Feel free to go with the truth

Trang chủ / Tư vấn pháp luật / THUẾ GIÁ TRỊ GIA TĂNG

THUẾ GIÁ TRỊ GIA TĂNG

(Từ điển Luật học trang 737, 738)
——————————————————-
Thuế thu trên phần giá trị tăng thêm của hàng hóa, dịch vụ phát sinh trong quá trình từ sản xuất, lưu thông đến tiêu dùng.
Phương thức thu thuế đối với phần giá trị tăng thêm của hàng hóa được áp dụng đầu tiên ở Pháp vào năm 1954. Từ năm 1968, Pháp mở rộng diện áp dụng loại thuế này đối với dịch vụ. Do có ưu thuế là việc thu thuế không gây ra tình trạng đánh thuế trùng lặp nên thuế giá trị gia tăng (Tiếng Anh là Value Added Tax – Viết tắt: VAT) ngày càng nhiều được nước áp dụng. Năm 1977, Cộng đồng Châu Âu ra Nghị quyết số 06 về hoàn thiện cơ chế thu thuế giá trị gia tăng và xem việc áp dụng nó là điều kiện để gia nhập cộng đồng. Trong cơ chế kinh tế kế hoạch hóa tập trung, các nước xã hội chủ nghĩa không áp dụng loại thuế này. Hiện nay, trên thế giới có hơn 100 nước áp dụng thuế giá trị gia tăng. Các nước xã hội chủ nghĩa trước đây cũng triển khai áp dụng loại thuế này (Liên bang Nga tháng 01.1992; Bungari tháng 4.1994; Cộng hòa Séc tháng 1.1993; Mông cổ tháng 5.1993; Ucaina tháng 01.1992…).
Từ cuối những năm 80 của thế kỉ XX ở Việt Nam đã triển khai nghiên cứu việc áp dụng thuế giá trị gia tăng. Để khắc phục được nhược điểm của chế độ thuế doanh thu, ngày 10.5.1997, Quốc hội khóa IX tại kỳ họp thứ 11 đã thông qua Luật thuế giá trị gia tăng, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01.01.1999. Từ đó, thuế giá trị gia tăng được áp dụng thay thế doanh thu.
Về bản chất kinh tế, thuế giá trị gia tăng là thuế gián thu. Khác với thuế doanh thu, thuế giá trị gia tăng được thu trên phần giá trị tăng thêm của hàng hóa, dịch vụ. Phần giá trị tăng thêm (gia tăng) của hàng hóa, dịch vụ phát sinh trong quá trình từ sản xuất, lưu thông đến tiêu dùng là phần chênh lệch lớn hơn giữa giá đầu ra với giá trị đầu vào (giá bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ). Giá đầu vào và giá đầu ra được xác định theo phương thức mà pháp luật quy định.
Hàng hóa, dịch vụ thuộc diện chịu thuế giá trị gia tăng là hàng hóa, dịch vụ dùng cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng ở Việt Nam (trừ các hàng hóa được quy định như sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản chưa qua chế biến, sản phẩm muối…).
Căn cứ tính thuế giá trị gia tăng là giá tính thuế và thuế suất. Gía tính thuế giá trị gia tăng được pháp luật quy định cụ thể phương thức xác định.
Việc tính thuế giá trị gia tăng được thực hiện theo hai phương thức: phương thức khấu trừ thuế và phương pháp tính thuế trực tiếp trên giá trị gia tăng.

Bài viết liên quan