Dân tộc Stiêng hiện có khoảng hơn 70.000 người, cư trú tập trung ở 5 huyện thuộc tỉnh Bình Phước gồm Phước Long, Bù Đăng, Bình Long, Lộc Ninh và Đồng Phú. Do cư trú ở những địa hình đa dạng và khô cằn với các điều kiện khắc nghiệt về thời tiết, địa hình, địa mạo… nên cuộc sống của người Stiêng còn nhiều khó khăn. Dân tộc Stiêng có 2 nhóm: Stiêng Bùdek (Stiêng vùng thấp) và Stiêng Bùlơ (Stiêng vùng cao). Người Stiêng Bùdek biết canh tác lúa nước và theo chế độ phụ hệ, còn người Stiêng Bùlơ trồng lúa rẫy, săn bắt thú rừng, hái lượm và theo chế độ mẫu hệ.
Làng của người Stiêng là một khoảnh đất rừng được giới hạn bằng những ranh giới cụ thể như các lối mòn, các cây cổ thụ, những tảng đá lớn, con suối, dòng sông…, ranh giới này được truyền từ đời này sang đời khác và được các làng lân cận chấp nhận. Vùng đất thuộc địa phận của làng là đất rừng thuộc quyền sở hữu của cộng đồng làng Stiêng, các thành viên của cộng đồng có quyền sử dụng phần đất rừng đã được làng phân chia theo những điều kiện nhất định.
Làng của người Stiêng được gọi là Poh hoặc Wang có từ 3 đến 5 nóc nhà với khoảng từ 40 đến 80 người sinh sống. Các Poh (Wang) của người Stiêng Bùdek có quy mô lớn hơn, với khoảng hơn 10 nóc nhà và nhiều hơn 100 người cư trú. Làng của người Stiêng là đơn vị xã hội truyền thống và duy nhất, trên làng không có một thiết chế xã hội nào khác.
Chủ làng Stiêng
Chủ làng Stiêng là người đàn ông đứng tuổi, mạnh khỏe, từng trải, có nhiều kinh nghiệm trong cuộc sống, sản xuất, là người có khả năng trong việc trình bày những vấn đề quan trọng, biết cách tranh biện để bảo vệ dân làng mỗi khi có sự tranh chấp giữa dân làng khác với dân làng mình,đặc biệt là phải có hiểu biết tốt về Luật tục Stiêng.
Việc chọn lựa chủ làng được thể hiện bởi ý chí của mọi thành viên trong làng, thông qua các buổi sinh hoạt cộng đồng như các buổi tế lễ, những lễ hội hàng năm…, cộng đồng dân cư trong làng sẽ tiến cử người chủ tế, người chủ lễ, người điều hành lễ hội và được sự đồng thuận của cộng đồng, qua nhiều thử thách, người này sẽ trở thành chủ làng.
Người chủ làng Stiêng có các nhiệm vụ như sau:
– Ghi nhớ và quản lý đất rừng thuộc địa phận làng mình, quan tâm đặc biệt đến các ranh giới, đất thổ cư, đất canh tác, đất cấm, khu vực cư trú dành cho mỗi dòng họ trong làng.
– Bàn bạc với các chủ dòng họ, các chủ gia đình trong làng để phân chia đất đai, chọn hướng để phát rẫy theo mỗi chu kỳ canh tác. Ở các vùng đất thuộc người Stiêng Bùdek, người chủ làng còn cùng với các dòng họ, các chủ gia đình trong làng chứng kiến và công nhận việc sang nhượng mua bán ruộng nước.
– Bàn bạc hoặc tập hợp dân làng để bảo vệ làng chống lại các cuộc cướp phá, xâm lấn khác.
– Cùng với các già làng, các chủ dòng họ, hợp thành cơ cấu quản lý truyền thống của làng Stiêng, chủ tọa các phiên xét xử do Luật tục Stiêng quy định.
– Thay mặt dân làng trong việc quan hệ với các làng kế cận hoặc quan hệ với chính quyền khi cần.
Người chủ làng Stiêng phải hoàn thành tốt các nhiệm vụ trên đây, nếu không, dân làng sẽ không còn tín nhiệm, có thể dẫn đến việc phế truất và sẽ bị đưa ra xét xử khi vi phạm Luật tục.
Tòa án làng Stiêng
Một điểm son trong việc thực hành Luật tục của người Stiêng đó là việc Tòa án làng Stiêng được thành lập và hoạt động từ năm 1943 theo Sắc lệnh số 1369 ngày 17/5/1943 và Nghị định ngày 15/7/1943 của chính quyền thuộc địa Pháp ở Đông Dương, ban hành theo quy chế pháp lý đặc biệt dành cho việc giải quyết và xét xử những vụ tranh chấp nội bộ người thiểu số ở Đông Dương.
Tòa án làng Stiêng là tòa án cấp cơ sở theo hệ thống hành chính lúc bấy giờ, từ hình thức tổ chức tòa án, việc xét xử và cơ sở pháp lý để tòa án hoạt động đều áp dụng theo tiền lệ pháp (như án lệ ngày nay)kết hợp với một số nội dung quan trọng của Luật tục. Đến năm 1951, các tòa án làng được đổi tên thành tòa án phong tục Thượng.
Mỗi làng Stiêng đều có một tòaán làng do chủ làng và hai già làng phụ trách, được xét xử một lần đối với những tranh chấp về dân sự, thương mại…Vụ việc dù nhỏ hay lớn, khi đưa đến tòa án làng đều phải qua thủ tục hòa giải, các bên tranh chấp phải trình bày sự việc với chủ làng và hai già làng, chủ làng là người chủ trì phiên hòa giải. Việc hòa giải được công nhận dựa trên những quy định của Luật tục. Trường hợp hòa giải không thành, chủ làng sẽ đưa vụ án ra xét xử tại tòa án làng theo quy định của Luật tục.
Trong quá trình xét xử những vụ tranh chấp hoặc vi phạm Luật tục Stiêng, dù là người chủ trì phiên xét xử, chủ làng chỉ ngồi nghe các bên tham dựphiên tòa trình bày sự việc. Hai già làng có nhiệm vụ giải thích, xem xét sự việc, tranh biện với các bên đương sựvà trình bày một cách tổng quát, trung thực về nội dung sự việc, về những phong tục tập quán, những vụ án tương tự đã được xét xử trước đây – có sự tương đồng với vụ tranh chấp hoặc vụ án vi phạm Luật tục, trên cơ sở đó họ đề nghị phương án giải quyết, hoặc đề nghị về tội danh và mức hình phạt. Chủ làng tiếp tục nghe các bên trình bày sự việc vàtranh cãi với hai già làng. Người dân tham dự phiên tòacũng có quyền nêu ý kiến để làm rõ thêm về nội dung vụ việc.
Sau khi đã nghe, ghi nhận các ý kiến do các bên và do người dân trình bày,nghe hai già làng tranh biện và tóm tắt sự việc cùng với các đề xuất, nhận thấy đã có đủ chứng lý để giải quyết vụ việc, chủ làng sẽ nhân danh tòa án để tuyên án theo quy định sau:
– Tuyên án chung thẩm đối với những vụ việc mà hình phạt là một sự đền bù có giá trị bằng hay dưới 5 đồng bạc (đồng bạc Đông Dương thời ấy).
– Tuyên án sơ thẩm đối với những vụ việc có hình phạt với mức đền bù đến hơn 5 đồng bạc hoặc một hình phạt tù.
Ngoài án chung thẩm về hình phạt có mức đền bù dưới 5 đồng bạc, nếu những vụ xét xử hòa giải mà các bên không chấp nhận việc hòa giải đó, họ có quyền khiếu nại đến tòa án cấp cao hơn – là tòa án được uỷ nhiệm, xét xử lại. Thời hạn để khiếu nại đến tòa án được uỷ nhiệm là 10 ngày kể từ ngày tòa án làng tuyên án.
Nếu sau 10 ngày mà không có sự khiếu nại nào đối với việc tuyên án, bản án đương nhiên có hiệu lực và sẽ được thi hành theo mệnh lệnh của chủ làng.
Trường hợp các bên tranh chấp có khiếu nại việc xét xử của tòa án làng Stiêng lên tòa án được uỷ nhiệm, nhưngtòa án này không thông báo xét xử lại sau 10 ngày, thì bản án của tòa án làng đương nhiên có hiệu lực và được thi hành bằng lệnh của chủ làng.
Sau phiên xét xử, các phán quyết của tòa án làng Stiêng đều phải được trình lên ủy viên hành chính địa hương để kiểm tra trong thời hạn gần nhất.
Đối với các vụ trọng án, là những vụ án mà người thực hiện hành vi phạm tội đã phạm vào tội đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trong vùng dân tộc Stiêng, thì phải được tòa án cấp tỉnh xét xử, nhưng phải có 2 già làng người Stiêng có am hiểu Luật tục tham gia làm hội thẩm.
Mặc dù vào những năm 1940 của thế kỷ trước, tức là giai đoạn mà pháp luật của một quốc gia đang còn rất mơ hồ, thì việc thành lập tòa án làng Stiêng – sau này là tòa án phong tục Stiêng, với việc người chủ tọa phiên tòa chỉ ngồi nghe các bên tranh luận, và cuối cùng, chủ tọa phán quyết trên cơ sở sự tranh luận ấy, thì đó quả là một điểm son của Luật tục người Stiêng.
LS. TẠ QUANG TÒNG
NGUỒN: TẠP CHÍ LUẬT SƯ ĐIỆN TỬ – LSVN.VN