Feel free to go with the truth

Trang chủ / Dân sự / TỔNG HỢP 16 BẢN ÁN & QUYẾT ĐỊNH GIÁM ĐỐC THẨM VỀ TUYÊN DI CHÚC HỢP PHÁP VÀ CHIA THỪA KẾ THEO DI CHÚC

TỔNG HỢP 16 BẢN ÁN & QUYẾT ĐỊNH GIÁM ĐỐC THẨM VỀ TUYÊN DI CHÚC HỢP PHÁP VÀ CHIA THỪA KẾ THEO DI CHÚC

FDVN trân trọng giới thiệu tài liệu “TỔNG HỢP 16 BẢN ÁN & QUYẾT ĐỊNH GIÁM ĐỐC THẨM VỀ TUYÊN DI CHÚC HỢP PHÁP VÀ CHIA THỪA KẾ THEO DI CHÚC” do các Luật sư/ Chuyên viên pháp lý của FDVN sưu tầm, tổng hợp.

Tài liệu này phục vụ cho mục đích học tập, nghiên cứu, công tác và được chia sẻ hoàn toàn miễn phí. Chúng tôi phản đối việc sử dụng tài liệu này vào mục đích thương mại và mục đích khác trái pháp luật.

MỤC LỤC

Tổng hợp 16 Bản án & Quyết định Giám đốc thẩm về tuyên di chúc hợp pháp và chia thừa kế theo di chúc

STT

TÊN VĂN BẢN

TRANG

1.

Bản án số 31/2007/DS-ST ngày 14/09/2007 của Tòa án nhân dân tỉnh KH

Về việc “Tranh chấp thừa hưởng di sản thừa kế theo di chúc và yêu cầu chấm dứt hành vi cản trở việc xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất”

Nội dung vụ án: Ông Vương Phước Duyên (chết năm 1960) có 04 đời vợ, 02 đời vợ đầu chết từ lâu và không có con. Người vợ thứ ba là bà Nguyễn Thị Trọng (chết năm 1955), hai ông bà có 02 người con là ông Vương Phước Thuận và Vương Phước Trung. Người vợ thứ tư là bà Hà Thị Hường (chết 1995). Tài sản ông Duyên có tạo lập được số tài sản gồm: Nhà, đất tại 02A LHP, PH, NT và 03 căn nhà mang số 02A, 02B, 02C PĐ, NT. Trước khi ông Duyên chết có để lại 02 tờ di chúc.

Di chúc ngày 02/4/1960 có nội dung: Cho bà Hà Thị Hường (vợ kế của ông Duyên) 01 căn nhà và cho ông Vương Phước Trung 02 căn nhà trong số 03 căn nhà tại số 02 PĐ, NT hiện nay.

Di chúc ngày 10/4/1960 có nội dung: Cho ông Vương Phước Trung toàn bộ nhà và đất tại 02A LHP, PH, NT.

Sau khi ông Duyên chết ông Vương Phước Trung quản lý toàn bộ nhà đất tại số 02A LHP, NT. Còn 03 căn nhà 02A, 02B, 02c tại đường PĐ, NT, ông Trung đứng tên cho thuê. Năm 1983 ông Trung đã làm giấy ủy quyền cho ông Thuận đi kiện đòi lại căn nhà của chủ thuê.

Lúc này ông Thuận đã biết ông Duyên lập di chúc cho ông Trung 02 căn nhà và cho bà Hà Thị Hường 01 căn nên ông Trung mới phải làm giấy ủy quyền cho ông Thuận đi đòi lại 03 căn nhà tại số 02 đường PĐ, NT. Vì tình cảm anh em nên sau khi ông Thuận đòi được 03 căn nhà tại số 02 PĐ, NT, ông Trung cho ông Thuận quản lý hết cả 03 căn nhà này.

Sau khi ông Thuận chết, năm 1987 bà Kề là vợ của ông Thuận muốn bán 03 căn nhà số 02 PĐ, NT, nên bà đã gửi đơn đến VKSND tỉnh KH yêu cầu giải quyết. Ông Trung vẫn khẳng định ông Duyên có để lại hai tờ di chúc cho ông toàn bộ tài sản: Nhà, đất tại 02A LHP, PH, NT và 02 trong số 03 căn nhà tại số 02 PĐ, NT. Tại VKS tỉnh KH, ông Trung tự nguyện giao toàn bộ tài sản là nhà và đất tại 02 PĐ, NT cho bà Kề (vợ ông Thuận) cùng các con ông Thuận, kèm theo biên bản thỏa thuận ông Trung đã giao cho bà Kề cả hai bản di chúc của ông Duyên để lại nhà và đất số 02 PĐ NT.

Ngày 13/5/1996, ông Trung và bà Chân làm di chúc để lại toàn bộ nhà và đất tại 02A LHP, PH, NT ông Thủy. Suốt từ khi ông Thuận còn sống ông Thuận không hề khiếu nại tranh chấp gì với ông Trung.

Tòa án nhận định: Năm 1960 ông Duyên có lập hai bản di chúc trong đó có bản đi chúc đề ngày 10/04/1960 định đoạt tài sản tại số 02A LHP, NT gồm: Một lô đất 1740m2 trên đất có một cái chùa linh quan tự, một đền thờ đức thánh Trần và hai cái nhà ngói cho con trai là ông Trung được toàn quyền hưởng dụng. Không có tài liệu nào chứng minh là ông Duyên đã bị ép buộc lập di chúc, hay lừa dối để lập di chúc. Di chúc đươc lập thành văn bản có chữ ký của ông Duyên, có Đại diện xã NT Tây xác nhận chữ ký của ông Duyên vào ngày 14/04/1960, có chủ sự phòng hành chính xác nhận ngày 15/04/1960.

Tài sản nhà đất tại số 2A LHP là tài sản riêng của ông Duyên tạo lập nên ông Duyên có toàn quyền định đoạt tài sản của ông cho ông Trung. Ngày 22/04/1960 ông Duyên chết, thừa kế mở và ông Trung là người thừa kế hợp pháp theo di chúc của ông Duyên đối với toàn bộ nhà đất số 02A LHP, NT.

Ngày 13/05/1996, Ông Trung và vợ là bà Chân đã lập di chúc để lại toàn bộ tài sản thuộc quyền sở hữu của ông bà cho con trai là ông Thủy. Bản di chúc này được phòng công chứng Nhà nước tỉnh KH chứng nhận vào ngày 13/05/1996. Vì vậy theo quy định của pháp luật, ông Thủy là người được hưởng di sản thừa kế theo di chúc.

Tòa án tuyên: Xác định một chùa linh quan tự và đền thờ Đức Thánh Trần có diện tích 162,98m2, một nhà từ đường mái ngói, tôn, tường gạch, nền xi măng diện tích 129,897m2 nằm trên lô đất có diện tích 1.296,2m2 là di sản thừa kế của ông Duyên để lại.

Công nhận bản di chúc mà ông Duyên đã lập ngày 10/04/1960 là di chúc hợp pháp. Công nhận bản di chúc của ông Trung và vợ là bà Chân lập ngày 13/05/1996 là bản di chúc hợp pháp. Ông Thủy được quyền thừa kế hợp pháp di sản thừa kế của ông Trung và bà Chân để lại đó là quyền sở hữu căn nhà từ đường có diện tích 129,8m2, quyền quản lý Chùa Linh Quan Tự và đền thờ Đức Thánh Trần, và quyền sử dụng lô đất có diện tích 1.296,2m2.

1 – 8

2.

Quyết định giám đốc thẩm số 36/2008/DS-GĐT ngày 27/11/2008 của Tòa án nhân dân tối cao

Về việc “Tranh chấp thừa kế tài sản”

Nội dung vụ án: Cố Quách Thị Trang có ba người con gái là các cụ Tạ Thị Bê, Tạ Thị Hoa, Tạ Thị Hoà. Vợ chồng cụ Nguyễn Văn Luật, cụ Tạ Thị Bê có 2 người con chung là ông Đan và bà Hương.

Năm 1961, cố Đoan và cụ Bê đã kê khai và bàn giao cho Nhà nước quản lý căn nhà số 22 HB cùng một số ngôi nhà khác (có nguồn gốc của gia đình cố Trang, cố Đoan) và được nhận diện tích nhà để lại, cụ thể là cố Đoan được sử dụng 23,1m2 tại căn nhà số 52 Hàng Nón, cụ Bê được sử dụng diện tích 40,12m2 tại căn nhà số 22 HB.

Năm 1986, cụ Luật chết, không để lại di chúc. Ngày 02/8/1991, cụ Bê lập di chúc để lại toàn bộ căn nhà số 22 HB cho bà Hương, di chúc có chứng nhận của Công chứng Nhà nước ngày 20/8/1991. Bà Hương yêu cầu được hưởng thừa kế căn nhà 22 HB theo di chúc của cụ Bê và yêu cầu ông Đan cùng vợ con trả nhà đất nêu trên, đồng thời bà Hương đồng ý thanh toán giá trị phần sửa chữa, làm thêm mà gia đình ông Đan bỏ ra trong quá trình quản lý, sử dụng căn nhà 22 HB.

Tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm tuyên: Xác nhận di chúc do cụ Bê lập ngày 02/8/1991, có chữ ký và xác nhận tại Phòng Công chứng số 1 thành phố HN ngày 20/8/1991 là di chúc hợp pháp.

Nhận định của Tòa án cấp Giám đốc thẩm: Trong quá giải quyết vụ án, ông Đan, bà Minh cho rằng trong quá trình quản lý sử dụng, ông Đan, bà Minh đã đầu tư sửa chữa, làm thêm tại nhà 22 HB và giao số tiền chuyển nhượng một phần đất tại số 34A, AT cho cụ Bê để mua căn nhà số 22 HB, nhưng không xuất trình được chứng cứ chứng minh việc mua bán căn nhà số 22 HB.

Tại hồ sơ vụ án “tranh chấp thừa kế nhà 22 HB” giữa cụ Bê và ông Đan (Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án số 13 ngày 18/5/1996 của Toà án nhân dân quận HK, thành phố HN), cụ Bê thừa nhận ông Đan có bán nhà đất tại số 34A, AT để đưa tiền cho cụ Bê, nhưng cho rằng không bán căn nhà số 22 HB cho vợ chồng ông Đan. Vì vậy, khi giải quyết lại vụ án, Toà án cần xác minh, làm rõ số tiền cụ Bê đã nhận của vợ chồng ông Đan để trích từ di sản của cụ Bê thanh toán cho vợ, con ông Đan (ông Đan chết ngày 15/10/2007) thì mới đảm bảo quyền lợi của vợ, con ông Đan.

Giám đốc thẩm quyết định: Hủy bản án dân sự phúc thẩm và bản án dân sự sơ thẩm để xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.

9 – 15

3.

Bản án số 04/2012/DS-ST ngày 12/3/2012 của Tòa án nhân dân quận HK thành phố HN

Về việc “Chia thừa kế nhà 13 phố HB”

Nội dung vụ án: Cụ Đỗ Văn Thi (chết ngày 12/02/2011) và cụ Trần Thị Việt Nga (chết ngày 02/09/2011) không có con chung, con riêng, con nuôi. Cụ Thi và cụ Nga có khối tài sản chung vợ chồng là nhà đất tại địa chỉ số 13 phố HB, phường HĐ, quận HK, HN đã được cấp GCNQSDĐ đứng tên cụ Thi.

Cụ Thi đã chết và không để lại di chúc. Do cụ Thi và cụ Nga không có con chung, bố mẹ cụ Nga, cụ Thi cũng đã chết hết nên cụ Nga được hưởng thừa kế tài sản của cụ Thi là nhà đất tại địa chỉ số 13 phố HB. Bản di chúc ngày 20/4/2011 cụ Nga lập cho các cháu cụ Thi là ông Đỗ Quang Lung, Đỗ Quang Minh và Đỗ Văn Phong (cụ Thi là chú ruột), được hưởng thừa kế tài sản là nhà số 13 phố HB. Tuy nhiên, bản di chúc không có chữ ký của cụ Nga, chỉ có dấu tay điểm chỉ của bà Nga.

Ngày 28/6/2011 cụ Nga tiếp tục làm di chúc cho ông Trần Quang Tùng, Trần Quang Hà hưởng thừa kế tài sản là nhà số 13 phố HB vì ông Tùng, ông Hà đã quan tâm, giúp đỡ, chăm sóc, lo lắng cho cụ khi đau yếu và tận tình khám chữa bệnh cho cụ khi ốm đau.

Ngày 11/10/2011 Phòng công chứng số 6 thành phố HN đã thụ lý hồ sơ khai nhận di sản thừa kế của cụ Nga là nhà 13 phố HB do ông Tùng, ông Hà yêu cầu và Phòng công chứng số 6 thành phố HN đã có thông báo đến Ủy ban nhân dân phường HĐ.

Ngày 11/11/2011 các ông Lung, Minh và Phong đã có đơn khiếu nại không đồng ý với các nội dung bản thông báo khai nhận di sản thừa kế nhà 13 phố HB của Văn phòng công chứng số 6 thành phố HN đã lập.

Tòa án nhận định:  Xét di chúc ngày 28/6/2011 của cụ Nga cho các cháu của cụ là ông Trần Quang Tùng và ông Trần Quang Hà toàn bộ di sản nhà 13 phố HB. Về hình thức thì bản di chúc này có 02 người làm chứng nên Hội đồng xét xử xác định di chúc này phải được lập tuân theo quy định Bộ luật Dân sự.

Di chúc này có đủ 02 người làm chứng là tổ trưởng dân phố và đại biểu hội đồng nhân dân phường, Luật sư Nguyễn Khắc Bảo là người viết di chúc ngồi cạnh cụ Nga soạn thảo theo ý nguyện của người lập di chúc, không có căn cứ nào thể hiện cụ Nga không minh mẫn, không tỉnh táo, không tự nguyện.

Những người làm chứng đều có mặt tại phiên tòa đã trình bày khách quan, toàn diện về việc lập di chúc, xác nhận chữ ký của mình, cách ngồi ký và điểm chỉ di chúc của cụ Nga, các cử chỉ, hành động đã thể hiện ý nguyện khi lập di chúc của cụ Nga là hoàn toàn minh mẫn, tỉnh táo. Đối với việc lập di chúc có người làm chứng thì ai cũng có thể mời người viết di chúc và người làm chứng được, chỉ trừ những người không được làm chứng theo quy định Bộ luật dân sự. Phụ lục di chúc chỉ xác định tên tuổi của cụ Nga không ảnh hưởng đến bản di chúc. Như vậy, cụ Nga minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe dọa hoặc cưỡng ép. Nội dung di chúc không trái pháp luật, không trái đạo đức xã hội, hình thức di chúc lập ngày 28/6/2011 không trái quy định của pháp luật nên được xác định là di chúc hợp pháp và có hiệu lực pháp luật.

Tòa án tuyên: Xác nhận thời điểm mở thừa kế của cụ Đỗ Văn Thi vào ngày 12/02/2011. Cụ Đỗ Văn Thi chết không để lại di chúc. Xác định di sản thừa kế của cụ Đỗ Văn Thi là ½ (một nửa) nhà đất tại địa chỉ số 13 phố HB. Chia thừa kế di sản của cụ Thi theo pháp luật. Xác định hàng thừa kế thứ nhất của cụ Thi là cụ Nga.

Xác nhận thời điểm mở thừa kế của cụ Nga vào ngày 02/09/2011. Xác định Di chúc ngày 28/6/2011 của cụ Nga là di chúc hợp pháp và có hiệu lực pháp luật.

16 – 29

4.

Quyết định giám đốc thẩm số 59/2012/DS-GĐT ngày 06/11/2012 của Tòa án nhân dân tối cao

Về việc “Tranh chấp di sản thừa kế”

Nội dung vụ án: Cụ Võ Tòng và cụ Trần Thị Dân có 3 người con chung là ông Võ Vân, bà Võ Thị Cẩm và bà Võ Thị Giang (định cư tại Mỹ). Cụ Tòng, cụ Dân tạo lập được nhà 62 NCT, phường 3, TH, PY từ năm 1957, cụ Tòng chết không để lại di chúc.

Ngày 26/4/1994, cụ Dân lập di chúc có xác nhận của UBND phường 3, phân chia cho bà Cẩm thừa kế phần nhà trước 6m x 6,8m; giao phần nhà sau 6m x 7,8m cho anh Thân (con ông Vân) sở hữu. Di chúc do cụ Dân làm và tự đem đến UBND phường 3 xác nhận, sau 1 – 2 tháng thì cụ Dân đưa di chúc và giấy tờ về nhà đất cho bà Cẩm giữ, không đưa cho anh Thân bản nào.

Cụ Dân chết ngày 11/6/2004. Ngày 18/6/2004 bà Cẩm làm đơn xin mở thừa kế theo di chúc năm 1994 thì UBND phường 3 cho biết ngày 8/3/2004 cụ Dân đã có đơn xin hủy bỏ di chúc lập năm 1994, cụ Dân đã lập di chúc mới cho vợ chồng ông Vân hưởng toàn bộ nhà đất của cha mẹ.

Sau khi bà Cẩm được xem di chúc của cụ Dân lập năm 2004 thấy vào thời điểm tháng 1/2004 cụ Dân đi bệnh viện khoảng 10 ngày được bà Giang đưa về nhà bà Giang chăm sóc.

Đến ngày 6/6/2004 cụ Dân thở ô xi sắp mất mới đưa về nhà 62 NCT, nhưng trong di chúc ngày 8/3/2004 lại ghi lập tại nhà 62 NCT là không đúng địa điểm. Cụ Dân là người biết chữ, các văn bản trước khi chết cụ Dân đều ký tên, nhưng trong di chúc và đơn xin hủy di chúc viết ngày 8/3/2004 cụ Dân lại điểm chỉ.

Trong đơn xin xác nhận sở hữu nhà của cụ Dân ngày 24/4/2004 lại ghi nguồn gốc nhà tranh chấp mua của bà May năm 1954 là không đúng. Nếu cụ Dân còn minh mẫn thì đã không ghi sai nguồn gốc nhà đất của mình. Bà Cẩm cho rằng đây là âm mưu của vợ chồng ông Vân ép cụ Dân điểm chỉ vào di chúc để chiếm đoạt tài sản. Nay bà Cẩm yêu cầu Tòa án hủy bỏ di chúc ngày 8/3/2004, công nhận di chúc ngày 26/4/1994 của cụ Dân.

Tòa án cấp sơ thẩm tuyên: Hủy bỏ đơn xin hủy bỏ di chúc và bản di chúc do ông Trần Văn Hùng viết giúp cụ Trần Thị Dân vào ngày 8/3/2004 vì không hợp pháp. Công nhận một phần di chúc của cụ Trần Thị Dân lập ngày 26/4/1994 đối với phần di sản của cụ Dân là 5/8 giá trị ngôi nhà 62 NCT, phường 3, thành phổ TH, tỉnh PY.

Tòa án cấp phúc thẩm tuyên: Sửa bản án dân sự sơ thẩm:

Thừa nhận văn bản ngày 8/3/2004 về việc hủy bỏ di chúc lập ngày 26/4/1994 của cụ Trần Thị Dân. Bản di chúc của cụ Trần Thị Dân ngày 8/3/2004 là bản di chúc hợp pháp. Công nhận một phần di chúc của cụ Dân.

Nhận định của Tòa án cấp Giám đốc thẩm: Căn cứ kết quả xác minh tại UBND phường 3, thành phố TH thì thực tế cụ Dân không đến UBND phường điểm chỉ vào di chúc, vì di chúc lập ngày 8/3/2004 đến ngày 9/3/2004 cán bộ ủy ban phường tự đem di chúc đến người có thẩm quyền ký xác nhận, nên việc chứng thực vào di chúc của UBND phường 3 xác nhận cụ Dân đã ký trước mặt người chứng thực là không đúng với thực tế.

Do đó, di chúc của cụ Dân lập ngày 8/3/2004 không được coi là di chúc có chứng thực hợp pháp theo Điều 661 Bộ luật Dân sự năm 1995. Di chúc của cụ Dân lập ngày 8/3/2004 có ông Vân, bà Giang là người hưởng thừa kế theo di chúc ký vào bản di chúc và có ông Hùng không phải là người thuộc diện thừa kế theo di chúc hay theo pháp luật ký làm chứng nên di chúc của cụ Dân lập ngày 8/3/2004 cũng không được xác định là di chúc bằng văn bản có người làm chứng theo Điều 654, Điều 657 Bộ luật Dân sự năm 1995.

Di chúc của cụ Dân lập ngày 8/3/2004 được đánh máy, không phải do cụ Dân viết, nên cũng không được coi là di chúc bằng văn bản không có người làm chứng theo Điều 658 Bộ luật Dân sự năm 1995. Vì vậy, không có căn cứ xác định di chúc của cụ Dân lập ngày 8/3/2004 là di chúc hợp pháp. Tòa án cấp phúc thẩm công nhận di chúc của cụ Dân lập ngày 8/3/2004 có giá trị pháp lý là không đúng.

Còn di chúc ngày 26/4/1994 của cụ Dân có chữ ký của cụ, được các bên đương sự thừa nhận, có chứng thực của UBND phường 3 đúng quy định nên là di chúc hợp pháp về hình thức. Tuy nhiên tài sản tranh chấp thuộc sở hữu chung của cụ Tòng và cụ Dân, cụ Dân đã định đoạt cả phần di sản của cụ Tòng là không đúng, nên di chúc này chỉ hợp pháp về nội dung đối vớí 1/2 tài sản tranh chấp phần thuộc quyền sở hữu của cụ Dân.

Giám đốc thẩm quyết định: Hủy toàn bộ bản án dân sự phúc thẩm và bản án dân sự sơ thẩm để xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.

30 – 36

5.

Quyết định giám đốc thẩm số 26/2013/DS-GĐT ngày 22/4/2013 của Tòa án nhân dân tối cao

Về việc “Tranh chấp di sản thừa kế”

Nội dung vụ án: Cụ Nguyễn Văn Phúc và cụ Phạm Thị Thịnh có 6 người con là các ông bà: Nguyễn Hồng Vũ, Nguyễn Thị Kim Oanh, Nguyễn Hồng Vân, Nguyễn Thị Kim Dung, Nguyễn Thị Kim Thu, Nguyễn Hồng Vi (định cư tại Đức).

Trước khi chết cụ Phúc có dặn các con nếu phải bán nhà, đất tại số 708 đường Ngô Gia Tự để phân chia tài sản thì con trai mỗi người 100.000.000đ, con gái mỗi người 30.000.000đ, phần còn lại để lại cho cụ Thịnh.

Tài sản của cụ Phúc và cụ Thịnh tạo lập được gồm khoảng 200m2 đất trên có 2 ngôi nhà 2 tầng, tại số 708 đường Ngô Gia Tự, thành phố Bắc Ninh. Ngoài ra, cụ Phúc và cụ Thịnh còn tạo lập được 1 thửa đất khác tại số 167 Nguyễn Văn Cừ, thành phố Bắc Ninh. Sau khi cụ Phúc chết thì cụ Thịnh cho riêng ông Vũ thửa đất tại 167 Nguyễn Văn Cừ, nhưng do làm ăn thua lỗ, hoàn cảnh khó khăn nên ông Vũ đã bán tài sản này.

Ngày 07/02/2006, cụ Thịnh đã triệu tập họp gia đình, cuộc họp vắng mặt bà Dung và ông Vũ; cụ Thịnh và các thành viên dự họp đều nhất trí sang tên sổ đỏ nhà, đất số 708 đường Ngô Gia Tự cho ông Vân. Biên bản cuộc họp có chứng kiến của tổ dân phố và xác nhận của UBND phường Ninh Xá. Sau đó, Phòng TN& MT đã đồng ý chuyển GCNQSDĐ đứng tên cụ Phúc sang tên ông Vân.

Ngày 08/5/2006, cụ Thịnh khi đó vẫn còn khỏe và minh mẫn đã tự tay viết bản di chúc và trực tiếp đến UBND phường Ninh Xá xin xác nhận, đóng dấu. Trong di chúc cụ Thịnh đã cho ông Vân được hưởng toàn bộ phần tài sản của cụ là ½ nhà, đất số 708 đường Ngô Gia Tự và phần tài sản mà cụ Thịnh được hưởng của cụ Phúc.

Nay ông Vũ, bà Oanh, bà Dung đề nghị được chia phần tài sản của cụ Phúc để lại gồm nhà và đất tại số 708 đường Ngô Gia Tự hiện vợ chồng ông Vân đang quản lý. Các ông, bà xin được chia bằng hiện vật. Ông Vân cho rằng chỉ đồng ý trả tiền cho ông Vi và ông Vũ; phần của bà Oanh, bà Dung, bà Thu thì ông không đồng ý vì đã trả cho các bà rồi.

Tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm tuyên: Xác nhận “Bản di chúc” do cụ Phạm Thị Thịnh viết ngày 08-5-2006 có chứng thực của Ủy ban nhân dân phường Ninh Xá thành phố Bắc Ninh về việc giao phần tài sản của cụ Phạm Thị Thịnh cho ông Nguyễn Hồng Vân là di chúc hợp pháp.

Ngoài ra Tòa án quyết định các vấn đề về việc phân chia di sản cho các bên.

Nhận định của Tòa án cấp Giám đốc thẩm: Cụ Phúc chết năm 1999 không để lại di chúc, cụ Thịnh chết năm 2007 có di chúc để lại phần tài sản của cụ cho ông Vân. Di chúc của cụ Thịnh đề ngày 08/5/2006 với nội dung cụ Thịnh chia cho ông Vân con trai trưởng ½ căn nhà với diện tích 71m2 và một phần đất cụ được hưởng của cụ Phúc. Bản di chúc này do cụ Thịnh tự viết và ký tên, UBND phường Ninh Xá xác nhận chữ ký cụ Thịnh ký vào bản di chúc tại UBND phường là đúng và cụ Thịnh ký trong trạng thái hoàn toàn tỉnh táo và minh mẫn. Tòa án cấp sơ thẩm và cấp phúc thẩm xác định di chúc của cụ Thịnh là hợp pháp, chia di sản của cụ Thịnh theo di chúc, phần di sản của cụ Phúc được chia theo pháp luật là có cơ sở.

Đối với phần đất tranh chấp có 02 ngôi nhà hai tầng và 01 nhà trần làm công trình phụ, các đương sự khai không thống nhất phần diện tích nhà nào của cụ Phúc, cụ Thịnh để lại, phần diện tích nhà nào do vợ chông ông Vân làm, Tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm chưa xác minh làm rõ, nhưng lại xác định 02 ngôi nhà một tầng là tài sản của cụ Phúc, cụ Thịnh là chưa đủ cơ sở vững chắc.

Đồng thời, Tòa án cấp phúc thẩm xác định ông Vân có công chăm sóc cha mẹ và công quản lý di sản, ông Vi có công lớn trong việc nuôi dưỡng cha mẹ (ông Vi là người gửi tiền cho cha mẹ để không phải bán nhà), nhưng không xác định rõ công sức chăm sóc cha mẹ và quản lý di sản mà ông Vân, ông Vi được hưởng là bao nhiêu để đối trừ, số tiền còn lại mới chia cho các đồng thừa kế là chưa hợp tình, hợp lý.

Giám đốc thẩm quyết định: Hủy bản án dân sự phúc thẩm và bản án dân sự sơ thẩm để xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.

37 – 42

6.

Quyết định giám đốc thẩm số 117/2013/DS-GĐT ngày 12/9/2013 của Tòa án nhân dân tối cao

Về vụ án “Tranh chấp tài sản chung”

Nội dung vụ án: Vợ chồng cụ Tô Thành, cụ Trương Thị (người Trung Quốc) có 3 người con chung là ông Tô Ba, ông Tô Mộc, ông Tô Mộc Hải. Khoảng năm 1957, cụ Thành, cụ Kiều đưa ông Lữ từ Bạc Liêu lên sống ở Sài Gòn.

Năm 1959, cụ Thành mua căn nhà số 416/564 PĐP (nay là số 416/116 NĐC), phường 4, quận X, thành phố HCM. Năm 1987, cụ Kiều chết, không để lại di chúc.

Bà Viên là cháu gọi cụ Thành bằng bác ruột. Năm 1974, bà Viên về sống cùng cụ Thành, cụ Kiều và ông Lữ tại căn nhà nêu trên; ngoài ra, còn có cụ Lim Song Hảo (em của cụ Kiều) cũng cùng sống ở đó.

Năm 1989, cụ Thành lập di chúc để lại cho ông Lữ được thừa kế căn nhà cùng toàn bộ tài sản, đồ dùng sinh hoạt trong nhà, đồng thời cho bà Viên và cụ Hảo được quyền cư trú trọn đời trong căn nhà nêu trên.

Năm 1994, cụ Thành lập di chúc khác có nội dung để lại căn nhà số 416/116 NĐC làm nhà hương hỏa, không hợp thức chủ quyền cho riêng ai; ông Lữ và vợ con được sử dụng tầng trệt; bà và cụ Hảo được ở tại tầng lầu cho đến hết đời.

Ngày 17/11/1994, cụ Thành chết. Năm 1997, cụ Hảo về Bạc Liêu sống, đến năm 2006 thì chết. Năm 2000, ông Tô Ba bị bệnh nặng, bà Viên tạm chuyển về ở cùng ông Ba (ở nhà số 37F PT, phường 1, quận Y) để chăm sóc ông Ba. Năm 2008, ông Tô Ba chết. Sau đó, ông Lữ gây khó dễ, không muốn cho bà Viên cư trú tại căn nhà nêu trên nữa. Bà Viên tìm hiểu thì được biết năm 2004, ông Lữ đã sử dụng di chúc năm 1989 của cụ Thành để kê khai, đăng ký và đã được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà.

Bà Viên yêu cầu Tòa án chia thừa kế căn nhà theo di chúc năm 1994 của cụ Thành, phần di sản của cụ Thị và cụ Hảo thì chia theo pháp luật.

Ông Lữ không đồng ý chia thừa kế căn nhà vì theo di chúc của cụ Thành vì bà Viên chỉ được cư trú trọn đời tại căn nhà của cụ Thành, chứ không được hưởng thừa kế.

Tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm tuyên: Công nhận một phần di chúc do cụ Tô Thành lập ngày 23/3/1994 chứng thực số 16922 quyến số 4 tại Phòng công chứng nhà nước.

Nhận định của Tòa án cấp Giám đốc thẩm: Ngày 12/12/1989, cụ Thành lập di chúc cho ông Lữ được quyền sở hữu nhà đất tại 416/116 NĐC. Tuy nhiên, ngày 23/3/1994, cụ Thành lập “Di chúc bổ sung” để sửa đổi, bổ sung di chúc lập ngày 12/12/1989.

“Di chúc bổ sung” lập ngày 23/3/1994 có nội dung: sau khi cụ Thành qua đời thì căn nhà nêu trên để làm nhà hương hỏa, không hợp thức hóa chủ quyền cho riêng ai; ông Lữ cùng vợ con, cụ Hảo và bà Viên được cư ngụ trong căn nhà đến trọn đời. Di chúc có chứng nhận của Phòng công chứng nhà nước thành phố HCM.

Do đó, di chúc có hiệu lực pháp luật. Di chúc này hợp pháp đối với phần di sản của cụ Thành. Theo di chúc của cụ Thành thì bà Viên và cụ Hảo có quyền cư trú tại căn nhà đến trọn đời, nhưng Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm lại chia thừa kế nhà đất là trái với ý chí của cụ Thành đối với phần di sản của cụ. Mặt khác, Tòa án cấp phúc thẩm xác định quan hệ tranh chấp trong vụ án là tranh chấp tài sản chung là không chính xác mà phải xác định quan hệ tranh chấp thừa kế tài sản mới đúng.

Giám đốc thẩm quyết định: Hủy toàn bộ bản án dân sự phúc thẩm và bản án dân sự sơ thẩm để xét xử sơ thẩm lại vụ án theo đúng quy định của pháp luật.

43 – 48

7.

Quyết định giám đốc thẩm số 148/2013/DS-GĐT ngày 20/01/2014 của Tòa án nhân dân tối cao

Về việc “Tranh chấp về thừa kế tài sản”

Nội dung vụ án: Cụ Võ Văn Sến và cụ Nguyễn Thị Chín. Hai cụ có 10 người con chung là các ông, bà: Võ Thị Liên, Võ Văn Xuân, Võ Thị Nga, Võ Thị Di, Võ Thị Thục, Võ Văn Ngân, Võ Thanh Tú, Võ Văn Sang, Võ Thị Kim Liễu và bà Võ Thị Kim Linh. Cụ Sến, cụ Chín không có con nuôi và con riêng.

Các cụ tạo lập được căn nhà 209 Liên Tỉnh 5, phưòng 5, quận X, thành phố HCM. Năm 1993, cụ Sến, cụ Chín được ủy ban nhân dân quận X cấp giấy phép hợp thức hóa quyền sở hữu nhà số 360/GP-CS.

Năm 1996, cụ Sến chết, không để lại di chúc. Tất cả các con cụ Sến đều đã có gia đình ở riêng, cụ Chín tiếp tục quản lý toàn bộ tài sản. Do cụ Chín thấy bà Linh độc thân, sống cùng cha mẹ tại địa chỉ trên từ nhỏ, nên ngày 6/3/1998, cụ Chín đến UBND phường 5, quận X, thành phố HCM lập di chúc giao cho bà Linh nhà đất này để quản lý, thờ cúng ông bà.

Ngày 23/4/1998, cụ Chín chết, bà Linh yêu cầu chia thừa kế phần di sản của cụ Sến theo pháp luật và phần di sản của cụ Chín theo di chúc, xin được quản lý toàn bộ tài sản, hoàn lại giá trị cho các đồng thừa kế khác phần họ được hưởng của cụ Sến.

Ông Sang thống nhất với lời trình bày của bà Linh về hàng thừa kế và nguồn gốc di sản. Từ năm 1998, ông Sang về cư ngụ tại nhà 209 Liên tỉnh 5. Cụ Sến mất không để lại đi chúc, cụ Chín mất có di chúc để lại nhà để thờ cúng, có xác nhận của ủy ban nhân dân phường 5, quận X. Tuy nhiên, ông Sang cho rằng khi lập di chúc mẹ ông – cụ Chín đã bệnh nặng, không còn minh, đề nghị xác minh lại di chúc của cụ Chín có hợp pháp không.

Tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm tuyên: Chấp nhận yêu cầu của bà Linh đòi chia thừa kế theo pháp luật và theo di chúc. Công nhận nhà số 209, có diện tích 52,8m2 là di sản chung của cụ Sến và cụ Chín. Chấp nhận một phần di chúc của cụ Chín. Giao cho bà Linh được tiếp tục quản lý phần di sản của cụ Chín (kế cả phần cụ Chín được hưởng của cụ Sến) là 28,80m2 (bề ngang 1,96m, dài 14,70m) đế thờ cúng.

Nhận định của Tòa án cấp Giám đốc thẩm: Các đương sự thừa nhận cụ Sến chết không để lại di chúc, nên ½ tài sản tranh chấp là di sản của cụ Sến, cụ Chín không có quyền đinh đoạt. Bà Linh xuất trình di chúc đứng tên cụ Chín lập ngày 06/3/1998 có nội dung cụ Chín để lại căn nhà nêu trên cho bà Linh để thờ cúng tổ tiên, cha mẹ, không được sang nhượng nếu không có đồng ý của các anh em ruột.

Quá trình giải quyết, các ông, bà Sang, Tú, Thục, Nga, Liên đều đề nghị “xem xét tính hợp pháp của di chúc”, vì cho rằng thời điểm lập di chúc cụ Chín bị ốm nặng, không còn minh mẫn, có sự ép buộc.

Tại phiên tòa phúc thẩm ông Sang khai cụ Chín không biết chữ, không biết đọc; các thừa kế khác không khai cụ Chín có biết chữ, biết đọc không. Bà Linh là người yêu cầu được hưởng thừa kế theo di chúc, nhưng cũng không trình bày rõ quá trình cụ Chín lập di chúc như thế nào, chỉ khai cụ Chín ra ủy ban phường lập di chúc và có Phường xác nhận. Lẽ ra, Tòa án phải thu thập chứng cứ làm rõ nội dung di chúc do cụ Chín lập hay ai lập, có đúng ý chí của cụ Chín không? Ông Sang, ông Tú đều khai cụ Chín đi viện về một tháng thì chết, thời điểm lập di chúc thì cụ Chín đang ôm nặng. Vì vậy, cần làm rõ thời điểm lập di chúc cụ Chín có minh mẫn, tỉnh táo không.

Giám đốc thẩm quyết định: Hủy toàn bộ bản án dân sự phúc thẩm và bản án dân sự sơ thẩm để xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của pháp luật.

49 – 55

8.

Bản án số 1579/2014/DS-PT ngày 15/12/2014 của Tòa án nhân dân thành phố HCM

Về việc “Tranh chấp di sản thừa kế”

Nội dung vụ án: Ông Phạm Văn Mười và bà Phạm Thị Quý có 11 người con chung, không có con riêng. Trong quá trình chung sống ông Mười, bà Quý tạo lập được khối tài sản chung là nhà và đất tại số 82 (số cũ 1/186), tổ 4, khu phố 3, phường TNP B, Quận X, Tp.HCM theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở và quyền sở hữu nhà ở số 994/2002 do LQ_Ủy ban nhân dân Quận X cấp ngày 28/10/2002. Ông Bình là con của ông Mười, bà Qúy cho rằng ông Mười chết năm 1994, bà Quý chết năm 2011 không để lại di chúc.

Sau khi bà Quý chết, ông Bình đã nhiều lần yêu cầu ông Thông là người đang trực tiếp quản lý, sử dụng nhà và đất nêu trên tiến hành thủ tục chia di sản thừa kế của

Bà Quý và tài sản chung chưa chia của ông Phạm Văn Mười cho 11 người con chung của ông Mười và bà Quý nhưng ông Thông không đồng ý.

Ông Thông cho rằng vào ngày 8/10/1997 và ngày 28/3/2005 bà Quý đã lập di chúc thể hiện cho ông Thông được hưởng ½ giá trị nhà, đất tại số 82, tổ 4, khu phố 3, phường TNP B, Quận X, Thành phố HCM. Di chúc do bà Quý lập có người làm chứng, có chứng thực tại UBND phường TNP B, Quận X, Thành phố HCM.

Vì vậy, ông Thông đề nghị Tòa án xem xét cho ông được nhận hiện vật là nhà, đất để ông làm nơi thờ cúng ông bà, tổ tiên theo đúng nguyện vọng của cha mẹ ông, ông sẽ thanh toán lại bằng tiền phần giá trị tài sản mà các đồng thừa kế được nhận.

Tòa án cấp sơ thẩm tuyên: Không chấp nhận một phần yêu cầu của ông Bình, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan về việc yêu cầu Tòa án chia di sản thừa kế của bà Quý là ½ giá trị nhà và đất tại số 82.

Chấp nhận một phần yêu cầu của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan về việc yêu cầu Tòa án chia tài sản chung chưa chia của ông Mười là ½ giá trị nhà và đất tại số 82.

Công nhận di chúc lập ngày 28/3/2005 của bà Phạm Thị Quý là di chúc hợp pháp. Ông Thông được nhận hiện vật là nhà và đất tại số 82 với diện tích đo đạc thực tế đất là 213,2m2 và nhà có diện tích 267,5m2 lập ngày 7/12/2011 thuộc một phần thửa 28.

Sau đó, ông Bình kháng cáo đề nghị hủy bỏ di chúc ngày 28/3/2005 của bà Qúy.

Tòa án cấp phúc thẩm nhận định: Bà Phạm Thị Quý chết năm 2011 có để lại 2 bản di chúc được lập ngày 08/10/1997 và ngày 28/3/2005 đều có chứng thực của UBND phường TNP B, Quận X. Hai bản di chúc đều có nội dung thể hiện ý chí của bà Quý định đoạt tài sản thuộc quyền sở hữu hợp pháp của mình cho ông Thông được quyền hưởng ½ giá trị căn nhà và đất tại số 82.

Ngoài ông Thông ra bà Quý không để lại di sản thừa kế cho bất cứ ai khác. Việc lập di chúc ngày 28/3/2005 được làm chứng bởi ông Chín, trú tại số 80 đường TNP, khu phố 3, phường TNP B, Quận X, Thành phố HCM và bà Cứng, trú tại 2/258, khu phố 3, phường TNP B, Quận X, Thành phố HCM. Ông Chín và bà Cứng đều khẳng định tại thời điểm lập di chúc bà Quý khỏe mạnh, tinh thần minh mẫn sáng suốt, việc lập di chúc hoàn toàn tự nguyện không bị ai ép buộc hay đe đọa. Vì vậy, không có cơ sở để chấp nhận yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn và những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan hủy bỏ di chúc ngày 28/3/2005, ngoài ra, bà Quý còn được hưởng 1/24 giá trị nhà đất tranh chấp (do ông Mười chết để lại).

Tòa án cấp phúc thẩm tuyên: Không chấp nhận một phần yêu cầu của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan về việc yêu cầu Tòa án chia di sản thừa kế của bà Quý là ½ giá trị nhà và đất tại số 82.

Chấp nhận một phần yêu cầu của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan về việc yêu cầu Tòa án chia tài sản chung chưa chia của ông Mười là ½ giá trị nhà và đất tại số 82.

Công nhận di chúc lập ngày 28/3/2005 của bà Quý là di chúc hợp pháp. Ông Thông được nhận hiện vật là nhà và đất tại số 82.

Đình chỉ giải quyết đối với một phần yêu cầu khởi kiện của người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan về việc yêu cầu chia di sản thừa kế của ông Mười và bà Quý gồm diện tích đất chưa có GCNQSDĐ khoảng 200m2.

56 – 65

9.

Bản án số 296/2017/DS-PT ngày 12/10/2017 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội

Về việc “Yêu cầu tuyên bố di chúc không hợp pháp, hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và chia thừa kế theo pháp luật”

Nội dung vụ án: Cụ Đỗ Văn Đ và cụ Lê Thị Qu sinh được 05 người con gồm các ông, bà: Đỗ Văn Mai, Đỗ Văn A, Đỗ Thị G, Đỗ Thị L, Đỗ Thị B. Cả hai cụ khi chết đều không để lại di chúc. Di sản của hai cụ để lại là thửa đất số 178, tờ bản đồ 10, diện tích 207m2 nay là thửa đất số 384, Tờ bản đồ số 39, diện tích 197,2m2 (theo bản đồ địa chính hệ tọa độ VN 2000 xác lập năm 2011) tại Thôn BC, thị trấn TT, huyện VT, tỉnh Vĩnh Phúc. Trên đất có 01 ngôi nhà tình nghĩa cấp IV được UBND xã TT xây dựng năm 1997 tặng cho mẹ liệt sĩ là cụ Qu.

Em gái bà L là bà Đỗ Thị B không lập gia đình riêng mà ở cùng với mẹ (cụ Qu) nên từ lúc cụ Qu còn sống đến khi qua đời, các thành viên trong gia đình đều nhất trí để bà B ở trên mảnh đất này.

Tuy nhiên đến khoảng cuối tháng 9, đầu tháng 10 năm 2015 bà B lấy cớ nhà tình nghĩa xuống cấp và muốn tiến hành việc sửa chữa. Do bà B đập bỏ toàn bộ ngôi nhà để xây dựng nhà mới nên các thành viên trong gia đình vô cùng bức xúc. Bà B đã được Sở TN & MT tỉnh Vĩnh Phúc cấp GCNQSDĐ số BV 570348, số vào sổ cấp giấy CH 01402 ngày 31/12/2014 đối với thửa đất số 384, Tờ bản đồ số 39, diện tích 197,2m2 theo nội dung tại bản di chúc được bà B cho là của mẹ bà là cụ Qu lập ngày 28/4/2011.

Bà L cho rằng bản di chúc của cụ Qu là giả mạo vì các thành viên trong gia đình không biết. Di chúc lập khi cụ Qu đã 101 tuổi, ốm rất nặng, không còn minh mẫn, tỉnh táo; người viết bản di chúc để cụ điểm chỉ chưa rõ là ai; cả 03 người làm chứng là bà Nguyễn Thị Th, ông Đỗ Văn T, ông Lê Văn D đều ký xác nhận riêng rẽ, không cùng chứng kiến, ký tên theo quy định Bộ luật Dân sự.

Việc xác nhận của UBND thị trấn TT trong bản di chúc cũng không hợp pháp di chúc không được lập, kí xác nhận tại UBND thị trấn TT. Vì vậy, di chúc đề ngày 28/4/2011 được cho là của cụ Qu lập là không hợp pháp và cụ Qu không có quyền để định đoạt toàn bộ khối tài sản chung của cụ Đ và cụ Qu.

Tòa án cấp sơ thẩm tuyên: Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của bà L tuyên bố di chúc của cụ Qu lập ngày 28/4/2011 không hợp pháp đối với phần di sản của cụ Đ; di chúc đối với phần di sản của cụ Qu có hiệu lực. Hủy quyết định cấp GCNQSDĐ và GCNQSDĐ số BV 570348, số vào sổ cấp giấy CH 01402 do Sở TN & MT tỉnh cấp ngày 31/12/2014 mang tên bà Đỗ Thị B. Không chấp nhận yêu cầu chia thừa kế theo pháp luật đối với di sản thừa kế của cụ Đặc, cụ Qu là Thửa đất số 178, Tờ bản đồ số 10, diện tích 207m2 (nay là thửa đất số 384, Tờ bản đồ số 39, diện tích 197,2m2).

Tòa án cấp phúc thẩm nhận định: Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của bà L tuyên bố di chúc của cụ Qu lập ngày 28/4/2011 không hợp pháp đối với phần di sản của cụ Đ; di chúc đối với phần di sản của cụ Qu có hiệu lực mà không nêu di sản đó gồm những gì là chưa cụ thể chưa đầy đủ; không tạm giao cho bà B quản lý phần di sản là quyền sử dụng đất của cụ Đặc là chưa phù hợp với phần nhận định. Do đó, Hội đồng xét xử phúc thẩm sẽ bổ sung để đương sự có căn cứ trong việc quản lý, sử dụng đất và thuận lợi trong giai đoạn thi hành án.

Tòa án cấp phúc thẩm tuyên: Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của bà L tuyên bố di chúc của cụ Qu lập ngày 28/4/2011 không hợp pháp đối với phần di sản của cụ Đ là quyền sử dụng 98,6m2 đất tại Thửa đất mang số 384.

Xác định di chúc của cụ Qu đối với phần di sản và nhà cấp IV và quyền sử dụng 98,6m2 mang số 384, tờ bản đồ số 39. Không chấp nhận yêu cầu chia thừa kế theo pháp luật của bà L đối với di sản thừa kế cụ Đ, cụ Qu là thửa đất số 178, tờ bản đồ số 10, diện tích 207m2 (nay là thửa đất số 384, Tờ bản đồ số 39, diện tích 197,2m2) tại Thôn BC, thị trấn TT, huyện VT, tỉnh Vĩnh Phúc.

66 – 73

10.

Bản án số 94/2017/DS-ST ngày 14/12/2017 của Tòa án nhân dân quận Hải Châu, thành phố Đà nẵng

Về việc “Tranh chấp về thừa kế tài sản”

Nội dung vụ án: Nhà và đất ở tại địa chỉ 38B (nay là K25/2) Đoàn Thị Điểm, phường Hải Châu 2, quận Hải Châu, Tp. Đà Nẵng có nguồn gốc của ông K và bà D.

Năm 1997, ông K và bà D đã đến Phòng công chứng số 01 TP. Đà Nẵng lập di chúc số 66HV34 ngày 06/8/1997 và được công chứng viên chứng thực bản di chúc. Theo bản di chúc nêu trên, ông K và bà D để lại toàn bộ ngôi nhà tại 38B Đoàn Thị Điểm, cho bà Bùi Thị H (là con gái út) được toàn quyền sở hữu, định đoạt ngôi nhà nói trên sau khi ông K và bà D qua đời.

Ngày 27/12/2007 bà D chết, ngày 27/05/2014 ông K chết. Bà Bùi Thị H đã yêu cầu được hưởng thừa kế theo di chúc, nhưng các đồng thừa kế không đồng ý, không thực hiện những thủ tục cần thiết và không tạo điều kiện cho bà H thực hiện quyền lợi hợp pháp của mình.

Hơn nữa do di chúc chỉ định đoạt phần nhà ở mà không đề cập đến quyền sử dụng đất và có sai lệch về diện tích nhà ở nên không thể làm thủ tục kê khai di sản thừa kế tại phòng công chứng được. Do vậy, bà H khởi kiện đề nghị Tòa án công nhận bản di chúc do ông K và bà D để lại là hợp pháp và giao cho bà H toàn quyền sở hữu, sử dụng đối với nhà và đất trên.

Tòa án cấp sơ thẩm nhận định: Ngày 27/12/2007 bà D chết, ngày 27/05/2014 ông K chết; thời điểm có hiệu lực di chúc chung của vợ chồng được xác định là ngày ông K chết vào ngày 27/5/2014 ngày 19/8/2016 bà H khởi kiện, vụ án vẫn trong thời hiệu khởi kiện.

Thấy rằng nội dung và hình thức của bản di chúc do ông K và bà D lập hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật; là di chúc được lập tại Văn phòng công chứng của Nhà nước có chứng thực của công chứng viên; tại thời điểm ông K và bà D lập di chúc không có ai thuộc diện người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc; ngoài bản di chúc này thì không còn một bản di chúc nào khác.

Quá trình giải quyết vụ án, các bên đương sự đều thừa nhận ông K và bà D có để lại di chúc; người có quyền lợi liên quan là ông H và bà T đều thống nhất với nội dung của bản di chúc và đề nghị Tòa án chia di sản thừa kế theo di chúc cho bà Hương.

Chỉ có bà L không thể hiện ý kiến của mình về nội dung của bản di chúc mà đề nghị giải quyết theo quy định của pháp luật.

Tòa án cấp sơ thẩm tuyên: Công nhận bản di chúc số 66HV34 ngày 06/8/1997 do ông K và bà D lập tại Phòng công chứng số 01 TP. Đà Nẵng là di chúc hợp pháp. Giao cho bà Bùi Thị H được toàn quyền sở hữu, sử dụng: Nhà và đất ở tại thửa đất số 320, tờ bản đồ số 6 tọa lạc tại địa chỉ K25/2 Đoàn Thị Điểm, phường Hải Châu 2, quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng.

74 – 82

11.

Bản án số 101/2018/DS-PT ngày 02/07/2018 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng

Về việc “Tranh chấp thừa kế tài sản theo di chúc”

Nội dung vụ án: Cụ Hà Văn Đ có 03 người vợ gồm: bà Trần Thị L, Lê Thị T4, Nguyễn Thị M. Nguyên trước đây, cụ Đ tạo lập được khuôn viên đất rất rộng (không nhở rõ bao nhiêu). Năm 1985, cụ Đ và cụ L được Sở nhà đất và công trình công cộng Quảng Nam – Đà Nẵng cấp trích lục Sổ nghiệp chủ nhà ở đối với ngôi nhà tại 104/37 (nay là K206/43) đường Đ, phường T, quận H, thành phố Đà Nẵng với diện tích xây dựng là 153m2. Cụ ông Hà Văn Đ (chết năm 1986).

Ngày 29/01/1999, cụ L đã lập di chúc để lại ½ ngôi nhà có diện tích 31,85m2, ½ diện tích đất là 76,55m2 và một phần di sản thừa kế mà cụ L được hưởng từ cụ Đ cho bà T và bà H tại Phòng Công chứng Nhà nước số X thành phố Đà Nẵng.

Đến năm 2001 cụ L làm thủ tục và được UBND TP Đà Nẵng cấp GCNQ sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở số 3401050516 ngày 13/3/2001 với diện tích xây dựng 63,7m2, diện tích đất ở 153,10m2 thuộc thửa 79, tờ bản đồ số 29 tại K206/43 đường Đ, phường T, quận H, thành phố Đà Nẵng.

Nay bà T yêu cầu Tòa án chia thừa kế tài sản là nhà đất tại K206/43 đường Đ, phường T, quận H, TP Đà Nẵng theo di chúc mà cụ L đã lập ngày 29/01/1999. Bà yêu cầu Tòa án xem xét cho bà T và bà Hà Thị H được nhận bằng hiện vật.

Ông T1 thống nhất về thời điểm mở thừa kế và hàng thừa kế như bà T trình bày. Về di sản thừa kế ông cho rằng nhà và đất tại 104/37 (nay là K206/43) đường Đ,

là tài sản chung của cụ ông Hà Văn Đ, cụ bà Trần Thị L, cụ bà Lê Thị T4 và cụ bà Nguyễn Thị M cùng tạo lập, chứ không phải của riêng hai cụ Đ và cụ L. Bởi vì các cụ đều chung sống trên cùng ngôi nhà và đất đang tranh chấp nêu trên nhưng khi đứng tên thì chỉ có cụ Đ và cụ L (vợ đầu tiên của cụ Đ) đứng tên đại diện trên giấy tờ.

Ngoài ra, ông T1 cho rằng di chúc của cụ L lập là không có cơ sở, bởi vì thời điểm lập di chúc cụ L đã già yếu, bị lãng, thường hay nằm viện, đi lại khó khăn, tinh thần khôngcòn minh mẫn, bị hen suyễn nên việc lập di chúc là không đúng.

Tòa án cấp sơ thẩm tuyên: Công nhận di chúc lập ngày 29/01/1999 của cụ L được Phòng công chứng nhà nước số X thành phố Đà Nẵng chứng nhận là hợp pháp. Bà T và bà H được hưởng kỷ phần thừa kế theo di chúc của cụ L. Bà T và bà H được nhận thừa kế một phần nhà và đất thuộc thửa 79, tờ bản đồ số 29, tại K206/43 Đường Đ, phường T, quận H, thành phố Đà Nẵng theo Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở số 3401050516 được UBND thành phố Đà Nẵng cấp ngày 13/3/2001.

Tòa án cấp phúc thẩm nhận định: Ngày 29/01/1999, cụ L đã lập di chúc để lại ½ ngôi nhà có diện tích 31,85m2, ½ diện tích đất là 76,55m2 và một phần di sản thừa kế mà cụ L được hưởng từ cụ Đ cho bà T và bà H tại Phòng Công chứng Nhà nước số X thành phố Đà Nẵng. Xét thấy tài sản là nhà và đất nêu trên là tài sản chung của cụ Đ và cụ L tạo dựng, do vậy ngày 29/1/1999 cụ L lập di chúc để lại ½ ngôi nhà và ½ diện tích đất nêu trên cho bà T và H là hoàn toàn đúng với quy định của pháp luật dân sự về thừa kế tài sản.

Di chúc của cụ L lập có người làm chứng và được công chứng chứng thực do vậy án sơ thẩm xác định là di chúc hợp pháp và chia di sản của cụ L theo di chúc là có căn cứ đúng pháp luật. Xét thấy, cấp sơ thẩm đã xem xét thẩm định tại chỗ, và chia cho bà H và bà T là nhà đất bằng hiện vật theo di chúc là hoàn toàn phù hợp với thực tế, đảm bảo được giá trị sử dụng của cả 02 bên đương sự, do vậy kháng cáo của ông T1 là không có căn cứ chấp nhận.

Tòa án cấp phúc thẩm tuyên: Không chấp nhận đơn kháng cáo của ông T1. Công nhận di chúc lập ngày 29/01/1999 của cụ L được Phòng công chứng nhà nước số X thành phố Đà Nẵng chứng nhận là hợp pháp. Bà T và bà H được hưởng kỷ phần thừa kế theo di chúc của cụ Trần Thị L có giá trị là: 1.254.514.637 đồng.

83 – 92

12.

Bản án số 14/2018/DS-ST ngày 13/11/2018 của Tòa án nhân dân huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ

Về việc “Tranh chấp thừa kế theo di chúc”

Nội dung vụ án: Nguyễn Đức H (chết năm 1998) và Vi Thị K (chết năm 2017) là vợ chồng, sinh được 06 người con là Nguyễn Thị C, Nguyễn Thị M, Nguyễn Văn L (đã chết năm 2013 – có con trai là Nguyễn Văn Đ); Nguyễn Văn T, Nguyễn Thị L và Nguyễn Thị B. Ông H và bà K tạo lập được tài sản là quyền sử dụng thửa đất số 283, tờ bản đồ 60, ở khu 13, xã Đ, huyện C, tỉnh Phú Thọ. Trước khi, ông H chết đã cho anh T một phần, còn lại đến năm 2010 bà K được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất diện tích 1447,2 m2. Sau đó, vào năm 2012 bà K tặng cho cháu Đ 581m2, còn lại 576,2 m2 (trong đó đất ở 80m2, đất lâu năm khác 496,2m2).

Ngày 10/5/2016, bà K tổ chức họp gia đình có mặt 5 người con và cháu Đ, ông Vi Văn T đại diện cho dòng họ V chứng kiến. Bà K ý kiến ai nhận trách nhiệm nuôi dưỡng, chăm sóc lo tang lễ cho bà sau khi bà chết thì bà sẽ tặng cho diện tích đất còn lại nhưng không ai nhận. Bà K đã tuyên bố tặng toàn bộ phần diện tích đất còn lại là 576,2m2 cho chị B. Chị B có trách nhiệm chăm sóc nuôi dưỡng bà K lúc sống và lo tang lễ khi bà chết. Nhưng khi kết thúc cuộc họp chị C không nhất trí vì cháu Đ chưa nhận được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, còn cháu Đ không nói gì, không ký biên bản, còn lại mọi người đều ký.

Ngày 05/9/2016, bà K đã đến UBND xã Đ lập di chúc với nội dung để lại cho chị B toàn bộ diện tích đất 576,2m2 cho chị sử dụng và khi bà K qua đời các con không được tranh chấp, bản di chúc đã được UBND xã chứng thực.

Quá trình chung sống cùng chị B từ năm 2012 đến khi bà K chết, chị B chăm sóc cho bà K, lo tang lễ chu đáo khi bà chết. Sau khi bà K chết ngày 18/8/2017 chị B đề nghị họp gia đình để mở di chúc nhưng không ai họp chỉ có chị B và chị L. Ngày 01/11/2017, chị B đã đề nghị UBND xã mở di chúc, UBND xã Đ mở di chúc có 4 anh em và cháu Đ, anh T đến nhưng không tham dự và bỏ về, cháu Đ, bà M, bà C không đồng ý với nội dung di chúc của bà K, nên chị B không thực hiện được việc thừa kế theo di chúc.

Nay bà B yêu cầu Tòa án công nhận di chúc của bà Vi Thị K để lại là hợp pháp. Bà M, bà C và ông T thì cho rằng: năm 2012, chị B ly hôn chồng về ở với mẹ và anh em tại xã Đ, anh em đã họp gia đình thống nhất cho chị B 290 m2 đất, ngày 05/9/2014 gia đình họp cho thêm chị B 0,5m đất để làm lối đi còn lại để cho cháu Đ. Sau khi bà K chết, anh chị em phát sinh mâu thuẫn và anh em trong gia đình không nhất trí với bản di chúc của bà K để lại cho chị B toàn bộ diện tích đất.

Tòa án cấp sơ thẩm nhận định: Về phía chị M, chị C, anh T không công nhận bản di chúc mà bà K đã để lại cho chị B vào ngày 05/9/2016 là không có căn cứ. Bởi lẽ, bản di chúc đã được UBND xã chứng thực đúng quy định của pháp luật, bà K khi lập di chúc sức khỏe bình thường, tinh thần minh mẫn, tự nguyện, không bị ép buộc, do đó bản di chúc là hợp pháp, hơn nữa điều này đã được khẳng định tại kết luận giám định số: 976/TL-KLGĐ/PC09 của Phòng kỹ thuật hình sự công an tỉnh Phú Thọ, khẳng định “Chữ ký dạng chữ viết “K” và các chữ “Vi Thị K” trên di chúc, đề ngày 05/9/2016 so với chữ ký, chữ viết “Vi Thị K” trong sổ chứng thực di chúc, mở ngày 15/01/2016 của UBND xã Đ, là do cùng một người viết ra”.

Biên bản họp gia đình ngày 05/9/2014, mặc dù có chữ ký của cụ K nhưng không hợp pháp bởi lẽ, khi còn sống bà K có quyền định đoạt, thay đổi ý chí của bà trong việc tặng cho tài sản của mình cho ai, trong đó thể hiện việc bà đã tặng cho con trai là anh T, cháu nội là anh Đ, con gái chị B một phần diện tích đất.

Ngày 05/9/2016 cụ đã viết di chúc và để lại phần tài sản còn lại của bà cho chị B với điều kiện khi bà còn sống thì chăm sóc, khi chết thì lo tang ma cho bà, điều này là hoàn toàn có căn cứ.

Tòa án cấp sơ thẩm tuyên: Chấp nhận yêu cầu khởi kiện chị Nguyễn Thị B về việc yêu cầu công nhận bản di chúc lập ngày 05/9/2016 của cụ Vi Thị K là hợp pháp. Chị Nguyễn Thị B được quyền sử dụng thửa đất số 283, tờ bản đồ số 60, diện tích 345,4 m2.

93 – 100

13.

Bản án số 58/2019/DS-PT ngày 14/3/2019 của Tòa án nhân dân tỉnh Cà Mau

Về việc “Tranh chấp yêu cầu phân chia di sản thừa kế theo di chúc và tặng cho tài sản”

Nội dung vụ án: Cụ Lê Văn Ch và cụ Nguyễn Thị G có với nhau 09 người con gồm: Lê Văn M, Lê Văn T2, Lê Đăng Kh, Lê Thu Đ1, Lê Thanh X, Lê Văn Đ2, Lê Văn H, Lê Thị Lời và Lê Văn T1. Vào trước năm 1993 cụ Ch và cụ G có khai phá diện tích đất khoảng 20 công, đất tọa lạc tại ấp Kinh Ngang, xã Quách Phẩm Bắc, huyện Đầm Dơi.

Trong quá trình sử dụng đến năm 1993 cụ Ch được UBND huyện Đầm Dơi cấp GCNQSDĐ tên Lê Văn Ch, hiện giấy này do ông H giữ. Trong quá trình sử dụng đến ngày 27/12/2011 âm lịch cụ Ch và cụ G có lập di chúc với nội dung: Cho ông T1 vĩnh viễn một phần đất nuôi trồng thủy sản 05 công tầm lớn, một nền đất thổ cư ngang 10m, dài 45m và một phần đất nền mộ ngang 10m, dài 10m có Trưởng ấp là ông Phạm Hoàng Thơ ký xác nhận.

Đến ngày 27/10/2012 cụ Lê Văn Chh qua đời còn cụ G đã già nên muốn tách quyền sử dụng đất do cụ Ch đứng tên sang cho ông T1 đứng tên quyền sử dụng đất theo di chúc của cụ Ch và cụ G lập ngày 27/12/2011 âm lịch nhưng ông H cố tình chiếm giữ GCNQSDĐ của cụ Ch dẫn đến tranh chấp.

Ông T1 yêu cầu TAND huyện Đầm Dơi giải quyết phân chia theo di chúc của cụ Ch và cụ G đã lập ngày 27/12/2011 âm lịch và biên bản họp gia đình ngày 20/10/2017, cụ thể ông T1 yêu cầu được hưởng: Một phần đất nuôi trồng thủy 05 công tầm lớn, theo đo đạc thực tế có tổng diện tích 6.681,2m2 một phần đất thổ cư ngang 10m, dài 35m theo đo đạc thực tế ngang 09m dài 28,3m có tổng diện tích 254,6m2 một phần đất nền mộ theo đo đạc thực tế có tổng diện tích 155,8m2.

Ông H cho rằng: Đối với phần đất nuôi trồng thủy sản diện tích 6.681,2m2 hiện tại do ông T1 quản lý sử dụng, phần đất này ông đồng ý giao cho ông T1 được hưởng theo yêu cầu ông T1 không đặt ra yêu cầu Tòa án xem xét giải quyết; còn đối với phần diện tích đất khu mộ 155,8m2 ông thống nhất theo yêu cầu của ông T1 giao cho ông được quản lý, sử dụng toàn bộ nên ông không có ý kiến gì khác; đối với phần đất nền nhà hiện tại do ông T1 đang quản lý, sử dụng có diện tích 254,6m2 ông không đồng ý giao cho ông T1 được hưởng. Bỡi lẽ, năm 2012 thì cụ Ch và cụ G có nói với ông là cho ông được quản lý, sử dụng khi cụ Ch qua đời thì ông T1 phải giao lại cho ông được hưởng toàn bộ vì thời điểm này ông T1 đã có nhà cửa riêng, việc cụ Ch và cụ G nói không ai biết, không ai chứng kiến.

Đối với tờ di chúc cụ Ch, cụ G lập ngày 27/12/2011 là không hợp pháp. Bỡi lẽ, chữ ký trong tờ di chúc trên không phải của cụ Ch, còn chữ ký của cụ G là đúng. Đồng thời, ông yêu cầu Tòa án xem xét tính pháp lý của tờ di chúc.

Tòa án cấp sơ thẩm tuyên: Chấp nhận yêu cầu chia di sản thừa kế theo di chúc và hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất của ông T1. Công nhận sự thỏa thuận giữa ông H với ông T1. Giao cho ông T1 được hưởng phần đất nuôi trồng thủy sản diện tích 6.681.2m2 là di sản thừa kế theo di chúc và hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất. Công nhận sự thỏa thuận giữa ông T1 với ông H. Giao cho ông H được quản lý, sử dụng phần đất khu mộ (gồm nền mộ và lối đi) diện tích 155,8m2.

Ngày 14/12/2018, ông H kháng cáo một phần bản án sơ thẩm yêu cầu cấp phúc thẩm xét xử theo hướng sửa án sơ thẩm xem xét giao lại phần đất diện tích 254.6m2 giao cho ông được hưởng; yêu cầu giám định chữ ký của cụ Ch tại tờ di chúc.

Tòa án cấp phúc thẩm nhận định: Việc ông H cho rằng chữ ký của cụ Ch không phải do cụ Ch ký là không có căn cứ. Bởi lẽ, ngoài lời trình bày của mình thì ông H không đưa ra chứng cứ gì để chứng minh. Hơn nữa theo lời trình bày của ông K, ông T2, bà X, bà Đ1, bà L cùng là các con cụ Ch cũng đều khẳng định: di chúc lập ngày 27/12/2011 âm lịch là do cụ Ch, cụ G lập và ký tên; Tại thời điểm lập di chúc cụ Ch cụ G đều minh mẫn, nội dung di chúc đã thể hiện ý chí, nguyện vọng của cụ Ch và cụ G. Mặc khác di chúc do cụ Ch và cụ G lập ngày 27/12/2011 âm lịch có xác nhận của Trưởng ấp. Như vậy thấy rằng di chúc do cụ Ch và cụ G lập ngày 27/12/2011 âm lịch thỏa mãn các điều kiện được quy định tại khoản 1 Điều 652 của Bộ luật Dân sự năm 2005 nên di chúc hợp pháp.

Việc ông H không thống nhất giao 254,6m2 cho ông T1 là trái tờ di chúc ngày 27/12/2011 âm lịch của cụ Ch, cụ G và biên bản họp gia đình ngày 20/10/2017. Mặc dù cụ Ch đã mất vào năm 2012 nhưng cụ G vẫn còn sống, phần đất thổ cư diện tích 254,6m2 nằm trong quyền sử dụng đất của cụ Ch đó là tài sản chung của cụ Ch và cụ G nên cụ G vẫn có quyền định đoạt. Nay cụ G có nguyện vọng tặng đất thổ cư cho ông T1, nguyện vọng cụ G cũng hoàn toàn phù hợp với nội dung di chúc. Ông H cho rằng cụ Ch có nói cho ông phần đất 254,6m2 này nhưng không có chứng cứ gì để chứng minh có việc cho đất này. Hiện ông T1 cũng như các anh chị em ông H như ông M, ông T2, ông Đ2, ông K, bà Đ1, bà X và bà L đều không thừa nhận việc cụ Ch có cho ông H phần đất nền nhà theo đo đạc thực tế 254,6m2 như ông H trình bày. Do đó, không có cơ sở chấp nhận lời trình bày của ông H, cấp sơ thẩm chấp nhận yêu cầu của ông T1 được hưởng phần đất nền nhà 254,6m2 theo di chúc là có căn cứ.

Tòa án cấp phúc thẩm tuyên: Chấp nhận yêu cầu chia di sản thừa kế theo di chúc và hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất của ông T1. Ông T1 được hưởng phần đất thổ cư diện tích theo đo đạc 254,6m2. Công nhận sự thỏa thuận giữa ông H với ông T1. Giao cho ông T1 được hưởng phần đất nuôi trồng thủy sản diện tích 6.681.2m2 là di sản thừa kế theo di chúc và hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất. Công nhận sự thỏa thuận giữa ông Lê Văn T1 với ông Lê Văn H. Giao cho ông Lê Văn H được quản lý, sử dụng phần đất khu mộ (gồm nền mộ và lối đi) diện tích 155,8m2.

101 – 108

14.

Bản án số 34/2019/DS-PT ngày 05/8/2019 của Tòa án nhân dân tỉnh Hải Dương

Về việc “Tranh chấp chia di sản thừa kế và yêu cầu xác định di chúc hợp pháp và chia di sản thừa kế theo di chúc”

Nội dung vụ án: Cụ Phạm Văn L và cụ Trần Thị C có các con là ông Nguyễn Văn T (tên gọi khác Nguyễn Thanh T), bà Phạm Thị Ng, ông Phạm Văn Th và bà Phạm Thị N. Khi còn sống, cụ L và cụ C có tài sản gồm 684m2 đất tại thửa số 912 và 913m2 đất mặt nước nuôi trồng thủy sản tại thửa số 913 đều ở tờ bản đồ số 98.

Diện tích đất trên đã được UBND huyện K cấp GCNQSDĐ mang tên cụ L và cụ C. Ngày 16/3/2010, cụ L chết không để lại di chúc. Ngày 20/10/2014, cụ C chết có để lại di chúc, nội dung di chúc là để lại quyền sử dụng đất cho con của ông Th là anh Phạm Văn Nh được toàn quyền quản lý, sử dụng.

Năm 2002, cụ C và cụ L đồng ý cho vợ chồng ông Th phá nhà cũ và xây dựng lại ngôi nhà mái bằng 3 gian trên diện tích đất. Năm 2016, ông T sống ở miền Nam đã về nhà đòi chia thừa kế đất của cụ C, cụ L. Ông T đã họp 4 chị em lại và thống nhất xác định phần đất có nhà xây dựng là tài sản của cụ C và sẽ để lại cho cháu Nh theo di chúc, còn phần đất của cụ L với diện tích 342m2 đất ao sẽ chia cho 4 người con mỗi người 85m2, tất cả chị em ông đều đồng ý như vậy.

Đến ngày 01/6/2017 ông T đập phá tường bao của gia đình ông, rồi thuê người lấp cát xuống toàn bộ ao cá mà vợ chồng Th đang thả, ông T tuyên bố sẽ lấy toàn bộ diện tích đất ao. Ông Th khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế của cụ L; xác định bản di chúc do cụ C lập ngày 25/4/2012 về việc cho con của ông Nh là hợp pháp và được hưởng theo di chúc của cụ C.

Đối với di chúc thể hiện cụ C đã để lại toàn bộ di sản cho anh Nh, ông T xác định di chúc không hợp pháp vì khi cụ C để lại di chúc ông không được biết. Ông có nguyện vọng lấy di sản bằng hiện vật. Tháng 6/2017, vợ chồng ông T đã thuê người chở cát và san lấp ao của bố mẹ hết số tiền là 47.350.000 đồng, tiền công san lấp hết 23 công mỗi công là 200.000 đồng, ông yêu cầu những người được hưởng di sản thừa kế phải trả cho vợ chồng ông tiền chi phí san lấp ao.

Tòa án cấp sơ thẩm tuyên: Không chấp nhận yêu cầu của ông Phạm Văn T về việc chia di sản thừa kế của cụ L và cụ C gồm: 01 nhà mái diện tích 62,05m2 trị giá 180.558.679 đồng, công trình phụ mái lợp bọc xi măng trị giá 24.727.865 đồng.

Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Phạm Văn Th về việc chia di sản thừa kế của cụ L và cụ C gồm: diện tích 200m2 đất ở nông thôn trị giá 100.000.000 đồng và 670m2 đất trồng cây lâu năm trị giá 192.625.000 đồng đều ở tờ bản đồ số 17 do vợ chồng ông Th, bà L đang quản lý. Xác nhận bản di chúc của cụ C lập ngày 25/4/2012 chỉ hợp pháp một phần; anh Nh được hưởng phần di sản của cụ C để lại có giá trị thành tiền là 175.575.000 đồng.

Ngày 13/12/2018, ông Th kháng cáo đề nghị được phân chia di sản cụ L cho 4 người con bằng hiện vật theo mặt đường và không đồng ý trả tiền san lấp cho ông T.

Tòa án cấp phúc thẩm nhận định: Do bà Ng và bà N để lại phần di sản cho ông Th nên ông phải được hưởng ¾ phần hiện vật trong tổng số di sản nhưng theo cách chia của bản án sơ thẩm, ông T được hưởng phần hiện vật có chiều rộng mặt đường là 4m, còn ông Th, bà Ng, bà N chỉ được hưởng phần đất có chiều rộng là 7.3m là không đúng. Xác định di sản thừa kế và kỷ phần của từng người trong hàng thừa kế được hưởng là phù hợp quy định pháp luật. Hơn nữa, việc chia quyền sử dụng đất ở cho ông T phải đảm bảo hạn mức tối thiểu để ông T có thể được cấp GCNQSDĐ.

Ông Nguyễn Văn Th là người chở cát và ông Đào Văn Kh là người dùng máy xúc để san lấp ao là thực tế gồm 131 chuyến. Tuy ban đầu, ông Th không đồng ý để ông T lấp ao nhưng ông Th được giao sử dụng phần diện tích đất là 322m2 phần đất ao do ông T san lấp. Buộc ông Th phải có trách nhiệm trả cho ông T chi phí lấp ao tương ứng với phần di sản được nhận là 36.512.500 đồng là có căn cứ.

Tuy nhiên, HĐXX cần rút kinh nghiệm với cấp sơ thẩm đối với phần nhận định trong bản án và nêu lý do vì sao ông Th phải trả ông T số tiền 36.512.500 đồng tiền chi phí san lấp ao gây thắc mắc cho các đương sự, cũng như không rõ lý do vì sao lại chia cho ông T diện tích 113m2 quyền sử dụng đất có chiều bám mặt đường là 4m.

Tòa án cấp phúc thẩm tuyên: Không chấp nhận yêu cầu của ông T về việc chia di sản thừa kế của cụ L và cụ C. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Th về việc chia di sản thừa kế của cụ L và cụ C. Chấp nhận sự tự nguyện của bà Ng, bà N để lại phần di sản cho ông Th được hưởng. Xác nhận di chúc của cụ C lập ngày 25/4/2012 hợp pháp một phần, anh Nh được hưởng phần di sản của cụ C để lại có trị giá là 175.575.000 đồng. Chấp nhận sự tự nguyện của ông Th, bà L tặng cho anh Nh tài sản gồm 01 nhà mái bằng diện tích 62,05m2 trị giá 189.558.679 đồng, công trình phụ mái lợp bọc xi măng trị giá 24.727.865 đồng.

Giao cho anh Nh quản lý, sử dụng 435m2 quyền sử dụng đất, trong đó có 100m2 đất ở trị giá 50.000.000 đồng đất trồng cây lâu năm trị giá 96.312.500 đồng, tổng giá trị 146.312.500 đồng. Giao cho ông Th quản lý, sử dụng 322m2 quyền sử dụng đất, trong đó có 75m2 đất ở trị giá 37.500.000 đồng, 247m2 đất trồng cây lâu năm trị giá 71.012.500 đồng. Giao cho ông T quản lý, sử dụng 113m2 quyền sử dụng đất, trong đố có 25m2 đất ở trị giá 12.500.000 đồng và 88m2 đất trồng cây lâu năm trị giá 25.300.000 đồng. Buộc ông Th phải trả cho anh Nh số tiền 8.537.500 đồng về tiền chênh lệch tài sản. Buộc ông Th phải trả cho ông T, bà M số tiền 35.731.300 đồng về tiền chi phí san lấp ao.

109 – 117

15.

Bản án số 21/2019/DS-ST ngày 14//11/2019 của Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương

Về việc “Tranh chấp về thừa kế tài sản”

Nội dung vụ án: Vợ chồng cụ Lê Văn X và cụ Nguyễn Thị H2 có 03 con chung là ông Lê Văn H1, ông Lê Văn T, ông Lê Ngọc M1 và không có con riêng, con nuôi.

Cụ X, cụ H2 có để lại quyền sử dụng đất diện tích 1.710,39 m(trong đó có 300m2 đất thổ cư) thửa đất số A và B, GCNQSDĐ do Cơ quan U huyện (nay là thị xã) T1 cấp ngày 25/7/1994 (đổi lần 1, được cấp lại ngày 24/01/1998 theo GCNQSDĐ, số vào sổ: C/SDĐ/CQ-BH, thửa đất mới số D và E, diện tích 1.945m2; đổi lần 2, được cấp lại ngày 26/01/2007 theo GCNQSDĐ, số vào sổ: K/BH, thửa đất số D và E, diện tích 1.739m2).

Năm 2000, khi cụ H2 còn sống, cụ X và cụ H2 chuyển nhượng cho nhiều người (thửa đất số E), đã được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận và một phần diện tích đất bị giải tỏa làm đường. Ngoài ra, cụ X và cụ H2 tặng cho con gái là bà Lê Ngọc M1 diện tích 345m2 đã được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận cấp giấy chứng nhận cho bà M1. Sau khi chuyển nhượng đất, cụ X và cụ H2 xây nhà trọ (10 căn) trên thửa đất số E và giao cho bà M1 quản lý, thu tiền trọ cho đến nay.

Ông T sống chung với cụ H2 và cụ X tại thửa đất số D. Sau khi cụ H2 chết (năm 2000) thì vợ chồng ông H, bà O (định cư tại Hoa Kỳ) gửi tiền về cho cụ X sinh sống và giúp  cụ X xây lại nhà (01 trệt, 01 lầu như hiện tại) trên thửa đất số D.

Ngày 17/8/2002, cụ X lập di chúc để lại cho vợ chồng ông H, bà O thửa đất số D và nhà gắn liền đất, nội dung di chúc có ghi: “…Nguyên tôi có thửa đất thổ cư với tổng diện tích 660m2 thửa đất số…tọa lạc tại ấp Đ, xã B, huyện T1, tỉnh Bình Dương có tứ cận: Đông giáp bò sáu nghé, tây giáp đường xe bò, nam giáp tỉnh lộ I, ắc giáp bà T8; … đứa con lớn đã xuất cảnh sang nước ngoài hiện nó cấp dưỡng và lo toàn bộ cho gia đình, tôi và đứa con thứ ba hiện đang chung sống trong gia đình… nay tôi đã lớn tuổi thường hay bệnh đau không biết số phận ra sao nên tôi giao lại thửa đất và nhà cửa nói trên cho vợ chồng con trai lớn Lê Văn H và Nguyễn Thị Tuyết O…”.

Hiện nay, diện tích đất còn lại theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp năm 2007 (đăng ký biến động ở trang 4) thửa D diện tích 553m2 đất thổ cư, nhà 01 trệt, 01 lầu trên đất do ông T quản lý); thửa E diện tích 193,7m2 (44m2 đất thổ cư, có 10 căn nhà trọ do bà M1 quản lý). Ông T thống nhất theo kết quả đo đạc ngày 02/10/2019 với thửa D diện tích 547,7m2; thửa E diện tích 206,7m2. Thống nhất kết quả định giá ngày 11/9/2019.

Ông T đồng ý tính giá trị nhà xây dựng trên thửa đất E (xây dựng sau khi cụ H2 chết) là tài sản chung của cụ X và cụ H2; xác định cụ X lập di chúc trong trạng thái tinh thần minh mẫn, sáng suốt; chữ viết, chữ ký trong di chúc đúng là của cụ X. Tuy nhiên, tài sản là của chung cụ X và cụ H2 nên yêu cầu cầu Tòa án tuyên vô hiệu 1/2 di chúc liên quan đến tài sản của cụ H2, 1/2 di chúc liên quan đến tài sản của cụ X đối với nhà và đất (thửa D) có hiệu lực. cụ X và cụ H2 không để lại nghĩa vụ về tài sản sau khi chết, ông T không yêu cầu xem xét công sức bảo quản di sản, chi phí tang lễ, mồ mả của cụ X, cụ H2; đề nghị Tòa án chia di sản thừa kế của cụ X và cụ H2 theo di chúc và theo pháp luật.

Bà M1 thống nhất với ông T về quan hệ huyết thống và tài sản thừa kế do cụ X, cụ H2 để lại. Bà M1 được cụ X, cụ H2 cho diện tích đất 361m2 của thửa đất số E; ông T cũng được cụ X, cụ H2 cho 01 phần đất ở nơi khác vì không thuộc giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp cho cụ X nên bà M1 không rõ; ông H ở Hoa Kỳ nên chưa được cho đất. Khi còn sống, cụ X, cụ H2 đã chuyển nhượng cho nhiều người thửa đất số E, diện tích còn lại hơn 200m2 và có nhà trọ trên đất; nhà trọ do bà M1 quản lý, khai thác từ khi xây dựng cho đến nay. Nhà ở của cụ X (trên thửa đất số D) do ông H gửi tiền về xây nhưng là nhà thờ nên không đồng ý chia thừa kế. Đối với di chúc: Đúng là chữ viết, chữ ký của cụ X nhưng bà M1 không rõ, không đồng ý chia thừa kế; không có yêu cầu gì khác.

Tòa án cấp sơ thẩm nhận định: Di chúc do cụ X viết ngày 17/8/2002 nhưng cơ quan U xã (nay là phường) B2, huyện (nay là thị xã) T1 xác nhận ngày 16/8/2002 là có sai sót. Kết quả xác minh của Tòa án tại biên bản ngày 16/10/2019, người có thẩm quyền đã xác nhận chính họ ký xác nhận trong di chúc, thời điểm xác nhận di chúc, cụ X hoàn toàn tỉnh táo, minh mẫn, ngày tháng năm ghi trong di chúc do cán bộ văn phòng ghi nên không biết có sai sót.

Theo yêu cầu của Tòa án về việc cung cấp chứng cứ là hồ sơ, sổ sách lưu trữ có nội dung xác nhận liên quan đến di chúc, tại Văn bản số G/UBND-VX ngày 12/9/2019, Cơ quan U phường B2 trả lời Tòa án là không tìm ra hồ sơ lưu trữ. Quá trình tố tụng và tại phiên tòa, 03 thừa kế ở hàng thừa kế thứ nhất (các đương sự trong vụ án) của cụ X đều khai nhận đúng chữ viết, chữ ký của cụ X trong di chúc, thời điểm lập di chúc năm 2002 sức khỏe cụ X rất tốt, tinh thần sáng suốt, minh mẫn….Do đó, có căn cứ xác định di chúc do cụ X lập ngày 17/8/2002 thể hiện đúng ý chí nguyện vọng của cụ X. Nội dung di chúc chỉ đề cập đến nhà và thửa đất số D do cụ X đang ở, nhà và tài sản gắn liền thửa đất E là tài sản chung của cụ X và cụ H2 nên di chúc chỉ có giá trị đối với tài sản của cụ X (tức là có giá trị đối với ½ đất và tài sản khác gắn liền của thửa đất số D).

Tòa án cấp sơ thẩm tuyên: Tuyên bố di chúc do cụ Lê Văn X lập ngày 17/8/2002 có hiệu lực ½ đối với di sản do cụ Lê Văn X để lại về quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất thuộc thửa D, tờ bản đồ X (diện tích theo giấy chứng nhận là 553m2; đo đạc thực tế 547,4m2 (có 73,5m2 đất thổ cư, nay gọi là đất ở) tọa lạc tại ấp Đ, xã B, huyện T1 (nay là khu phố Đ 1, phường B2, thị xã T1), tỉnh Bình Dương; Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, số vào sổ: K/BH cấp cho hộ ông Lê Văn X ngày 26/01/2007.

118 – 127

16.

Bản án số 80/2020/DS-PT ngày 13/5/2020 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng

Về việc “Tranh chấp thừa kế tài sản liên quan đến yêu cầu tuyên bố bản di chúc là vô hiệu”

Nội dung vụ án: Ông Hồ Đắc V1 và cụ bà Nguyễn Thị Hồng L, trong quá trình chung sống có sinh được 05 người con gồm Hồ Tuấn V, Hồ Thị Thanh H, Hồ Thị Vân, Hồ Thị H1, Hồ Tuấn N.

Ông bà có tạo lập được nhà và đất tại thửa đất số 27, tờ bản đồ số 14 tọa lạc tại 92/6/2 Đường Đ1 (nay là 184/6/2 Đường Đ1 (số cũ) và 6/2 đường T1 (số mới) được UBND thành phố H2 cấp GCNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất vào ngày 24/6/2002 với diện tích 1008m2.

Trong quá trình sử dụng thửa đất nói trên thì ông V1, bà L đã tiến hành sang nhượng cho con gái (Hồ Thị Thanh H) diện tích 260m2 vào năm 1997; tiến hành sang nhượng 58m2 cho sư cô Thích Nữ Diệu L1 (trụ trì chùa K) vào năm 2001; sang nhượng cho vợ chồng ông Trần Văn V3 và bà Nguyễn Thị Ng 80m2 cũng vào năm 2001.

Vào ngày 23/4/2014 cụ ông Hồ Đắc V1 có tiến hành lập Di chúc tại Văn phòng công chứng N1, tỉnh Thừa Thiên Huế thể hiện việc để lại 1/2 tài sản của cụ trong khối tài sản chung với cụ bà Nguyễn Thị Hồng L tại thửa đất 27 cho bà Hồ Thị H1.

Ông V, bà H, bà C cho rằng bản Di chúc này không đúng pháp luật vì di chúc có nhiều biểu hiện vi phạm pháp luật về hình sự cũng như pháp luật dân sự; nội dung di chúc không nêu đúng diện tích trên thực tế của thửa đất và không có tinh thần đạo đức, tập quán truyền thống của Việt Nam. Bởi các lý do nói trên nên ông V, bà H, bà C đã khởi kiện, đề nghị Tòa án tuyên bố văn bản di chúc của cụ ông Hồ Đắc V1 lập vào ngày 23/4/2014 tại Văn phòng Công chứng N1, tỉnh Thừa Thiên Huế là vô hiệu; và yêu cầu phân chia di sản thừa kế.

Tòa án cấp sơ thẩm tuyên: Tuyên bố Di chúc do cụ Hồ Đắc V1 lập vào ngày 23/4/2014 tại Văn phòng Công chứng N1 là bản Di chúc hợp pháp. Bác đơn khởi kiện của ông Hồ Tuấn V, bà Hồ Thị Thanh H, bà Hồ Thị Kim C về yêu cầu chia thừa kế tài sản đối với di sản của cụ ông Hồ Đắc V1 trong khối tài sản chung với cụ bà Nguyễn Thị Hồng L tại thửa đất 127, tờ bản đồ số 14 diện tích 712m2 tọa lại tại 92/6/2 Đường Đ1 (nay là 184/6/2 Đường Đ1 (số cũ) và 6/2 đường T1 (số mới).

Tòa án cấp phúc thẩm nhận định: Tài sản của cụ V1 và cụ L gồm diện tích 712m2 tại thửa đất 127, tờ bản đồ số 14 tọa lại tại 92/6/2 Đường Đ1 (nay là 184/6/2 Đường Đ1 (số cũ) và 6/2 đường T1 (số mới)). Trên đất có 01 nhà diện tích 80,6m2 (nhà số 3 theo biên bản xem xét ngày 10/3/2020).

Ngày 23/4/2014 cụ Hồ Đắc V1 lập bản di chúc định đoạt phần tài sản của mình trong khối tài sản chung của cụ V1 và cụ L cho bà Hồ Thị Thanh H. Tại nội dung của bản di chúc lập ngày 23/4/2014 có nội dung: “Sau khi chết thì toàn bộ phần tài sản là QSD đất, tài sản gắn liền với đất của tôi trong khối tài sản chung với bà Nguyễn Thị Hồng L được để lại cho người có tên sau được thừa kế theo quy định của pháp luật” – bà Hồ Thị H1 sinh năm 1972. Văn bản di chúc trên được lập tại phòng công chứng N1, tỉnh Thừa Thiên Huế, và được lập trong tình trạng sức khỏe của cụ V1 là minh mẫn (có bản giám định sức khỏe dân sự của cụ V1 lập ngày 10/1/2014). Như vậy việc cụ V1 lập bản di chúc để định đoạt phần tài sản của mình trong khối tài sản chung của 02 vợ chồng cho bà H1 là hợp pháp. Theo di chúc thể hiện tài sản là diện tích 712m2 đất. Vì vậy đơn khởi kiện cho rằng di chúc vô hiệu là không có căn cứ chấp nhận.

Tòa án cấp phúc thẩm tuyên: Chấp nhận một phần khởi kiện của bà Hồ Thị Kim C, ông Hồ Tuấn V, bà Hồ Thị Thanh H (ông V là người giám hộ cho cụ L). Công nhận di chúc do cụ Hồ Đắc V1 lập vào ngày 23/4/2014 tại Văn phòng Công chứng N1 là bản Di chúc hợp pháp. Chấp nhận đơn khởi kiện của ông Hồ Tuấn V, bà Hồ Thị Thanh H, bà Hồ Thị Kim C (ông V là người giám hộ cho cụ L) về yêu cầu xác định phần tài sản của cụ Hồ Đắc V1, và cụ Nguyễn Thị Hồng L và chia thừa kế tài sản đối với di sản của cụ ông Hồ Đắc V1 trong khối tài sản chung với cụ bà Nguyễn Thị Hồng L tại thửa đất 127, tờ bản đồ số 14 diện tích 712m2 tọa lại tại 92/6/2 Đường Đ1 (nay là 184/6/2 Đường Đ1 (số cũ) và 6/2 đường T1 (số mới). Việc chia thừa kế thực hiện theo di chúc.

128 – 141

XEM BẢN ÁN VÀ TẢI FILE PDF: TỔNG HỢP 16 BẢN ÁN & QUYẾT ĐỊNH GIÁM ĐỐC THẨM VỀ TUYÊN DI CHÚC HỢP PHÁP VÀ CHIA THỪA KẾ THEO DI CHÚC

………………..

Luật sư tại Đà Nẵng:

99 Nguyễn Hữu Thọ, Quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng

Luật sư tại Huế:

56A Điện Biên Phủ, phường Phường Đúc, thành phố Huế, Thừa Thiên Huế

Luật sư tại Quảng Ngãi:

359 đường Nguyễn Du, thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi

Luật sư tại Hà Nội:

Tầng 5, số 11 Ngõ 183, phố Đặng Tiến Đông, phường Trung Liệt, quận Đống Đa, Hà Nội

Luật sư tại Nghệ An:

Số 19 đường V.I Lê Nin, Nghi Phú, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An

Website: www.fdvn.vn    www.fdvnlawfirm.vn  www.diendanngheluat.vn  www.tuvanphapluatdanang.com

Email: fdvnlawfirm@gmail.com    luatsulecao@gmail.com

Điện thoại: 0935 643 666    –  0906 499 446

Fanpage LUẬT SƯ FDVN: https://www.facebook.com/fdvnlawfirm/

Legal Service For Expat:  https://www.facebook.com/fdvnlawfirmvietnam/

TỦ SÁCH NGHỀ LUẬT: https://www.facebook.com/SayMeNgheLuat/

DIỄN ĐÀN NGHỀ LUẬT: https://www.facebook.com/groups/saymengheluat/

KÊNH YOUTUBE: https://www.youtube.com/c/luatsufdvn

KÊNH TIKTOK: https://www.tiktok.com/@luatsufdvn

KÊNH TELEGRAM FDVN: https://t.me/luatsufdvn

Bài viết liên quan