy hiểm, nơi có đường bộ giao nhau. Với hậu quả vụ tai nạn làm hai người chết, do đó bị cáo phải chịu trách nhiệm hình sự về tội: “Vi phạm quy dịnh về tham gia giao thông đường bộ” như bản án sơ thẩm đã xử là có căn cứ, đúng người, đúng tội. Do đó, kháng cáo của bị cáo cho rằng tai nạn xảy ra thuộc trường hợp bất khả kháng là không có cơ sở chấp nhận. Do bị cáo có vài tình tiết giảm nhẹ nên HĐXX chấp nhận một phần kháng cáo, giảm nhẹ hình phạt. Tòa án phúc thẩm tuyên: Chấp nhận một phần kháng cáo của bị cáo Hoàng Văn Q, sửa một phần bản án sơ thẩm số 186/2019/HSST ngày 03/7/2019 của Tòa án nhân dân thành phố Thanh Hóa về hình phạt. Xử phạt: Bị cáo Q 24 (Hai mươi bốn tháng tù về tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”. Thời gian chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt thi hành án. |
145-151 |
19 |
Bản án số 46/2020/DS-PT về “Tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đấ và yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử đất” của Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương
Nội dung: ngày 21/2/2009 Công ty C và bà D ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giá 266.880.000. Việc thanh toán chia thành 5 đợt. Nhưng sau khi thanh toán được 2 đợt thì bà D không tiếp tục thanh toán theo như nội dung cam kết mặc dù đã được Công ty C nhắc nhở nhiều lần trong khi đó Công ty C đã hoàn tất các thủ tục pháp lý để UBND cấp giấy chứng nhận QSDĐ cho bà D. Do vậy Công ty C khởi kiện yêu cầu hủy hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ nêu trên, Công ty C không phải trả lại số tiền bà D đã thanh toán; Hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nêu trên. Bà D thì cho rằng từ năm 2011 đến 2017 bà D không nhận được bất kì thông báo nào, bà có liên lạc để trả nhưng công ty thay đổi địa điểm giao dịch nên bà D không liên lạc được. Bà D yêu cầu được tiếp tục thực hiện hợp đồng. Bản án sơ thẩm: Không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Công ty C. Buộc Công ty C giao cho bà D bản chính giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và bàn giao diện tích đất nêu trên cho bà D. Buộc bà D thanh toán số tiền 400.208.171 đồng cho Công ty C. Sau đó, Công ty C đã kháng cáo bản án sơ thẩm, đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Bà D cũng kháng cáo bản án sơ thẩm yêu cầu xem xét lại số tiền bà phải trả cho Công ty C. Tòa án phúc thẩm nhận định: Công ty C và bà D cùng có lỗi một phần dẫn đến việc chấm dứt hợp đồng chuyển nhượng tại thời điểm này. Việc chấm dứt thực hiện hợp đồng một phần cũng do hoàn cảnh đã thay đổi cơ bản (giá trị quyền sử dụng đất thay đổi so với khi ký kết hợp đồng nhưng hai bên không thỏa thuận lại) theo quy định tại Điều 420 Bộ luật Dân sự. Để cân bằng lợi ích cho các bên khi chấm dứt hợp đồng chuyển nhượng trên, Công ty phải có nghĩa 8 vụ trả lại cho bà D giá trị quyền sử dụng đất tương ứng với phần diện tích đất bà D đã thanh toán theo giá trị tại thời điểm xét xử. Tòa án phúc thẩm tuyên: Chấp nhận một phần yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn; không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của bị đơn. Sửa Bản án dân sự sơ thẩm như sau: Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn đối với bị đơn về việc tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Tuyên bố chấm dứt thực hiện Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa Công ty C với bà D. Công ty C có nghĩa vụ trả lại cho bà D số tiền 600.576.000 đồng. |
152-161 |
20 |
Bản án số 02/2020/KDTM-PT ngày 19/2/2020 về “Tranh chấp đòi lại tài sản” của Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An
Nội dung: Ngày 2/12/2015 Công ty P và Công ty A ký hợp đồng mua bán thiếc. Quá trình thực hiện hợp đồng, Công ty P đã cho Công ty A tạm ứng số tiền 5.372.435.316 đồng. Từ khi Công ty A tạm ứng số tiền cho đén nay, phía Công ty A chưa giao được số hàng nào cho Công ty P. Công ty P đã nhiều lần làm văn bản yêu cầu nhưng Công ty A không giao hàng đúng cam kết và Công ty A cũng đã có văn bản trả lời về việc không giao đúng hợp đồng được. Ngày 10/4/2018 hai bên đối chiếu công nợ và thỏa thuận lãi suất đến ngày 31/3/2018. Sau khi chốt nợ Công ty A chỉ trả được cho Công ty P 40.000.000 đồng. Nay, Công ty P yêu cầu Tòa án buộc Công ty A trả số tiền tạm ứng gốc và lãi suất theo thỏa thuận đến ngày 30/7/2019. Bản án sơ thẩm: Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty P; buộc Công ty A có nghĩa vụ trả số tiền tạm ứng và tiền lãi suất tính đến ngày 30 tháng 7 năm 2019 cho Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Xuất nhập khẩu P tổng số tiền là 7.003.270.395 đồng. Trong đó, tiền gốc là 5.332.435.316 đồng, tiền lãi suất là 1.670.835.079 đồng. Sau đó Công ty A đã kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm với 3 lý do trong đó có: tại thời điểm sau khi ký hợp đồng mua bán thiếc và nhận tiền tạm ứng, thị trường thiếc thế giới và Việt Nam giảm sâu khoảng 23.000 USD/tấn xuống còn 16.000 USD/tấn nên cả hai công ty sẽ bị lỗ. Mặt khác, theo quy định của Nghị định số 100/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016. đã khiến cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khoáng sản bị ảnh hưởng nghiêm trọng do không được hoàn thuế giá trị gia tăng. Công ty A đã tìm cách giải quyết nhưng không được nên thuộc trường hợp bất khả kháng theo Điều V của hợp đồng đã ký. Theo đó, Công ty A được miễn trừ mọi nghĩa vụ do sự kiện bất khả kháng. Tòa án phúc thẩm nhận định: hai bên ký hợp đồng với nhau vào ngày 02 tháng 12 năm 2015 và thời hạn giao hàng chậm nhất là hết tháng 02 năm 2016. Mặc dù Công ty P đã chuyển số tiền tạm ứng nhưng Công ty A đã không thực hiện đúng thời gian giao hàng như đã cam kết. Công ty P cũng đã đồng ý gia hạn thời gian giao hàng nhưng Công ty A không thực hiện đúng. Công ty A cho rằng việc vi phạm thời gian giao hàng thuộc trường hợp bất khả kháng nhưng không xuất trình được tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu của mình. Do đó, không có căn cứ để chấp nhận nội dung kháng cáo ngày của bị đơn. Tòa án phúc thẩm tuyên: Không chấp nhận kháng cáo của bị đơn Công ty A; giữ nguyên bản án sơ thẩm. |
162-170 |
LINK TẢI: TỔNG HỢP 20 BẢN ÁN TOÀ ÁN NHẬN ĐỊNH VỀ SỰ KIỆN BẤT KHẢ KHÁNG VÀ HOÀN CẢNH THAY ĐỔI CƠ BẢN
99 Nguyễn Hữu Thọ, Quân Hải Châu, thành phố Đà Nẵng
Luật sư tại Huế:
336 Phan Chu Trinh, thành phố Huế, Thừa Thiên Huế
Luật sư tại Quảng Ngãi:
359 đường Nguyễn Du, thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi
Luật sư tại Hà Nội:
45C Trần Quốc Toản, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàng Kiếm, thành phố Hà Nội
Luật sư tại Phú Quốc
65 Hùng Vương, Dương Đông, Phú Quốc, Kiên Giang
Website: www.fdvn.vn www.fdvnlawfirm.vn www.diendanngheluat.vn www.tuvanphapluatdanang.com
Email: fdvnlawfirm@gmail.com luatsulecao@gmail.com
Điện thoại: 0935 643 666 – 0906 499 446
Fanpage LUẬT SƯ FDVN: https://www.facebook.com/fdvnlawfirm/
Legal Service For Expat: https://www.facebook.com/fdvnlawfirmvietnam/
TỦ SÁCH NGHỀ LUẬT: https://www.facebook.com/SayMeNgheLuat/
DIỄN ĐÀN NGHỀ LUẬT: https://www.facebook.com/groups/saymengheluat/