Feel free to go with the truth

Trang chủ / BÀI VIẾT & ẤN PHẨM CỦA FDVN / THỰC TIỄN ÁP DỤNG QUY ĐỊNH VỀ THẨM QUYỀN GIẢI QUYẾT VIỆC XÁC ĐỊNH CHA, MẸ, CON

THỰC TIỄN ÁP DỤNG QUY ĐỊNH VỀ THẨM QUYỀN GIẢI QUYẾT VIỆC XÁC ĐỊNH CHA, MẸ, CON

Quyền xác định quan hệ cha, mẹ, con là một trong những quyền nhân trong quan hệ về hôn nhân, gia đình gắn liền với mỗi cá nhân, không thể chuyển giao cho người khác và được pháp luật Việt Nam bảo vệ[1]. Việc xác định cha, mẹ, con rất quan trọng bởi nó sẽ làm phát sinh thêm nhiều mối quan hệ khác như nuôi dưỡng, cấp dưỡng, thừa kế… Việc xác định cha, mẹ con trên thực tế không chỉ là con chung trong thời kỳ hôn nhân mà còn có trường hợp con chung giữa những người không có quan hệ hôn nhân. Khi đó, không chỉ đương nhiên tiến hành một thủ tục đơn giản, mà quy trình thủ tục buộc phải được thực hiện kỹ lưỡng bởi cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật. Nhưng không ít lần người dân cũng như cơ quan nhà nước phải túng túng trong việc xác định thẩm quyền để giải quyết việc xác định cha, mẹ, con.

Bài viết này nhằm nêu lên thực tiễn việc áp dụng quy định về thẩm quyền giải quyết việc xác định cha, mẹ, con thông qua hoạt động thực tiễn hỗ trợ pháp lý cho các trường hợp từ thực tế. Từ đó, có thể rút ra những vấn đề pháp lý liên quan đến thẩm quyền, liên quan đến vấn đề xác định tư cách tham gia tố tụng của các bên khi giải quyết việc xác định cha, mẹ, con.

I. QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT VIỆT NAM HIỆN HÀNH VỀ THẨM QUYỀN GIẢI QUYẾT VIỆC XÁC ĐỊNH CHA, MẸ, CON

Theo quy định tại Điều 101 của Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 thì thẩm quyền giải quyết việc xác định cha, mẹ, con được phân chia cho hai cơ quan:

Một là, Cơ quan đăng ký hộ tịch[2], cụ thể Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của người nhận hoặc người được nhận là cha, mẹ, con thực hiện đăng ký nhận cha, mẹ, con[3] trong trường hợp không có tranh chấp.

Hai là, Tòa án có thẩm quyền[4] giải quyết việc xác định cha, mẹ, con trong trường hợp:

  • Có tranh chấp;
  • Người được yêu cầu xác định là cha, mẹ, con đã chết;
  • Có yêu cầu về việc xác định cha, mẹ, con mà người có yêu cầu chết thì người thân thích của người này có quyền yêu cầu Tòa án xác định cha, mẹ, con cho người yêu cầu đã chết;
  • Người không được nhận là cha, mẹ của một người có thể yêu cầu Tòa án xác định người đó là con mình;
  • Người được nhận là cha, mẹ của một người có thể yêu cầu Tòa án xác định người đó không phải là con mình.

Mặt khác, Điều 28 và Điều 29 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 có quy định về thẩm quyền theo vụ việc của Tòa án, trong đó:

  • Tranh chấp về xác định cha, mẹ cho con hoặc xác định con cho cha, mẹ” là một trong những tranh chấp về hôn nhân gia đình thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án; và
  • Yêu cầu xác định cha, mẹ cho con hoặc con cho cha, mẹ theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình” là một trong những yêu cầu về hôn nhân và gia đình thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.

Mới đây nhất, khi Bộ Tư pháp ban hành Thông tư 04/2020/TT-BTP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật hộ tịch và Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015, có hiệu lực từ ngày 16/07/2020 thì có quy định tại Điều 16 về việc đăng ký nhận cha, mẹ, con, bổ sung hộ tịch trong một số trường hợp đặc biệt, trong đó có nội dung như sau:

“Trường hợp con do người vợ sinh ra hoặc có thai trong thời kỳ hôn nhân nhưng vợ hoặc chồng không thừa nhận là con chung hoặc người khác muốn nhận con thì do Tòa án nhân dân xác định theo quy định pháp luật.

Trường hợp Tòa án nhân dân từ chối giải quyết thì cơ quan đăng ký hộ tịch tiếp nhận, giải quyết yêu cầu đăng ký khai sinh cho trẻ em chưa xác định được cha hoặc đăng ký nhận cha, con, hồ sơ phải có văn bản từ chối giải quyết của Tòa án và chứng cứ chứng minh quan hệ cha, con theo quy định tại khoản 1 Điều 14 của Thông tư này.”

Như vậy, thông tư này đã quy định rõ thêm về một trường hợp thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án là “trường hợp con do người vợ sinh ra hoặc có thai trong thời kỳ hôn nhân nhưng vợ hoặc chồng không thừa nhận là con chung hoặc người khác muốn nhận con” nhưng thẩm quyền lại có thể chuyển qua cơ quan đăng ký hộ tịch nếu như Tòa án từ chối giải quyết.

II. MỘT SỐ VẤN ĐỀ PHÁP LÝ ĐẶT RA LIÊN QUAN ĐẾN THẨM QUYỀN GIẢI QUYẾT VIỆC XÁC ĐỊNH CHA, MẸ, CON.

1. Thế nào là tranh chấp trong xác định quan hệ cha, mẹ, con?

Cho đến hiện tại, vẫn chưa có văn bản nào quy định khái niệm “có tranh chấp” trong việc xác định cha, mẹ, con. Dẫn đến Cơ quan hộ tịch và Tòa án ở nhiều nơi vẫn còn lúng túng trong việc xác định thẩm quyền để giải quyết khi được yêu cầu.

Để hiểu hơn về sự lúng túng này, chúng ta có thể tìm hiểu tình huống pháp lý từ một vụ việc thực tế như sau:

Do cuộc sống hôn nhân giữa chị Phan Thị Thanh T và chồng hợp pháp là anh Dương Văn H không hạnh phúc nên từ năm 2010, vợ chồng anh chị đã sống ly thân. Sau một thời gian quan hệ tình cảm với anh Vũ Trung TH, chị T có thai và sinh con tại Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng vào ngày 09/6/2014 tên dự sinh của cháu là Vũ Hải PH. Giữa chị T và chồng cũ vẫn chưa làm thủ tục ly hôn.

Đã rất nhiều lần anh TH và chị T đến Ủy ban nhân dân phường nơi chị H cư trú để làm Giấy khai sinh cho con mang họ của anh TH nhưng không được vì cán bộ địa chính hướng dẫn anh, chị phải khởi kiện ra Tòa án để được giải quyết vì đây là trường hợp có tranh chấp. Không am hiểu quy định của pháp luật cũng như không muốn khởi kiện ra Tòa án vì cho rằng giữa anh chị không có tranh chấp gì về con, hai người đều đồng nhất việc cháu PH là con chung của anh chị, còn anh H thì không có ý kiến gì. Đến tháng 2 năm 2020, anh Vũ Trung TH đã phải khởi kiện đến Tòa án để có căn cứ làm giấy khai sinh cho con đi học.

Đến ngày 03/03/2020, Tòa án nhân dân quận H.A, thành phố Hải Phòng thụ lý vụ án “tranh chấp xác định cha” trong đó tư cách đương sự được xác định như sau[5]:

  • Nguyên đơn: Anh Vũ Trung TH;
  • Bị đơn: Chị Phan Thị Thanh T;
  • Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan: Anh Dương Văn H.

Xét vụ việc giữa anh Vũ Trung TH và chị Phan Thị Thanh T nêu trên thì Tòa án nhân dân huyện HA, thành phố Hải Phòng xác định anh TH là nguyên đơn còn chị T là bị đơn và đối chiếu theo quy định của Điều 68 của Bộ luật tố tụng dân sự 2015 thì đương sự trong vụ án dân sự là cơ quan, tổ chức, cá nhân bao gồm nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, trong đó:

  • Nguyên đơn trong vụ án dân sự là người khởi kiện, người được cơ quan, tổ chức, cá nhân khác do Bộ luật này quy định khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự khi cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của người đó bị xâm phạm.
  • Bị đơn trong vụ án dân sự là người bị nguyên đơn khởi kiện hoặc bị cơ quan, tổ chức, cá nhân khác do Bộ luật này quy định khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự khi cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn bị người đó xâm phạm.

Như vậy, việc xác định tư cách đương sự của Tòa án nhân dân quận HA, thành phố Hải Phòng thì có thể hiểu theo tinh thần của Điều 68 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 như sau“anh Vũ Trung Th khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết khi cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của anh TH bị chị Phan Thị Thanh T xâm phạm”. Nhưng trên thực tế, anh TH không muốn khởi kiện vì quyền và lợi ích của anh TH không bị xâm phạm bởi chị T, ngược lại chị T còn đồng thuận với việc xác định cháu PH là con chung giữa anh, chị. Tại sao Tòa án nhân có thẩm quyền không xác định bị đơn là anh Dương Văn H (chồng hợp pháp của chị T) bởi mục đích của việc khởi kiện là xác định ai là cha của đứa trẻ.

Tình huống trên đặt ra vấn đề là cần phải xác định như thế nào là “có tranh chấp” để từ đó xác định được thẩm quyền giải quyết thuộc cơ quan nào, đồng thời đảm bảo được sự thống nhất trong các văn bản quy phạm pháp luật hơn nữa khi áp dụng vào thực tiễn tránh được sự bất cập, lúng túng khi không thực sự rõ ràng trong các xác định tư cách tham gia tố tụng, tư cách xác lập quan hệ pháp lý giữa các bên với nhau.

2. Việc xác định cha, mẹ, con không có tranh chấp sẽ thuộc thẩm quyền của Tòa án đối với yêu cầu giải quyết bằng một vụ việc hay thuộc thẩm quyền của Cơ quan hộ tịch?

Như đã viện dẫn về thẩm quyền xác định cha mẹ con ở Phần 1 nêu trên thì Bộ luật tố tụng dân sự 2015 xác định “yêu cầu xác định cha, mẹ cho con hoặc con cho cha, mẹ theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình” là việc dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án. Và chắc chắn những yêu cầu này phải là những yêu cầu không có tranh chấp bởi việc dân sự được hiểu là việc cơ quan, tổ chức, cá nhân không có tranh chấp, nhưng có yêu cầu Tòa án công nhận hoặc không công nhận một sự kiện pháp lý[6].

Theo quy định Luật hôn nhân gia đình 2014 thì trường hợp việc xác định cha, mẹ, con không có tranh chấp sẽ thuộc thẩm quyền của Cơ quan đăng ký hộ tịch. Và Bộ luật tố tụng dân sự 2015 cũng quy định việc Tòa án nhân dân có thẩm quyền giải quyết việc dân sự về yêu cầu xác định cha, mẹ, con theo quy định của pháp luật hôn nhân gia đình. Do đó, thẩm quyền giải quyết đối với việc xác định cha, mẹ, con đang ở hai cơ quan là:

  • Cơ quan đăng ký hộ tịch bằng cách ghi vào sổ hộ tịch và cấp trích lục cho người yêu cầu;[7]
  • Tòa án nhân dân có thẩm quyền bằng cách giải quyết một vụ việc dân sự, sau đó gửi quyết định giải quyết việc dân sự này cho cơ quan đăng ký hộ tịch và cấp trích lục cho người yêu cầu[8].

Kết quả cuối cùng của việc xác nhận cha, mẹ, con không có tranh chấp là cơ quan đăng ký hộ tịch ghi vào sổ hộ tịch và cấp trích lục cho người yêu cầu.

Vậy nên lựa chọn Cơ quan đăng ký hộ tịch hay Tòa án nhân dân để giải quyết?

Việc trao quyền cho hai cơ quan giải quyết thủ tục xác định cha, mẹ, con có thể giúp ngành Tòa án nhân dân giảm tải đi một phần khối lượng vụ việc nhưng thủ tục, cơ chế giải quyết việc xác định cha, mẹ, con ở Tòa án nhân dân có rất nhiều điểm khác so với ở Cơ quan đăng ký hộ tịch, cụ thể:

  • Về đơn yêu cầu:
  1. Khi nộp tại Tòa án nhân dân thì người yêu cầu phải nộp đơn có các nội dung theo quy định và nêu rõ yêu cầu Tòa án giải quyết và lý do, mục đích, căn cứ của việc yêu cầu Tòa án giải quyết việc dân sự. Kèm theo đơn yêu cầu, người yêu cầu phải gửi tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp.[9] Chứng cứ trong vụ việc dân sự là những gì có thật được đương sự và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác giao nộp, xuất trình cho Tòa án trong quá trình tố tụng hoặc do Tòa án thu thập được theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và được Tòa án sử dụng làm căn cứ để xác định các tình tiết khách quan của vụ án cũng như xác định yêu cầu hay sự phản đối của đương sự là có căn cứ và hợp pháp.[10]
  2. Khi nộp tại Cơ quan đăng ký hộ tịch thì người yêu cầu phải nộp tờ khai theo mẫu quy định và chứng cứ chứng minh quan hệ cha con hoặc mẹ con cho cơ quan đăng ký hộ tịch. Chứng cứ chứng minh là văn bản của cơ quan y tế, cơ quan giám định hoặc cơ quan, tổ chức khác có thẩm quyền ở trong nước hoặc nước ngoài xác nhận quan hệ cha con, quan hệ mẹ con. Trường hợp không có chứng cứ chứng minh quan hệ cha, mẹ, con thì các bên nhận cha, mẹ, con lập văn bản cam đoan về mối quan hệ cha, mẹ, con, có ít nhất hai người làm chứng về mối quan hệ cha, mẹ, con.[11]

Như vậy, điều khác biệt đầu tiên có thể thấy là Tòa án nhân dân chỉ chấp nhận các tài liệu chứng cứ có thật để sử dụng làm căn cứ xác định yêu cầu của đương sự là có căn cứ và hợp pháp còn tại Cơ quan đăng ký hộ tịch thì người yêu cầu có thể tự cam đoan về mối quan hệ cha, mẹ, con khi không có chứng cứ chứng minh. Rõ ràng, việc giải quyết việc dân sự đối với yêu cầu xác định cha, mẹ, con tại Tòa án nhân dân có sự khách quan hơn so với tại Cơ quan đăng ký hộ tịch, bởi việc cam đoan xuất phát từ ý chí của người yêu cầu và không phản ánh rõ được quan hệ huyến thống, trường hợp Công chức tư pháp hộ tịch đi xác minh thì cũng có những hạn chế nhất định bởi cha, mẹ, con theo huyết thống được phản ánh rõ nhất bằng văn bản của cơ quan y tế, cơ quan giám định.

  • Về trình tự giải quyết:
  1. Tòa án nhân dân phải trải qua các trình tự thực hiện giải quyết việc dân sự sơ thẩm theo quy định của Bộ luật tố tụng 2015 như sau: nhận và xử lý đơn yêu cầu, thông báo thụ lý đơn yêu cầu, mở phiên họp giải quyết việc dân sự.[12]
  2. Cơ quan đăng ký hộ tịch trải qua các trình tự thực hiện thủ tục đăng ký nhận cha, mẹ, con:  Tiếp nhận hồ sơ, Công chức tư pháp đi xác minh nếu cần thiết, nếu là đúng và không có tranh chấp, công chức tư pháp – hộ tịch ghi vào Sổ hộ tịch báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã cấp trích lục cho người yêu cầu.[13]

Trình tự thực hiện của Tòa án nhân dân cũng nhiều hơn tại Cơ quan đăng ký hộ tịch.

  • Thời gian giải quyết:
  1. Tòa án nhân dân giải quyết việc dân sự ít nhất 1 tháng 23 ngày trong đó: có 23 ngày để chờ Tòa án thụ lý giải quyết đơn yêu cầu và 1 tháng là thời hạn chuẩn bị xét đơn.
  2. Cơ quan đăng ký hộ tịch giải quyết yêu cầu trong 03 ngày, kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ, trường hợp cần xác minh thì kéo dài thêm không quá 05 ngày.

Thời gian đăng ký nhận cha, mẹ, con thực hiện ở Cơ quan đăng ký hộ tịch ít hơn so với thời gian Tòa án nhân dân thực hiện thủ tục giải quyết việc xác định cha, mẹ, con.

  • Lệ phí:
  1. Giải quyết tại Tòa án nhân dân người yêu cầu phải nộp lệ phí sơ thẩm là 300.000 đồng;
  2. Giải quyết tại Cơ quan đăng ký hộ tịch thì mức lệ phí mà người yêu cầu phải nộp căn cứ điều kiện kinh tế – xã hội tại địa phương nơi phát sinh hoạt động cung cấp dịch vụ, thu phí, lệ phí, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định mức thu phí, lệ phí phù hợp.

Mức lệ phí thực hiện thủ tục xác định cha, mẹ, con ở các địa phương hầu như thấp hơn mức lệ phí giải quyết tại Tòa án nhân dân.

Nhận thấy rằng, Tòa án nhân dân và Cơ quan đăng ký hộ tịch đều có quyền giải quyết đối với yêu cầu xác định cha, mẹ, con không có tranh chấp, trừ những trường hợp mà Luật hôn nhân và gia đình quy định phải do Tòa án nhân dân xác định. Nhưng ở hai cơ quan này, trình tự, thủ tục, hướng giải quyết, thời hạn và lệ phí đều khác nhau nhưng kết quả đều được ghi vào Sổ hộ tịch tại Cơ quan đăng ký hộ tịch và cấp trích lục cho người yêu cầu.

Giả sử, nếu tôi là người có yêu cầu xác định cha, mẹ, con không có tranh chấp thì tôi sẽ lựa chọn Cơ quan đăng ký hộ tịch để giải quyết bởi lẽ thủ tục đơn giản, thời gian giải quyết nhanh, lệ phí ít và đỡ tốn kém thời gian hơn so với việc yêu cầu Tòa án giải quyết bằng vụ việc. Thiết nghĩ rằng, việc xác định cha, mẹ, con không có tranh chấp (trừ những trường đã được ấn định là Tòa án nhân dân giải quyết) thì nên để Cơ quan đăng ký hộ tịch là cơ quan có thẩm quyền thực hiện, nhưng để đảm bảo khách quan hơn thì quy định về việc “cam đoan mối quan hệ cha, mẹ, con của người yêu cầu” nên bãi bỏ để tránh những hậu quả, sai sót phát sinh không đáng có về sau và cũng là để đảm bảo quyền nhân thân cho người yêu cầu cũng như người được yêu cầu.

3. Tòa án được quyền từ chối giải quyết việc xác định cha, mẹ, con khi nào?

Trước khi Thông tư 04/2020/TT-BTP có hiệu lực thì thực tế có nhiều trường hợp thuộc diện “Người không được nhận là cha, mẹ của một người muốn xác định người đó là con mình” hoặc “Người được nhận là cha, mẹ của một người muốn xác định người đó là con mình” có yêu cầu xác định cha, mẹ, con thông qua thủ tục tố tụng tại Toà án theo quy định của Luật hôn nhân gia đình nhưng Tòa án từ chối giải quyết hoặc ra Quyết định đình chỉ vụ án (do không có tranh chấp). Vì vậy, ngày 06/11/2014 Cục hộ tịch, Quốc tịch, Chứng thực đã có Công văn số 5577/HTQTCT-HT về việc hướng dẫn hộ tịch, theo đó hướng dẫn Sở Tư pháp “Việc vận dụng quy định pháp luật công nhận việc nhận cha, mẹ, con phải được thực hiện chặt chẽ, bảo đảm khách quan, chính xác, tránh lợi dụng việc nhận cha, mẹ, con để nhằm mục đích vụ lợi, xuất cảnh, buôn bán người. Trong hồ sơ đề nghị công nhận việc nhận cha, mẹ, con phải có văn bản của Toà án đình chỉ giải quyết vụ án hoặc từ chối giải quyết việc nhận cha, mẹ, con do không có tranh chấp, đồng thời phải có chứng cứ chứng minh quan hệ cha, mẹ, con (kết quả xét nghiệm AND)”.

Và đến ngày 16/7/2020 khi Thông tư 04/2020/TT-BTP có hiệu lực thì đã có nội dung về trường hợp con do người vợ sinh ra hoặc có thai trong thời kỳ hôn nhân nhưng vợ hoặc chồng không thừa nhận là con chung hoặc người khác muốn nhận con thì do Tòa án nhân dân xác định theo quy định pháp luật. Trường hợp Tòa án nhân dân từ chối giải quyết thì cơ quan đăng ký hộ tịch tiếp nhận, giải quyết yêu cầu đăng ký khai sinh cho trẻ em chưa xác định được cha hoặc đăng ký nhận cha, con, hồ sơ phải có văn bản từ chối giải quyết của Tòa án và chứng cứ chứng minh quan hệ cha, con.

Thông tư nêu trên có quy định mới nhằm để bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người dân nhưng cũng có thể dẫn đến việc đùn đẩy trách nhiệm của Tòa án nhân dân qua cho Cơ quan đăng ký hộ tịch, bởi từ chối trách nhiệm của của Tòa án trong việc giải quyết yêu cầu xác định cha, mẹ, con được hiểu như thế nào cho phù hợp với quy định của pháp luật về tố tụng thì chưa rõ.

Đồng thời, việc Tòa án nhân dân từ chối giải quyết và buộc Cơ quan đăng ký hộ tịch tiếp nhận trong trường hợp này dường như đang trái với quy định của Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 khi Điều 89 có quy định về việc xác định con như sau:

“1. Người không được nhận là cha, mẹ của một người có thể yêu cầu Tòa án xác định người đó là con mình.

2. Người được nhận là cha, mẹ của một người có thể yêu cầu Tòa án xác định người đó không phải là con mình.”

Rõ ràng, đây là sự chưa đồng nhất giữa pháp luật về hộ tịch và pháp luật về hôn nhân và gia đình trong thủ tục xác định cha, mẹ, con mà các nhà lập pháp cần xem xét lại nhằm cụ thể hóa thẩm quyền của các cơ quan chức năng cũng như đảm bảo người dân thực hiện được quyền và nghĩa vụ của mình một cách thuận tiện, nhanh chóng.

III. MỘT SỐ KIẾN NGHỊ LIÊN QUAN

Thứ nhất, cơ quan lập pháp, các cơ quan có chuyên môn cần thiết ban hành văn bản để hướng dẫn, giải thích rõ “tranh chấp trong xác định cha, mẹ, con ” là như thế nào để tránh việc đùn đẩy trách nhiệm giữa các cơ quan có thẩm quyền cũng như thuận tiện cho việc cơ quan có thẩm quyền giải quyết triệt để và người dân thực hiện được quyền yêu cầu của mình.

Thứ hai, nên tạo sự thống nhất, liên kết giữa các văn bản quy pháp luật trong quy định về việc xác định cha, mẹ, con cũng như các quy định liên quan để tránh sự không đồng nhất giữa các văn bản pháp luật.

Thứ ba, nên trao quyền giải quyết các yêu cầu xác định cha, mẹ, con không tranh chấp cho Cơ quan đăng ký hộ tịch để đảm bảo sự thuận tiện, nhanh chóng, dễ dàng hơn cho người có yêu cầu nhưng cũng đảm bảo sự khách quan, đúng đắn trong tài liệu chứng cứ mà người yêu cầu có nghĩa vụ cung cấp thay vì cam đoan bằng ý chí.

NGUYỄN THỊ SƯƠNG – CÔNG TY LUẬT FDVN

[1] Theo Điều 39 Luật tố tụng dân sự số 92/2015/QH13 do Quốc hội Khóa 13 ban hành ngày 25/11/2015, có hiệu lực ngày 01/07/2016 (“Bộ luật tối tụng dân sự 2015”)

[2] Theo Khoản 1 Điều 101 Luật hôn nhân và gia đình 2014;

[3] Theo Điều 24 Luật hộ tịch số 60/2014/QH13, do Quốc hội Khóa 13 ban hành, có hiệu lực ngày 01/01/2016 (“Luật hộ tịch 2014”)

[4] Theo Khoản 2 Điều 101, Điều 92 và Điều 89 Luật hôn nhân và gia đình 2014;

[5] Trích Bản án số 17/2020/HNGĐ-ST ngày 10-6-2020 về việc tranh chấp xác định cha của Tòa án nhân dân Quận Hải An, thành phố Hải Phòng;

[6] Theo Điều 361 Bộ luật tố tụng dân sứ 2015;

[7] Theo Điều 44 Luật hộ tịch 2014;

[8] Theo Điều 30 và Điều 31 Luật hộ tịch 2014;

[9] Theo Điều 362 Bộ luật tố tụng dân sự 2015;

[10] Theo Điều 93 Bộ luật tố tụng dân sự 2015;

[11] Theo Điều 25 Luật hộ tịch 2014 và Điều 14 Thông tư 04/2020/TT-BTP;

[12] Theo các quy định tại Chương XXIII

[13] Theo Điều 25 Luật hộ tịch 2014;

XEM THÊM BẢN TIN PHÁP LÝ SỐ 05, THÁNG 8 NĂM 2020: https://fdvn.vn/ban-tin-phap-ly-fdvn-so-05-thang-8-nam-2020-thuc-tien-ap-dung-quy-dinh-ve-tham-quyen-giai-quyet-viec-xac-dinh-cha-me-con/

………………..

Luật sư tại Đà Nẵng

99 Nguyễn Hữu Thọ, Quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng

Luật sư tại Huế: 

56A Điện Biên Phủ, phường Phường Đúc, thành phố Huế, Thừa Thiên Huế

Luật sư tại Quảng Ngãi:

359 đường Nguyễn Du, thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi

Luật sư tại Hà Nội:

Tầng 5, số 11 Ngõ 183, phố Đặng Tiến Đông, phường Trung Liệt, quận Đống Đa, Hà Nội

Luật sư tại Nghệ An:

Số 19 đường V.I Lê Nin, Nghi Phú, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An

Website: www.fdvn.vn    www.fdvnlawfirm.vn  www.diendanngheluat.vn  www.tuvanphapluatdanang.com

Email: fdvnlawfirm@gmail.com    luatsulecao@gmail.com

Điện thoại: 0935 643 666    –  0906 499 446

Fanpage LUẬT SƯ FDVN: https://www.facebook.com/fdvnlawfirm/

Legal Service For Expat:  https://www.facebook.com/fdvnlawfirmvietnam/

TỦ SÁCH NGHỀ LUẬT: https://www.facebook.com/SayMeNgheLuat/

DIỄN ĐÀN NGHỀ LUẬT: https://www.facebook.com/groups/saymengheluat/

KÊNH YOUTUBE: FDVN CHANNEL

Bài viết liên quan