Feel free to go with the truth

Trang chủ / Nghiên cứu học tập / Tin tức: Sự đúng đắn và công bằng trong câu chuyện thu phí tham quan đảo Lý Sơn

Tin tức: Sự đúng đắn và công bằng trong câu chuyện thu phí tham quan đảo Lý Sơn

HĐND tỉnh Quảng Ngãi đã ra nghị quyết thu phí đối với du khách đến tham quan đảo Lý Sơn. Việc này nhận được nhiều ý kiến trái chiều và đến nay chính quyền tỉnh vẫn đang bàn thảo cách thu.

Tại kỳ họp thứ 15 diễn ra vào sáng 10/7, Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ngãi đã thông qua nghị quyết quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí tham quan trên địa bàn huyện Lý Sơn.

Theo đó, phí tham quan là 70.000 đồng/người/lượt khi đến đảo Lớn và 30.000 đồng/người/lượt khi tham quan tại đảo Bé.

Theo nội dung tờ tình, các đối tượng được miễn phí theo nghị quyết này gồm trẻ em dưới 6 tuổi, người khuyết tật đặc biệt nặng, người dân huyện Lý Sơn (có hộ khẩu thường trú, đang sinh sống tại Lý Sơn), người đang công tác và làm việc trên địa bàn huyện Lý Sơn.

Việc thông qua nghị quyết này của HĐND tỉnh Quảng Ngãi nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Có luồng ý kiến ủng hộ; tuy nhiên cũng có luồng ý kiến cho rằng việc triển khai thu phí sẽ ảnh hưởng đến lượng khách du lịch đến với đảo, việc triển khai thu sẽ ảnh hưởng đến những người là con em Lý Sơn đang công tác, sinh sống xa quê…

Việc Quảng Ngãi ra nghị quyết thu phí tham quan đảo Lý Sơn gây nhiều dư luận trái chiều

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Văn Ninh, Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn cho hay: “HĐND tỉnh đã thông qua nghị quyết thu tuy nhiên về phương thức thu thì UBND tỉnh chưa có chỉ đạo cụ thể. Theo nghị quyết của HĐND tỉnh, giao UBND tỉnh phối hợp với các sở ngành và huyện Lý Sơn xây dựng phương thức thu cụ thể, nhưng hiện nay chưa có ý kiến của UBND tỉnh nên chưa bàn thống nhất được cách thu như thế nào”.

PNO đã có trao đổi với đại biểu Quốc hội Nguyễn Bá Sơn – Ủy viên Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng về nghị quyết này.

Ông Sơn phân tích: “Người ta đang nhìn chủ thể Lý Sơn với tư cách là một huyện đảo; nhưng thực tế đặc điểm của Lý Sơn là một chủ thể với 3 yếu tố, vừa là huyện đảo tiền tiêu, vừa là danh lam thắng cảnh, thứ ba nữa nó là một khu vực có nhiều di tích lịch sử quốc gia có giá trị”.

Về di tích lịch sử thì địa phương phải có trách nhiệm bảo tồn. Và đối với danh lam thắng cảnh tự nhiên được công nhận thì cũng phải có kế hoạch để bảo tồn, bảo vệ và phát huy.

Thế thì nhìn theo 3 yếu tố trong một chủ thể như đảo Lý Sơn thì việc thu phí là cần thiết để có kinh phí thực hiện, thứ hai là nhiệm vụ bảo tồn, thứ ba là thông qua đó để thực hiện việc quản lý nhà nước về việc kiểm soát lượng du khách ra đảo tiền tiêu, bảo đảm an ninh quốc phòng.

“Do đó, nên ủng hộ cho Quảng Ngãi làm việc thu phí đó. Tuy nhiên, vấn đề là làm sao tổ chức triển khai thực hiện cho đúng đắn và công bằng như tinh thần nghị quyết của HĐND, đó mới là câu chuyện”, ông Sơn nói.

Cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch ở Lý Sơn vẫn rất yếu kém

“Bây giờ du khách thì dễ kiểm soát được, cán bộ chiến sĩ cũng dễ. Nhưng làm sao việc đó không ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân ở huyện đảo đó, đặc biệt họ là người ở đó họ đi làm ăn chỗ này chỗ khác hàng tuần đi đi về về thì làm sao đừng để ảnh hưởng đến quyền và các lợi ích của người dân huyện đảo. Cái này phải nghiên cứu, nó nằm ở khâu tổ chức thực hiện”.

“Cái làm cho dư luận không bằng lòng và dễ gây bức xúc nằm ở khâu tổ chức triển khai thực hiện là chính. Nên liên quan đến Lý Sơn, quan điểm của tôi là ủng hộ quyết định của HĐND tỉnh Quảng Ngãi vừa rồi. Cái thứ hai là Lý Sơn cũng phải quan tâm nghiên cứu phương thức quản lý khi triển khai việc thu phí này”, đại biểu Nguyễn Bá Sơn chia sẻ.

Cũng bàn thêm về việc thu phí, luật sư Lê Cao (Công ty Luật FDVN, Đoàn Luật sư TP. Đà Nẵng) phân tích: “Việc thu phí đối với du khách tham quan thắng cảnh hiện nay cần được xem xét có phù hợp với Luật phí, lệ phí 2015 hay không; bởi lẽ phí là khoản thu để bù đắp cho chi phí mà cơ quan nhà nước bỏ ra để chi cho dịch vụ công cung cấp cho người dân sử dụng dịch vụ công. Vậy giá trị thắng cảnh như biển đảo tự nhiên là tài sản chung của quốc gia, nó là giá trị thiên nhiên chung thì có phải là một dịch vụ công để thu phí hay không?”.

“Nếu ở các công trình văn hóa, công trình lịch sử mà cần có sự đầu tư của con người vật lực để gìn giữ duy trì, thu một khoản phí để bù đắp cho chi phí bỏ ra thì được, còn nếu người dân bước chân ra một hòn đảo mà chặn họ lấy phí thì rõ ràng khó thuyết phục”.

Lý Sơn vẫn là địa điểm du lịch thu hút khách tham quan, có tiềm năng kinh tế rất cao

Theo luật sư Cao: “Chúng ta có các cơ chế khác nhau để bảo vệ môi trường bằng pháp luật, chúng ta có các nguồn thu từ thuế của hoạt động kinh doanh phục vụ khách du lịch ở đảo – là nguồn thu lớn để đầu tư lại cho đảo. Còn nếu người dân ra ngắm biển ngắm trời mà phải bỏ tiền ra thì khắp nơi như Đà Lạt, Hạ Long, Phú Quốc… cứ đến ngắm cảnh phải trả tiền thì sẽ bóp ngạt du lịch. Các nguồn thu từ thuế thông qua hoạt động cung cấp dịch vụ cho du khách mới là nguồn thu cần quan tâm để kích hoạt các điểm du lịch phát triển hơn. Nếu thu phí khô cứng mà không đúng bản chất của phí sẽ dễ làm du khách nản lòng. Tư duy lập chốt thu tiền sẽ luôn là kiểu tư duy cấm cản, hạn chế phát triển”.

Trả lời về việc này, ông Lê Văn Ninh – Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn cho hay: “Việc thu nhiều vấn đề nên cần bàn kỹ. Trước khi trình UBND tỉnh để trình ra HĐND biểu quyết thì chúng tôi đã có xây dựng phương án thu nhưng do HĐND tỉnh chưa thống nhất toàn bộ phương án trình nên hiện vẫn đang tiếp tục nghiên cứu”.

“Mục đích của huyện là mong muốn du khách cùng chung tay để có nguồn kinh phí chứ kinh phí của địa phương không đủ. Huyện sẽ tích cực quản lý sử dụng đúng mục đích nguồn thu phí để đầu tư xây dựng hạ tầng về du lịch, tôn tạo di tích, xử lý môi trường, đảm bảo nguồn nước phục vụ khách du lịch và người dân”, ông Ninh nói.

Lý Sơn là huyện đảo phía đông bắc bờ biển Quảng Ngãi bao gồm các đảo: hòn Lớn, hòn Bé và hòn Mù Cu nằm cách đất liền 15 hải lý. Đảo có diện tích tự nhiên khoảng 10,32km2, dân số hơn 22 ngàn người (theo thống kê năm 2018). Huyện Lý Sơn có 3 xã An Vĩnh, An Hải, An Bình, cư dân sinh sống chủ yếu bằng nghề nông, ngư nghiệp và thương mại, dịch vụ.

Tính đến nay, trên địa bàn huyện Lý Sơn có 24 di tích được xếp hạng trong đó có 4 di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia và 19 di tích cấp tỉnh, 1 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (Lễ hội khao lề thế lính Hoàng Sa) với nhiều thắng cảnh thiên nhiên độc đáo.

Theo: Hoàng Thanh Nhân

Xem thêm:

Bế mạc kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV

Quốc hội quyết định: ‘Cấm tiệt’ rượu, bia khi lái xe


Luật sư tại Đà Nẵng

99 Nguyễn Hữu Thọ, Quân Hải Châu, thành phố Đà Nẵng

Luật sư tại Huế: 

336 Phan Chu Trinh, thành phố Huế, Thừa Thiên Huế

Luật sư tại Phú Quốc:

65 Hùng Vương, thị trấn Dương Đông, huyện đảo Phú Quốc.

Website: www.fdvn.vn    www.tuvanphapluatdanang.com

Email: fdvnlawfirm@gmail.com    luatsulecao@gmail.com

Điện thoại: 0935 643 666    –  0906 499 446

Fanpage: https://www.facebook.com/fdvnlawfirm/

Bài viết liên quan