(ĐSPL) – Anh chị lập Văn bản thừa nhận con chung và nộp Tờ khai theo mẫu tại Phụ lục 5 đính kèm theo Thông tư 15/2015/TT-BTP đến Uỷ ban nhân dân cấp xã.
Hỏi: Tôi và người yêu của tôi quen nhau khi cả hai vẫn đang còn đi học đến năm 2013, tôi có thai. Vì gia đình 2 bên ngăn cấm nên tôi về quê để sinh con. Tháng 04/2014, tôi sinh con và đăng ký khai sinh cho con để trống phần về người cha. Nay, người yêu tôi xin quay lại và cả hai gia đình đã đồng ý cho chúng tôi kết hôn với nhau. Tháng 12/2015, chúng tôi đã đăng ký kết hôn. Nay, tôi muốn bổ sung phần về người cha trong Giấy khai sinh của con nhưng không biết phải làm thế nào? Vợ chồng tôi có phải làm thủ tục đăng ký nhận cha cho con không? Có còn cách nào khác không?
Theo hướng dẫn của pháp luật hộ tịch, trong trường hợp của anh/chị, vì đứa bé được sinh ra trước thời điểm anh/chị đăng ký kết hôn và đã được đăng ký khai sinh nhưng không có thông tin về người cha, nên anh muốn nhận con thì chỉ cần anh chị lập văn bản thừa nhận con chung, tiến hành thủ tục bổ sung hộ tịch để ghi bổ sung thông tin về người cha trong Sổ đăng ký khai sinh và Giấy khai sinh của con mà không phải làm thủ tục đăng ký nhận cha, con (Khoản 2 Điều 13 Thông tư 15/2015/TT-BTP, ngày 16/11/2015 Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Hộ tịch và Nghị định số 123/2015/NĐ-CP, ngày 15/11/2015 Quy định chi tiết thi hành một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch).Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến trang Tư Vấn của báo Đời Sống & Pháp Luật. Vấn đề này chuyên gia tư vấn luật Trần Thị Hậu – Công ty Luật hợp danh FDVN ĐÀ NẴNG đưa ra ý kiến như sau:
Theo đó, anh chị lập Văn bản thừa nhận con chung và nộp Tờ khai (theo mẫu tại Phụ lục 5 đính kèm theo Thông tư 15/2015/TT-BTP) đến Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi đã đăng ký hộ tịch trước đây hoặc nơi cư trú của anh/chị đến thực hiện thủ tục bổ sung hộ tịch (Điều 27 Luật Hộ tịch 2014). Uỷ ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm giải thích rõ về trách nhiệm, hệ quả pháp lý của việc lập Văn bản thừa nhận con chung nếu không đúng sự thật. Ngay sau khi nhận đủ giấy tờ, xét thấy yêu cầu bổ sung hộ tịch là đúng, công chức tư pháp – hộ tịch ghi nội dung bổ sung về người cha vào Giấy khai sinh, Sổ đăng ký khai sinh và đóng dấu vào nội dung bổ sung (Điều 29 Luật Hộ tịch 2014).
Lệ phí bổ sung hộ tịch trong trường hợp này là không quá 15.000 đồng (Điều 1 Thông tư 179/2015/TT-BTC, ngày 13/11/2015 sửa đổi, bổ sung Thông tư 20/2014/TT-BTC, ngày 02/01/2014 Hướng dẫn về phí và lệ phí thuộc thẩm quyền quyết định của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương).
Như vậy, trong trường hợp này, anh chị chỉ cần thực hiện theo thủ tục mà chúng tôi đã nêu trên để bổ sung phần thông tin người cha trong Giấy khai sinh của người con mà không phải thực hiên thủ tục nhận cha, con.
Hy vọng rằng sự tư vấn sẽ giúp bạn lựa chọn phương án thích hợp nhất để giải quyết những vướng mắc của bạn. Nếu còn bất cứ thắc mắc gì xin gửi về báo Đời sống & Pháp luật.