Feel free to go with the truth

Trang chủ / Lao động / TỔNG HỢP 17 BẢN ÁN, QUYẾT ĐỊNH GIÁM ĐỐC THẨM VỀ TRANH CHẤP LAO ĐỘNG MÀ NGƯỜI LAO ĐỘNG LÀ NGƯỜI NƯỚC NGOÀI LÀM VIỆC TẠI VIỆT NAM

TỔNG HỢP 17 BẢN ÁN, QUYẾT ĐỊNH GIÁM ĐỐC THẨM VỀ TRANH CHẤP LAO ĐỘNG MÀ NGƯỜI LAO ĐỘNG LÀ NGƯỜI NƯỚC NGOÀI LÀM VIỆC TẠI VIỆT NAM

FDVN trân trọng giới thiệu tài liệu “TỔNG HỢP 17 BẢN ÁN, QUYẾT ĐỊNH GIÁM ĐỐC THẨM VỀ TRANH CHẤP LAO ĐỘNG MÀ NGƯỜI LAO ĐỘNG LÀ NGƯỜI NƯỚC NGOÀI LÀM VIỆC TẠI VIỆT NAM” do các Luật sư – Chuyên viên pháp lý của FDVN sưu tầm, tổng hợp.

Tài liệu này phục vụ cho mục đích học tập, nghiên cứu, công tác và được chia sẻ hoàn toàn miễn phí. Chúng tôi phản đối việc sử dụng tài liệu này vào mục đích thương mại và mục đích khác trái pháp luật.

MỤC LỤC

TỔNG HỢP BẢN ÁN, QUYẾT ĐỊNH GIÁM ĐỐC THẨM VỀ TRANH CHẤP

LAO ĐỘNG MÀ NGƯỜI LAO ĐỘNG LÀ NGƯỜI NƯỚC NGOÀI

LÀM VIỆC TẠI VIỆT NAM

STT

NỘI DUNG BẢN ÁN

SỐ TRANG

01

Bản án số 20/2019/LĐ-ST ngày 22/10/2019 của Tòa án nhân dân quận Gò Vấp, thành phố Hồ Chí Minh

Về việc “Tranh chấp về hợp đồng lao động”

Nội dung vụ án:

Vào ngày 01/9/2017, ông Z và Trường Đại học T có ký kết với nhau hợp đồng lao động dài hạn số 517/2017/TDT-HDLV. Theo hợp đồng, ông Z được tuyển dụng vào làm việc tại Trường Đại học T với chức danh công việc là nghiên cứu viên Khoa quản lý khoa học và phát triển kỹ thuật; mức lương hàng tháng là 22.750.000 đồng; thời hạn hợp đồng là 12 tháng từ ngày 01/9/2017 đến ngày 31/8/2018.

Sau khi ký hợp đồng, trường Đại học T chuyển cho ông Z 03 tháng lương. Tuy nhiên, ông Z chưa nộp hồ sơ theo yêu cầu, cũng không tham gia bất kỳ hoạt động nào của Trường cũng như công bố các ấn bản theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động. Nhận thấy, ông Z sau khi ký hợp đồng lao động với Trường Đại học T đã không thực hiện bất kỳ cam kết nào với nhà trường, không làm việc một ngày nào cho nhà trường dù đã nhận tiền lương theo thỏa thuận. Nay, Trường Đại học T yêu cầu Tòa án tuyên bố hợp đồng lao động ký kết giữa ông Z và Trường Đại học T là vô hiệu toàn bộ và giải quyết hậu quả của hợp đồng vô hiệu theo quy định của pháp luật.

Nhận định của Tòa án:

Trong giai đoạn chuẩn bị xét xử và tại phiên tòa, ông Z đã được Tòa án tống đạt các văn bản tố tụng theo đúng quy định của pháp luật nhưng vẫn vắng mặt không có lý do, không có lời khai và các tài liệu, chứng cứ giao nộp cho Tòa án để thể hiện sự phản đối yêu cầu của nguyên đơn. Như vậy, ông Z đã tự tước bỏ quyền được chứng minh của mình nên phải chịu hậu quả của việc không chứng minh theo quy định tại khoản 2 và khoản 4 Điều 91 Bộ luật tố tụng dân sự.

Căn cứ hộ chiếu số 30643489 do Nhà nước Israel cấp cho ông Z có cơ sở xác định ông Z là công dân của nước Israel. Theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 169 Bộ luật lao động 2012 thì một trong những điều kiện của lao động là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam là phải có giấy phép lao động do cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam cấp, trừ các trường hợp quy định tại Điều 172 của Bộ luật này. Theo hợp đồng lao động thì ông Z có học vị Tiến sỹ về năng lượng, chức danh công việc là Nghiên cứu viên, Khoa quản lý khoa học và phát triển kỹ thuật. Ông Z không có chứng cứ chứng minh không thuộc diện cấp giấy phép lao động theo quy định tại Điều 172 của Bộ luật lao động nên ông phải có giấy phép lao động trước khi ký hợp đồng lao động với Trường Đại học T. Theo thông tin tài liệu, chứng cứ, ông Z không đến tham gia các buổi họp, làm việc và tập huấn theo thông báo của Trường Đại học T. Vì vậy, không có cơ sở để xem xét, giải quyết quyền và lợi ích của ông Z theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 52 của Bộ luật lao động. Từ những nhận định trên, Hội đồng xét xử thấy cần căn cứ vào Điều 4, Điều 131 và Điều 407 Bộ luật dân sự năm 2015 để chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn, buộc bị đơn trả lại số tiền đã nhận là 64.247.062 đồng.

Tòa án tuyên:

Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Trường Đại học T:

– Tuyên bố hợp đồng lao động dài hạn số 517/2017/TDT-HDLV ký ngày 01 tháng 9 năm 2017 giữa Trường Đại học T và ông Z vô hiệu toàn bộ;

– Ông Z có trách nhiệm hoàn trả cho Trường Đại học T số tiền đã nhận là: 64.247.062 đồng.

– Đình chỉ xét xử đối với phần yêu cầu của Trường Đại học T yêu cầu ông Z trả tiền lãi do chậm thực hiện nghĩa vụ hoàn trả tiền theo mức lãi suất 10%/năm kể từ ngày 15/01/2018 đến ngày giải quyết xong vụ án bằng bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật.

01 – 07

02

Bản án số 01/2019/LĐ-PT ngày 04/10/2019 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng

Về việc “Tranh chấp đơn phương chấm dứt hợp đồng tín dụng”

Nội dung vụ án:

Ngày 15/9/2017 bà A Marta (gọi tắt là bà A) với Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển giáo dục U (gọi tắt là Công ty U) có ký kết hợp đồng lao động xác định thời hạn một năm với chức vụ giáo viên tiếng Anh toàn thời gian. Do trong quá trình công tác, vì lý do sức khỏe, bà A không thể đứng lớp đối với các tiết học đã lên lịch trước tại trường V1 và không tham gia chương trình Public Schools do Trung tâm đề ra. Đến ngày 16/10/2018, bà A nhận nhận được Quyết định số 66/2018/QĐTV-U của Công ty U về việc chấm dứt Hợp đồng lao động do bà đã vi phạm điểm 2 điều 6 Hợp đồng lao động ký ngày 15/9/2017, đồng thời, Công ty U còn gửi Quyết định chấm dứt hợp đồng đối với bà A đến nhiều cơ quan ban ngành khác để đề nghị thu hồi Giấy phép lao động và Thẻ tạm trú của bà nhằm gây khó khăn cho bà. Vì vậy, bà A Marta khởi kiện yêu cầu Tòa án hủy Quyết định số 66/20Ỉ8/QĐTV-U ngày 15/10/2018 của Công ty U về đơn phương chấm dứt hợp đồng trái quy định của pháp luật.

Tòa án cấp sơ thẩm tuyên:

Bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của bà A Marta, yêu cầu Tòa án hủy Quyết định số 66/2018/QĐTV-U về việc chấm dứt hợp đồng lao động của Công ty U và yêu cầu bồi thường toàn bộ số tiền lương và chi phí là 259.440.000 đồng. Ngày 20/6/2019, Người đại diện theo ủy quyền của Nguyên đơn – bà A Marta kháng cáo toàn bộ bản án.

Nhận định của Tòa án phúc thẩm:

Trong các hợp đồng lao động mà bà A đã ký kết không có quy định nào quy định riêng biệt đối tượng mà bà A giảng dạy, việc bà A không lên lớp là không đáp ứng được các yêu cầu công việc của Công ty U như đã thỏa thuận trong Hợp đồng lao động. Ngày 15/10/2018 Công ty U đã ban hành Quyết định chấm dứt Hợp đồng lao động số 66/2018/QĐTV-U và Phụ lục gia hạn Hợp đồng từ ngày 15/9/2018 đến 14/9/2019 là có căn cứ, phù hợp quy định tại khoản 2 Điều 6 của Hợp đồng lao động, Điều 3 Phụ lục gia hạn Hợp đồng và điểm a khoản 1, điểm b khoản 2 Điều 38 Bộ luật Lao động. Vì vậy, Tòa án cấp sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là có căn cứ.

Tại phiên tòa phúc thẩm, nguyên đơn kháng cáo không có tình tiết gì mới, khác so với sơ thẩm.

Tòa án nhân dân cấp phúc thẩm tuyên:

Không chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn là bà A Marta. Giữ nguyên Bản án Lao động sơ thẩm

08 – 13

03

Bản án số 640/2018/LĐ-PT ngày 28/6/2018 của Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh

Về việc “Tranh chấp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động”

Nội dung vụ án:

Ngày 01/05/2013, ông H và Trường Q có ký hợp đồng lao động thời hạn 02 năm từ ngày 15/05/2013 tới ngày 31/07/2015 với vị trí Trưởng phòng hành chính của trường Q. Đến khi hết thời hạn hợp đồng, ông H vẫn làm việc và hưởng lương theo hợp đồng nêu trên.

Sau khi gửi thông báo chấm dứt hợp đồng, ngày 30/4/2016, trường Q ra quyết định chấm dứt và thanh lý hợp đồng với lý do ông H đã thể hiện thái độ thiếu tôn trọng đối với nhân viên Việt Nam và nhân viên nước ngoài của Trường Q, không hoàn thành các công việc được giao, không tuân thủ thời gian công tác của nhà trường. Ông H khởi kiện và yêu cầu trường Q phải thanh toán tiền lương trong những ngày không được làm việc và các khoản bồi thường về tiền lương, phụ cấp năm, trợ cấp,…

Tòa án cấp sơ thẩm tuyên:

Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn do Trường Q đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật. Hủy bỏ Quyết định chấm dứt và thanh lý hợp đồng lao động của trường Q đối với ông H. Ghi nhận sự tự nguyện trở lại trường làm việc của H. Ngày 13/2/2018, ông H nộp đơn kháng cáo.

Nhận định của tòa án cấp phúc thẩm:

Thời hạn của hợp đồng lao động đối với người nước ngoài làm việc tại Việt Nam là 02 năm, khi hết thời hạn của giấy phép lao động đôi bên phải ký lại hợp đồng lao động mới nếu còn nhu cầu lao động và sử dụng lao động. Chính vì vậy Tòa án cấp sơ thẩm nhận định “Do ông H là người lao động nước ngoài nên phụ thuộc vào Giấy phép lao động của người nước ngoài đồng thời tại Tòa phía Trường Q cũng xác nhận Trường đã làm làm thủ tục xin gia hạn Giấy phép lao động cho ông H từ ngày 22/10/2015 đến ngày 21/10/2017” là đúng.

Yêu cầu kháng cáo của bị đơn về việc bổ sung số tiền bồi thường thêm 15 ngày tiền lương do vi phạm thời hạn báo trước là không có cơ sở chấp nhận.

Tòa án cấp phúc thẩm tuyên:

Không chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn và bị đơn; giữ nguyên bản án lao động sơ thẩm

14 – 27

04

Bản án số 01/2018/LĐPT ngày 31/01/2018 của Tòa án nhân dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu

Về việc “Yêu cầu bồi thường do đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động”

Nội dung vụ án:

Giữa ông T và Công ty ký hợp đồng lao động với chức danh Phó Giám đốc bộ phận an ninh và giám sát với mức lương 85.000USD/năm. Quá trình thực hiện hợp đồng lao động, công ty D đã ban hành thỏa thuận chấm dứt hợp đồng với ông T, đồng thời, ban hành văn bản chấm dứt hợp đồng. Nhận thấy việc chấm dứt hợp đồng lao động không báo trước là trái quy định pháp luật, ông T khởi kiện yêu cầu công ty D phải bồi thường thiệt hại.

Tòa án cấp sơ thẩm tuyên:

Đình chỉ xét xử đối với yêu cầu khởi kiện của ông T về tiền bảo hiểm y tế, tiền vé máy bay tổng cộng là 10.500USD; Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông T đối với Công ty D về việc: “Tranh chấp do đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động”; Không chấp nhận các yêu cầu về tiền lương, tiền nhà từ ngày 02/4/2016 đến ngày 03/8/2017…

Sau đó, ông C – đại diện ủy quyền của ông T có đơn kháng cáo một phần bản án.

Tòa án cấp phúc thẩm nhận định:

Việc án sơ thẩm cho rằng Công ty D không đưa ra được căn cứ chấm dứt hợp đồng lao động với ông T và vi phạm thời hạn báo trước theo điểm b, khoản 2, Điều 38 Bộ luật lao động, nên việc đơn phương chấm dứt hợp đồng của Công ty D là trái pháp luật để chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của ông T, buộc Công ty D phải trả cho ông T các khoản: 34.116 USD (Tiền lương từ 04/01/2016 – 01/4/2016) + 23.000 USD (02 tháng lương do CDHĐLĐ trái PL) + 23.000 USD (02 tháng lương trợ cấp thôi việc) = 80.116USD x 22.440đ/1USD = 1.797.803.040đ không đúng theo tinh thần của hợp đồng lao động dựa trên tính đặc thù của hoạt động sản xuất kinh doanh mà người sử dụng lao động và người lao động đã ký kết.

Tòa án cấp phúc thẩm tuyên:

Không chấp nhận kháng cáo của ông Võ Sỹ C đại diện theo ủy quyền của ông T, sửa Bản án Lao động sơ thẩm:

– Đình chỉ xét xử yêu cầu khởi kiện của ông T đối với Công ty TNHH D phải thanh toán tiền bảo hiểm y tế, tiền vé máy bay;

– Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông T đối với Công ty TNHH D về việc “Tranh chấp do đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động”.

– Công nhận tính hợp pháp của văn bản “Chấm dứt hợp đồng lao động”

– Ghi nhận sự tự nguyện của Công ty D về trách nhiệm thanh toán.

28 – 39

05

Bản án số 05/2017/LĐ-PT ngày 21/11/2017 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh

Về việc “Tranh chấp trợ cấp thôi việc”

Nội dung vụ án:

Bà S làm việc tại trường Quốc tế G trong tổng thời gian 03 năm. Sau khi được thông báo về các khoản lợi ích bà sẽ được hưởng khi hết hạn hợp đồng, trong đó không có khoản trợ cấp thôi việc theo quy định của pháp luật lao động. Bà đã khiếu nại và Trường thông báo rằng họ không có nghĩa vụ trả trợ cấp thôi việc cho bà. Không đồng ý với lý do mà Trường G đưa ra, đồng thời bà S không nhận được khoản trợ cấp này nên bà S đã khởi kiện yêu cầu Tòa án buộc Trường Quốc tế G phải trả tiền trợ cấp thôi việc.

Tòa án cấp sơ thẩm tuyên:

Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Bà S về việc yêu cầu Trường Quốc tế G phải trả tiền “trợ cấp thôi việc”. Ngày 24/4/2017, bà H – đại diện ủy quyền của bà S kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm.

Tòa án cấp phúc thẩm nhận định:

Bà S có Quốc tịch Hoa kỳ, hợp đồng lao động làm việc tại Việt Nam dù đủ 12 tháng trở lên nhưng lại không thuộc trường hợp tham gia bảo hiểm thất nghiệp được quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều 2 luật Bảo hiểm xã hội 2006.

Đồng thời Bà S cũng không làm việc tại Việt Nam trước ngày 31/12/2008 khi luật Bảo hiểm xã hội có quy định về mức đóng Bảo hiểm thất nghiệp sau khi kết thúc việc làm mà chưa tìm được công việc khác (thay cho khoản trợ cấp thôi việc được hưởng theo quy định tại Điều 48 Bộ luật lao động) mặt khác theo Điều 186 Bộ luật lao động có quy định.

Đối với người lao động không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc thì ngoài việc trả lương theo công việc, người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả thêm cùng lúc với kỳ trả lương của người lao động một khoản tiền cho người lao động tương ứng với mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Ngoài tiền lương, Bà S còn được Trường trả các khoản theo khoản như: tiền lương cơ bản, trợ cấp thu thập khác như trợ cấp cộng thêm, sinh hoạt phí, nhà ở, bảo hiểm, đi lại hàng tháng, Quỹ bảo hiểm xã hội nghỉ việc. Vì vậy Tòa án cấp sơ thẩm xét xử không chấp nhận theo yêu cầu của Bà S đòi buộc Trường Quốc tế G phải trợ cấp cho bà sau khi chấm dứt hợp đồng lao động là có căn cứ, đúng quy định pháp luật.

Tòa án cấp phúc thẩm tuyên:

Không chấp nhận kháng cáo của bà Huỳnh Thị Mỹ H đại diện cho bà S kháng cáo, giữ y bản án sơ thẩm xử.

40 – 45

… (Còn tiếp)

XEM TOÀN BỘ BẢN ÁN VÀ TẢI FILE PDF: TỔNG HỢP 17 BẢN ÁN, QUYẾT ĐỊNH GIÁM ĐỐC THẨM VỀ TRANH CHẤP LAO ĐỘNG MÀ NGƯỜI LAO ĐỘNG LÀ NGƯỜI NƯỚC NGOÀI LÀM VIỆC TẠI VIỆT NAM

————–

Luật sư tại Đà Nẵng

99 Nguyễn Hữu Thọ, Quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng

Luật sư tại Huế: 

56A Điện Biên Phủ, phường Phường Đúc, thành phố Huế, Thừa Thiên Huế

Luật sư tại TP. Hồ Chí Minh:

122 Đinh Bộ Lĩnh, quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh

Luật sư tại Hà Nội:

Tầng 5, số 11 Ngõ 183, phố Đặng Tiến Đông, phường Trung Liệt, quận Đống Đa, Hà Nội

Luật sư tại Nghệ An:

Số 19 đường V.I Lê Nin, Nghi Phú, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An

Website: www.fdvn.vn    www.fdvnlawfirm.vn  www.diendanngheluat.vn  www.tuvanphapluatdanang.com

Email: fdvnlawfirm@gmail.com    luatsulecao@gmail.com

Điện thoại: 0935 643 666    –  0906 499 446

Fanpage LUẬT SƯ FDVN: https://www.facebook.com/fdvnlawfirm/

Legal Service For Expat:  https://www.facebook.com/fdvnlawfirmvietnam/

TỦ SÁCH NGHỀ LUẬT: https://www.facebook.com/SayMeNgheLuat/

DIỄN ĐÀN NGHỀ LUẬT: https://www.facebook.com/groups/saymengheluat/

KÊNH YOUTUBE: https://www.youtube.com/c/luatsufdvn

KÊNH TIKTOK: https://www.tiktok.com/@luatsufdvn

KÊNH TELEGRAM FDVN: https://t.me/luatsufdvn

Bài viết liên quan