1. Về tư cách tham gia tố tụng
Hợp đồng tín dụng có tranh chấp là giao dịch phát sinh tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – chi nhánh huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận. Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam là Nguyên đơn, ủy quyền cho chi nhánh ký tên và nộp đơn khởi kiện vụ án là đúng quy định pháp luật.
Về tư cách bị đơn, tại thời điểm ký kết hợp đồng, Công ty đường Bình Thuận là đơn vị hoạch toán phụ thuộc của Tổng công ty Mía đường II, nguyên đơn khởi kiện Tổng công ty Mía đường II với tư cách bị đơn là đúng quy định.
2. Tòa án xác định sai quan hệ tranh chấp
Tại thời điểm Công ty đường Bình Thuận ký các HĐTD với Ngân hàng thì Công ty đường Bình Thuận là đơn vị hạch toán phụ thuộc của Tổng công ty Mía đường II nên không có tư cách pháp nhân để ký kết các hợp đồng, mà chỉ có thể ký kết theo sự ủy quyền của Tổng công ty Mía đường II.
Công văn 775/MĐII/HĐQT/CV về việc “Bảo lãnh vay vốn ngân hàng của Công ty đường Bình Thuận” thể hiện việc Tổng công ty Mía đường II biết và chấp thuận việc Công ty đường Bình Thuận ký các HĐTD với Ngân hàng nên được coi là sự ủy quyền của Tổng công ty Mía đường II cho Công ty đường Bình Thuận.
Bên cạnh đó, số tiền vay của Ngân hàng cũng như mọi hoạt động kinh doanh của Công ty đường Bình Thuận đều do Tổng Công ty Mía đường II quản lý và hạch toán.
Thực chất đây là quan hệ hợp đồng tín dụng giữa Tổng công ty Mía đường II và Ngân hàng.
Do đó, quan hệ tranh chấp trong vụ án này không phải là “Tranh chấp hợp đồng bảo lãnh” như tòa án cấp sở thẩm xác định mà là “Tranh chấp hợp đồng tín dụng” giữa Nguyên đơn là Ngân hàng và bị đơn là Tổng Công ty Mía đường II.
3. Xác định lãi không chính xác
Bản án cấp sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu của Ngân hàng về tiền lãi kể từ ngày 13/10/2005 (ngày Tòa án ra Quyết định mở thủ tục phá sản) tới ngày xét xử sở thẩm là không đúng bởi lẽ:
Mặc dù khoản 3 Điều 52 Luật Phá sản 2014 quy định: “Kể từ ngày ra quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản thì khoản nợ không được tiếp tục tính lãi”.
Tuy nhiên cần lưu ý:
(i) Nghĩa vụ trả nợ theo các HĐTD ở đây là của Tổng công ty Mía đường II chứ không phải của Công ty đường Bình Thuận. Do Tòa án xác định sai quan hệ pháp luật tranh chấp dẫn đến xác định sai nghĩa vụ trả nợ. Ở đây, Công ty đường Bình Thuận mở thủ tục phá sản chứ không phải Tổng công ty Mía đường II. Do đó, không thể áp dụng quy định tại khoản 3 Điều 52 Luật Phá sản 2014 nêu trên.
(ii) Mặc khác, giả sử nghĩa vụ trả nợ ở đây là của Công ty đường Bình Thuận thì cũng phải lưu ý quy định tại khoản 3 Điều 52 Luật Phá sản 2014 nêu trên chỉ áp dụng khi nào có Quyết định tuyên bố phá sản. Ở đây, chỉ mới mở thủ tục phá sản chứ chưa có quyết định tuyên bố phá sản.
Chi tiết vui lòng xem Thông báo đính kèm./.
Thông báo số: 05/TB-VC3-V4