Feel free to go with the truth

Trang chủ / BIỂU MẪU VÀ VĂN BẢN PHÁP LUẬT / Thông báo rút kinh nghiệm số 101/TB-VKSTC-V7 của Viện kiểm sát tối cao

Thông báo rút kinh nghiệm số 101/TB-VKSTC-V7 của Viện kiểm sát tối cao

Thông báo số 101/TB-VKSTC-V7 ngày 22 tháng 5 năm 2023 của Viện kiểm sát tối cao, Rút kinh nghiệm trong xác định tội danh và tư cách tham gia tố tụng của chủ sở hữu tài sản và người nhận cầm cố, thế chấp tài sản trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản

      Nội dung thông báo

  1. Những bất cập khi xác định tội danh và tư cách người tham gia tố tụng và nguyên nhân

1.1. Bất cập trong quá trình xác định tội danh

Trong các vụ án có hành vi thuê, mượn hoặc được giao tài sản sau đó mang đi cầm cố, thế chấp hiện còn có nhiều quan điểm khác nhau trong việc xác tội danh là tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” hay tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Thực tiễn xét xử cũng có trường hợp cùng một hành vi bị cáo có được tài sản từ việc thỏa thuận với người quản lý tài sản sau đó mang xe đi cầm cố để lấy tiền tiêu xài, nhưng có vụ án bị cáo bị xử lý về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, có vụ án bị cáo bị xử lý về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” như Vụ Nguyễn Quốc Oai ở Thành phố Hồ Chí Minh xử lý về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”: Oai liên hệ thuê xe ô tô trị giá 580.000.000 đồng của ông Lê Thụy Hiệp 03 ngày để đi Đà Lạt, hai bên không làm hợp đồng mà chỉ thỏa thuận miệng và giao xe, giấy tờ xe cho Oai. Sau khi lấy được xe thì ngay trong ngày, Oai đã cầm cố chiếc xe trên trong 01 tháng cho bà Nguyễn Thị Kim Ngọc để lấy 120.000.000 đồng tiêu xài, đánh bạc. Nguyễn Quốc Oai bị Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh xét xử về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” theo khoản 4 Điều 175 BLHS năm 2015. Ngược lại, vụ Bùi Quốc Trà ở An Giang, hành vi thủ đoạn giống như vụ Nguyễn Quốc Oai. Bị cáo Trà thuê xe ô tô trị giá 423.000.000 đồng của cơ sở cho thuê xe trong thời gian 02 ngày, sau đó cầm cố xe cho 01 phụ nữ người Campuchia lấy 147.000.000 đồng để đánh bạc. Hành vi của Trà bị Tòa án nhân dân tỉnh An Giang xét xử về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại khoản 3 Điều 174 BLHS năm 2015.

Có địa phương, các cơ quan tiến hành tố tụng lại xử lý cả về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản và hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản như vụ Nguyễn Ngọc Tuấn ở thành phố Hà Nội: Khoảng tháng 4/2017, Nguyễn Ngọc Tuấn là Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn du lịch Minh Vũ, kinh doanh thuê và cho thuê xe ô tô tự lái, có quan hệ quen biết với Hoàng Văn Đông. Khi được Đông đề xuất Tuấn thuê xe ô tô về đưa lại cho Đông mang đi cầm cố, thế chấp lấy tiền về trả nợ dần cho Tuấn, Tuấn đã đồng ý. Tuấn biết rõ Đông đang bị nợ nần nhiều nên không có khả năng trả tiền cho Tuấn đối với những chiếc xe Đông đã thuê trước đó nhưng Tuấn vẫn liên tiếp đưa cho Đông 03 xe ô tô trị giá 1.742.503.000 đồng do Tuấn thuê của khách hàng để Đông đem đi cầm cố, thế chấp và lấy tiền về chia nhau. Các cơ quan THTT thành phố Hà Nội xác định Hoàng Văn Đông và Nguyễn Ngọc Tuấn phạm 2 tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.

Hoặc trường hợp người phạm tội lợi dụng lòng tin, mượn xe của chủ sở hữu, sau đó vì cần tiền trả nợ nên đã có hành vi gian dối đưa ra thông tin không đúng sự thật để chủ hiệu cầm đồ đồng ý cho vay tiền. Trường hợp này, ở 1 số địa phương xác định người phạm tội phạm cùng lúc 02 tội: tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” để chiếm đoạt xe ô tô của chủ sở hữu và tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” để chiếm đoạt tiền của chủ hiệu cầm đồ.

Hoặc trên thực tế phát sinh trường hợp đối tượng mượn, thuê xe ô tô của người khác sau đó đem xe ô tô đi cầm cố, thế chấp thì chủ xe phát hiện và báo cho Cơ quan Công an đến thu giữ xe. Đối tượng khai: chỉ cầm cố, thế chấp tạm thời để lấy tiền giải quyết việc cấp bách, sau sẽ tìm nguồn tiền chuộc lại xe ô tô chứ không có ý định chiếm đoạt. Đối với trường hợp này, có quan điểm cho rằng hành vi cấu thành tội phạm vì đã sử dụng tài sản thuê, mượn vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản cho người bị hại; Quan điểm khác cho rằng hành vi không cấu thành tội phạm vì không có ý thức chiếm đoạt.

1.2. Bất cập trong việc xác định tư cách người tham gia tổ tụng

Cùng có hành vi thuê, mượn hoặc được giao xe ô tô sau đó mang đi bán, cầm cố, thế chấp, ở một số vụ án, chủ sở hữu được xác định là người bị hại, một số vụ án khác, chủ sở hữu lại được xác định là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Cá biệt có địa phương xác định cả chủ sở hữu tài sản và người nhận cầm cố là bị hại.

Ví dụ: Vụ án Nguyễn Văn Hùng

Nguyễn Văn Hùng là lái xe thuê cho anh Đặng Thế Linh. Do cần tiền nên Hùng nói dối anh Linh là xe đang bị cảnh sát giao thông chặn lại kiểm tra giấy tờ. Anh Linh tưởng thật nên đưa toàn bộ giấy tờ liên quan đến xe ô tô cho Hùng. Sau đó, Hùng mang xe cùng giấy tờ xe đến cầm cố cho chị Lê Thị Ánh Tuyết lấy 50.000.000 đồng. Chiếc xe trị giá 80.784.000 đồng.

Trong vụ án này, các cơ quan THTT tỉnh Bình Thuận xác định anh Đặng Thế Linh (chủ sở hữu tài sản) là bị hại, chị Lê Thị Ánh Tuyết (người nhận cầm cố tài sản) là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan.

Vụ án Vũ Ngọc Phương

Ngày18/4/2017, Vũ Ngọc Phương thuê xe ô tô 81A 089.84 của anh Nguyễn Mạnh Hùng, sau đó liên hệ với một số đối tượng khác yêu cầu làm giả Giấy chứng nhận đăng ký xe ô tô và chứng minh nhân dân, nhờ Bùi Thanh Liêm đứng tên đóng giả làm chủ sở hữu xe, dán ảnh của Liêm lên Chứng minh nhân dân làm giả, dùng đồng xu đóng lên ảnh tạo dấu nổi, lái xe ô tô đến hiệu cầm đồ của chị Phan Thị Phương Lan, thế chấp xe cùng toàn bộ giấy tờ giả để chiếm đoạt số tiền 200.000.000 đồng.

Trong vụ án này, các cơ quan THTT tỉnh Gia Lai xác định anh Nguyễn Mạnh Hùng (chủ sở hữu chiếc xe ô tô) là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Chị Phan Thị Phương Lan (chủ hiệu cầm đồ) là bị hại.

Vụ án Bùi Đăng Vũ Bùi Đăng Vũ và đồng phạm đã dùng thủ đoạn gian dối lừa chủ xe ô tô bằng cách làm giả hộ khẩu, chứng minh nhân dân rồi dùng giấy tờ giả này thuê 01 chiếc xe ô tô của chị Nguyễn Thị Diệu Linh (trị giá 570.000.000 đồng). Sau khi thuê được xe, Vũ và đồng phạm tiếp tục làm giả giấy tờ xe ô tô này rồi đem cầm cố cho anh Lê Tiến Dũng lấy số tiền 280.000.000 đồng. Tương tự thủ đoạn trên, Vũ và đồng phạm còn thuê 01 xe ô tô của anh Nguyễn Trương (trị giá 552.500.000 đồng) đem đến cầm cố cho anh Lê Sỹ Cường, anh Cường phát hiện giấy tờ giả nên đã báo Công an bắt giữ Vũ và đồng phạm. Vũ bị Tòa án 2 cấp kết án về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và tội “Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, chức”. Tòa án cấp sơ thẩm xác định cả chủ sở hữu xe ô tô và chủ hiệu cầm đồ đều là bị hại; Tòa án cấp phúc thẩm xác định chủ hiệu cầm đồ là bị hại. Vụ án này, Viện trưởng VKSND tối cao đã kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm đề nghị hủy xét xử lại theo hướng xác định chủ sở hữu xe ô tô là bị hại. Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng VKSND tối cao.

Từ những vụ án trên cho thấy cùng hành vi, thủ đoạn như nhau, có nơi các bị cáo bị xử lý về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, có bị cáo bị xử lý về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”; việc xác định tư cách của chủ sở hữu tài sản, người nhận cầm cố thế chấp tài sản vẫn còn tồn tại nhiều cách hiểu, nhiều quan điểm khác nhau, không thống nhất giữa những người tiến hành tố tụng, giữa các cơ quan tiến hành tố tụng, cũng như giữa đơn vị, địa phương này với đơn vị, địa phương khác, dẫn tới xác định sai tư cách, địa vị pháp lý của họ.Việc sai lầm trong xác định tư cách tham gia tố tụng của chủ xe ô tô và chủ hiệu cầm đồ, dẫn đến quyết định sai về phần trách nhiệm dân sự, về quyền kháng cáo của họ; trong một số trường hợp việc xác định không đúng tư cách người tham gia tố tụng được coi là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng dẫn đến bản án bị hủy, sửa.

1.3 Nguyên nhân

Nguyên nhân khách quan

Thứ nhất, các quy định pháp luật và văn bản hướng dẫn thi hành BLHS, BLTTHS còn thiếu, chưa kịp thời, dẫn đến cách hiểu và vận dụng, áp dụng pháp luật chưa thống nhất, đồng bộ. Trường hợp mặc dù hết thời hạn cầm cố thế chấp nhưng người cầm cố khai vẫn có ý thức trả nợ mặc dù chưa có tiền trả, xe cầm  cố vẫn còn chưa bị bán đi hoặc trường hợp đối tượng cố tình mang xe đi cầm cố để chiếm đoạt nhưng khi bị phát hiện thì mang tiền trả ngay… do vậy việc xác định yếu tố chiếm đoạt còn gặp nhiều khó khăn.

Thứ hai, đặc thù của tội phạm dạng này là thực hiện tại nhiều địa phương và thời gian xảy ra đã lâu, kéo dài trong nhiều năm, sau khi chiếm đoạt tài sản người phạm tội thường có ý thức tránh gặp mặt chủ sở hữu và lẩn trốn không làm việc với cơ quan pháp luật nên công tác điều tra gặp nhiều khó khăn từ việc chứng minh ý thức chủ quan, lấy lời khai làm rõ diễn biến, hành vi phạm tội đến thu hồi tài sản, thu thập chứng cứ, tài liệu… Bên cạnh đó, người nhận cầm cố, thế chấp tài sản không làm hợp đồng hoặc không có giấy phép kinh doanh trong hoạt động nhận cầm cố, thế chấp tài sản gây khó khăn trong quá trình giải quyết vụ án.

Thứ ba, công tác phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng, giữa Viện kiểm sát cấp trên và cấp dưới, giữa các phòng nghiệp vụ Viện kiểm sát cấp tỉnh chưa thực sự được tăng cường, nhiều Viện kiểm sát cấp dưới có hiện tượng “ngại” trao đổi với các cơ quan tiến hành tố tụng hoặc thỉnh thị Viện kiểm sát cấp trên.

Nguyên nhân chủ quan

Thứ nhất, nguyên nhân thuộc về nhận thức, kỹ năng nhận diện và xử lý tình huống, dẫn đến việc xác định sai tội danh, tư cách tham gia tố tụng và trách nhiệm bồi thường dân sự trong vụ án. Chưa nghiên cứu kỹ các dấu hiệu pháp lý, cấu thành tội phạm tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Nhận thức chưa đầy đủ, đúng đắn các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 về địa vị pháp lý của người tham gia tố tụng như: Người bị hại, Nguyên đơn dân dự, Bị đơn dân sự, Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan. Bên cạnh đó, việc tìm hiểu các quy định của Bộ luật dân sự về cầm cố, thế chấp, những yêu cầu pháp lý đối với hoạt động cầm cố, từ đó làm rõ bản chất của giao dịch cầm đồ chưa được coi trọng nên phần nào ảnh hưởng đến kỹ năng nhận diện và xử lý tình huống khi giải quyết vụ án.

Thứ hai, nguyên nhân thuộc về kinh nghiệm: Đối với một số Kiểm sát viên chưa có nhiều kinh nghiệm trong giải quyết các vụ án dạng này. Do vậy, khi có tình huống phức tạp phát sinh, Kiểm sát viên chưa định hình được ngay những việc cần triển khai để đánh giá đúng bản chất vấn đề khiến chất lượng giải quyết vụ án chưa thực sự cao.

Từ thực tế trên cho thấy, do chưa nhận thức đúng đắn và đầy đủ; dẫn đến việc áp dụng pháp luật không thống nhất, không chính xác, không xác định đúng tội danh và tư cách tham gia tố tụng của chủ sở hữu tài sản và người nhận cầm cố, thế chấp tài sản khi thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử các vụ án thuộc 02 loại tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” và tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

2. Nội dung cần thông báo rút kinh nghiệm chung

Sau khi báo cáo lãnh đạo VKSND tối cao, trong khi chờ Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành Nghị quyết hướng dẫn, Vụ 7 đã tổng hợp 07 trường hợp, tình huống điển hình để thông báo đến các Viện kiểm sát cấp cao, Viện kiểm sát 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cùng nghiên cứu, vận dụng. Vì là những trường hợp, tình huống điển hình nên trong quá trình giải quyết các vụ án, Viện kiểm sát các cấp sẽ phải phân tích, đánh giá toàn diện chứng cứ trong từng trường hợp cụ thể của địa phương mình để vận dụng giải quyết vụ án, bảo đảm đúng quy định của pháp luật. Các trường hợp điển hình cần rút kinh nghiệm cụ thể như sau:

Trường hợp 1: Đối với trường hợp được người khác giao xe (bằng hình thức thuê, mượn…) sau đó đem bản hoặc cầm cố, thế chấp cho người khác thì xem xét, xác định chủ sở hữu xe là bị hại và người nhận cầm cố, thế chấp là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan

Ví dụ: Đinh Văn Vĩnh thuê xe của ông Nguyễn Văn Thịnh để làm phương tiện chở khách (hợp đồng thuê xe với giá 600.000 đồng/ngày và nhận toàn bộ giấy tờ xe). Sau khi nhận xe được 02 ngày, do muốn có tiền tiêu xài và trả nợ nên Vĩnh đã mang xe đến cầm cố cho anh Nguyễn Tiến Sỹ. Anh Sỹ yêu cầu làm hợp đồng bán xe, Vĩnh đồng ý và ký vào hợp đồng bán xe với giá 150.000.000 đồng, rồi bỏ trốn. Đến ngày 19/02/2019 Vĩnh bị bắt. Trị giá chiếc xe ô tô là 285.000.000 đồng.

Trường hợp này, xác định Đinh Văn Vĩnh phạm tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, ông Nguyễn Văn Thịnh là bị hại, anh Nguyễn Tiến Sỹ là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan; tài sản bị chiếm đoạt là chiếc xe ô tô trị giá 285.000.000 đồng.

Trường hợp 2. Đối với trường hợp đưa ra thông tin sai sự thật để chủ sở hữu xe và chủ hiệu cầm đồ tin tưởng giao xe, giao tiền thì xem xét, xác định chủ sở hữu xe ô tô là bị hại và người nhận cầm cố, thế chấp có thể được xem xét là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan hoặc là người thứ ba ngay tình, có quyền khởi kiện yêu cầu bồi thường

Ví dụ: Bùi Đăng Vũ và đồng phạm đã dùng thủ đoạn gian dối lừa chủ xe ô tô bằng cách làm giả hộ khẩu, chứng minh nhân dân rồi dùng giấy tờ giả này thuê 01 chiếc xe ô tô của chị Nguyễn Thị Diệu Linh (trị giá 570.000.000 đồng). Sau khi thuê được xe, Vũ và đồng phạm tiếp tục làm giả giấy tờ xe ô tô này rồi đem cầm cố cho anh Lê Tiến Dũng lấy số tiền 280.000.000 đồng. Tương tự thủ đoạn trên, Vũ và đồng phạm còn thuê 01 xe ô tô của anh Nguyễn Trương (trị giá 552.500.000 đồng) đem đến cầm cố cho anh Lê Sỹ Cường, anh Cường phát hiện giấy tờ giả nên đã báo Công an bắt giữ Vũ và đồng phạm.

Tòa án cấp sơ thẩm xác định vụ án có 02 bị hại, là chủ các cơ sở cho thuê xe và chủ hiệu cầm đồ. Tòa án cấp phúc thẩm cho rằng, hành vi của bị cáo sử dụng giấy tờ giả để thuê xe của các chủ cơ sở cho thuê xe tự lái không phải là lừa đảo chiếm đoạt tài sản, mà hành vi dùng xe thuê được đi cầm cố lấy tiền mới là lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Như vậy, nhận định của Tòa án 02 cấp đều không chính xác. Do vậy, Viện trưởng VKSND tối cao đã ban hành kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm tại Quyết định kháng nghị số 25/QĐ-VKSTC-V7 ngày 28/7/2021, lý do: Tòa án cấp phúc thẩm có sai lầm trong việc xác định tư cách tham gia tố tụng của chủ xe ô tô và chủ hiệu cầm đồ, từ đó xác định không đúng giá trị tài sản bị thiệt hại và áp dụng sai khung hình phạt của điều luật; Tòa án cấp sơ thẩm xác định chủ hiệu cầm đồ là bị hại là không phù hợp. Tại Quyết định giám đốc thẩm số 04/2022/HS-GĐT ngày 04/4/2022, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng VKSND tối cao và nhận định: Trong cả hai vụ việc, sau khi dùng giấy tờ giả để lấy được 02 xe ô tô, Bùi Đăng Vũ và đồng phạm đều không có ý định sẽ trả lại xe cho các chủ cơ sở cho thuê mà mang các xe này đi cầm cố lấy tiền chia nhau. Hành vi phạm tội của Bùi Đăng Vũ và đồng phạm phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” với tài sản bị chiếm đoạt là giá trị của các xe ô tô và bị hại trong vụ án là chủ cơ sở cho thuê xe tự lái (chủ sở hữu các xe ô tô). Chủ hiệu cầm đồ là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án.

Trường hợp 3. Đối với trường hợp chủ xe được ngân hàng cho vay tiền để mua xe nhằm mục đích kinh doanh; sau đó chủ xe giao xe cho người khác chạy hợp đồng. Người này đem xe đi cầm cố lấy tiền rồi bỏ trốn thì xem xét, xác định chủ xe ô tô là bị hại, chủ hiệu cầm đồ và ngân hàng là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan

Ví dụ: Khoảng tháng 8/2019, anh Nguyễn Minh Long vay Ngân hàng Bắc Á số tiền 390.000.000 đồng để mua xe ô tô hiệu Suzuki, biển số 72A-352.54 và thế chấp tài sản là chiếc xe ô tô trên. Ngày 23/12/2019, anh Long giao xe cho em vợ là Nguyễn Đình Khôi mượn để chạy hợp đồng, thỏa thuận hằng tháng Khôi trả tiền ngân hàng thay cho anh Long. Ngày 22/01/2020, Khôi vay bà Đặng Kim Cúc số tiền 160.000.000 đồng, giao chiếc xe ô tô Suzuki, biển số 72A-352.54 để đảm bảo khoản vay, sau đó Khôi bỏ trốn. Anh Long làm đơn trình báo. Quá trình giải quyết đơn tố giác, bà Cúc tự nguyện giao nộp chiếc xe trên. Do không còn khả năng chi trả nên anh Long đồng ý giao xe cho ngân hàng để làm thủ tục tất toán khoản vay. Bà Cúc được gia đình Khôi thỏa thuận trả số tiền Khôi đã vay nên không yêu cầu gì.

Trường hợp này, xác định anh Nguyễn Minh Long là bị hại; ngân hàng và bà Đặng Kim Cúc là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan.

Trường hợp 4. Đối với trường hợp nhờ người khác thuê xe hộ, sau đó lợi dụng lấy xe mang đi bán hoặc mang đi cầm cố, thế chấp thì người được giao tài sản hợp pháp là bị hại; chủ xe và chủ hiệu cầm đồ là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan

Ví dụ: Ngày 20/01/2019, Đỗ Đình Thắng là bạn Mai Văn Hải, thông qua Hải, Thắng biết Tô Đình Quân. Đỗ Đình Thắng nhờ Tô Đình Quân thuê hộ 01 xe ô tô để đi làm, Quân đồng ý. Tô Đình Quân đã thuê của anh Lê Xuân Sơn 01 xe ô tô INNOVA 7 chỗ, giá 700.000 đồng/1 ngày, Quân nói với anh Sơn thuê cho bạn khoảng 2-3 ngày. Anh Quân mang xe giao cho Đỗ Đình Thắng, nói giá thuê xe 700.000 đồng/ngày, Thắng đưa cho anh Quân 3.000.000 đồng tiền thuê xe. Sau đó Thắng lái xe chở Mai Văn Hải đến nhà anh Nghiêm Xuân Đức, Thắng gọi điện thoại cho anh Hà Văn Giáp đến nhà anh Đức. Thắng nói dối là xe ô tô của bố Hải, đặt vấn đề với Giáp để cầm cố xe, Giáp không cho cầm cố, mà muốn mua luôn xe nên đưa trước cho Thắng 02 lần tổng số tiền 150.000.000 đồng, cả 2 chưa viết giấy tờ mua bán xe. Sau đó Thắng tiếp tục hỏi vay anh Nghiêm Xuân Đức 50.000.000 đồng, anh Đức nói không có tiền nên gọi cho Giáp mang thêm cho Thắng 50.000.000 đồng, tính tiếp vào tiền mua xe. Tổng số tiền Giáp đưa cho Thắng là 200.000.000 đồng. Xe ô tô INNOVA được định giá 220.000.000 đồng.

Trường hợp này, xác định anh Tô Đình Quân (người được giao xe) là bị hại; anh Lê Xuân Sơn (chủ xe), Hà Văn Giáp, Nghiêm Xuân Đức là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Như vậy, hầu hết các trường hợp bị cáo được người khác giao xe (bằng hình thức thuê, mượn…) sau đó đem bán hoặc cầm cố thế chấp cho người khác thì cần xác định chủ sở hữu xe ô tô hoặc người quản lý hợp pháp tài sản là bị hại; người nhận cầm cố, thế chấp là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan. Bởi việc người phạm tội đem xe đi bán, cầm cố, thế chấp chỉ được xem như một thủ đoạn tiêu thụ tài sản do phạm tội mà có. Tài sản bị chiếm đoạt được xác định là trị giá chiếc xe ô tô mà người phạm tội chiếm đoạt được.

Trường hợp 5. Đối với trường hợp được giao xe (không thuộc các trường hợp thuê, mượn nêu trên), sau đó mang xe đi cầm cố, dùng các thủ đoạn tinh vi để lừa dối chủ hiệu cầm đồ (làm giả chứng minh thư, giấy tờ…) để vay tiền. Sau đó, nói dối chủ hiệu cầm đồ để lấy xe về trả cho chủ sở hữu xe ô tô trước khi chủ xe phát hiện thì có thể xem xét, đánh giá toàn diện vụ án để xác định chủ hiệu cầm đồ là bị hại; chủ xe là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan

Ví dụ: Ngày 14/3/2018, Nguyễn Hữu Tân thuê xe ô tô mang biển kiểm soát 66A-031.33 của Hồ Thanh Tuấn (bà Phan Hồng Diệu, vợ ông Tuấn đứng tên sở hữu), rồi đến dịch vụ cầm đồ Ngọc Nhi do ông Cao Văn Tích và bà Nguyễn Thanh Liên làm chủ để cầm cố. Ông Tích, bà Liên yêu cầu phải có giấy đăng ký xe và bản sao giấy tờ chứng minh của chủ sở hữu mới đồng ý cho cầm xe. Sau đó Tân lên mạng Zalo thuê một người không rõ họ tên, địa chỉ làm bản sao giấy chứng minh thư nhân dân mang tên Phan Hồng Diệu rồi mang xe, giấy tờ xe đến cầm cho bà Liên, nói dối là cầm xe giùm ông chủ. Bà Liên ông Tích tin tưởng cầm xe với giá 260.000.000 đồng, lãi suất 3%/tháng, thời hạn từ 14/3/2018 đến 14/4/2018. Do sợ bị chủ xe phát hiện nên sau đó Tân đã nói dối bà Liên cho mượn lại xe ô tô để đăng kiểm, bà Liên tin tưởng giao xe. Tân mang xe trả cho anh Hồ Thanh Tuấn rồi bỏ trốn, sau đó bị bắt theo lệnh truy nã.

Trường hợp này có thể được đánh giá là chủ xe không bị thiệt hại về tài sản, người phạm tội không có hành vi chiếm đoạt tài sản của chủ xe. Bởi khi có được chiếc xe, người phạm tội mang xe đi cầm cố, lừa dối chiếm đoạt tiền của chủ hiệu cầm đồ. Sau đó, tiếp tục lừa dối chủ hiệu cầm đồ để lấy xe về trả lại cho chủ sở hữu chiếc xe ô tô.

Trong thực tế, có thể thấy rất ít các trường hợp chủ hiệu cầm đồ được xem xét, xác định là bị hại. Bởi khi nhận cầm cố, thế chấp xe ô tô, chủ hiệu cầm đồ phải có trách nhiệm xem xét tính đầy đủ và hợp pháp của các giấy tờ liên quan đến xe ô tô và nhân thân của người mang xe đến cầm cố để xác định người mang xe đến là chủ xe hoặc được chủ xe giao quyền định đoạt chiếc xe hay không (Đối với giao dịch cầm đồ, pháp luật dân sự đòi hỏi bên cầm cố phải sử dụng tài sản hợp pháp thuộc quyền sở hữu của mình để cầm cố, bảo đảm cho nghĩa vụ của họ (cho khoản vay)). Trong trường hợp, người phạm tội bằng các thủ đoạn tinh vi, lừa dối chủ hiệu cầm đồ (làm giả giấy tờ xe, chứng minh thư…) làm cho chủ hiệu cầm đồ tin tưởng giao tiền cho người phạm tội vay và sau đó lại tiếp tục lừa dối chủ hiệu cầm đồ để lấy xe về trả lại cho chủ sở hữu xe ô tô thì tùy từng trường hợp có thể xác định chủ hiệu cầm đồ là người bị hại trong vụ án. Trường hợp nếu người nhận cầm cố, thế chấp tài sản biết rõ được đó là tài sản của người khác, người đến cầm cố có được tài sản do thuê, mượn hoặc bằng hình thức hợp đồng khác mà có được nhưng người nhận cầm cố cố tình cầm cố tài sản đó thì xác định người nhận cầm cố phạm tội “Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” quy định tại Điều 323 BLHS. Hoặc nếu khi nhận xe ô tô biết không đủ điều kiện để thực hiện giao dịch hoặc không kiểm tra, thực hiện giao dịch đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật về cầm cố, thế chấp thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại khoản 3 Điều 12 Nghị định 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12 /2021 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng chống tệ nạn xã hội.

Trường hợp 6. Đối với trường hợp dùng xe ô tô đã thế chấp cho ngân hàng hoặc chờ kê biên đấu giá trả nợ cho ngân hàng, sau đó làm giả giấy chứng nhận đăng ký xe mang đi cầm cố, thế chấp thì có thể xem xét, đánh giá toàn diện vụ án để xác định ngân hàng là bị hại, chủ sở hữu chiếc xe đã thế chấp cho ngân hàng và chủ hiệu cầm đồ là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan

Ví dụ: Nguyễn Thị Năm là chủ sở hữu chiếc xe ô tô, biển kiểm soát 84A- 022.21. Do cần vốn để kinh doanh nên ngày 02/8/2016, Năm đã thế chấp cho Ngân hàng Á Châu giấy chứng nhận chiếc xe ô tô trên để vay số tiền 640.000.000 đồng bằng hợp đồng tín dụng. Do không thực hiện đúng như hợp đồng tín dụng trong việc nộp lãi và trả lại nợ gốc. Ngân hàng không cấp cho Năm bản photo giấy chứng nhận xe ô tô trên để lưu hành xe và xác định Năm còn nợ ngân hàng số tiền 539.561.458 đồng. Nếu không thực hiện việc trả nợ cho ngân hàng đúng hạn thì Năm phải giao xe ô tô cho ngân hàng để xử lý theo quy định của pháp luật. Năm biết mình không có khả năng trả tiền cho ngân hàng nhưng không muốn giao xe ô tô cho Chi cục Thi hành án dân sự để kê biên nên đã nảy sinh ý định đem xe ô tô đi cầm cố. Ngày 03/7/2018, Năm kêu con gái là Loan Phương đem xe và giấy chứng nhận đăng ký xe ô tô có đóng dấu mộc đỏ đến hiệu cầm đồ của anh Trần Dễ Sờn cầm cố, lấy số tiền 300.000.000 đồng mang về cho Năm. Ngày 19/7/2018, Chi cục Thi hành án dân sự đến kê biên thì Năm không giao xe vì xe đang cầm cố cho anh Sòn. Ngày 22/11/2018, Năm đến nhà anh Sòn nhận thêm 100.000.000 đồng, làm giấy tờ thỏa thuận cầm xe cho anh Sờn là 400.000.000 đồng. Sau khi cầm xe, anh Sờn sử dụng xe ô tô để chở thuê. Ngày 27/02/2019, khi bị Chi cục Thi hành án phối hợp với lực lượng chức năng tạm giữ xe anh Sơn mới biết xe ô tô đang thế chấp tại ngân hàng và đang bị Chi cục Thi hành án dân sự kê biên. Anh Sờn đến Công an trình báo và tố giác hành vi lừa đảo của Năm và nộp giấy chứng nhận xe ô tô giả.

Trong trường hợp tương tự như tình huống nêu trên cần phân biệt: nếu không thu được xe thì cần xác định ngân hàng là bị hại (vì xe ô tô đã thế chấp ngân hàng, ngân hàng mới có quyền định đoạt chiếc xe); nếu thu được xe thì xác định chủ hiệu cầm đồ là người bị hại (vì ngân hàng vẫn giữ được tài sản).

Trường hợp 7. Đối với trường hợp mượn, thuê xe là tài sản hợp pháp của chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp (có hợp đồng, ghi rõ thời hạn trong hợp đồng). Sau đó nảy sinh ý định chiếm đoạt và làm giả giấy tờ về nhân thân và giấy to xe để mang tài sản đi cầm cố lấy tiền tiêu xài thì phạm tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản và bị hại được xác định là chủ sở hữu tài sản hoặc người quản  lý hợp pháp ghi trên hợp đồng, chủ hiệu cầm đồ là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan.

Trường hợp trên là tình huống điển hình của việc người phạm tội có được tài sản bằng hình thức thuê, mượn… nhưng có hợp đồng thuê, mượn rõ ràng. Do vậy, các trường hợp này đều cần được làm rõ mục đích thuê, mượn tài sản, thời hạn thuê, mượn ghi trong hợp đồng để đánh giá đúng bản chất hành vi phạm tội.

Link PDF: Thông báo số 101/TB-VKSTC-V7

Bài viết liên quan