FDVN trân trọng giới thiệu tài liệu “Tổng hợp 08 bản án áp dụng án lệ số 26/2018/AL để giải quyết” do các Luật sư – Chuyên viên pháp lý của FDVN sưu tầm, tổng hợp.
Tài liệu này phục vụ cho mục đích học tập, nghiên cứu, công tác và được chia sẻ hoàn toàn miễn phí. Chúng tôi phản đối việc sử dụng tài liệu này vào mục đích thương mại và mục đích khác trái pháp luật.
MỤC LỤC
Tổng hợp 08 bản án áp dụng án lệ số 26/2018/al để giải quyết
STT |
NỘI DUNG |
TRANG |
|
Bản án số 110/2020/DS-PT ngày 03 tháng 6 năm 2020 của Toà án nhân dân tỉnh Đồng Tháp
Về việc: “Tranh chấp dân sự chia thừa kế” Tóm tắt nội dung vụ việc: Nguồn gốc phần đất đang tranh chấp là của Nhà nước chế độ cũ cho cụ ông Huỳnh Văn Dình và cụ bà Nguyễn Thị Phẩm thuê năm 1974, có làm hợp đồng thuê (bà P3 đang còn giữ hợp đồng), mục đích thuê để bán hủ tiếu. Năm 1974, Nhà nước thời bấy giờ cho cất nhà theo bản vẽ đã quy hoạch. Sau năm 1975, gia đình có đăng ký hộ khẩu, địa chỉ: Kios số 08, đường Trưng Vương (hiện nay là đường Hai Bà Trưng), Khu phố 2, huyện Cao Lãnh (nay là thành phố Cao Lãnh), tỉnh Sa Đéc, trong hộ có hai người là Huỳnh Văn Dình và cháu ngoại Huỳnh Thanh Hà. Sau đó, gia đình ngưng bán hủ tiếu do cụ Dình lớn tuổi. Năm 1980, bà P3 nhờ anh, chị em nói giúp để cụ Dình cho bà mượn Kios số 08 nói trên để bán hủ tiếu nuôi con ăn học. Ông T2 trực tiếp hỏi cụ Dình cho mượn Kios để ông T2 bán hủ tiếu và được cụ Dình đồng ý nhưng thực tế ông T2 hỏi mượn Kios cho bà P3 bán hủ tiếu nuôi con ăn học, cụ Dình và bà Hà vẫn sống tại Kios số 08 nói trên. Riêng bà P3 thì ban ngày bán hủ tiếu, ban đêm về nhà chính tại phường 1, thành phố Cao Lãnh sinh sống và nghỉ ngơi. Ngày 15/3/1982, cụ Dình chết. Ngày 21/5/1983, cụ Nguyễn Thị Phẩm chết. Kios chưa bán được, gia đình bà P3 gặp khó khăn nhiều hơn, chồng bà P3 bị bệnh nan y và chết ngày 13/01/1984. Vì vậy, anh, em để cho bà P3 tiếp tục ở bán hủ tiếu tại Kios nói trên. Đến ngày 31/12/2004, Uỷ ban nhân dân thị xã Cao Lãnh ban hành Quyết định số 1460/QĐ-UB về việc giải tỏa đền bù đất đai, vật kiến trúc và tài sản trên đất của kios 08 tại đường Hai Bà Trưng, Phường 2, thị xã Cao Lãnh nhưng bà P3 không cho anh, em trong gia đình biết. Năm 2000, anh Bảo là con của bà P3 đến nhờ ông V2 và ông T2 ủy quyền cho anh Bảo đăng ký kinh doanh (bán hủ tiếu) tại Kios số 08. Khi đó, ông V2 và ông T2 cùng ký giấy ủy quyền cho anh Bảo, có UBND phường 4 xác nhận, thời hạn ủy quyền là 01 năm. Từ đó về sau, anh Bảo và những người trong gia đình bà P3 đều không đến nhờ ủy quyền đăng ký kinh doanh nữa. Ngày 17- 19/5/2017, Kios đập vỡ thì anh, em trong gia đình mới biết được bà P3 đã nhận tiền bồi thường của Nhà nước và nhận 02 nền tái định cư nhưng bà P3 không thông báo cho anh, em biết. Nay các nguyên đơn yêu cầu bà Huỳnh Thanh P3 và các thành viên trong hộ bà P3 chia tài sản thừa kế theo pháp luật đối với số tiền 1.745.892.677 đồng trừ tiền hỗ trợ đời sống 32.000.000 đồng, còn lại 1.713.892.677 đồng, mỗi người 1/8, thành tiền là 244.831.811 đồng và 1/8 giá trị 02 nền nhà tái định cư theo quyết định số 124/QĐ- UBND thành phố Cao Lãnh ngày 09/6/2011; 01 nền số 71 thửa 157, tờ bản đồ số 27, khu tái định cư phường 1; 01 nền bán tái định cư theo quyết định số 16/QĐ-UBND của Uỷ ban nhân dân thành phố Cao Lãnh ngày 20/4/2017; nền số 73 khu dân cư chợ thành phố Cao Lãnh thuộc phường 2 và phường 3, thành phố Cao Lãnh, sau khi đã trừ đi số tiền trả cho Nhà nước; ông V2, bà Hà yêu cầu nhận 02 nền tái định cư và có nghĩa vụ trả giá trị cho các kỷ phần khác, trong đó có 01 phần của bà P3, 06 phần còn lại của các nguyên đơn tự nguyện chia làm 07 phần trong đó 06 phần cho 06 anh, chị, em ruột và 01 phần thờ cúng, tôn tạo khu mộ; hiện nay bà P3 đang quản lý số tiền bồi thường và đứng tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với nền nhà tái định cư. Ngoài ra, ông Huỳnh Thanh V2 khởi kiện yêu cầu bà Huỳnh Thanh P3 và các thành viên trong hộ bà P3 chia di sản thừa kế theo pháp luật đối với số tiền 40.423.000 đồng, ông V2 yêu cầu chia đều cho 07 phần, ông được sở hữu số tiền là 5.774.000 đồng. Bị đơn – bà P3 và các con của bà P3 không đồng ý yêu cầu chia thừa kế của các nguyên đơn yêu cầu chia thừa kế theo pháp luật đối với 02 nền nhà nói trên. Toà án cấp sơ thẩm tuyên: Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của các nguyên đơn. Các nguyên đơn được chia thừa kế di sản của cụ Huỳnh Văn Dình và cụ Nguyễn Thị Phẩm, số tiền cụ thể như sau: Ông Huỳnh Thanh V2 được chia số tiền là 417.524.737 đồng; Chị Huỳnh Thị Diễm T3, Huỳnh Bùi Chí Thanh, Huỳnh Bùi Thanh Tân được chia số tiền 208.762.368 đồng; Huỳnh Thị Kim Lang, Huỳnh Thanh Hà được chia số tiền 208.762.368 đồng; Huỳnh Hoàng H2 (có bà Võ Thị C2 đại diện theo pháp luật) được chia số tiền 208.762.368 đồng; Huỳnh Thị Loan được chia số tiền 208.762.368 đồng; Huỳnh Thanh P3 được chia số tiền 243.556.100 đồng; Huỳnh Thanh T3 và Huỳnh Thanh H được chia số tiền 208.762.368 đồng. Không chấp nhận yêu cầu chia thừa kế của các nguyên đơn đối với nền nhà tái định cư gồm: Nền nhà số 71, thửa 157, tờ bản đồ số 27, diện tích 119m2 tại Phường 1, thành phố Cao Lãnh; nền số 73, diện tích 75,1m2 gồm 29,6m2 thuộc thửa 198, tờ bản đồ số 14 tại Phường 2 và diện tích 45,5m2 thuộc thửa 448, tờ bản đồ số 14 tại Phường 3, tương ứng lô Act-4, khu dân cư Kênh chợ. Đình chỉ xét xử đối với yêu cầu của ông Huỳnh Thanh V2 về việc yêu cầu chia di sản thừa kế số tiền là 5.774.000 đồng . Ngày 08/10/2019, bà Huỳnh Thanh P3 kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm, yêu cầu tòa án cấp phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm theo hướng bác yêu cầu của các nguyên đơn. Toà án cấp phúc thẩm nhận định: Tòa án cấp sơ thẩm đã xét xử xác định số tiền bồi thường 1.745.892.677 đồng, sau khi trừ toàn bộ chi phí còn lại 1.704.892.677 đồng (do bà P3 quản lý) là di sản thừa kế của ông Dình, bà Phẩm và do ông Dình, bà Phẩm chết đều không để lại di chúc nên chia theo pháp luật, trong đó có chấp nhận sự tự nguyện của đương sự mà không làm thiệt hại đến quyền lợi của đương sự, hàng thừa kế còn lại, là có căn cứ. Tại phiên tòa phúc thẩm, phía bà P3 cũng không cung cấp được tài liệu, chứng cứ nào khác để chứng minh cho yêu cầu kháng cáo của bà P3 là có căn cứ, nên Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của bà P3. Đối với yêu cầu của các nguyên đơn về việc yêu cầu chia thừa kế 02 nền nhà tái định cư theo Quyết định số 124/QĐ-UBND ngày 09/6/2011 Quyết định số 16/QĐ- UBND ngày 20/4/2017 của Uỷ ban nhân dân thành phố Cao Lãnh (giao nền số 71 thửa 157, tờ bản đồ số 27, khu tái định cư phường 1 và nền bán tái định cư số 73 khu dân cư chợ thành phố Cao Lãnh thuộc phường 2 và phường 3, thành phố Cao Lãnh) cho hộ bà P3, thì Hội đồng xét xử xét thấy, các nền nhà tái định cư này xuất phát từ chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với người sử dụng trên đất bị thu hồi, giải tỏa, là hộ bà P3, không phải là khoản bồi thường đối với phần đất bị thu hồi (di sản trong vụ án) nên Tòa án cấp sơ thẩm đã xác định đây không phải là di sản thừa kế và không chấp nhận yêu cầu chia thừa kế này của các nguyên đơn là đúng pháp luật; nay các nguyên đơn cũng không có kháng cáo nên Hội đồng xét xử không xem xét. Toà án cấp phúc thẩm quyết định: – Không chấp nhận kháng cáo của bà Huỳnh Thanh P3. Giữ nguyên bản án dân sự sơ thẩm số 64/2019/DS-ST ngày 26/9/2019 của Tòa án nhân dân thành phố Cao Lãnh. |
1 |
|
Bản án số 138/2020/DS-ST ngày 16 tháng 9 năm 2020 của Toà án nhân dân TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định
Về việc: “Tranh chấp về thừa kế tài sản” Tóm tắt nội dung vụ việc: Nhà và đất tại 197/4 đường C, thành phố QN là tài sản chung của cụ và cụ Điền Hòa L (chết ngày 06/4/2008). Lúc sinh thời vợ chồng cụ sinh 06 người con, gồm: Điền Thị Thanh H, Điền Hòa B, Điền Hòa N, Điền Hòa T1 (chết ngày 22/5/2001), Điền Hòa B và Điền Hòa T2. Ông T1 sinh thời có vợ và có 02 người con là Điền Nhất L và Điền Đức P. Sau khi cụ L chết, khoảng tháng 4/2011, ông B có bàn bạc với cụ phá bỏ căn nhà cũ xây dựng lại nhà mới nhưng cụ không đồng ý. Ông B và ông N cho rằng báo hiếu mẹ nên vẫn cương quyết xây. Tại thời điểm đó ông N đã trả chi phí xây dựng là 250.000.000đ. Cụ đã ở trong căn nhà từ đó cho đến nay. Nay cụ khởi kiện yêu cầu Tòa án phân chia di sản thừa kế của cụ L để lại như sau: Cụ được thừa hưởng 50% đất tại 197/4 đường C, TP. QN, còn lại 50% chia 07 phần: Cụ và 06 người con. Cụ thống nhất về tài sản thừa kế là đất tại 197/4 đường C, TP. QN với giá là 2.084.400.000 đồng, trong đó diện tích nhà là 33,24m2 với giá 60.000.000 đồng/m2 (theo biên bản định giá ngày 23/7/2020) và 4,26m2 với giá 90.000.000 đồng (giá mà cụ và bà M đã thỏa thuận). Cụ yêu cầu được nhận nhà và đất, thối lại kỷ phần thừa kế cho các thừa kế khác. Đồng thời, cụ yêu cầu ông B giao lại tất cả các giấy tờ liên quan cho cụ như: Giấy phép xây dựng nhà, bản thiết kế xây dựng nhà và giấy kiểm tra công trình nhà tại 197/4 đường C, TP. QN. Tại phiên tòa hôm nay, cụ không chấp nhận yêu cầu của vợ chồng ông N và bà L trả giá trị xây dựng nhà là 200.601.000 đồng vì cụ đã già không có tiền, đợi khi có tiền cụ sẽ trả đủ cho ông N, bà L. Bị đơn – ông B đề nghị Tòa án giải quyết trả lại cho ông N tiền xây dựng nhà trước khi chia tài sản thừa kế. Tất cả các giấy tờ, chứng cứ như cụ Đ yêu cầu hiện nay ông B đang cất giữ. Ông B đồng ý trả lại tất cả giấy tờ (bản chính) theo yêu cầu của cụ Đ sau khi giải quyết xong việc chia thừa kế. Ông B mong muốn để lại nhà và đất cho cụ Đ ở lúc tuổi già và để thờ cúng cụ L. Tuy nhiên, cụ Đ muốn đứng tên riêng chủ sở hữu nhà và đất nên đã khởi kiện yêu cầu chia thừa kế. Ông B không có nhu cầu nhận tài sản thừa kế, cụ Đ có nhu cầu nhận di sản thừa kế thì thối lại giá trị kỷ phần thừa kế cho ông. Toà án cấp sơ thẩm nhận định: Cụ Điền Hòa L chết vào ngày 06/4/2008, không để lại di chúc. Vì vậy thời điểm mở thừa kế là thời điểm người có tài sản chết (theo khoản 1 Điều 611 BLDS 2015). Theo Án lệ số 26/2018/AL về xác định thời điểm bắt đầu tính thời hiệu và thời hiệu yêu cầu chia di sản thừa kế là bất động sản được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thông qua ngày 17 tháng 10 năm 2018 và được công bố theo Quyết định số 269/QĐ-CA ngày 06 tháng 11 năm 2018 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao thì “Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế”. HĐXX xét thấy tính chất, các tình tiết, sự kiện pháp lý trong vụ án này tương tự như các tình tiết, sự kiện pháp lý trong án lệ. Vì vậy, theo quy định tại khoản 1 Điều 623 và điểm d khoản 1 Điều 688 Bộ luật Dân sự năm 2015 và theo Án lệ số 26/2018/AL, có đủ cơ sở để xác định thời hiệu thừa kế vẫn còn. Các đương sự thống nhất nhà và đất tại 197/4 đường C, TP. QN là tài sản chung của cụ Trần Thị Đ và cụ Điền Hòa L. Nhà và đất này đã được cấp sổ chứng nhận quyển sở hữu nhà số 4323/CNSH cấp ngày 10/7/1993 đứng tên chủ sở hữu là ông Điền Hòa L và bà Trần Thị Đ. Tuy nhiên, tháng 4/2011, ngôi nhà tại 197/4 đường C, TP. QN được xây dựng mới, chi phí xây dựng nhà do vợ chồng ông Điền Hòa N và bà Hồ Thị Tuyết L chi trả là 250.000.000 đồng. Tại phiên tòa hôm nay, các đương sự thống nhất di sản của cụ Lợi để lại là ½ đất tại 197/4 đường C, TP. QN, ngoài ra ông L không còn tài sản nào khác. Do tài sản thừa kế của cụ L là ½ trong khối tài sản chung với cụ Đ, hơn nữa hiện nay cụ Đ là người đang quản lý, sử dụng nhà và đất tại 197/4 đường C, TP. QN nên chia cụ Đ bằng hiện vật. Cụ Đ phải có nghĩa vụ thanh toán lại giá trị cho các đồng thừa kế khác. Cụ thể: Cụ Đ phải giao cho các ông bà: Điền Thị Thanh H, Điền Hòa B, Điền Hòa N, Điền Hòa B và Điền Hòa T2 mỗi người 148.886.000 đồng; giao chung cho các thừa kế thế vị của ông T1 là anh Điền Đức P, anh Điền Nhất L 148.886.000 đồng. Việc báo hiếu, lo cho cha mẹ an nhàn lúc cha mẹ về già là nghĩa vụ của người con khi trưởng thành. Ông N, bà L đã trả chi phí xây dựng nhà cho cụ Đ tại thời điểm tháng 4/2011 là 250.000.000 đồng, cũng nhằm mục đích báo hiếu, để nơi thờ cúng cụ L được khang trang và là nơi để con cháu đi về. Tuy nhiên, nay cụ Đ yêu cầu chia thừa kế, các đương sự thống nhất tài sản thừa kế của cụ L là phần đất, thừa nhận giá trị xây dựng nhà không phải là tài sản thừa kế mà của vợ chồng ông N và bà L. Vì vậy, cụ Đ nhận hiện vật tài sản thừa kế là đất thì phải nhận cả nhà trên đất, thanh toán lại giá trị xây dựng nhà theo biên bản định giá tài sản ngày 23/7/2020 là 200.601.000 đồng cho ông N và bà L là phù hợp. Không chấp nhận lời trình bày của ông T2 cho rằng ông N và ông B phải dịch chuyển ngôi nhà đi nơi khác, trả lại nhà cũ và phần đất cho cụ Đ vì không thỏa đáng, không phù hợp với thực tế. Không chấp nhận lời trình bày của cụ Đ cho rằng cụ đã già không có tiền, đợi khi có tiền cụ sẽ trả đủ giá trị xây dựng nhà cho ông N, bà L vì không được ông N, bà L chấp nhận và không phù hợp quy định pháp luật. Toà án cấp sơ thẩm quyết định: Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn cụ Trần Thị Đ về việc yêu cầu chia thừa kế tài sản của cụ Điền Hòa L. Xác định tài sản thừa kế của cụ Điền Hòa L là ½ đất tại 197/4 đường C, TP. QN. Trị giá tài sản thừa kế là 1.042.200.000 đồng. Xác định những người được hưởng thừa kế của cụ Điền Hòa L là cụ Trần Thị Đ, bà Điền Thị Thanh H, ông Điền Hòa B, ông Điền Hòa N, ông Điền Hòa B, ông Điền Hòa T2 và các thừa kế thế vị của ông Điền Hòa T1 là anh Điền Đức P, anh Điền Nhất L. Chấp nhận yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông Điền Hòa N, bà Hồ Thị Tuyết L về việc yêu cầu cụ Trần Thị Đ thanh toán giá trị xây dựng nhà. Buộc cụ Trần Thị Đ có nghĩa vụ thanh toán cho vợ chồng ông Điền Hòa N, bà Hồ Thị Tuyết L giá trị xây dựng nhà là 200.601.000 đồng. |
13 |
|
Bản án số 18/2022/DS-PT ngày 01 tháng 6 năm 2022 của Toà án nhân dân tỉnh Ninh Bình
Về việc: “Tranh chấp về thừa kế tài sản; tài sản chung” Tóm tắt nội dung vụ việc: Bố mẹ ông Y là cụ Hoàng Văn Nhỡ và cụ Đinh Thị Tơ (cụ Tơ còn có tên gọi khác Theo tập tục địa phương là Hoàng Thị Nhỡ) sinh được 5 người con là ông Hoàng Văn Y, ông Hoàng Văn Ph, ông Hoàng Văn Nh, bà Hoàng Thị Th và ông Hoàng Văn T2; hai cụ không ai có con riêng. Trong quá trình chung sống, các cụ tạo lập được khối tài sản chung là quyền sử dụng 448m2 đất, gồm 221m2 đất ở và 227m2 đất vườn tại xóm 7, xã Y, huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình, đã được Ủy ban nhân dân (UBND) huyện Kim Sơn cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) ngày 16/01/1998 đứng tên “bà Hoàng Thị Nhỡ”. Cụ Hoàng Văn Nhỡ chết năm 1981; cụ Đinh Thị Tơ chết năm 2005 (23/4/2005); cả hai cụ đều không để lại di chúc. Anh em ông Y đã nhiều lần họp để thống nhất phương án phân chia di sản của bố mẹ để lại nhưng không có kết quả, hiện nay diện tích đất là di sản bỏ không, không ai sử dụng. Ông Y khởi kiện, yêu cầu Tòa án chia thừa kế quyền sử dụng thửa đất số 131, tờ bản đồ số 4b, tại xóm 7, xã Y cho ông Y, ông Ph và bà Th Theo quy định của pháp luật; không yêu cầu xem xét giải quyết đối với diện tích đất của cụ Tơ đã chuyển quyền cho ông Cao, ông Nh và ông T2. Ông T2 không đồng ý với yêu cầu khởi kiện của ông Y về việc chia di sản thừa kế vì lý do di sản của cụ Nhỡ đã hết thời hiệu chia thừa kế, nên di sản thuộc về người đang quản lý di sản đó. Phần di sản của cụ Tơ ông T2 cũng không đồng ý chia thừa kế vì những người vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng cha mẹ thì không được quyền hưởng di sản của cha mẹ để lại. Toà án cấp sơ thẩm tuyên: Chấp nhận yêu cầu chia di sản thừa kế và chia tài sản thuộc sở hữu chung của người thừa kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng của ông Hoàng Văn Y là anh Hoàng Cao M đối với ông Hoàng Văn T2. Ngày 23 tháng 8 năm 2021 anh Mai Văn D là người đại diện theo ủy quyền của bị đơn ông Hoàng Văn T2 kháng cáo toàn bộ Bản án dân sự sơ thẩm số 09/2021/DS-ST ngày 17 tháng 8 năm 2021 của Tòa án nhân dân huyện Kim Sơn. Lý do, Tòa án đã vi phạm tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án và không xét xử thỏa đáng, bác bỏ yêu cầu chính đáng của bị đơn Toà án cấp phúc thẩm nhận định: Cụ Hoàng Văn Nhỡ chết trước ngày công bố Pháp lệnh thừa kế. Căn cứ quy định tại khoản 4 Điều 36 Pháp lệnh thừa kế; Điều 623, Điều 688 của Bộ luật dân sự năm 2015 và Án lệ số 26/2018/AL, thời hiệu yêu cầu chia di sản thừa kế quyền sử dụng đất của cụ Nhỡ là 30 năm kể ngày công bố Pháp lệnh thừa kế (ngày 10/9/1990). Như vậy, tính từ ngày công bố Pháp lệnh thừa kế (ngày 10/9/1990) đến ngày nguyên đơn khởi kiện (ngày 08/10/2020) đã quá 30 năm, thời hiệu yêu cầu chia di sản thừa kế của cụ Hoàng Văn Nhỡ đã hết. Người đại diện hợp pháp của bị đơn xác định thời hiệu yêu cầu chia di sản thừa kế của cụ Nhỡ đã hết và đề nghị áp dụng thời hiệu là có căn cứ. Cụ Đinh Thị Tơ chết ngày 23/4/2005, tính đến ngày nguyên đơn khởi kiện chưa quá thời hạn 30 năm, nên thời hiệu khởi kiện vẫn còn. Ông Y khởi kiện, chia di sản thừa kế của cụ Nhỡ và cụ Tơ là quyền sử dụng thửa đất số 131 tờ bản đồ số 4b. Tại phiên tòa ngày 30/3/2021, ông Y đã thay đổi yêu cầu khởi kiện từ chia thừa kế di sản của cụ Nhỡ thành chia tài sản chung cho anh em ông. Việc chia thừa kế hay chia tài sản chung đều cùng một đối tượng tranh chấp là quyền sử dụng thửa đất số 131 tờ bản đồ số 4b mà Tòa án đã thụ lý giải quyết ngay từ ban đầu. Việc thay đổi yêu cầu khởi kiện của ông Y không vượt quá phạm vi khởi kiện ban đầu. Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 244 của Bộ luật tố tụng dân sự, Tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận việc thay đổi yêu cầu khởi kiện của ông Y là có căn cứ, không vượt quá yêu cầu khởi kiện ban đầu. Nhận thấy, Bản án dân sự sơ thẩm số: 09/2021/DS-ST ngày 17 tháng 8 năm 2021 Tòa án nhân dân huyện Kim Sơn có một số sai sót, vi phạm thủ tục tố tụng nhưng không ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự, không thay đổi bản chất nội dung vụ án, nên Hội đồng xét xử phúc thẩm chấp nhận một phần kháng cáo của bị đơn, sửa bản án sơ thẩm Theo hướng: Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của người kế thừa quyền và nghĩa vụ tố tụng của nguyên đơn về việc chia di sản thừa kế của cụ Đinh Thị Tơ; chia tài sản chung của ông Hoàng Văn Y, ông Hoàng Văn Ph, ông Hoàng Văn Nh, bà Hoàng Thị Th, ông Hoàng Văn T2 là quyền sử dụng 328,4m2 đất gồm 52m2 đất ở, 276,4m2 đất vườn tại thửa đất số 227 và 24,4m2 đất ở tại thửa đất số 224; giải quyết tài sản trên hai thửa đất. Toà án cấp phúc thẩm quyết định: Sửa Bản án dân sự sơ thẩm số: 09/2021/DS-ST ngày 17 tháng 8 năm 2021 của Tòa án nhân dân huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình. |
22 |
|
Bản án số 53/2023/DS-PT ngày 15 tháng 3 năm 2023 của Toà án nhân dân cấp cao TP. Đà Nẵng
Về việc: “Tranh chấp về thừa kế tài sản” Tóm tắt nội dung vụ việc: Cha mẹ ông Trần Văn C là ông Trần Văn D (chết năm 1988) và bà Nguyễn Thị M (chết năm 1998) sinh được 04 người con là Trần Thị C, Trần Thị Q, Trần Văn C và Trần Văn H (chết). Ông D, bà M có tạo lập được khối tài sản chung là di sản thừa kế bao gồm hai lô đất tại địa chỉ K355/11 và K355/15 H, phường B, quận H, tp. Đà Nẵng (trước đây thuộc phía đường P). Khối tài sản trên của cha mẹ tôi trước đây có xây dựng hai căn nhà nhưng đã tháo gỡ, hiện trạng trên thửa đất này có hai căn nhà kiên cố của gia đình bà Trần Thị Q và gia đình ông Trần Văn H xây dựng, ngoài ra có 01 nhà thờ (ký hiệu B) được xây dựng năm 2009 do ông H đứng ra xây dựng, trong đó ông C đóng góp 30.000.000 đồng, bà Q đóng góp 20.000.000 đồng, bà C đóng góp 2.000.000 đồng. Ngôi nhà thờ hiện nay nằm giữa hai căn nhà của gia đình bà Q và ông H là nhà thờ tổ tiên không ai là không biết và không công nhận công năng là nhà thờ và không có ai ăn ở, sinh hoạt trên căn nhà này cả, các con cháu chỉ sum họp về đây khi có việc giỗ chạp nên việc công nhận căn nhà trên là nhà thờ tự chung của các đồng thừa kế là cần thiết. Hiện di sản của ông Trần Văn D và bà Nguyễn Thị M chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất. Tuy nhiên, về nguồn gốc nhà và đất này là do ông D và bà M bỏ tiền mua lại của người khác. Năm 1977, cha tôi là ông Trần Văn D đã kê khai nhà cửa theo Bản kê khai nhà cửa của tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng cũ. Lúc này ông Trần Văn D vẫn đứng tên kê khai chứ không hề có việc tặng cho bà Q hay ông H. Nay, ông Trần Văn C đã khởi kiện bà Trần Thị Q và các đồng thừa kế của ông Trần Văn H yêu cầu Tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng giải quyết các vấn đề như sau: Chia thừa kế đối với 02 thửa đất tại địa chỉ K355/11 và K355/15 đường H, phường B, quận H, thành phố Đà Nẵng của cha mẹ cho các đồng thừa kế. Công nhận thửa đất ở giữa hai ngôi nhà của bà Trần Thị Q và ông Trần Văn H là nhà thờ và công nhận diện tích tặng cho của bà Trần Thị C cho ông Trần Văn C. Bị đơn đề nghị công nhận phần diện tích của bà Q đã được cha mẹ bà Q tặng cho khi ông bà còn sống. Phần di sản còn lại chia đều theo quy định pháp luật cho các đồng thừa kế. Toà án cấp sơ thẩm tuyên: Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của ông Trần Văn C về việc yêu cầu chia di sản thừa kế. Giao phần đất tại thửa A (có số nhà K355/11 do bà Trần Thị Q đang sử dụng) phía nam giáp đường bê tông, phía bắc giáp thửa B, phía tây giáp công trình xây dựng, phía đông giáp đường bê tông, diện tích đất 81,1m2 (lấy thẳng từ mặt nhà bà Q ra hết sân phía trước, đã trừ 1 phần diện tích mua thêm 3,6m2) trên diện tích đất có căn nhà 03 tầng giao cho bà Trần Thị Q sở hữu. Giao phần đất tại thửa B (ở giữa nhà bà Q và nhà ông H) phía nam giáp thửa A, phía bắc giáp thửa C, phía tây giáp công trình xây dựng, phía đông giáp đường bê tông diện tích đất 127,4m2 (lấy thẳng từ mặt nhà ra hết sân phía trước), trên đất là căn nhà cấp 4 giao cho ông Trần Văn C sở hữu. Do ông C có Giấy xác nhận là người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài nên giao cho ông Trần Văn M, sinh năm 1971; địa chỉ: Thành phố Hồ Chí Minh là con ông Trần Văn C quản lý. Giao phần đất tại thửa C (có số nhà K355/15 do các đồng thừa kế của ông Trần Văn H đang sử dụng) phía nam giáp thửa A, phía bắc giáp công trình xây dựng, phía tây giáp công trình xây dựng, phía đông giáp đường bê tông, diện tích đất 110,3m2 (lấy thẳng từ mặt nhà ông H ra hết sân phía trước), trên đất là ngôi nhà 02 tầng giao cho các đồng thừa kế của ông Trần Văn H là bà Dương Thị Bích T, bà Trần Thị T, ông Trần Văn Đ, ông Trần Văn T, bà Trần Thị Bích T, bà Trần Thị Bích H, ông Trần Văn V, ông Trần Văn Q sở hữu. Ngày 08/9/2022, nguyên đơn ông Trần Văn C do ông Trần Văn M đại diện theo ủy quyền có đơn kháng cáo yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm công nhận tất cả di sản tại 2 địa chỉ K355/11 và K355/15 đường H, phường B, quận H, thành phố Đà Nẵng là di sản thừa kế của ông Trần Văn D và bà Diệp Thị M (Nguyễn Thị M) chưa chia; Công nhận căn nhà có diện tích 65,3m2 và phần diện tích đất có ký hiệu B trong văn bản chứng thư đo vẽ và thẩm định giá là di sản thờ cúng chung của đồng thừa kế; chia di sản thừa kế diện tích đất còn lại theo quy định pháp luật; công nhận việc tặng cho di sản của người thừa kế di sản bà Diệp Thị M là bà Trần Thị C (con riêng) cho ông Trần Văn C. Ông C yêu cầu được lấy bằng hiện vật quyền sử dụng đất. Toà án cấp phúc thẩm nhận định: Xét kháng cáo của phía nguyên đơn thì thấy: Đối với phần đất tại thửa B (theo bản án sơ thẩm) có tổng diện tích 127,4m2 trên đất có diện tích xây dựng 65,3m2 , ông Trần Văn M yêu cầu công nhận đây là di sản dùng vào việc thờ cúng không chia mà chỉ chia phần đất còn lại nhưng không được các đương sự được hưởng thừa kế đồng ý nên Tòa án cấp sơ thẩm chia thừa kế là có căn cứ. Tại phiên tòa phúc thẩm các đương sự cũng không thỏa thuận được theo yêu cầu của ông Trần Văn M. Bản án sơ thẩm đã chấp nhận phần di sản thừa kế của bà Trần Thị C được hưởng cho ông Trần Văn C và phân chia di sản thừa kế cho các đồng thừa kế dựa trên cơ sở tài sản của các đương sự được xây dựng trên phần đất được chia là hoàn toàn hợp tình, hợp lý. Do đó, không chấp nhận kháng cáo của ông Trần Văn M là người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn ông Trần Văn C và giữ nguyên bản án sơ thẩm. Toà án cấp phúc thẩm quyết định: Không chấp nhận kháng cáo của ông Trần Văn M là người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn ông Trần Văn C và giữ nguyên bản án sơ thẩm. |
43 |
|
Bản án số 54/2019/DS-PT ngày 16 tháng 7 năm 2019 của Toà án nhân dân tỉnh Thanh Hoá
Về việc: “ Tranh chấp về thừa kế tài sản” Tóm tắt nội dung vụ việc: Cụ Nguyễn Ngọc K và cụ Lê Thị Kh có tài sản là đất ở tại thôn 7, xã X, huyện T, tỉnh Thanh Hóa, hai cụ sinh được năm người con, hai người chết từ khi còn nhỏ, hiện nay còn ba người là ông Nguyễn Ngọc G, sinh năm 1945; ông Nguyễn Ngọc A, sinh năm 1948; bà Nguyễn Thị B, sinh năm 1953. Cụ K chết ngày 08/12/1960, không để lại di chúc, cụ Kh chết ngày 13/4/2000, không để lại di chúc. Di sản thừa kế là thửa đất số 96, tờ bản đồ địa chính xã X số 12, phê duyệt năm 1998 (nay là thửa 60, tờ bản đồ số 96, bản đồ địa chính xã X năm 2011), diện tích 1.458m2 (trong đó đất ở 200m2, đất vườn 1.258m2). Năm 2006, ông Nguyễn Ngọc G và bà Nguyễn Thị Q (vợ ông G) đã tự ý kê khai để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ). Tháng 5/2015, ông A có ý định về quê xây nhà trên đất của bố mẹ để ở thì mới biết thửa đất trên đã được cấp GCNQSDĐ cho ông G và bà Q. Ông A đã đề nghị xem xét và thu hồi GCNQSDĐ nêu trên. Ông A, bà B đã nhiều lần đề nghị ông G chia đất cho hai anh em, nhưng ông G đều từ chối. Do đó ông A và bà B đã làm đơn khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế của bố mẹ để lại và đề nghị chia thửa đất thành 5 lô, ông G được quyền sử dụng 2 lô, 1 lô thuộc khu nhà thờ, còn lại hai lô phân chia cho ông A và bà B. Toà án cấp sơ thẩm tuyên: Chấp nhận yêu cầu phân chia di sản thừa kế của nguyên đơn. Xác định hàng thừa kế thứ nhất gồm các ông bà: Ông Nguyễn Ngọc G, ông Nguyễn Ngọc A, bà Nguyễn Thị B. Xác định di sản thừa kế của cụ Nguyễn Ngọc K và cụ Lê Thị Kh là thửa đất số 60, tờ bản đồ số 96 bản đồ địa chính xã X, phê duyệt năm 2011, diện tích 1.458m2, (Trong đó đất ở 200m2, đất vườn 1.258m2), đo đạc theo hiện trạng sử dụng có diện tích 1.446,3m2. Giá trị quyền sử dụng đất 345.650.000 đồng (Ba trăm bốn mươi lăm triệu sáu trăm năm mươi nghìn đồng). Ngày 18/4/2019 ông Nguyễn Ngọc G làm đơn kháng cáo với nội dung: Kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm. Xem xét lại thời hiệu khởi kiện chia thừa kế đối với phần di sản do ông Nguyễn Ngọc K để lại; chia hết toàn bộ di sản thừa kế theo quy định của pháp luật về thừa kế quyền sử dụng đất. Ngày 07/6/2019 ông G nộp đơn trình bày nội dung kháng cáo. Toà án cấp phúc thẩm nhận định: Về thời điểm mở thừa kế là thời điểm cụ Nguyễn Ngọc K chết ngày 08/12/1960, như vậy trường hợp này thời điểm mở thừa kế trước ngày 10/9/1990 thì thời hiệu khởi kiện chia di sản thừa kế là bất động sản được thực hiện theo quy định tại Điều 36 của Pháp lệnh Thừa kế năm 1990 và hướng dẫn tại Nghị quyết số 02/HĐTP ngày 19/10/1990 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Pháp lệnh Thừa kế, cụ thể là thời hiệu khởi kiện được tính từ ngày 10/9/1990. Theo khoản 4 Điều 4 Nghị quyết số 02/2016/NQ-HĐTP ngày 30/6/2016 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định của Nghị quyết số 103/2015/QH13 ngày 25/11/2015 của Quốc hội về việc thi hành Bộ luật Tố tụng dân sự và theo Án lệ số 26/2018/AL được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thông qua ngày 17/10/2018, được công bố theo Quyết định số 269/QĐ-CA ngày 06/11/2018 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao thì tính đến ngày khởi kiện trong trường hợp này thời hiệu khởi kiện chia di sản của cụ Nguyễn Ngọc K cho các đồng thừa kế vẫn còn theo quy định của pháp luật. Do vậy áp dụng thời hiệu để chia thừa kế tài sản của cụ K và cụ Kh cho các đồng thừa kế vẫn đang trong thời hạn khởi kiện, Tòa cấp sơ thẩm đã áp dụng các quy định về thời hiệu thừa kế để giải quyết vụ án là chính xác nên không có căn cứ để chấp nhận kháng cáo phần này của ông Nguyễn Ngọc G. Toà án cấp phúc thẩm quyết định: Không chấp nhận kháng cáo của ông Nguyễn Ngọc G, giữ nguyên Bản án dân sự sơ thẩm số 03/2019/DS-ST ngày 17 tháng 4 năm 2019 của Tòa án nhân dân huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa. |
52 |
|
Bản án số 07/2022/DS-ST ngày 10 tháng 3 năm 2022 của Toà án nhân dân TP. T tỉnh H
Về việc: “Tranh chấp về thừa kế tài sản” Tóm tắt nội dung vụ việc: Cha mẹ tôi là ông Bùi D (chết năm 1983) và bà Phạm Thị L (chết năm 1997) lúc sinh thời có tạo lập được khối tài sản là nhà đất tại 160/3 đường N, phường H, thành phố T. Thửa đất có diện tích hơn 60m2, trên đất có căn nhà cấp 4 diện tích hơn 50m2. Nhà đất chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở. Cha mẹ tôi chết không để lại di chúc. Cha mẹ tôi có 07 người con là: Bùi Thanh P (tên thường gọi là Bùi Thanh T) sinh năm 1966, Bùi Thanh C sinh năm 1969, Bùi Thanh L sinh năm 1975, Bùi Thị Thanh B sinh năm 1976, Bùi Thị Thanh A sinh năm 1980, Bùi Thanh T sinh năm 1984 và Bùi Thanh H chết năm 2016 (không có vợ con). Ngoài ra cha mẹ tôi không có con riêng con nuôi nào cả. Cha mẹ của ông Bùi D và bà Phạm Thị L chết từ rất lâu, chết trước ông D và bà L. Vì thời gian đã quá lâu, chúng tôi không có giấy chứng tử. Vì vậy tôi yêu cầu chia di sản thừa kế của cha mẹ để lại là nhà đất tại 160/3 đường N, phường H, thành phố T có diện tích khoảng hơn 60m2 (trên đất có căn nhà cấp 4) cho tôi và các đồng thừa kế khác là Bùi Thanh P, Bùi Thanh L, Bùi Thị Thanh B, Bùi Thị Thanh A và Bùi Thanh T theo pháp luật. Hiện nay L chiếm luôn nhà nên tôi để cho L ở và L phải thanh toán lại giá trị nhà đất bằng tiền theo giá tại biên bản định giá ngày 11/5/2021 cho tôi và các anh em khác. Toà án cấp sơ thẩm nhận định: Trong quá trình giải quyết vụ án, ông C nộp đơn thay đổi yêu cầu khởi kiện là tranh chấp di sản thừa kế. Hội đồng xét xử xét thấy, cha mẹ ông Bùi Thanh C là cụ Bùi D (chết năm 1983) và cụ Phạm Thị L (chết năm 1997). Theo quy định tại Điều 623 của Bộ Luật Dân sự 2015 thì phần di sản để lại của cụ L vẫn còn trong thời hiệu chia thừa kế. Cụ Bùi D chết năm 1983, tức là chết trước ngày công bố Pháp lệnh thừa kế ngày 30/8/1990 và tại thời điểm Tòa án xét xử sơ thẩm, bộ luật Dân sự năm 2015 đang có hiệu lực pháp luật thì thời điểm bắt đầu tính thời hiệu yêu cầu chia di sản thừa kế là ngày công bố Pháp lệnh thừa kế ngày 30/8/1990. Ông Bùi Thanh C nộp đơn khởi kiện ngày 25/8/2020, như vậy vẫn còn thời hiệu yêu cầu chia di sản thừa kế nên hội đồng xét xử chấp nhận yêu cầu chia di sản thừa kế của nguyên đơn ông Bùi Thanh C (áp dụng Án lệ số 26/2018/AL). Các ông bà Bùi Thanh C, Bùi Thanh P, Bùi Thị Thanh B, Bùi Thị Thanh A, Bùi Thanh T và Bùi Thanh L mỗi người được hưởng 1/6 diện tích nhà đất nêu trên. Tuy nhiên diện tích nhà đất này không đủ điều kiện để chia hiện vật nên các ông bà Bùi Thanh C, Bùi Thanh P, Bùi Thị Thanh B, Bùi Thị Thanh A, Bùi Thanh T có ý kiến để ông Bùi Thanh L nhận hiện vật và thanh toán tiền lại cho các đồng thừa kế. Số tiền mỗi thừa kế được nhận là 211.509.500 đồng. Hội đồng xét xử xét thấy, toàn bộ nhà đất 160/3 đường N, phường H, thành phố T hiện nay ông L đang quản lý sử dụng nên để ông L nhận hiện vật và thanh toán tiền lại cho các đồng thừa kế khác là hợp lý. Vì vậy, chấp nhận yêu cầu của ông Bùi Thanh C. Toà án cấp sơ thẩm quyết định: Chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn: Ông Bùi Thanh L được sở hữu toàn bộ nhà đất tại địa chỉ 160/3 đường N, phường H, thành phố T (có sơ đồ bản vẽ kèm theo). Ông Bùi Thanh L có nghĩa vụ thanh toán lại cho ông Bùi Thanh C, ông Bùi Thanh P, bà Bùi Thị Thanh B, bà Bùi Thị Thanh A, ông Bùi Thanh T mỗi người 211.509.500 đồng (hai trăm mười một triệu năm trăm lẻ chín nghìn năm trăm đồng). |
65 |
|
Bản án số 02/2023/DS-ST ngày 16 tháng 3 năm 2023 của Toà án nhân dân huyện Chiêm Hoá, tỉnh Tuyên Quang
Về việc: “Tranh chấp về thừa kế tài sản và đòi lại tài sản” Tóm tắt nội dung vụ việc: Ông Quan Văn C là con đẻ của cụ Quan Văn B, sinh năm 1920 chết năm 1980 và cụ Lý Thị L, sinh năm 1929 chết năm 2013. Cụ B, cụ L kết hôn khoảng năm 1951, 1952. Cụ B, cụ L sinh được 03 người con gồm: Quan Thị C1, Quan Văn T và ông Quan Văn C. Trước khi kết hôn với cụ Lý Thị L, cụ Quan Văn B có vợ là cụ Nguyễn Thị T3, sinh năm 1922, chết năm 1950. Cụ B, cụ T3 có hai con chung là ông Quan Văn M, sinh năm 1944 chết năm 1946, bà Quan Thị N, sinh năm 1948. Quá trình chung sống cụ B, cụ L khai phá được 01 thửa đất ở, đất trồng cây lâu năm là thửa đất số 01, tờ bản đồ số 339, địa chỉ tại thôn B1, xã T2, huyện C2, tỉnh Tuyên Quang. Ngày 03/3/2011 được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số BC 068488 mang tên chủ sử dụng đất Lý Thị L, diện tích thửa đất là 1.258m2 (đất ở 200m2, đất trồng cây lâu năm 1.058m2). Ngày 16/7/2012 cụ L đã ký hợp đồng tặng cho thửa đất này cho anh trai ông C là ông Quan Văn T. Ngày 21/11/2012 ông Quan Văn T được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số BM 712801 đối với thửa đất số 01, tờ bản đồ số 339, tại thôn B1, xã T2, huyện C2, diện tích 1.258m2 (đất ở 200m2, đất trồng cây lâu năm 1.058m2). Ông C yêu cầu Tòa án giải quyết chia di sản thừa kế và đòi lại tài sản với các yêu cầu cụ thể như sau: Chia di sản thừa kế của cụ Quan Văn B, Lý Thị L đối với thửa đất số 01, tờ bản đồ 339, diện tích 1.258m2, diện tích đo đạc theo hiện trạng là 1.225,8m2 và ông C yêu cầu giải quyết theo diện tích đo đạc hiện trạng (đất ở 200m2, đất trồng cây lâu năm 1.025,8 m2), yêu cầu chia theo hiện vật thành 05 phần bằng nhau cho 04 người là bà Quan Thị N, Quan Thị C1, Quan Văn T và ông Quan Văn C, ông C yêu cầu được nhận 02 phần; Chia di sản thừa kế của cụ Lý Thị L đối với thửa ruộng số 99a, tờ bản đồ 18C, diện tích 600m2, diện tích theo đo đạc hiện trạng là 625,3m2 và ông C yêu cầu giải quyết theo diện tích đo đạc hiện trạng, yêu cầu chia theo hiện vật cho 03 người là Quan Thị C1, Quan Văn T và Quan Văn C; Chia di sản thừa kế của cụ Lý Thị L đối với ngôi nhà bằng gỗ mà ông Quan Văn T đã bán với giá trị 2.000.000 đồng. Ông C yêu cầu chia cho 03 người là Quan Thị C1, Quan Văn T và Quan Văn C; Yêu cầu ông Quan Văn T trả lại cho ông số tiền bán 17 cây Xoan còn lại là 43.000.000 đồng (Bốn mươi ba triệu đồng). Bị đơn không đồng ý với yêu cầu khởi kiện của Nguyên đơn. Toà án cấp sơ thẩm nhận định: Áp dụng Án lệ số 26/2018/AL xác định thời hiệu khởi kiện chia di sản thừa kế của cụ Quan Văn B như sau: Cụ B chết năm 1980, di sản thừa kế cụ B để lại là thửa đất số 01, tờ bản đồ 339, là bất động sản. Cụ B chết trước ngày công bố Pháp lệnh thừa kế năm 1990, tại thời điểm Tòa án xét xử sơ thẩm Bộ luật Dân sự năm 2015 đang có hiệu lực, xác định thời hiệu khởi kiện chia thừa kế của cụ B là 30 năm kể từ ngày 10/9/1990 (ngày Pháp lệnh Thừa kế năm 1990 có hiệu lực) đến ngày 10/9/2020. Ông Quan Văn C khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế của cụ B, cụ L Tòa án nhận ngày 03/8/2021, trên 30 năm kể từ ngày 10/9/1990. Tuy nhiên, trước khi khởi kiện tại Tòa án ông C đã có đơn yêu cầu UBND xã T2, huyện C2 hòa giải tranh chấp di sản thừa kế với ông Quan Văn T, ngày 26/12/2019 UBND xã T2 hòa giải nhưng không thành. Ngày 04/9/2020 ông C có đơn khởi kiện vụ án hành chính yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Tòa án nhân dân tỉnh Tuyên Quang nhận đơn ngày 07/9/2020. Như vậy, ông C nhận thấy quyền và lợi ích hợp pháp của ông bị xâm phạm từ thời điểm ông yêu cầu UBND xã T2, huyện C2 hòa giải, việc ông chưa khởi kiện yêu cầu giải quyết tranh chấp về thừa kế tài sản do ông khởi kiện yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho cụ L, ông T tại Tòa án nhân dân tỉnh Tuyên Quang (khởi kiện trước ngày 10/9/2020). Còn cụ Lý Thị L chết năm 2013. Như vậy, Căn cứ Điều 623 Bộ luật Dân sự năm 2015, áp dụng Án lệ số 26/2018/AL, Hội đồng xét xử xác định vụ án còn trong thời hiệu khởi kiện. Ông Quan Văn C không bị cơ quan có thẩm quyền xử phạt, xét xử về hành vi ngược đãi cụ Lý Thị L, do đó ông C được quyền hưởng di sản thừa kế của cụ L để lại. Xác định thửa đất số 01, tờ bản đồ số 339, địa chỉ thửa đất thôn B1, xã T2, huyện C2, tỉnh Tuyên Quang là tài sản chung của cụ Quan Văn B, cụ Lý Thị L. Như vậy, sau khi cụ B chết thì di sản thừa kế của cụ là ½ thửa đất số 01, tờ bản đồ 339, diện tích là 1.225,8m2 : 2 = 612,9m2 (trong đó 100 m2 đất ở và 512.9m2 đất trồng cây lâu năm). Còn ½ thửa đất số 01, tờ bản đồ 339 có diện tích 612,9m2 (trong đó 100 m2 đất ở và 512.9m2 đất trồng cây lâu năm) là tài sản của cụ Lý Thị L. Đối với thửa đất số 99a, tờ bản đồ 18C cụ Lý Thị L vẫn trong thời hạn sử dụng đất. Cụ L chết thì hàng thừa kế thứ nhất của cụ L được hưởng thừa kế quyền sử dụng đất nông nghiệp trong thời gian còn lại. Việc giao kết Hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất giữa cụ Lý Thị L và ông Quan Văn T đáp ứng được các quy định tại điểm a, c khoản 1, 2 Điều 122, Điều 467 Bộ luật Dân sự 2005. Đối với nội dung của hợp đồng vi phạm điều cấm của Luật (cụ L tặng cho quyền sử dụng đất không thuộc quyền sử dụng của cụ) xét theo quy định tại Điều 135 Bộ luật Dân sự năm 2005 thấy rằng Hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất giữa cụ Lý Thị L và ông Quan Văn T vô hiệu từng phần, vô hiệu đối với phần cụ L tặng cho cả phần diện tích đất là di sản thừa kế của cụ B khi chưa được sự nhất trí của bà N, ông C, bà C1, có hiệu lực đối với phần diện tích đất thuộc quyền sử dụng của cụ L. Đối với số tiền ông T bán Xoan được 65.000.000 đồng, ông T đã đưa cho ông C 17.000.000 đồng, ông C cho rằng đây là Xoan của cá nhân ông C, ông nhất trí cho ông T 5.000.000 đồng, yêu cầu ông T trả tiếp số tiền còn lại là 43.000.000 đồng. Nếu không xác định được 17 cây Xoan này là tài sản riêng của ông C thì đề nghị chia thừa kế số tiền bán Xoan 60.000.000 đồng theo pháp luật. Hội đồng xét xử căn cứ các tài liệu chứng cứ đã thu thập trong quá trình giải quyết và kết quả tranh tụng tại phiên tòa thấy rằng không có căn cứ để xác định đây là tài sản của ông C, 17 cây Xoan này trồng trên thửa đất số 01, tờ bản đồ 339, cụ L là người chăm sóc, B quản số cây trên, cụ L chưa cho ai sở hữu, định đoạt nên được xác định là di sản thừa kế của cụ L. Do vậy áp dụng các Điều 166, 275 không chấp nhận yêu cầu đòi lại tài sản của ông Quan Văn C. Cần chia cho 03 đồng thừa kế của cụ L là bà C1, ông T, ông C mỗi người được: 60.000.000 đồng : 3 = 20.000.000 đồng. Số tiền này hiện nay ông Quan Văn T đang quản lý, do đó buộc ông T hoàn trả cho ông Quan Văn C và bà Quan Thị C1 mỗi người 20.000.000 đồng. Toà án cấp sơ thẩm quyết định: Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của ông Quan Văn C (do ông Nguyễn Kim N3 làm đại diện theo ủy quyền) về “Tranh chấp về thừa kế tài sản và Đòi lại tài sản” đối với ông Quan Văn T. Không chấp nhận yêu cầu đòi lại số tiền 43.000.0000 đồng (Bốn mươi ba triệu đồng) của ông Quan Văn C đối với ông Quan Văn T. |
71 |
|
Bản án số 43/2022/DS-ST ngày 29 tháng 8 năm 2022 của Toà án nhân dân thành phố Đà Nẵng
Về việc: “ Tranh chấp về thừa kế tài sản” Tóm tắt nội dung vụ việc: Cha mẹ ông Trần Văn C là ông Trần Văn Đ (đã chết năm 1988) và Nguyễn Thị M (đã chết năm 1998) sinh thời được 04 người con là Trần Thị C, Trần Thị Q, Trần Văn C và Trần Văn H (đã chết). Ông Đ, bà M có tạo lập được khối tài sản chung là di sản thừa kế bao gồm hai lô đất tại địa chỉ K355/11 và K355/15 D, phường B, quận H, thành phố Đ (trước đây thuộc phía đường Phan Châu Trinh). Khối tài sản trên của cha mẹ tôi trước đây có xây dựng hai căn nhà nhưng đã tháo giỡ, hiện trạng trên thửa đất này có hai căn nhà kiên cố của gia đình bà Trần Thị Q và gia đình ông Trần Văn H xây dựng, ngoài ra có 01 nhà thờ (ký hiệu B) được xây dựng năm 2009 do ông H đứng ra xây dựng trong đó ông C đóng góp 30.000.000 đồng, bà Qđóng góp 20.000.000 đồng, bà C đóng góp 2.000.000 đồng. Ngôi nhà thờ hiện nay nằm giữa hai căn nhà của gia đình bà Qvà ông H là nhà thờ tổ tiên không ai là không biết và không công nhận công năng là nhà thờ và không có ai ăn ở, sinh hoạt trên căn nhà này cả, các con cháu chỉ sum họp về đây khi có việc giỗ chạp nên việc công nhận căn nhà trên là nhà thờ tự chung của các đồng thừa kế là cần thiết. Hiện di sản của ông Trần Văn Đ và Nguyễn Thị M để lại chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất. Tuy nhiên, về nguồn gốc nhà và đất này là do ông Đ và bà M bỏ tiền mua lại của người khác. Năm 1977, cha tôi là ông Trần Văn Đ đã kê khai nhà cửa theo Bản kê khai nhà cửa của tỉnh Q cũ. Lúc này ông Trần Văn Đ vẫn đứng tên kê khai chứ không hề có việc tặng cho bà Q hay ông H. Do đó, ông Trần Văn C đã khởi kiện bà Trần Thị Q và các đồng thừa kế của ông Trần Văn H yêu cầu Tòa án nhân dân thành phố Đ giải quyết các vấn đề như sau: Chia thừa kế đối với 02 thửa đất tại địa chỉ K355/11 và K355/15 đường D, phường B, quận H, thành phố Đ của cha mẹ cho các đồng thừa kế. Công nhận thửa đất ở giữa hai ngôi nhà của bà Trần Thị Q và Trần Văn H là nhà thờ và công nhận diện tích tặng cho của bà Trần Thị C cho ông Trần Văn C. Bị đơn đề nghị công nhận phần diện tích của bà Q đã được cha mẹ bà Q tặng cho khi ông bà còn sống. Phần di sản còn lại chia đều theo quy định pháp luật cho các đồng thừa kế. Toà án cấp sơ thẩm nhận định: Ngày 24/8/2020 Toà án nhân dân thành phố Đ nhận đơn khởi kiện chia thừa kế của cụ ông Trần Văn C được Đại sứ quán tại Australia chứng nhận ngày 27/7/2020 yêu cầu chia thừa kế là bất động sản của cụ ông Trần Văn Đ (chết ngày 04/9/1987) và cụ bà Diệp Thị M (Nguyễn Thị M) (chết ngày 19/3/1998). Xét thấy, cụ ông Trần Văn Đ chết năm 1987 trước ngày công bố Pháp lệnh Thừa kế ngày 30/8/1990, áp dụng Án lệ số 26/2018/AL thời điểm bắt đầu tính thời hiệu yêu cầu chia di sản thừa kế là ngày công bố Pháp lệnh thừa kế ngày 30/8/1990 tính đến ngày cụ Trần Văn C khởi kiện vẫn còn thời hiệu khởi kiện theo Điều 623 của Bộ luật dân sự năm 2015. Thửa đất nguyên đơn yêu cầu chia di sản không có Giấy chứng quyền sử dụng đất nhưng di sản đã có nhà trên đất và người quản lý sử dụng di sản hàng năm đều đã nộp thuế sử dụng đất nên Tòa án vẫn giải quyết yêu cầu chia di sản thừa kế. Theo Bản kê khai nhà cửa ngày 31/12/1977 và Mẫu đăng ký từng nhà cửa chủ nhà vào ngày 13/7/1976 thể hiện nhà và đất tại địa chỉ K355/11 và K355/15 đường D, phường B, quận H, thành phố Đ nguyên trước đây là địa chỉ 234 đường Phan Chu Trinh, thành phố Đ số hiệu lô đất 772, có diện tích 317m2 (theo đo đạt thực tế hiện nay diện tích là 318.8m2) thuộc sở hữu của ông Trần Văn Đ, trên đất gồm nhà chính và nhà phụ được xây bằng tốp lô, lợp tôn từ năm 1959 đến nay tài sản trên đất không còn giá trị sử dụng nên di sản thừa kế chỉ còn là quyền sử dụng đất 318.8m2. Toà án cấp sơ thẩm quyết định: Chấp nhận một yêu cầu khởi kiện của ông Trần Văn C về yêu cầu chia di sản thừa kế. Giao phần đất tại thửa A (có số nhà K355/11 do bà Trần Thị Q đang sử dụng) phía nam giáp đường bê tông, phía bắc giáp thửa B, phía tây giáp công trình xây dựng, phía đông giáp đường bê tông, diện tích đất 81.1m2 (lấy thẳng từ mặt nhà bà Q ra hết sân phía trước, đã trừ phần diện tích mua thêm 3.6m2) trên diện tích đất có căn nhà 03 tầng giao cho bà Trần Thị Q sở hữu. Giao phần đất tại thửa B (ở giữa nhà bà Q và nhà ông H) phía nam giáp thửa A, phía bắc giáp thửa C, phía tây giáp công trình xây dựng, phía đông giáp đường bê tông diện tích đất 127.4m2 (lấy thẳng từ mặt nhà ra hết sân phía trước), trên đất là căn nhà cấp 4 giao cho ông Trần Văn C sở hữu. Do ông C có Giấy xác nhận là người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài nên giao cho ông Trần Văn M, sinh năm: 1971; địa chỉ: B9/1H Ấp 2, huyện B, thành phố H- là con ông Trần Văn C quản lý. Giao phần đất tại thửa C (có số nhà K355/15 do các đồng thừa kế của ông Trần Văn H đang sử dụng) phía nam giáp thửa A, phía bắc giáp công trình xây dựng, phía tây giáp công trình xây dựng, phía đông giáp đường bê tông, diện tích đất 110.3m2 (lấy thẳng từ mặt nhà ông H ra hết sân phía trước), trên đất là ngôi nhà 02 tầng giao cho các đồng thừa kế của ông Trần Văn H là: Bà Dương Thị Bích T, bà Trần Thị T, Trần Văn Đ, Trần Văn T, Trần Thị Bích T, Trần Thị Bích H, Trần Văn V, Trần Văn Q sở hữu. |
95 |
LINK TẢI PDF: Tổng hợp 08 bản án áp dụng án lệ số 26/2018/AL để giải quyết
………………..
99 Nguyễn Hữu Thọ, Quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng
Luật sư tại Huế:
56A Điện Biên Phủ, phường Phường Đúc, thành phố Huế, Thừa Thiên Huế
Luật sư tại TP. Hồ Chí Minh:
122 Đinh Bộ Lĩnh, quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh
Luật sư tại Hà Nội:
Tầng 5, số 11 Ngõ 183, phố Đặng Tiến Đông, phường Trung Liệt, quận Đống Đa, Hà Nội
Luật sư tại Nghệ An:
Số 19 đường V.I Lê Nin, Nghi Phú, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An
Quốc lộ 1A, Khối 11, phường Quỳnh Xuân, Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An
Luật sư tại Gia Lai:
Số 61 Phạm Văn Đồng, thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai
Website: www.fdvn.vn www.fdvnlawfirm.vn www.diendanngheluat.vn www.tuvanphapluatdanang.com
Email: fdvnlawfirm@gmail.com luatsulecao@gmail.com
Điện thoại: 0772 096 999
Fanpage LUẬT SƯ FDVN: https://www.facebook.com/fdvnlawfirm/
Legal Service For Expat: https://www.facebook.com/fdvnlawfirmvietnam/
TỦ SÁCH NGHỀ LUẬT: https://www.facebook.com/SayMeNgheLuat/
DIỄN ĐÀN NGHỀ LUẬT: https://www.facebook.com/groups/saymengheluat/
KÊNH YOUTUBE: https://www.youtube.com/c/luatsufdvn
KÊNH TIKTOK: https://www.tiktok.com/@luatsufdvn
KÊNH TELEGRAM FDVN: https://t.me/luatsufdvn