Feel free to go with the truth

Trang chủ / BÀI VIẾT & ẤN PHẨM CỦA FDVN / THỦ TỤC HÒA GIẢI TRANH CHẤP ĐẤT ĐAI TRƯỚC KHI KHỞI KIỆN – NÊN KHUYẾN KHÍCH HAY BẮT BUỘC?

THỦ TỤC HÒA GIẢI TRANH CHẤP ĐẤT ĐAI TRƯỚC KHI KHỞI KIỆN – NÊN KHUYẾN KHÍCH HAY BẮT BUỘC?

Tranh chấp đất đai là tranh chấp về quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất giữa hai hoặc nhiều bên trong quan hệ đất đai[1] và đây được xem là một trong những tranh chấp phổ biến và phức tạp nhất ở Việt Nam hiện nay. Một số quan điểm cho rằng, xuất phát từ tính bất động và tính lịch sử trong quá trình sử dụng đất gắn với yêu cầu chuyên môn của cơ quan quản lý thì hòa giải tranh chấp đất đai tại Ủy ban nhân dân (“UBND”) cấp xã là một phương thức giải quyết ôn hòa nhằm tăng cường tình đoàn kết trong nội bộ nhân dân, giảm nhẹ một phần công việc của Toà án. Không chỉ vậy, mà việc “đã hòa giải tranh chấp đất đai tại UBND cấp xã” còn là một trong những điều kiện để khởi kiện tranh chấp đất đai tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền. Tuy nhiên, trong thực tiễn áp dụng, thủ tục này đã đem lại không ít những phản ứng trái ngược khiến người dân đã“chật vật” vì tranh chấp nay còn “gian nan” hơn với thủ tục.

Theo Khoản 2 Điều 202 Luật đất đai 2013 thì tranh chấp đất đai mà các bên tranh chấp không hòa giải được thì gửi đơn đến UBND cấp xã nơi có đất tranh chấp để hòa giải. Bên cạnh đó, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao cũng đã ban hành Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐTP[2], tại Điều 3 có nội dung hướng dẫn về việc chưa có đủ điều kiện khởi kiện theo quy định của pháp luật quy định tại điểm b khoản 1 Điều 192 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 như sau:

“2. Đối với tranh chấp ai là người có quyền sử dụng đất mà chưa được hòa giải tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất tranh chấp theo quy định tại Điều 202 Luật đất đai năm 2013 thì được xác định là chưa có đủ điều kiện khởi kiện quy định tại điểm b khoản 1 Điều 192 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.

Đối với tranh chấp khác liên quan đến quyền sử dụng đất như: tranh chấp về giao dịch liên quan đến quyền sử dụng đất, tranh chấp về thừa kế quyền sử dụng đất, chia tài sản chung của vợ chồng là quyền sử dụng đất,… thì thủ tục hòa giải tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất tranh chấp không phải là điều kiện khởi kiện vụ án.”.

Như vậy, chỉ đối với tranh chấp ai là người có quyền sử dụng đất thì hòa giải tại UBND xã phường, thị trấn nơi có đất tranh chấp mới là một trong những điều kiện khởi kiện theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự. Còn đối với các tranh chấp khác liên quan đến quyền sử dụng đất thì không bắt buộc phải hòa giải tại UBND cấp xã và cũng không phải là một trong những điều kiện khởi kiện vụ án.

  1. Một số vụ án tranh chấp đất đai bị trả đơn khởi kiện, đình chỉ do không đảm bảo được thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai Ủy ban nhân dân cấp xã

Vụ án số 1: Ngày 10/5/2016, Chi cục Thi hành án dân sự huyện T có Quyết định cưỡng chế, kê biên quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất mang tên chị Trần N để thi hành nghĩa vụ trả nợ cho anh A. Quá trình thực hiện việc cưỡng chế thi hành án, ông Trần H và bà Phạm Thị G có đơn kiến nghị vì cho rằng đây là tài sản của ông bà, không phải là tài sản của chị N. Chi cục Thi hành án dân sự huyện T có thông báo trả lời ông H và bà G để ông H và bà G thực hiện quyền khởi kiện tại Tòa án nhân dân huyện T. Ngày 10/11/2016, vụ việc đã được hòa giải tại UBND cấp xã nhưng không thành. Ngày 18/11/2016 ông H, bà G có đơn khởi kiện đề nghị Tòa án huyện T buộc chị Trần N phải trả lại ông thửa đất nêu trên. Ngày 21/9/2017, Tòa án nhân dân huyện T ban hành Quyết định đình chỉ vụ án với lý do: thành phần hòa giải tranh chấp đất đai không đủ.[3]

Vụ án số 2: Ngày 20/6/2016, ông Lê Văn M có nộp đơn lên UBND thị trấn V, đề nghị giải quyết vụ việc tranh chấp lấn chiếm đất làm đường đi với ông K, đến ngày 10/11/2016 UBND thị trấn V lập biên bản hòa giải không thành. Ngày 18/11/2016 ông nộp đơn khởi kiện dân sự đến Tòa án nhân dân huyện VC, nhưng bị trả về vì lý do biên bản hòa giải không rõ nội dung, thiếu thành phần tham dự hòa giải. Đến tháng 5/2017, UBND thị trấn V tiến hành sửa chữa bổ sung cho ông biên bản nêu trên. Ngày 16/5/2017, ông lại tiếp tục bị Tòa án nhân dân huyện VC trả đơn do biên bản hòa giải thiếu thành phần tham gia. Do đó, ông M đã khiếu kiện Chủ tịch UBND thị trấn và yêu cầu chủ tịch UBND thị trấn phải sửa lại, bổ sung biên bản ngày 10/11/2016 để ông nộp cho Tòa án. Sau đó, Tòa án cấp sơ thẩm và cấp phúc thẩm đã bác yêu cầu của ông M về việc khiếu kiện hành vi hành chính nêu trên.[4]

Vụ án số 3: Khoảng tháng 03/2018, tại Tòa án nhân dân huyện PQ, 12 người đã có đơn khởi kiện để yêu cầu một số hộ dân chấm dứt hành vi phân chia, kê khai, đăng ký quyền sử dụng đất và các hành vi khác trái pháp luật đối với diện tích khoảng 73ha đất tại xã C, huyện PQ, tỉnh Kiên Giang. Nhưng Tòa án nhân dân huyện PQ lại có thông báo trả lại đơn khởi kiện với nội dung “…Nếu các đồng khởi kiện làm đơn khởi kiện ra Tòa án thì các đồng khởi kiện phải cung cấp biên bản hòa giải tranh chấp quyền sử dụng đất với các đồng bị kiện tại UBND xã Cửa Dương…”. Các đồng khởi kiện đã liên tiếp gửi đến UBND xã C, huyện PQ, tỉnh Kiên Giang các Đơn yêu cầu hòa giải vào ngày 07/3/2018, Đơn khiếu nại lần đầu ngày 28/8/2018, Đơn khiếu nại lần hai ngày 09/10/2018 để đề nghị hòa giải tranh chấp đất đai nhưng không nhận được bất cứ phản hồi nào từ UBND xã C, Chủ tịch UBND xã C. Chính vì vậy, các đồng khởi kiện lại phải khởi kiện vụ án hành chính để buộc Chủ tịch Uỷ ban nhân dân xã C phải thực hiện hành vi hành chính là tiến hành tổ chức hòa giải tranh chấp đất đai theo quy định. Tuy nhiên, từ đó cho đến nay vụ án hành chính vẫn chưa đưa ra xét xử và phiên hòa giải tranh chấp đất đai tại UBND cấp xã vẫn không được diễn ra.[5]

Quan điểm cá nhân của tác giả thông qua nội dung 03 vụ án trên:

  • Xét thấy những người khởi kiện trong Vụ án số (1)(2) đều đã trải qua thủ tục hòa giải tại UBND cấp xã trên thực tế, có biên bản hòa giải không thành chứ không phải là chưa hòa giải tranh chấp đất đai để có thể áp dụng điểm b khoản 1 Điều 192 của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015. Việc “chưa được hòa giải tại UBND cấp xã” theo quy định tại Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐTP so với việc “nội dung biên bản và thành phần tham gia Hội đồng hòa giải không đảm bảo” theo quy định tại Điều 202 Luật đất đai năm 2013 và Điều 88 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP là hai vấn đề hoàn toàn khác nhau. Dường như Tòa án nhân dân có thẩm quyền đã đánh đồng việc “biên bản hòa giải không rõ nội dung, thiếu thành phần tham dự hòa giải” để coi là chưa được hòa giải tại UBND cấp xã là không đúng theo tinh thần điều luật đã quy định. Cách hiểu như vậy của một số Tòa án nhân dân có thẩm quyền đang kéo dài thời gian, gây khó khăn cho người khởi kiện, bởi họ không có lỗi trong việc ghi nội dung biên bản hay có lỗi trong việc làm thiếu thành phần tham dự hòa giải mà trách nhiệm ở đây thuộc về cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
  • Xét ở Vụ án dân sự số (1) thì quan hệ tranh chấp ở đây phải là “Tranh chấp liên quan đến tài sản bị cưỡng chế để thi hành án theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự” theo Khoản 12 Điều 26 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 nhưng Tòa án nhân dân có thẩm quyền lại xác định đây là “Tranh chấp đất đai” để ràng buộc người khởi kiện vào thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai tại UBND cấp xã, điều này là không cần thiết.

Và trên thực tế có rất nhiều trường hợp Tòa án nhân dân có thẩm quyền đã xác định sai quan hệ tranh chấp, nhầm lẫn giữa tranh chấp đất đai và tranh chấp khác liên quan đến quyền sử dụng đất để yêu cầu người khởi kiện phải thực hiện thủ tục hòa giải tranh chấp tại UBND cấp xã nhằm đảm bảo điều kiện khởi kiện nhưng vô hình trung làm mất thời gian, công sức của người khởi kiện, thậm chí có những vụ án bị đình chỉ ngay khi chuẩn bị đưa ra xét xử.

  • Thay vì được xem xét nhận đơn khởi kiện và thụ lý một vụ án dân sự thì những người khởi kiện ở Vụ án số (2)(3) lại phải khởi kiện một vụ án hành chính khác để buộc người bị kiện là Chủ tịch UBND cấp xã phải thực hiện thủ tục hòa giải về tranh chấp đất đai theo đúng quy định, trình tự thủ tục. Rõ ràng đây là tranh chấp “chồng” tranh chấp bởi để buộc UBND cấp xã phải tổ chức hòa giải tranh chấp đất đai khi đã quá thời hạn hoặc không đảm bảo về mặt thủ tục thì người yêu cầu chỉ có quyền khiếu nại, khởi kiện quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính về quản lý đất đai theo quy định tại Điều 204 Luật đất đai 2013, mà lại không có bất kỳ quy định nào trao cho người yêu cầu quyền được khởi kiện ngay vụ án dân sự về tranh chấp đất đai hoặc yêu cầu cơ quan có thẩm quyền khác giải quyết để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Nếu phải khởi kiện hành chính thì đây sẽ là phản ứng ngược của thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai tại UBND cấp xã bởi công việc của Tòa án sẽ “tăng lên” thay vì “giảm tải”, đồng thời người dân còn tốn kém thêm thời gian, chi phí và công sức.

  1. Nên bỏ tính “bắt buộc” của thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai tại Ủy ban nhân dân cấp xã

Ngoài những quan điểm ở Mục 1 nêu trên thì tác giả nhận thấy pháp luật cần bỏ tính bắt buộc của thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai tại UBND cấp xã bởi:

Thứ nhất, hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã về tranh chấp đất đai đa phần mang tính hình thức

Qua các buổi hòa giải tranh chấp đất đai tại UBND cấp xã mà mà tác giả từng tham gia thì tác giả nhận thấy đa phần hội đồng hòa giải đều rất sơ sài trong việc giải thích cho các đương sự về quyền, nghĩa vụ, phân tích các vấn đề pháp lý liên quan đến phần đất đang tranh chấp, mà thông thường sẽ đưa ra hướng giải quyết theo kiểu “tình làng nghĩa xóm” rồi ghi nhận diễn biến, ý kiến của các bên, cuối biên bản ghi thêm ý kiến các thành viên hội đồng hòa giải và kết quả của quá trình thương lượng là hòa giải thành hay không thành.

Bản chất của thủ tục hòa giải là làm trung gian để các bên tranh chấp gặp nhau, cùng thương lượng trên cơ sở các phân tích của hội đồng hòa giải, tuy nhiên, ngày nay những mâu thuẫn về đất đai thường mang tính kinh tế, phức tạp và đôi khi còn là sự hơn thua nên không dễ dàng để các bên nhượng bộ. Hơn nữa, chính vì là thủ tục phải có để đảm bảo điều kiện khởi kiện ra Tòa án nên rất nhiều đương sự gửi đơn đề nghị Ủy bân nhân dân cấp xã tổ chức hòa giải với tâm thế bị “ép buộc”, tư tưởng không muốn hòa giải mà chỉ làm cho có thủ tục, có biên bản nộp kèm với hồ sơ khởi kiện để không bị Tòa án nhân dân có thẩm quyền trả đơn khởi kiện hay đình chỉ vụ án.

Với tính chất và cách thức như vậy thì việc hòa giải tranh chấp đất đai tại UBND cấp xã ngày nay đa phần chỉ còn lại là hình thức, không có hiệu quả và còn gây mất thời gian không chỉ cho các bên trong quan hệ tranh chấp mà còn của những cá nhân, tổ chức khác trong hội đồng hòa giải ở địa phương.

Thứ hai, biên bản hòa giải tranh chấp đất đai tại Ủy ban nhân dân cấp xã không đương nhiên có giá trị ràng buộc thi hành đối với các bên

Khoản 3 Điều 88 Nghị định 43/2014/NĐ-CP được sửa đổi bởi Khoản 57 Điều 2 Nghị định 01/2017/NĐ-CP quy định “Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày lập biên bản hòa giải thành mà các bên tranh chấp có ý kiến bằng văn bản khác với nội dung đã thống nhất trong biên bản hòa giải thành thì Chủ tịch UBND cấp xã tổ chức lại cuộc họp Hội đồng hòa giải để xem xét giải quyết đối với ý kiến bổ sung và phải lập biên bản hòa giải thành hoặc không thành”, tức là dù ban đầu hòa giải thành nhưng sau đó đương sự thay đổi ý kiến thì phải hòa giải lại và kết quả vẫn có thể là không thành. Khi đó, UBND cấp xã sẽ phải lập biên bản hòa giải không thành và hướng dẫn các bên tranh chấp gửi đơn đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp tiếp theo.[6]

Hơn nữa, kết quả hòa giải thành tại UBND cấp xã chỉ có giá trị buộc các bên phải thực hiện khi một trong các bên tham gia thỏa thuận có đơn yêu cầu Tòa án nhân dân có thẩm quyền công nhận kết quả hòa giải thành ngoài Tòa án. Thế nhưng, kết quả hòa giải thành còn phải đảm bảo thêm các điều kiện:

  • Các bên tham gia thỏa thuận hòa giải là người có quyền, nghĩa vụ đối với nội dung thỏa thuận hòa giải. Trường hợp nội dung thỏa thuận hòa giải thành liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người thứ ba thì phải được người thứ ba đồng ý;
  • Nội dung thỏa thuận hòa giải thành của các bên là hoàn toàn tự nguyện, không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội, không nhằm trốn tránh nghĩa vụ với Nhà nước hoặc người thứ ba.[7]

Có thể thấy rằng không phải mọi kết quả hòa giải thành tại UBND cấp xã đều được công nhận. “Hòa giải thành nhưng có thể không thành”, “Hòa giải thành nhưng không được đương nhiên có giá trị ràng buộc các bên thực thi”, vậy nếu là thủ tục bắt buộc thì đích đến cuối cùng của thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai tại Ủy ban nhân cân cấp xã đem lại cho các bên tranh chấp là gì? Phải chăng chỉ là văn bản xác nhận đã hòa giải tại UBND cấp xã để củng cố hồ sơ khởi kiện tại Tòa án.

Thứ ba, thời gian thực hiện thủ tục hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã thường kéo dài hơn so với luật định

Theo quy định tại Khoản 3 Điều 202 Luật đất đai 2013 thì thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai tại Ủy ban nhân cấp xã được thực hiện trong thời hạn không quá 45 ngày, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai. Nhưng trên thực tế, thời gian để UBND cấp xã tổ chức phiên họp hòa giải thường kéo dài hơn so với luật định, điển hình như Vụ án số 1 mà tác giả đã trích dẫn ở trên, thời gian kể từ ngày người đề nghị nộp đơn đến ngày tổ chức phiên họp hòa giải lên đến 151 ngày.

Việc kéo dài có thể do một số nguyên nhân như:

  • Hồ sơ về đất đai không đầy đủ, thậm chí có những thửa đất có nguồn gốc tư xa xưa, do khai hoang không có hồ sơ, tài liệu để UBND cấp xã thu thập hay cán bộ cấp xã chưa đủ chuyên môn, chây ì trong quá trình làm việc dẫn đến quá trình thu thập tài liệu chứng cứ, thẩm tra, đo đạc đất mất nhiều thời gian.
  • Chưa thành lập được Hội đồng hòa giải theo quy định. Cụ thể “Đại diện của một số hộ dân sinh sống lâu đời tại xã, phường, thị trấn biết rõ về nguồn gốc và quá trình sử dụng đối với thửa đất đó” là một trong những thành phần của Hội đồng hòa giải tranh chấp đất đai tại UBND cấp xã[8], tuy nhiên để xác định được chính xác người biết rõ nguồn gốc và quá trình sử dụng đối với thửa đất không phải là điều dễ dàng do việc thay đổi nhân khẩu, đặc biệt là ở các vùng đô thị hoặc những người sống lâu năm nhưng đã không còn đủ minh mẫn, sáng suốt để nhớ rõ nguồn gốc đất đai. Mặt khác, những người này thường sẽ không tham gia phiên họp vì sợ mất thời gian, ngại va chạm, sợ mất lòng, tạo mâu thuẫn cá nhân…và pháp luật cũng không có bất kỳ chế tài nếu họ không tham gia cuộc họp hòa giải.

Có vô vàn lý do khác nhau mà UBND cấp xã đưa ra để kéo dài thời gian tổ chức cuộc họp hòa giải theo yêu cầu của người dân có đất bị tranh chấp.

Thứ tư, các bên tranh chấp có thể tham gia hòa giải tại Tòa án trước khi vụ án được thụ lý

Kể từ ngày 01/01/2021, khi Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án 2020 có hiệu lực thì các bên tranh chấp có thể tham gia Hòa giải tại Tòa án, đây là hoạt động hòa giải do Hòa giải viên tiến hành trước khi Tòa án thụ lý vụ việc dân sự, nhằm hỗ trợ các bên tham gia hòa giải thỏa thuận giải quyết vụ việc dân sự theo quy định. Hòa giải viên là những người có chuyên môn, đã là Thẩm phán, Thẩm tra viên Tòa án, Thư ký Tòa án, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên Viện kiểm sát, Chấp hành viên thi hành án dân sự, Thanh tra viên; luật sư, chuyên gia, nhà chuyên môn khác có ít nhất 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực công tác; người có hiểu biết về phong tục tập quán, có uy tín trong cộng đồng dân cư. Sau khi lập biên bản ghi nhận kết quả hòa giải, biên bản ghi nhận kết quả đối thoại, Hòa giải viên chuyển biên bản cùng tài liệu kèm theo cho Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự để ra quyết định công nhận kết quả hòa giải thành trong trường hợp các bên có yêu cầu.[9] Quyết định công nhận kết quả hòa giải thành có hiệu lực pháp luật và không bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự và được thi hành theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự.[10]

Như vậy, so với thủ tục hòa giải tại UBND cấp xã thì việc các bên tham gia hòa giải tại Tòa án (nếu có nhu cầu) trước khi vụ án được thụ lý sẽ mang hiệu quả cao hơn, tránh trường hợp một trong các bên sau đó thay đổi nội dung hòa giải, buộc bên còn lại phải khởi kiện từ đầu mất thời gian và công sức.

Từ những phân tích trên và qua những vụ việc thực tế, tác giả thiết nghĩ không nên quy định thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai tại UBND cấp xã là thủ tục bắt buộc, không nên là điều kiện khởi kiện đối với tranh chấp ai là người có quyền sử dụng đất bởi không những không đạt được mục đích tăng cường tình đoàn kết cho nhân dân, giảm tải công việc cho Tòa án mà đối khi nó còn làm phức tạp hóa quá trình giải quyết tranh chấp. Bên cạnh đó, Điều 203 Luật đất đai, Điều 89, 90 Nghị định 43/2014/NĐ-CP đều quy định các cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai luôn phải thực hiện thủ tục hòa giải, đồng thời, trong giai đoạn chuẩn bị xét xử vụ án theo thủ tục tố tụng thì Thẩm phán cũng phải tổ chức phiên hòa giải, trừ những vụ án không tiến hành hòa giải được[11]. Vậy nếu các bên không thể tự hòa giải được và không có mong muốn được tổ chức hòa giải tại UBND cấp xã thì không nhất thiết phải “áp đặt” buộc người dân phải trải qua nhiều lần hòa giải với những thủ tục phiền hà, tốn thời gian, công sức mà chỉ nên quy định thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai tại UBND cấp xã là thủ tục khuyến khích.

Bài viết này là quan điểm và kiến nghị cá nhân của tác giả liên quan đến thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai trước khi khởi kiện, rất mong nhận được sự trao đổi của Quý bạn đọc.

Nguyễn Thị Sương – Công ty Luật FDVN

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Khoản 24 Điều 3 Luật Đất đai số 45/2013/QH13 do Quốc hội Khóa 13 ban hành ngày 29/11/2013, có hiệu lực ngày 01/07/2014 (“Luật đất đai 2013”);

[2] Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐTP hướng dẫn Khoản 1, Khoản 3 Điều 192 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 về trả lại đơn khởi kiện, quyền nộp đơn khởi kiện lại vụ án do Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao ban hành ngày 05/05/2017, có hiệu lực ngày 01/07/2017 (“Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐTP”);

[3] Xem tại http://vksndthaibinh.gov.vn/Article/2202/Dinh-chi-khong-dung-phai-tiep-tuc-giai-quyet-vu-an.html;

[4] Bản án số 09/2018/HC-PT ngày 05/09/2018 của Tòa án nhân dân tỉnh Đồng Nai về việc khiếu kiện hành vi hành chính;

[5] Một vụ án có thực do các Luật sư của FDVN đang hỗ trợ pháp lý, bảo vệ quyền và lợi ích của các đồng khởi kiện;

[6] Xem tại Khoản 4 Điều 88 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP hướng dẫn thi hành luật đất đai do Chính phủ ban hành ngày 15/5/2014, có hiệu lực ngày 01/07/2014 (“Nghị định 43/2014/NĐ-CP”);

[7] Xem tại Điều 417 Bộ luật Tố tụng dân sự số 92/2015/QH13 so Quốc hội Khóa 13 ban hành ngày 25/11/2015, có hiệu lực 01/07/2016 (“Bộ luật Tố tụng dân sự 2015”)

[8] Xem tại điểm b Khoản 4 Điều 88 Nghị định 43/2014/NĐ-CP được sửa đổi bởi Khoản 27 Điều 1 Nghị định 148/2020/NĐ-CP;

[9] Xem tại Khoản 1 Điều 32 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án số 58/2020/QH14 do Quốc hội Khóa 14 ban hành ngày 16/06/2020, có hiệu lực ngày 01/01/2021 (“Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án 2020”);

[10] Xem tại Điều 35 Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án 2020;

[11] Xem tại Điều 203 và Điều 207 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

XEM THÊM BẢN TIN SỐ 55 TẠI: https://fdvn.vn/ban-tin-dien-dan-nghe-luat-so-55-thang-8-nam-2021/

………………..

Luật sư tại Đà Nẵng

99 Nguyễn Hữu Thọ, Quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng

Luật sư tại Huế: 

56A Điện Biên Phủ, phường Phường Đúc, thành phố Huế, Thừa Thiên Huế

Luật sư tại Quảng Ngãi:

359 đường Nguyễn Du, thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi

Luật sư tại Hà Nội:

Tầng 5, số 11 Ngõ 183, phố Đặng Tiến Đông, phường Trung Liệt, quận Đống Đa, Hà Nội

Luật sư tại Nghệ An:

Số 19 đường V.I Lê Nin, Nghi Phú, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An

Website: www.fdvn.vn    www.fdvnlawfirm.vn  www.diendanngheluat.vn  www.tuvanphapluatdanang.com

Email: fdvnlawfirm@gmail.com    luatsulecao@gmail.com

Điện thoại: 0935 643 666    –  0906 499 446

Fanpage LUẬT SƯ FDVN: https://www.facebook.com/fdvnlawfirm/

Legal Service For Expat:  https://www.facebook.com/fdvnlawfirmvietnam/

TỦ SÁCH NGHỀ LUẬT: https://www.facebook.com/SayMeNgheLuat/

DIỄN ĐÀN NGHỀ LUẬT: https://www.facebook.com/groups/saymengheluat/

KÊNH YOUTUBE: FDVN CHANNEL

Bài viết liên quan