Feel free to go with the truth

Trang chủ / Nghiên cứu học tập / TỔNG HỢP 20 BẢN ÁN BẢO VỆ NGƯỜI THỨ BA NGAY TÌNH

TỔNG HỢP 20 BẢN ÁN BẢO VỆ NGƯỜI THỨ BA NGAY TÌNH

FDVN trân trọng chia sẻ “TỔNG HỢP 20 BẢN ÁN BẢO VỆ NGƯỜI THỨ BA NGAY TÌNH” do các luật sư/chuyên viên pháp lý của FDVN sưu tầm/tổng hợp.

Tài liệu này phục vụ cho mục đích học tập, nghiên cứu và được chia sẻ hoàn toàn miễn phí. Chúng tôi phản đối việc sử dụng tài liệu này vào mục đích thương mại và các mục đích bất hợp pháp khác.

TỔNG HỢP 20 BẢN ÁN TÒA ÁN BẢO VỆ NGƯỜI THỨ BA NGAY TÌNH

STT

TÊN VĂN BẢN VÀ NỘI DUNG

TRANG

Bản án số 75/2017/DS-PT ngày 14/7/2017 về việc tranh chấp đòi nhà đất do người khác chiếm giữ của Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk

Nội dung: 15/4/2014, bà C nhận chuyển nhượng của ông H 01 căn nhà và đất. Ngày 25/4/2014, VPĐKĐĐ Tp. B đã xác nhận việc biến động chủ sử dụng sang tên bà C trong GCNQSDĐ BP 12xxxx Ngày 22/1/2014 và ông H đã bàn giao nhà, đất cho bà C quản lý, sử dụng. Đến ngày 30/4/2014, bà C khóa cửa về huyện E để giải quyết công việc gia đình, đến ngày 1/5/2014 khi trở về nhà thì thấy ông M phá khóa cửa và chiếm giữ trái phép căn nhà của bà.

Bà C đã yêu cầu chính quyền địa phương giải quyết nhưng ông M vẫn không giao trả. Vì vậy bà khởi kiện yêu cầu buộc ông M và những người có nghĩa vụ liên quan là bà T1, Đ2, Đ1, T2 và ông A phải trả lại nhà cho bà.

Tòa án sơ thẩm tuyên: Chấp nhận yêu cầu của bà C, buộc ông M có trách nhiệm trả lại căn nhà và đất cho bà C

Tòa án phúc thẩm nhận định: Bà L chung sống với ông D năm 1995 nhưng không đăng ký kết hôn. Năm 2004 ông D chết không để lại di chúc. Đến đầu năm 2014 bà L tự ý kê khai làm thủ tục và được cấp GCNQSDĐ cho hộ bà L và ông D (đã chết). Sau khi được cấp GCNQSDĐ, bà L đã ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho ông H, ông H lại ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho bà C. Vậy bà C là người chiếm hữu ngay tình nhận được tài sản thông qua giao dịch hợp pháp. Theo quy định tại khoản 2 Điều 138 Bộ luật dân sự năm 2005 và Điều 258 Bộ luật dân sự năm 2005, mặc dù việc bà L đăng ký kê khai cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà là trái quy định của pháp luật nhưng việc bà Nguyễn Thị Kim C là người thứ ba nhận chuyển nhượng hợp pháp, ngay tình nên việc Tòa án cấp sơ thẩm xác định bà C là chủ sở hữu hợp pháp về tài sản là có căn cứ, đúng pháp luật.

Tòa án phúc thẩm tuyên: Không chấp nhận kháng nghị của VKS ND TP BMT. Chấp nhận đơn kháng cáo của bà C: Buộc ông M, bà T1, Đ2, Đ1, T2, ông A có trách nhiệm trả lại căn nhà và đất cho bà C.

01 – 09
Bản án số 100/2017/DS-PT ngày 8/8/2017 về yêu cầu hủy hợp đồng ủy quyền, hợp đồng mua bán của Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Nai

Nội dung: Bà V là nguyên đơn trong vụ án “Yêu cầu trả nợ vay” đối với bị đơn là bà Th. Vụ án đã được Tòa án nhân dân thành phố BH giải quyết bằng quyết định công nhận sự thỏa thuận số 58/2013/QĐST – DS ngày 15/3/2013. Theo đó, bà Th phải trả cho bà V số tiền là  1.035.000.000đ.

Sau  đó,  bà  V  có  đơn  yêu  cầu  thi  hành  án Quyết  định  số 58/2013/QĐST-DS và đã được chi cục Thi hành án dân sự thành phố BH đã ra Quyết định cưỡng chế xe ô tô TOYOTA FORTUNER, là tài sản của bà Th để thi hành án cho bà V. Tuy nhiên, sau đó chiếc xe này đã được giao lại cho ông T theo quyết định công nhận sự thỏa thuận số 238/2013/QĐST-DS ngày 19/9/2013 giữa ông T và bà Th. Tại quyết định giám đốc thẩm số 01/2013/DS – GĐT ngày 18/12/2013, Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Nai đã hủy quyết định công nhận sự thỏa thuận số 238/2013/QĐST-DS ngày 19/9/2013 của Tòa án nhân dân thành phố BH.

Tại thời điểm bà Th bán cho ông T thì xe ô tô này đang bị thế chấp tại Ngân hàng Á Châu. Sau đó, ông T lại ủy quyền cho bà T bán xe này cho bà H (Hiện bà H đang quản lý, sử dụng xe này).

Do vậy, bà V đề nghị Tòa án tuyên bố hợp đồng mua bán xe ô tô giữa bà Th và ông T vô hiệu; Tuyên bố hợp đồng ủy quyền mua xe ô tô giữa ông T và bà T vô hiệu; Tuyên bố hợp đồng mua xe ô tô giữa bà T và bà H vô hiệu

Tòa án sơ thẩm tuyên: Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà V. Tuyên hủy các hợp đồng. Buộc bà Th phải trả lại cho ông T 900tr, buộc ông T trả lại cho bà T 690tr, buộc bà T trả lại cho bà H 740tr. Buộc bà H giao trả xe cho bà Th.

Tòa án phúc thẩm nhận định: Theo qui định tại Điều 258 của Bộ luật dân sự năm 2005 về Quyền đòi lại động sản phải đăng ký quyền sở hữu hoặc bất động sản từ người chiếm hữu ngay tình: “Chủ sở hữu được đòi lại động sản phải đăng ký quyền sở hữu và bất động sản, trừ trường hợp người thứ ba chiếm hữu ngay tình nhận được tài sản này thông qua bán đấu giá hoặc giao dịch với người mà theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là chủ sở hữu tài sản nhưng sau đó người này không phải là chủ sở hữu tài sản do bản án, quyết định bị huỷ, sửa”. Như phân tích ở trên, việc mua bán xe qua nhiều người khi đã có quyết định của Tòa án công nhận xe cho ông T không thể bị tuyên vô hiệu. Mặt khác, trong vụ án này bà Th không yêu cầu đòi lại chiếc xe đã bán cho ông T, nhưng Tòa án nhân dân thành phố BH tuyên buộc bà H trả xe cho bà Th hiện đang không rõ tung tích là không đúng.

Từ đó có đủ cơ sở khẳng định, Tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận đơn khởi kiện của nguyên đơn để hủy một loạt các giao dịch liên quan đến xe và buộc bà H trả xe lại cho bà Th là không có căn cứ, vi phạm nghiêm trọng việc áp dụng các qui định của pháp luật dân sự về bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp cho người thứ ba ngay tình. Cần sửa bản án sơ thẩm theo hướng bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

Tòa án phúc thẩm tuyên: Chấp nhận kháng cáo của ông T sửa bản án sơ thẩm: Không chấp nhận yêu cầu của bà V.

10 – 17
Bản án số 196/2017/HC-PT ngày 18/8/2017 về việc khiếu kiện hành vi hành chính về quản lý đất đai của Tòa án nhân dân cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh

Nội dung: Năm 1978, cha mẹ ông X là ông Th1 và bà T2 có sang nhượng cho vợ chồng ông X 1.000m2, do trong gia đình nên chưa sang tên. Đến tháng 9/1997 vợ chồng ông X hoán đổi với cha mẹ phần đất 1.000m2 đã sang nhượng để lấy 700m2 đất nền nhà cũ của ông Th1 và bà T2 nằm sát mặt lộ. Như vậy, đất của ông Th1 và bà T2 còn lại 4.967m2. Tuy nhiên, do ngay sau đó ông Th1 qua đời chưa kịp sang tên chủ quyền cho ông X và bà Nh. Ngày 24/02/1998 bà T2 kêu các con về họp gia đình cho đứt X –Nh toàn bộ diện tích đất còn lại (nhưng ghi chung là 5.667m2, vì 700m2 chưa tách bộ được). Khi đó có lập tờ cam kết. Đồng thời ngày 30/6/1998, bà T2 có làm bổ sung tờ hợp đồng ủy quyền nhà với nội dung bán luôn căn nhà trên đất cho ông X, bà Nh. Sau khi có các giấy tờ trên, ông X, bà Nh tiến hành đăng ký kê khai và được UBND huyện C cấp GCNQSDĐ số vào sổ 760/QSDĐ ngày 11/6/1999.

Năm 2003, bà T2 kiện tranh chấp đòi lại toàn bộ nhà và đất. Năm 2006, tòa án sơ thẩm chấp nhận một phần yêu cầu của bà T2. Năm 2007, tòa án cấp phúc thẩm chấp nhận toàn bộ yêu cầu của bà T2, hủy GCNQSDĐ đã cấp cho ông X và bà Nh. Năm 2011, Tòa án tối cao đã giám đốc thẩm hủy toàn bộ 02 bản án để giải quyết lại từ đầu.

Sau khi vụ án tiếp tục giải quyết, năm 2013 bà T2 rút đơn khởi kiện. Năm 2015 ông X đến UBND xã để làm lại thủ tục cấp GCNQSDĐ thì được biết mẹ ông là bà T2 đã được cấp GCNQSDĐ 1680 m2, ông Q được cấp GCNQSDĐ 1003 m2, bà D được được cấp GCNQSDĐ 2984 m2.

Ngày 06/8/2015 ông X, bà Nh có đơn khiếu nại UBND huyện C xem xét cho thu hồi lại GCNQSDĐ đã cấp cho bà T2, ông Q, bà D. Đồng thời cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông X, bà Nh như cũ nhưng không được giải quyết nên ông bà tiếp tục khởi kiện.

Tòa án sơ thẩm tuyên: Chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông X và bà Nh. Tuyên bố hành vi hành chính của UBND là trái pháp luật.

Tòa án phúc thẩm nhận định: Việc UBND cấp GCNQSDĐ dựa vào các bản án đã có hiệu lực pháp luật là đúng pháp luật vào thời điểm cấp GCNQSDĐ. Tuy nhiên các bản án đó đã bị hủy để điều tra xét xử lại. Xét thấy quyết định giám đốc thẩm hủy án để điều tra xét xử chứ không quyết định việc cấp GCNQSDĐ cho các đương sự là đúng hay sai.

Căn cứ điểm d khoản 2 Điều 106 Luật Đất đai 2014 và khoản 2 Điều 138 BLDS 2005, bà T2 đã kê khai, đăng ký và được cấp GCNQSDĐ và bà T2 đã sang nhượng phần diện tích cho ông Q và bà D. Ông Q và bà D là người thứ ba ngay tình nên được áp dụng quy định trên của pháp luật. Án sơ thẩm chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông X bà Nh là không đúng.

Tòa án phúc thẩm tuyên: Sửa bản án sơ thẩm: Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông X và bà Nh. Ông bà có quyền khởi kiện bằng vụ án dân sự khác nếu có yêu cầu chia di sản thừa kế của ông Th1 và bà T2 cũng như tranh chấp về việc mua bán nhà đất.

18 – 26
Bản án số 18/2017/DS-ST ngày 27/10/2017 về việc Tranh chấp đòi lại tài sản là quyền sử dụng đất, yêu cầu hủy hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và hủy giấy chứng nhận QSĐ của Tòa án nhân dân huyện ĐD tỉnh Lâm Đồng

Nội dung: Ngày 17/3/1997, ông T và ông P xác lập 01 giấy bán đất viết tay. Theo đó, ông P chuyển nhượng cho ông T 7.223m2 đất. Giấy bán đất thể hiện rõ: “diện tích đất chuyển nhượng nêu trên tạm thời để con trai ông T là anh L đứng tên trên giấy tờ chuyển nhượng, sau này sẽ chia cho các em”. Trong giấy có chữ ký và chữ viết của ông T và ông P và chữ ký người làm chứng là ông H.T.T. Ngày 18/3/1997, anh L và vợ chồng ông P bà Q xác lập Hợp đồng chuyển nhượng QSDĐ, trên đó là chữ ký và chữ viết của anh L và ông P bà Q. Nhưng ông T cho rằng toàn bộ giấy tờ ông T chỉ tạm thời cho anh L đứng tên giúp. Toàn bộ chữ viết của anh L là do ông T ký và viết ra.

Sau khi chuyển nhượng, ông T cùng con là anh C1, anh T2 trực tiếp sử dụng, anh L không sử dụng. Năm 2000, anh L kết hôn với chị X. Năm 2006, anh L chết không để lại di chúc. Chị X đã khởi kiện yêu cầu chia thừa kế. Tại bản án sơ thẩm và phúc thẩm, TAND huyện ĐD đã giao toàn bộ diện tích 7.223m2 cho chị X.

Ngày 4/5/2012, chị X chuyển nhượng 7.223m2 đất trên cho vợ chồng anh C và chị T3 và đã được cấp GCNQSDĐ.

Vụ án đã được Tòa án nhân dân tối cao xét xử bằng Quyết định giám đốc thẩm số 536/2012/DS-GĐT ngày 31/10/2012, tuyên hủy cả hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm, giao hồ sơ cho TAND huyện ĐD xét xử sơ thẩm lại.

Tòa án sơ thẩm nhận định: Theo quy địn tại k oản 2 Điều 138 Bộ luật dân sự 2005 thì“Trong trường hợp tài sản giao dịch là bất động sản hoặc là động sản phải đăng ký quyền sở hữu đã được chuyển giao bằng một giao dịch khác cho người thứ ba ngay tình thì giao dịch với người thứ ba bị vô hiệu, trừ trường hợp người thứ ba ngay tình nhận được tài sản này thông qua bán đấu giá hoặc giao dịch với người mà theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là chủ sở hữu tài sản nhưng sau đó người này không phải là chủ sở hữu tài sản do bản án, quyết định bị hủy, sửa”. Theo điều 258 Bộ luật dân sự 2005 thì “Chủ sở hữu được đòi lại động sản phải đăng ký quyền sở hữu và bất động sản, trừ trường hợp người thứ ba chiếm hữu ngay tình nhận được tài sản này thông qua bán đấu giá hoặc giao dịch với người mà theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là chủ sở hữu tài sản nhưng sau đó người này không phải là chủ sở hữu tài sản do bản án, quyết định bị hủy, sửa”.

Đối chiếu các quy định trên, anh C chị T3 là người nhận chuyển nhượng thửa đất của chị X ngay tình. Do vậy giao dịch chuyển nhượng không bị vô hiệu. Nguyên đơn không có căn cứ để yêu cầu bị đơn phải trả lại diện tích 7.223m2 đất.

Tòa án sơ thẩm tuyên: Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông T về việc yêu cầu anh C và chị T3 trả lại đất và hủy hợp đồng chuyển nhượng, GCNQSDĐ với chị X.

27 – 39
Bản án số 06/2017/HNGĐ-PT ngày 16/11/2017 về việc tranh chấp kiện xin ly hôn của Tòa án nhân dân tỉnh Hòa Bình

Nội dung: 7/2014, anh L đã đăng ký kết hôn với chị N. Sau đó phát sinh nhiều mâu thuẫn về quan điểm sống và những tác động bên ngoài khiến quan hệ vợ chồng ngày càng căng thẳng không thể hàn gắn được. Đến tháng 2/2017 chị N đã tự ý lấy 250.000.000 đồng của anh L bỏ đi và vợ chồng ly thân từ đó. Nên anh L khởi kiện yêu cầu ly hôn, chị N có yêu cầu phản tố yêu cầu chia con chung và tài sản chung.

Tòa án sơ thẩm tuyên: Công nhận sự thuận tình ly hôn giữa anh L và chị N. Giao con chung là cháu L2 cho anh L nuôi dưỡng. Không chấp nhận yêu cầu chia tài sản chung của chị N đối với thửa đất số 247. Tách yêu cầu chia tài sản 3 thửa đất còn lại để giải quyết trong vụ án khác để chị N khởi kiện giao dịch chuyển nhượng đất giữa anh L và các anh Q và anh T.

Tòa án phúc thẩm nhận định: Căn cứ vào những tài liệu có trong hồ sơ vụ án, lời khai của đương sự và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan HĐXX xét thấy: Anh L làm nghề kinh doanh dịch vụ cầm đồ, thu nhập chỉ đủ trang trải cuộc sống, chị N không có việc làm, sống phụ thuộc nên không có đủ điều kiện để nhận chuyển nhượng ba thửa đất trên trong thời gian ngắn. Vì vậy việc anh L vay số tiền 800.000.000 đồng ngày 25/11/2014 của anh T là phù hợp. Đây là số nợ hình thành trong thời kỳ hôn nhân, anh L cũng đồng ý số tài sản trên là tài sản chung của vợ chồng, nhưng chị N cũng phải có trách nhiệm với số tiền vay nợ là 800.000.000đ tiền vay để mua tài sản. Mặt khác ba thửa đất trên anh L đã chuyển nhượng cho anh T và Q, việc chuyển nhượng thực hiện trước khi chị N có yêu cầu chia tài sản chung và liên quan đến người thứ ba ngay tình. Nếu giải quyết trong vụ án này làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của anh T và anh Q. Việc tách yêu cầu chia tài sản chung vợ chồng thành một vụ án khác để đảm bảo quyền lợi cho người thứ ba là có căn cứ, đúng pháp luật. Nên không có căn cứ chấp nhận kháng cáo của chị N.

Tòa án phúc thẩm tuyên: Không chấp nhận kháng cáo của chị N. Giữ nguyên bản án sơ thẩm.

40 – 50
Bản án số 51/2018/HS-ST ngày 9/5/2018 của Tòa án nhân dân huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La

Nội dung: Khoảng 18 giờ ngày 19.9.2017, anh T điều khiển xe máy rủ D đi trộm cắp tài sản, D đồng ý. T điều khiển xe máy chở D đi quanh khu vực bản Nong Chạy nhưng không trộm cắp được tài sản. Đến 19h cùng ngày, T chở D về nhà bố mẹ T để lấy thêm vật dụng để mang đi trộm cắp. Do biết Lò Thị X nuôi nhiều gà và ngan, chồng đi tù, ở nhà một mình nên T đã rủ D vào để trộm cắp tài sản. Tại đây T và D lấy được 2 dây bạc và chiếc điện thoại Masstel và Samsung J3. T qua nhà bạn gái đưa cho J chiếc điện thoại Masstel rồi đến nhà Hà Văn Chương cầm cố 01 dây bạc lấy 01 gói herôin và sử dụng ngay tại nhà Chương. Sau khi sử dụng xong, T đưa 01 dây chuyền vàng tây, 01 đôi khuyên tai vàng tây, 01 dây bạc và 01 ĐTDĐ Samsung J3 cho D bảo D cùng L mang đi bán. L và D bán vàng và bạc ở hiệu vàng bạc Tiệp Dung được tổng số tiền 1.550.000đ. Sau đó sang hiệu ĐTDĐ của L1 bán được 600.000đ.

Tòa án sơ thẩm nhận định: Đối với số tiền 600.000đ thu giữ của Lê Văn L1. Số tiền này là tiền các bị cáo đến cửa hàng của L1 để sửa điện thoại sau đó bán lại điện thoại cho Lê Văn L1. L1 không biết tài sản đó là do các bị cáo phạm tội mà có nên xác định giao dịch giữa L1 và T, D là giao dịch dân sự; L1 là người thứ ba ngay tình. Nên cần trả lại cho Lê Văn L1 số tiền 600.000đ trên.

Tòa án phúc thẩm tuyên: Tuyên bố các bị cáo Tòng Văn T và Lành Văn D phạm tội: “Cướp tài sản”. Xử phạt bị cáo Tòng Văn T 07 (bảy) năm 06 (sáu) tháng tù giam. Thời hạn tù tính từ ngày tạm giam (ngày 20/10/2017). Xử phạt bị cáo Lành Văn D 07 (bảy) năm tù giam. Thời hạn tù tính từ ngày tạm giam

51 – 60
Bản án số 08/2018/KDTM-ST ngày 13/11/2018 về việc tranh chấp hợp đồng tín dụng và hợp đồng thế chấp tài sản của Tòa án nhân dân tỉnh Phú Yên

Nội dung: Ngân hàng V cho vợ chồng anh C, chị M vay tiền theo hai hợp đồng tín dụng. Tài sản bảo đảm cho hai HĐ trên là nhà gắn liền trên đất tại 62L. Các khoản nợ đã quá thời hạn trả nợ nên Ngân hàng yêu cầu Tòa tuyên buộc anh C, chị M thực hiện nghĩa vụ trả nợ tính đến ngày 13/11/2018 là 1.473.597.556 đ. Trường hợp anh C, chị M không thanh toán khoản nợ nói trên thì Ngân hàng được quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xử lý tài sản bảo đảm là nhà gắn liền với đất tại 62L. Về vấn đề nhà 62L có tường chung, trụ chung với nhà số 62L nên Ngân hàng yêu cầu Tòa án giải quyết theo pháp luật.

Tòa án sơ thẩm nhận định: Nguồn gốc nhà đất 62 L do vợ chồng ông P, Bà L tạo lập. Năm 2001, ông P chết không để lại di chúc. Trong biên bản diện thừa kế không thể hiện ý chí của bà T (mẹ ông P). Ngày 25/8/2007, các đồng thừa kế của ông P thống nhất để bà L là người đứng chủ sở hữu. Ngày 31/8/2007, UBND Tp. T ban hành Quyết định số 2557/QĐ-UBND v/v cấp GCNQSDĐ tại 62L cho bà L kèm theo GCNQSDĐ. Trong GCN không ghi rõ tài sản của ai, bà L là người đại diện đứng tên mà ghi “Chủ sở hữu nhà ở và sử dụng đất Bà Nguyễn Thị Thu L” là có thiếu sót, đã tước mất quyền đồng sở hữu của diện hưởng thừa kế ông P. Cũng chính từ việc thiếu sót này, khi bà L lập hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất ngày 29/3/2012 cho vợ chồng anh C, chị M nhà đất tại 62 L, UBND Tp. T tiếp tục cấp GCNQSDD & TSGLTĐ tại nhà 62L cho vợ chồng anh C, chị M số ngày 06/4/2012 là không đúng pháp luật.

Tuy việc UBND thành phố T cấp GCNQSDD ở tại 62 L, cho Bà L và vợ chồng anh C, chị M không đúng pháp luật, nhưng theo quy định tại khoản 2 Điều 138 BLDS năm 2005 thì các hợp đồng tín dụng giữa Ngân hàng V và anh C, chị M không bị vô hiệu.

Tòa án sơ thẩm tuyên: Không chấp nhận yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà T, anh D, chị N yêu cầu hủy GCNQSDĐ cấp cho Bà L, hủy GCNQSDĐ cấp cho anh C, chị M ngày 06/4/2012, hủy Hợp đồng tặng cho nhà đất 62 L đã lập giữa bên tặng cho Bà L và bên được tặng cho anh C, chị M ngày 29/3/2012, hủy Hợp đồng thế chấp giữa Ngân hàng V và anh C, chị M. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Ngân hàng V.

61 – 71
Bản án số 152/2019/DS-PT ngày 22/4/2019 v/v tranh chấp quyền sử dụng đất của Tòa án nhân dân tỉnh Bến Tre

Nội dung: Năm 1996, cha chồng bà S cho vợ chồng bà diện tích đất 6.800 m2. Ngày 1/4/1997 thì bà S và chồng là ông P được cấp GCNQSDĐ đối với phần đất 6.800 m2 thuộc thửa 197,402,404. Năm 2001, ông P chết để lại phần diện tích trên cho bà S cùng các con là T, N, T1, L trực tiếp quản lý. Đến tháng 7/2012, khi đoàn đo đạc xuống đo đất để cấp lại GCNQSDĐ thì bà Trịnh Thị Ngọc L không đồng ý vì cho rằng phần diện tích 800 m2 thuộc một phần thửa 404 là đất của bà L, bà L rào lại và không cho bà S và con của bà L vào canh tác, sử dụng. Nay bà S cùng các con khởi kiện yêu cầu trả lại phần đất 800m2.

Tòa án phúc thẩm tuyên: Chấp nhận một phần yêu cầu của các nguyên đơn yêu cầu nguyên đơn, buộc bà L giao trả diện tích 72m2 thuộc thửa đất 152, tờ bản đồ 19. Chấp nhận yêu cầu phản tố của bà L, công nhận phần đất 717m2 thuộc quyền sử dụng của bà L. Hủy một phần GCNQSDĐ của ông H đối với nội dung cấp QSDĐ thửa 404. Buộc bà L bồi thường 28.700.000 cho nguyên đơn.

Tại bản án phúc thẩm ngày 12/8/2016, Tòa án chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, buộc bà L giao trả 717m2 đất cho nguyên đơn, nguyên đơn phải bồi hoàn cho bà L 7.000.000 đồng. Tại Quyết định Giám đốc thẩm ngày 5/2/2018, Tòa án cấp cao tại TP. HCM hủy bản án phúc thẩm, giao hồ sơ cho Tòa án nhân dân tỉnh Bến Tre xét xử lại.

Tòa án phúc thẩm nhận định: Đối với quan hệ tranh chấp QSDĐ, sau khi xét xử sơ thẩm thì nguyên đơn và bị đơn không có kháng cáo. Tuy nhiên tranh chấp có liên quan đến ông Lê Quốc L1 và ông L1 có yêu cầu độc lập yêu cầu công nhận quyền sử dụng đất giữa ông với bà S và các con của bà S. Nhận thấy ông L1 nhận chuyển nhượng QSDĐ từ bà S và các con của bà S sau bản án phúc thẩm ngày 12/8/2016 có hiệu lực pháp luật và sau khi hoàn thành xong việc cưỡng chế giao đất cho bà S và các con của bà S. Theo khoản 2 Điều 133 Bộ luật dân sự 2015, ông L1 là người thứ ba ngay tình được pháp luật bảo vệ.

Tòa án phúc thẩm tuyên: Hủy bản án sơ thẩm ngày 1/12/2018, giao hồ sơ cho Tòa án nhân dân huyện C để xét xử lại.

72 – 82
Bản án số 64/2019/DS-PT ngày 26/4/2019 về việc Đòi tài sản của Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Nai

Nội dung: Ông T và bà L là chủ sở hữu thửa đất số V và được cấp giấy CNQSDĐ ngày 6/12/2011 và được chỉnh lý ngày 12/1/2017. Diện tích đất này trước đây thuộc quyền sở hữu của bà T1. Ngày 10/7/2012, bà T1 cùng chồng là ông H ký hợp đồng thế chấp tài sản cho khoản vay của của Công ty X vay ngân hàng K. Do bên vay vi phạm nghĩa vụ thanh toán nên Ngân hàng K đã tiến hành bán đấu giá tài sản trên và vợ chồng ông T bà L mua với giá 1.620.000.000đ. Tuy nhiên bà T1 không giao lại nhà trên cho vợ chồng ông bà nên ông bà khởi kiện.

Tòa án sơ thẩm tuyên: Buộc bà T1, ông H, anh N, chị L phải giao trả một căn nhà cấp 4 trên diện tích đất 83m2, thửa đất số V cho ông T và bà L. Bà T1 được quyền khởi kiện Ngân hàng K yêu cầu bồi thường chi phí hợp lý và bồi thường thiệt hại khi có yêu cầu.

Tòa án phúc thẩm nhận định: Ông T và bà L hoàn toàn không biết việc vay tiền và thế chấp giữa Ngân hàng K, công ty Y và ông H, bà T1. Ông bà là người đã mua đấu giá ngay tình. Theo qui định tại Điều 258 của BLDS 2005 và Điều 133 của BLDS 2015 thì ông T bà L là những chủ sử dụng đất ngay tình, được pháp luật bảo vệ và chủ sở hữu, sử dụng cũ (ông H, bà T1) không được quyền đòi lại tài sản này kể cả trong trường hợp Ngân hàng K và Công ty bán đấu giá có sai phạm gây thiệt hại cho bà T1, ông H. Việc sau khi Ngân hàng K tiến hành thủ tục thu giữ tài sản và bán đấu giá thành công, nhưng sau đó bà T1 chiếm lại tài sản và đem cho người khác thuê là trái pháp luật, Tòa án cấp sơ thẩm đã chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, buộc bà T1 ông H thực hiện nghĩa vụ giao tài sản cho nguyên đơn là có căn cứ.

Tòa án phúc thẩm tuyên: Không chấp nhận kháng cáo của bà T1, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

83 – 92
Bản án số 07/2019/HC-ST ngày 14/6/2019 về việc Khiếu kiện yêu cầu hủy GCNQSDĐ của Tòa án nhân dân tỉnh An Giang

Nội dung: Ông LVT (chết năm 2010) và bà TTĐ (chết năm 1978) có 9 người con. Lúc còn sống, cha mẹ có tạo lập căn nhà gắn với diện tích 154,9 m2 vào năm 1954. Khi cha mẹ chết, các anh em thống nhất cho vợ chồng LTT cùng vợ NTL tiếp tục ở trong căn nhà để lo hương khói và giữ tài sản cho cha mẹ. Trong thời gian này, vợ chồng ông LTT tự ý làm hồ sơ cấp GCNQSDĐ nhưng các anh chị em không biết. Đến tháng 3/2018, các ông bà mới biết được vợ chồng ông T bán tài sản của cha mẹ để lại và ông bà có làm đơn ngăn chặn. Ông C, C2, B đã khởi kiện yêu cầu TAND tỉnh AG hủy GCNQSDĐ cấp ngày 11/3/2013 cho ông LTT và bà NTL, hủy GCNQSDĐ cấp ngày 12/6/2018 cho ông PPT1 và bà LTPL.

Tòa án sơ thẩm nhận định: Việc ông L.T.T (là một trong những người trong hàng thừa kế) cùng vợ là bà N.T.L tự ý đăng ký kê khai quyền sử dụng đất đối với di sản trên nhưng không có sự đồng ý của những người trong hàng thừa kế nhưng vẫn được UBND thị xã C.Đ (nay là thành phố C.Đ) cấp GCNQSDĐ ngày 11/3/2013 cho ông L.T.T và bà N.T.L là không đảm bảo chính xác về đối tượng được cấp đất. Tuy nhiên, sau khi được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, ông T, bà L đã sử dụng ổn định và thực hiện nhiều giao dịch dân sự khác một cách ngay tình, công khai. Đến ngày 24/4/2018, ông T, bà L chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho ông P.P.T1 cùng vợ L.T.P.L2 và được Văn phòng đăng ký đất đai – chi nhánh C.Đ chỉnh lý biến động giấy chứng nhận. Theo quy định tại Khoản 2 Điều 106 Luật Đất đai năm 2013, người tham gia giao dịch quyền sử dụng đất được bảo vệ nếu việc nhận chuyển quyền sử dụng đất phù hợp quy định pháp luật đất đai. Đồng thời theo nguyên tắc bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay tình khi tham gia giao dịch dân sự được quy định tại khoản 2 Điều 133 BLDS 2015. Cần bác yêu cầu khởi kiện L.H.C, L.V.C1, L.B.B. Nếu các đương sự có yêu cầu tranh chấp di sản thừa kế là số tiền chuyển nhượng có được từ việc chuyển nhượng quyền sử dụng nhà, đất trên thì khởi kiện bằng vụ kiện dân sự tại Tòa án có thẩm quyền.

Tòa án sơ thẩm tuyên: Bác yêu cầu khởi kiện của các ông L.H.C, L.V.C1, L.B.B.

93 – 101
Bản án số 803/2019/DS-PT ngày 12/9/2019 về việc đòi tài sản của Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh

Nội dung: Bà T có mua một số bất động sản nhưng do không thường xuyên có mặt tại Việt Nam nên đã nhờ Ông T2 đứng tên một số tài sản. Ngày 02/08/2008 Ông T2 đã viết giấy xác nhận đứng tên dùm 04 tài sản nêu trên của Bà T. Sau đó Bà T nhiều lần yêu cầu bị đơn sang tên chủ quyền các tài sản đã đứng tên dùm nhưng Ông T2 không thực hiện. Ngày 21/04/2009 bà T nộp đơn khởi kiện yêu cầu ông T làm thủ tục chuyển quyền sở hữu các tài sản trên cho bà T. Sau khi Tòa án nhân dân quận Bình Tân thụ lý hồ sơ khởi kiện trên và thông báo cho phía Ông T2 thì Ông T2 đã thực hiện việc bán căn hộ trên cho Ông H2, ông H2 tiếp tục bán lại cho bà H và ông D.

Tòa án sơ thẩm tuyên: Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Bà T.

  • Công nhận căn hộ A1-5-4 (số mới: A1-4-4) chung cư F thuộc quyền sở hữu của Bà T
  • Hủy hợp đồng mua bán căn hộ ngày 18/08/2007 giữa công ty TNHH Thương mại Xây dựng Lê Thành và bà H
  • Hủy biên bản chuyển nhượng hợp đồng ngày 21/9/2009 có chữ ký ghi tên ông T2, Ông H2 và chữ ký đóng dấu đại diện theo pháp luật của công ty TNHH Thương mại Xây dựng Lê Thành.
  • Buộc Bà H, Ông D, Ông G, ông Đ, bà Diễm, ông P, ông V giao trả lại căn hộ A1-5-4 (số mới: A1-4-4) chung cư Lê Thành, cho Bà T trong thời hạn 01 tháng kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật.
  • Buộc Bà T có trách nhiệm thanh toán lại cho bà H 56.619.000 là số tiền mà bà H trình bày đã bỏ ra sửa chữa căn hộ A1-5-4 (số mới: A1-4-4).
  • Công nhận phần đất 200m2 thuộc thửa 551 tỉnh Lâm Đồng là thuộc quyền sử dụng của Bà T. Hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ngày 04/01/2007 do ủy ban nhân dân Thành phố Đà Lạt cấp cho Ông T2.

Tòa án phúc thẩm nhận định: Tại thời điểm chuyển nhượng 21/09/2009, căn hộ không bị ngăn chặn mua bán, chuyển nhượng bởi cơ quan có thẩm quyền, tuy lúc này nguyên đơn đã khởi kiện đòi quyền sở hữu căn hộ nhưng nguyên đơn không có văn bản thông báo đến công ty F về sự việc tranh chấp và công ty F cũng không được đưa vào tham gia tố tụng để thông báo về việc tranh chấp phát sinh liên quan đến quyền sở hữu căn hộ của công ty nên công ty F không thể biết căn hộ trên có phát sinh tranh chấp. Do vậy, giao dịch chuyển nhượng hợp đồng mua bán căn hộ trên giữa bị đơn và ông H2 thì ông H2 hoàn toàn ngay tình. Sau đó, đến ngày 25/09/2009 ông Từ Minh H2 chuyển nhượng hợp đồng mua bán căn hộ cho bà H và công ty F đã ký hợp đồng cùng số cho bà H. Việc chuyển nhượng này cũng hoàn toàn hợp pháp và ngay tình do cả ba người tham gia giao dịch đều không thể biết có tranh chấp phát sinh liên quan đến quyền sở hữu căn hộ. Căn cứ Khoản 1 Điều 138 BLDS 2005, quyền lợi hợp pháp của người thứ ba ngay tình cần được bảo vệ do vậy kháng cáo của bà H là có cơ sở và có căn cứ nên được chấp nhận. Về giá trị sửa chữa căn hộ, do căn hộ thuộc quyền sở hữu của bà H nên bà H tự chịu chi phí sửa chữa cho chính gia đình mình sử dụng.

Tòa án phúc thẩm tuyên: Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của Bà T đối với Ông T2: Công nhận thỏa thuận đứng tên dùm ngày 02/08/2008 giữa bà T và ông T2 về căn hộ A1-5-4 chung cư F và phần đất 200m2 thuộc thửa số 551 tỉnh Lâm Đồng. Ông T2 có trách nhiệm hoàn trả cho bà T số tiền 626.451.000đ để chấm dứt nghĩa vụ của bị đơn theo thỏa thuận đứng tên dùm ngày 02/08/2008. Công nhận phần đất 200m2 thuộc thửa số 551 tỉnh Lâm Đồng thuộc quyền sử dụng của bà T. Hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do Ủy ban nhân dân Thành phố Đà Lạt cấp cho Ông T2.

102 – 121
Bản án số 149/2019/DS-ST ngày 15/9/2019 về việc Tranh chấp hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất và Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất của Tòa án nhân dân huyện Đức Hòa, tỉnh Long An

Nội dung: Nguyên đơn là bà Ch và các con trình bày: chồng bà là ông M (chết 2009), anh chồng bà là ông Đ (chết năm 2000) có vợ là bà Đ. Ông Đ và bà Đ được cha mẹ chồng bà cho phần đất thửa 606 và 607 để ở và canh tác. Ngoài ra, ông Đ và bà Đ cũng mua thêm diện tích 1.687m2 tại Đức Lập Thượng và diện tích 1043m2 tại ấp Sò Đo. Do lúc sống chung với ông Đ thì ông Đ và bà Đ có thiếu nợ Ngân hàng bán thửa đất 539 diện tích 1.687m2 đất tại Đức Lập Thượng và 1043m2 đất tại Ấp Sò Đo để trả nợ ngân hàng. Phần còn lại là thửa 606, 607, bà Đ đi lấy chồng khác nên năm 2003 bà Đ làm giấy ủy quyền cho ông M (chồng bà Ch) canh tác với mục đích làm mồ mã và cúng giỗ ông Đ. Năm 2009, chồng bà là ông M chết, bà cũng thay chồng bà cúng giỗ ông Đ. Bà Ch đã nhiều lần yêu cầu bà Đ chuyển quyền số đất trên cho bà nhưng bà Đ cứ hẹn hết lần này đến lần khác. Khoảng tháng 9/2018, bà phát hiện bà Đ mở thừa kế và đứng tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thửa 606, 607 và và chuyển nhượng đất trên cho người khác. Do đó bà và bà đại diện các con bà yêu cầu Tòa án giải quyết: Hủy thông tin chỉnh lý biến động cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà Đ thửa 606, 607, công nhận diện tích 1.463m2 đất thuộc thửa 606, 607 cho bà Ch và các con của bà, hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp
cho ông Gi bởi lý do đất đang tranh chấp mà bà Đ ủy quyền ông T chuyển nhượng cho ông Gi là không đúng.

Tòa án sơ thẩm nhận định: HĐXX thấy rằng ông T, ông Gi là người thứ ba ngay tình các ông không biết đất đang tranh chấp do bà Đ che giấu. Do đó cần bảo vệ quyền lợi người thứ ba ngay tình trong trường hợp này. Vì vậy không chấp nhận yêu cầu của bà Ch về việc hủy hợp đồng ủy quyền và hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất nêu trên. Đồng thời không chấp nhận yêu cầu của bà Ch và bà đại diện cho các con của bà về việc đề nghị hủy GCNQSDĐ đã cấp cho ông Gi đối với thửa đất 606, 607.

Tòa án sơ thẩm tuyên: Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Ch và đại diện các con của bà. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Đ, ông Gi phải giao quyền sử dụng thửa đất 606, 607 cho ông Gi. Buộc bà Đ trả cho bà Ch 150tr chi phí san lấp đất.

122 – 133
Bản án số 151/2019/DS-PT ngày 25/9/2019 về việc tranh chấp kết quả bán đấu giá tài sản và hợp đồng mua bán tài sản bán đấu giá của Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk

Nội dung: Ngày 25/2/2010 và ngày 01/3/2010, ông T11 (Chồng bà T, đã chết tháng 11/2014) và bà T ký hợp đồng thế chấp tài sản và hợp đồng tín dụng với Ngân hàng CN K vay tổng số tiền 3 tỉ đồng, tài sản thế chấp là 02 quyền sử dụng đất theo GCNQSDĐ số AD 579313, AD 579302. Khi đến hạn trả nợ, ông T11, bà T không trả được nợ cho Ngân hàng theo các hợp đồng tín dụng nên Ngân hàng khởi kiện ra Tòa án giải quyết. Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk ra Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự buộc ông T11 bà T phải trả cho Ngân hàng CN K số tiền 3.571.466.666đ chậm nhất vào ngày 07/7/2011. Hết thời hạn trên, ông T11, bà T vẫn không trả được nợ nên Ngân hàng đã có đơn thi hành án. Ngày 13/10/2011, Cục THADS tỉnh Đắk Lắk ban hành quyết định thi hành án theo yêu cầu, yêu cầu ông T11, bà T phải trả cho Ngân hàng CN K số tiền 3.571.466.666 đồng; tiến hành cưỡng chế kê biên tài sản là QSD đất và tài sản gắn liền trên đất theo GCNQSD đất số AD 579302, giá trị tài sản kê biên được định giá là 5.140.618.000 đồng. Ông T11, bà T đã nghiêm chỉnh chấp hành các quyết định của cơ quan Thi hành án để trả nợ cho Ngân hàng. Tuy nhiên, vào ngày 30/10/2012 và ngày 06/6/2013, Ngân hàng CN K và Công ty cổ phần dịch vụ đấu giá N (Công ty N) tổ chức bán đấu giá tài sản thế chấp của gia đình ông T11 bà T là QSD đất theo GCNQSD đất số AD 579313 với giá 3.575.000.000 đồng; QSD đất theo GCNQSD đất số AD 579302 với giá 1.924.000.000 đồng cho ông Nguyễn Phi H2.

Tòa án sơ thẩm tuyên: Không chấp nhận toàn bộ nội dung khởi kiện của bà T về việc: Hủy kết quả bán đấu giá tài sản ngày 30/10/2012 và hợp đồng mua bán tài sản bán đấu giá 154/2012/HĐMB-ĐGTN ngày 30/10/2012 đối với tài sản là quyền sử dụng đất theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AD 579313 do UBND thành phố B cấp ngày 26/12/2005.

Tòa án phúc thẩm nhận định: Việc người kháng cáo cho rằng, ông H2 không ngay tình khi mua đấu giá quyền sử dụng đất: Tại Quyết định giám đốc thẩm số 65/2018/GĐT-DS ngày 06/8/2018, của Toà án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng đã nhận định cho rằng: Theo quy định tại Điều 138 và Điều 258 Bộ luật dân sự năm 2005 thì ông H2 là người thứ ba ngay tình có quyền sử dụng hợp pháp thửa đất mà không liên quan đến quan hệ tranh chấp giữa cụ K1 với vợ chồng ông T11, bà T. Quyết định này có hiệu lực thi hành nên Hội đồng xét xử không có thẩm quyền xem xét lại việc ông H2 có ngay tình hay không trong việc quản lý, sử dụng quyền sử dụng đất nói trên.

Tòa án phúc thẩm tuyên: Không chấp nhận toàn bộ nội dung khởi kiện của bà Nguyễn Thị T về việc: Hủy kết quả bán đấu giá tài sản ngày 30/10/2012 và hợp đồng mua bán tài sản bán đấu giá số154/2012/HĐMB-ĐGTN ngày 30/10/2012, đối với tài sản là quyền sử dụng đất theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AD 579313 do UBND thành phố B cấp ngày 26/12/2005 (Đã điều chỉnh biến động ngày 06/6/2016 mang tên ông Nguyễn Phi H2).

134 – 148
Bản án 181/2019/DSPT ngày 25/10/2019 về việc tranh chấp quyền sử dụng đất và hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất của Tòa án nhân dân thành phố Cần Thơ

Nội dung: Tháng 1/2011, ông T và bà N có kêu bán cho ông C hai khu đất là thửa số 585 diện tích 980m2 và thửa 559 diện tích 1250m2. Ông T dẫn ông C đến xem nhà và đất thì có vợ chồng ông B bà M đang ở. Ông T và vợ chồng ông B nói, nếu ông C đồng ý mua thì ông T và vợ chồng ông B có trách nhiệm giao nhà và đất cho ông C sau khi lập thủ tục cấp GCNQSDĐ. Ngày 8/2/2011, ông C và vợ chồng ông T làm thủ tục chuyển nhượng QSDĐ, ông C đã chuyển đủ số tiền 510 triệu cho ông T bà N và được cấp GCNQSDĐ cho hai thửa đất trên vào ngày 15/2/2011. Sau đó ông C có nhiều lần đề nghị ông C và bà M giao nhà và đất nhưng hai ông bà xin gia hạn hai lần. Đến 6/2011, ông B bà M yêu cầu ông C bán lại phần đất nhưng ông C không đồng ý. Vì vậy ông C khởi kiện.

Tòa án sơ thẩm tuyên:

  • Bác yêu cầu khởi kiện của ông C về việc buộc bị đơn giao trả hai thửa đất trên.
  • Chấp nhận yêu cầu phản tố của ông B bà M: Hủy các hợp đồng chuyển nhượng giữa ông B bà M và ông T bà N, giữa ông T bà N và ông C. Hủy GCNQSDĐ đã cấp cho ông C. Tách giao dịch dân sự giữa ông C và ông N bà N thành vụ kiện khác khi có yêu cầu. Ông B bà M có nghĩa vụ trả cho ông T bà N số tiền gốc và lãi là 448.760.000đ.
  • Chấp nhận một phần yêu cầu độc lập của Ngân hàng K: Buộc ông C bà X trả cho Ngân hàng tổng số tiền 1.045.774.179đ, hủy hợp đồng thế chấp tài sản giữa Ngân hàng K và ông C bà X.

Tòa án phúc thẩm nhận định: Ngày 16/8/2010 vợ chồng ông B bà M ký hợp đồng chuyển nhượng hai thửa đất trên với ông T. Nhưng trên thực tế, vợ chồng ông B vay của ông T 200 triệu, lãi suất 6%/tháng, vay trong 3 tháng, ông T cộng vào 3 tháng lãi suất là 36 triệu nên ghi trong hợp đồng chuyển nhượng thửa đất là 236 triệu. Vì vậy, căn cứ theo Điều 129 BLDS 2005 quy định: “Khi các bên xác lập giao dịch dân sự một cách giả tạo nhằm che giấu một giao dịch khác thì giao dịch giả tạo vô hiệu, còn giao dịch bị che giấu vẫn có hiệu lực, trừ trường hợp giao dịch đó cũng vô hiệu theo quy định của Bộ luật này”. Cho nên, hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa vợ chồng ông B và vợ chồng ông T vô hiệu nên giao dịch giữa vợ chồng ông T với ông C mới vô hiệu. Do đó phải xác định rằng, giải quyết giao dịch giữa ông C và vợ chồng ông T là giải quyết hậu quả của giao dịch vô hiệu trước đó. Cấp sơ thẩm tách giao dịch dân sự về hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa ông C với vợ chồng ông T thành vụ kiện khác khi có yêu cầu là chưa đầy đủ, chưa giải quyết triệt để vụ án và chưa đảm bảo quyền lợi của người thứ ba ngay tình là Ngân hàng K. Thêm vào đó, tại phiên tòa phúc thẩm, ông B thừa nhận biết ông C sang tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đồng thời biết ông C thế chấp hai thửa đất cho Ngân hàng để vay tiền nhưng không phản đối, không ngăn chặn. Điều này đồng nghĩa với việc ông B cũng đồng ý cho ông C thế chấp hai thửa đất cho Ngân hàng. Khi nhận thế chấp, Ngân hàng không có nghĩa vụ phải biết việc ông Lê Ngọc C đứng tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là hợp pháp hay không, cũng như không buộc phải biết các giao dịch trước đó là giả tạo hay không. Do đó, không thể hủy hợp đồng thế chấp khi hợp đồng này đã được công chứng, đăng ký theo đúng quy định của BLDS, Luật đất đai và Ngân hàng đã giải ngân cho ông C số tiền 510.000.000đ.

Tòa án phúc thẩm tuyên: Chấp nhận một phần kháng cáo của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan Ngân hàng K, ông T và bà N: Hủy bản án sơ thẩm, chuyển toàn bộ hồ sơ cho Tòa án nhân dân quận Ô Môn giải quyết lại.

149 – 163
Bản án số 15/2020/DS-PT ngày 14/2/2020 về việc Tranh chấp liên quan đến yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu và hủy giá trị pháp lý giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk

Nội dung: Ngày 13/4/2015 ông K1 bà L được cấp hai GCNQSDĐ đối với thửa số 14480 và 14478 diện tích 394m2 và 321m2.  Thời gian này trong hộ gia đình gồm ông K1(chủ hộ), bà L và các con là ông H3, ông T2 và bà H (nguyên đơn). Cuối năm 2018, bà H phát hiện các thửa đất trên đã được ông K1, bà L, ông H3 và ông T2 lập hợp đồng chuyển nhượng cho ông V1 và ông C nhưng chưa được sự đồng ý của bà. Nhưng trong hợp đồng chuyển nhượng này lại có chữ ký và điểm chỉ của bà H đã được VPCC TN công chứng ngày 16/4/2015. Bà H xác định các chữ ký và điểm chỉ vân tay này không phải của bà. Bà H yêu cầu tuyên vô hiệu hợp đồng chuyển nhượng nêu trên.

Tòa án sơ thẩm tuyên: Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà H.

Tòa án phúc thẩm nhận định: Chữ ký, chữ viết, dấu vân tay trên hợp đồng chuyển nhượng các thửa đất trên không phải của bà N. Do vậy Tòa án sơ thẩm nhận định Hợp đồng chuyển nhượng trên vô hiệu một phần là có căn cứ. Tuy nhiên xét về nguồn gốc thửa đất 14478 do gia đình bà L sang nhượng cho ông C và thửa số 14480 sang nhượng cho ông V1 có nguồn gốc được tách ra từ thửa số 14164 của ông K1 vào ngày 18/3/1993. Như vậy tại thời điểm cấp QSDĐ thì bà H mới 5 tuổi, chưa có công sức đóng góp gì và GCNQSDĐ cấp cho cá nhân ông K1, không phải cho hộ gia đình. Mặt khác sau khi nhận chuyển nhượng, ông C tiếp tục chuyển nhượng cho ông D1, còn công V1 tiếp tục chuyển nhượng cho ông Q và ông Q lại chuyển nhượng cho ông K2 và ông D1. Xét các giao dịch dân sự trên thực hiện đúng trình tự và thủ tục luật định. Do đó căn cứ khoản 2 và khoản 3 Điều 133 BLDS thì ông K2 và ông D1 là người thứ ba mua tài sản nên cần phải được bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay tình nên cấp sơ thẩm không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là có cơ sở.

Tòa án phúc thẩm tuyên: Không chấp nhận đơn kháng cáo của bà H.

164 – 177
Bản án số 04/2020/DS-ST ngày 16/3/2020 về việc Tranh chấp kiện đòi tài sản của Tòa án nhân dân thành phố Việt Trì tỉnh Phú Thọ

Nội dung: Khoảng cuối năm 2017, do có nhu cầu hợp tác kinh doanh nên anh V bàn bạc với anh T để anh đầu tư lắp đặt 01 bộ hút cát có giá trị 399.500.000đ trên chiếc xà lan máy thuộc quyền sở hữu của anh T và chị L. Hai bên thỏa thuận, khi nào không hợp tác nữa thì anh V có quyền tháo dỡ bộ máy hút cát này. Anh V được biết, chiếc Sà lan máy này đã được vợ chồng anh T, chị L thế chấp cho Ngân hàng để bảo đảm khoản vay. Do anh T chị L vi phạm nghĩa vụ thanh toán nên Ngân hàng đã thu hồi và bán đấu giá chiếc sà lan (bao gồm luôn bộ hút cát). Anh V khởi kiện nếu Ngân hàng không trả bộ máy hút cát cho anh thì anh đề nghị vợ chồng anh T chị L phải trả cho anh bộ máy hút cát hoặc cả Ngân hàng và anh T chị L có trách nhiệm liên đới trong việc trả lại tài sản cho anh bằng hiện vật hoặc bằng tiền.

Tòa án sơ thẩm nhận định: Hành vi không thông báo về việc đầu tư tăng thêm tài sản thế chấp của người thứ ba; hành vi cam kết tài sản thế chấp, tài sản đầu tư tăng thêm thuộc quyền sở hữu của mình; tự nguyện giao toàn bộ tài sản thế chấp cùng các tài sản gắn liền cho bên nhận thế chấp để bán đấu giá là do lỗi của vợ chồng anh T, chị L và hành vi này có mối quan hệ nhân quả đến thiệt hại về tài sản, xâm phạm quyền sở hữu của nguyên đơn. Hơn nữa, người được lợi về tài sản trong trường hợp này là vợ chồng anh T, chị L vì giá trị đầu tư tăng thêm này được tính vào khoản nợ của vợ chồng anh T, chị L đã được ngân hàng thu hồi khi bán Sà lan máy nên cần buộc vợ chồng anh chị phải có trách nhiệm trả lại bộ máy hút cát cho nguyên đơn là có căn cứ và phù hợp. Anh Ngô Đức B mua tài sản qua bán đấu giá, là người thứ ba ngay tình cần được bảo vệ nên không có căn cứ chấp nhận yêu cầu đòi trả lại tài sản bằng hiện vật của nguyên đơn, chỉ buộc vợ chồng anh T, chị L trả bộ máy hút cát trị giá bằng tiền cho nguyên đơn theo kết quả định giá tài sản của Hội đồng định giá là có căn cứ. Từ những căn cứ trên cần buộc vợ chồng anh T, chị L có trách nhiệm trả cho nguyên đơn giá trị bộ máy hút cát với số tiền 115.000.000đ.

Tòa án sơ thẩm tuyên: Chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

…………………………………………

LINK TẢI: TỔNG HỢP 20 BẢN ÁN BẢO VỆ NGƯỜI THỨ BA NGAY TÌNH

Luật sư tại Đà Nẵng

99 Nguyễn Hữu Thọ, Quân Hải Châu, thành phố Đà Nẵng

Luật sư tại Huế: 

336 Phan Chu Trinh, thành phố Huế, Thừa Thiên Huế

Luật sư tại Quảng Ngãi:

359 đường Nguyễn Du, thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi

Luật sư tại Hà Nội:

45C Trần Quốc Toản, phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàng Kiếm, thành phố Hà Nội

Luật sư tại Phú Quốc

65 Hùng Vương, Dương Đông, Phú Quốc, Kiên Giang

Website: www.fdvn.vn    www.fdvnlawfirm.vn  www.diendanngheluat.vn  www.tuvanphapluatdanang.com

Email: fdvnlawfirm@gmail.com    luatsulecao@gmail.com

Điện thoại: 0935 643 666    –  0906 499 446

Fanpage LUẬT SƯ FDVN: https://www.facebook.com/fdvnlawfirm/

Legal Service For Expat:  https://www.facebook.com/fdvnlawfirmvietnam/

TỦ SÁCH NGHỀ LUẬT: https://www.facebook.com/SayMeNgheLuat/

DIỄN ĐÀN NGHỀ LUẬT: https://www.facebook.com/groups/saymengheluat/

Bài viết liên quan

Hỗ trợ online