Feel free to go with the truth

Trang chủ / BÀI VIẾT & ẤN PHẨM CỦA FDVN / RÈN LUYỆN KỸ NĂNG ÁP DỤNG PHÁP LUẬT VÀ XỬ LÝ XUNG ĐỘT PHÁP LUẬT CHO SINH VIÊN NGÀNH LUẬT

RÈN LUYỆN KỸ NĂNG ÁP DỤNG PHÁP LUẬT VÀ XỬ LÝ XUNG ĐỘT PHÁP LUẬT CHO SINH VIÊN NGÀNH LUẬT

TÓM TẮT: Qua thực tế tham gia công tác giảng dạy, chúng tôi nhận thấy sinh viên Luật hiện nay đang gặp nhiều lúng túng trong các vụ việc mà các sự kiện pháp lý phát sinh trong một khoảng thời gian dài hoặc trong các tình huống mà pháp luật có sự xung đột giữa các văn bản. Khi đó, người học chưa có kỹ năng để lựa chọn và áp dụng văn bản quy phạm pháp luật một cách hiệu quả. Bài viết nêu ra tầm quan trọng của việc rèn luyện kỹ năng áp dụng pháp luật, xử lý xung đột pháp luật, phân tích thực trạng giảng dạy và đào tạo kỹ năng về vấn đề này từ đó đề xuất một số nội dung cần trang bị cho sinh viên ngành luật để rèn luyện, nâng cao kỹ năng áp dụng pháp luật và xử lý xung đột pháp luật.

Từ khóa: Kỹ năng, áp dụng pháp luật, xung đột pháp luật.

  1. NHẬN DIỆN VẤN ĐỀ

Để pháp luật đi vào đời sống và điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh thì hoạt động áp dụng pháp luật phải được thực hiện. Áp dụng pháp luật được hiểu là một hoạt động có tính tổ chức, quyền lực nhà nước, do các cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân có thẩm quyền tiến hành theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định nhằm cá biệt hóa các quy phạm pháp luật hiện hành vào những trường hợp cụ thể, đối với các cá nhân, tổ chức cụ thể[1]. Như vậy, áp dụng pháp luật chính là việc đưa các quy phạm pháp luật vào để giải quyết các trường hợp cụ thể. Hiểu đơn giản nhất, với một tình huống thực tiễn đã phát sinh, sẽ áp dụng quy định nào để điều chỉnh. Quá trình áp dụng pháp luật, đôi khi có sự xung đột pháp luật diễn ra, đó là sự mâu thuẫn giữa hai hay nhiều văn bản quy phạm pháp luật khi cùng điều chỉnh về một vấn đề. Chẳng hạn, cùng vấn đề về phạt vi phạm hợp đồng nhưng Bộ luật Dân sự (BLDS) lại có quy định khác với Luật Thương mại hay Luật Xây dựng. Từ đây, người áp dụng phải có kỹ năng để giải quyết các xung đột đó.

Thực trạng giảng dạy trong chương trình cử nhân Luật hiện nay cho thấy, ở một số học phần, giảng viên thường chỉ chú trọng trang bị cho sinh viên các quy định của pháp luật hiện hành. Do đó, các ví dụ minh họa, bài tập thảo luận cũng chỉ nhằm làm rõ các quy định đó. Vấn đề xung đột pháp luật hay lựa chọn các văn bản quy phạm pháp luật thường không đặt ra. Ví dụ: để giảng dạy nội dung về hợp đồng, các giảng viên thường lấy các tình huống minh họa và sinh viên mặc nhiên áp dụng BLDS 2015 để giải quyết. Nhưng với một tình huống pháp lý, vụ án trên thực tế, không phải lúc nào BLDS 2015 cũng được dùng để giải quyết mà đôi khi phải áp dụng BLDS 2005, BLDS 1995 thậm chí phải áp dụng Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế 1989, Pháp lệnh Hợp đồng dân sự 1991… Hoặc khi giải quyết một vụ án thừa kế, đôi khi Tòa án phải áp dụng Luật Hôn nhân và gia đình năm 1959 để xác định quan hệ vợ chồng hợp pháp, phải áp dụng BLDS 1995 để xác định tính hợp pháp của di chúc, phải áp dụng Bộ luật tố tụng dân sự (BLTTDS) 2015 để thực hiện các thủ tục tố tụng… Khi đó, đòi hỏi người giải quyết phải có kỹ năng và nắm rõ các nguyên tắc áp dụng pháp luật. Qua nghiên cứu quy định về chuẩn đầu ra đào tạo trình độ đại học ngành Luật của các trường Đại học Luật hiện nay, chúng tôi nhận thấy yêu cầu về kỹ năng đối với sinh viên tốt nghiệp là phải có kỹ năng tra cứu, phân tích luật, lựa chọn và áp dụng đúng các quy định của pháp luật để giải quyết những vấn đề phát sinh trong thực tiễn[2]. Tuy nhiên, hiện nay trong các học phần của chương trình cử nhân Luật, chúng tôi chưa thấy có sự chú trọng, rèn luyện kĩ năng này cho người học, cũng như chưa có một môn học nào trang bị cho sinh viên các kỹ năng này[3].

Thực tiễn xét xử hiện nay cho thấy, không ít trường hợp Tòa án vẫn có sự nhầm lẫn trong áp dụng pháp luật[4] hoặc việc lựa chọn văn bản được áp dụng khi có xung đột pháp luật không chính xác[5] dẫn đến bản án bị hủy, sửa. Do đó, nắm vững những nguyên tắc và có kỹ năng áp dụng pháp luật cũng như giải quyết xung đột pháp luật là vấn đề quan trọng đối với những người làm công tác pháp luật. Vì vậy, cần tập trung rèn luyện các kỹ năng này ngay từ khi còn trên ghế nhà trường.

  1. MỘT SỐ NỘI DUNG CẦN CHÚ TRỌNG KHI RÈN LUYỆN KỸ NĂNG ÁP DỤNG PHÁP LUẬT VÀ XỬ LÝ XUNG ĐỘT PHÁP LUẬT CHO SINH VIÊN NGÀNH LUẬT

Từ thực trạng nêu trên, chúng tôi cho rằng, cần lồng ghép các kỹ năng áp dụng pháp luật và xử lý xung đột pháp luật vào các môn học chuyên ngành cho sinh viên ngành Luật hoặc thiết kế thành một chuyên đề riêng để sinh viên được tiếp cận các nguyên tắc và rèn luyện các kỹ năng này. Khi đó, với mỗi môn học sinh viên được tiếp cận ngay với các kỹ năng áp dụng pháp luật và giải quyết xung đột pháp luật. Từ đó, có cái nhìn tổng quan về hệ thống pháp luật chứ không gói gọn trong việc học và tiếp nhận các quy định của văn bản quy phạm pháp luật đang có hiệu lực.

Về mặt nội dung, thông qua việc hệ thống hóa các quy định của pháp luật hiện hành cũng như kinh nghiệm thực tiễn hành nghề, chúng tôi cho rằng cần trang bị cho sinh viên các nguyên tắc, kỹ năng áp dụng pháp luật và xử lý xung đột pháp luật sau đây:

2.1. Nguyên tắc áp dụng văn bản quy phạm pháp luật tại thời điểm xảy ra hành vi, trừ trường hợp có quy định về hiệu lực hồi tố

Đây là nguyên tắc và kỹ năng cơ bản nhất khi lựa chọn văn bản quy phạm pháp luật để giải quyết các vụ việc mà người giải quyết cần nắm vững và hiểu rõ. Nguyên tắc này được quy định cụ thể tại khoản 1 Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015, sửa đổi bổ sung 2020 (Luật BHVBQPPL). Do đó, cần lưu ý văn bản quy phạm pháp luật được áp dụng là văn bản đang có hiệu lực tại thời điểm xảy ra hành vi. Cụ thể:

Về tố tụng: Tòa án giải quyết vụ việc tại thời điểm nào thì áp dụng Bộ luật tố tụng dân sự (BLTTDS) đang có hiệu lực tại thời điểm đó. Vì hành vi xảy ra ở đây chính là hành vi tố tụng, giải quyết vụ việc. Chẳng hạn, Tòa án thụ lý vụ án và xét xử sơ thẩm vào năm 2015 thì phải áp dụng BLTTDS 2004 (sửa đổi, bổ sung 2011) là văn bản đang có hiệu lực thi hành vào năm 2015. Tuy nhiên, sau ngày 01/7/2016 (ngày BLTTDS 2015 có hiệu lực), vụ án nêu trên mới được Tòa án cấp phúc thẩm xét xử thì phải áp dụng các quy định tương ứng của BLTTDS 2015.

Về nội dung: với nguyên tắc áp dụng văn bản quy phạm pháp luật đang có hiệu lực tại thời điểm xảy ra hành vi, cần xác định mối quan hệ tranh chấp, các hành vi, sự kiện pháp lý cần áp dụng pháp luật để xác định các hành vi, sự kiện pháp lý đó xảy ra vào thời điểm nào. Từ đó, lựa chọn văn bản đang có hiệu lực tại thời điểm đó để điều chỉnh.

Ví dụ 1: Ông A và bà B sống chung như vợ chồng từ năm 1980 và có 02 con chung. Đến năm 2017 ông A khởi kiện ra Tòa yêu cầu được ly hôn với bà B. Trong ví dụ này, để xác định quan hệ vợ chồng giữa A và B có hợp pháp hay không thì cần đối chiếu văn bản đang có hiệu lực tại thời điểm họ xác lập quan hệ vợ chồng (năm 1980) là Luật Hôn nhân và Gia đình năm 1959. Còn để xác định ông A có căn cứ để ly hôn với bà B hay không, các nguyên tắc xử lý quan hệ hôn nhân, tài sản, con cái như thế nào thì phải áp dụng văn bản đang có hiệu lực pháp luật tại thời điểm thực hiện hành vi ly hôn là Luật Hôn nhân và gia đình 2014.

Ví dụ 2: Ông A lập di chúc vào năm 1999 và đến năm 2010 thì ông A chết. Năm 2020, các đồng thừa kế của ông A tranh chấp và khởi kiện ra Tòa án. Trường hợp này để xem xét di chúc của ông A có hiệu lực không thì phải căn cứ vào văn bản đang có hiệu lực tại thời điểm ông A lập di chúc (BLDS 1995). Để xác định nguyên tắc chia di sản, diện, hàng thừa kế, di sản thừa kế…. thì phải áp dụng văn bản pháp luật có hiệu lực tại thời điểm mở thừa kế (thời điểm ông A chết) là BLDS 2005 chứ không áp dụng văn bản đang có hiệu lực tại thời điểm xét xử là BLDS 2015 (trừ trường hợp các nội dung liên quan của BLDS 2015 quy định giống với BLDS 2005).

Ví dụ 3: Đối với hợp đồng thì cần áp dụng văn bản đang có hiệu lực tại thời điểm các bên giao kết hợp đồng. Chẳng hạn theo một bản án: “Hợp đồng thuê mặt bằng số 07-97/TMB ngày 02/7/1997 được ký giữa Tổng công ty Dệt may Việt N và Công ty Hải V không được chứng thực tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Đến nay thời hạn hợp đồng đã hết. Cho nên việc buộc các bên làm thủ tục công chứng hợp đồng là không cần thiết. Mặt khác, hợp đồng này được ký kết và phát sinh tranh chấp trước khi BLDS 2005 có hiệu lực pháp luật, do đó quan hệ hợp đồng này được điều chỉnh bởi Pháp lệnh hợp đồng kinh tế 1989. Đối chiếu với những quy định tại Điều 8 Pháp lệnh hợp đồng kinh tế thì thấy không có căn cứ để coi Hợp đồng thuê mặt bằng số 07-97/TMB ngày 02/7/1997 là vô hiệu[6]. Tương tự, theo một bản án: “Trong vụ án này, thời điểm nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan xác lập các giao dịch là thời điểm Bộ luật Dân sự năm 1995 đang có hiệu lực áp dụng. Căn cứ quy định tại điểm b khoản 2 Nghị quyết số 45/2005/QH11 ngày 14 tháng 6 năm 2005 của Quốc hội về việc thi hành Bộ luật Dân sự năm 2005 và điểm a khoản 1 Điều 688 của Bộ luật Dân sự 2015, thì luật nội dung được áp dụng để xem xét, giải quyết các tranh chấp là Bộ luật Dân sự năm 1995 và văn bản hướng dẫn Bộ luật Dân sự năm 1995[7].

Cần lưu ý nguyên tắc áp dụng văn bản quy phạm pháp luật đang có hiệu lực tại thời điểm xảy ra hành vi cũng có một số ngoại lệ nhất định:

+ Ngoại lệ 01: Trường hợp pháp luật có quy định về hiệu lực hồi tố thì áp dụng hồi tố. Hồi tố hay còn gọi là hiệu lực trở về trước. Hiểu đơn giản là áp dụng văn bản quy phạm pháp luật hiện hành (được ban hành sau) cho một hành vi đã xảy ra trước thời điểm văn bản đó được ban hành và có hiệu lực. Ví dụ: mục 5 Nghị quyết thi hành BLDS 1995 và hướng dẫn tại điểm c, khoản 2 mục I Thông tư liên tịch 03/TTLN ngày 10/8/1996 quy định: “Những quy định của BLDS 1995 về chuyển quyền sử dụng đất có hiệu lực áp dụng kể từ ngày Luật Đất đai năm 1993 có hiệu lực”. Luật đất đai 1993 có hiệu lực từ ngày 15/10/1993. Như vậy, khi có tranh chấp phát sinh từ việc chuyển quyền sử dụng đất, thì cần xác định thời điểm xác lập việc chuyển quyền sử dụng đất đó, nếu việc chuyển quyền sử dụng đất được xác lập từ ngày 15/10/1993, thì áp dụng các quy định của BLDS 1995 để giải quyết.

Trong lĩnh vực hình sự, hiệu lực hồi tố thường áp dụng đối với các quy định có lợi cho người phạm tội, chẳng hạn: Các điều khoản của Bộ luật Hình sự năm 2015 xóa bỏ một tội phạm, một hình phạt, một tình tiết tăng nặng; quy định hình phạt nhẹ hơn, tình tiết giảm nhẹ mới; miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt, giảm hình phạt, xóa án tích và các quy định khác có lợi cho người phạm tội thì được áp dụng đối với cả những hành vi phạm tội xảy ra trước 0 giờ 00 phút ngày 01 tháng 01 năm 2018 mà sau thời điểm đó mới bị phát hiện, đang bị điều tra, truy tố, xét xử hoặc đối với người đang được xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt, xóa án tích[8].

Về vấn đề này cần liên hệ quy định tại khoản 4 Điều 156 Luật BHVBQPPL, theo đó, trường hợp văn bản quy phạm pháp luật mới không quy định trách nhiệm pháp lý hoặc quy định trách nhiệm pháp lý nhẹ hơn đối với hành vi xảy ra trước ngày văn bản có hiệu lực thì áp dụng văn bản mới. Không quy định trách nhiệm pháp lý hoặc quy định trách nhiệm pháp lý nhẹ hơn được hiểu là không gây bất lợi cho các chủ thể liên quan khác. Trường hợp quy định trách nhiệm nhẹ hơn đối với một chủ thể nhưng đồng thời tăng trách nhiệm cho chủ thể tương ứng thì không thể coi là thuộc trường hợp nêu trên.

Ví dụ: khoản 2 Điều 146 BLDS 1995 quy định về hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu: “Tùy từng trường hợp, xét tính chất của giao dịch dân sự vô hiệu, tài sản giao dịch và hoa lợi, lợi tức thu được có thể bị tịch thu theo quy định của pháp luật”. Cũng về vấn đề này, BLDS 2005 quy định tại khoản 2 Điều 137: “Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận; nếu không hoàn trả được bằng hiện vật thì phải hoàn trả bằng tiền trừ trường hợp tài sản giao dịch, hoa lợi, lợi tức thu được bị tịch thu theo quy định của pháp luật”.

Như vậy, quy định của BLDS 2005 về trường hợp bị tịch thu có nội dung chỉ tịch thu khi có quy định của pháp luật. Đây là quy định có tính giảm nhẹ trách nhiệm pháp lý của người có tài sản, hoa lợi, lợi tức thuộc giao dịch vô hiệu so với quy định của BLDS 1995. Quy định này có lợi cho các bên tham gia vào giao dịch vô hiệu chứ không làm tăng trách nhiệm của chủ thể nào. Vì vậy, quy định của BLDS 2005 được áp dụng cho cả những giao dịch vô hiệu xác lập trước khi bộ luật này có hiệu lực. Đó cũng là lý do hình thành hướng giải quyết của Tòa án (từ 01/01/2006) cho người đứng tên hộ trong giao dịch mua nhà, chuyển nhượng quyền sử dụng đất và người nhờ đứng tên được chia nhau khoản lợi từ việc mua nhà, chuyển nhượng đất (chênh lệch giá giữa thời điểm tranh chấp với thời điểm giao dịch) mà không bị tịch thu khoản lợi này[9].

Thực tiễn xét xử Tòa án cũng áp dụng văn bản pháp luật ban hành sau nếu văn bản này có lợi hơn cho các chủ thể tham gia quan hệ pháp luật. Chẳng hạn theo một bản án: “Năm 1994 Công ty xây dựng và phát triển nhà Quận 4 ký hợp đồng chuyển nhượng cho ông Thuận nhà đất. Vào thời điểm này các hợp đồng chuyển nhượng nhà đất phải công chứng, tuy nhiên hợp đồng này không được công chứng”. Khi giải quyết vụ án này, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã nhận định: “Mặc dù tại thời điểm giao kết, hợp đồng chuyển nhượng nhà đất nêu trên không được công chứng hoặc chứng thực của cơ quan có thẩm quyền, nhưng theo quy định tại Điều 67 Luật Kinh doanh bất động sản có hiệu lực từ 01/01/2007 thì hợp đồng nêu trên không bắt buộc phải công chứng, chứng thực (do công ty có chức năng kinh doanh bất động sản), nên hiện nay hợp đồng sang nhượng nhà và đất giữa công ty với ông Thuận không vi phạm điều kiện về hình thức”[10].

Như vậy về nguyên tắc chung, hợp đồng được xác lập vào năm 1994 thì phải áp dụng văn bản quy phạm pháp luật đang có hiệu lực tại thời điểm năm 1994. Tuy nhiên, Hội đồng thẩm phán lại áp dụng Luật kinh doanh bất động sản 2006 để điều chỉnh hợp đồng này mặc dù Luật Kinh doanh bất động sản 2006 không có bất kì quy định nào cho phép áp dụng hồi tố. Tuy nhiên, việc áp dụng như vậy lại có lợi hơn cho các bên tham gia quan hệ hợp đồng, do đó hướng giải quyết này được đánh giá là rất thuyết phục, cần được duy trì và phát triển cho hoàn cảnh tương tự[11].

+ Ngoại lệ 02: cần lưu ý về điều khoản chuyển tiếp, theo đó trong một số trường hợp văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành cũng có thể được áp dụng để điều chỉnh các hành vi đã xảy ra trước đó nếu văn bản đó có quy định về việc áp dụng trong điều khoản chuyển tiếp. Ví dụ: điểm b khoản 1 Điều 688 BLDS 2015 quy định đối với giao dịch dân sự được xác lập trước ngày Bộ luật này có hiệu lực nhưng chưa được thực hiện hoặc đang được thực hiện mà có nội dung và hình thức phù hợp với quy định của Bộ luật này thì áp dụng quy định của Bộ luật này. Tuy nhiên, việc áp dụng quy định về điều khoản chuyển tiếp tại điểm b khoản 1 Điều 688 BLDS 2015 hiện nay vẫn còn nhiều quan điểm khác nhau, mặc dù thực tiễn xét xử Tòa án vẫn áp dụng quy định này để giải quyết và áp dụng cho các giao dịch đã xác lập trước ngày 01/01/2017[12] nhưng vẫn có quan điểm của thành viên Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao cho rằng quy định này mặc dù không nêu rõ giành cho các chủ thể của giao dịch như điểm a, khoản 1 Điều 688 BLDS 2015 nhưng việc có vị trí tiếp theo điểm a, quy định cùng về vấn đề giao dịch xác lập trước khi bộ luật mới có hiệu lực, “chưa thực hiện” hoặc “đang thực hiện”, chỉ khác là trường hợp có nội dung, hình thức giao dịch phù hợp với bộ luật mới thì cần được hiểu đây cũng là quy định cho chủ thể của giao dịch; không phải quy định áp dụng pháp luật để giải quyết tranh chấp[13]. Do đó, việc áp dụng quy định về điều khoản chuyển tiếp trong thời gian tới cần có hướng dẫn chính thức từ Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hoặc cần có Án lệ để thống nhất trong cách hiểu và áp dụng.

Cần lưu ý rằng điều khoản chuyển tiếp chỉ áp dụng cho các giao dịch dân sự, không áp dụng cho các quan hệ pháp luật khác. Thực tiễn xét xử có Tòa án vẫn nhầm lẫn và áp dụng cho cả quan hệ bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng dẫn đến bản án bị hủy, sửa[14]. Bên cạnh đó, điều khoản chuyển tiếp chỉ áp dụng đối với các giao dịch dân sự chưa thực hiện hoặc đang thực hiện. Nếu giao dịch đó đã xác lập và thực hiện xong trước ngày BLDS 2015 có hiệu lực thi hành mà phát sinh tranh chấp thì không áp dụng BLDS 2015 để giải quyết.

2.2. Nguyên tắc áp dụng văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực pháp lý cao hơn

Theo quy định tại khoản 2 Điều 156 Luật BHVBQPPL thì trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn. Để xác định thứ bậc hiệu lực pháp lý của văn bản quy phạm pháp luật có thể căn cứ vào Điều 4 của Luật BHVBQPPL. Theo đó, văn bản quy phạm pháp luật có giá trị pháp lý cao nhất là Hiến pháp và văn bản quy phạm pháp luật có giá trị pháp lý thấp nhất trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật là Quyết định của UBND cấp xã. Khi xác định thứ bậc này, cần lưu ý các văn bản được xếp trong cùng một khoản của Điều 4 nêu trên thì có giá trị pháp lý như nhau. Ví dụ: khoản 2 Điều 4 Luật BHVBQPPL quy định Bộ luật, luật (sau đây gọi chung là luật), nghị quyết của Quốc hội là các văn bản có giá trị pháp lý ngang nhau. Ví dụ: Ngày 15 tháng 05 năm 2013 Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư 05/2013/TT-BLĐTBXH hướng dẫn về thủ tục lập hồ sơ, quản lý hồ sơ, thực hiện chế độ ưu đãi người có công với cách mạng và thân nhân. Theo đó, Điều 42 Thông tư này quy định người có công hoặc thân nhân đang hưởng trợ cấp, phụ cấp ưu đãi nếu không có điều kiện trực tiếp nhận trợ cấp, phụ cấp thì phải lập giấy ủy quyền có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú. Giấy ủy quyền có thời hạn 3 tháng đối với người có công hoặc thân nhân hiện đang cư trú trong nước và thời hạn 6 tháng đối với trường hợp đang cư trú ở nước ngoài. Khi hết thời hạn được ủy quyền, trong thời gian không quá 3 tháng nếu chưa có giấy ủy quyền mới thì Sở Lao động – Thương binh và Xã hội ra quyết định tạm đình chỉ chế độ trợ cấp.

Tuy nhiên, BLDS năm 2015 không có quy định nào giới hạn thời hạn đại diện theo ủy quyền của cá nhân. Do Thông tư 05 nêu trên quy định về thời hạn ủy quyền trái với BLDS và BLDS là văn bản do Quốc hội ban hành có giá trị pháp lý cao hơn Thông tư do Bộ trưởng ban hành nên trường hợp này BLDS sẽ được ưu tiên áp dụng so với Thông tư 05 nêu trên.

2.3. Nguyên tắc áp dụng văn bản quy phạm pháp luật được ban hành sau

Theo quy định tại khoản 3 Điều 156 Luật BHVBQPPL thì trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật do cùng một cơ quan ban hành có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của văn bản quy phạm pháp luật ban hành sau. Do đó, nếu các văn bản có cùng giá trị pháp lý mà có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì cần kiểm tra thời điểm ban hành, văn bản nào được ban hành sau sẽ là văn bản được ưu tiên áp dụng.

Ví dụ: Theo Điều 492 BLDS 2005 thì hợp đồng thuê nhà ở phải được lập thành văn bản, nếu thời hạn thuê từ 6 tháng trở lên thì phải có công chứng hoặc chứng thực và phải đăng ký, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Tuy nhiên, theo khoản 2, Điều 122, Luật Nhà ở năm 2014  thì đối với trường hợp cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ, ủy quyền quản lý nhà ở thì không bắt buộc phải công chứng, chứng thực hợp đồng, trừ trường hợp các bên có nhu cầu.

Do BLDS và Luật Nhà ở đều do Quốc hội ban hành, có giá trị pháp lý ngang nhau nhưng Luật Nhà ở 2014 ban hành sau BLDS 2005 nên Luật Nhà ở sẽ được ưu tiên áp dụng trong trường hợp này.

2.4. Nguyên tắc áp dụng văn bản hướng dẫn thi hành khi văn bản được hướng dẫn hết hiệu lực

Theo quy định tại khoản 4 Điều 154 Luật BHVBQPPL thì trường hợp văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực thì văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết thi hành văn bản đó cũng đồng thời hết hiệu lực. Ví dụ: Nghị định 163/2006/NĐ-CP và Nghị định 11/2012/NĐ-CP là các văn bản hướng dẫn BLDS 2005 về giao dịch bảo đảm. BLDS 2005 hết hiệu lực từ ngày 01/01/2017, theo quy định nêu trên của Luật BHVBQPPL thì Nghị định 163/2006/NĐ-CP và Nghị định 11/2012/NĐ-CP hết hiệu lực kể từ ngày BLDS 2005 hết hiệu lực thi hành.

Tuy nhiên, trong thực tiễn áp dụng có nhiều trường hợp văn bản hướng dẫn thi hành luật cũ, mặc dù luật cũ hết hiệu lực nhưng chưa có văn bản hướng dẫn mới để thay thế cho văn bản hướng dẫn đó thì văn bản hướng dẫn đó vẫn được áp dụng nếu các hướng dẫn đó không trái với luật mới. Ví dụ: Nghị quyết 03/2012/NQ-HĐTP ngày 03/12/2012 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao là văn bản hướng dẫn BLTTDS 2004 (sửa đổi, bổ sung 2011). Mặc dù BLTTDS 2004 (sửa đổi, bổ sung 2011) đã hết hiệu lực kể từ ngày BLTTDS 2015 có hiệu lực thi hành (01/7/2016) tuy nhiên hiện nay Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao vẫn chưa ban hành văn bản để thay thế Nghị quyết 03/2012/NQ-HĐTP. Do đó thực tiễn xét xử vẫn áp dụng nghị quyết 03/2012/NQ-HĐTP để hướng dẫn cho các nội dung mà BLTTDS 2004 (sửa đổi, bổ sung 2011) không trái với BLTTDS 2015. Việc áp dụng này là phù hợp với quan điểm của Chính phủ tại phiên họp thường kỳ tháng 4 năm 2016[15].

Như vậy, khi áp dụng pháp luật, cần lưu ý đối với các trường hợp tương tự thì có thể tiếp tục áp dụng văn bản hướng dẫn đã hết hiệu lực nhưng chưa bị thay thế bởi văn bản khác (trong thực tiễn xét xử thông thường là các Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao).

2.5. Nguyên tắc ưu tiên áp dụng luật chuyên ngành (Luật chung – Luật riêng), mối quan hệ giữa BLDS, Luật Thương mại và Luật chuyên ngành khác

Khác với các nguyên tắc khác đã được ghi nhận cụ thể tại Luật BHVBQPPL, nguyên tắc “ưu tiên áp dụng luật chuyên ngành” không được quy định một cách rõ ràng mà nằm rải rác trong một số văn bản. Chẳng hạn, theo khoản 1 Điều 4 BLDS năm 2015 thì: “Bộ luật này là luật chung điều chỉnh các quan hệ dân sự”. Tiếp đó, khoản 2 Điều 4 BLDS năm 2015 quy định: “Luật khác có liên quan điều chỉnh quan hệ dân sự trong các lĩnh vực cụ thể không được trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại Điều 3 của Bộ luật này” và khoản 3 Điều 4 quy định: “Trường hợp luật khác có liên quan không quy định hoặc có quy định nhưng vi phạm khoản 2 Điều này thì quy định của Bộ luật này được áp dụng”. Như vậy, BLDS được xác định là luật chung trong các quan hệ pháp luật dân sự.

Theo đó, do đặc thù của quan hệ chuyên ngành, các quan hệ có cùng bản chất pháp lý, luật riêng/chuyên ngành có thể quy định khác BLDS, nhưng không được trái với các nguyên tắc chung của luật dân sự. Ví dụ, liên quan đến vấn đề lãi suất, Điều 468 BLDS năm 2015 quy định việc áp dụng mức trần lãi suất vay 20%, trừ “trường hợp luật khác có liên quan quy định khác”, “luật khác” ở đây được hiểu là luật riêng/chuyên ngành (Luật Ngân hàng nhà nước, Luật Các tổ chức tín dụng…)[16].

Nguyên tắc ưu tiên áp dụng luật chuyên ngành còn được thể hiện ở một số văn bản sau: Điều 3 Luật Doanh nghiệp 2014 (Luật Doanh nghiệp 2020 có hiệu lực từ 01/01/2021 vẫn giữ nguyên quy định này chỉ thay từ “luật chuyên ngành” thành “luật khác”); Điều 4 Luật Thương mại 2005; Khoản 2 Điều 1 Bộ luật Hàng hải 2015; Khoản 2 Điều 4 Luật Đầu tư 2014 (nay là khoản 2, 3, 4 Luật Đầu tư 2020)… Như vậy, về nguyên tắc, luật chuyên ngành sẽ ưu tiên áp dụng so với luật chung nếu luật chuyên ngành hoặc luật chung có quy định.

Nếu xem xét đồng thời cả nguyên tắc luật ban hành sau và nguyên tắc luật chung – luật riêng thì về cơ bản, các nguyên tắc sau về trình tự áp dụng pháp luật sẽ được áp dụng[17]:

(i) Trong trường hợp Luật Thương mại và các luật chuyên ngành không quy định về vấn đề pháp lý có liên quan hoặc có quy định khác với BLDS mà các quy định này trái với nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự thì BLDS được ưu tiên áp dụng so với Luật Thương mại và các luật chuyên ngành;

(ii) Trong trường hợp Luật Thương mại và các luật chuyên ngành có quy định khác BLDS về vấn đề pháp lý có liên quan và các quy định này không trái với nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự thì Luật Thương mại và các luật chuyên ngành được ưu tiên áp dụng so với BLDS;

(iii) Trong trường hợp các luật chuyên ngành có quy định khác Luật Thương mại về vấn đề pháp lý có liên quan và các quy định này không trái với nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự thì luật chuyên ngành được ưu tiên áp dụng so với Luật Thương mại; và

(iv) Trong trường hợp các luật chuyên ngành không quy định về vấn đề pháp lý có liên quan nhưng Luật Thương mại có quy định về vấn đề đó và quy định của Luật Thương mại không trái với nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự thì Luật Thương mại được ưu tiên áp dụng so với BLDS (ngay cả khi BLDS cũng có quy định điều chỉnh vấn đề đó).

 

KẾT LUẬN

Qua phân tích một số nội dung về kỹ năng áp dụng pháp luật và giải quyết xung đột pháp luật, tác giả nhận thấy đây là một vấn đề phức tạp, đòi hỏi phải có kỹ năng xử lý. Thực tiễn xét xử cho thấy, việc lựa chọn áp dụng văn bản quy phạm pháp luật nào luôn là vấn đề được đặt ra khi giải quyết các vụ việc. Đôi khi, giữa các văn bản đó lại có sự mâu thuẫn hay xung đột lẫn nhau. Do đó, trang bị cho sinh viên ngành luật các kỹ năng này là vấn đề cấp thiết và đòi hỏi phải có sự nghiên cứu kỹ lưỡng. Các kỹ năng áp dụng pháp luật cũng như giải quyết xung đột pháp luật không chỉ dừng lại ở các nội dung mà bài viết đề cập, còn nhiều vấn đề chuyên sâu và mâu thuẫn từ chính các quy định của Luật BHVBQPPL mà trong phạm vi bài viết, chúng tôi chưa có điều kiện đề cập. Do đó, hi vọng rằng trong thời gian tới, việc nghiên cứu về kỹ năng năng áp dụng pháp luật và xử lý xung đột pháp luật sẽ được quan tâm để cập nhật, trang bị cho sinh viên ngay từ các môn học trong chương trình đào tạo./.

Luật sư Lê Cao & Luật sư Lê Hồng Sơn – Công ty Luật FDVN

[1] Nguyễn Thị Hồi (2009), Áp dụng pháp luật ở Việt Nam hiện nay – Một số vấn đề lý luận và thực tiễn, NXB. Tư pháp, Hà Nội, tr. 30.

[2] Xem quy định về chuẩn đầu ra đào tạo trình độ đại học ngành Luật, Luật Kinh tế của Trường Đại học Luật, Đại học Huế được ban hành theo Quyết định số 207/QĐ-ĐHL-ĐT ngày 29/5/2017 hoặc chuẩn đầu ra chương trình đào tạo trình độ đại học ngành Luật của Đại học Luật Hà Nội được ban hành kèm theo Quyết định số 3773/QĐ-ĐHLHN ngày 09/10/2019.

[3] Chúng tôi đã khảo sát một số chương trình đào tạo cử nhân Luật của một số trường đại học lớn như Đại học Luật Hà Nội, Đại học Luật Hồ Chí Minh, Đại học Luật, Đại học Huế nhưng không thấy có môn học hay chuyên đề nào chuyên sâu về rèn luyện kỹ năng áp dụng pháp luật và xử lý xung đột pháp luật.

[4] Chẳng hạn theo một bản án: “Về việc áp dụng pháp luật: Thời điểm giao dịch được xác lập, nguyên đơn mua trúng đấu giá tài sản và bị đơn Đội T không giao tài sản cho người mua trúng đấu giá là năm 2001, nên Luật nội dung được áp dụng để điều chỉnh trong vụ án này là Bộ luật dân sự năm 1995, nhưng cấp sơ thẩm áp dụng Bộ luật dân sự năm 2005 là thời điểm nguyên đơn nộp đơn khởi kiện để giải quyết là áp dụng pháp luật không đúng”. (Bản án số 150/2019/DS-PT ngày 27/8/2019 của Tòa án nhân dân thành phố CT về “Tranh chấp đòi bồi thường thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra”).

[5] Chẳng hạn theo một Quyết định giám đốc thẩm: “Ngoài ra, Hợp đồng số 16/HĐTC/12 ngày 22/02/2012 giữa Công ty Quang M và Công ty Tây Ng liên quan đến hoạt đồng xây dựng, được xác lập trên cơ sở Hợp đồng thi công xây dựng số 01/HP-XD/HĐ ngày 18/8/2011 giữa Công ty Cổ phần Điện Tam L với Công ty Quang M, nhưng Tòa án cấp sơ thẩm lại áp dụng Luật thương mại để giải quyết vụ án là không đúng. Trong trường hợp này, cần xác định quan hệ tranh chấp liên quan đến lĩnh vực xây dựng, nên cần áp dụng pháp luật xây dựng. Trường hợp pháp luật xây dựng không quy định thì áp dụng Bộ luật dân sự để giải quyết” (Quyết định giám đốc thẩm số 12/2019/KDTM-GĐT ngày 24/9/2019 của HĐTP TANDTC về “Tranh chấp bồi thường thiệt hại hợp đồng khoan phá đá”).

[6] Xem Quyết định giám đốc thẩm số 07/2008/KDTM-GĐT ngày 30/9/2008 của Tòa kinh tế Tòa án nhân dân tối cao về “Tranh chấp hợp đồng thuê mặt bằng”.

[7] Xem Bản án số 194/2020/DS-PT ngày: 24-3-2020 của Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh về “Tranh chấp hợp đồng mua bán nhà và Hợp đồng thế chấp”.

[8] Xem điểm b, khoản 1 Điều 2 Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20 tháng 6 năm 2017 của Quốc hội về thi hành Bộ luật Hình sự.

[9] Chu Xuân Minh, Nguyên tắc chung về áp dụng pháp luật khi xét xử, Tạp chí Tòa án điện tử https://tapchitoaan.vn/bai-viet/phap-luat/nguyen-tac-chung-ve-ap-dung-phap-luat-khi-xet-xu truy cập ngày 30/12/2020.

[10] Xem Quyết định giám đốc thẩm số 23/2008/DS-GĐT ngày 28/8/2008 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

[11] Đỗ Văn Đại (2017), Luật Hợp đồng Việt Nam, Bản án và Bình luận bản án, NXB Hồng Đức, tr.181.

[12] Xem Bản án số 197/2019/DS-PT ngày 18/10/2019 của Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng về “Tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất”; Bản án số 03/2019/DS-PT ngày  16/01/2019 của Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Giang về “Tranh chấp Hợp đồng vay tài sản”; Bản án số 07/2020/DS-ST ngày 29/9/2020 của Tòa án nhân dân huyện Hải Lăng về “Tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất”…

[13] Chu Xuân Minh (2019), Điều khoản chuyển tiếp (Điều 688) thi hành Bộ luật Dân sự năm 2015, Tạp chí Tòa án điện tử https://www.tapchitoaan.vn/bai-viet/phap-luat/dieu-khoan-chuyen-tiep-dieu-688-thi-hanh-bo-luat-dan-su-nam-2015 truy cập ngày 30/12/2020.

[14] Cụ thể: “Về việc áp dụng pháp luật: Căn cứ lời khai của các đương sự và tài liệu có trong hồ sơ vụ án xác định thời gian xảy ra sự kiện pháp lý dẫn đến việc khởi kiện của ông Nguyễn Văn Nh là vào đầu tháng 9 năm 2015. Thời điểm này, Bộ luật Dân sự năm 2005 đang có hiệu lực nên phải áp dụng Bộ luật Dân sự năm 2005 để giải quyết tranh chấp. Bản án sơ thẩm đã áp dụng Điều 688 của Bộ luật Dân sự 2015 quy định về điều khoản chuyển tiếp để áp dụng Bộ luật này giải quyết tranh chấp là không đúng vì tranh chấp trong vụ án là tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, không phải tranh chấp về giao dịch dân sự” (Bản án số 41/2018/DS-PT ngày 21-12-2018 của Tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng về “Tranh chấp về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng”).

[15] Theo đó, Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 09/5/2016 của Chính phủ thể hiện rõ: “Đối với các văn bản quy định chi tiết của các luật, pháp lệnh đã hết hiệu lực nhưng chưa ban hành kịp thời văn bản thay thế, Chính phủ thống nhất tiếp tục áp dụng nếu không trái với tinh thần của luật, pháp lệnh mới được ban hành”.

[16] Nguyễn Văn Hiển (2020), Nguyên tắc áp dụng pháp luật trong trường hợp các văn bản do cùng một chủ thể ban hành có quy định khác nhau về cùng một vấn đề, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 07 (407), tháng 04/2020.

[17] Trương Nhật Quang, Lê Trần Quỳnh Thi (2020), Nguyên tắc giải quyết xung đột pháp luật về hợp đồng, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 17 (417), tháng 9/2020.

…………………………….

Luật sư tại Đà Nẵng

99 Nguyễn Hữu Thọ, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng

Luật sư tại Huế: 

336 Phan Chu Trinh, thành phố Huế, Thừa Thiên Huế

56A Điện Biên Phủ, phường Phường Đúc, thành phố Huế, Thừa Thiên Huế

Luật sư tại Quảng Ngãi:

359 đường Nguyễn Du, thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi

Luật sư tại Hà Nội:

Tầng 5, số 11 Ngõ 183, phố Đặng Tiến Đông, phường Trung Liệt, quận Đống Đa, Hà Nội

Luật sư tại Nghệ An:

Số 19 đường Lê Nin, Nghi Phú, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An

Website: www.fdvn.vn    www.fdvnlawfirm.vn  www.diendanngheluat.vn  www.tuvanphapluatdanang.com

Email: fdvnlawfirm@gmail.com    luatsulecao@gmail.com

Điện thoại: 0935 643 666    –  0906 499 446

Fanpage LUẬT SƯ FDVN: https://www.facebook.com/fdvnlawfirm/

Legal Service For Expat:  https://www.facebook.com/fdvnlawfirmvietnam/

TỦ SÁCH NGHỀ LUẬT: https://www.facebook.com/SayMeNgheLuat/

DIỄN ĐÀN NGHỀ LUẬT: https://www.facebook.com/groups/saymengheluat/

Bài viết liên quan