FDVN giới thiệu tài liệu “Tổng hợp 15 bản án liên quan đến tranh chấp tiền lương” do các Luật sư – Chuyên viên pháp lý của FDVN sưu tầm, tổng hợp.
Tài liệu này phục vụ cho mục đích học tập, nghiên cứu, công tác và được chia sẻ hoàn toàn miễn phí. Chúng tôi phản đối việc sử dụng tài liệu này vào mục đích thương mại và mục đích khác trái pháp luật.
MỤC LỤC
Tổng hợp 15 bản án liên quan đến tranh chấp tiền lương
STT |
TÓM TẮT NỘI DUNG |
TRANG |
1 |
Bản án số: 01/2021/LĐPT ngày: 25-01-2021 của Tòa án nhân dân thành phố Cần Thơ về việc “Tranh chấp tiền lương”
Nội dung: Ông là giáo viên dạy nghề với trình độ chuyên môn kỹ thuật xây dựng. Vào tháng 4/2017 ông có ký kết hợp đồng lao động với Công ty cổ phần B (hợp đồng này ông không giữ mà do công ty đang giữ) với thỏa thuận thuê ông để dạy 05 lớp kỹ thuật sơ cấp nghề kỹ thuật xây dựng (nề) cho lao động nông thôn trong địa bàn thành phố Cần Thơ với thỏa thuận trong hợp đồng lao động công ty phải trả cho ông số tiền công dạy lý thuyết, thực hành được tính 120.000đồng/tiết (giờ) dạy. Quá trình thực hiện hợp đồng từ tháng 4/2017 đến tháng 12/2017 thì chấm dứt và số tiền được tính như sau: – Lớp nề dạy Ủy ban nhân dân phường D, quận T: Tổng cộng lý thuyết và thực hành: 324 giờ x 120.000đồng = 38.880.000đồng. – Lớp nề dạy Ủy ban nhân dân xã Th, huyện Th: Tổng cộng lý thuyết và thực hành: 260 giờ x 120.000đồng = 31.200.000đồng – Lớp nề dạy tại Ủy ban nhân dân xã P, huyện Đ: Tổng cộng lý thuyết và thực hành: 260 giờ x 120.000đồng = 31.200.000đồng – Lớp nề dạy tại Ủy ban nhân dân phường P, quận C: Tổng cộng lý thuyết và thực hành: 260 giờ x 120.000đồng = 31.200.000đồng Ngoài ra, ông còn được công ty thuê giám sát thi công xây dựng tại cơ sở 1 và cơ sở 3 của công ty với thời gian 32 ngày x 300.000đồng/ngày = 9.600.000đồng, cộng với khoản tiền xăng đi lại là 4.500.000đồng (tính theo km/giờ mỗi lượt đi 1.000đồng/km) nhưng chưa thanh toán cho ông. Tổng cộng các khoản tiền lương giảng dạy và tiền giám sát thi công là 161.940.000đồng khấu trừ số tiền ông đã tạm ứng 29.000.000đồng nên công ty cổ phần B còn nợ lại ông số tiền 132.940.000đồng đến nay chưa thanh toán, mặc dù ông nhiều lần yêu cầu nhưng công ty vẫn không trả cho ông đã ảnh hưởng đến quyền lợi của ông nên các bên phát sinh tranh chấp. Tòa án cấp sơ thẩm quyết định: Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Buộc bị đơn Công ty cổ phần B có trách nhiệm thanh toán cho nguyên đơn ông Lê Văn L tiền lương 31.920.000đồng và tiền hỗ trợ chi phí di chuyển 3.000.000đồng, tổng cộng: 34.920.000đồng nhưng được khấu trừ số tiền ông L đã nhận 29.000.000đồng. Vì vậy, bị đơn còn phải tiếp tục thanh toán cho nguyên đơn số tiền còn lại 5.920.000đồng. Về thời gian và cách thức thanh toán số tiền trên được giải quyết tại Chi Cục Thi hành án dân sự theo thẩm quyền. Kể từ khi nguyên đơn có đơn yêu cầu thi hành án nếu bị đơn chậm trả số tiền nêu trên thì bị đơn còn phải trả lãi theo mức lãi suất được quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015 tương ứng với số tiền và thời gian chậm trả tại thời điểm thanh toán. Tòa án cấp phúc thẩm quyết định: 1/ Không chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn ông Lê Văn L. 2/ Giữ nguyên bản án sơ thẩm. 3/ Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Buộc bị đơn Công ty Cổ phần B có trách nhiệm thanh toán cho nguyên đơn ông Lê Văn L tiền lương 31.920.000đồng và tiền hỗ trợ chi phí đi lại 3.000.000đồng, tổng cộng: 34.920.000đồng nhưng được khấu trừ số tiền ông L đã nhận 29.000.000đồng. Vì vậy, bị đơn còn phải tiếp tục thanh toán cho nguyên đơn số tiền còn lại 5.920.000đồng (Năm triệu, chín trăm hai mươi nghìn đồng). Về thời gian và cách thức thanh toán số tiền trên được giải quyết tại Chi Cục Thi hành án dân sự theo thẩm quyền. Kể từ khi nguyên đơn có đơn yêu cầu thi hành án nếu bị đơn chậm trả số tiền nêu trên thì bị đơn còn phải trả lãi theo mức lãi suất được quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015 tương ứng với số tiền và thời gian chậm trả tại thời điểm thanh toán. 4 /Về án phí lao động sơ thẩm: Nguyên đơn ông Lê Văn L được miễn án phí lao động sơ thẩm và ông được nhận lại số tiền tạm ứng án phí 3.323.500đồng (Ba triệu, ba trăm hai mươi ba nghìn, năm trăm đồng) mà ông đã nộp tạm ứng theo Biên lai thu tiền số 012033, ngày 26/02/2020 tại Chi cục Thi hành án dân sự quận T. Bị đơn Công ty Cổ phần B phải nộp số tiền 1.596.000đồng (Một triệu, năm trăm chín mươi sáu nghìn đồng) án phí tại Chi Cục Thi hành án dân sự quận T. 5/ Về án phí lao động phúc thẩm: Do thuộc trường hợp được miễn án phí nên ông L không phải chịu án phí. Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án (Ngày 25/01/2021) |
1-9 |
2 |
Bản án số: 01/2023/LĐPT ngày: 31/ 3/2023 của Tòa án nhân dân tỉnh Bắc ninh về việc: “Tranh chấp về tiền lương”
Nội dung: Anh Phạm Hùng C vào làm cho công ty TNHH Logistoics HTNS-Vinafco từ tháng 10/2020, làm được 02 tháng thử việc thì ngày 01/12/2020, anh ký hợp đồng lao động số 0112/2020/HĐLĐ với công ty TNHH Logistics HTNS-Vinafco (sau đây gọi tắt là công ty Vinafco) do ông Kim Jea Hong, chức vụ Tổng giám đốc là người đại diện theo pháp luật. Nội dung hợp đồng: Công ty Vinafco thuê anh là lái xe đầu kéo, công việc cụ thể theo bản mô tả vị trí công việc và thực hiện các nhiệm vụ khác do người quản lý trực tiếp và trưởng bộ phận. Loại hợp đồng: Không xác định thời hạn. Địa điểm làm việc: KCN Yên Phong, xã Yên Trung, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh. Thời gian làm việc: 10 giờ/ngày; làm việc 26 ngày/tháng. Lương cơ bản: 7.000.000đồng/tháng; lương theo doanh thu: 5% tính theo doanh thu của xe tính đến ngày 26 của tháng. Tiền làm thêm giờ: theo quy định của Luật lao động Việt Nam. Hình thức trả lương: Thanh toán tiền mặt hoặc chuyển khoản vào ngày cuối cùng hàng tháng. Chế độ nâng lương: Ngày 25/12 hàng năm, người lao động thỏa thuận mức lương mới với công ty và các bên thống nhất, quyết định, Phép năm và ngày nghỉ lễ: Theo quy định của Luật lao động Việt Nam. Quá trình làm việc anh C luôn thực hiện đúng công việc được giao và không bị xử phạt hay hình thức kỷ luật gì. Nhưng công ty cố tình không sắp xếp việc làm cho người lao động nhằm làm cho người lao động mất phần lớn thu nhập và phải tự viết đơn xin nghỉ việc. Ngày 12/4/2022, anh C viết đơn xin nghỉ việc tại công ty. Sau 45 ngày anh chính thức nghỉ việc tại công ty và làm đơn khiếu nại đến Tổng giám đốc công ty Vinafco. Ngày 14/7/2021, công ty Vinafco ra Quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu số 704/QĐ-TGĐ. Anh không đồng ý với Quyết định nêu trên và khiếu nại lên Thanh tra sở lao động – Thương binh và xã hội tỉnh Bắc Ninh để giải quyết theo thẩm quyền. Ngày 09/11/2021, Sở LĐ-TB&XH đã ban hành Quyết định giải quyết khiếu nại lần 2. Ngày 12/5/2022, phòng LĐ-TB&XH huyện Yên Phong cũng có biên bản giải quyết tranh chấp lao động giữa anh và công ty Vinafco. Tuy nhiên các quyết định đều không giải quyết triệt để yêu cầu của anh. Tòa án cấp sơ thẩm quyết định: Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của anh Phạm Hùng C. Buộc Công ty TNHH Logistics HTNS-Vinafco phải trả cho anh C số tiền làm thêm giờ từ tháng 10/2020 đến tháng 8/2021 là 2.540.192 đồng (Hai triệu năm trăm bốn mươi ngàn một trăm chín hai đồng). Đối với khoản tiền chênh lệch 5% tiền doanh thu hàng tháng, anh C không đưa ra được yêu cầu cụ thể nên không xem xét giải quyết. Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn tuyên về án phí, chi phí tố tụng, nghĩa vụ thi hành án và quyền kháng cáo của các đương sự theo quy định của pháp luật. Tòa án cấp phúc thẩm quyết định: Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của anh Phạm Hùng C. Buộc Công ty TNHH Logistics HTNS-Vinafco phải trả cho anh C số tiền làm thêm giờ từ tháng 10/2020 đến tháng 8/2021 là 2.540.192 đồng (Hai triệu năm trăm bốn mươi ngàn một trăm chín hai đồng). Đối với khoản tiền chênh lệch 5% tiền doanh thu hàng tháng, anh C không đưa ra được yêu cầu cụ thể nên không xem xét giải quyết. Kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật, người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án, các bên không thỏa thuận được lãi suất thì người phải thi hành án phải chịu lãi suất theo khoản 2 Điều 468 BLDS tương ứng với số tiền và thời gian chưa thi hành án. |
10-18 |
3 |
Bản án số: 02/2021/LĐ-PT ngày 15 – 10 – 2021 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng về việc: “Tranh chấp lao động về đòi tiền lương và các khoản trợ cấp”
Nội dung: Vào năm 2018, ông M có ký kết hợp đồng với Công ty TNHH Giáo Dục X với thời hạn từ ngày 01/8/2018 đến ngày 31/5/2019. Đến ngày 17/5/2019 ông M và Công ty TNHH phát triển giáo dục X (gọi tắt là Công ty X) có ký Hợp đồng lao động số 10214/HĐLĐ/X/2019-01, theo hợp đồng thì ông M thực hiện nhiệm vụ giáo viên dạy toán cho trường quốc tế X – Trường đại học Mỹ tại Việt Nam, thời hạn hợp đồng theo năm học, kể từ ngày 15/8/2019 đến ngày 26/5/2020, công việc phải làm: dạy toán cho sinh viên X và cho học sinh CBP, thiết lập môn toán học cho chương trình dạy SAT, mức lương chính (bao gồm trợ cấp tiền thuê nhà) sau khi khấu trừ thuế là 81.375.000VNĐ/tháng. Quá trình làm việc ông FM đã thực hiện đúng công việc được giao nhưng vẫn chưa được trả đủ lương. Cụ thể là lương tháng 11/2019, trả thiếu 15.500.000 đồng, tháng 12/2019 thiếu 7.362.000 đồng, tháng 01/2020 thiếu 18.494.000 đồng, tháng 02/2020 thiếu 35.894.000 đồng, tháng 03/2020 thiếu 41.607.000 đồng, tháng 04/2020 thiếu 75.380.000 đồng, tháng 05/2020 thiếu 80.928.000 đồng. Tổng cộng, lương Công ty X chưa trả đủ là 275.165.000 đồng. Ngoài ra, Công ty chưa thanh toán cho nguyên đơn tiền nghỉ phép hằng năm là 88.285.091 đồng; tiền vé máy bay 27.780.000 đồng. Tổng cộng là 391.230.091 đồng. Tuy nhiên, tại phiên tòa sơ thẩm Đại diện theo ủy quyền của Nguyên đơn rút một phần yêu cầu khởi kiện về tiền lương nghỉ phép hằng năm, chỉ yêu cầu thanh toán cho Nguyên đơn 18 ngày phép chưa nghỉ, tương ứng với số tiền là 66.213.818đồng và giữ nguyên yêu cầu đối với các khoản khác. Như vậy, nguyên đơn yêu cầu bị đơn phải trả tổng số tiền là 369.158.818 đồng. Tòa án cấp sơ thẩm quyết định: 1. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông M đối với Công ty TNHH phát triển giáo dục X. Buộc Công ty TNHH phát triển giáo dục X phải thanh toán số tiền lương còn thiếu theo Hợp đồng lao động với số tiền là 238.377.000đồng(Hai trăm ba mươi tám triệu ba trăm bảy mươi bảy nghìn đồng). Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án đối với khoản tiền trên cho đến khi thi hành án xong thì hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015. 2. Về án phí dân sự sơ thẩm: 2.1. Án phí dân sự sơ thẩm Công ty TNHH phát triển giáo dục X phải chịu là 7.151.310 đồng. 2.2. Án phí dân sự sơ thẩm ông M phải chịu là 833.400 đồng. Trong thời hạn luật định Công ty TNHH phát triển giáo dục X và ông M đều có đơn kháng cáo. – Đơn kháng cáo của Công ty TNHH phát triển giáo dục X đề nghị tòa án không chấp nhận đơn khởi kiện của ông M. Tòa án cấp phúc thẩm quyết định: 1. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông M đối với Công ty TNHH phát triển giáo dục X.V/v yêu cầu Công ty X phải trả tiền lương còn thiếu và thanh toán tiền phép, tiền vé may bay. 2. Về án phí: 2.1. Án phí dân sự sơ thẩm: Ông M phải chịu là 833.400 đồng. 2.2. Án phí dân sự phúc thẩm: Công ty TNHH phát triển giáo dục X không phải chịu án phí phúc thẩm. Trả lại cho công ty X số tiền 300.00 đồng đã nộp tạm ứng án phí theo biên lai thu tiền số 0002893 ngày 19/5/2021 tại Cục thi hành án dân sự T phố Đà Nẵng. |
20-29 |
4 |
Bản án số: 02/2017/LĐ-ST ngày 04-7-2017 của Tòa án nhân dân huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu về việc “Tranh chấp tiền lương”
Nội dung: Ông Nguyễn Văn C, ông Tào Văn T, ông Hoàng Đình T, Ông Quách Công T, Ông Nguyễn Thế T, Bà Tạ Thị L, Bà Trần Thị L, Bà Trần Thị H, Bà Nguyễn Thị Ngọc N, Bà Nguyễn Lê Xuân M và Công ty cổ phần thép Q (Sau đây gọi tắt là Công ty Q) ký các hợp đồng lao động không xác định thời hạn, cụ thể như sau: – Ông Nguyễn Văn C ký hợp đồng số Q01220-2015 ngày 23-4-2015, loại hợp đồng không xác định thời hạn, công việc được giao là nhân viên chăm sóc cây cảnh, với mức lương 4.500.000 đồng (bốn triệu năm trăm nghìn), ngoài mức lương cơ bản thì các khoản thưởng và phụ cấp khác sẽ được tính toán dựa theo tình hình công việc cụ thể hằng tháng được giao. Quá trình thực hiện hợp đồng: Ông C không bị công ty kỷ luật và thực hiện đúng công việc, nhiệm vụ được giao. Ngày 21-10-2016, Ông C ký Phụ lục hợp đồng số Q01220-2016/PLHĐ, với mức lương cơ bản được trả là 4.800.000 đồng/1 tháng. Trước khi mở phiên tòa và cũng như tại phiên tòa sơ thẩm: Ông Nguyễn Văn C, ông Tào Văn T, ông Hoàng Đình T, ông Quách Công T, ông Nguyễn Thế T, Bà Tạ Thị L, bà Trần Thị L, bà Trần Thị H, bà Nguyễn Thị Ngọc N, bà Nguyễn Lê Xuân M, tự nguyện rút một phần yêu cầu khởi kiện buộc Công ty Q thanh toán tiền phụ cấp, tiền làm thêm giờ, tiền lương chờ việc, tiền trợ cấp mất việc. Các nguyên đơn chỉ yêu cầu Công ty Q phải thanh toán tiền lương, dựa trên mức lương cơ bản cuối cùng mà ông bà được hưởng, của tháng 9, tháng 10 năm 2016 và 21 ngày làm việc trong tháng 11 năm 2016. Tòa án cấp sơ thẩm quyết định: Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của ông Nguyễn Văn C, ông Tào Văn T, ông Hoàng Đình T, ông Quách Công T, ông Nguyễn Thế T, bà Tạ Thị L, bà Trần Thị L, bà Trần Thị H, bà Nguyễn Thị Ngọc N, bà Nguyễn Lê Xuân M về việc “Tranh chấp tiền lương” Tuyên bố: Quan hệ lao động giữa ông Nguyễn Văn C, ông Tào Văn T, ông Hoàng Đình T, ông Quách Công T, ông Nguyễn Thế T, bà Tạ Thị L, bà Trần Thị L, bà Trần Thị H, bà Nguyễn Thị Ngọc N, bà Nguyễn Lê Xuân M với Công ty Q chấm dứt kể từ ngày 14 tháng 11 năm 2016. Buộc Công ty cổ phần thép Q phải thanh toán toàn bộ tiền tiền lương tháng 9, tháng 10 năm 2016 và 21 ngày lương làm việc trong tháng 11 năm 2016 cho phía nguyên đơn, với số tiền cụ thể như sau: – Buộc Công ty cổ phần thép Q phải thanh toán cho ông Nguyễn Văn C, số tiền lương chưa trả là 12.877.000 đồng (mười hai triệu tám trăm bảy mươi bảy nghìn); – Buộc Công ty cổ phần thép Q phải thanh toán cho ông Tào Văn T, số tiền lương chưa trả 13.645.000 đồng (mười ba triệu sáu trăm bốn mươi lăm nghìn); – Buộc Công ty cổ phần thép Q phải thanh toán cho ông Hoàng Đình T số tiền lương chưa trả là 14.742.000 đồng (mười bốn triệu bảy trăm bốn mươi hai nghìn); – Buộc Công ty cổ phần thép Q phải thanh toán cho ông Quách Công T, số tiền lương chưa trả là 19.092.000 đồng (mười chín triệu không trăm chín mươi hai nghìn đồng); – Buộc Công ty cổ phần thép Q phải thanh toán cho ông Nguyễn Thế T, số tiền lương chưa trả là 22.781.000 đồng (hai mươi hai triệu bảy trăm tám mươi mốt nghìn); – Buộc Công ty cổ phần thép Q phải thanh toán cho bà Tạ Thị L số tiền lương chưa trả là 10.950.000 đồng (mười triệu chín trăm năm mươi nghìn); – Buộc Công ty cổ phần thép Q phải thanh toán cho bà Trần Thị L, số tiền lương chưa trả là 9.265.000 đồng (chín triệu hai trăm sáu mươi lăm nghìn); – Buộc Công ty cổ phần thép Q phải thanh toán cho bà Trần Thị H, số tiền lương chưa trả là 9.827.000 đồng (chín triệu tám trăm hai mươi bảy nghìn ); – Buộc Công ty cổ phần thép Q phải thanh toán cho bà Nguyễn Thị Ngọc N, số tiền lương chưa trả 15.723.000 đồng (mười lăm triệu bảy trăm hai mươi ba nghìn); – Buộc Công ty cổ phần thép Q phải thanh toán cho bà Nguyễn Lê Xuân M, số tiền lương chưa trả là 23.865.000 đồng (hai mươi ba triệu tám trăm sáu mươi lăm nghìn đồng). Đình chỉ xét xử đối với yêu cầu Công ty Q thanh toán tiền phụ cấp, tiền làm thêm giờ, tiền lương chờ việc, tiền trợ cấp mất việc của ông Nguyễn Văn C, ông Tào Văn T, ôngHoàng Đình T, ông Quách Công T, ông Nguyễn Thế T, bà Tạ Thị L, bà Trần Thị L, bà Trần Thị H, bà Nguyễn Thị Ngọc N, bà Nguyễn Lê Xuân M. |
30-42 |
5 |
Bản án số: 03/2017/LĐ-PT ngày 21-9-2017 của Tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng về việc: “Tranh chấp về tiền lương”
Nội dung: Ngày 01-01-1997, Công ty M đã ký với ông hợp đồng lao động không xác định thời hạn số 16, công việc là Trưởng phòng Kế toán, với mức lương có hệ số 2,26, ông được trả lương mỗi tháng một lần, vào ngày 30 hàng tháng. Từ năm 2003 đến năm 2005, ông làm Giám đốc của Công ty M. Năm 2005, Công ty G sát nhập Công ty M vào và quyết định thành lập Xí nghiệp M. Từ năm 2006 đến năm 2009, Công ty G bổ nhiệm ông làm Giám đốc Xí nghiệp M. Từ năm 2010, ông được điều động làm Phó Phòng Kế hoạch Đầu tư của Công ty G. Trong thời gian làm việc, ông bị kỷ luật lao động với hình thức cảnh cáo và được phân công về làm công nhân tại Xí nghiệp N. Căn cứ Kết luận số 18 ngày 21 tháng 02 năm 2012 của Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, tháng 8-2012, Công ty G, điều động ông về làm Phó Giám đốc Xí nghiệp M, nhiệm vụ cụ thể do Giám đốc xí nghiệp M phân công, hệ số lương của ông được điều chỉnh là 4,99. Trong thời kỳ ông O làm Giám đốc Xí nghiệp M thì việc làm và tiền lương của ông được đảm bảo. Từ tháng 6-2013, ông P được bổ nhiệm làm Giám đốc Xí nghiệp M thì ông bị trù dập, bị bác bỏ các phương án kinh doanh do ông đề xuất, phân công ông phụ trách các bộ phận không có nhân viên, giao địa điểm kinh doanh là địa điểm đã cho thuê kinh doanh trước đó… Tuy vậy, ông vẫn chấp hành, hàng ngày, ông vẫn đến Xí nghiệp làm việc. Với lý do là ông có nhiều khiếu kiện, từ tháng 9 năm 2014, ông không được phân công nhiệm vụ và tham gia các phiên họp của cơ quan, tiền lương không được lĩnh đủ ( năm 2014, ông được ứng 14.000.000đ; năm 2015, ông được ứng 7.000.000đ, từ tháng 01 năm 2016 đến nay, ông chỉ được lĩnh 6.000.000đ). Từ tháng 01-2015 trở về trước, Phòng Tổ chức Hành chính Xí nghiệp M thực hiện chấm công cho các cán bộ chủ chốt trong Xí nghiệp trong đó có ông. Từ tháng 02-2015, Giám đốc Xí nghiệp M đã chỉ đạo thay đổ hình thức chấm công cũ, bằng hình thức giao cho lãnh đạo phụ trách từng bộ phận tự tổ chức chấm công, xác nhận. Tuy là Phó Giám đốc của Xí nghiệp nhưng ông không được tham gia họp, ông không biết, đến phiên hòa giải của Tòa án, ông mới biết việc thay đổi chủ trương đó của ông Linh. Ngay sau đó, ông thực hiện đầy đủ thủ tục chấm công do ông tự lập, xác nhận lãnh đạo phụ trách và gửi cho Tòa án, Công ty G và Xí nghiệp M nhưng riêng Xí nghiệp không nhận. Đến nay, Xí nghiệp M không phê duyệt và không làm thủ tục thanh toán lương cho ông. Theo Đơn khởi kiện ghi ngày 12-12-2016, ông yêu cầu Công ty G phải thanh toán tiền nợ lương cho ông từ tháng 01-2014 đến tháng 11-2016 là 175.452.000 đồng. Ngày 21-3-2017, ông đã có đơn đề nghị thay đổi, rút một phần yêu cầu khởi kiện; ông yêu cầu Công ty G phải thanh toán tiền nợ lương từ tháng 01-2014 đến tháng 11-2016 với số tiền là 133.327.216 đồng và yêu cầu tính lãi chậm thi hành án theo mức lãi suất cơ bản của Ngân hàng nhà nước Việt Nam quy định, kể từ sau khi tuyên án. Tòa án cấp sơ thẩm quyết định: Bản án lao động sơ thẩm số 01/2017/LĐ-ST ngày 14/6/2017 của Tòa án nhân dân quận Đồ Sơn, thành phố Hải Phòng đã chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông A: Buộc Công ty G phải thanh toán cho ông A số tiền nợ lương từ tháng 01 năm 2014 đến tháng 11 năm 2016 là: 128.327.000 đồng (một trăm hai mươi tám triệu, ba trăm hai mươi bảy nghìn đồng). Tòa án cấp phúc thẩm quyết định: Không chấp nhận kháng cáo của Công ty G, sửa Bản án sơ thẩm: 1. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của ông A: Buộc Công ty G phải thanh toán cho ông A số tiền nợ lương từ tháng 01 năm 2014 đến tháng 11 năm 2016 là: 128.327.000 đồng (một trăm hai mươi tám triệu, ba trăm hai mươi bảy nghìn đồng). Sau khi Bản án có hiệu lực pháp luật, kể từ ngày ông A có đơn yêu cầu thi hành án, số tiền mà Công ty G chưa thi hành, hàng tháng, Công ty G còn phải chịu khoản tiền lãi theo lãi suất được quy định tại khoản 2 Điều 357 và khoản 2 Điều 468 của Bộ luật Dân sự, tương ứng với số tiền và thời gian chậm trả tại thời điểm thanh toán. 2. Về án phí: Công ty G phải chịu 3.850.000 đồng (ba triệu, tám trăm năm mươi nghìn đồng) án phí lao động sơ thẩm là. Công ty G đã nộp 300.000đ (ba trăm nghìn đồng) tiền tạm ứng án phí lao động phúc thẩm, theo biên lai thu tiền số 7250 ngày 12/7/2017 tại Chi Cục Thi hành án dân sự quận Đồ Sơn, thành phố Hải Phòng; Công ty G còn phải nộp 3.550.000 đồng (ba triệu năm trăm năm mươi đồng). |
43-49 |
6 |
Bản án số: 04/2022/LĐ-PT ngày 17/5/2022 của Tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng về việc “Tranh chấp thanh toán tiền lương, phụ cấp, BHXH, bảo hiểm y tế”
Nội dung: Dương Thị D vào làm việc tại Công ty TNHH E theo hợp đồng lao động xác định thời hạn 01 năm kể từ ngày 18/10/2019 đến ngày 18/10/2020; chức vụ thư ký buồng phòng, mức lương theo hợp đồng 4.800.000 đồng/tháng; ký hợp đồng với công ty nhưng công ty không giao bản hợp đồng. Ngày 12/02/2020, bộ phận hành chính- nhân sự của công ty có thông báo yêu cầu nhân viên trong công ty thực hiện việc nghỉ phép/nghỉ bù và ngừng việc không lương trong tháng 02/2020, đồng thời công ty sẽ không tham gia Bảo hiểm xã hội trong những ngày nghỉ không lương mặc dù chưa có thỏa thuận bất cứ vấn đề gì có liên quan. Ngày 25/4/2020, D đã gửi đơn yêu cầu hòa giải đến Phòng lao động thương binh và xã hội quận N, tuy nhiên không được giải quyết theo luật định. Tính đến nay, công ty vẫn chưa thanh toán cho tôi lương và phụ cấp tháng 02/2020 mặc dù đã quá thời hạn chi trả theo hợp đồng lao động mà hai bên đã ký kết. Trong thời gian buộc D phải nghỉ việc công ty cũng không đóng các khoản Bảo hiểm xã hội và Bảo hiểm y tế cho D, không thực hiện việc chốt sổ bảo hiểm làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của D. Tòa án cấp sơ thẩm quyết định: Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện về việc thanh toán tiền lương, phụ cấp và đóng Bảo hiểm xã hội của bà Dương Thị D đối với Công ty TNHH E. Tuyên xử: Buộc Công ty TNHH E phải trả cho bà Dương Thị D lương và phụ cấp tháng 02/2020 là 5.600.000 đồng, lương cơ bản vùng tháng 3/2020 là 3.920.000 đồng. Tổng cộng: 9.520.000 đồng; Buộc Công ty TNHH E phải đóng Bảo hiểm xã hội cho bà Dương Thị D vào quỹ Bảo hiểm xã hội của Bảo hiểm xã hội Thành phố Đ tháng 02 tháng 3/2020 theo mức lương 4.200.000 đồng/tháng. Không chấp nhận yêu cầu thanh toán lương tối thiểu vùng các tháng 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10/2020 là 3.920.000 đồng/tháng x 7 tháng = 27.440.000 đồng; Không chấp nhận yêu cầu truy đóng Bảo hiểm xã hội kể từ tháng 4/2020 đến tháng 10/2020. Kể từ ngày người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án, nếu người phải thi hành án chậm thực hiện nghĩa vụ đối với các khoản tiền phải trả, thì hàng tháng còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự cho đến khi thi hành xong tất cả các khoản tiền. Án phí lao động sơ thẩm: Công ty TNHH E phải chịu 776.000 đồng. Án phí lao động sơ thẩm đối với yêu cầu không được chấp nhận: Bà Dương Thị Dinh được miễn không phải chịu. Tòa án cấp phúc thẩm quyết định: I. Không chấp nhận kháng cáo của bà Dương Thị D. II. Giữ nguyên Bản án số 01/2022/LĐ-ST ngày 18/01/2022 của Tòa án nhân dân quận N, thành phố Đ. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện về việc thanh toán tiền lương, phụ cấp và Bảo hiểm xã hội của bà Dương Thị D đối với Công ty TNHH E. 1. Buộc Công ty TNHH E phải trả cho bà Dương Thị D lương và phụ cấp tháng 02/2020 là 5.600.000 đồng, lương cơ bản vùng tháng 3/2020 là 3.920.000 đồng. Tổng cộng số tiền là: 9.520.000 đồng; 2. Buộc Công ty TNHH E phải đóng Bảo hiểm xã hội cho bà Dương Thị D vào quỹ Bảo hiểm xã hội của Bảo hiểm xã hội Thành phố Đ tháng 02 và tháng 3/2020 theo mức lương 4.200.000 đồng/tháng. 3. Không chấp nhận yêu cầu của bà Dương Thị D về thanh toán lương tối thiểu vùng các tháng 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10/2020 là 3.920.000 đồng/tháng x 7 tháng = 27.440.000 đồng; 4. Không chấp nhận yêu cầu của bà Dương Thị D về truy đóng Bảo hiểm xã hội kể từ tháng 4/2020 đến tháng 10/2020. Kể từ ngày người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án, nếu người phải thi hành án chậm thực hiện nghĩa vụ đối với các khoản tiền phải trả, thì hàng tháng còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự cho đến khi thi hành xong tất cả các khoản tiền. 5. Án phí lao động sơ thẩm: Công ty TNHH E phải chịu là 776.000 đồng. Án phí lao động sơ thẩm đối với yêu cầu không được chấp nhận: Bà Dương Thị D được miễn không phải chịu. III. Án phí lao động phúc thẩm: Bà Dương Thị D được miễn không phải chịu. IV. Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án. ——- Xem thêm tại file PDF dưới đây ——– |
50-55 |
LINK PDF: Tổng hợp 15 bản án liên quan đến tranh chấp tiền lương
……………..
99 Nguyễn Hữu Thọ, Quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng
Luật sư tại Huế:
366 Phan Chu Trinh, phường An Cựu, Thành phố Huế, Thừa Thiên Huế
Luật sư tại TP. Hồ Chí Minh:
122 Đinh Bộ Lĩnh, quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh
Luật sư tại Hà Nội:
Tầng 5, số 11 Ngõ 183, phố Đặng Tiến Đông, phường Trung Liệt, quận Đống Đa, Hà Nội
Luật sư tại Nghệ An:
Quốc lộ 1A, Khối 11, phường Quỳnh Xuân, Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An
Luật sư tại Gia Lai:
Số 61 Phạm Văn Đồng, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai
Website: www.fdvn.vn www.fdvnlawfirm.vn www.diendanngheluat.vn www.tuvanphapluatdanang.com
Email: fdvnlawfirm@gmail.com luatsulecao@gmail.com
Điện thoại: 0772 096 999
Fanpage LUẬT SƯ FDVN: https://www.facebook.com/fdvnlawfirm/
Legal Service For Expat: https://www.facebook.com/fdvnlawfirmvietnam/
TỦ SÁCH NGHỀ LUẬT: https://www.facebook.com/SayMeNgheLuat/
DIỄN ĐÀN NGHỀ LUẬT: https://www.facebook.com/groups/saymengheluat/
KÊNH YOUTUBE: https://www.youtube.com/c/luatsufdvn
KÊNH TIKTOK: https://www.tiktok.com/@luatsufdvn
KÊNH TELEGRAM FDVN: https://t.me/luatsufdvn