Feel free to go with the truth

Trang chủ / Hôn nhân và GĐ / Thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn có được không?

Thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn có được không?

Tôi và vợ ly hôn vào cuối năm 2016. Khi ly hôn, chúng tôi có một con chung là cháu Trần Bảo (18 tháng tuổi), vì tại thời điểm ly hôn, cháu dưới 36 tháng tuổi nên vợ tôi được Tòa án chỉ định là người trực tiếp nuôi con, và thỏa thuận mỗi tháng tôi cấp dưỡng cho con 2 triệu đồng. Tuy nhiên, trong hơn nửa năm trở lại đây, mẹ vợ tôi mất, vợ thì đi làm công nhân thường xuyên tăng ca nên không đảm bảo việc trông nom cháu. Cháu được gửi ở nhà trẻ, chi phí khá cao, vợ cũ tôi hiện tại đang rất khó khăn về tài chính và hạn hẹp thời gian trông con. Tuy nhiên tôi vẫn không thỏa thuận được với vợ cũ về việc tôi sẽ là người trực tiếp chăm nom cháu, khi trao đổi thì cô ấy tránh né và không đồng ý. Thời gian gần đây, cô ấy cố tình không cho tôi gặp mặt thăm nom con trai. Thưa Luật sư, hiện tại rôi rất muốn được giành quyền nuôi con để đảm bảo cho việc phát triển con cái, hiện tôi đang có doanh nghiệp riêng, thu nhập ổn định ngoài ra còn có ba mẹ sẽ phụ giúp tôi chăm cháu. Mong được Luật sư tư vấn về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con!

Trả lời:

Cảm ơn Qúy Khách đã gửi câu hỏi đến Công ty Luật FDVN (FDVN). Đối với các yêu cầu tư vấn của Qúy Khách, sau khi nghiên cứu các quy định pháp luật liên quan, FDVN có một số trao đổi như sau:

[1] Quyền thăm nom, chăm sóc con sau khi ly hôn

Theo quy định tại Điều 82 Luật hôn nhân gia đình 2014 Nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn:

  1. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi.
  2. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.
  3. Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở.

Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó.

Như vậy, mặc dù không trực tiếp nuôi con, nhưng bạn hoàn toàn có quyền và nghĩa vụ cấp dưỡng, chăm nom con. Việc vợ bạn không cho bạn gặp con là trái với quy định của pháp luật, bạn nên trao đổi cụ thể với vợ, nếu ở mức nghiêm trọng bạn có thể khởi kiện ra Tòa án để đảm bảo quyền lợi của mình đối với việc trông nom, chăm sóc con cái sau ly hôn.

  1. Quyền được thay đổi quyền nuôi con

Theo quy định tại Điều 84 Luật Hôn nhân và Gia Đình 2014 quy định về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn:

  1. Trong trường hợp có yêu cầu của cha, mẹ hoặc cá nhân, tổ chức được quy định tại khoản 5 Điều này, Tòa án có thể quyết định việc thay đổi người trực tiếp nuôi con.
  2. Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con được giải quyết khi có một trong các căn cứ sau đây:

a) Cha, mẹ có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con;

b) Người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.

  1. Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phải xem xét nguyện vọng của con từ đủ 07 tuổi trở lên.
  2. Trong trường hợp xét thấy cả cha và mẹ đều không đủ điều kiện trực tiếp nuôi con thì Tòa án quyết định giao con cho người giám hộ theo quy định của Bộ luật dân sự.
  3. Trong trường hợp có căn cứ theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều này thì trên cơ sở lợi ích của con, cá nhân, cơ quan, tổ chức sau có quyền yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con:

a) Người thân thích;

b) Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình;

c) Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em;

d) Hội liên hiệp phụ nữ.

Theo như quy định trên, nếu bạn có các căn cứ chứng minh khả năng nuôi con hiện giờ của vợ cũ đang rất khó khăn, và thuận lợi trong tài chính của bạn để đảm bảo việc trông nom, chăm sóc con cái, đảm bảo cho sự phát triển của con cái được toàn diện nhất, bạn có quyền gửi đơn tới TAND quận, huyện nơi người mẹ cư trú, làm việc để yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con.

Trên đây là ý kiến tư vấn của FDVN liên quan đến yêu cầu tư vấn của bạn trên cơ sở nghiên cứu các quy định pháp luật. Hy vọng các ý kiến tư vấn của FDVN sẽ hữu ích cho bạn.

Ngô Thị Mỹ Trâm

Công ty Luật FDVN

TÀI SẢN ĐỨNG TÊN MỘT NGƯỜI CÓ ĐƯỢC XEM LÀ TÀI SẢN CHUNG CỦA VỢ CHỒNG?

CHA CHẾT TRƯỚC ÔNG NỘI, CÁC CON CÓ ĐƯỢC HƯỞNG THỪA KẾ?

VỢ CỦA AI KHI ĐÃ KẾT HÔN VỚI NGƯỜI KHÁC MÀ NGƯỜI CHỒNG TRƯỚC BỊ TÒA ÁN TUYÊN BỐ LÀ ĐÃ CHẾT TRỞ VỀ?


Luật sư tại Đà Nẵng

99 Nguyễn Hữu Thọ, Quân Hải Châu, thành phố Đà Nẵng

Luật sư tại Huế: 

336 Phan Chu Trinh, thành phố Huế, Thừa Thiên Huế

Luật sư tại Phú Quốc:

65 Hùng Vương, thị trấn Dương Đông, huyện đảo Phú Quốc.

Website: www.fdvn.vn    www.tuvanphapluatdanang.com

Email: fdvnlawfirm@gmail.com    luatsulecao@gmail.com

Điện thoại: 0935 643 666    –  0906 499 446

Fanpage: https://www.facebook.com/fdvnlawfirm/

Bài viết liên quan