Feel free to go with the truth

Trang chủ / Án lệ hay tham khao / Tổng hợp 09 bản án áp dụng án lệ số 06/2016/al để giải quyết

Tổng hợp 09 bản án áp dụng án lệ số 06/2016/al để giải quyết

FDVN trân trọng giới thiệu tài liệu “Tổng hợp 09 bản án áp dụng án lệ số 06/2016/AL để giải quyết ” do các Luật sư – Chuyên viên pháp lý của FDVN sưu tầm, tổng hợp.

Tài liệu này phục vụ cho mục đích học tập, nghiên cứu, công tác và được chia sẻ hoàn toàn miễn phí. Chúng tôi phản đối việc sử dụng tài liệu này vào mục đích thương mại và mục đích khác trái pháp luật.

MỤC LỤC

Tổng hợp 09 bản án áp dụng án lệ số 06/2016/al để giải quyết

STT

NỘI DUNG

TRANG

Bản án số 32/2022/DS-ST ngày 14 tháng 9 năm 2022 của Toà án nhân dân thành phố Cần Thơ

Về việc: “ Tranh chấp thừa kế tài sản”

Tóm tắt nội dung vụ việc:

Cha mẹ ruột của các đương sự là ông Trần Bá T1 (chết năm 1983) và bà Nguyễn Kim D (chết năm 1975) có tất cả 08 người con gồm: Trần Thị P, Trần Thị H, Trần Bá P, Trần Bá X, Trần Thị Trang Đ, NLQ1 và NLQ2 (hiện đang ở Mỹ), NLQ3 (hiện đang ở Pháp).

Cha của các đương sự là con duy nhất của cụ ông Trần Văn K (chết 1991) và cụ bà L Thị H1 (chết 1996). Cụ K và cụ H1 có tạo lập được khối tài sản chung là căn nhà cấp 4, có gác lững trên diện tích đất 153m2 (T) thuộc thửa 261, theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 000424 ngày 12/8/1992 do cụ Trần Văn K đứng tên, tọa lạc tại ấp L, thị trấn T, huyện T nay là khu vực L, phường T, quận T, thành phố Cần Thơ, ước tính trị giá tài sản khoảng 04 tỷ đồng.

Cụ K, cụ H1 chết không để lại di chúc nên tài sản là nhà đất nói trên trở thành di sản thừa kế theo pháp luật. Hàng thừa kế thứ nhất của cụ K, cụ H1 là con duy nhất Trần Bá T2 cũng đã chết trước hai cụ (năm 1983) nên các đương sự là cháu nội là những người thuộc diện thừa kế theo pháp luật khối di sản của cụ K, cụ H1. Sau khi ông bà nội chết, các nguyên đơn bà Trần Thị P, Trần Thị H và Trần Thị Trang Đ cùng bị đơn ông Trần Bá P quản lý, sử dụng nhà đất này. Thời gian sau các nguyên đơn có nhu cầu phân chia di sản để anh chị em có điều kiện tách ra sống riêng và có vốn làm ăn nhưng ông P không đồng ý chia. Do đó các nguyên đơn khởi kiện yêu cầu công nhận tài sản nhà đất nói trên là di sản của cụ K, cụ H1, công nhận các nguyên đơn là người thừa kế theo pháp luật của cụ K, cụ H1 và yêu cầu mỗi người được chia 1/8 khối di sản, giá trị mỗi phần ước tính khoảng 500.000.000đ; nếu không thể phân chia hiện vật được thì yêu cầu bán hiện vật để chia.

Bị đơn ông Trần Bá P: vắng mặt trong suốt quá trình tố tụng. Ngày 24/4/2021 ông P ủy quyền tham gia tố tụng cho anh Trần Bá L. Ngày 27/4/2021 Tòa án có lập Biên bản làm việc ghi nhận ý kiến của anh L cho biết sẽ cung cấp ý kiến của bị đơn đối với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Đồng thời anh L cũng nêu ý kiến là muốn hòa giải với phía nguyên đơn, nhưng sau đó anh luôn vắng mặt không tham gia khi Tòa án triệu tập.

Toà án cấp sơ thẩm nhận định:

Ông T2 chết trước cụ K, cụ H1 nên 08 người con của ông T2 là người thừa kế thế vị. Tuy nhiên, trong quá trình tố tụng thì ông Trần Bá X (chết năm 2020), bà Trần Thị P (chết năm 2021) nên vợ, con của ông X; con bà P được thừa kế, thừa kế thế vị kỷ phần của họ theo Điều 651, 652 Bộ luật dân sự. Như vậy, những người hưởng thừa kế sẽ là: bà Trần Thị H; ông Trần Bá P; bà Trần Thị Trang Đ; chị Nguyễn Thị Diễm P hưởng thừa kế thế vị kỷ phần của bà Trần Thị P (chết); đối với ông Trần Bá X (chết) không có di chúc nên vợ, con ông là bà Vương Thị Mỹ L, anh Trần Bá T, chị Trần Thị Kim T thừa hưởng mỗi người bằng nhau; ông NLQ2 (hiện đang ở Mỹ) nhường kỷ phần thừa kế cho bà Trần Thị H được hưởng (BL 90); bà NLQ1 (hiện đang ở Mỹ) và ông NLQ3 (hiện đang ở Pháp), Tòa án đã thực hiện ủy thác tư pháp nhưng không nhận được ý kiến của họ về việc giải quyết vụ án. Do đó, căn cứ Án lệ số 06/2016/Al ngày 06/4/2016 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, thì phần tài sản thừa kế của bà NLQ1 , ông NLQ3 sẽ tạm giao cho người sống trong nước quản lý để sau này giao lại cho những người thừa kế vắng mặt.

Mặc dù việc cấp giấy CNQSDĐ là sau khi cụ K chết, nhưng cũng đã thể hiện việc sử dụng đất của cụ K là hợp pháp nên UBND huyện Thốt Nốt (cũ) mới xét cấp giấy CNQSDĐ cho cụ K. Vì vậy, cần xác định căn nhà và 146,8m2 đất T (diện tích theo đo đạc thực tế) nói trên là di sản sẽ được chia thừa kế cả phần nhà và quyền sử dụng đất cho những người thừa kế.

Hiện bị đơn và gia đình quản lý, sử dụng và được hưởng lợi từ việc khai thác di sản thông qua việc sử dụng mặt bằng để kinh doanh, buôn bán từ đó đến nay nên không xem xét đến công sức gìn giữ di sản, mà di sản sẽ được chia đều cho mỗi kỷ phần. Đồng thời, để ổn định việc làm ăn, kinh doanh buôn bán nên tiếp tục giao cho bị đơn hưởng hiện vật, sở hữu nhà, quyền sử dụng đất nói trên và phải có trách nhiệm thanh toán trả cho các thừa kế khác mỗi kỷ phần là 861.373.187đ; trong đó bà Hồng được hưởng 02 kỷ phần. Riêng đối với kỷ phần của bà NLQ1 , ông NLQ3 sẽ tạm giao cho bị đơn quản lý để sau này giao lại cho các thừa kế vắng mặt khi có yêu cầu. Đồng thời bị đơn được quyền liên hệ với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để làm thủ tục đăng ký cấp quyền sở hữu nhà, quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật.

Toà án cấp sơ thẩm quyết định:

Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của các nguyên đơn.

Chia căn nhà cấp 4, có gác lửng tọa lạc trên diện tích đất 146,8m2 (T) theo Bản trích đo địa chính số 89/TTKTTNMT ngày 17/9/2019 của Trung tâm Kỷ thuật Tài nguyên và Môi trường thành phố Cần Thơ; tại khu vực L, phường T, quận T, thành phố Cần Thơ cho ông Trần Bá P được quyền sở hữu và phải thanh toán trả cho:Bà Trần Thị H số tiền 1.722.746.374đ. (861.373.187đ x 2); Bà Trần Thị Trang Đ số tiền 861.373.187đ; Chị Nguyễn Thị Diễm P số tiền 861.373.187đ; Bà Vương Thị Mỹ L, anh Trần Bá T và chị Trần Thị Kim T số tiền 861.373.187đ.

Tạm giao kỷ phần thừa kế của bà NLQ1 và ông NLQ3 mỗi người với số tiền là 861.373.187đ cho ông Trần Bá P quản lý để giao lại khi các thừa kế này có yêu cầu nhận kỷ phần của họ.

Hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 000424 ngày 12/8/1992 do UBND huyện T cấp cho cụ Trần Văn K, diện tích 153m2 (T) thuộc thửa 261, tọa lạc ấp L, thị trấn T, huyện T, tỉnh Cần Thơ.

Ông Trần Bá P được quyền liên hệ với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để đăng ký cấp quyền sở hữu nhà, quyền sử dụng đất đối với tài sản được chia thừa kế theo quy định pháp luật (kèm theo Bản trích đo địa chính số 89/TTKTTNMT ngày 17/9/2019).

1

Bản án số 16/2021/DSST ngày 10 tháng 11 năm 2021 của Toà án nhân dân tỉnh Tây Ninh

Về việc: “Tranh chấp về thừa kế tài sản”

Tóm tắt nội dung vụ việc:

Cha của bà Lê Thị Minh C là cụ Lê Văn Trung, có 02 người vợ, 11 người con, cụ thể là:

– Cụ Trung chung sống với cụ Đinh Thị Cẩn có 04 người con chung, gồm: Ông Lê Thanh Tòng (chết năm 1947), có vợ là Liêu Thị Thanh (chết cách nay khoảng 03 năm), có 01 người con tên Lê Thanh T3, sống ở Pháp; Ông Lê Văn Tất (chết năm 2008), vợ đã chết, có 01 người con lấy họ mẹ tên Trần Văn P3, sống ở Pháp; Ông Lê Trung Nghĩa không rõ địa chỉ, mất liên lạc từ trước năm 1975 đến nay; Ông Lê Minh Trực (chết năm 1984), vợ là Nguyễn Thị Để (chết), có 02 người con là Lê Thị Hồng H5 và Lê Thị Xuân M.

– Cụ Trung chung sống với cụ Nguyễn Thị Lúa có 06 người con chung, gồm: Ông Lê Hoàng A (chết ngày 23-12-2019), có vợ là bà Hồ Ngọc Liên Hoa (đã chết), có 06 người con, gồm: Chị Lê Hoàng Liên P, anh Lê Hoàng Tâm (đã chết, không có vợ, con), chị Lê Hoàng Liên Th, chị Lê Thị Ngọc Đ, chị Lê Thị Ngọc H1, anh Lê Hoàng D, anh Dũng đã chết vào năm 2020, có vợ là Nguyễn Kim H2, có con là Lê Nguyễn Vy San, chưa thành niên; Ông Lê Văn Mười, chết năm 2003, không có vợ con; Ông Lê Hữu P, sống ở Hà Lan; Ông Lê Thế M sống ở Hà Lan; Bà Lê Thị Minh C; Bà Lê Thị Liên H.

Ngoài ra, cụ Lúa có 01 người con riêng là bà Lê Thị C1 nhưng cụ Trung là người khai sinh và đứng tên cha nên xem như con chung của cụ Trung và cụ Lúa.

Cụ Cẩn chết năm 1936, cụ Trung chết năm 1976, cụ Lúa chết năm 2001, không có di chúc. Cụ Trung và cụ Lúa có tài sản chung, khi còn sống chưa phân chia cho các con, tài sản khi chết để lại là 3.246 m2 đất, tọa lạc tại: Số 39, hẻm 29, đường Lạc Long Quân, khu phố 3, Phường 4, thành phố Tây Ninh, nguồn gốc là nhận chuyển nhượng vào năm 1949, trên đất có ngôi nhà cấp 4 của cụ Lúa.

Do cụ Lúa không biết chữ, bị bệnh già, không còn minh mẫn, ông A sống chung với cụ Lúa nên tự ý đi kê khai, đăng ký đất thành 02 phần: Phần có ngôi nhà để cụ Lúa đứng tên, diện tích 2.112 m2, thửa 168, tờ bản đồ 01, Giấy chứng nhận số vào sổ cấp giấy: 01173/QSDĐ/D6 ngày 29-4-1994; phần không có nhà diện tích 1.134 m2, thửa 217, tờ bản đồ 01, Giấy chứng nhận số vào sổ cấp giấy: 00900/QSDĐ/D6 ngày 29-4-1994, ông A đứng tên.

Việc ông A đi kê khai đăng ký đất gia đình không ai biết, đến năm 2017 anh trai là Lê Thế M về nước, yêu cầu làm thủ tục cho các anh chị em ở Việt Nam đứng tên đất của cha mẹ thì phát hiện ra. Anh chị em thống nhất phần cụ Lúa đứng tên sang lại cho bà Lê Thị Minh C, bà Lê Thị Liên H, ông Lê Hoàng A cùng đứng tên thành Giấy chứng nhận số vào sổ cấp giấy: CS05307 ngày 06- 7-2018, phần ông A đứng tên chờ giải quyết với ông A nhưng ông A cứ hẹn và sau đó bị bệnh nặng, các con ông A không cho gặp nên vào tháng 3 năm 2019 bà Lê Thị Minh C, bà Lê Thị Liên H khởi kiện yêu cầu chia thừa kế. Trong khi Tòa án đang giải quyết vụ án thì ông A và các con ông A đã làm thủ tục sang tên cho 05 người con của ông A thành 05 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Bà C và bà H yêu cầu hủy các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do các con ông A đứng tên, chia thừa kế tài sản của cụ Trung và cụ Lúa theo pháp luật, chia cho bà C và bà H bằng hiện vật.

Bị đơn đồng ý giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên cụ Lúa là di sản của cụ Trung và cụ Lúa. Do đó, chấp nhận chấp nhận chia thừa kế theo yêu cầu của các nguyên đơn.

Riêng phần đất thửa 217 không có nhà, cụ Lúa đã tặng cho ông A từ khi ông A mới kết hôn, ông A sử dụng, kê khai đăng ký, được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng, nộp thuế cho Nhà nước , là tài sản riêng của ông A, không phải là di sản của cụ Trung, cụ Lúa nên không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn.

Toà án cấp sơ thẩm nhận định:

Riêng ông Lê Trung Nghĩa không rõ tung tích Hội đồng xét xử căn cứ Án lệ số: 06/2016/AL, được Hội đồng Thẩm phánTòa án nhân dân tối cao thông qua ngày 06-4-2016 và được công bố theo Quyết định số: 220/QĐ-CA ngày 06- 4-2016, của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, xét xử vắng mặt ông Nghĩa.

Xét thấy, các đương sự kể cả ông A khi còn sống đã thống nhất nguồn gốc đất là của cụ Trung và cụ Lúa, tại phiên tòa chị H1 nại ra rằng nguồn gốc là của riêng cụ Lúa mua sau khi cụ Trung chết nhưng chị H1 không có chứng cứ chứng minh, các đồng thừa kế không chấp nhận.

Xét hồ sơ kê khai đăng ký đất của cụ Lúa và ông A, do Văn phòng Đăng ký đất đai, Chi nhánh thành phố Tây Ninh cung cấp theo yêu cầu của Tòa án, thể hiện: Hồ sơ đăng ký của cụ Lúa chỉ có Đơn xin đăng ký đất cụ Lúa đứng tên, ghi ngày 07-01-1993, diện tích2.112 m2, thửa 168, tờ bản đồ số 01, nguồn gốc đất là mua vào năm 1949, sau này là thửa số 10, tờ bản đồ số 11, diện tích2.456,8 m2, do bà C, bà Hương, ông A đứng tên; Hồ sơ đăng ký của ông A cũng chỉ có Đơn xin đăng ký đất ông A đứng tên, ghi cùng ngày 07-01-1993, diện tích 1.134 m2, thuộc thửa 217, tờ bản đồ số 01, ghi nguồn gốc là cha mẹ cho, ngoài ra không còn giấy tờ nào khác, sau này là 05 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất các con ông A đứng tên, tổng diện tích là 1.492 m2.

Cụ Lúa tặng cho đất cho ông A vào năm 1994, Pháp lệnh Thừa kế năm 1990 có hiệu lực pháp luật, phát sinh quyền thừa kế, tuy cụ Trung chết năm 1976 nhưng theo pháp lệnh thì thời hiệu yêu cầu chia thừa kế được tính từ ngày Pháp lệnh này có hiệu lực, lẽ ra khi ông A kê khai đăng ký thì phải có cụ Lúa và những người con của cụ Trung ký tên chấp nhận cho đăng ký. Vì vậy, phần đất ông A được cụ Lúa tặng cho chỉ có hiệu lực 50% phần cụ Lúa được định đoạt và phần cụ Lúa thừa kế của cụ Trung, phần còn lại phải chia cho các đồng thừa kế khác.

Toà án cấp sơ thẩm quyết định:

Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của bà Lê Thị Minh C, bà Lê Thị Liên H đối với bị đơn ông Lê Hoàng A về việc yêu cầu chia di sản thừa kế của cụ Lê Văn Trung và cụ Nguyễn Thị Lúa đối với diện tích đất 2.436 m2, thửa số 10, tờ bản đồ 11, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số vào sổ cấp giấy: CS05307 ngày 06-7-2018, ông Lê Hoàng A, bà Lê Thị Minh C, bà Lê Thị Liên H đứng tên và phần của cụ Lê Văn Trung trong diện tích đất 1.492 m2, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số vào số cấp giấy: 00900 QSDĐ/D6 ngày 29-4-1994, do ông Lê Hoàng A đứng tên và đã sang tên thành 05 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các con ông Lê Hoàng A, gồm: ChịLê Hoàng Liên P, chị Lê Hoàng Liên Th, chị Lê Thị Ngọc Đ, chị Lê Thị Ngọc H1, anh Lê Hoàng D đứng tên. Đất tọa lạc tại: Số 39, hẻm 29, đường Lạc Long Quân, khu phố 3, Phường 4, thành phố Tây Ninh.

Không chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của bà Lê Thị Minh C, bà Lê Thị Liên H về chia thừa kế đối với phần giá trị tài sản của cụ Lúa trong khối tài sản chung với cụ Trung trong phần đất 1.492 m2 cácconông Lê Hoàng A đứng tên.

9

Bản án số 78/2018/DS-PT ngày 11 tháng 7 năm 2018 của Toà án nhân dân tỉnh Sóc Trăng

Về việc: “ Tranh chấp chia thừa kế quyền sử dụng đấ và tranh chấp công nhận hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất”

Tóm tắt nội dung vụ việc:

Cụ O và cụ Q sống chuhng với nhau có 05 con chung gồm: OQ01, sinh năm 1941, đã chết năm 1968, có 01 người con ruột là N; OQ02, sinh năm 1948, đã chết năm 1972, có 01 người con ruột là NLQ09; NLQ05, sinh năm 1952; OQ03, sinh năm 1958, đã chết năm 1995, có 03 người con ruột là NLQ06, sinh năm 1982, NLQ07, sinh năm 1990 và NLQ08, sinh năm 1994; M, sinh năm 1964.

Ngày 14/11/1993 cụ Q chết, ngày 28/11/2008 cụ O chết. Lúc còn sống cụ O có tạo lập được 03 thửa đất gồm thửa đất số 210 diện tích 13.713m2 (diện tích đo đạc thực tế là 13.659m2), thửa đất số 484 diện tích 9.175m2 (diện tích đo đạc thực tế là 11.611,5m2), thửa đất số 36 diện tích 1.800m2 (diện tích đo đạc thực tế là 2.065,7m2), đều tọa lạc tại ấp C, xã B, huyện A, tỉnh Sóc Trăng và đã được Ủy ban nhân dân huyện A cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vào ngày 29/12/1993, do cụ O đứng tên. Trước đây, cụ O có chuyển nhượng một phần các thửa đất nêu trên cho những hộ khác nhưng chưa làm thủ tục tách giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cụ thể:

Năm 1994, cụ O chuyển nhượng cho vợ chồng ông NLQ01, bà NLQ02 thửa đất số 484 với giá 9,5 chỉ vàng 24k.

Năm 1995, cụ O chuyển nhượng cho ông NLQ27 một phần thửa đất số 210 có diện tích 2.906,4m2 đến năm 1996 ông NLQ27 chuyển nhượng lại cho vợ chồng ông NLQ19, bà NLQ20 và đến ngày 10/9/1996 ông NLQ19, bà NLQ20 chuyển nhượng lại cho vợ chồng bà NLQ10, ông K (đã chết) với giá 1,6 cây vàng 24k.

Năm 2002, cụ O chuyển nhượng cho vợ chồng ông NLQ03, bà NLQ04 một phần thửa đất số 210 có diện tích 4.345,9m2, với giá 35 chỉ vàng 24k.

Việc chuyển nhượng các phần đất nêu trên các bên đều có viết giấy tay. Phần còn lại của thửa đất số 210 có diện tích 6.406,7m2 hiện nay do N đang quản lý, sử dụng.

Đối với thửa đất thổ cư số 36, cụ O có lập tờ di chúc đề ngày 29/4/2006 phân chia như sau: Chia chung cho 03 cháu NLQ06, NLQ07 và NLQ08 diện tích đất chiều ngang (Giáp lộ nhựa) 05m, chiều dài 35m; Chia cho bà M diện tích đất chiều ngang (Giáp lộ nhựa) 06m, chiều dài 35m; Chia cho cháu N diện tích đất chiều ngang (Giáp lộ nhựa) 06m, chiều dài 35m; Phần còn lại là của cụ O có diện tích đất chiều ngang (Giáp lộ nhựa) 05m, chiều dài 65m, cộng với phần đất phía sau hậu, cụ O quyết định để lại cho người thờ cúng cụ O sau này hoặc có thể bán bớt để lấy tiền trị bệnh cho cụ O.

Sau khi cụ O chết, ông N là người giữ bản chính giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của cụ O, bà có yêu cầu ông N giao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để giải quyết chia thừa kế và sang tên cho những người đã nhận chuyển nhượng đất của cụ O trước đây nhưng ông N không đồng ý.

Nay bà M khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết chia thừa kế theo di chúc của cụ O đã để lại đối với thửa đất số 36 nêu trên và chia thừa kế theo pháp luật đối với thửa đất số 210 và thửa đất số 484 nêu trên, bà M yêu cầu được nhận đất.

Bị đơn không đồng ý chia thừa kế theo di chúc đối với phần đất thổ cư ông đang quản lý, sử dụng như yêu cầu khởi kiện của bà M.

Toà án cấp sơ thẩm tuyên:

Bà M được chia thừa kế diện tích đất 1.572,1m2 (Trong đó có 100m2 là đất thổ cư và 1.472,1m2 là đất cây lâu năm) tại thửa đất số 36, tờ bản đồ số 07.

Ông N được chia thừa kế diện tích đất 210m2 và được công nhận quyền sử dụng diện tích đất 117,6m2, tổng cộng là 327,6m2 (Trong đó có 50m2 là đất thổ cư và 277,6m2 là đất cây lâu năm) tại thửa đất số 36, tờ bản đồ số 07.

Bà NLQ06, ông NLQ07 và ông NLQ08 được chia thừa kế diện tích đất 166m2 (Trong đó có 50m2 là đất thổ cư và 116m2 là đất cây lâu năm) tại thửa đất số 36, tờ bản đồ số 07.

Ông NLQ01 và bà NLQ02 được quyền sử dụng diện tích đất nhận chuyển nhượng là 11.611,5m2 (Loại đất trồng lúa), tại thửa số 484, thuộc tờ bản đồ số 07.

Bà NLQ10 và ông K được quyền sử dụng diện tích đất nhận chuyển nhượng là 2.906,4m2 (Loại đất trồng lúa), tại thửa số 210, thuộc tờ bản đồ số 07.

Ông NLQ03 và bà NLQ04 được quyền sử dụng diện tích đất nhận chuyển nhượng là 4.345,9m2 (Loại đất trồng lúa), tại thửa số 210, thuộc tờ bản đồ số 07.

Ông N được quyền sử dụng diện tích đất là 6.406,7m2 (Loại đất trồng lúa), tại thửa số 210, thuộc tờ bản đồ số 07.

Ngày 23/8/2017, nguyên đơn bà M có đơn kháng cáo một phần bản án sơ thẩm nêu trên, yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm giải quyết tuyên bố các hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa cha bà là cụ O với các ông bà NLQ01, NLQ02, NLQ10, K, NLQ03, NLQ04, N là vô hiệu; đồng thời, chia di sản thừa kế theo pháp luật đối với thửa đất số 210 diện tích 13.659m2 và thửa đất số 484 diện tích 11.611,5m2, cùng thuộc tờ bản đồ số 07, tọa lạc tại ấp C, xã B, huyện A, tỉnh Sóc Trăng.

Toà án cấp phúc thẩm nhận định:

Đối với kháng cáo của bà M về việc yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm tuyên bố các hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa cụ O với ông NLQ01, bà NLQ02, bà NLQ10, ông K, ông NLQ03, bà NLQ04, ông N là vô hiệu thì nhận thấy: Trong suốt quá trình giải quyết vụ án đến ngày xét xử sơ thẩm, bà M không có đơn yêu cầu khởi kiện bổ sung về vấn đề này. Do đó, kháng cáo này của bà M là vượt quá phạm vi khởi kiện ban đầu theo Điều 5 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Đồng thời, như đã nhận định ở phần trên thì cụ O là người có quyền sử dụng hợp pháp đối với 03 thửa đất số 210, 484 và 36 nêu trên nên cụ O có quyền chuyển nhượng, tặng cho 03 thửa đất này theo quy định của pháp luật và việc Tòa án cấp sơ thẩm công nhận các hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất này là có căn cứ, đúng pháp luật. Vì vậy, kháng cáo của bà M là không có căn cứ để Hội đồng xét xử chấp nhận.

Về nội dung giải quyết vụ án của Tòa án cấp sơ thẩm là có căn cứ, đúng pháp luật, nhưng tại phần quyết định của án sơ thẩm có thiếu sót khi tuyên “Bà NLQ10 và ông K được quyền sử dụng diện tích đất nhận chuyển nhượng là 2.906,4m2 (Loại đất trồng lúa) tại thửa đất số 210, thuộc tờ bản đồ số 07, tọa lạc tại ấp C, xã B, huyện A, tỉnh Sóc Trăng”, trong khi hiện nay ông K đã chết. Lẽ ra trong trường hợp này Tòa án cấp sơ thẩm phải tuyên cho bà NLQ10 và những người thừa kế khác của ông K (gồm các con của ông K là các ông bà NLQ11, NLQ12, NLQ13, NLQ14, NLQ15, NLQ16, NLQ17, NLQ18) được quyền sử dụng phần đất này thì mới chính xác. Xét thấy, thiếu sót này của Tòa án cấp sơ thẩm chỉ là sai sót nhỏ, không ảnh hưởng đến đường lối xét xử và cũng không cần thiết phải sửa án, cho nên Hội đồng xét xử quyết định điều chỉnh lại về vấn đề này trong phần quyết định của án phúc thẩm cho chính xác.

Toà án cấp phúc thẩm quyết định:

Không chấp nhận đơn kháng cáo của nguyên đơn bà M. Giữ nguyên Bản án sơ thẩm số: 29/2017/DS-ST ngày 11 tháng 8 năm 2017 của Tòa án nhân dân huyện A, tỉnh Sóc Trăng

32

Bản án số 09/2018/DS-ST ngày 07 tháng 11 năm 2018 của Toà án nhân dân huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình

Về việc: “ Tranh chấp về thừa kế tài sản”

Tóm tắt nội dung vụ việc:

Cụ Nguyễn Văn Hồng, sinh năm 1927 kết hôn với cụ Trần Thị Đ 1 có 01 người con chung là bà Nguyễn Thị Đ sinh năm 1949. Năm 1954 cụ Đ 1 chết, cùng năm đó cụ Nguyễn Văn Hồng kết hôn với cụ Trần Thị Đ, sinh năm 1929 và có 07 người con chung gồm: ông Nguyễn Văn H 1, sinh năm 1955; bà Nguyễn Thị H 4, sinh năm 1957; ông Nguyễn Văn H 2, sinh năm 1959; bà Nguyễn Thị H 6, sinh năm 1964; bà Nguyễn Thị H 5, sinh năm 1966; ông Nguyễn Văn H 3, sinh năm 1968 và ông Nguyễn Văn H, sinh năm 1971. Ngoài ra cụ Hồng và cụ Đ không có con riêng hoặc con nuôi nào khác. Quá trình chung sống cụ Hồng và cụ Điểu có tạo lập được khối tài sản chung là một căn nhà xây 03 gian và công trình phụ nằm trên diện tích 933.9 m2 thuộc Khu K, thị trấn H, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình.

Ngày 01 tháng 5 năm 2008 cụ Hồng chết, không để lại di chúc. Tài sản chung của cụ Hồng, cụ Điểu tạo lập trong thời kỳ hôn nhân gồm có: Số tiền được Nhà nước bồi thường là 1.777.258.000đồng (Một tỷ bẩy trăm bẩy mươi bẩy nghìn hai trăm năm mươi tám nghìn đồng) và diện tích đất còn lại tại 02 thửa đất trên là 351,0m2 đất ở. Ngoài ra trên đất còn một số tài sản khác không có giá trị nên không yêu cầu chia và căn nhà hai tầng diện tích sử dụng 168,3m2 được xây dựng năm 2013 hiện đang do cụ Điểu quản lý và sử dụng là do một số con cháu của cụ Điểu đóng góp tiền của vào để xây dựng nhà cho cụ Điểu sau khi cụ Hồng chết nên đây là tài sản riêng của cụ Điểu.

Ông Nguyễn Văn H yêu cầu Tòa án chia di sản thừa kế của cụ Nguyễn Văn Hồng gồm: chia 351 m2 đất còn lại tại 02 thửa đất (20 và 107), tờ bản đồ số 04 và chia số tiền Nhà nước bồi thường là 1.777.258.000đồng và (số tiền lãi suất tính đến ngày 26/10/2018 là 19.361.000đồng tại Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam, Phòng giao dịch thị trấn H, huyện Hưng Hà) theo pháp luật cho các đồng thừa kế. Đề nghị Hội đồng xét xử giao cho cụ Điểu tiếp tục quản lý, sử dụng 02 thửa đất nêu trên và cụ Điểu có trách nhiệm thanh toán bằng tiền cho ông Hải giá trị quyền sử dụng đất, tương ứng với kỷ phần mà ông Hải được hưởng là (351,0m2 : 2 = 175,5m2 x 5.0000.000đồng): 9 = 97.500.000đồng và số tiền (1.777.258.000đồng+ 19.361.000đồng = 1.796.619.000đồng) : 2 = 898.309.000 đồng) : 9= 99.812.000đồng.

Bị đơn xác nhận về quan hệ huyết thống, hàng thừa kế và nguồn gốc tài sản như đại diện của nguyên đơn trình bày là đúng và nhất trí với yêu cầu chia di sản thừa kế của cụ Hồng theo pháp luật, cho các hàng thừa kế thứ nhất mà đại diện của nguyên đơn đã trình bày ở trên. Bị đơn đề nghị chia di sản thừa kế của ông Nguyễn Văn Hồng theo pháp luật và đề nghị được tiếp tục quản lý, sử dụng 02 thửa đất 107, tờ bản đồ số 04 (diện tích 199,4m2 đất ở) và hiện nay còn lại là 92,5m2 và thửa đất 20, tờ bản đồ số 04 (diện tích 409,4m2) diện tích còn lại là 258,5m2. Riêng thửa đất 107, tờ bản đồ số 04 diện tích còn lại là 92,5m2 đất ở, tôi Điểu rất mong muốn được tiếp tục quản lý, sử dụng (sau này khi cụ chết đi) cụ để lại cho các con làm nơi thờ cúng chung. Tôi (Điểu) tự nguyện tháo dỡ 03 gian nhà 54,4m2 khi cơ quan Nhà nước yêu cầu và có trách nhiệm thanh toán chênh lệch bằng tiền giá trị cho các đồng thừa kế.

Toà án cấp sơ thẩm nhận định:

Nhận thấy diện tích 19,5m2 không đủ diện tích tối thiểu được tách thửa đối với đất ở. Vì vậy chấp nhận đề nghị của ông Hải và người đại diện theo ủy quyền cho ông Hải, cần giao cho cụ Trần Thị Đ quản lý, sử dụng diện tích đất là di sản thừa kế của cụ Hồng và buộc cụ Điểu có trách nhiệm thanh toán bằng tiền giá trị quyền sử dụng đất tương ứng với kỷ phần được hưởng cho các đồng thừa kế là phù hợp với quy định của pháp luật.

Xét yêu cầu của bà Đàm, ông Hường, ông Hùng đều không mong muốn chia quyền sử dụng đất tại thửa 107, tờ bản đồ số 04, diện tích còn lại là 92,5m2 đất ở để sở hữu chung và làm nhà thờ cho con, cháu là phù hợp với phong tục tập quán nhưng phải được các đồng thừa kế (cụ Điểu, bà Hưởng, ông Hưng, bà Hằng, ông Hải) cùng nhất trí không chia và để sử dụng chung thì mới phù hợp quy định của pháp luật. Căn cứ Điều 207, 208 của Bộ luật dân sự năm 2015; khoản 2 Điều 98 Luật đất đai năm 2013 và khoản 3 Điều 5 Thông tư số 23/2014/TT – BTN&MT ngày 19 tháng 5 năm 2014. Do vậy, quan điểm của bà Đàm, ông Hường, ông Hùng cùng trình bày là không chia thửa đất 107, diện tích 92,5m2 là không có căn cứ chấp nhận.

Tòa án đã tiến hành Ủy thác thu thập chứng cứ, xác minh theo đúng địa chỉ nguyên đơntrong vụ án cung cấp nhưng vẫn không xác định được địa chỉ của ông Hùng, do vậy giải quyết vụ án theo quy định của pháp luật. Căn cứ Án lệ số 06/2016/AL ngày 06 tháng 4 năm 2016 và được công bố theo Quyết định số 220/QĐ- CA ngày 06 tháng 04 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao có nội dung:Đối với kỷ phần thừa kế của ông Nguyễn Văn H 3 sẽ tạm giao cho ông Nguyễn Văn H 1, sinh năm 1955 (là anh trai ông Hùng) đang sống tại Khu K, thị trấn H, huyện Hưng Hà quản lý, sau này ông Hùng có quyền hưởng thừa kế theo pháp luật.

Toà án cấp sơ thẩm quyết định:

Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Nguyễn Văn H về việc yêu cầu chia di sản thừa kế theo pháp luật đối với di sản thừa kế của cụ Nguyễn Văn Hồng.

46

Bản án số 20/2022/DS-ST ngày 30 tháng 8 năm 2022 của Toà án nhân dân tỉnh Đắk Lắk

Về việc: “Tranh chấp về di sản thừa kế và yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng về tự nguyện thi hành án vô hiệu”

Tóm tắt nội dung vụ việc:

Cha mẹ chúng tôi là ông C (đã chết năm 1969) và bà P1 (đã chết năm 2018) có 07 người con chung và 03 người con riêng (của bà P1). 07 người con chung của ông C và bà P1 bao gồm: B, Tr, Th, N, D, L2, L. 03 người con riêng của bà P1 gồm: X, Đ2, Th1. Bà X đã chết năm 2015, bà Th1 chết năm 2021 còn bà Đ2 chúng tôi đã tìm cách liên hệ nhưng vẫn không tìm được nơi cư trú của bà Đ2.

Tại Bản án số 55/2013/DSPT, ngày 28/8/2013 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Đà Nẵng đã tuyên buộc ông D phải có trách nhiệm hoàn trả lại cho bà P1 số tiền tổng cộng là 2.678.571.000 đồng. Tại thời điểm Bản án trên có hiệu lực pháp luật, tôi có làm đơn yêu cầu thi hành án, sau đó, tôi có đơn xin rút yêu cầu thi hành án, do đó, Cục THADS tỉnh Đắk Lắk đã ra Quyết định đình chỉ thi hành án và hiện nay chưa thi hành đối với khoản tiền này.

Tôi xác định từ đó đến nay ông D chưa giao trả số tiền trên cho bà P1, và chưa thi hành án đối với phần tài sản của bà P1 theo bản án trên. Năm 2018 bà P1 chết có để lại di chúc nhưng đã bị Tòa án tuyên bố vô hiệu vì vi phạm hình thức, đó là tài sản của bà P1 số tiền 2.678.571.000 đồng. Do đó, nay tôi yêu cầu chia di sản của bà P1 là số tiền 2.678.571.000 đồng.

Do đó nay tôi khởi kiện đề nghị Tòa án giải quyết: Chia di sản của bà P1 theo Bản án số 55/2013/DSPT, ngày 28/8/2013 của Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại Đà Nẵng đã tuyên buộc ông D phải có trách nhiệm hoàn trả lại cho bà P1số tiền tổng cộng là 2.678.571.000 đồng.

Hủy Văn bản thỏa thuận về việc tự nguyện thi hành theo nội dung bản án ngày 11/3/2014, do Văn phòng Công chứng Đ công chứng số số 01581, quyển số 03/CC SCC/HĐGD, ngày 11/3/2014.

Bị đơn không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà N, đề nghị Tòa án bác toàn bộ nội dung đơn khởi kiện của bà N.

Toà án cấp sơ thẩm nhận định:

Đối với sự vắng mặt của ông B, Tòa án đã thực hiện ủy thác tư pháp và đã có văn bản đề nghị Bộ tư pháp thông báo về việc thực hiện tống đạt văn bản tố tụng của Tòa án cho ông B theo quy định tại khoản 4 Điều 477 của Bộ luật tố tụng dân sự; Tuy nhiên không nhận được thông báo của Bộ tư pháp; do đó Tòa án xét xử vắng mặt ông B theo quy định tại điểm c khoản 5 Điều 477 của Bộ luật tố tụng dân sự. Đối với sự vắng mặt của bà Đ2, do không thể thu thập được địa chỉ nơi cư trú của bà Đ2 ở nước ngoài nên Tòa án vẫn tiến hành xét xử vắng mặt bà Đ2 theo Án lệ số 06/2016/AL.

Qua các tài liệu chứng cứ xét thấy, Văn bản thỏa thuận bị vô hiệu vì căn cứ để thực hiện thỏa thuận không đúng quy định pháp luật tại điểm c khoản 1 Điều 117 và Điều 123 Bộ luật dân sự.

Xét đối với khoản tiền 2,5 tỷ đồng, ông D cho rằng đã được thanh toán bằng Văn bản thỏa thuận nên bản án đã thi hành xong. Tuy nhiên, như đã nhận định ở phần [2.3], văn bản thỏa thuận bị vô hiệu và ông D cũng không cung cấp được chứng cứ chứng minh việc ông D đã giao số tiền trên cho ông Đ1, bà P. Tại phiên tòa, ông Đ1, bà P cũng xác nhận chưa nhận được khoản tiền 2,5 tý đồng như ông D trình bày.

Qua xác minh tại Cục THADS tỉnh Đắk Lắk không thể hiện việc ông D đã thanh toán khoản tiền này cho bà P1; việc đình chỉ thi hành án đối với Bản án số 55/2013/DSPT, ngày 28/8/2013 của Tòa phúc thẩm TANDTC tại Đà Nẵng, là do bà N (đại diện theo ủy quyền của bà P1 lúc đó) tự nguyện rút đơn yêu cầu thi hành án. Do đó, trình bày này của ông D là không có căn cứ.

Toà án cấp sơ thẩm quyết định:

Chấp nhận toàn bộ nội dung yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn bà N.

Tuyên Văn bản thỏa thuận về việc tự nguyện thi hành theo nội dung bản án ngày 11/3/2014, do Văn phòng Công chứng Đ công chứng số số 01581, quyển số 03/CC SCC/HĐGD ngày 11/3/2014 vô hiệu.

Chia di sản thừa kế của bà P1 là phần tài sản chưa thi hành án của ông D theo Bản án số 55/2013/DSPT, ngày 28/8/2013 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Đà Nẵng, số tiền tổng cộng là 2.678.571.000 đồng, thành 10 kỷ phần: Ông B, ông Tr, bà Th, bà N, bà L2, bà L, bà Đ2 và bà Th1 mỗi người số tiền là 267.857.000 đồng; Đối với kỷ phần của bà Đ2, ông B, ông Tr sẽ tạm giao cho bà N quản lý. Nếu sau này bà Đ2, ông B, ông Tr có yêu cầu sẽ giải quyết thành vụ kiện khác; Đối với kỷ phần của bà Th1 do ông T, bà L1, bà A, ông D1 cùng nhận; Ông H3, bà H, bà H1 và bà H2 mỗi người số tiền là 66.964.000 đồng.

63

Bản án số 33/2021/DS-ST ngày 12 tháng 11 năm 2021 của Toà án nhân dân quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng

Về việc: “Chia di sản thừa kế theo pháp luật và chia tài sản chung”

Tóm tắt nội dung vụ việc:

Cha tôi là ông Ngô M (O), (sinh năm 1928, chết năm 1975) và mẹ là bà Đặng Thị L (Đặng Thị M C), (sinh năm 1929, chết năm 2011). Cha mẹ tôi sinh được 07 người con gồm: Ngô Thị Y, Ngô M T1, Ngô Thị M Y, Ngô M Đ, Ngô Thị M H, Ngô M T (Ngô M D) và tôi – Ngô R. Ông bà nội, ngoại của chúng tôi đều đã chết trước cha, mẹ tôi. Ngoài 07 anh chị em chúng tôi thì cha mẹ tôi không còn có người thừa kế nào khác.

Sinh thời, cha mẹ tôi có tạo lập được ngôi nhà và đất tại phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng. Quá trình quản lý sử dụng thửa đất cha mẹ tôi đã cho ông Ngô M T một phần diện tích đất làm nhà ở nhưng sau đó ông T đã chuyển nhượng phần đất này cho người khác. Phần diện tích đất còn lại 326,1m2 thuộc thửa đất số 10, tờ bản đồ số 35 đã được UBND TP. Đà Nẵng thu hồi theo Quyết định số 353/QĐ-UBND ngày 13/12/2010 để thực hiện dự án Khu dân cư làng cá Nại Hiên Đ. Đồng thời, Nhà nước đã bố trí lại cho gia đình tôi 02 Lô đất tái định cư đường 10,5m và đường 5,5m tại Khu dân cư Làng cá Nại Hiên Đ theo Quyết định số 7029/QĐ- UBND ngày 15/8/2011. Sau đó, anh em chúng tôi thống nhất giao cho ông Ngô M Đ lô đất đường 10,5m để làm nhà ở; lô đất đường 5,5m còn lại thuộc sở hữu chung của 07 anh chị em chúng tôi.

Sau khi nhận lô đất nói trên, ông Ngô M T đã che chắn một ngôi nhà trên lô đất này và ở tạm từ đó cho đến nay. Anh chị em chúng tôi đã nhiều lần bàn bạc phân chia đối với khối di sản này nhưng ông T luôn ngăn cản, không chịu phân chia lô đất nói trên. Ngày 20/01/2021, tại UBND phường N chúng tôi đã lập Văn bản thỏa thuận cử ông Ngô M T làm người đại diện đứng tên trên giấy chứng nhận QSD đất đối với lô đất nêu trên.

Tuy nhiên, lợi dụng việc đại diện đứng tên lô đất này, ông T đã âm thầm làm các thủ tục nhằm chiếm giữ tài sản mà không phân chia theo quy định.

Do vậy, nay tôi làm đơn khởi kiện này yêu cầu TAND quận S giải quyết phân chia khối di sản thừa kế là Lô đất số 63 Khu A3 đường 5,5m có diện tích 90m2 tại Khu dân cư làng cá N (địa chỉ hiện nay là Số 278 Bùi Huy B, tổ 36, phường N quận S, TP. Đà Nẵng) làm 07 kỹ phần cho các ông bà: Ngô R, Ngô M T (Ngô M D), Ngô M T1, Ngô M Đ, Ngô Thị Y, Ngô Thị M H và Ngô Thị M Y.

Vào ngày 15/4/2021, tôi đã thối trả cho các anh chị em mỗi người 200.000.000 đồng nhưng do tôi khó khăn nên các anh chị em thống nhất chỉ nhận 150.000.000 đồng và các anh chị em đã giao toàn quyền cho tôi định đoạt lô đất trên. Riêng ông Ngô R không đồng ý nên khởi kiện yêu cầu được chia theo pháp luật.

Ngoài ra bị đơn có yêu cầu xem xét công sức đóng góp nhưng không có yêu cầu phản tố.

Toà án cấp sơ thẩm nhận định:

Xét về hàng thừa kế: Các đương sự đều xác nhận vợ chồng cụ Ngô M (O), (sinh năm 1928 – chết năm 1975) và cụ Đặng Thị L (Đặng Thị M C), (sinh năm 1929 – chết năm 2011). Cụ M và cụ L có 07 người con gồm các ông, bà: Ngô R, Ngô Thị Y, Ngô M T1, Ngô Thị M Y, Ngô M Đ, Ngô Thị M H và Ngô M T (D). Cụ M và cụ L không có con riêng hay con nuôi nào khác. Cha mẹ ruột của cụ M và cụ Lđều đã chết. Cụ M và cụ L không phải thực hiện nghĩa vụ tài sản nào. Không ai tranh chấp về diện và hàng thừa kế nên căn cứ vào điểm a khoản 1 Điều 651 Bộ luật dân sự 2015 xác định những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất và được hưởng tài sản của Cụ M và di sản của cụ L gồm các ông, bà: Ngô R, Ngô Thị Y, Ngô M T1, Ngô Thị M Y, Ngô M Đ, Ngô Thị M H và Ngô M T (D).

Tài sản mà các bên yêu cầu Toà chia là lô đất phụ đường 5.5m có số hiệu 63, khu A3 – khu dân cư làng cá N số 278 Bùi Huy B, tổ 36, phường N quận S, thành phố ĐN. Theo chứng thư thẩm định thì gia trị quyền sử dụng đất à 3.636.000.000 đồng; giá trị công trình xây dưng là: 44.280.000 đồng. Do đó ông R chỉ yêu cầu chỉ yêu cầu di sản thừa kế và tài sản chung là giá trị Quyền sử dụng đất. Như vậy giá trị đất để chia: 3.636.000.000 đồng.

Trong quá trình giải quyết vụ án, ông T (D) có yêu cầu đề nghị xem xét công sức đóng góp, bảo tồn tài sản thì thấy: Lô đất trên có nguồn gốc do UBND thành phố Đà Nẵng đền bù từ việc giải toả đất của cụ M và cụ Lvào năm 2012. Vào ngày 20/01/2021, theo thỏa thuận của các đồng thừa kế, đã lập Văn bản thỏa thuận cử ông Ngô M T (D) thay mặt các đồng thừa kế thực hiện các thủ tục với nhà nước để được cấp giấy chứng nhận và làm người đại diện đứng tên trên giấy chứng nhận QSD đất đối với lô đất nêu trên. Như vậy theo quy định tại án lệ số 06/2016/AL được Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thông qua ngày 06/4 2016, thì ông T cũng có công sức trong việc bảo quản, giữ gìn làm tăng giá trị đất. Vì vậy, căn cứ theo Điều 658 BLDS, cần trích cho ông T 5% giá trị lô đất tương đương số tiền: 181.800.000 đồng.

Đối với yêu cầu của ông T trích lại 50.000.000 đồng để lo hương khói cho ông bà thì thấy: Tại phiên tòa hôm nay, ông T xác định việc đề nghị trích lại 50.000.000 đồng để lo hương khói cho ông bà chỉ là Y định của ông, thực tế số tiền này chưa chi. Do đó, yêu cầu này của ông không được chấp nhận.

Toà án cấp sơ thẩm quyết định:

Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Ngô R đối với ông Ngô M T về việc yêu cầu: “Chia di sản thừa kế theo pháp luật và chia tài sản chung” của cụ Ngô M và cụ Đặng Thị L.

76

Bản án số 48/2017/DS-ST ngày 14 tháng 8 năm 2017 của Toà án nhân dân quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng

Về việc: “Tranh chấp thừa kế”

Tóm tắt nội dung vụ việc:

Cha ông là cụ Huỳnh Ch đã chết năm 1995, khi chết không để lại di chúc và mẹ ông là cụ Trần Thị H đã chết năm 1992, khi chết không để lại di chúc. Cha mẹ ông có 09 người con chung là các ông bà: Huỳnh A, Huỳnh H, Huỳnh C, Huỳnh T, Huỳnh M, Huỳnh Q, Huỳnh Thị A, Huỳnh Thị M và Huỳnh Thị K. Ngoài ra, cha ông còn có 04 người con riêng là các ông bà: Huỳnh Thị Tr, Huỳnh Thị H, Huỳnh Th, Huỳnh Thị C.

Ngoài những người con này, cha mẹ ông không còn ai thuộc hàng thừa kế thứ nhất. Trong số những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất này, có ông Huỳnh C hiện còn sống nhưng ở đâu không rõ. Nơi cư trú cuối cùng của ông C là 01, Đường C , quận Hải Châu, Thành phố Đà Nẵng.

Di sản do cha mẹ ông để lại là nhà đất tại 01 Đường C, quận Hải Châu, Thành phố Đà Nẵng. Ngôi nhà này hiện chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở và tài sản khác gắn liền với đất nhưng đã được cấp có thẩm quyền xác nhận.

Hiện ngôi nhà không có ai ở. Ông Huỳnh H xác định di sản do cha mẹ ông để lại có giá trị là 2.500.000.000đ ( Hai tỉ năm trăm triệu đồng ). Ông yêu cầu được nhận một kỷ phần thừa kế. Giao cho ông Huỳnh M sở hữu, sử dụng toàn bộ nhà và đất là di sản của cha mẹ, ông M có trách nhiệm thối trả lại cho ông số tiền tương ứng với giá trị kỷ phần là 235.000.000đ ( Hai trăm ba mươi lăm triệu đồng ). Đồng thời ông đề nghị giao cho ông quản lý kỷ phần thừa kế của ông Huỳnh C được hưởng.

Bị đơn hoàn toàn thống nhất với lời trình bày của ông Huỳnh H về thời điểm cha mẹ ông chết mà không để lại di chúc. Bị đơn cũng thống nhất về hàng thừa kế thứ nhất của cha mẹ ông như ông Huỳnh H trình bày. Bị đơn xác định ngoài những người con này cha mẹ ông không còn ai thuộc hàng thừa kế thứ nhất.

Bị đơn có nguyện vọng được sở hữu và sử dụng nhà đất do cha mẹ để lại để thờ phụng cha mẹ. Bị đơn sẽ thối trả cho các ông bà Huỳnh A, Huỳnh H, Huỳnh C, Huỳnh T, Huỳnh Q, Huỳnh Thị A, Huỳnh Thị M, Huỳnh Thị K là những người anh chị em cùng cha cùng mẹ với ông một kỷ phần thừa kế tương ứng với số tiền 235.000.000đ ( Hai trăm ba mươi lăm triệu đồng ). Đối với những người con riêng của cha ông là các ông bà Huỳnh Thị Tr, Huỳnh Thị H, Huỳnh Th, Huỳnh Thị C ông sẽ thối trả lại cho họ một kỷ phần thừa kế tương ứng với số tiền 96.000.000đ ( Chín mươi sáu triệu đồng). Đối với ông Huỳnh C, hiện còn sống nhưng ở đâu không rõ, bị đơn đồng ý để ông Huỳnh H quản lý kỷ phần thừa kế tương ứng với số tiền 235.000.000đ mà ông C được hưởng.

Toà án cấp sơ thẩm nhận định:

Đối với ông Huỳnh C, mặc dù Tòa án đã thực hiện việc thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng theo khoản 4 điều 173 nhưng ông Huỳnh C vẫn vắng mặt. Xét thấy việc ông M đồng ý thối trả lại cho ông C một kỷ phần thừa kế tương ứng với số tiền 235.000.000đ ( Hai trăm ba mươi lăm triệu đồng ) là có lợi cho ông C. Do đó Hội đồng xét xử xét thấy cần chấp nhận. Do ông C hiện sinh sống ở đâu không rõ, các đương sự có mặt tại phiên tòa đều thống nhất giao cho ông Huỳnh H quản lý số tiền này nên xét thấy cần áp dụng án lệ số 06/2016/AL được Tòa án nhân dân tối cao thông qua ngày 06 tháng 4 năm 2016 và được công bố theo quyết định số 220/QĐ-CA ngày 06 tháng 4 năm 2016 của Tòa án nhân dân tối cao để giao cho ông Huỳnh H quản lý số tiền 235.000.000đ ( Hai trăm ba mươi lăm triệu đồng ) tương ứng với một kỷ phần thừa kế mà ông C được hưởng.

Trong quá trình tiến hành tố tụng cũng như tại phiên tòa, đương sự có mặt tại phiên tòa thỏa thuận giao cho ông Huỳnh M sở hữu và sử dụng nhà đất tại địa chỉ 01 Đường C, quận Hải Châu, Thành phố Đà Nẵng. Ông M có trách nhiệm thối trả cho Huỳnh A, Huỳnh H, Huỳnh C, Huỳnh T, Huỳnh Q, Huỳnh Thị A, Huỳnh Thị M, Huỳnh Thị K mỗi người số tiền 235.000.000đ ( Hai trăm ba mươi lăm triệu đồng ), thối trả lại cho Huỳnh Thị Tr, Huỳnh Thị H, Huỳnh Th, Huỳnh Thị C mỗi người số tiền 96.000.000đ (Chín mươi sáu triệu đồng ). Xét thấy thỏa thuận này của các đương sự có mặt tại phiên tòa là không trái với pháp luật, không trái đạo đức xã hội nên cần chấp nhận ý kiến thỏa thuận này của họ.

Toà án cấp sơ thẩm quyết định:

Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Huỳnh H đối với ông Huỳnh M về việc yêu cầu chia thừa kế.

96

Bản án số 87/2018/DS-ST ngày 29 tháng 11 năm 2018 của Toà án nhân dân TP. Đà Nẵng

Về việc: “ Tranh chấp về thừa kế tài sản”

Tóm tắt nội dung vụ việc:

Trước đây, vợ chồng bà Huỳnh Thị N và ông Lê Văn T cùng tạo lập được một căn nhà tại khu A, phường N, quận S, thành phố Đà Nẵng. Đến năm 2012, Nhà nước giải tỏa nhà đất của vợ chồng ông, bà và bố trí cho mua lại hai lô đất tái định cư, gồm: Lô thứ nhất là, lô 03 khu B1 tại địa chỉ đường T, khu dân cư A, phường N, quận S, thành phố Đà Nẵng; thuộc thửa đất số 127, tờ bản đồ 41, diện tích 100m2, có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, do Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Đà Nẵng, cấp ngày 02-10-2017 cho bà Huỳnh Thị N và ông Lê Văn T. Lô thứ hai là, lô B2.5-43 tại địa chỉ đường H, khu dân cư A, phường N, quận S, thành phố Đà Nẵng; thuộc thửa đất số 43, tờ bản đồ B2.5, diện tích 80m2, có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, do Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Đà Nẵng, cấp ngày 05-01-2016 cho bà Huỳnh Thị N và ông Lê Văn T.

Ngày 09 tháng 01 năm 1994, ông Lê Văn T chết không để lại di chúc. Ông T không có con nuôi, con riêng và cha mẹ nuôi; còn cha mẹ đẻ của ông T là Lê Văn H bà Đỗ Thị Y đều đã chết. Vợ chồng ông Lê Văn T và bà Huỳnh Thị N sinh được tám người con là các ông, bà Lê Thị K, Lê Văn L, Lê Văn B, Lê Văn H, Lê Văn C, Lê Văn C1, Lê Thị H và Lê Thị C.

Hiện tại con trai là ông Lê Văn H đang quản lý tài, sử dụng sản của vợ chồng ông T và bà N là hai lô đất nói trên, nên bà N yêu cầu chia di sản thừa kế của ông Lê Văn T theo pháp luật.

Bị đơn thống nhất với nguyên đơn về di sản thừa kế và hàng thừa kế. Bị đơn có nguyện vọng được nhận cả hai lô đất là tài sản chung của ông T và bà N nói trên và thối trả kỷ phần thừa kế tính thành tiền cho những người thừa kế còn lại, cũng như thối trả giá trị tính thành tiền phần tài sản chung của bà N có trong hai lô đất với ông T. Còn kỷ phần thừa kế của ông Lê Văn L, ông Lê Văn B, ông Lê Văn C và ông Lê Văn C1 thì ông đề nghị Tòa án tạm giao cho bị đơn được quản lý, khi nào biết tin tức của những người này thì bị đơn sẽ giao trả cho họ theo quy định của pháp luật.

Toà án cấp sơ thẩm nhận định:

Sau khi thụ lý vụ án, Tòa án đã ủy thác tư pháp về dân sự cho Cơ quan có thẩm quyền của Hoa Kỳ để tống đạt Thông báo về việc thụ lý vụ án, ngày mở phiên họp, phiên tòa của Tòa án cho người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là ông Lê Văn L, ông Lê Văn B, ông Lê Văn C và ông Lê Văn C1; cùng cư trú tại địa chỉ Saint Kitts Ct San Jose, CA, USA (Hoa Kỳ). Tuy nhiên, sau đó Cơ quan có thẩm quyền của Hoa Kỳ là ABC Legal đã không giao được Thông báo về việc thụ lý vụ án, ngày mở phiên họp, phiên tòa của Tòa án cho các đương sự nói trên do họ không cư trú tại địa chỉ mà Tòa án cung cấp. Vụ án dân sự tranh chấp về thừa kế tài sản có người thuộc diện thừa kế ở nước ngoài, Tòa án đã thực hiện ủy thác tư pháp theo đúng quy định của pháp luật nhưng vẫn không xác định được địa chỉ của những người thuộc diện thừa kế ở nước ngoài và Tòa án đã xác định được di sản thừa kế, diện hàng thừa kế và người để lại di sản thừa kế không có di chúc, nên Tòa án vẫn giải quyết yêu cầu của nguyên đơn về chia thừa kế theo quy định của pháp luật; phần tài sản thừa kế của những người vắng mặt do không xác định được địa chỉ sẽ tạm giao cho những người sống trong nước quản lý để sau này giao lại cho những thừa kế vắng mặt, theo quy định tại Án lệ số 06/2016/AL được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thông qua ngày 06 tháng 4 năm 2016 và được công bố theo Quyết định 220/QĐ-CA ngày 06 tháng 4 năm 2016 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.

Trong quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa, tất cả các đương sự đều thống nhất là giao toàn bộ tài sản là hai lô đất tại địa chỉ lô 03 khu B1, đường T và lô B2.5-43, đường H, phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng của ông T và bà N cho ông Lê Văn H sở hữu, sử dụng; ông H có nghĩa vụ thối trả giá trị tài sản tính thành tiền cho những người thừa kế con lại; đồng thời giao cho ông H quản lý phần di sản tính thành tiền chia cho ông Lê Văn L, ông Lê Văn B, ông Lê Văn C và ông Lê Văn C1. Xét đây là sự tự nguyện thỏa thuận của các đương sự và sự thỏa thuận này là phù hợp với quy định của pháp luật nên cần được chấp nhận.

Do giao di sản thừa kế bằng hiện vật của ông Lê Văn T và tài sản của bà Huỳnh Thị N cho ông Lê Văn H nên ông H có nghĩa vụ thanh toán thối trả cho bà Lê Thị K, bà Lê Thị H, bà Lê Thị C, ông Lê Văn L, ông Lê Văn B, ông Lê Văn C và ông Lê Văn C1 mỗi người 357.616.666 đồng và ông H có nghĩa vụ thanh toán thối trả cho bà Huỳnh Thị N số tiền 3.576.166.666 đồng.

Toà án cấp sơ thẩm quyết định:

Chấp nhận yêu cầu khởi kiện tranh chấp về thừa kế tài sản của bà Huỳnh Thị N đối với ông Lê Văn H.

Chia di sản thừa kế của ông Lê Văn T cho bà Huỳnh Thị N, bà Lê Thị K, ông Lê Văn L, ông Lê Văn B, ông Lê Văn H, ông Lê Văn C, ông Lê Văn C1, bà Lê Thị H và bà Lê Thị C, mỗi người được hưởng số tiền 357.616.666 đồng (Ba trăm năm mươi bảy triệu, sáu trăm mười sáu ngàn, sáu trăm sáu mươi sáu đồng).

Buộc ông Lê Văn H phải thanh toán cho bà Lê Thị K, bà Lê Thị H và bà Lê Thị C mỗi người 357.616.666 đồng (Ba trăm năm mươi bảy triệu, sáu trăm mười sáu ngàn, sáu trăm sáu mươi sáu đồng).

Buộc ông Lê Văn H phải thanh toán cho bà Huỳnh Thị N số tiền 3.576.166.666 đồng (Ba tỷ, năm trăm bảy mươi sáu triệu, một trăm sáu mươi sáu ngàn, sáu trăm sáu mươi sáu đồng).

Tạm giao cho ông Lê Văn H quản lý phần di sản chia cho người thừa kế vắng mặt là ông Lê Văn L, ông Lê Văn B, ông Lê Văn C và ông Lê Văn C1, với tổng số tiền của bốn người này là 1.430.466.664 đồng (Một tỷ, bốn trăm ba mươi triệu, bốn trăm sáu mươi sáu ngàn, sáu trăm sáu mươi bốn đồng). Ông Lê Văn H có nghĩa vụ giao lại tiền cho người thừa kế vắng mặt theo quy định của pháp luật khi có yêu cầu.

Giao cho ông Lê Văn H được sở hữu, sử dụng các tài sản sau: Nhà và đất lô 03 khu B1 tại địa chỉ đường T, khu dân cư A, phường N, quận S, thành phố Đà Nẵng; thuộc thửa đất số 127, tờ bản đồ 41, diện tích 100m2, có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, do Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Đà Nẵng, cấp ngày 02-10-2017 cho bà Huỳnh Thị N và ông Lê Văn T; Lô đất B2.5-43 tại địa chỉ đường H, khu dân cư A, phường N, quận S, thành phố Đà Nẵng; thuộc thửa đất số 43, tờ bản đồ B2.5, diện tích 80m2, có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, do Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Đà Nẵng, cấp ngày 05-01-2016 cho bà Huỳnh Thị N và ông Lê Văn T.

103

Bản án số 17/2023/DS-ST ngày 27 tháng 3 năm 2023 của Toà án nhân dân quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng

Về việc: “ Tranh chấp thừa kế”

Tóm tắt nội dung vụ việc:

Cha mẹ nguyên đơn là ông Nguyễn Tăng Th và bà Huỳnh Thị Th là chủ hữu đối với nhà và đất tại thửa số xx, tờ bản đồ số yy tại địa chỉ số X đường H, phường B, quận H, TP. ĐN nay là số XI đường H, phường B quận H, TP. Đà Nẵng được UBND TP.Đà Nẵng cấp GCN quyền sở hữu nhà ở và quyền sử đất ở số 34011014xx ngày 20/4/2001.

Năm 2005, ông Th chết; năm 2015 bà Th chết, trước khi chết cha mẹ bị đơn không đẻ lại di chúc. Cha mẹ ông N có 6 người con chung gồm: Nguyễn Tăng N; Nguyễn Thị B; Nguyễn Thị sáu; Nguyễn Thị Hoàng M; Nguyễn Thị Thanh T.

Ông N có yêu cầu phân chia di sản của ông Th và bà Th theo quy định pháp luật. Bên cạnh đó, ông N là con trai nên có trách nhiệm thờ tự ông bà nên xin nhận được di sản và có nghĩa vụ thối trả các đồng thừa kế theo kỷ phần tương ứng. Riêng ông M và bà M hiện nay mất tích nên nguyên đơn đề nghị được giữ số tiền của hai đồng thừa kế trên, sau này ông M và bà M trở về thì nguyên đơn có nghĩa vụ trả cho ông M, bà M theo đúng quy định pháp luật.

Bị đơn thống nhất với ý kiến của ông N về di sản thừa kế số XI đường H, phường B, quận H, TP. Đà Nẵng, thống nhất về mối quan hệ giữa các đồng thừa kế, hàng thừa kế như ông N trình bày. Bị đơn có nguyên vọng tặng phần di sản của mình được nhận cho nguyên đơn.

Toà án cấp sơ thẩm nhận định:

Ông Th và bà Th chết có di sản là nhà và đất tại thửa số xx, tờ bản đồ số yy tại địa chỉ số X đường H, phường B, quận H, TP. ĐN nay là số XI đường H, phường B quận H, TP. Đà Nẵng được UBND TP.Đà Nẵng cấp GCN quyền sở hữu nhà ở và quyền sử đất ở số 34011014xx ngày 20/4/2001. Hàng thừa kế thứ nhất có 06 người con: Nguyễn Tăng N; Nguyễn Thị B; Nguyễn Thị sáu; Nguyễn Thị Hoàng M; Nguyễn Thị Thanh T. Trong đó ông M, bà M hiện nay không có mặt tại địa phương, không có dự liệu xuất nhập cảnh, không có tin tức xác thực đang ở đâu hiện nay cũng không có dữ liệu gì về vợ/chồng con của ông M và bà M. Ông Th, bà Th đều đã chết không để lại di chúc và còn thời hiệu thừa kế nên ông Nguyễn Tăng N khởi kiện yêu cầu phân chia di sản thừa kế là có cơ sở xem xét.

Nhận thấy, bà B và bà S có nguyện vọng tặng cho phần mà các bà được hưởng cho ông Nguyễn Tăng N và ông N đồng ý nhận sau này sửa chữa làm nơi thờ tự ông Bà. Đối với 2 suất thừa kế của ông M, bà M, bà S, bà B và ông N đều thống nhất giao cho ông N tiếp tục quả lý, sau này ông M, bà M về thì ông sẽ có nghĩa vụ thối trả. Riêng đối với bà Nguyễn Thị Thanh T vắng mặt tại phiên toà nhưng đã có đơn đề nghị giải quyết vắng mặt và nêu rõ yêu cầu, theo đó bà đề nghị được ông N thôi trả tươg ứng 1 suất thừa kế theo pháp luật, ông N tự nguyện thối trả theo 3 đợt.

Toà án cấp sơ thẩm quyết định:

Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Nguyễn Tăng N về việc tranh chấp thừa kế

116

LINK TÀI LIỆU PDF: Tổng hợp 09 bản án áp dụng án lệ số 06/2016/AL để giải quyết 

………………..

Luật sư tại Đà Nẵng

99 Nguyễn Hữu Thọ, Quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng

Luật sư tại Huế: 

56A Điện Biên Phủ, phường Phường Đúc, thành phố Huế, Thừa Thiên Huế

Luật sư tại TP. Hồ Chí Minh:

122 Đinh Bộ Lĩnh, quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh

Luật sư tại Hà Nội:

Tầng 5, số 11 Ngõ 183, phố Đặng Tiến Đông, phường Trung Liệt, quận Đống Đa, Hà Nội

Luật sư tại Nghệ An:

Số 19 đường V.I Lê Nin, Nghi Phú, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An

Quốc lộ 1A, Khối 11, phường Quỳnh Xuân, Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An

Luật sư tại Gia Lai:

Số 61 Phạm Văn Đồng, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai

Website: www.fdvn.vn    www.fdvnlawfirm.vn  www.diendanngheluat.vn  www.tuvanphapluatdanang.com

Email: fdvnlawfirm@gmail.com    luatsulecao@gmail.com

Điện thoại: 0772 096 999

Fanpage LUẬT SƯ FDVN: https://www.facebook.com/fdvnlawfirm/

Legal Service For Expat:  https://www.facebook.com/fdvnlawfirmvietnam/

TỦ SÁCH NGHỀ LUẬT: https://www.facebook.com/SayMeNgheLuat/

DIỄN ĐÀN NGHỀ LUẬT: https://www.facebook.com/groups/saymengheluat/

KÊNH YOUTUBE: https://www.youtube.com/c/luatsufdvn

KÊNH TIKTOK: https://www.tiktok.com/@luatsufdvn

KÊNH TELEGRAM FDVN: https://t.me/luatsufdvn

Bài viết liên quan