Rút yêu cầu khởi kiện tại phiên tòa, nguyên đơn có phải chịu án phí?
Tôi là nguyên đơn trong một vụ án dân sự, sắp tới ngày đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm. Nếu tôi rút đơn tại phiên Tòa sơ thẩm thì tôi có phải chịu án phí hay không? Ai sẽ là người có thẩm quyền ra quyết định nếu tôi rút đơn trong trường hợp này? Mong quý Công ty sớm phản hồi.
Cảm ơn Qúy Khách đã gửi câu hỏi đến Công ty Luật FDVN (FDVN). Đối với các yêu cầu tư vấn của Qúy Khách, sau khi nghiên cứu các quy định pháp luật liên quan, FDVN có một số trao đổi như sau:
[1]. Về việc chịu án phí dân sự khi rút đơn tại phiên tòa
Theo như thông tin mà Anh/Chị cung cấp thì Anh/Chị thuộc trường hợp Người khởi kiện rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện quy định tại điểm c Khoản 1 Điều 217 Bộ luật Dân sự 2015.
Theo đó, Khoản 3 Điều 218 của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định như sau: “Trường hợp Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự do người khởi kiện rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện quy định tại điểm c khoản 1 Điều 217 của Bộ luật này thì tiền tạm ứng án phí mà đương sự đã nộp được trả lại cho họ.”
Và Khoản 3 Điều 18 của Nghị quyết số 326/2016/LHBTVQH14 ngày 30-12- 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án cũng quy định: Trường hợp Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự do người khởi kiện rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 217 của Bộ luật Tố tụng dân sự thì tiền tạm ứng án phí được trả lại cho người đã nộp.
Tại Mục II.3 Công văn 64/TANDTC-PC năm 2019 Thông báo kết quả giải đáp trực tuyến một số vướng mắc về hình sự, dân sự và tố tụng hành chính do tòa án nhân dân tối cao ban hành có giải đáp như sau:
“Quy định tại khoản 3 Điều 218 của Bộ luật Tố tụng dân sự và khoản 3 Điều 18 của Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 không chỉ rõ là áp dụng cho giai đoạn chuẩn bị xét xử hay tại phiên tòa thì phải được hiểu bao gồm cả giai đoạn tại phiên tòa. Không thể áp dụng tương tự quy định của giai đoạn xét xử phúc thẩm cho phiên tòa sơ thẩm vì sẽ là việc đặt ra một quy định mới về trách nhiệm pháp lý nặng hơn của đương sự. Do đó, trường hợp đình chỉ xét xử sơ thẩm do nguyên đơn rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện, dù là trước khi mở phiên tòa hay tại phiên tòa sơ thẩm thì nguyên đơn vẫn được trả lại tiền tạm ứng án phí; các đương sự không phải chịu án phí sơ thẩm.”
Chính vì vậy, khi Anh/Chị rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện tại phiên tòa sơ thẩm thì Anh/Chị vẫn được trả lại tiền tạm ứng án phí và không phải chịu án phí sơ thẩm.
[2]. Về thẩm quyền ra Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án
Điều 219 của Bộ luật Tố tụng dân sự quy định về Thẩm quyền ra Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự, cụ thể:
“1. Trước khi mở phiên tòa, Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án dân sự có thẩm quyền ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự, quyết định tiếp tục giải quyết vụ án dân sự, quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự.
- Tại phiên tòa, Hội đồng xét xử có thẩm quyền ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự, quyết định tiếp tục giải quyết vụ án dân sự, quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự.”
Đồng thời, Công văn 64/TANDTC-PC năm 2019 Thông báo kết quả giải đáp trực tuyến một số vướng mắc về hình sự, dân sự và tố tụng hành chính do tòa án nhân dân tối cao ban hành cũng có giải đáp như sau:
“Vậy đến ngày mở phiên tòa đã được coi là “tại phiên tòa” hay chưa? Mục 2 Chương XIV Bộ luật Tố tụng dân sự quy định về thủ tục bắt đầu phiên tòa. Theo quy định tại Mục này thì phiên tòa bắt đầu bằng thủ tục “Khai mạc phiên tòa” (Điều 239). Do đó, đến ngày mở phiên tòa (được triệu tập) nhưng chưa khai mạc phiên tòa thì chưa coi là “bắt đầu phiên tòa”, chưa coi là “tại phiên tòa”. Nếu nguyên đơn nộp đơn xin rút yêu cầu khởi kiện trước khi khai mạc phiên tòa thì Thẩm phán vẫn có thẩm quyền ra quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ án chứ không phải là Hội đồng xét xử.”
Như vậy, tại phiên tòa (tức đã khai mạc phiên tòa) thì Hội đồng xét xử có thẩm quyền ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự nếu Anh/Chị rút đơn tại phiên tòa.
Trên đây là ý kiến tư vấn của FDVN liên quan đến yêu cầu tư vấn của Qúy Khách trên cơ sở nghiên cứu các quy định pháp luật. Hy vọng ý kiến tư vấn của FDVN sẽ hữu ích cho Qúy Khách.
CVPL: Nguyễn Thị Sương – Công ty Luật FDVN
…………………………………………………………………………………………………………………………………
Luật sư tại Đà Nẵng:
99 Nguyễn Hữu Thọ, Quân Hải Châu, thành phố Đà Nẵng
Luật sư tại Huế:
336 Phan Chu Trinh, thành phố Huế, Thừa Thiên Huế
Luật sư tại Phú Quốc:
65 Hùng Vương, thị trấn Dương Đông, huyện đảo Phú Quốc.
Website: www.fdvn.vn www.tuvanphapluatdanang.com
Email: fdvnlawfirm@gmail.com luatsulecao@gmail.com
Điện thoại: 0935 643 666 – 0906 499 446
Fanpage: https://www.facebook.com/fdvnlawfirm/